Bên cạnh việc sưu tàm các bài văn mẫu thì luyện đề thi cũng rất cần thiết nhằm giúp các em với 12 tiếp cận nhiều dạng đề, trau dồi kiến thức cho bản thân, HOC247 xin giới thiệu đến các em Bộ 3 đề thi HSG môn Ngữ văn 12 năm 2022 Trường THPT Lê Văn Tám có đáp án chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu bổ ích cho các em tham khảo và chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Chúc các em có một kì thi thật tốt!
TRƯỜNG THPT LÊ VĂN TÁM |
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC 2021-2022 Thời gian làm bài 180 phút |
ĐỀ THI SỐ 1
Câu 1: (4,0 điểm)
Cảm nhận hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau:
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.”
(Hai đứa trẻ - Thạch Lam)
Câu 2: (6,0 điểm)
“Có phù phiếm không, khi ta nuôi khát vọng trở thành người nổi tiếng?”
Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu 3: (10,0 điểm)
“Nội dung tư tưởng của tác phẩm văn học không bao giờ chỉ là sự lí giải dửng dưng, lạnh lùng mà gắn liền với cảm xúc mãnh liệt.”
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu) và truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao).
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
Câu 1: (4,0 điểm)
1. Yêu cầu kĩ năng
- Có kĩ năng phát hiện và phân tích những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc trong một đoạn trích văn xuôi.
- Vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác: phân tích, bình giá, so sánh…
2. Yêu cầu kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, song cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
Xác định các biện pháp nghệ thuật được nhà văn sử dụng để phân tích hiệu quả thẩm mĩ trong đoạn văn.
- Các câu văn xuôi nhiều vần bằng êm dịu, nhẹ nhàng, giàu nhịp điệu.
- Các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa và cấu trúc câu hỏi tu từ “Liên không hiểu sao… của ngày tàn”
→ Các thủ pháp nghệ thuật diễn tả thành công bước đi của thời gian, sự chiếm lĩnh dần dần của bóng tối trên phố huyện nghèo, gợi những xao động thầm kín, nỗi buồn man mác trong tâm hồn Liên trước giờ khắc ngày tàn. Đó cũng là những cảm nhận tinh tế, lãng mạn của một tài năng, một tấm lòng “đầy xót thương”, tạo nên một áng văn xuôi đầy chất thơ của Thạch Lam.
3. Biểu điểm
Điểm 4: Đáp ứng đầy đủ các ý cơ bản nêu trên, diễn đạt giàu cảm xúc, trôi chảy, không mắc lỗi.
Điểm 3: Đáp ứng 2/3 số ý, diễn đạt lưu loát, hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả.
Điểm 2: Đáp ứng 1/2 số ý, diễn đạt thiếu chất văn, ít cảm xúc, mắc lỗi diễn đạt, chính tả.
Điểm 1: Phân tích được một ý, diễn đạt mắc nhiều lỗi.
Điểm 0: Sai lệch cả nội dung và phương pháp hoặc không làm bài.
Câu 2: (6,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài nghị luận xã hội.
- Vận dung nhuần nhuyễn, linh hoạt các thao tác: giải thích, chứng minh, bình luận, so sánh, phản bác.
- Lời văn trong sáng, diễn đạt rõ ràng mạch lạc, không mắc lỗi chính tả ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
a. Giải thích: (1,0 điểm)
- phù phiếm: viển vông, không có nội dung thiết thực, không có giá trị thực tế.
- nổi tiếng: được rất nhiều người biết đến.
=> Nội dung ý kiến: câu nói thể hiện sự băn khoăn trước khát vọng nổi tiếng của con người, từ đó khuyên con người phải cân nhắc kĩ khi theo đuổi khát vọng trở thành người nổi tiếng.
b. Bàn luận (4,0 điểm)
Khát vọng trở thành người nổi tiếng là một nhu cầu chính đáng
- Ước mơ, khát vọng là động lực, sức mạnh để con người vươn tới chiếm lĩnh những đỉnh cao, mang lại niềm tự hào cho bản thân, gia đình, quê hương đất nước. Khát vọng được nổi tiếng là một khát vọng lớn lao. Sống không có khát vọng, con người sẽ thiếu ý chí vươn lên, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của cá nhân.
- Khát vọng nổi tiếng dù chưa đạt cũng không hoàn toàn viển vông, phù phiếm. Trong chừng mực nhất định, khát vọng nổi tiếng có tác động tích cực đối với con người: động lực thúc đẩy sự sáng tạo, giúp con người khám phá những giá trị tiềm ẩn của bản thân và thế giới, giúp con người biến điều không thể thành có thể.
Khát vọng nổi tiếng trở nên phù phiếm khi:
- Khát vọng quá xa vời với năng lực bản thân, làm con người tự huyễn hoặc, ảo tưởng mình, mất phương hướng trong cuộc sống. Ví dụ: không đủ tài, tâm, tầm nhưng bằng mọi giá để nổi tiếng, vì những giá trị nhất thời chứ không vì những giá trị vững bền…
- Đánh mất những niềm vui giản dị, “quên” những điều nhỏ nhoi nhưng ý nghĩa, đánh mất nguồn cội để chạy theo những điều xa vời, không tìm được ý nghĩa cuộc sống.
Mở rộng, nâng cao
- Cần phải cân bằng trong cách sống: biết hướng tới những điều lớn lao để ước mơ, khát vọng song cần phải biết nỗ lực hành động biến ước mơ thành hiện thực, trân trọng những gì nhỏ bé nhưng ý nghĩa của cuộc đời. Chỉ khi biết cân bằng trong cách sống, con người mới sống hạnh phúc, có nghĩa, có ích.
- Phê phán những hiện tượng cố tình gây sự chú ý bằng những hành vi phản cảm, tự đánh bóng… để nổi tiếng.
c. Bài học nhận thức, hành động – liên hệ bản thân (1,0 điểm).
- Cần nhận thức sâu sắc về sự nổi tiếng. Sự nổi tiếng phải được xây dựng trên cơ sở tài năng, nhân cách, sự cống hiến cho cộng đồng.
- Cần sống thực tế nhưng cũng phải có hoài bão để vượt qua giới hạn của bản thân, vươn tới những mục đích lớn lao trong cuộc sống.
Nêu những cảm xúc chân thành và trải nghiệm của bản thân.
Mỗi luận điểm cần huy động dẫn chứng thực tế từ trong cuộc sống và trong văn học để minh họa.
Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng. Tuy nhiên cần có thái độ chân thành, nghiêm túc, tư tưởng nhất quán trên tinh thần nhân văn, lập luận thuyết phục.
3. Biểu điểm:
Điểm 5- 6: Có hiểu biết phong phú về đời sống, kiến thức vững vàng, kĩ năng nghị luận tốt. Hành văn trong sáng, có cảm xúc.
Điểm 3-4: Hiểu đề, đáp ứng được khoảng 1/2 yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
Điểm 1-2: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, bài viết mắc nhiều lỗi diễn đạt.
Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề.
Khuyến khích bài viết sáng tạo trong suy nghĩ, trong bố cục, diễn đạt giàu chất văn.
Câu 3: (10,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng
- Biết cách làm bài nghị luận văn học dạng lí luận văn học, vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh…
- Lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng.
- Văn viết trong sáng mạch lạc, có cảm xúc, sáng tạo, hạn chế tối đa các lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
a. Giải thích - bình luận (2,0 điểm)
- Tác phẩm văn học là những sáng tác nghệ thuật dùng chất liệu ngôn từ để xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống và thể hiện tư tưởng tình cảm, thái độ của tác giả trước hiện thực.
- Một tác phẩm văn học không chỉ phản ánh, lí giải đời sống một cách lạnh lùng, dửng dưng, khách quan, lí trí mà luôn gắn liền với cảm xúc mãnh liệt, thể hiện những tình cảm sâu sắc, những khát vọng lớn lao của người viết.
→ Ý kiến trên khẳng định sự hòa quyện giữa yếu tố khách quan và chủ quan, miêu tả và biểu cảm; trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của yếu tố tình cảm, cảm xúc trong tác phẩm văn học. “Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả… nếu nó không là tiếng thét khổ đau hay là lời ca tụng hân hoan; nếu nó không đặt ra những câu hỏi và không trả lời câu hỏi ấy” (Biêlinxky). Tình cảm là động lực thúc đẩy quá trình sáng tác, có thể được bộc lộ dưới những dạng thức khác nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp) tùy theo thể loại, phong cách tác giả…
b. Phân tích, chứng minh (6,0 điểm)
* Vội vàng (Xuân Diệu)
- Nội dung khách quan: ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân, thể hiện quan niệm cuộc đời, thời gian của Xuân Diệu.
- Cảm xúc mãnh liệt:
+ Tình yêu đắm say, cuồng nhiệt, ham hố vồ vập… đối với mùa xuân và cuộc sống nơi trần thế.
+ Tâm trạng nuối tiếc trước bước đi của thời gian và khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời.
+ Cách thể hiện trực tiếp bằng giọng thơ sôi nổi, say mê; hệ thống thi ảnh mới mẻ, thanh tân quyến rũ, câu thơ linh hoạt, thủ pháp trùng điệp, lối vắt câu dùng từ đặc biệt, quan niệm thẩm mĩ (coi con người là chuẩn mực cái Đẹp…),…
* Chí Phèo (Nam Cao)
- Nội dung khách quan: sự phản ánh những số phận bi thảm, bị đẩy đến bước đường cùng của người nông dân và những mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp nông dân và địa chủ trong xã hội phong kiến Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
- Cảm xúc mãnh liệt:
+ Sự đồng cảm, nỗi xót thương trước bi kịch bị tha hóa, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của người cố nông, lên án tầng lớp cường hào địa chủ, cất tiếng kêu cứu cho số phận con người, cho khát vọng lương thiện của con người.
+ Nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, đặc biệt qua nghệ thuật đa thanh phức điệu…
c. Đánh giá, mở rộng (2,0 điểm)
- Sức sống của tác phẩm văn học không chỉ phản ánh, lí giải hiện thực cuộc sống, con người mà còn truyền tải những rung động mãnh liệt, những khát khao, trở trăn đau đáu của người nghệ sĩ theo một khuynh hướng tư tưởng, tình cảm nhất định, tác động đến tư tưởng, tâm hồn, tình cảm thẩm mĩ của người đọc
- Thiên chức, vai trò của người nghệ sĩ trong việc phản ánh hiện thực đời sống, nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại, phải “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy mọi vang động của đời” (Nam Cao), khơi dậy những tình cảm nhân văn, giúp con người tự nhận thức và hoàn thiện chính mình, hướng đến Chân- Thiện – Mỹ.
- Khi tiếp cận tác phẩm tác phẩm văn học, người đọc cần ý thức khám phá cái hay, cái đẹp, lắng nghe những thông điệp tình cảm, tư tưởng sâu sắc nhà văn gửi gắm trong tác phẩm, đồng sáng tạo cùng tác giả để thực hiện thiên chức của nhà văn, hoàn thiện các chức năng của văn học.
3. Biểu điểm
Điểm 9-10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc, chính xác, có sức thuyết phục, có thể mắc một vài sai sót không đáng kể.
Điểm 7-8: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu trên, lập luận tương đối chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, chính xác. Có thể mắc những lỗi nhỏ.
Điểm 5-6: Đủ ý tuy còn sơ sài, biết chọn và phân tích dẫn chứng, còn mắc một số lỗi.
Điểm 3-4: Chưa thật hiểu yêu cầu của đề, nội dung sơ sài.
Điểm 1-2: Hiểu sai đề, diễn đạt yếu.
Lưu ý:
- Giám khảo nắm yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
- Tuyệt đối không được đếm ý cho điểm, chú ý đúng mức tới kĩ năng làm bài, khả năng diễn đạt của học sinh.
- Điểm toàn bài là tổng điểm của ba câu và cho điểm lẻ tới 0,5.
ĐỀ THI SỐ 2
Câu 1: (8,0 điểm)
NGỌN NẾN
Bất ngờ mất điện, một ngọn nến được đem ra thắp lên và đang lung linh tỏa sáng. Nến hân hoan khi thấy mọi người trầm trồ: "May quá, nếu không có cây nến này, chúng ta sẽ không thấy gì mất!". Thế nhưng khi dòng sáp nóng bắt đầu chảy ra, nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến chợt nghĩ: "Chết thật, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy nhỉ?". Nghĩ rồi nến nương theo một cơn gió thoảng qua để tắt phụt đi. Mọi người trong phòng xôn xao: "Nến tắt rồi, tối quá, làm sao bây giờ?". Cây nến mỉm cười tự mãn vì sự quan trọng của mình. Bỗng có người nói: "Nến dễ tắt, để tôi đi tìm cái đèn dầu...". Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được cây đèn dầu. Đèn dầu được thắp lên, còn cây nến cháy dở thì người ta bỏ vào ngăn kéo. Thế là từ hôm đó, nến bị bỏ quên trong ngăn kéo, rồi cũng không còn ai nhớ đến nó nữa. Nến hiểu ra rằng, hạnh phúc của nó là được cháy sáng, dù có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi. Bởi vì nó là ngọn nến.
(Theo Quà tặng cuộc sống)
Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết bài văn chia sẻ những suy nghĩ của mình?
Câu 2 (12,0 điểm)
Nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng: "Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi"
(Trích "Nhà văn nói về tác phẩm", NXB Văn học, 1998)
Anh/ chị hiểu điều đó thế nào? Bằng hiểu biết của mình về tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên?
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
Câu 1: (8,0 điểm) Chia sẻ suy nghĩ từ câu chuyện Ngọn nến
1. Kĩ năng: đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận xã hội, hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
2. Kiến thức: cần đảm bảo những kiến thức cơ bản sau:
a. Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận.
b. Giải thích
- Giải thích ngắn gọn ý nghĩa của câu chuyện: ngọn nến ban đầu cũng thấy mình vui sướng vì được cháy sáng nhưng khi bắt đầu tan chảy ra, nó thấy mình thiệt thòi vì vậy mà tìm cách tự tắt sáng đi ->Muốn tỏa sáng nhưng lại không muốn tan chảy -> Đó là thói ích kỉ của con người, sợ mình bị thiệt hơn người khác nên chỉ lo nghĩ cho bản thân mình.
- Cây nến nhận ra một cách muộn màng rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng dù sau đó có tan chảy đi -> Con người cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Dù ở vị trí nào, con người cũng phải biết cống hiến toàn bộ khả năng của mình để trở thành người sống có ích cho xã hội. Có như thế con người mới không hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí.
=> Câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng một bài học nhân sinh sâu sắc. Từ việc phê phán lối sống ích kỉ người viết nhắn gửi: sống là phải cống hiến, làm được những điều có ích. Đó cũng là cách để tự khẳng định giá trị bản thân.
b. Bàn luận
- Ích kỉ là một thói xấu hay gặp và dễ mắc phải. Con người phải có bản lĩnh, sự nhân hậu để vượt lên trên thói ích kỉ cá nhân để sống có ích, đem lại niềm vui cho nhiều người và chính bản thân mình.
- Điện, đèn, nến: ẩn ý về cá nhân trong quan hệ với cộng đồng, gia đình, xã hội; con người không thể sống tách mình ra khỏi cộng đồng, phải hòa nhập, bổ sung, tương hỗ cho nhau.
- Con người sống ở trên đời ai cũng có ý thức về cái tôi của mình, thậm chí sự tự ý thức về cái tôi để nâng mình lên, để tự khẳng định mình là một nhu cầu chính đáng. Song cần phải phân biệt rõ khát vọng "tỏa sáng" với tham vọng "đánh bóng" bản thân; ý thức khẳng định bản thân khác hẳn với sự ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa.
- Mối quan hệ biện chứng giữa "cho" và "nhận", "được" và "mất" rất tinh tế. "Giọt nước muốn không khô cạn phải hòa vào biển cả". Khi sống cống hiến vô tư, con người sẽ nhận được nhiều hạnh phúc.
- Ngọn nến chỉ thực sự sống hết cuộc đời của nó khi cháy hết mình và tan chảy. Nếu không nó hoàn toàn bị quên lãng và vô nghĩa. Cháy còn đồng nghĩa với đam mê.
- Trong cuộc sống, rất nhiều tấm gương cố gắng cống hiến năng lực, trí tuệ, thậm chí dâng hiến cả cuộc đời mình cho đất nước, nhân dân. ( Những người lính hi sinh bản thân mình bản vệ đất nước; những bạn trẻ đam mê học tập lao động làm giàu cho quê hương; những thầy cô giáo miệt mài bên con chữ dạy bao thế hệ học sinh nên người...); bên cạnh đó không ít người sống ích kỉ, tự mãn chỉ biết vun vén cho bản thân, không biết cống hiến.
c. Bài học
- Đừng sống ích kỉ, hãy sống cống hiến trong mỗi vị trí, công việc để mang lại hạnh phúc cho nhiều người.
- Đừng bao giờ như ngọn nến "bị bỏ quên trong ngăn kéo, rồi cũng không còn ai nhớ đến nó nữa". Hãy dũng cảm hành động, có thể bản thân phải chịu thiệt thòi nhưng để tỏa sáng cho cuộc đời. 0,5
Câu 2 (12,0 điểm)
1. Kĩ năng: đảm bảo bố cục một bài văn nghị luận văn học, có hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trong sáng, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
2. Kiến thức: cần đảm bảo những kiến thức cơ bản sau
3. Đánh giá khái quát về ý kiến
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 3
Câu 1: (8.0 điểm)
CÁI NHIỆT KẾ VÀ MÁY ĐIỀU HÒA NHIỆT ĐỘ
Bạn có biết sự khác biệt giữa cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ không? Cái nhiệt kế đơn thuần chỉ cho chúng ta biết nhiệt độ của từng vùng riêng biệt. Ví dụ như nếu cái nhiệt kế của bạn đang chỉ 35 độ C, và bạn đem nó vào trong phòng lạnh có nhiệt độ là 28 độ C thì nó sẽ thay đổi chỉ số của mình để phù hợp với nhiệt độ của phòng là 28 độ C. Cái nhiệt kế luôn điều chỉnh để hòa hợp với nhiệt độ của môi trường chung quanh. Còn máy điều hòa nhiệt độ thì ngược lại, nó điều chỉnh nhiệt độ trong phòng. Nếu trong phòng đang có nhiệt độ là 28 độ C và máy điều hòa được cài đặt ở 20 độ C thì chẳng bao lâu, nhiệt độ trong căn phòng sẽ là 20 độ C phù hợp với chỉ số của máy điều hòa. Thế đấy, đời sống các bạn hoặc sẽ là cái nhiệt kế hay sẽ là máy điều hòa nhiệt độ?
Bạn hoặc sẽ hòa hợp theo môi trường hay sẽ thay đổi theo môi trường hiện tại?
Bạn hoặc sẽ ảnh hưởng người khác hay sẽ bị những người khác tác động?
(Trích Bài học cuộc sống – NXB TPHCM)
Câu chuyện trên đã cho anh (chị) bài học sâu sắc nào?
Câu 2: (12.0 điểm)
Trong cuốn Hoa đạo Oshawa đã kể chuyện về một họa sĩ vẽ hoa chuyên nghiệp. Gần cuối đời, ông ta bày triển lãm những tranh hoa đắc ý nhất của mình. Người đến xem rất đông, ai cũng tấm tắc khen. Họa sĩ rất hãnh diện. Đến ngày cuối, một bác nông dân ghé vào. Bác chăm chú xem hết bức này đến bức khác. Xong bức nào Bác cũng lắc đầu. Họa sĩ chột dạ, bèn hỏi vì sao. Bác thật thà hỏi lại:
Có phải các bức tranh này, ông đều vẽ theo mẫu là các bông hoa ngắt từ ngoài vườn vào không?
Họa sĩ thú thực rằng đúng như vậy. Thảo nào! – Bác nông dân nói – Tranh hoa của ông rất đẹp, rất giống, nhưng tôi cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Khi xem đến bức cuối cùng thì tôi hiểu. Tôi là người cả đời trồng hoa, tôi biết, mỗi bông hoa sống, bao giờ cũng có một vầng sáng mờ ảo tỏa ra xung quanh. Tôi cố tìm mà chả có bông hoa nào của ông có cái vầng sáng ấy cả
Nhà họa sĩ đã bị sốc khá lâu. Nhưng chính lúc này ông chợt ngộ ra: Cái thiếu ấy là gì nếu không phải là hồn hoa! Rồi ông lẳng lặng xé bỏ toàn bộ số tranh. Từ hôm sau, người ta thấy ông cặm cụi ở ngoài vườn.
Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về nhà văn và tác phẩm văn học.
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
Câu 1: (8.0 điểm)
a/ Yêu cầu về kĩ năng:
Biết kết hợp các thao tác lập luận để làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu bài viết chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp
b/ Yêu cầu về kiến thức:
Đây là dạng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí, qua một câu chuyện học sinh cần rút ra bài học ý nghĩa sâu sắc được gửi gấm qua hình ảnh cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ các ý sau:
- Hiểu được ý nghĩa câu chuyện: (2.0 điểm)
- Cái nhiệt kế cho biết nhiệt độ của từng vùng riêng biệt và nó điều chỉnh để phù hợp
- Máy điều hòa nhiệt độ thì ngược lại điều chỉnh nhiệt độ trong phòng
=> Từ câu chuyện về 2 chiếc máy trên đã nêu vấn đề về cách sống: bạn hãy là chính mình, hay bạn phải thay đổi để hoàn thiện bản thân. Liệu chừng hai cách ứng xử này có mâu thuẫn không?
Hai cách sống đó không mâu thuẫn nhau, mà còn bổ sung cho nhau để trở thành những cách ứng xử không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người, tùy từng trường hợp cụ thể, mỗi cách ứng xử có cái đúng riêng
- Bàn bạc và đánh giá: (4.0 điểm)
- Bài học rút ra: (2.0 điểm)
=> Hai cách sống ấy bổ sung cho nhau, ta sống hòa nhập nhưng không hòa tan...
Câu 2: (12 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm chắc và vận dụng tốt kiến thức, phương pháp, kĩ năng của kiểu bài bình luận một vấn đề văn học.
- Hiểu được nội dung đề, vận dụng tốt kiến thức văn học và lí luận văn học.
- Phạm vi tư liệu phải phù hợp và phong phú. Biết chọn lọc và phân tích dẫn chứng tiêu biểu.
- Lập luận chặt chẽ, văn viết giàu hình ảnh, có cảm xúc và có sự khám phám tìm tòi
Yêu cầu cụ thể:
a. Hiểu được nội dung ý nghĩa câu chuyện:
b. Đối với nhà văn: (3.0 điểm)
c. Chọn và chứng minh qua các tác phẩm: (4.0 điểm)2. Từ câu chuyện nêu lên một cách nhìn. một quan điểm đúng đắn, cần thiết cho nhà văn và người đọc văn. (2.0 điểm)
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi HSG môn Ngữ văn 12 năm 2022 Trường THPT Lê Văn Tám có đáp án. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !