HOC247 xin cung cấp đến các em học sinh nội dung tài liệu Bộ 4 đề thi thử THPT QG năm 2021 môn Ngữ văn Trường THPT Hữu Lũng được sưu tầm và tổng hợp với các câu hỏi từ dễ đến khó sẽ giúp các em ôn luyện kiến thức thật hiệu quả. Mời các em cùng theo dõi.
TRƯỜNG THPT HỮU LŨNG |
ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
“Nhà” chỉ là một từ ngắn ngủi, nó không đồng nghĩa với sự bình yên, nhưng chúng ta vẫn luôn khao khát rằng nó gắn với sự bình yên. Và khi nào “nhà” trái nghĩa với bình yên thì đó là khởi đầu của sự bất hạnh.
Tôi tin rằng, mái nhà nào cũng từng có lúc đồng nghĩa với niềm vui và cả sự bình yên. Nhưng bạn của tôi ơi, sự bình yên của nhà không phải là điều có sẵn. “Nhà” là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui là phần mềm. Gia đình là phần cứng, còn tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm.
Vậy cho nên, sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập. Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Bằng một nụ cười xoa dịu, bằng một câu nói vị tha, bằng sự thương yêu nhẫn nhịn, bằng trái tim sẵn sàng sẻ chia, bằng một cái nắm tay thấu hiểu, hay có thể bằng một giọt nước mắt. Dù thế nào cũng không phải bằng sự buông xuôi. Để kéo những trái tim về gần với nhau. Để biến “nhà” thành một nơi ta phải luyến tiếc khi rời xa và luôn mong mỏi quay về.
Bạn của tôi ơi, tôi còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, cùng ngồi chung một chiếc ghế mây dưới tán mận trong vườn nhà, mẹ của bạn đã hát cho chúng ta nghe câu này:
“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà”
(Trích Ai qua là bao chốn xa…, Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân, PhuongNam Book, 2012)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2: Theo anh/chị, tại sao nhà và gia đình là phần cứng, còn sự bình yên, hạnh phúc, niềm vui, tình yêu và sự thấu hiểu là phần mềm?
Câu 3: Tác giả viết “…sự bình yên là thứ phải được thiết lập, và vì thế, có thể tái thiết lập”. Vậy từ văn bản, hãy cho biết làm thế nào để ta có thể tham gia vào quá trình thiết lập đó?
Câu 4: Trong văn bản có trích dẫn lời hát: Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà.
Trong Tràng giang, Huy Cận lại thoáng buồn khi nhớ về một “mái nhà”:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không mái hoàng hôn cũng nhớ nhà
Theo anh/chị, tình cảm dành cho “nhà” của tác giả Phạm Lữ Ân và Huy Cận có gì tương đồng. Với cá nhân anh/chị, một “mái nhà” có ý nghĩa gì?
PHẦN II: LÀM VĂN
Câu 1:
Trong văn bản ở phần đọc hiểu, tác giả viết: Nếu ta là một phần của “nhà”, dù chỉ là một phần nhỏ, nếu ta thật mong muốn mái nhà thân yêu của ta có được sự bình yên, hay lại có nó một lần nữa, thì ta phải tham gia vào quá trình thiết lập đó. Từ đó, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) bàn luận về trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình. Trong đó có sử dụng một thao tác lập luận đã được học trong chương trình Ngữ văn 11 (chú thích rõ thao tác lập luận đã sử dụng).
Câu 2:
Đọc hai đoạn trích dưới đây:
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
Bà lão khẽ thở dài đứng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ… Thôi thì bổn phận bà làm mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?
Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:
- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng bằng lòng…
Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
- Nhà ta nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.
Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài… Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...
(Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục)
Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:
- Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tội bố nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – và lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.
- Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? – Đột nhiên tôi hỏi.
- Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…
[…]
Người đàn bà đã khóc khi nghe tôi nhắc đến thằng Phác. Nhưng tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc thấu hiểu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài. Trong cái đám con cái đông đúc đang sống ở dưới thuyền, mụ không yêu một đứa nào bằng thằng Phác, cái thằng con từ tính khí đến mặt mũi giống như lột ra từ cái lão đàn ông đã từng hành hạ mụ, và không khéo sẽ còn hành hạ mụ cho đến khi chết – nếu không có cách mạng về.
(Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục)
Hãy trình bày cảm nhận của anh chị về tình yêu thương của những người mẹ trong hai đoạn trích trên.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
- “Nhà, gia đình” là cái có sẵn, đã được thiết lập, nhưng nó mới chỉ là cái vỏ bên ngoài, chưa được vun đắp bằng tình yêu, chưa có hạnh phúc.
- “Bình yên, hạnh phúc, niềm vui, tình yêu” là những thức ta phải vun đắp, xây dựng bằng tình yêu, sự chân thành, nỗ lực cố gắng của tất cả các thành viên trong gia đình mới có được. Bình yên, hạnh phúc,… không là mãi mãi nếu chúng ta ngưng vun xới, bồi đắp chúng sẽ biến mất, bởi vậy, chúng là “phần mền” có thể biến đổi linh hoạt, hoặc nhiều hoặc ít.
Câu 3:
Hành động tham gia tái thiết lập sự bình yên:
- Bằng sự khoan dung, vị tha với nhau.
- Giữa những người trong gia đình cần phải đối xử bằng tình yêu thương, sự nhẫn nhịn.
- Luôn thông cảm và sẻ chia với nhau mọi điều trong cuộc sống.
- Luôn luôn nỗ lực hàn gắn, không được buông xuôi.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 1 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Chúng ta thường đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để có được ngoại hình đẹp, nhà cửa khang trang, xe cao cấp, quần áo giày dép đắt tiền. Nhưng còn nền tảng cho hạnh phúc thực sự của chúng ta, điều không thể nhìn thấy bằng mắt thường – “những mối quan hệ tốt”, chúng ta đã đầu tư được bao nhiêu rồi?
Cho dù gặp khó khăn trong cuộc sống, chỉ cần bạn biết rằng bên cạnh mình có người hiểu được giá trị con người bạn và ủng hộ bạn bằng sự quan tâm chân thành thì bạn có thể nhận được hạnh phúc và dũng khí to lớn để sống tiếp.
Ngược lại, cho dù bạn có điều kiện vật chất tốt đến mức nào đi chăng nữa, nếu những mối quan hệ của bạn bắt đầu xấu đi thì bạn sẽ bắt đầu khổ sở, dễ mắc chứng trầm cảm, thậm chí nếu cảm thấy quá khó khăn và mệt mỏi, bạn có thể nghĩ đến cả cái chết.
Nếu bạn đang nỗ lực để có được ngoại hình đẹp, nhà cửa khang trang, xe cao cấp, quần áo giày dép đắt tiền, vậy chẳng phải bạn cũng nên nỗ lực thật nhiều để tạo được mối quan hệ tốt? Những mối quan hệ tốt không thể tự nhiên hình thành nếu bạn không đầu tư một chút cố gắng. Vậy làm sao để được sống trong những mối quan hệ tốt đẹp?
(Trích Bước chậm lại giữa thế gian vội vã, Hae Min, Nxb Hội nhà văn, 2017, tr.60)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào là những mối quan hệ tốt?
Câu 3. Theo tác giả, vì sao những mối quan hệ tốt là nền tảng cho hạnh phúc thực sự?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Những mối quan hệ tốt không thể tự nhiên hình thành nếu bạn không đầu tư một chút cố gắng? Vì sao?
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về việc làm sao để được sống trong những mối quan hệ tốt đẹp?
Câu 2:
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (đoạn trích Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài). Từ đó trình bày suy nghĩ về sức sống con người Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận
Câu 2:
- Mối quan hệ tốt đẹp là khi giữa con người với con người có thể thấu hiểu, lắng nghe để biết được quan điểm, cảm xúc của đối phương. Mối quan hệ tốt là khi đôi bên tôn trọng nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc gặp khó khăn.
Câu 3:
- Những mối quan hệ tốt là nền tảng cho hạnh phúc thực sự vì: Cho dù gặp khó khăn trong cuộc sống, chỉ cần bạn biết rằng bên cạnh mình có người hiểu giá trị con người bạn và ủng hộ bạn bằng sự quan tâm chân thành thì bạn có thể nhận được hạnh phúc và dũng khí to lớn để sống tiếp.
Câu 4:
- Đồng ý với quan điểm trên.
- Vì: bất cứ điều gì trong cuộc sống này cũng vậy nếu ta không bỏ công sức thì sẽ không có thành quả. Mọi sự may mắn không phải vô tình có được mà là do những tích lũy nhỏ bé trước kia của bạn tạo thành. Bởi vậy, mối quan hệ tốt đẹp không thể ngẫu nhiên mà có nếu ta không bỏ sức vun đắp.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Mối quan hệ tốt đẹp: là khi giữa con người với con người có thể thấu hiểu, lắng nghe để biết được quan điểm, cảm xúc của đối phương. Mối quan hệ tốt là khi đôi bên tôn trọng nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc gặp khó khăn.
=> Một mối quan hệ tốt đẹp là điều bất cứ ai cũng cần có trong cuộc sống, nhưng không phải ai cũng biết cách để được sống trong những điều tốt đẹp ấy.
* Bàn luận vấn đề
- Làm thế nào để được sống trong những điều tốt đẹp?
+ Luôn lắng nghe để thấu hiểu nhau. Lắng nghe và không phán xét sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách với nhau.
+ Tôn trọng người đối thoại với mình. Tôn trọng là nền tảng cho một mối quan hệ vững chắc do đó bạn nên tôn trọng bản thân mình cũng như những người khác.
+ Quan tâm, chăm sóc mọi người mà trước hết là những người bên cạnh mình, những người thân như ông bà, bố mẹ,…
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi: “Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy”. Bà cải chính: “Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa”…
[…] Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm, bà nói riêng: “Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi”. Tôi cười: “Lại khó đến thế sao”? Bà cụ nói: “Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không”? À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ.”
(Trích Nếp nhà – Nguyễn Khải, dẫn theo Tuyển tập Nguyễn Khải, tập III, NXB Văn học, 1996)
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2 (1,0 điểm): Nội dung chính của đoạn trích trên?
Câu 3 (1,0 điểm): Cuộc sống của gia đình “bà cô tôi” có gì đặc biệt? Anh (chị) nhận xét như thế nào về “nếp nhà” ấy?
Câu 4 (0,5 điểm): Anh (chị) có đồng tình với quan điểm hạnh phúc của nhân vật “bà cô tôi” ở đoạn trích trên không? Vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh (chị) về hạnh phúc.
Câu 2: (5,0 điểm)
Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự.
Câu 2.
Nội dung chính của đoạn trích trên:
- Cuộc sống – nếp nhà của gia đình “bà cô tôi”. Đó là cuộc sống của một gia đình nhiều thế hệ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau .Đồng thời cũng là nề nếp gia đình, là văn hóa ứng xử để tạo nền tảng một gia đình hạnh phúc.
Câu 3
Nội dung chính của đoạn trích trên:
- Cuộc sống – nếp nhà của gia đình “bà cô tôi”. Đó là cuộc sống của một gia đình nhiều thế hệ, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau
- Đồng thời cũng là nề nếp gia đình, là văn hóa ứng xử để tạo nền tảng một gia đình hạnh phúc
Câu 4
Trình bày được suy nghĩ riêng của mình theo hướng làm rõ và khẳng định hoặc phủ định ý kiến “Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm, mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình, nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó, lại hoàn toàn không dễ”
- Nếu lập luận theo hướng khẳng định ý kiến trên là đúng, học sinh cần nhấn mạnh: Hạnh phúc cần được vun trồng từ bàn tay của những người biết trân quý, nâng niu hạnh phúc. Hạnh phúc cá nhân không thể tách rời nếp nhà. Và để hạnh phúc của mỗi gia đình được trọn vẹn, mỗi người phải biết “chịu” nhau một chút. Hạnh phúc được ươm mầm, chắc chiu mỗi ngày, mỗi người; hạnh phúc không dễ tìm cũng không thể cầu xin.
- Nếu lập luận theo hướng phủ định ý kiến trên là đúng, học sinh cần nhấn mạnh: Cuộc sống muôn hình vạn trạng nên sắc màu của hạnh phúc cũng thật phong phú, đa dạng.
- Nếu lập luận cả theo hướng vừa khẳng định vừa phủ định ý kiến thì cần kết hợp cả hai nội dung.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày. Lúc ấy, có thể bạn sẽ phải ngậm ngùi mà thốt lên: “Chao ôi, ta đã làm chi đời ta vậy?”
Nếu vậy, sao ta không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?
Sao ta không ngồi xuống đây trong một ngày cuối năm và tìm kiếm câu trả lời từ đáy tim mình: Ta muốn làm gì? Ta muốn sống ra sao? Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này? Ta muốn làm chi đời ta?
Sống một cuộc đời cũng như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu sắc mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.
Dan Zadra viết rằng: “Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn”. Vậy thì hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim ta đó, như một ngọn núi lửa chờ đợi được đánh thức…
(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012, tr.43-44)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau: “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu sắc mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn”.
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn”?
Câu 4. “Ước mơ cháy bỏng nhất” của anh/chị là gì? Anh/Chị sẽ làm gì để biến ước mơ đó thành hiện thực? (Trả lời trong khoảng 7 – 10 dòng).
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung ở đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Theo đuổi ước mơ.
Câu 2:
Có người cho rằng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, cái đói vừa là một cơ hội vừa là một thử thách.
Anh/Chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. PHẦN ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
- Trong đoạn văn, tác giả đã sử dụng phép tu từ so sánh, thể hiện rõ ở trong câu: “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy”.
- Tác dụng: Chỉ ra sự tương đồng giữa “sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”, giúp người đọc dễ hình dung ra cách sống chủ động để biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Câu 3:
- Ước mơ là những khát khao mong đợi hoặc những ý tưởng đẹp đẽ mà con người muốn biến thành hiện thực.
- Con người cần biết giữ gìn bảo vệ không để những thử thách khó khăn trong cuộc sống làm thui chột ước.mơ và cũng không để người khác ngăn cản việc chúng ta thực hiện ước mơ của mình.
Câu 4:
Có thể nêu một số ý sau:
- Cần trang bị kiến thức, kỹ năng sống.
- Nỗ lực phấn đấu, không nản lòng trước những khó khăn, thất bại trên hành trình thực hiện ước mơ.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Hữu Lũng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !