YOMEDIA

Cảm nhận hình tượng bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân

Tải về
 
NONE

Cảm nhận hình tượng bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân là tài liệu hữu ích dành cho các em học sinh tham khảo. Với tài liệu này, các em sẽ cảm nhận được hình ảnh bà cụ Tứ hiện lên trong tác phẩm là một người mẹ nghèo khổ với tình yêu thương con vô bờ bến. Hình ảnh đó thật đẹp và đáng trân trọng biết bao. Mời các em cùng Học247 tham khảo nhé!

ATNETWORK

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

1. Mở bài:

- Khái quát về tác giả, tác phẩm:

+ Kim Lân là cây bút truyện ngắn tài hoa. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam.

+ "Vợ nhặt" là một truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, được rút từ tập "Con chó xấu xí". Truyện là bài ca về tình người, về lòng lạc quan và niềm khát sống mãnh liệt của những con người sống trong tận cùng của đói khổ.

- Cảm nhận chung về nhân vật bà cụ Tứ: Là người phụ nữ nông dân nghèo khổ nhưng có rất nhiều phẩm chất đáng quý.

2. Thân bài:

* Bà cụ Tứ là một người mẹ nông dân nghèo khổ:

- Dáng hình : "lọng khọng", "gầy gò".

- Cảnh ngộ: bà lão nghèo khổ, già nua lại cô đơn vì chồng và con gái út đã chết, đứa con trai đã lớn tuổi nhưng vì nghèo khổ, thô kệch, lại là dân ngụ cư nên không lấy được vợ.

- Cuộc sống nghèo khó: căn nhà rúm ró trên mảnh vườn nhỏ, sống qua ngày bằng những bữa ăn khốn khó, khi thì lùm rau chuối thái rối, khi thì nồi cháo cám, không có nổi vài ba mâm cơm cúng tổ tiên khi có nàng dâu mới.

=> Cuộc đời bà cụ Tứ thật đáng thương: nghèo, góa bụa, hiền lành và thầm lặng.

* Vẻ đẹp ở tấm lòng nhân hậu, bao dung: Dù người mẹ già ấy có thân phận, hoàn cảnh sống nghèo khó nhưng trong lòng vẫn luôn chan chứa tình yêu thương dành cho các con, có những ứng xử chân thành, đầy tình nghĩa đối với cả con trai và con dâu:

- Vượt qua những nghi lễ thông thường, bà cụ đồng ý cho người đàn bà xa lạ làm con dâu mình và còn thấy thương xót, thấu hiểu cho hoàn cảnh của người đàn bà ấy.

- Bà nói chuyện với con dâu nhẹ nhàng, từ tốn, nhìn con dâu với tình cảm xít thương trào dâng: "Chúng mày lấy nhua lúc này u thương quá".

- Bà vui mừng vì các con mình đx yên bề gia thất " Các con...mừng lắm".

* Vẻ đẹp ở tâm hồn giàu niềm tin và hi vọng: Người mẹ nghèo ấy trong mọi hoàn cảnh dù khắc nghiệt nhất, đáng buồn tủi nhất vẫn cố gắng xua tan những buồn lo để vui sống, khơi lên ngọn lửa niềm tin và hi vọng cho con cái, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chãi cho các con:

- Trong ý nghĩ: bà vui với triết lí dân gian giản dị mà sâu sắc: "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời"

- Trong lời nói: Bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này: " Tràng ạ, khi nào...đàn gà cho mà xem".

- Trong hành động:

+ Cùng con dâu thu dọn nhà cửa, quét dọn sân vườn cho sạch sẽ.

+ Nấu một nồi cháo cám bổ sung vào bữa ăn ngày đói như để ăn mừng nhân ngày con trai lấy được vợ.

* Vẻ đẹp ở nội tâm với những nét tâm lí chân thực, phong phú, giàu sức lay động:

- Khi ai oán xót xa (trách mình không làm tròn bổn phận người mẹ, không lo được cho con), khi buồn tủi lo lắng (hiện thực cuộc sống nghèo khổ), khi vui mừng phấn chấn rạng rỡ (nghĩ về tương lai)…

* Nghệ thuật khắc họa nhân vật:

- Nhân vật được đặt trong tình huống truyện độc đáo, diễn biến tâm lí được miêu tả tinh tế, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị …

3. Kết bài:

- Bà cụ Tứ là nhân vật điển hình về những người ông dân nghèo khổ. Song đây là người mẹ từng trải, hiểu biết, nhân hậu, bao dung, lạc quan.

- Nhân vật này góp phần vào việc thể hiện tình cảm nhân đạo của tác phẩm. Nhà văn đã giúp người đọc thấu hiểu: dù hoàn cảnh bi thảm đến đâu con người vẫn giữ được phẩm chất đẹp đẽ và luôn hướng về ánh sáng, sự sống, không ngừng khao khát sống.

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Cảm nhận hình tượng bà cụ Tứ trong tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân.

Gợi ý làm bài

Bà cụ tứ là nhân vật xuất hiện ở khoảng giữa truyện, bà cụ Tứ vẫn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng giúp Kim Lân thể hiện những tư tưởng nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn của mình. Đây là nhân vật được nhà văn miêu tả khá chi tiết, sinh động từ ngoại hình, dáng vẻ đến những cử chỉ, hành động, từ những lời đối thoại đến những dòng độc thoại nội tâm.

Bà cụ Tứ xuất hiện hiện trong tiếng ho húng hắng, trong dáng người lọng khọng, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán. Đó là những nét khác họa đầu tiên đầy ấn tượng về ngoại hình, dáng vẻ một người mẹ nghèo khổ, già nua, còm cõi, luôn trĩu nặng những lo toan về cuộc sống.

Ngay khi vừa xuất hiện, bà cụ Tứ đã phải đối mặt với tình huống oái oăm của con trai, cũng là của chính gia đình: anh con trai ngộc nghệch nhặt về một cô vợ rách tả tơi ngay trong những ngày đói khát thê thảm. Thân phận bất hạnh cũng như vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của bà cụ Tứ đã thể hiện qua những trạng thái tâm lí, cảm xúc, những cử chỉ, lời nói và hành động được nhà văn tả chân thực và tinh tế.

Khi thấy Tràng ra tận ngõ đón mẹ, lại thấy anh ta reo lên như một đứa trẻ, thái độ vồn vã, trang trọng khác thường của con trai đã khiến bà cụ Tứ phấp phỏng. Có lẽ, tấm lòng người mẹ của bà cụ Tứ đã linh cảm thấy có một cái gì đó quan trọng và bất thường đang chờ đợi. Nhìn thấy có một người đàn bà lạ đứng ngay đầu giường thằng con mình….lại chào mình là u…., vẻ khép nép lạ lùng của thị khiến bà ngạc nhiên tột cùng. Sự ngạc nhiên được thể hiện qua những câu hỏi dồn dập trong dòng độc thoại nội tâm, qua bước chân lập cập, run rẩy, qua việc bà đứng sững lại, rồi thậm chí như không tin nổi vào mắt mình, bà thấy mắt mình nhoèn ra thì phải… Chính sự ngạc nhiên tột cùng của bà cụ Tứ càng cho thấy cái nhìn tinh tường và trái tim nhạy cảm của người mẹ lập tức đã nhận ra có một điều gì đó thiêng liêng, lớn lao đang đến nỗi xót xa cho thân phận con người khi chỉ vì nạn đói và cảnh ngộ gia đình mà người mẹ tội nghiệp không thể tin được những điều bà đang phỏng đoán.

Sau khi nghe lời giới thiệu của con trai: Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi…, bà lão cúi đầu nín lặng… bà đã hiểu ra bao nhiêu là cơ sự. Có biết bao nhiêu thấu hiểu, bao nhiêu nỗi niềm trong cái cúi đầu nín lặng, trong sự chấp nhận ngậm ngùi của bà. Người mẹ từng trải đã hiểu tất cả những uẩn khúc, những éo le trong việc nhặt vợ của con, hình dung được cảnh ngộ của người vợ nhặt, đó là những cơ sự bà đã đoán ra mà không nỡ hỏi, những điều con bà đang nghĩ tới mà không nỡ nói, những điều đang làm người đàn bà xa lạ, đói rách kia sợ hãi, tủi hổ, bẽ bàng. Trong hai chữ cơ sự ấy là tất cả những oái oăm, bi hài của cảnh ngộ, những cay đắng, trớ trêu của duyên kiếp – sự nín lặng của bà cụ Tứ không chỉ cho thấy sự từng trải mà con là biểu hiện rõ nhất của trái tim nhân hậu.

Khác với anh con trai vô tâm, sự kiện Tràng nhặt vợ khiến bà cụ Tứ chìm đắm trong những nồi niềm, vừa ai oán vừa xót thương, vừa tủi phận. Bà mừng vì con có được vợ mà vẫn trăn trở về bổn phận làm mẹ, vần buồn tủi vì số kiếp đứa con mình thật bất hạnh khi chẳng được cha mẹ lo dựng vợ gả chồng cho đàng hoàng tử tế, mở mặt mở mày, phải đi nhặt vợ một cách éo le, chua xót; lại càng lo lắng vì cảnh con lấy vợ giữa những ngày đói quay đói quắt, biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không. Trong lòng bà ngổn ngang với dòng hồi tưởng về những năm tháng dài dằng dặc của quá khứ, với những cay đắng chồng chất trong cuộc đời của bà, của người chồng và đứa con gái đã mất; những buồn tủi về tình cảnh của mẹ con bà trong hiện tại, những lo lắng về tương lai…..; nhưng dù mừng hay tủi, buồn bã hay lo lắng, mọi ý nghĩ và nỗi niềm cho con trai, bà cũng đồng thời thông cảm, xót thương cho cảnh ngộ của người đàn bà đều chỉ xuất phát từ tấm lòng thương yêu vô bờ bến.

Từ chỗ xót xa cho con trai, bà cũng đồng thời thông cảm, xót thương cho cảnh ngộ của người đàn bà xa lạ nay đã trở thành con dâu của mình. Không một lời phản đối hay tra xét, cũng không hề rẻ rúng hay coi thường người đàn bà đói rách tả tơi theo không con trai mình, bà chỉ đăm đăm nhìn đứa con dâu đang bối rối vân vê tà áo đã rách bợt.. lòng đầy thương xót, ngay trong tâm tư, bà đã mặc nhiên công nhận nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Sự chấp nhận ấy cho thấy bà đã bỏ qua không chỉ lễ giáo thông thường mà cả gánh nặng sẽ chồng chất thêm của sự đói khát, nỗi ám ảnh ghê gớm của chết chóc để đùm bọc cưu mang một con người khốn khổ, nhất là để vun đắp cho hạnh phúc của con trai. Giống như Tràng, ý nghĩ của bà không chỉ là cảm thông, thấu hiểu mà còn gần như một sự hàm ơn với người vợ nhặt của Tràng: người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ….- ngôn ngữ độc thoại nội tâm như đã hàm chứa sắc thái đối thoại, vừa như để bênh vực cho con dâu, vừa như cố an ủi chính mình!

Những chi tiết miêu tả thái độ, cách nói năng, cư xử của bà cụ Tứ cũng làm đậm thêm vẻ đẹp trong tấm lòng nhân hậu của bà. Từ cách bà khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói, rồi lại hạ thấp giọng xuống thân mật, nhất là cách dùng hai chữ các con để gọi con và dâu một biểu hiện chắc chắn của sự chấp nhận với nàng dâu mới….; từ câu nói xót xa: chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá cho đến lời giục nàng dâu: con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân….- đó là những cách cư xử cho thấy sự tinh tế và nhân hậu trong lòng người mẹ nghèo, bà muốn bằng thái độ, giọng nói và cả cách xưng hô để làm vợi đi những căng thẳng, lo lắng của con cái, nhất là những tủi hổ bẽ bàng của người đàn bà gặp cảnh éo le đói khát mà phải theo không con trai mình. Tới ba lần, Kim Lân miêu tả dòng nước mắt của người mẹ bà cụ Tứ – những dòng nước mắt của buồn vui, thương xót, tủi cực, nước mắt của tình người nhân hậu, vị tha.

Trong ba nhân vật chính của truyện ngắn, người mẹ bà cụ Tứ cũng là người thể hiện rõ nhất niềm tin niềm hi vọng vào tương lai. Khốn khổ vì gánh nặng cuộc sống, không thể né được tiếng thở dài chua xót trước việc nhặt vợ của con, thậm chí, hơn một lần bà đã khóc vì tủi cực, lo lắng…, vậy mà bà vẫn đồng tình với việc làm có vẻ hoang phí, bốc đồng của con trai khi thấy Tràng mua dầu thắp đèn. Với câu nói: thắp lên một tí cho sáng sủa, bà đã không chỉ thể hiện sự trân trọng với hạnh phúc của con cái mà có lẽ còn bộc lộ một niềm tin dẫu là vu vơ, mơ hồ về sự sáng sủa hơn trong cuộc đời. Nét mặt nhẹ nhõm, tươi tỉnh… rạng rỡ và dáng vẻ xăm xắn của bà trong sáng ngày hôm sau khi cùng con dâu mới thu dọn, quét tước sân vườn, nhà cửa đã cho thấy ý thức vun đắp cuộc sống gia đình cùng niềm hi vọng cho cuộc đời của mấy mẹ con.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON