Xin gửi đến các em học sinh lớp 7 nội dung lí thuyết Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học thuộc sách Chân Trời Sáng Tạo dưới đây đã được HOC247 biên soạn kĩ càng. Đây sẽ là nguồn thông tin hữu ích để giúp các em học sinh tìm hiểu về tác giả và ý nghĩa rút ra từ tác phẩm về cách sống biết nhìn về tương lai tươi sáng, không ngừng cố gắng, hoàn thiện bản thân. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Nguyễn Văn Học
- Quê quán: Phú Xuyên (Hà Tây cũ)
- Nguyễn Văn Học đã có một gia tài văn chương đáng nể: 22 đầu sách riêng gồm ký, thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết.
- Anh cũng là một nhà báo năng nổ, chịu đi, chịu viết và chưng cất thành những trang văn sinh động từ chính cuộc sống đầy sôi động, muôn hình muôn vẻ.
- Tác phẩm chính: “Những cô gái bất hạnh” (NXB Lao động, 2007); “Gái điếm” (NXB Văn học, 2008); “Đường dài của hạnh phúc” (NXB Công an nhân dân, 2008); “Rơi xuống vực sâu” (NXB Công an nhân dân 2009); “Bão người” (NXB Công an nhân dân 2009); “Cao bay xa chạy” (NXB Hà Nội 2010); “Hỗn Danh” (NXB Hội Nhà văn 2011); “Hoa giang hồ” (NXB Văn học 2011); “Khi vết thương nằm xuống” (NXB Văn học năm 2013),…
1.1.2. Tác phẩm Bài học từ cây cau
a. Xuất xứ
- Văn bản Bài học từ cây cau được trích trong “Trò chuyện với hàng cau”, Báo Quân đội nhân dân, 9/4/2020.
b. Thể loại:
- Bài học từ cây cau thuộc thể loại truyện ngắn.
c. Bố cục
Bài học từ cây cau có bố cục gồm 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “dòng họ ta”: Sự gắn bó của những thành viên trong gia đình nhân vật “tôi” với cây cau
- Phần 2: Còn lại: Bài học rút ra từ cây cau của nhân vật “tôi”
d. Tóm tắt tác phẩm
Nhân vật “tôi” và những người trong gia đình đều gắn bó với cau một cách tự nhiên. Ngày nào, cau cũng hiện diện trước nhà, gắn bó trong đời sống và sinh hoạt văn hóa. Ông của nhân vật “tôi” chính là người đã gieo lòng yêu cây cau, yêu quê nhà cho bố, chú và nhân vật “tôi” qua những câu hỏi của ông. Nhân vật “tôi” thường trò chuyện với cau để nhớ về tuổi thơ và tự hoàn thiện bản thân hơn.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Mối quan hệ giữa cây cau và gia đình nhân vật “tôi”
* Những cuộc hỏi – đáp giữa các nhân vật với nhau và với cau:
- Giữa ông với bố:
+ Ông hỏi: “Nhìn lên cây cau con thấy gì?”
+ Bố đáp: “Con thấy bầu trời xanh”
- Giữa ông với cháu:
+ Ông hỏi: “Nhìn lên cây cau cháu thấy gì?”
+ Cháu đáp: “Cháu thấy bài học làm người ngay thẳng. Đó là triết lí của ông phải không ạ?”
- Giữa cháu với ông:
+ Cháu hỏi: “Vậy nhìn lên cây cau ông đã thấy gì ạ?”
+ Ông đáp: “Ông thấy tương lai tươi đẹp của dòng họ ta.”
- Nhân vật “tôi” và những người trong gia đình đều gắn bó với cau một cách tự nhiên.
- Ngày nào, cau cũng hiện diện trước nhà, gắn bó trong “đời sống và sinh hoạt văn hóa”.
→ Ông của nhân vật “tôi” chính là người đã gieo lòng yêu cây cau, yêu quê nhà cho bố, chú và nhân vật “tôi” qua những câu hỏi của ông.
1.2.2. Tình cảm yêu mến và bài học từ cây cau của nhân vật “tôi”
- Nhân vật “tôi” nhận định: Mỗi người một cách nghĩ, một “sự thấy khác nhau.
→ Qua những câu hỏi của ông, mỗi người trong gia đình nhân vật “tôi” đều có một cách sống và làm việc sáng tạo, có ý nghĩa.
- Nhân vật “tôi” trò chuyện với cau, cũng như đang trò chuyện với chính mình:
Nhân vật "tôi" trò chuyện với cây cau
+ Nhân vật “tôi” hỏi: “Ở trên đó cau có gì vui?”
+ Cau: “một đàn chim xòe cánh bay ra”
+ Nhân vật “tôi” hỏi: “Cau có thấy bầu trời cao rộng?”
+ Cau: “những tàu cau đung đưa, tạo ra âm thanh xạc xào”
- Nhân vật “tôi” lại nhớ về tuổi thơ:
+ Nhớ trò “kéo xe bằng mo cau”
→ Qua việc mượn cau để trò chuyện với chính mình, ta thấy nhận nhân vật “tôi” là một người sống tình cảm, yêu quê hương, yêu những hàng cau quê hương, luôn nhớ về quê hương, gia đình và những kỉ niệm tuổi thơ. Nhờ có cây cau và những câu hỏi của ông nội đã thôi thúc trong nhân vật “tôi” những suy nghĩ về bài học làm người: sống ngay thẳng như cau, biết nhìn về tương lai tươi sáng và không ngừng cố gắng, hoàn thiện bản thân.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
- Qua văn bản Bài học từ cây cau ta thấy được sự trân trọng, yêu mến cây cau của nhân vật “tôi”. Cây cau để lại cho tác giả nhiều kỉ niệm tuổi thơ, cây cau cùng những câu hỏi của ông nội cũng giúp tác giả có những bài học trong cuộc sống.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng, sâu lắng
- Tác giả thành công khi thể hiện cái “tôi” trữ tình
- Hình ảnh gợi cảm, gợi tình
Bài tập minh họa
Bài tập: Thông qua văn bản Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo, em hãy viết đoạn văn nghị luận về ý chí, nghị lực sống của con người.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại văn bản Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học
- Dựa vào nội dung văn bản trên và hiểu biết của cá nhân để viết bài
- Có thể tham khảo những ý sau:
+ Ý chí, nghị lực sống là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của con người
+ Ý chí, nghị lực sống giúp sẽ con người có suy nghĩ đúng đắn và tích cực hơn
+ Là học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải biết phấn đấu trong học tập, rèn luyện đạo đức
Lời giải chi tiết:
Có một câu nói của Thomas Edison mà tôi rất thích: “Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện”. Đúng vậy! Không phải ai sinh ra cũng thành tài mà phải trải qua quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ. Có thể thấy, ý chí, nghị lực sống là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của con người. Ý chí là việc con người có bản lĩnh, có quyết tâm, vững lòng với mục tiêu, với ước mơ của bản thân mình và theo đuổi nó đến còn. Còn nghị lực sống là sự kiên nhẫn, sức sống bền bỉ của con người dù gặp phải những khó khăn, thử thách trên con đường mình đã chọn cũng không bỏ cuộc mà cố gắng đi tiếp. Ý chí và nghị lực sống vô cùng quan trọng và cần thiết đối với con người, đó là kim chỉ nam để cuộc sống con người tốt hơn cũng như đạt được mục tiêu của bản thân và có được thành công. Ý chí, nghị lực chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người, người có ý chí sẽ có kế hoạch làm việc, người có kế hoạch làm việc sẽ lường trước được những khó khăn, thử thách để vượt qua và sớm có được thành công. Bên cạnh đó, ý chí, nghị lực sống giúp sẽ con người có suy nghĩ đúng đắn và tích cực hơn, từ đó giúp chúng ta sống đúng theo những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Để rèn luyện cho bản thân một ý chí, nghị lực sống, chúng ta trước hết cần có mục tiêu cho bản thân mình, lên kế hoạch cụ thể thực hiện mục tiêu đó và cố gắng hằng ngày, dù gặp bất cứ khó khăn gì cũng không nản chí, bỏ cuộc. Là một người học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải biết phấn đấu trong học tập, rèn luyện đạo đức; sống có ước mơ và luôn luôn cố gắng để thực hiện ước mơ đó. Ngoài ra, để hoàn thiện bản thân mình hơn, chúng ta cần tự rèn luyện thói quen đọc sách, tập thể dục, học ngoại ngữ,... để tốt hơn từng ngày. Mỗi người có một lần để sống, hãy khiến cuộc sống của mình đáng sống hơn, ý nghĩa hơn, mỗi ngày trôi qua đều đáng để trân trọng.
Lời kết
- Học xong bài Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học, các em cần:
+ Phân tích mối quan hệ giữa cây cau và gia đình nhân vật “tôi”
+ Cảm nhận được tình cảm yêu mến và bài học từ cây cau của nhân vật “tôi”
Soạn bài Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Qua bài tác phẩm Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học đã mang đến cho người đọc những kiến thức bổ ích về cách nhìn nhận về cuộc sống thông qua cuộc trò chuyện của nhân vật "tôi" với cây cau. Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Tác phẩm Bài học từ cây cau - Nguyễn Văn Học đã cho người đọc có nhìn nhận khách quan hơn về mục đích sống ngay thẳng, luôn hướng về tương lai. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
---------------------(Đang cập nhật)---------------------
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247