YOMEDIA

Câu hỏi tự luận ôn tập Các dạng bài tập giải thích về vùng ĐB Sông Cửu Long Địa lí 12

Tải về
 
NONE

Mời các em cùng tham khảo:

Nội dung tài liệu Câu hỏi tự luận ôn tập Các dạng bài tập giải thích về vùng ĐB Sông Cửu Long Địa lí 12 do HOC247 tổng hợp để giúp các em ôn tập, củng cố và rèn luyện kỹ năng làm bài dạng bài tập giải thích trong chương trình Địa lí 12.

ATNETWORK
YOMEDIA

BÀI TẬP GIẢI THÍCH

VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Câu 1. Dựa vào Atlat và kiến thức đã học, giải thích tại sao phải đặt vấn đề sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Hướng dẫn giải

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Là vùng trọng điểm số một của cả nước về sản xuất lương thực và thưc phẩm. Giải quyết nhu cầu lương thực và thực phẩm cho cả nước và cho xuất khẩu.

- Vì lịch sử khai thác lãnh thổ chỉ mới hơn 300 năm, chưa bị con người can thiệp nhiều, thiên nhiên đa dạng phong phú, tiềm năng còn rất lớn.

- Tuy nhiên hiện nay do sự khai thác quá mức và không hợp lí của con người nên tài nguyên và môi trường của vùng bị suy thoái và ô nhiễm ngày càng gia tăng.

+ Sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên có ý nghĩa quan trọng

+ Khai thác hợp lý, có hiệu quả thế mạnh về tự nhiên của đồng bằng. Đất đai màu mỡ, đặc biệt là đất phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu. Khí hậu cận xích đạo, có lượng nhiệt, ánh sáng, lượng mưa và độ ẩm lớn. Ít bị tai biến của thời tiết, khí hậu. Nguồn nước phong phú, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt thuận lợi cho việc phát triển giao thông, làm thuỷ lợi, nuôi trồng thuỷ sản. Tài nguyên sinh vật phong phú, nhất là rừng ngập mặn và rừng tràm. Tài nguyên biển dồi dào, trữ lượng thuỷ sản khoảng 50 % của cả nước.

+ Khắc phục những hạn chế của vùng:  Mùa khô kéo dài, thiếu nước. Mùa mưa ngập úng. Diện tích đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn lớn; một số nơi đất thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các nguyên tố vi lượng hoặc quá chặt khó thoát nước. Sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa.

Câu 2. Dựa vào Atlat và kiến thức đã học,  giải thích tại sao mô hình kinh tế trang trại của nước ta phát triển mạnh nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Hướng dẫn giải

* Kinh tế trang trại phát triển mạnh nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long vì có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để phát triển

- Quỹ đất nông nghiệp lớn, màu mỡ, bằng phẳng thuận lợi cho cơ giới hóa

- Diện tích mặt nước lớn nhờ có mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, đường bờ biển kéo dài với nhiều đầm phá, còn cát..

- Khí hậu cận xích đạo ít chịu ảnh hưởng của bão.

- Lao động năng động, sớm tiếp cận với kinh tế thị trường.

- Gần các đô thị lớn của Đông Nam Bộ nên có thị trường tiêu thụ lớn và cho xuất khẩu.

- Chính sách của nhà nước: phát triển vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm lớn nhất cả nước.

Câu 3. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học,  giải thích tại sao ngành thủy sản lại phát triển mạnh nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Hướng dẫn giải

- Điều kiện tự nhiên thuận lợi

+ 3 mặt giáp biển, đường bờ biển dài 700km, vùng biển rộng lớn với nguồn lợi thủy sản giàu có (chiếm ½ trữ lượng các biển của cả nước), có ngư trường trọng điểm Cà Mau – Kiên Giang.

+ Thềm lục địa nông và rộng, có nhiều đầm phá, cồn cát, bãi triều, cửa sông, cửa biển diện tích rừng ngập mặn lớn, có thể phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước mặn.

+ Địa hình thấp, nhiều vùng trũng ngập nước quanh năm Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau... Mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt... Hàng năm lũ tràn về mang theo một lượng lớn thức ăn tự nhiên thuận lợi phát triển thủy sản nước ngọt.

+ Khí hậu cận xích đạo nóng quanh năm, thời tiết ổn định, rất ít chịu ảnh hưởng của bão và các thiên tai khác nên hoạt động khai thác diễn ra quanh năm, sinh vật có năng suất sinh học cao.

- Điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi

+ Vùng đông dân, lao động dồi dào, có truyền thống nuôi trồng thủy sản, có nhiều kinh nghiệm lại năng động sớm tiếp cận với thị trường.

+ Các dịch vụ về giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh đều phát triển ở nhiều nơi. Công nghiệp chế biến thủy sản phát triển.

+ Nhu cầu thị trường lớn kể cả trong và ngoài nước đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Chính sách khuyến ngư và đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản.

Câu 4. Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải giải quyết những vấn đề chủ yếu nào? Tại sao?

Hướng dẫn giải

* Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải giải quyết những vấn đề chủ yếu sau:

- Nước ngọt là vấn đề quan trọng hàng đầu vào mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhân dân địa phương đã có nhiều kinh nghiệm dùng nước ngọt để thau chua, rửa mặn. Cách làm phổ biến là chia ruộng thành các ô nhỏ để có đủ nước thau chua, rửa mặn, công việc này được thực hiện vào mùa khô. Ví dụ như ở Tứ giác Long Xuyên, biện pháp hàng đầu để làm thay đổi đất phèn bị ngập nước thường xuyên là dùng nước ngọt từ sông Hậu đổ về rửa phèn thông qua kênh Vĩnh Tế,...Nghiên cứu để tạo ra các giống lúa chịu phèn, chịu mặn trong điều kiện tưới nước bình thường.

- Đối với khu vực có rừng, cần phải duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên này. Trong những năm gần đây, diện tích rừng bị giảm sút do nhu cầu tăng diện tích đất nông nghiệp thông qua các chương trình di dân khai khẩn đất hoang hoá, phát triển nuôi tôm và cả do cháy rừng. Rừng là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Vì thế, rừng cần được bảo vệ và phát triển trong mọi dự án khai thác.

- Đối với khu vực rừng ngập mặn phía tây nam đồng bằng, có thể sử dụng trong chừng mực nhất định vào việc nuôi tôm, trồng sú vẹt, được kết hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo dần diện tích đất mặn, đất phèn thành các vùng đất phù sa mới để trồng cói, lúa, cây ăn quả.

- Việc sử dụng và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long không tách khỏi hoạt động kinh tế của con người. Tình trạng độc canh lúa còn phổ biến. Điều đó đòi hỏi việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm phá thế độc canh, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao, kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản và phát triển công nghiệp chế biến.

- Đối với vùng biển, hướng chính trong việc khai thác kinh tế là kết hợp mặt biển với đảo, quần đảo và đất liền để tạo nên một thế kinh tế liên hoàn.

Đối với đời sống của nhân dân, cần chủ động sống chung với lũ bằng các biện pháp khác nhau với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời khai thác các nguồn lợi về kinh tế do lũ hàng năm đem lại.

* Nguyên nhân.

- Đồng bằng Sông Cửu Long có vị trí quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế của nước ta, là vùng chuyên canh lương thực, thực phẩm hàng đầu của cả nước.

- Đất đai là tài nguyên quan trọng của đồng bằng, tuy nhiên khoảng 60% diện tích là đất phèn, đất mặn. - Để đưa vào sử dụng các loại đất này cần cải tạo.

- Khí hậu thời tiết tuy ổn định hơn miền bắc, song lại có mùa khô kéo dài thiếu nước ngọt nghiêm trọng, mùa lũ gây ngập lụt trên diện rộng.

- Việc đưa ra các biện pháp cải tạo tự nhiên trên góp phần sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên của vùng.

Câu 5. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, nhận xét và giải thích phân bố dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long?

Hướng dẫn giải

- Khái quát: gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích hơn 40 000 km2 chiếm 12 % diện tích cả nước và dân số 17,69 triệu người (chiếm 17,5 % dân số cả nước)

- Nhận xét

+ Mật độ dân số trung bình khá cao, phổ biến từ 201- 500 người/ km2, cao hơn trung bình toàn quốc (đứng thứ 3 trong 7 ; nhưng chỉ bằng 1/3 so với đồng bằng sông Hồng(trên 1000 người/ km2).

+ Dân cư phân bố không đều: Trong toàn vùng: chia thành 6 cấp mật độ dân số. Chênh lệch giữa các cấp mật độ dân số lớn. Cao nhất là hơn 2000 người/ km2, Thấp nhất 50-100 người/ km2.

+ Phân hóa không đều giữa các lãnh thổ

  • Giữa các khu vực: Đông đúc nhất ở trung tâm, ven sông Tiền, sông Hậu (501- 1000 người/km2). Khu vực rìa đồng bằng như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau dân cư thưa thớt hơn (101-200 người/ km2)
  • Giữa các tỉnh: Các tỉnh nằm ở trung tâm có mật độ dân số cao hơn ở rìa đồng bằng (Cần Thơ 879 người/ km2 còn Cà Mau 229 người/ km2 – năm 2014)
  • Ngay trong 1 tỉnh có sự phân bố không đều: Ví dụ: Trà Vinh phía Bắc và tây mật độ cao hơn 501-1000 người/ km2, 201-500 người/ km2 còn phía đông nam giáp biển mật độ thấp hơn 101-200 người/km2.

- Giải thích

+ Sự phân bố dân cư phụ thuộc vào nhiều nhân tố trong đó quyết định là trình độ phát triển kinh tế, tính chất nền kinh tế.

+ Mật độ dân số khá cao do vùng có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự cư trú và sản xuất:  vùng thâm canh lúa nước cần nhiều lao động,  Là vùng kinh tế phát triển năng động thứ ba của nước ta. Điều kiện tự nhiên thuận lợi: địa hình bằng phẳng, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu nóng ẩm.

+ Phân bố không đều do tác động của các nhân tố khác nhau ở từng lãnh thổ.

  • Khu vực trung tâm do có đất phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp lúa nước, nền kinh tế phát triển, tập trung mạng lưới đô thị.
  • Khu vực rìa thưa dân vì đây là khu vực đất phèn,đất mặn cần cải tạo, kinh tế kém phát triển...

Câu 6. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, giải thích vì sao Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất  lương thực, thực phẩm lớn nhất nước ta.

Hướng dẫn giải

* Vùng hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện thuận lợi để sản xuất lương thực và thực phẩm cả về tự nhiên và kinh tê – xã hội.

+ Về tự nhiên

  • Đất: là tài nguyên quan trọng hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tương đối rộng (gần 4 triệu ha), địa hình thấp và bằng phẳng, thuận lợi cho việc sản xuất lương thực, thực phẩm với quy mô lớn.
  • Khí hậu: cận xích đạo, nóng ẩm quanh năm, lượng mưa nhiều, thời tiết ít biến động, thuận lợi cho việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ.
  • Nước: tương đối dồi dào của hệ thống sông rạch dày đặc, thuận lợi làm thủy lợi. Diện tích mặt nước rộng lớn (nội địa và ven biển), thích hợp để nuôi trồng thủy sản (nước ngọt, nước lợ và mặn).
  • Nguồn lợi thủy sản: phong phú của các vùng biển (tây nam, đông nam) và của sông Mê Công.

+ Về kinh tế - xã hội

  • Dân số đông nên vùng có lao động dồi dào; người dân cần cù, có kinh nghiệm sản xuất lúa, thủy sản, thích ứng nhanh với sản xuất hàng hoá.
  • Hệ thống thuỷ lợi khá hoàn chỉnh; giao thông vận tải đường bộ, đường sông thuận lợi.Mạng lưới cơ sở chế biến và dịch vụ sản xuất lúa rộng khắp.
  • Thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước (đặc biệt là thị trường xuất khẩu). Chính sách khuyến nông của nhà nước.

{-- Để xem tiếp nội dung đề và đáp án chi tiết từ câu 7-10 của tài liệu các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc Tải về--}

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Câu hỏi tự luận ôn tập Các dạng bài tập giải thích về vùng ĐB Sông Cửu Long Địa lí 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON