Mời quý thầy cô và các em cùng tham khảo Bộ 5 đề thi thử THPT QG năm 2021 môn Ngữ văn Trường THPT Quảng Trạch. Tài liệu được biên soạn nhằm giới thiệu đến các em và quý thầy cô dạng đề thi thử phong phú và đa dạng. Hi vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình học tập của các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!
TRƯỜNG THPT QUẢNG TRẠCH |
ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Cuộc sống của chúng ta ngày nay lệ thuộc quá nhiều vào thói quen, nhiều lúc, ta tưởng như mình bị chính những thói quen điều khiển. Những thói quen ấy và ảnh hưởng của chúng là tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào chọn lựa của bạn. Bạn có thể chọn cách để tâm trí mình luôn ở thế chủ động, không bị những suy nghĩ u mê khống chế. Bạn cũng có thể thay thế những thôi thúc tiêu cực bằng ý nghĩ tích cực. Nhờ những thói quen tích cực tác động, đầu óc bạn sẽ thêm tỉnh táo, trí tưởng tượng thêm phong phú, lòng nhiệt tình, sự đam mê sẽ thêm cháy bỏng và ý chí sẽ được tiếp thêm sức mạnh.
Thái độ tích cực tạo ra một lực hút lớn đối với những điều tốt đẹp. Tương tự, người sở hữu tinh thần tích cực sẽ có sức cuốn hút người khác bằng chính sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống của mình.
Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng. Chúng ta sẽ không cảm thấy quá căng thẳng, nặng nề khi phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, để từ đó biết rút ra bài học kinh nghiệm.
Thái độ tích cực luôn tạo nên những phản ứng tinh thần chính xác đối với mỗi tác động bên ngoài. Khi đó, bạn sẽ biết cách suy nghĩ, hành động và có cách cư xử đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Tâm hồn bạn và cuộc sống này là những điều bạn được tùy nghi sử dụng để đem lại ích lợi tuyệt đối cho chính mình. Do đó, sử dụng nó thế nào để đem lại hiệu quả chỉ phụ thuộc vào bạn mà thôi.
Thái độ tích cực giúp bạn suy nghĩ và hành động sáng suốt hơn, luôn biết hướng về một tương lai xán lạn, mà nơi đó ước mơ và khát vọng của bạn có thể trở thành hiện thực. Bất kỳ khó khăn nào của cuộc sống, tiềm ẩn trong nó cũng là cơ hội cho những ai đủ sáng suốt nhận ra. Đúng như triết lý mà Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli đã từng phát biểu: “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”.
Một trong những cách giúp bản thân suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm. Đó có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa để nhắc nhở bạn bền bỉ thực hành sống tích cực cũng như kiên tâm theo đuổi mục đích đã đặt ra. Khi bạn nhắc đi nhắc lại trong đầu mình một suy nghĩ tích cực, đặc biệt là vào thời điểm phải đối diện với khó khăn, bạn sẽ thêm mạnh mẽ và kiên quyết để vượt qua tất cả nhằm đạt được điều tốt nhất có thể.
(Michael J. Ritt- Chìa khóa tư duy tích cực, Nhà xuất bản trẻ)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả làm thế nào để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực?
Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến cho rằng “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh”?
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với ý kiến cho rằng “Trên đường đời, ai mà chẳng đôi lần thất bại, nhưng nếu ta luôn vững tin bằng tinh thần lạc quan và tích cực thì ta sẽ không bị nhấn chìm vào cảm giác khổ đau, tuyệt vọng”? vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc suy nghĩ tích cực để có thể đạt được điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Trong đoạn kết “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, lúc đầu nhìn thấy A Phủ bị trói đứng vào cột, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay. “Nếu A phủ là cái xác chết đứng đấy cũng thế thôi”. Nhưng sau đó thì Mị lại cắt dây cởi trói cho A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài.
Anh (chị) hãy phân tích về sự thay đổi trên trong tâm lí và hành động của Mị. Từ đó nêu những điểm mới mẻ về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. Đọc - hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận
Câu 2: Theo tác giả, để bản thân có thể suy nghĩ và hành động tích cực là chọn lấy một động lực thúc đẩy từ nội tâm (có thể là một câu “khẩu hiệu” thật ngắn gọn và ý nghĩa)
Câu 3: Câu “Con người không phải là sản phẩm của hoàn cảnh mà là chủ thể tạo ra hoàn cảnh” được hiểu là: Con người có thể làm chủ bản thân, thay đổi hoàn cảnh, tạo cơ hội cho chính bản thân mình, không lệ thuộc vào hoàn cảnh
Câu 4: Các em đưa ra quan điểm cá nhân, sau đó dùng lập luận để bảo vệ cho quan điểm của mình
---(Để xem đầy đủ đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Vài tuần trước, trong bức thư gửi cho tôi, cô Anna Lee Wilson – một phụ nữ tốt bụng và luôn quan tâm đến người khác, có gửi kèm theo một bài thơ tựa đề “Lằn gạch nối” của Linda Ellis. Chị bảo đây là bài thơ mà chị rất thích và chị tin rằng tôi cũng sẽ thích nó.
Quả thật, tôi bị ấn tượng ngay khi vừa mới đọc những câu đầu tiên. Bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh của một người đàn ông đứng lặng trong đám tang bạn mình. Trên tấm bia khắc tên người bạn ấy, người đàn ông dừng lại thật lâu ở lằn gạch mong manh giữa năm sinh và năm mất để hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp đẽ về người bạn quá cố.
Dù chỉ là một lằn gạch nối rất mong manh nhưng nó lại chứa đựng rất nhiều điều. Dấu gạch nối như một ký hiệu biểu trưng cho quãng thời gian tồn tại của chúng ta trên cõi đời này. Dù cho chúng ta có nổi tiếng đến mức nào và có đạt được bao nhiêu sự thành công đi chăng nữa, thì điều thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời này chính là hình ảnh của chúng ta đang có trong trái tim mọi người. Nó được xây dựng dựa trên cách chúng ta đã từng sống và yêu thương, cách mà chúng ta đi qua trong cõi đời này. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, giữa sự xô bồ, náo nhiệt, chúng ta hãy nên dừng lại một chút để quan tâm, sẻ chia với những người xung quanh và để yêu mến họ nhiều hơn, kể cả những người không quen biết. Đó mới là cuộc đời thật sự, để khi bước qua bên kia lằn gạch nối, chúng ta sẽ không phải hối tiếc về điều gì.
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 06)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.
Câu 2. Nêu tác dụng biện pháp tu từ so sánh trong câu: Dấu gạch nối như một ký hiệu biểu trưng cho quãng thời gian tồn tại của chúng ta trên cõi đời này.
Câu 3. Tại sao nhân vật tôi có ấn tượng ngay khi vừa mới đọc những câu đầu tiên khi đọc bài thơ “Lằn gạch nối” của Linda Ellis ?
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản. Nêu rõ lí do tại sao chọn thông điệp đó.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa câu nói “điều thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời này chính là hình ảnh của chúng ta đang có trong trái tim mọi người.” được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. Trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” Nguyễn Minh Châu đã miêu tả những phản ứng của người đàn bà hàng chài. Trước những trận đòn man rợ của người chồng, người đàn bà ấy đã “không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy”. Nhưng khi thằng Phác, con trai chị xông đến đánh cha mình để bảo vệ cho mẹ để rồi nhận hai cái bạt tai ngã dúi xuống đất thì như “có một viên đạn đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà, lảm rỏ xuống những dòng nước mắt”.
(Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giao dục, 2015)
Phân tích hình ảnh người đàn bà trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu về con người.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. Đọc - hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là: Nghị luận
Câu 2: Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu: Dấu gạch nối như một ký hiệu biểu trưng cho quãng thời gian tồn tại của chúng ta trên cõi đời này là:
- Tạo tính hình tượng cho lời văn.
- Thể hiện rõ ý nghĩa của “dấu gạch nối” với quãng thời gian của một đời người.
Câu 3: Nhân vật tôi có ấn tượng ngay khi vừa mới đọc những câu đầu tiên khi đọc bài thơ “Lằn gạch nối” của Linda Ellis vì:
- Dấu gạch nối sử dụng đã gợi nhiều kỷ niệm.
- Dấu gạch nối ẩn chứa nhiều triết lý sống.
Câu 4: Các em tùy ý lựa chọn thông điệp mà mình thấy tâm đắc nhất, sau đó đưa ra lý lẽ lập luận
Ví dụ:
- Thông điệp: Hãy biết dừng lại một chút để yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh.
- Lý giải:
- Cuộc sống hiện đại nhiều lúc cuốn trôi con người đi một cách vội vã.
- Xã hội hiện nay còn rất nhiều lúc chúng ta sống thờ ơ, vô tâm.
II. Làm văn
Câu 1: Hướng dẫn làm bài
a. Mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy câu chuyện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.
b. Các câu phát triển đoạn:
- Giải thích: Câu nói khẳng định điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người là có thể tạo được những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với mọi người.
- Phân tích, chứng minh
- Được người khác yêu thương, cảm mến là hạnh phúc lớn của đời người; tiền bạc, danh vọng không thể sánh được với tình cảm chân thành; được mọi người yêu mến là ý nghĩa, lẽ sống quan trọng nhất.
- Bàn bạc mở rộng: Phê phán những con người sống thờ ơ, tự cao tự đại, vô cảm, sống khép kín, coi thường chối bỏ tình cảm của mọi người…
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4
“Trước khi các em nghĩ đến chuyện bay cao bay xa, hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì chứ không phải là những điều các em thích hay cho là quan trọng. Đừng bực bội vì những việc mà các em không tin tưởng, vì như thế các em sẽ cảm thấy nhàm chán chính bản thân mình. Cũng đừng đem bản thân so sánh một cách lệch lạc với những người như Baltimore Orioles. Hãy giết chết cảm giác tự mãn và dễ dàng thỏa hiệp, cảm giác mọi thứ dường như đều có lí hay cảm giác tự bằng lòng trong trạng thái tinh thần u mê. Hãy làm cho bản thân xứng đáng với những gì mà các em đang cố gắng. Và hãy đọc, đọc mọi lúc. đọc như một nguyên tắc của bản thân và như một cách để tôn trọng mình. Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời. Hãy phát triển và bảo vệ một giá trị đạo đức bằng cách đưa ra các lập luận để chấp nhận nó. Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại. hãy là việc cật lực. Hãy nghĩ cho bản thân mình. Hãy yêu tất cả những thứ các em thích và những người các em cảm mến bằng tất cả tấm lòng của mình.. và hãy làm tất cả những điều đó, như thế các em đang bị thúc giục, mỗi giây mỗi phút, tững chữ một. Hãy tin bữa tiệc nào rồi cũng tàn nhưng đừng bao giờ tham gia vào một cuộc vui khi đã đến lúc tàn, cho dù buổi chiều hôm nay có rực rỡ đến mức nào”.
(David McCullough, bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Anh/ chị hiểu câu: “Coi việc đọc như nguồn sống của cuộc đời” như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Theo anh chị, tác giả muốn nhắn gửi điều gì qua câu: “Trước khi các em nghĩ đến chuyện bay cao bay xa, hãy tập làm bất cứ thứ gì, có thể cả những thứ chẳng có ý nghĩa gì chứ không phải là những điều các em thích hay cho là quan trọng”. (1điểm)
Câu 4. Anh/ chị có đồng ý với quan điểm của tác giả: “Hãy nghĩ cho bản thân mình” không? Vì sao? (1 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu nói được đặt ra trong phần Đọc hiểu:“Hãy mơ những giấc mơ vĩ đại”.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm).
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Kiến thức phổ thông không chỉ cần cho công dân thế giới hiện tại, mà ngay nhà học giả chuyên môn cũng không thể thiếu được. Khoa học cận đại phân loại chặt chẽ, những người chỉ chuyên một học vấn phần nhiều khép kín trong phạm vi của mình, lấy cớ là chuyên môn, không muốn biết đến các học vấn liên quan. Điều này đối với việc phân công nghiên cứu có thể là cần thiết, nhưng đối với việc đào tạo chuyên sâu thì lại là một sự hi sinh. Vũ trụ vốn là một thể hữu cơ, các quy luật bên trong vốn liên quan mật thiết với nhau, động vào bất cứ chỗ nào đều tất liên quan đến cái khác, do đó, các loại học vấn nghiên cứu quy luật, tuy bề ngoài có phân biệt, mà trên thực tế thì không thể tách rời. Trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác. Ví như chính trị học thì phải liên quan đến lịch sử, kinh tế, pháp luật, triết học, tâm lí học, cho đến ngoại giao, quân sự,… Nếu một người đối với các học vấn liên quan này mà không biết đến, chỉ có học một mình chính trị học thôi, thì càng tiến lên càng gặp khó khăn, giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát…
(Chu Quang Tiềm; dẫn theo sách Ngữ văn 9 tập hai, NXBGD, 2015, trang 5).
Câu 1: (0,5 điểm). Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2: (0,5 điểm). Xác định phép liên kết trong câu 2 và câu 3 của đoạn trích.
Câu 3: (1,0 điểm). Trong đoạn trích, tác giả đề cập đến dạng người nào?
Câu 4: (1,0 điểm). Theo anh (chị), kiến thức phổ thông có vai trò như thế nào trong đời sống?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm).
Câu 1: (2,0 điểm).
Từ nội dung văn bản trên, anh/ chị hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của mình về phương pháp học tập, nghiên cứu.
---(Để xem đầy đủ những câu hỏi còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 5
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
MẸ
Con về thăm mẹ chiều mưa,
Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên.
Giọt mưa sợi thẳng, sợi xiên.
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời.
Con đi đánh giặc một đời,
Mà không che nổi một nơi mẹ nằm.
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ. (0,5 điểm)
Câu 2: Các hình ảnh “nhà dột”, “gió lùa bốn bên”, “những đêm trắng trời” diễn tả điều gì? (0,5 điểm)
Câu 3: Hai câu cuối thể hiện nỗi niềm gì của người con? (1,0 điểm)
Câu 4: Bài thơ muốn gửi đến người đọc thông điệp gì? (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm).
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) về tình mẫu tử được gợi ra trong phần đọc hiểu.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà và sông Hương qua hai tác phẩm bút kí “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
(Sách Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
I. Đọc - hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ là: biểu cảm
Câu 2: Các hình ảnh “nhà dột”, “gió lùa bốn bên”, “những đêm trắng trời” diễn tả cuộc sống gian lao, vất vả, khó nhọc của người mẹ.
Câu 3: Nỗi niềm của người con được thể hiện ở hai câu cuối đó là:
- Tình yêu vô bờ bến của người con dành cho mẹ.
- Nỗi xót xa, day dứt, ân hận đậm chất nhân văn về tình đời, tình người.
Câu 4: Học sinh có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình từ đó đưa ra luận điểm để bảo vệ cho quan điểm riêng đó. Có thể dựa vào những gợi ý dưới đây
- Sự mất mát, nỗi đau của người mẹ thời hậu chiến.
- Thái độ, lòng biết ơn đối với sự hi sinh cao cả của người mẹ.
- Cần đem lại hạnh phúc, ấm no cho con người khi đất nước độc lập.
II. Làm văn
Câu 1: Dàn ý tham khảo
Giới thiệu vấn đề
- Dẫn dắt vào bài bằng các tình cảm cao quý trong cuộc sống của mỗi người: tình cảm gia đình, tình anh em, tình cảm bạn bè, tình yêu quê hương, đất nước…
- Nhấn mạnh tình mẫu tử là tình cảm có vị trí đặc biệt quan trọng
Bàn luận vấn đề
* Khái quát về tình mẫu tử:
Theo nghĩa của từ thì “mẫu” là mẹ, “tử” có nghĩa là con, theo nguyên nghĩa thì “mẫu tử” có nghĩa là mẹ con. Nhưng thông thường người ta nói đến tình mẫu tử là nói đến tình cảm yêu thương, che chở, bảo vệ… của người mẹ dành cho con.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Quảng Trạch. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !