Để giúp các em có thể có những kỹ năng tốt nhất và hiệu quả nhất khi khai thác atlat HOC247 xin giới thiệu nội dung tài liệu Một số nguyên tắc cơ bản khi khai thác atlat địa lí Việt Nam Địa lí 12 trong chương trình Địa lí 12. Mời các em cùng tham khảo!
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN KHI KHAI THÁC ATLAT ĐỊA LÍ VIỆT NAM
I. Nguyên tắc
a) Nắm được bố cục, cấu trúc của Atlat
Bố cục của Atlat rất phong phú, được sắp xếp khoa học, có nhiều bản đồ, biểu đồ, bảng số liệu thống kê, tranh ảnh với những nội dung khác nhau, giúp cho việc học Địa lí thuận lợi hơn, hiệu quả hơn mà không phải học thuộc lòng và ghi nhớ một cánh máy móc.
Một cách khái quát, bố cục của Atlat Địa lí Việt Nam gồm:
- Trang đầu giới thiệu các ký hiệu chung trong từng bản đồ trong Atlat Địa lí Việt Nam.
- Các bản đồ chung bao gồm các bản đồ: Hành chính, hình thể, địa chất khoáng sản, khí hậu, các hệ thống sông, các nhóm và loại đất chính, thực vật và động vật, các miền tự nhiên, dân số, dân tộc, kinh tế chung.
- Các bản đồ các ngành kinh tế gồm: Nông nghiệp chung, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chung, các ngành công nghiệp trọng điểm, giao thông, thương mại, du lịch.
- Các bản đồ các vùng kinh tế gồm: Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; các vùng kinh tế trọng điểm.
- Trong một trang bản đồ của Atlat thể hiện nhiều yếu tố:
+ Yếu tố tự nhiên: Vị trí, địa hình, đất đai, khoáng sản, sông ngòi, khí hậu, sinh vật,…
+ Yếu tố kinh tế, xã hội: Dân cư, mật độ dân số, hành chính, các ngành kinh tế, các vùng kinh tế.
+ Giới hạn một vùng lãnh thổ hay các vùng liền kề nhau.
+ Trong bản đồ mỗi vùng đều có bản đồ tự nhiên, bản đồ kinh tế và các biểu đồ, số liệu thống kê.
+ Trong một trang bản đồ của Atlat còn thể hiện: Một số bảng số liệu, biểu đồ dân số qua các năm, cơ cấu, hay biểu đồ biểu hiện giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp,…
+ Một số hình ảnh về hoạt động sản xuất kinh tế, hoạt động văn hoá,… của các địa phương.
b) Nắm vững hệ thống ký hiệu trên bản đồ, biểu đồ
Để tìm hiểu được nội dung của mỗi bản đồ, biểu đồ cần phải hiểu được hệ thống ký hiệu trên bản đồ, biểu đồ.
- Trong Atlat hệ thống ký hiệu được dùng là những quy định về cách biểu hiện bằng màu sắc, các phương pháp ký hiệu, tỷ lệ của bản đồ,...
- Cần tìm hiểu và nắm vững các quy ước ở mục ký hiệu chung ngay từ trang đầu tiên của Atlat và các bảng chú giải trong từng trang Atlat để có thể đọc nhanh, đúng bản đồ, biểu đồ và từ đó phân tích chính xác hơn.
- Khi đọc bất cứ một bản đồ nào cũng cần phải: đọc tên từng bản đồ để hiểu từng nội dung bản đồ thể hiện.
- Đọc phần chú giải để hiểu rõ các kí hiệu được dùng cho bản đồ đó. Mỗi nội dung bản đồ khác nhau cách dùng màu sắc để thể hiện cũng khác nhau.
- Trong bản đồ Hình thể và Các miền Địa lí tự nhiên; màu sắc để thể hiện độ cao, thấp, nông, sâu của địa hình.
- Trong bản đồ Địa chất khoáng sản màu sắc lại thể hiện tuổi của các loại đá; trong bản đồ Các nhóm đất, bản đồ động - thực vật màu sắc thể hiện các nhóm đất hoặc các thảm thực vật khác nhau.
- Trong bản đồ khí hậu màu sắc lại thể hiện sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa,... và các ký hiệu hình học thể hiện các loại khoáng sản; ký hiệu tượng hình thể hiện các loài động - thực vật; ký hiệu đường chuyển động thể hiện hướng gió, tính chất gió, đường đi của các cơn bão,…
c) Trình tự khai thác Atlat
- Với mỗi nội dung bài học, yêu cầu của từng bài học từng câu hỏi, cần phải xác định được đọc cái gì, từ đó xác định đúng trang Atlat cần đọc.
- Đọc bảng chú thích để nhận biết và đọc được các ký hiệu, ước hiệu, tỷ lệ,... trên mỗi bản đồ.
- Phân tích các ký hiệu, ước hiệu trên bản đồ để rút ra các nhận xét cần thiết.
- Thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội để từ đó rút ra các kết luận,…
- Khi sử dụng Atlat phải biết khai thác kiến thức nào trước, kiến thức nào sau.
- Trong từng bài cụ thể mức độ khai thác, sử dụng Atlat không giống nhau, có những bài học việc sử dụng Atlat chỉ được ứng dụng vào một số phần, có những bài có thể khai thác Atlat để tìm hiểu nội dung cả bài, trả lời toàn bộ câu hỏi.
- Khi khai thác Atlat, không bỏ qua một chi tiết nào được thể hiện trên mỗi bản đồ, biểu đồ của mỗi trang Atlat,...
- Trong một giờ học phải kết hợp việc khai thác Atlat với việc sử dụng các tài liệu khác và cả vốn hiểu biết của bản thân.
d) Các dạng câu hỏi trong các đề kiểm tra khai thác kiến thức từ Atlat
- Kể, nêu, mô tả,... đối tượng địa lí.
- Trình bày nguồn lực phát triển và phân bố của đối tượng địa lí.
- Trình bày hiện trạng phát triển và phân bố của đối tượng địa lí.
- Giải thích sự phát triển và phân bố của đối tượng địa lí.
II. Bài tập vận dụng
Câu 1 : Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 22 và kiến thức đã học, nhận xét những thế mạnh về tự nhiên để phát triển công nghiệp điện lực ở nước ta?
Hướng dẫn trả lời
- Than : Than antraxit, tập trung ở Quảng Ninh với trữ lượng khoảng 3 tỉ tấn, ngoài ra còn có than bùn, than nâu.
- Dầu, khí : Tập trung ở các bể trầm tích chứa dầu ngoài thềm lục địa với trữ lượng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ mỏ khí, 2 bể trầm tích lớn là bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn.
- Nguồn thủy năng : Tiềm năng rất lớn, về lý thuyết, công suất có thể đạt 30 triệu kw với sản lượng 260 - 270 tỉ kwh, tiềm năng thủy điện tập ở hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Đồng Nai.
- Các nguồn lượng khác (sức gió, năng lượng mặt trời, thủy triều,...) ở nước ta dồi dào.
Câu 2: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 4 - 5 và kiến thức đã học, hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí và ý nghĩa tự nhiên của vị trí địa lí nước ta?
Hướng dẫn trả lời
* Đặc điểm
- Nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, ở gần trung tâm khu vực Đông Nam Á.
- Là cầu nối giữa lục địa Á - Âu với Thái Bình Dương, trong khu vực có nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới.
- Nằm trên các tuyến đường giao thông hàng hải, đường bộ và hàng không quốc tế quan trọng.
* Ý nghĩa
- Nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới nửa cầu Bắc. Do đó thiên nhiên nước ta mang đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nhiệt đới gió mùa, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa Châu Á, nên khí hậu nước ta có hai mùa rõ rệt.
- Giáp biển Đông là nguồn dự trữ dồi dào về nhiệt và ấm, nên chịu ảnh hưởng sâu sắc của Biển Đông, thiên nhiên bốn mùa xanh tốt, không như một số nước cùng vĩ độ ở Tây Nam Á và Tây Phi.
- Nằm trong vành đai sinh khoảng châu Á - Thái Bình Dương, nơi gặp gỡ của nhiều luồng di cư động - thực vật nên có nguồn tài nguyên khoáng sản và sinh vật phong phú.
- Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hóa đa dạng của tự nhiên thành các miền tự nhiên khác nhau giữa miền Bắc với miền Nam, giữa đồng bằng với miền núi, ven biển và hải đảo.
- Nước ta năm trong vùng có nhiều thiên tai.
Câu 3: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 15, cho biết nhận xét nào sau đây không đúng về phân bố dân cư nước ta?
A. Các tỉnh miền núi Tây Nguyên, Tây Bắc có dân cư thưa thớt.
B. Vùng có mật độ dân số cao nhất là Đồng bằng sông Hồng.
C. Số dân thành thị nước ta tăng chậm hơn số dân nông thôn.
D. Phần lớn dân cư nước ta sống ở khu vực nông thôn.
Đáp án: C
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Một số nguyên tắc cơ bản khi khai thác atlat địa lí Việt Nam Địa lí 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
- Những điều cần lưu ý khi sử dụng Atlat địa lí Việt Nam trang “hình thể“ (tr.6, 7) Địa lí 12
- Những điều cần lưu ý khi sử dụng Atlat địa lí Việt Nam trang “hình thể“ (tr.6, 7) Địa lí 12
- 55 Câu hỏi trắc nghiệm ôn tập chủ đề các vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp nước ta Địa lí 12
Chúc các em học tập tốt !