Mời các em cùng tham khảo Bài học Ôn tập Học kì 1 thuộc sách Chân Trời Sáng Tạo dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 7 củng cố và ôn luyện lại những kiến thức về văn bản đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt đã học trong suốt học kì qua về một số nội dung như phó từ, thuật ngữ, mạch lạc trong liên kết,... Đồng thời biết cách sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, từ địa phương và nhiều kiến thức khác. Chúc các em học tập thật tốt nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu
- Lời của cây - Trần Hữu Thung: Bài thơ thể hiện tình yêu thương, trân trọng những mầm xanh thiên nhiên. Qua đó gửi gắm thông điệp hãy lắng nghe lời của cỏ cây loài vật để biết yêu thương, nâng đỡ sự sống ngay từ khi sự sống ấy mới là những mầm sống; mỗi con người, sự vật, dù là nhỏ bé, đều góp phần tạo nên sự sống như hạt mầm góp màu xanh cho đất trời.
- Sang thu - Hữu Thỉnh: Bài thơ miêu tả cảnh đất trời từ cuối hạ sang thu có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Nhà thơ đã cảm nhận hình ảnh mùa thu bằng sự cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm.
- Ông Một - Vũ Hùng: Tác phẩm kể về tình cảm gắn bó giữa người quản tượng, ông Đề Đốc và dân làng. Họ là những người yêu thương động vật lo lắng cho con vật. Voi luôn nhớ ơn người chủ cũ đã thả mình về làng hằng năm đều về thăm và nhận được sự chào đón nồng hậu của mọi người.
- Con chim chiền chiện - Huy Cận: Văn bản nói về những chú chim chiền chiện với tiếng hót trong veo báo hiệu sự bắt đầu của mùa xuân. Qua đó gửi gắm thông điệp: Con người cần giao hòa với thiên nhiên, đồng thời thu nhận những cảm xúc mà thiên nhiên đem đến cho con người.
- Những cái nhìn hạn hẹp: Hai truyện phê phán cách nhìn thế giới hạn hẹp của ếch, chỉ vì huênh hoang, kiêu ngạo nên phải chịu kết cục bi thảm và chế giễu cách xem và phán về voi của năm ông thầy bói, truyện khuyên người ta: muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện.
- Những tình huống hiểm nghèo: Hai truyện phê phán những người bỏ mặc bạn bè trong hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm, những kẻ xấu trong xã hội, ý mạnh hiếp yếu để thỏa mãn lợi ích cá nhân.
- Biết người, biết ta: Tác giả muốn mượn hình ảnh của trăng, đèn, gió để nói về thái độ và cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Mỗi người đều có những năng lực và thế mạnh riêng, ta không nên tự kiêu, so bì, cho mình là giỏi hơn và coi thường người khác vì mỗi người có điểm mạnh ở từng lĩnh vực khác nhau, có người này, người kia.
- Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng: Từ câu chuyện của Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, truyện nêu ra bài học: Trong một tập thể, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa vào nhau, gắn bó với nhau để cùng tồn tại; do đó, phải biết hợp tác với nhau và tôn trọng công sức của nhau.
- Em bé thông minh - nhân vật kết tinh trí tuệ dân gian - Trần Thị An: Tác phẩm phân tích câu chuyện kể về một cậu bé sử dụng trí thông minh của mình để chinh phục nhà vua và sứ giả nước láng giềng.
- Hình ảnh hoa sen trong bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen - Trần Tiến Tựu: Bài ca dao cho ta thấy vẻ đẹp cao quý của bông hoa sen. Dù sống gần bùn tanh và bẩn nhưng đóa hoa sen vẫn luôn ngát hương, vẫn đẹp yêu kiều, quý phái. Ẩn sâu trong hình ảnh hoa sen ấy, tác giả dân gian như muốn truyền tải thông điệp: con người cũng vậy, hãy sống như một đóa hoa sen, dù có tiếp xúc với cái xấu, cái ác vẫn luôn giữ bản chất lương thiện, vốn có của mình.
- Bức thư chú lính chì dũng cảm - Li-xơ-bớt Đao-mon-tơ: Bức thư là những dòng tâm sự của tác giả về nhân vật chú lính chì – nhân vật yêu thích của tác giả trong những năm tháng tuổi thơ của mình.
- Sức hấp dẫn của truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng - Minh Khuê: Văn bản đã khẳng định truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng là một truyện ngắn đặc sắc và hấp dẫn, để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc.
- Cốm Vòng - Vũ Bằng: Văn bản Cốm Vòng là tùy bút bày tỏ tình cảm yêu mến, trân trọng với cốm - món ăn giản dị thường ngày nhưng đậm đà hương vị của quê hương.
- Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát - Y Phương: Tác giả bày tỏ tình cảm trân trọng, yêu mến với hạt dẻ Trùng Khánh. Giống hạt dẻ Trùng Khánh là số một, không ở đâu bằng. Hạt dẻ Trùng Khánh ngọt thơm bởi bàn tay người trồng, chăm bón – những con người sống hồn nhiên, chân chất, không tính toán, bon chen.
- Thu sang - Đỗ Trọng Khơi: Bài thơ là những cảm xúc, tình cảm yêu mến, trân trọng mà tác giả dành cho thiên nhiên lúc thu về.
- Mùa phơi sân trước - Nguyễn Ngọc Tư: Văn bản “Mùa phơi sân trước” đã ghi lại cảm xúc của tác giả khi nhớ về tuổi thơ đạp xe về nhà ngoại: đâu đâu cũng thấy người ta phơi đồ trên sân.
- Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu: Văn bản: “Chúng ta có thể đọc nhanh hơn” cung cấp cho chúng ta tri thức để giúp chúng ta có thể đọc với tốc độ nhanh hơn.
- Cách ghi chép để nắm chắc nội dung bài học - Du Gia Huy: Văn bản “Cách ghi chép để nắm chắc nội dung bài học” cung cấp cho chúng ta những cách ghi chép hiệu quả, giúp ta hiểu bài dễ dàng hơn
- Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học: Qua văn bản Bài học từ cây cau ta thấy được sự trân trọng, yêu mến cây cau của nhân vật “tôi”. Cây cau để lại cho tác giả nhiều kỉ niệm tuổi thơ, cây cau cùng những câu hỏi của ông nội cũng giúp tác giả có những bài học trong cuộc sống.
- Phòng tránh đuối nước - Nguyễn Trọng An: Văn bản Phòng tránh đuối nước cung cấp cho chúng ta tri thức về cách phòng tránh đuối nước.
1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt
a. Phó từ
- Phó từ là những từ chuyên đi kèm động từ hoặc tính từ để bổ sung cho động từ, tính từ một ý nghĩa nào đó. Phó từ còn được gọi là phụ từ. Phó từ có thể đứng trước hoặc sau tính từ, động từ, giữ vai trò là yếu tố phụ.
Khi đứng trước động từ, tính từ, phó từ thường bổ sung cho hành động, trạng thái, đặc điểm, tính chất được nêu ở động từ, tính từ một số ý nghĩa như: quan hệ thời gian, mức độ, sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, sự cầu khiến..
b. Tác dụng của dấu chấm lửng
- Biểu đạt ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết khi kết hợp với dấu phẩy đứng trước nó.
- Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngùng, ngắt quãng.
- Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.
- Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt
- Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng
c. Ôn tập từ Hán Việt
- Từ Hán Việt là những từ và ngữ tố tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Hán và những từ tiếng Việt được người nói tiếng Việt tạo ra bằng cách ghép các từ và/ hoặc ngữ tố tiếng Việt gốc Hán lại với nhau.
- Từ Hán Việt cũng có thể có nhiều nghĩa khác nhau.
d. Mạch lạc trong văn bản: đặc điểm và chức năng
- Đặc điểm: các phần, cách đoạn cùng nói về một chủ đề và phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lý.
- Chức năng: sự mạch lạc làm cho văn bản liền mạch và gợi hứng thú cho người đọc/người nghe.
e. Ngôn ngữ của các vùng miền
Mỗi vùng miền ở Việt Nam đều có những sắc thái khác nhau về tiếng Việt.
- Dựa vào cách phát âm chúng ta có thể nhận ra giọng ba miền Bắc, Trung, NaN.
- Mặt từ vựng cũng có sự khác nhau giữa ba miền.
→ Sự khác biệt về ngôn ngữ góp phần tạo lên sự phong phú của tiếng Việt.
g. Thuật ngữ
- Thuật ngữ là từ, ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ thường dùng trong các văn bản thông tin thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ.
- Đặc điểm thuật ngữ:
+ Trong một lĩnh vực khoa học, công nghệ, mỗi thuật ngữ biểu thị một khái niệm và ngược lại, khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ.
+ Thuật ngữ không có tính biểu cảm.
- Chức năng của thuật ngữ: thuật ngữ được biểu thị các khái niệm khoa học, công nghệ.
Bài tập minh họa
Bài tập 1: Phân tích truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại bài thơ truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng
- Dựa vào nội dung bài học để phân tích tác phẩm
- Có thể tham khảo một số bài văn mẫu trên sách báo hoặc internet
- Cần đảm bảo những nội dung chính sau:
1. Chân, Tay, Tai, Mắt so bì, tị nạnh với lão Miệng
+ Chân, Tay, Tai, Mắt cho rằng lão Miệng cho rằng họ phải “làm việc mệt nhọc quanh năm còn lão Miệng không làm gì cả, chỉ ngồi ăn không”.
+ Họ kéo nhau đến nhà lão Miệng, đến nơi không chào hỏi, nói thẳng với lão “Từ nay chúng tôi không làm gì để nuôi ông nữa”.
2. Hậu quả về hành động của Chân, Tay, Tai, Mắt
+ Cậu Chân, cậu Tay: không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy, vui đùa như trước.
+ Cô Mắt: ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, thấy hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà ngủ thì không được.
+ Bác Tai: nghe tiếng gì cũng không rõ, thấy lúc nào cũng ù ù như xay lúa ở trong.
→ Cả hội lừ đừ, mệt mỏi.
3. Cách sửa chữa hậu quả
+ Cả bọn cố gượng dậy đến nhà lão Miệng, vực lão Miệng dậy và tìm thức ăn cho lão.
+ Cả bọn lại chung sống hòa thuận, mỗi người một việc như trước, không ai tị nạnh ai cả.
Lời giải chi tiết:
Trong kho tàng truyện ngụ ngôn của Việt Nam ta có rất nhiều những câu chuyện ý nghĩa, trong đó không thể không kể tới truyện “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”. Đây là một câu chuyện rất độc đáo, mượn hình ảnh các bộ phận trên cơ thể con người để nói về chuyện của con người. Đây là một câu chuyện vui và hóm hỉnh nhưng lại chứa đựng những hàm ý triết lí sâu xa và bài học thấm thía.
“Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” là năm cơ quan của cơ thể người đã được ngụ ngôn nhân hóa thành những cá nhân trong một tổ chức, cộng đồng và đặt trong một mối quan hệ thống nhất, tương trợ và phụ thuộc lẫn nhau. Từ xa xưa, năm người họ đã sống với nhau rất thân thiết, nhưng đã nảy sinh ra vấn đề bốn người là cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai đều cảm thấy mình phải làm việc nặng nhọc quanh năm chỉ để cho lão Miệng ngồi ăn không.
Nghĩ như vậy xong họ đã quyết định nghỉ ngơi không làm nữa, để xem lão Miệng lấy gì mà ăn, thử xem lão ấy có sống được không. Câu chuyện đã miêu tả rất sinh động cảnh bốn người họ kéo nhau tới nhà lão Miệng nói lão như trút hết những nỗi bất bình lên đầu lão. Nhưng liệu họ làm như vậy có đúng hay sai, liệu bốn người họ đã suy xét kĩ càng hay chưa? Trên thực tế đúng là lão Miệng không hề làm gì, chỉ việc ăn,còn cả Chân, Tay, Tai, Mắt lúc nào cũng phải làm việc. Nhưng thật trớ trêu khi họ quyết định nghỉ ngơi không làm gì để cho lão Miệng có cái ăn thì họ lại rất mệt mỏi, rã rời: “Cậu Chân, cậu Tay không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy, vui đùa như trước nữa; Cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, thấy hai mi nặng trĩu như buồn ngủ mà không ngủ được. Bác Tai thấy lúc nào cũng ù ù như lúa ở trong”.
Tất cả mọi người đều phải chịu sự mệt mỏi ấy, riêng chỉ có bác Tai là nhận ra sai lầm và đến nói với cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay. Bởi chính việc ăn của lão miệng là nuôi sống chúng ta, nếu lão không được ăn thì chúng ta cũng sẽ bị tê liệt, lão tuy không đi làm nhưng có công việc là nhai, đó cũng là làm việc chứ không phải ăn không ngồi rồi “Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khỏe khoắn được”. Nói rồi mọi người đã hiểu ra sự tình rồi cùng nhau đi tới nhà lão Miệng, nhìn thấy lão cũng đang trong tình trạng “nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm khô như rang, không buồn nhếch mép”. Khi cậu Chân và Tay đi tìm thức ăn cho lão ăn thì lão dần tỉnh lại, ngay lúc đó cả bốn người Tai, Mắt, Chân, Tay cũng đều cảm thấy đỡ mệt nhọc và khoan khoái hơn trước.
Câu chuyện đã nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ nương tựa và phụ thuộc lẫn nhau giữa những cá nhân trong một tổ chức, tập thể. Con người không thể tách mình sống riêng biệt mà tồn tại được, mỗi người, như một bộ phận trong một cỗ máy tập thể, thiếu đi một bộ phận dù nhỏ cũng không thể hoàn thành cỗ máy hoàn chỉnh. Bài học sâu sắc của câu chuyện chính là cùng sống, cùng hòa hợp để có thể tồn tại và mưu cầu hạnh phúc.
Bài tập 2: Cho biết hai câu sau đây, trường hợp nào hỗn hợp được dùng như một thuật ngữ, trường hợp nào hỗn hợp được dùng như một từ ngữ thông thường.
a. Nước tự nhiên ở ao, hồ, sông, biển,... là một hỗn hợp.
b. Đó là một chương trình biểu diễn hỗn hợp nhiều tiết mục.
Hãy đặt câu với từ hỗn hợp dùng theo nghĩa thông thường.
Hướng dẫn giải:
- Vận dụng kiến thức ôn tập thuật ngữ để phân tích
- Dựa vào nghĩa thuật ngữ của từ hỗn hợp và nghĩa của từ hỗn hợp được hiểu một cách thông thường
Lời giải chi tiết:
a) Hỗn hợp trong ví dụ (a) được dùng như một thuật ngữ.
b) Hỗn hợp trong ví dụ (b) được dùng như một từ thông thường.
* Đặt câu với từ hỗn hợp dùng theo nghĩa thông thường: Ba em nuôi cá bằng thức ăn hỗn hợp.
Lời kết
- Học xong bài Ôn tập Học kì 1, các em cần nắm:
+ Nắm được nội dung chính về văn bản đã học.
+ Vận dụng được các kiến thức phần Tiếng Việt áp dụng vào viết văn bản.
Soạn bài Ôn tập Học kì 1 Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Ôn tập Học kì 1 nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa lại những kiến thức đã học. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Ôn tập Học kì 1 Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247