Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của Truyện Kiều là bút pháp miêu tả người của Nguyễn Du. Điều này được thể hiện rõ qua đoạn trích đoạn “Chị em Thúy Kiều”. Thúy Kiều là nhân vật được tác giả dùng hết bút lực để miêu tả vẻ đẹp và tài năng. Mời các em cùng tham khảo tài liệu Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều dưới đây để hiểu thêm về tài sắc nhân vật này. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và đoạn trích "Chị em Thúy Kiều"
- Vẻ đẹp và tài năng của nhân vật Thúy Kiều
2.2. Thân bài
- Giới thiệu vị trí đoạn trích: Nằm ở phần Gặp gỡ và Đính ước.
- Cảm nhận vẻ đẹp của nàng Kiều:
+ Tác giả khắc họa bằng thủ pháp đòn bẩy: Tả Thúy Vân trước để làm nổi bật vẻ đẹp Thúy Kiều.
+ Vẻ đẹp khuôn mặt thanh tú với điểm nhấn là đôi mắt trong veo như làn nước mùa thu, cặp mày ngài thanh tú như dáng núi mùa xuân
+ Dự báo cho số phận truân chuyên, bị "hờn", "ghen" của nàng.
=> Vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp của giai nhân tuyệt thế "mười phân vẹn mười"
- Cảm nhận về tài năng của Kiều:
+ Thúy Kiều thành thạo cả bốn kỹ nghệ : Cầm, kỳ, thi, họa
+ Tuy nhiên nàng giỏi nhất là đánh đàn: Bản nhạc của nàng cất lên say đắm, mê hoặc lòng người
+ Từ đó tác giả cũng dự báo cho cuộc đời lắm sóng gió, bạc mệnh của nàng.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Đòn bẩy, ước lệ tượng trưng, lấy điểm tả diện, từ ngữ gợi cảm, hình ảnh độc đáo
2.3. Kết bài
Giá trị tác phẩm và tài năng tác giả.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thuý Kiều trong Chị em Thuý Kiều
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Nguyễn Du là một trong những cây đại thụ của nền văn học dân tộc với nhiều áng văn bất hủ, nổi bật nhất trong số đó là kiệt tác "Truyện Kiều". Ra đời dựa trên cuốn tiểu thuyết "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, tuy nhiên, Nguyễn Du đã thổi một làn gió mới khiến cho một câu chuyện vốn tẻ nhạt trở nên hấp dẫn, sinh động và mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Trong số các nhân vật của mình, Thúy Kiều là nhân vật được Nguyễn Du khắc họa chân thực và sinh động nhất cả về vẻ đẹp lẫn tài năng. Qua đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" ta sẽ thấy rõ điều đó.
Đoạn trích nằm ở phần đầu của tác phẩm: "Gặp gỡ và đính ước". Thúy Kiều và Thúy Vân được miêu tả là hai nàng "tố nga" - vừa thông minh lại xinh đẹp hiếm có trong thiên hạ. Hai chị em "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Với bút pháp ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã ngụ ý miêu tả vẻ đẹp của em gái Thúy Vân trước để làm đòn bẩy, làm nổi bật lên vẻ đẹp "phần hơn" của cô chị Thúy Kiều:
"Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Nếu Thúy Vân được miêu tả là một cô gái "trang trọng khác vời" với "khuôn trăng đầy đặn" và "nét ngài nở nang" thì Thúy Kiều lại càng "sắc sảo mặn mà" hơn bội phần. Thúy Kiều có vẻ đẹp của một tuyệt thế giai nhân, nghiêng nước nghiêng thành. Không chỉ vậy, nàng còn giỏi cầm, kỳ, thi, họa. Bởi vậy, so về "sắc" hay "tài" thì Kiều đều giỏi hơn Vân một phần. Câu thơ đầy ngụ ý, mở ra cho người đọc thấy được vẻ đẹp và tài năng của nàng Kiều.
Để làm nổi bật hình tượng nàng Kiều, đầu tiên, Nguyễn Du tập trung miêu tả vẻ đẹp nhan sắc của nàng:
"Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh"
Bút pháp ước lệ tượng trưng được sử dụng có hiệu quả trong việc khắc hoạ vẻ đẹp của Thuý Kiều. Khuôn mặt nàng là một khuôn mặt vô cùng thanh tú, được so sánh như làn nước mùa thu, như dáng núi mùa xuân. Nếu khi miêu tả nàng Vân, Nguyễn Du tập trung miêu tả từng chi tiết thì đến nàng Kiều, ông chỉ tập trung khắc họa đôi mắt xinh đẹp, biết nói của nàng. Đó là một đôi mắt xanh, biêng biếc như làn nước trong vắt của mùa thu cùng đôi lông mày thanh thoát như dáng núi mùa xuân. Đôi mắt ấy tuyệt đẹp, chất chứa bên trong là một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống. Nghệ thuật lấy điểm tả diện, tác giả chỉ cần đặc tả đôi mắt thôi cũng đủ để làm bật lên vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha, trong sáng của cô tiểu thư đài các.
Chính vẻ đẹp vượt ra khỏi những nét đẹp chuẩn mực thông thường của người phụ nữ trong xã hội phong kiến của Kiều đã khiến cho "hoa ghen", "liễu hờn". Câu thơ như một lời dự báo của Nguyễn Du dành cho nàng. Có chăng, cuộc đời nàng Kiều sẽ gặp phải truân chuyên vì những kẻ mưu mô, hẹp hòi sẽ ghen, hờn với tài sắc "mười phân vẹn mười" của nàng? Nếu Thúy Vân có cuộc sống khiến vạn vật phải "thua", "nhường" thì Thúy Kiều lại trái ngược. Nó dự báo cho một cuộc đời đầy giông bão, trắc trở sắp ập đến với nàng.
Bằng đôi ba câu ngắn ngủi, Nguyễn Du đã dựng nên vẻ đẹp về ngoại hình của Kiều. Với nét vẽ của một người họa sĩ, ông đã vẽ lên bức họa chân dung nàng Kiều với vẻ đẹp của một trang giai nhân tuyệt thế. Vẻ đẹp ấy hoàn mĩ như một bức tranh thuỷ mặc: Có núi, có trời, có sắc nước mùa thu.
Không chỉ trầm trồ bởi vẻ đẹp của nàng Kiều, người đọc lại càng ngưỡng mộ tài năng thiên bẩm của nàng:
"Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân"
Yêu thương Kiều, Nguyễn Du đã miêu tả nàng bằng những mỹ từ. Nếu về sắc, nàng là số một thì về tài, không ai dám đứng thứ hai trước nàng. Nguyễn Du ca ngợi Thúy Kiều tột bậc, nàng là một trong số những mỹ nhân hiếm có trong thiên hạ, vừa có cả sắc, vừa có cả tài. Vốn sẵn tính thông minh, Thúy Kiều vừa "pha nghề thi họa" lại cũng "đủ mùi ca ngâm". Như vậy, cả bốn kỹ nghệ cầm - kỳ - thi - họa nàng đều thành thạo. Thế nhưng nổi bật nhất trong số đó là tài đánh đàn của nàng. Tiếng đàn ngân nga cất lên với "làu bậc ngũ âm" vô cùng thành thục và êm tai, thậm chí vượt xa những người con gái tài giỏi khác một bậc "ăn đứt hồ cầm một chương". Thử hỏi mấy ai trong thiên hạ có được tài đánh đàn khéo léo, uyển chuyển giống như nàng?
Tuy tài năng là vậy nhưng Nguyễn Du cũng ngầm dự báo số phận éo le của Kiều bởi bản nhạc mà nàng thường đánh là bản "Bạc mệnh" vô cùng "não nhân". Là một người con gái yêu kiều dịu dàng, thế nhưng nàng Kiều lại thường thích những bản nhạc u sầu, buồn bã. Điều đó như đã vận vào chính số mệnh của nàng. Bản bạc mệnh nàng đánh cho ai? Hay là đánh cho chính mình? Nàng không hề hay biết rằng, sắp tới nàng sẽ bước vào trang mới của cuộc đời cuộc đời với rất nhiều khổ đau và tủi nhục.
Như vậy, Nguyễn Du đã thành công phác họa bức chân dung của Thúy Kiều về cả sắc đẹp lẫn tài năng. Đó là một vẻ đẹp tuyệt mỹ khiến cho trời xanh đố kị, một tài năng vượt trội khiến cho ai cũng phải thán phục, trầm trồ. Thế nhưng, số phận nàng Kiều sẽ không thể tránh khỏi những truân chuyên như Nguyễn Du đã từng ca thán:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, nghệ thuật lấy điểm tả diện, lấy thiên nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp con người, Nguyễn Du đã thành công khắc họa chân dung vẻ đẹp và tài năng của Kiều. Đặc biệt, tác giả sử dụng thành công thủ pháp đòn bẩy : Tả Thúy Vân trước để làm đòn bẩy nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều. Phải yêu thương nhân vật của mình thì ông mới có thể xây dựng được hình tượng nàng Kiều tuyệt đẹp, khiến bạn đọc phải trầm trồ đến vậy.
Đoạn thơ khép lại mang tới những dư âm sâu sắc trong lòng bạn đọc. Đó là dư âm về tài năng của Nguyễn Du, về ý nghĩa nhân sinh sâu sắc được chuyển tải trong những câu thơ. Ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ là cảm hứng muôn đời, có ý nghĩa từ xa xưa cho đến hiện tại. Quả không sai khi người ta nhắc đến Nguyễn Du là "một tài năng lớn, một nhân cách lớn".
3.2. Bài văn mẫu số 2
Từ lâu, “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã được xem là một tác phẩm có giá trị độc đáo, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc về cả nội dung và nghệ thuật truyện thơ Nôm ở thế kỉ XVIII. Mặc dù, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được sáng tác dựa trên cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc, nhưng những dụng ý, tư tưởng nghệ thuật và sự sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” có những bước đột phá mới mẻ, đậm đà giá trị nhân văn, nhân đạo, nhân bản, nhân sinh sâu sắc. Và một trong những sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo khéo léo của Nguyễn Du làm nên sự thành công của tác phẩm đó là nghệ thuật tả người. Điều này được thể hiện rất rõ, rất cụ thể trong trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” qua vẻ đẹp chân dung và tài năng của nhân vật Kiều.
Đoạn trích nằm ở phần mở đầu của tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Kiều. Khi giới thiệu những người trong gia đình Kiều, tác giả tập trung tả tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều. Sau khi dựng lên chân dung và vẻ đẹp nhân vật Thúy Vân, nhà thơ tập trung bút lực vào miêu tả vẻ đẹp của Kiều trong sự đối sánh với vẻ đẹp của Vân:
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Vẻ đẹp của Kiều khác và hơn hẳn Vân cả về tài lẫn sắc. Đó là sự “sắc sảo” về trí tuệ; “mặn mà” về tâm hồn.
Trước hết là vẻ đẹp nhan sắc – ngoại hình của Kiều. Vẫn tiếp tục sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người qua một loạt các hình ảnh: thu thủy, xuân sơn, hoa, liễu, Nguyễn Du đã làm hiện vẻ đẹp của một trang giai nhân tuyệt mĩ. Nhưng khi miêu tả Kiều, tác giả không miêu tả cụ thể chi tiết như ở Vân mà ngược lại, tác giả tập trung vào một điểm nhìn là đôi mắt “Làn thu thủy nét xuân sơn”: Đôi mắt sáng trong và sâu thẳm như làn nước mùa thu; đôi lông mày thanh thoát như nét núi mùa xuân. Đây chính là lối vẽ “điểm nhãn” cho nhân vật. Bởi đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn con người. Và qua đôi mắt đó của Kiều, ta thấy được tâm hồn trong sáng, sâu thẳm và cuốn hút lạ thường của nhân vật. Vẻ đẹp nhan sắc của Kiều là vẻ đẹp vượt ra khỏi chuẩn mực của tự nhiên và khuôn khổ của người phụ nữ phong kiến nên: “Hoa ghen – liễu hờn” và thậm chí là nghiêng ngả cả thành quách, đất nước:
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Nghệ thuật nhân hóa (hoa ghen – liễu hờn) kết hợp với nghệ thuật nói quá (thành ngữ: Nghiêng nước nghiêng thành) vừa có tác dụng gợi tả vẻ đẹp của Kiều; lại vừa có tác dụng dự đoán về số phận, cuộc đời của nàng. Bởi vẻ đẹp đó gợi lên mâu thuẫn, không hài hòa (khác với Vân: thua – nhường: hài hòa, bình yên) nên chắc chắn cuộc đời nàng sẽ truân chuyên, trắc trở: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.
Tiếp đến là vẻ đẹp tài năng của Kiều. Nếu như khi tả Vân, nhà thơ chỉ chú trọng vào khắc họa vẻ đẹp nhan sắc mà không chú trọng tới miêu tả tài năng và tâm hồn thì khi tả Kiều, nhà thơ chỉ tả sắc một phần, còn lại dành phần nhiều vào tài năng:
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Chỉ một câu thơ mà nhà thơ đã nêu được cả sắc lẫn tài. Nếu như về sắc thì Kiều là số một thì về tài không ai dám đứng hàng thứ hai trước nàng. Tài năng của Kiều có thể nói là có một chứ không có hai trên đời. Vì được trời phú cho tính thông minh nên ở lĩnh vực nghệ thuật nào Kiều cũng toàn tài: cầm – kì – thi – họa. Tất cả đều đạt đến mức lí tưởng hóa theo quan niệm thẩm mĩ của lễ giáo phong kiến: “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”. Đặc biệt tài năng của Kiều được nhấn mạnh ở tài đàn: “Cung thương lầu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”: nàng thuộc lòng các cung bậc và đánh đàn Hồ cầm (đàn cổ) thành thạo. Hơn thế, nàng còn giỏi sáng tác nhạc nữa: “Khúc nhà tay lựa nên chương/ Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”. Mỗi nàng lần đánh đàn, nàng lại cất lên bài hát “Bạc mệnh” làm cho người nghe phải đau khổ, sầu não. Bài hát chính là tâm hồn, là bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều, biểu hiện một trái tim đa sầu đa cảm và cuộc đời éo le, bất hạnh.
Tóm lại, chân dung của Kiều là bức chân dung mang tính cách và số phận. Vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp khác người nên làm cho thiên nhiên phải ghen tị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”; tài năng của Kiều vượt trội hơn người nên chắc chắn theo một qui luật thông thường của định mệnh “Chữ tài đi với chữ tai một vần” hay “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” nên cuộc đời Kiều là cuộc đời của một kiếp hồng nhan bạc mệnh, éo le và nghiệt ngã.
Đến đây chúng ta thấy được tài năng độc đáo của Nguyễn Du trong việc khắc họa chân dung con người. Từ vẻ đẹp chân dung, nhà thơ thể hiện những dự cảm về tính cách, cuộc đời, số phận của nhân vật. Và mặc dù, ở đầu đoạn trích, tác giả giới thiệu Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân nhưng sau đó, nhà thơ lại miêu tả chân dung nhân vật Vân trước, Kiều sau. Đó là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ trong việc tạo ra thủ pháp “đòn bẩy”. Điều đó có tác dụng nhấn mạnh và làm nổi bật được vẻ đẹp độc đáo, vượt trội về cả sắc lẫn tài và tình của nhân vật Thúy Kiều. Vì thế, tuy cùng sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng khi miêu tả hai nhân vật nhưng chúng ta thấy được mức độ đậm nhạt khác nhau ở mỗi người. Nhà thơ chỉ dùng bốn câu để tả Vân, còn lại dành tận mười hai câu để tả Kiều; tác giả khi tả Vân chỉ tập trung tả nhan sắc nhưng khi tả Kiều thì “sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Mặc dù vậy nhưng ở nhân vật nào cũng hiện lên rất sống động, cụ thể, chân thực, mang vẻ đẹp, tính cách, số phận khác nhau.
Như vậy, bằng bút pháp ước lệ lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, Nguyễn Du đã khắc họa thành công vẻ đẹp chân dung hai chị em Thúy Kiều, đặc biệt là vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều. Qua đó, chúng ta thấy được cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp, tài năng con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh đầy nhân văn ở Nguyễn Du.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------