YOMEDIA
NONE

Ôn tập Học kì 2 - Ngữ văn 7 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo


Các văn bản trong Học kì 2 giúp các em đã được bổ sung kiến thức về đặc điểm một số thể loại như truyện khoa học viễn tưởng, tục ngữ và văn bản thông tin. Đồng thời biết cách sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ nói giảm nói tránh, thành ngữ, tục ngữ và nhiều kiến thức khác. Bài học Ôn tập Học kì 2 thuộc sách Chân Trời Sáng Tạo dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 7 củng cố và ôn luyện lại những kiến thức về văn bản đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt đã học trong Học kì 2. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu

- Tự học một thú vui bổ ích - Nguyễn Hiến Lê: Văn bản Tự học – một thú vui bổ ích đã khẳng định: Tự học mang đến cho ta niềm vui, nó là một thú vui bổ ích, thanh nhã, nâng cao tâm hồn con người.

- Bàn về đọc sách - Chu Quang TiềmChu Quang Tiềm trong bài viết đã khẳng định đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Từ việc đưa ra những sai lầm trong việc đọc sách, tác giả hướng tới cách đọc sách khoa học, hợp lí cho con người.

- Tôi đi học - Thanh TịnhTrong cuộc đời mỗi chúng ta, kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, nhất là buổi tựu trường đầu tiên thường được ghi nhớ mãi. Thanh Tịnh đã diễn tả tinh tế cảm xúc này qua dòng cảm nghĩ trong trẻo của nhân vật “tôi” về những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học.

- Đừng từ bỏ cố gắng - Trần Thị Cẩm Quyên: Văn bản Đừng từ bỏ cố gắng khuyên mọi người đừng nên nản chí trước thất bại, hãy can đảm đối mặt với khó khăn và đừng bao giờ từ bỏ cố gắng.

- Những kinh nghiệm dân gian về thời tiếtVăn bản Những kinh nghiệm dân gian về thời tiết là những câu tục ngữ được cha ông ta đúc kết, truyền cho con cháu sau này về sự dự báo thời tiết.

- Những kinh nghiệm dân gian về lao động sản xuất: Văn bản Những kinh nghiệm dân gian về lao động sản xuất là những câu tục ngữ được cha ông ta đúc kết, truyền cho con cháu sau này về lao động, sản xuất. 

- Tục ngữ và sáng tác văn chương: Văn bản Tục ngữ và sáng tác văn chương đã chứng minh cho vấn đề: Tục ngữ không chỉ xuất hiện trong đời sống mà còn trong các sáng tác văn chương.

- Những kinh nghiệm dân gian về con người và xã hộiVăn bản Những kinh nghiệm dân gian về con người và xã hội là những câu tục ngữ được cha ông ta đúc kết, truyền cho con cháu sau này về con người, xã hội.

- Trò chơi cướp cờ - Nguyễn Thị Thanh Thủy: Văn bản Trò chơi cướp cờ đã cung cấp thông tin cho độc giả về cách chơi của một trò chơi dân gian: trò chơi cướp cờ.

- Cách gọt củ hoa thủy tiên - Giang Nam: Văn bản Cách gọt hoa thủy tiên cung cấp cho ta tri thức về cách gọt hoa thủy tiên trong thú chơi hoa ngày Tết.

- Hương khúc - Nguyễn Quang ThiềuVăn bản Tôi khóc những cánh đồng rau khúc đã thể hiện tình cảm của tác giả khi nhớ về chiếc bánh khúc tuổi thơ – một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực dân tộc.

- Kéo co - Trần Thị Ly: Văn bản Kéo co đã cung cấp cho người đọc thông tin về sự chuẩn bị, cách chơi, quy định về trò chơi: Kéo co.

- Dòng Sông Đen - Giuyn Véc-nơ: Văn bản Dòng "Sông Đen" đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm thú vị về những ngày đầu của hành trình hai vạn dặm dưới biển trên con tàu Nau-ti-lux của giáo sư A-rô-nắc, anh Công-xây và Nét Len.

- Xưởng Sô-cô-la (Chocolate) - Rô-a Đan: Văn bản: Xưởng Sô-cô-la đã dẫn người đọc vào hành trình thú vị khám phá xưởng sản xuất sô-cô-la bên trong nhà máy của ông Quơn-cơ.

- Trái tim Đan-kô - Mác-xim Go-rơ-ki: Văn bản Trái tim Đan-kô kể chuyện về người anh hùng Đan-kô: một thủ lĩnh can đảm, yêu tự do, giàu lòng vị tha, yêu thương mọi người nhưng phải chịu nhiều tổn thương. Cuối cùng Đan-kô đã chết nhưng trái tim nhân ái của ông vẫn rực cháy. 

- Một ngày của Ích-chi-an - A-léc-xăng-đơ Rô-ma-nô-vích Bê-li-épVăn bản Một ngày của Ích-chi-an đã kể về một ngày thú vị người cá Ích-chi-an: anh thích thú bơi lội, rong chơi dưới nước, anh can đảm trước bão giông, sóng dữ và có tấm lòng tốt bụng khi muốn cứu những chú cá gặp nạn.

- Đợi mẹ - Vũ Quần Phương: Bài thơ "Đợi mẹ" được viết lên từ những rung cảm chân thành, xúc động của một trái tim luôn khát khao tình yêu thương của mẹ.

- Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi - Anh NgọcVăn bản “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” đã thể hiện tình cảm yêu mến của tác giả dành cho chú mèo cưng của mình.

- Lời trái tim - Pao-lo Cau-ê-lôVăn bản nói về cuộc hành trình vượt qua sa mạc của cậu bé chăn cừu Santiago đến kim tự tháp Ai Cập để tìm kho báu. Qua cuộc nói chuyện với nhà giả kim, Santiago biết được vì sao cần lắng nghe trái tim mình.

- Mẹ - Đỗ Trung Lai: Bài thơ mượn hình ảnh cây cau quen thuộc để khắc họa mẹ. Qua đó, bài thơ thể hiện sự vất vả của cuộc đời mẹ, tình yêu thương chân thành của con dành cho mẹ và sự đau đớn, buồn tủi khi quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, dường như ngày con xa mẹ đang đến gần.

1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt

a. Đặc điểm của một văn bản có tính liên kết

- Nội dung các câu, các đoạn thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau. 

- Các câu, các đoạn được kết nối với nhau bằng các phép liên kết thích hợp. 

Một số phép liên kết thường dùng: 

- Phép lặp từ ngữ: lặp lại ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước. 

- Phép thế: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước. 

- Phép nối: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước. 

- Phép liên tưởng: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước. 

b. Đặc điểm và chức năng của thành ngữ, tục ngữ

- Thành ngữ là một tập hợp từ cố định. Nghĩa của thành ngữ không phải phép cộng đơn giản nghĩa của các từ cấu tạo nên nó mà là nghĩa của cả tập hợp từ, thường có tính hình tượng và biểu cảm. 

- Khi được sử dụng trong giao tiếp (nói và viết) , thành ngữ làm cho lời nói, câu văn trở nên giàu hình ảnh và cảm xúc. Thành ngữ có thể làm một bộ phận của câu hay thành phần phụ trong các cụm từ.

- Khác với thành ngữ, mỗi câu tục ngữ diễn đạt trọn vẹn một ý (một nhận xét, một kinh nghiệm).

Ví dụ: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Tục ngữ được sử dụng chủ yếu nhằm tăng thêm độ tin cậy, sức thuyết phục về một nhận thức hay một kinh nghiệm. 

c. Biện pháp tu từ nói quá, nói giảm nói tránh

- Nói quá là biện pháp phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả nhằm nhấn mạnh, gây ấn tượng tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt. 

- Nói giảm nói tránh là biện pháp dùng cách diễn đạt tế nhị, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự. 

d. Chức năng của số từ

- Số từ chỉ số lượng chính xác, được đặt trước danh từ để đếm hoặc nêu số lượng sự vật.

- Số từ còn dùng chỉ số thứ tự hoặc số hiệu sự vật. Với nghĩa này, số từ thường đặt sau danh từ.

e. Mở rộng thành phần chính và trạng ngữ trong câu bằng cụm từ

- Câu tiếng Việt gồm có hai thành phần chính (chủ ngữ và vị ngữ) và các thành phần phụ. Một trong những thành phần phụ của câu là trạng ngữ.

- Thành phần chính và trạng ngữ trong câu có thể được mở rộng bằng cụm từ. Chúng ta có thể mở rộng các thành phần này từ một từ thành một cụm từ hoặc từ một cụm từ đơn giản thành một cụm từ phức tạp hơn.

g. Nghĩa của từ trong ngữ cảnh

- Trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp với các yếu tố khác, qua đó bộc lộ một nghĩa xác định nào đó. Khi gặp một từ không biết nghĩa, có thể dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ. 

- Cần dựa vào ngữ cảnh là các cụm từ “nhiều đoạn gấp khúc ngắn”, “nối nhau liên tiếp” để xác định nghĩa của từ “khúc khuỷu”. 

- Để xác định nghĩa của từ “phát minh”, cần căn cứ vào một số ví dụ cụ thể như “máy hơi nước”, “điện”, “tivi”, “máy tính”. 

- Khi xác định nghĩa của từ, cần phải lưu ý xem trong ngữ cảnh này, từ có được dùng với nghĩa thông thường (nghĩa có trong từ điển) hay được dùng với nghĩa khác. Chẳng hạn, trong câu sau, từ “lửa” không được dùng với nghĩa thông thường ghi trong từ điển mà dùng để chỉ màu đỏ như lửa của hoa lựu. 

Bài tập minh họa

Bài tập 1: Nêu cảm nhận về tác phẩm "Tôi đi học" của Thanh Tịnh, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo.

Hướng dẫn giải:

A. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: “Tôi đi học” là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Thanh Tịnh.

- Khái quát nội dung, nghệ thuật chính của tác phẩm: Tác phẩm là dòng hồi tưởng về những kỉ niệm trong sáng của ngày đầu tiên đi học.

B. Thân bài:

Luận điểm 1: Cảm nhận về nội dung: Diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” trong ngày đầu tiên đến trường

* Tâm trạng nhân vật tôi trên con đường tới trường

- Thiên nhiên: Những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên trong đời được nhân vật “tôi” nhớ lại là thời điểm cuối thu, cây cối đang mùa thay lá. Những chiếc lá khô xào xạc trên đường tưởng như vô tri vô giác ấy đã trở thành những màu sắc thông điệp, thanh âm riêng hối gọi lòng người nhớ về ngày khai trường đầu tiên.

- Con người: Hình ảnh trực tiếp tác động đến tác giả để tác giả nhớ tới buổi khai trường của chính mình đó là hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè trong lần đầu tiên tới trường

- Tâm trạng nhân vật:

+ Nhớ về những kỉ niệm mơn man thuở bé của mình

+ Vui sướng, háo hức như buổi khai giảng của chính mình

- Những kỉ niệm của nhân vật tôi:

+ Tác giả nhớ rất rõ từng chi tiết trong khung cảnh trên con đường đến trường, sương thu và gió lạnh với con đường dài và hẹp dường như trở nên khác lạ trong đôi mắt trẻ thơ bởi một điều vô cùng đơn giản: “Hôm nay tôi đi học”.

+ Những suy nghĩ, hành động, từng cảm nhận về chính bản thân mình, từ bộ quần áo đến những hành trang mang theo đều cho thấy sự thay đổi, khôn lớn trong cậu bé nhưng đâu đó vẫn còn nét hồn nhiên, ngây thơ của một đứa trẻ lên 5.

* Tâm trạng nhân vật “tôi” khi tập trung ở sân trường

- Cảm nhận của cậu học trò về ngôi trường đã có sự thay đổi rõ rệt, cậu vừa ngỡ ngàng, vừa cảm thấy nhỏ bé, lo sợ trước một ngồi trường đầy uy nghi, trang trọng trước mắt.

- Cả cậu bé và những người bạn xung quanh đều “như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”. Hình ảnh so sánh thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ trong tâm hồn cậu bé và tâm trạng lo sợ, hoang mang trong bước đi đầu tiên của cuộc đời.

- Những suy nghĩ, cảm nhận của cậu bé trước tất cả sự thay đổi, trước bạn bè, trước thầy cô vừa thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ, vừa bộc lộ tâm trạng bối rối, cảm xúc vừa háo hức vừa có chút bơ vơ, lạc lõng bởi đây là lần đầu tiên cậu xa mẹ.

* Tâm trạng nhân vật khi vào lớp và học bài học đầu tiên

- Lớp học là một thế giới khác biệt, cách biệt với thế giới ở bên ngoài khung cửa. Ngồi trong lớp, cậu bé thấy xốn xang những cảm giác lạ và quen đan xen, trái ngược nhau bởi đó là giây phút sang trang của một tâm hồn trẻ dại, tạm biệt thế giới ấu thơ chỉ biết nô đùa, nghịch ngợm để bước vào thế giới tuổi học trò nghiêm chỉnh đầy khó khăn mà biết bao hấp dẫn.

⇒ Diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi” để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc, không chỉ bởi sự hồn nhiên, ngây thơ mà còn bởi nó khiến mỗi chúng ta nhớ về tuổi thơ của chính bản thân mình.

Luận điểm 2: Cảm nhận về nghệ thuật

- Nghệ thuật khắc họa tâm ký nhân vật vô cùng tinh tế

- Sự kết hợp giữa phương thức tả và kể giúp cho cảm xúc, tâm trạng nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên hợp lí.

C. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị tác phẩm

Lời giải chi tiết:

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niêm hoang mang của buổi tưu trường" là những dòng cảm xúc còn đọng mãi trong lòng người đọc về truyện ngắn "Tôi đi học" của Thanh Tịnh. Với ngòi bút đậm chất thơ nhẹ nhàng, lâng lâng, Thanh Tịnh đã khéo léo đưa người đọc ngược về với những khoảnh khắc tựu trường lần đầu tiên ấy. Tác giả đã khắc họa tinh tế cảm xúc nhân vật "tôi" một cách chân thực mà đầy xúc động.

"Tôi đi học" của Thanh Tịnh như một bản tự vấn tâm trạng, cảm xúc của chính tác giả khi mùa thu về, hồi tưởng lại khoảnh khắc ngày xưa ấy. Là ngày đầu tiên cắp sách tới trường với bao nhiêu dòng cảm xúc bâng khuâng, xa lạ.

Một lối viết giản dị, nhưng đầy lôi cuốn Thanh Tịnh đã đưa người đọc vào một không gian trong lành và dịu êm nhất. Nhân vật tôi hoài tượng lại và "không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng".

Thật vậy, dòng cảm xúc từ trái tim lan tràn ra bên ngoài nghẹn ngào ở cổ họng khi nhớ về những ngày tháng đó.

Trong dòng hoài tưởng, "tôi" đã lâng lâng với khung cảnh của mùa thu "một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học". Có lẽ ít ai có thể quên đi được giây phút đầu tiên nép sau lưng mẹ đến trường, và nhân vật "tôi" cũng vậy. Cảm xúc tuôn trào một cách tự nhiên và đầy xúc động, gieo vào lòng người đọc những bồi hồi khó quên.

Có một sự thay đổi lớn trong chính suy nghĩ và hành động "Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa". Điều này chứng tỏ nhận thức của nhân vật "tôi" đã thực sự trưởng thành và lớn lên nhờ việc: Hôm nay tôi đi học.

Bằng cách diễn tả tâm lí nhân vật tinh tế, đầy lôi cuốn, tác giả đã tái diễn lại đoạn hội thoại giữa "tôi" và mẹ trong ngày đầu đến trường. Những ý nghĩ vừa ngây ngô vừa dễ thương khiến cho người đọc không thể nào quên được.

Cảm xúc của nhân vật "tôi" khi được đặt chân đến ngôi trường làng Mỹ Lý được tác giả tái diến chân thực, sinh động, giàu cảm xúc. Và lại có thêm một sự thay đổi, một sự so sánh giữa khoảng thời gian trước khi đi học. Chính sự so sánh sự khác nhau này khiến nhân vật "tôi" trưởng thành hơn. Ngôi trường trong mắt của cậu bé "trường Mĩ Lí vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Âp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ". Liệu rằng nhân vật ‘tôi" lo sợ điều gì? Có lẽ lo sợ vì những năm tháng ngồi trên ghé nhà trước có học tốt không, có vi phạm điều gì không và rất nhiều điều nữa. Một sự chân thật đến tinh nghịch.

Nhân vật "tôi" đã tinh tế quan sát xung quanh "chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi, các cậu chỉ theo sức mạnh dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tưởng…" Hình như tâm trạng của những cậu bé lần đầu tiên đi học đều như nhau, ngơ ngác và sợ hãi.

Tuy nhiên hình ảnh thầy hiệu trưởng "hiền từ và cảm động" khiến cho nhân vật "tôi" và những cô cậu học trò khác cảm thấy yên tâm hơn. Hình ảnh thấy và tiếng trống trường trong buổi đầu tiên đi học đánh dấu một bước ngoặc mới trong cuộc đời của các em.

Đặc biệt "bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước" của người mẹ đã khiến cho nhân vật "tôi" can đảm và tự tin hơn. Những giọt nước mắt, những tiếng khóc thút thít ấy có lẽ là những khoảnh khắc neo giữ mãi trong lòng nhân vật "tôi",hay nói đúng hơn là lòng tác giả một cách chân thực và sâu sắc nhất.

Hình ảnh tuổi thơ lúc ấy bỗng nhiên ùa về "tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy trong tâm trí thôi. Nhưng tiếng phấn của thày gạch mạnh trên bảng đen đưa tôi về cảnh thật". Một dòng suy nghĩ trong sáng và đáng trân trọng của cậu bé sắp phải bước sang giai đoạn mới trong cuộc đời vì bài tập viết: Tôi đi học.

Thanh Tịnh như một con người chèo lái con thuyền cảm xúc, đưa người đọc trở về với những kí ức của ngày đầu tiên đi học. Lời văn mượt mà, nhẹ nhàng và sâu sắc đã khiến người đọc không thể quên được năm tháng đó.

Bài tập 2: Tìm biện pháp nói quá và giải thích ý nghĩa của chúng trong các ví dụ sau

a) Bàn tay ta làm nên tất cả – Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

b) Anh cứ yên tâm đi, vết thương chỉ sướt da thôi. Từ giờ đến sáng em có thể đi lên đến tận chân trời

c) Cái cụ bá thét ra ấy lại xử nhũn mời hắn vào nhà xơi nước

Hướng dẫn giải:

- Vận dụng kiến thức ôn tập biện pháp tu từ nói quá

- Có thể tham khảo thêm tài liệu trên sách báo, internet để hiểu hơn về tác dụng của biện pháp tu từ nói quá

Lời giải chi tiết:

Câu a) Biện pháp nói quá là cụm từ "sỏi đá cũng thành cơm" có ý nghĩa là niềm tin vào bàn tay lao động, chỉ cần có sức khỏe, ý chí và niềm tin vào chính mình thì mọi việc đều có thể thành công.

Câu b) Cụm từ "đi lên đến tận trời được" sử dụng biện pháp tu từ nói quá. Ý nghĩa là vết thương này chẳn có nghĩa lý gì.

Câu c) Cụm từ mô tả phép nói quá là "thét ra lửa" có nghĩa là nói những người có uy quyền, địa vị trong xã hội.

Lời kết

- Học xong bài Ôn tập Học kì 2, các em cần nắm:

+ Nắm được nội dung chính về văn bản đã học.

+ Vận dụng được các kiến thức phần Tiếng Việt áp dụng vào viết văn bản.

Soạn bài Ôn tập Học kì 2 Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Bài học Ôn tập Học kì 2 nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa lại những kiến thức đã học. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp bài Ôn tập Học kì 2 Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON