Nhằm hỗ trợ các em học sinh lớp 7 nắm lý thuyết bài Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm, HOC247 đã biên soạn bài giảng chi tiết với nội dung về cuộc đời tác giả, vai trò, những khó khăn của việc đọc sách,... Đồng thời hướng dẫn giải chi tiết bài tập minh họa ở cuối bài học giúp các em hiểu sâu hơn về văn bản. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Chu Quang Tiềm
- Chu Quang Tiềm (1897-1986), tên khai sinh là Tự Mạnh Thực
- Quê quán: Đông Thành- An Huy-Trung Quốc
- Sự nghiệp sáng tác:
+ Ông là nhà mĩ học và lí luận học nổi tiếng của Trung Quốc
+ Ông là danh nhân lớn, học vấn cao, là tác giả của nhiều bài chính luận nổi tiếng
- Tác phẩm chính: Tâm lí học văn nghệ, Bàn về thơ, Bàn về đọc sách, …
1.1.2. Tác phẩm Bàn về đọc sách
a. Xuất xứ
- Bài luận này của Chu Quang Tiềm được trích trong “Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui nỗi buồn của việc đọc sách”, Bắc Kinh (1995), Trần Đình Sử dịch.
b. Thể loại:
- Bàn về đọc sách thuộc thể loại văn bản nghị luận
c. Bố cục
Bàn về đọc sách có bố cục gồm 3 phần:
- Phần 1: (“Học vấn …Thế giới mới”): Tầm quan trọng của việc đọc sách
- Phần 2: (Tiếp đến “tiêu hao lực lượng”): Những khó khăn, thiên hứng sai lạc dễ mắc phải của việc đọc sách hiện nay
- Phần 3: (còn lại): Bàn về phương pháp đọc sách
d. Tóm tắt tác phẩm
Bài “Bàn về đọc sách” nói về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao tri thức và tạo dựng giá trị con người. Đồng thời bài viết còn chỉ ra những cách đọc sách đúng, hiệu quả để khai thác tối đa ý nghĩa của những cuốn sách cho bạn đọc nhiều thế hệ.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách
- Học vấn là thành quả tích lũy lâu dài của nhân loại
=> Sách chính là kho tàng lưu giữ những thành quả đã tích lũy đó
=> Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn
- Mỗi quyển sách có giá trị là một cột mốc trên con đường phát triển học thuật
=> Sách có ý nghĩa quan trọng trên con đường phát triển của nhân loại
- Đọc sách là trả nợ quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm của lòai người, là hưởng thụ kiến thức, lời dạy tâm huyết của quá khứ
- Đọc sách là con đường tích lũy, nâng cao vốn tri thức, là sự chuẩn bị cho con đường chinh phục học vấn kéo dài hàng vạn dặm
→ Sử dụng lập luận hợp lý, thấu tình đạt lí, kín kẽ sâu sắc
=> Đọc sách là để nâng cao nhận thức, bồi bổ trí tuệ, phát triển tâm hồn, tình cảm, rèn giũa hành động.
Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn
1.2.2. Những khó khăn trong việc đọc sách
- Sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu:
+ Ngày trước sách ít, “có người đọc đến bạc đầu mới hết một quyển kinh” nhưng đọc nghiền ngẫm nên đã thấm vào xương tủy
+ Ngày nay, những học giả trẻ đọc nhiều sách nhưng chỉ “lướt qua”, như vậy chỉ là “hư danh nông cạn”
→ Sử dụng hình ảnh đối sánh xác đáng => sách nhiều khiến người đọc lướt qua, hời hợt không chuyên sâu, dễ sa vào lối "ăn tươi nuốt sống".
- Sách nhiều khiến người đọc lạc hướng:
+ Trước một số lượng lớn sách sẽ khiến con người “tham nhiều mà không thực chất”, không phân biệt được những “tác phẩm cơ bản đích thực” với “những cuốn sách “vô thưởng vô phạt”
→ Nhấn mạnh việc sách nhiều có thể khiến chọn lầm chọn sai lãng phí thời gian và sức lực. Thậm chí chọn phải sách độc hại.
1.2.3. Phương pháp đọc sách hiệu quả
- Cách chọn sách:
+ Chọn cho tinh
+ Không xem thường đọc sách thường thức, sách ở lĩnh vực gần gũi, kế cận với chuyên môn của mình
- Cách đọc sách:
+ Đọc cho kĩ
+ Không đọc lướt qua, vừa đọc vừa suy nghĩ.
+ Không đọc tràn lan mà cần đọc có kế hoạch và có hệ thống.
→ So sánh, kết hợp phân tích lí lẽ , liên hệ=> Đọc sách: rèn luyện tính cách, học làm người.
→ Bài viết là một kim chỉ nam cho những người mong muốn đọc sách, muốn tiến xa trên con đường học vấn => mang giá trị thời đại
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
- Chu Quang Tiềm trong bài viết đã khẳng định đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Từ việc đưa ra những sai lầm trong việc đọc sách, tác giả hướng tới cách đọc sách khoa học, hợp lí cho con người.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Bài văn nghị luận đã đặt ra và bàn về một vấn đề có ý nghĩa trong đời sống với lối viết giàu hình ảnh, nhiều so sánh thú vị.
- Luận điểm rõ ràng, thuyết phục.
- Bố cục bài viết hợp lí, chặt chẽ, các ý được dẫn dắt tự nhiên.
Bài tập minh họa
Bài tập: Thông qua văn bản Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm, SGK Ngữ văn 7 Tập 2 Chân Trời Sáng Tạo, em hãy viết đoạn văn nghị luận về vai trò của sách đối với nhân loại.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại văn bản Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm
- Dựa vào nội dung văn bản trên và hiểu biết của cá nhân để viết đoạn văn nghị luận về vai trò của sách đối với nhân loại
- Có thể tham khảo những ý sau:
+ Sách mang lại nguồn tri thức, cung cấp cho con người những kiến thức bổ ích, phục vụ cho cuộc sống
+ Sách là nguồn giải trí thú vị và bổ ích qua những câu chuyện cười, truyện tiếu lâm
+ Con người muốn trở nên tốt hơn thì phải đọc sách, chẳng có ai không học mà trở thành người có ích cho xã hội
Lời giải chi tiết:
Viết đoạn mẫu 1:
Sách mang lại nguồn tri thức, cung cấp cho con người những kiến thức bổ ích, phục vụ cho cuộc sống, lĩnh vực mà người đó làm việc, theo đuổi,… Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định sách có vai trò của sách với đời sống nhân loại. Sách trước tiên là nguồn tri thức được đúc kết qua nhiều thời kì, cung cấp cho người nguồn kiến thức khổng lồ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, qua sự hấp thụ và tích lũy, con người sẽ có vốn sống riêng cho bản thân mình có cuộc sống chất lượng hơn. Bên cạnh đó, sách còn giúp con người nuôi dưỡng tâm hồn, giúp con người tìm ra lí tưởng sống đúng đắn và hình thành những đức tính đẹp đẽ. Ngoài ra, một công dụng không thể không nhắc đến của sách là nguồn giải trí thú vị và bổ ích qua những câu chuyện cười, truyện tiếu lâm,… Chính vì thế, con người muốn trở nên tốt hơn thì phải đọc sách, chẳng có ai không học mà trở thành người có ích cho xã hội. Sách cũng là cách đánh giá con người, người ham học hỏi là người luôn tìm tòi những cuốn sách hay, có giá trị để khai thác kiến thức và đúc kết bài học riêng cho mình. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có nhiều loại sách khác nhau chưa được kiểm chứng về chất lượng, mang đến những thông tin không chính xác cho người đọc, điều hướng độc giả đi theo suy nghĩ sai lệch của tác giả. Thế nên mỗi người cần có sự lựa chọn thông minh cho bản thân mình. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người lại chỉ biết cặm cụi vào sách vở mà không chịu rèn luyện thêm kĩ năng sống hoặc thực hành, áp dụng kiến thức đó vào cuộc sống nên vẫn chưa tối đa hóa chất lượng mà sách mang lại, chúng ta cần phải điều chỉnh, cân bằng giữa học tập trong sách vở và áp dụng vào thực tế để mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Chúng ta không thể phủ định được tầm quan trọng của sách cũng như cần phải trau dồi bản thân mình để cống hiến cho xã hội. Thời gian trôi đi không thể lấy lại được, mỗi người cũng chỉ được sống một lần duy nhất nên hãy trở thành người có ích cho xã hội theo cách của riêng mình.
Viết đoạn mẫu 2:
Trong cuộc sống, mỗi sự vật đều có giá trị, ý nghĩa riêng. Một trong những vật có giá trị vô cùng lớn và mang ý nghĩa quyết định đến đời sống con người chính là sách. Sách là nơi lưu trữ những kiến thức từ lâu đời ở nhiều lĩnh vực khác nhau giúp người đọc mở mang hiểu biết cũng như bồi dưỡng tâm hồn. Đọc sách giúp con người tiếp thu nguồn tri thức để hoàn thiện bản thân, suy nghĩ đúng đắn hơn và đủ kiến thức để tìm kiếm công việc nuôi sống bản thân. Mỗi con người không thể trưởng thành, mở rộng tầm hiểu biết nếu không tiếp thu, lĩnh hội kiến thức, kiến thức được ghi lại, tập trung chủ yếu dưới dạng sách vở. Bên cạh đó, chính chún ta cũng có thể chia sẻ bài học, lan tỏa thông điệp tốt đẹp thông qua sách vở, viết lách. Bạn thử nghĩ xem, nếu các thế hệ đi trước không lưu lại kiến thức, bài học vào sách vở thì hiện nay chúng ta liệu sẽ có những bài học bổ ích? Và xã hội sẽ liệu có phát triển được như bây giờ? Sách lưu giữ thông tin của nhiều lĩnh vực, bên cạnh việc cung cấp tri thức, sách còn giúp ta rèn giũa tâm hồn cũng như giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi. Xã hội không có sách vở, kiến thức sẽ chìm trong u tối với sự lạc hậu, những thông điệp tốt đẹp, truyền thống văn hóa không được lưu truyền từ đời nọ sang đời kia tạo nên bản sắc văn hóa riêng. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của sách vở, chưa có ý thức đọc sách, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mà chỉ lười biếng, dựa dẫm vào người khác. Những người này mãi sẽ không tiến bộ và sẽ bị tụt về phía sau. Mỗi người hãy lựa chọn cho mình những quyển sách tốt nhất để học tập và trau dồi bản thân, giúp cho cuộc sống này trở nên ý nghĩa hơn.
Lời kết
- Học xong bài Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm, các em cần:
+ Phân tích tầm quan trọng của việc đọc sách
+ Phân tích được những khó khăn khi chọn sách
+ Vận dụng các phương pháp hiệu quả vào quá trình đọc sách của bản thân
Soạn bài Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Qua bài tác phẩm Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm giúp người đọc hiểu hơn về vai trò của việc đọc sách cùng những khó khăn khi lựa chọn sách. Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm Ngữ văn 7 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Qua tác phẩm Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm đã giúp người đọc có những bài học quý giá về vai trò của việc đọc sách đối với cuộc sống của mỗi người. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247