Nhằm giúp các em học sinh có thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích cho môn Ngữ văn 7, HỌC247 đã biên soạn bài Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu. Bài giảng tóm tắt nội dung về tác giả A-đam Khu và các thông tin hữu ích về phương pháp giúp đọc sách nhanh hơn. Từ đó, vận dụng kiến thức đã học cải thiện tốc độ đọc của bản thân. Mời các em cùng tham khảo!
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả A-đam Khu
Chân dung tác giả A A-đam Khu
- Adam Khoo (A-đam Khu) sinh ngày 08/04/1974
- Quốc tịch: Singapore
- Ông được đánh giá là một trong những nhà truyền động lực có sức ảnh hưởng lớn nhất châu Á: ông là một doanh nhân, diễn giả nổi tiếng
- Ông là triệu phú trẻ nhất ở Singapore với khối tài sản ròng trị giá hơn 1.3 tỉ USD, và được xếp hạng trong số 25 người giàu nhất ở Singapore dưới 40 tuổi năm 2008
- Tác phẩm chính: Tôi tài giỏi, bạn cũng thế; Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh; Con cái chúng ta đều giỏi; Bí quyết thành công cho tuổi teen;…
1.1.2. Tác phẩm Chúng ta có thể đọc nhanh hơn
a. Xuất xứ
- Văn bản “Chúng ta có thể đọc nhanh hơn” được in trong sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!”, Người dịch Trần Đăng Khoa – Lương Xuân Vy, NXB Phụ nữ, TGM BOOKS, 2012.
b. Thể loại:
- Chúng ta có thể đọc nhanh hơn thuộc thể loại văn bản thông tin.
c. Bố cục
Chúng ta có thể đọc nhanh hơn có bố cục gồm 6 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “tốc độ đọc nhanh hơn”: Hướng dẫn ta sử dụng một cây bút chì làm vật dẫn đường
- Phần 2: Tiếp đến “nắm bắt thông tin của bạn”: Tìm kiếm những ý chính và các từ khóa
- Phần 3: Tiếp đến “hiệu quả hơn”: Mở rộng tầm mắt để đọc được một cụm 5-7 chữ một lúc
- Phần 4: Tiếp đến “bằng mắt của bạn”: Tập nghe nhạc nhịp độ nhanh trong lúc đọc để bạn có một không gian riêng
- Phần 5: Tiếp đến “đọc hiệu quả hơn”: Đọc phần tóm tắt cuối chương trước
- Phần 6: Còn lại: Liên tục thúc đẩy và thử thách khả năng của bạn
d. Tóm tắt tác phẩm
Để thúc đẩy tốc độ đọc nhanh và nắm bắt thông tin hiệu quả hơn, văn bản đã hướng dẫn chúng ta 6 cách. Cách đầu tiên là sử dụng cây bút chì làm vật dẫn đường. Cách thứ hai là tìm kiếm những ý chính và các từ khóa. Cách ba là mở rộng tầm mắt để đọc được một cụm 5-7 chữ một lúc. Cách thứ tư là tập nghe nhạc nhịp độ nhanh trong lúc đọc khi bạn có một không gian riêng. Cách thứ năm là đọc phần tóm tắt cuối chương trước. Cuối cùng là liên tục thúc đẩy và thử thách khả năng của bạn.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Sử dụng một cây bút chì làm vật dẫn đường
- Tác giả hướng dẫn chúng ta: dùng một cây bút chì làm “vật dẫn mắt” qua từng câu văn khi đọc
- Tác dụng của cách này:
+ Giúp chúng ta tập trung hơn vào việc đọc
+ Điều khiển tốc độ mắt của ta
→ Cần di chuyển bút chì nhanh hơn tốc độ đọc bình thường của mình để rèn luyện tốc độ đọc.
Phương pháp đọc dùng bút chì làm vật dẫn đường
1.2.2. Tìm kiếm những ý chính và các từ khóa
- Chúng ta cần “tìm kiếm những từ khóa quan trọng” khi đọc
- Lướt qua những từ “không chính yếu”
→ Hiểu được điều này sẽ giúp ích cho tiến trình nắm bắt thông tin
1.2.3. Mở rộng tầm mắt để đọc được một cụm 5-7 chữ một lúc
- Cần mở rộng tầm mắt như “chụp đồng thời cả một nhóm 5-7 chữ”
- Không nên đọc dò từng chữ
→ Cần thường xuyên luyện tập để cải thiện tốc độ đọc
Phương pháp đọc mở rộng tầm mặt để đọc cụm nhiều chữ
1.2.4. Tìm kiếm những ý chính và các từ khóa
- Có thể “nghe nhạc không lời” có nhịp độ nhanh:
- Giải thích:
+ Vì chúng ta có khuynh hướng đọc sách nhanh để bắt kịp tốc độ nhạc
+ Tiếng nhạc có thể lấp đi các tiếng động làm xao nhãng ta, dập tắt giọng đọc thầm bên trong đang kìm hãm tốc độ đọc bằng mắt của ta
→ Sau vài lần luyện tập, ta sẽ đọc nhanh hơn mà không cần nhạc
1.2.5. Đọc phần tóm tắt cuối chương trước
- Nên đọc tóm tắt cuối chương trước khi quay lại đọc từ đầu chương:
- Lí do:
+ Đọc cuối chương sẽ giúp ta nắm được nội dung chính của chương (Cuối chương hay có tóm tắt ý chính, các câu hỏi kiểm tra về chương)
+ Não cũng biết những thông tin cần thiết nào mà ta cần tìm hiểu trong sách
- Đọc lướt đề mục chính và phụ trong chương trước khi đọc chi tiết
1.2.6. Liên tục thúc đẩy và thử thách khả năng của bạn
- Tác giả đã so sánh việc thử thách khả năng đọc của mình như việc các vận động viên buộc vật nặng vào chân để rèn luyện cơ bắp.
- Cụ thể:
+ Ta cần di chuyển bút chì nhanh hơn để rèn luyện tốc độ đọc
→ Cần thực hành việc này nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
- Văn bản: “Chúng ta có thể đọc nhanh hơn” cung cấp cho chúng ta tri thức để giúp chúng ta có thể đọc với tốc độ nhanh hơn.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Bố cục văn bản rõ ràng
- Các đề mục kết hợp hiệu quả phương tiện ngôn ngữ với phi ngôn ngữ
- Lí lẽ, lập luận logic, thuyết phục
Bài tập minh họa
Bài tập: Thông qua văn bản Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo, em hãy thuyết minh về phương pháp đọc sách hiệu quả.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại văn bản Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu
- Dựa vào các cách đọc trong văn bản trên và hiểu biết của cá nhân để viết bài thuyết minh
- Có thể tham khảo những phương pháp sau:
+ Đọc sách theo kế hoạch
+ Chọn địa điểm phù hợp để đọc sách
+ Vận dụng những gì bạn đã học được và áp dụng nó vào trong đời sống để ghi nhớ kiến thức lâu hơn
Lời giải chi tiết:
Sách là kho tàng của kiến thức của nhân loại. Vì thế ta cần phải đọc sách để có thể mở mang tư duy và khả năng sáng tạo cũng như học hỏi được những kinh nghiệm của người khác và nó cũng có thể giúp ta mở rộng thêm tâm hồn của mình để có thể cảm thông nhiều cho người khác.
Muốn có được tri thức có trong sách nhất định phải có phương pháp đọc sách hiệu quả. Theo tôi, đọc sách là một việc làm rất cần có kế hoạch. Bởi có nhiều người mặt dù mỗi ngày đều đọc sách nhưng họ không thể nào cảm nhận được những gì tác giả muốn gửi đến cho mình. Ngược lại, có nhiều người mặc dù không đọc sách nhiều nhưng mỗi lần đọc là họ đều có thể cảm nhận được những thông điệp mà tác giả muốn gửi đến một cách sâu sắc và có thể vận dụng nó trong cuộc sống.
Đọc sách theo kế hoạch vẫn chưa đủ giúp ta tích lũy tri thức. Các thể loại sách trên thế giới hiện nay là nhiều vô số kể. Ví dụ như: sách khoa học giúp cho ta hiểu hơn về thế giới xung quanh, sách văn học có chỉ ra cho ta thấy những vẻ đẹp bấy lâu nay đã ẩn chứa trong chúng ta và các thể loại sách kỹ năng sống giúp cho ta biết làm thế nào để sống đúng, sống đẹp.
Chính vì có quá nhiều loại sách như vậy nên chúng ta cũng cần tự vạch ra cho mình một kế hoạch và cũng như thời gian phù hợp để có thể đọc được những cuốn sách hay ấy. Theo tôi, thời gian đọc sách của các bạn nên tùy vào từng mục đích. Ví dụ như nếu bạn muốn nhanh chóng hoàn thành một cuốn sách trọn vẹn trong thời gian ngắn nhất thì bạn nên tự đặt ra cho mình một cột móc thời gian bắt bản thân hoàn thành nó tùy vào độ dày và nội dung của quyển sách ấy.
Đối với nhiều người, mỗi địa điểm đọc sách lại cho ta một cung bậc cảm xúc khác nhau khi đọc sách. Nhưng đối với tôi, tất cả mọi địa điểm đều như nhau. Chỉ cần bạn có hứng thú đọc sách thì trong bất kì môi trường nào bạn cũng có thể tạo cho mình một sự tập trung cần thiết cho việc đọc sách của bạn.
Cách bạn đọc sách sẽ quyết định hiệu quả của việc đọc. Mỗi lần tôi đọc sách, tôi không chỉ nhìn vào những con chữ và đọc theo nó. Mà tôi lúc nào cũng cố gắng hóa thân vào chính nhân vật trong câu chuyện đang đọc cũng như tự tạo dựng nên một bối cảnh trong trí tưởng tượng của mình để có thể thấu hiểu được nội dung câu chuyện cũng như những thông điệp mà tác giả muốn gửi đến cho chúng ta.
Sau khi đã hoàn thành xong một quyển sách, điều đầu tiên bạn cần làm là vận dụng những gì bạn đã học được và áp dụng nó vào trong đời sống một cách hiệu quả nhất. Hoặc bạn có thể tìm đến những người đã từng đọc qua hay đang trong quá trình đọc quyển sách mà bạn mới hoàn thành để có thể trao đổi thêm những gì mà bạn chưa hiểu hay muốn hiểu thêm về vấn đề nào đó trong quyển sách mà bạn không thể nào nắm bắt được những ý đồ của tác giả.
Ví dụ khi đọc truyện “Tôi là Bêtô” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, các đọc giả sẽ có thể hiểu rõ hơn về đời sống nội tâm của các chú cún con trong nhà của mình khi tác giả đã khéo léo dựng lên những tình huống vô cùng thú vị nhưng cũng vô cùng thân thuộc với chúng ta. Qua câu chuyện này, Nguyễn Nhật Ánh mặc dù không hề có định hướng giáo dục, ông cũng không phát đi những thông điệp nào cả, mà nó cứ thấm vào lòng trẻ thơ một cách tự nhiên không thể nào từ chối được. Ta có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là một người lớn nhưng lại có tâm hồn như một đứa trẻ, Những câu chuyện thường ngày cứ thế trôi, nhưng khi nhìn lại những người đã từng sống trong khoảnh khắc ấy sao nhớ quá.
Đọc sách là cả một nghệ thuật. Hãy đọc sách bằng cả tâm hồn của mình, vừa đọc vừa ngẫm ngợi. Để rồi khi gấp cuốn sách lại thì tôi có thể tưởng tượng đến cái thế giới tràn ngập những tiếng cười cùng với vô vàn những điều hồn nhiên. Cảm ơn Nguyễn Nhật Ánh đã cho tôi những câu truyện cổ tích ngay đời thường giúp cho cuộc sống của bao học sinh cũng như những người trưởng thành trở nên tươi đẹp hơn.
Lời kết
- Học xong bài Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu, các em cần:
+ Phân tích các phương pháp giúp đọc nhanh hơn
+ Vận dụng kiến thức văn bản để cải thiện việc đọc sách của bản thân
Soạn bài Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Qua bài tác phẩm Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu đã mang đến cho người đọc những kiến thức bổ ích về phương pháp đọc nhanh hơn. Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Tác phẩm Chúng ta có thể đọc nhanh hơn - A-đam Khu đã cho người đọc những thông tin bổ ích để cải thiện vấn đề đọc ở mỗi người. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
---------------------(Đang cập nhật)---------------------
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247