Vợ nhặt là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân viết về đề tài người nông dân nghèo trong nạn đói năm 1945. Thông qua tác phẩm Vợ nhặt, cụ thể nhân vật Thị đã cho người đọc cảm nhận được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cao cả của tác phẩm. Với tư liệu Phân tích nhân vật người vợ nhặt để làm nổi bật lên số phận của người nông dân Việt Nam trước CMT8 dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được những giá trị nhân văn sâu xa của tác phẩm. Chúc các em học tốt!
A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Kim Lân: là cây bút chuyên viết Truyện ngắn, ông am hiểu sâu sắc đời sống của người nông dân và thường tập trung viết về họ.
- Vợ nhặt là một trong số những truyện ngắn đặc sắc viết về người nông dân của ông. Nhân vật đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm này chính là người vợ nhặt.
2. Thân bài:
* Lai lịch:
- Không có quê hương gia đình: có thể thấy nạn đói năm 1945 đã khiến biết bao con người bị dứt khỏi quê hương, gia đình.
- Tên tuổi cũng không có và qua tên gọi “vợ nhặt”: thấy được sự rẻ rúng của con người trong cảnh đói.
* Chân dung
- Ngoại hình: quần áo tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt.
- Lần thứ nhất: khi nghe câu hò vui của Tràng, Thị đã vui vẻ giúp đỡ, đây chính là sự hồn nhiên vô tư của người lao động nghèo.
- Lần thứ hai:
+ Thị sưng sỉa mắng Tràng, từ chối ăn trầu để được ăn một thứ có giá trị hơn, khi được mời ăn tức thì ngồi sà xuống, mắt sáng lên, “ăn một chặp bốn bát bánh đúc”.
+ Khi nghe tràng nói đùa “đằng ấy có về với tớ cùng về”, Thị đã theo về thật bởi trong cái đói khổ, đó là cơ hội để Thị bấu víu lấy sự sống.
- Nhận xét: cái đói khổ không chỉ làm biến dạng ngoại hình mà cả nhân cách con người. Người đọc vẫn cảm thông sâu sắc với Thị vì đó không phải là bản chất mà do cái đói xô đẩy.
* Phẩm chất:
- Có khát vọng sống mãnh liệt:
+ Quyết định theo Tràng về làm vợ dù không biết về Tràng, chấp nhận theo không về không cần sính lễ vì Thị sẽ không phải sống cảnh lang thang đầu đường xó chợ.
+ Khi đến nhà thấy hoàn cảnh nghèo khổ, trái ngược lời tuyên bố “rích bố cu”, Thị “nén một tiếng thở dài”, dù ngao ngán nhưng vẫn chịu đựng để có cơ hội sống.
- Thị là người ý tứ và nết na:
+ Trên đường về, Thị cũng rón rén e thẹn đi sau Tràng, đầu hơi cúi xuống, Thị ngại ngùng cho thân phận vợ nhặt của mình.
+ Khi vừa về đến nhà, Tràng đon đả mời ngồi, chị ta cũng chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, thể hiện sự ý tứ khi chưa xác lập được vị trí trong gia đình.
+ Khi gặp mẹ chồng, ngoài câu chào Thị chỉ cúi đầu, “hai tay vân vê tà áo đã rách bợt”, thể hiện sự lúng túng ngượng nghịu.
+ Sáng hôm sau, Thị dậy sớm quét tước nhà cửa, không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” mà hiền hậu, đúng mực.
+ Lúc ăn cháo cám, mới nhìn “mắt Thị tối lại”, nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng thể hiện sự nể nang, ý tứ trước người mẹ chồng, không buồn làm bà buồn.
- Nhận xét: cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.
- Thị còn là người có niềm tin vào tương lai: kể chuyện phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang để thắp lên hy vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.
- Nêu cảm nhận chung về hình tượng người vợ nhặt sau khi phân tích.
3. Kết bài:
- Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện độc đáo, xây dựng hình tượng nhân vật thành công, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, ...
- Tác phẩm chứa đựng giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc: người đọc hiểu và cảm thông với cảnh ngộ thương tâm, rẻ rúng của người lao động trong nạn đói, tố cáo thực dân, phát xít, ngợi ca khát vọng sống trong cảnh cơ cực.
C. BÀI VĂN MẪU
Đề bài: Phân tích nhân vật người vợ nhặt để làm nổi bật lên số phận của người nông dân Việt Nam trước CMT8.
Gợi ý làm bài
Khắc họa hình tượng người phụ nữ, các nhà văn thường lựa chọn những người phụ nữ tài sắc mà số phận cùng cực bị đẩy đến đường cùng. Ta từng bắt gặp những người phụ nữ lận đận trong ca dao, một nàng Kiều trong những lời thơ của Nguyễn Du, hay hình ảnh chị Dậu trong đêm tối không lối thoát… Nhưng với Kim Lân, nhà văn lại chọn một hình tượng người phụ nữ đặc biệt. Đó là hình ảnh một người phụ nữ được nhìn nhận trong nạn đói khủng khiếp, vì miếng cơm mà sẵn sàng đánh đổi cả lòng tự trọng, liều mình theo một người đàn ông xa lạ về làm vợ chỉ với bốn bát bánh đúc. Thế nhưng, ở người phụ nữ ấy, Kim Lân vẫn phát hiện ra những vẻ đẹp tưởng chừng như đã bị cái đói che khuất đi. Cùng phân tích nhân vật Thị trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân
Truyện ngắn Vợ nhặt được sáng tác năm 1954 với tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm viết về cái đói và hiện thực khốc liệt của nạn đói 1945 nhưng thể hiện niềm tin vào cuộc sống và tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau giữa những con người nghèo khổ như chính Kim Lân đã nói “Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người nói dù thế nào đi chăng nữa vẫn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai”.
Vợ nhặt kể về một gia đình nghèo trong nạn đói năm 1945. Tràng là một thanh niên chưa vợ, sống cùng mẹ trong xóm ngụ cư. Trong lúc cái đói lên đến đỉnh điểm và tung hoành khắp nơi, anh lại dắt về một người vợ. Bà cụ Tứ – mẹ Tràng cũng rất bất ngờ về điều này nhưng bà nhanh chóng hiểu ra mọi chuyện và chấp nhận người đàn bà xa lạ này là con dâu.
Có nàng dâu mới cuộc sống gia đinh Tràng bắt đầu có sự thay đổi. Dù bữa cơm ngày đói thảm hại nhưng cũng không khiến cho mọi người mất niềm tin vào tương lai. Đặc biệt, niềm tin ấy càng được tô đậm hơn qua câu chuyện người vợ nhặt kể về đoàn người phá kho thóc cứu đói. Và người vợ nhặt, trong câu chuyện này, đóng một vai trò rất quan trọng vừa lại nạn nhân bi thảm của nạn đói, vừa là người mang đến niềm tin ánh sáng tương lai cho gia đình bà cụ Tứ.
Trong quá trình phân tích nhân vật Thị (người vợ nhặt), ta thấy người phụ nữ này hiện lên với một số điểm chính. Thị là người có hoàn cảnh éo le, là nạn nhân của nạn đói, là một người phụ nữ khát khao hạnh phúc, khao khát cuộc sống bình dị. Bên cạnh đó, Thị cũng là người làm thay đổi cách nghĩ của Tràng và cũng là người mang đến niềm tin cho cả gia đình.
Nhân vật thị xuất hiện không tên tuổi, không gốc gác, không gia đình. Tất cả những thông tin về thị đều là một số không tròn trĩnh, thậm chí là không có một cái tên rõ ràng chỉ được gọi là “thị, ả, người đàn bà”. Cách xây dựng nhân vật như vậy gợi một thân phận mờ nhạt, đáng thương. Và có lẽ thân phận ấy không chỉ của riêng thị mà còn của rất người những con người khác trong nạn đói. Thị chỉ như một mảnh đời trôi dạt, vô danh và hèn mọn.
Cái đói đã làm cô thay đổi quá nhiều về cả nhân hình và nhân tính. Về nhân hình, lần trước gặp Tràng, thị còn hồn nhiên “liếc mắt, cười tít”, đon đả với anh nhưng đến lần thứ hai thì chính Tràng cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của thị “hôm nay thị rách quá, quần áo tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”.
Còn về nhân cách thì thị quên đi cả sự ý tứ của một người phụ nữ mà trở nên suồng sã đến bất ngờ “sầm sập chạy đến”, “sưng sỉa”, “cong cớn” mà trách mắng Tràng “Điêu! Người thế mà điêu”. Thị đã buông ra những lời nói có phần trơ trẽn sống sượng gợi ý Tràng để được ăn. Khi Tràng đồng ý thì “hai con mắt trũng xoáy của thị tức thì sáng lên” và “ngồi sà xuống…cắm đầu ăn một chập bốn bánh bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở”.
Khi phân tích nhân vật Thị, người đọc nhận ra đó là hình tượng đáng thương hơn đáng giận. Cái đói, cái chết dồn con người vào bước đường cùng sẵn sàng làm tất cả. Thị còn chấp nhận theo không Tràng về làm vợ sau khi ăn bốn bát bánh đúc và một câu nói nửa đùa nửa thật của người đàn ông xa lạ này. Lúc này, thị không được khắc họa với những dằn vặt nội tâm hay với những ước mơ hoài bão mà mọi hành động suy nghĩ của thị chỉ quẩn quanh miếng ăn, cái đói, cái chết.
Đó là thân phận bị rẻ rúng, bị cái đói đẩy đến đường cùng. Đây cũng chính là số phận điển hình cho những người nông dân trong nạn đói bị cái ăn dày vò, bất chấp cả phẩm giá. Bức chân dung của một người phụ nữ không được nhìn qua con mắt của một người đang yêu – Tràng, không hề được đẽo gọt mà nó hiện lên một cách thật trần trụi.
Cuối cùng, cô đã liều lĩnh nhắm mắt đưa chân khi theo Tràng về làm vợ vì lúc này cô cần một chỗ dựa, cần một miếng ăn để tồn tại và cần một mái ấm gia đình. Phân tích nhân vật Thị, ta thấy hình ảnh cô dâu vu quy trong ngày đói cũng thật xót xa. Cô đi sau Tràng “chừng ba bốn bước”, “cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàn nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt” với một vẻ “rón rén, e thẹn”.
Không còn là người đàn bà sỗ sàng như ban nãy để được đòi ăn, mà giờ cái vẻ rón rén ấy chính là biểu hiện của lòng tự trọng, ý thức về phẩm giá của mình. Thị ý thức được rằng mình là người vợ theo không, không có chút tôn nghiêm nào và đây cũng là con đường duy nhất. Tràng trở thành điểm tựa, cái phao duy nhất mà thị có thể bám víu vào trong lúc này.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----