YOMEDIA

Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Vũ Lễ

Tải về
 
NONE

HOC247 xin cung cấp đến các em học sinh nội dung tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG năm 2021 môn Ngữ văn Trường THPT Vũ Lễ được sưu tầm và tổng hợp với các câu hỏi từ dễ đến khó sẽ giúp các em ôn luyện kiến thức thật hiệu quả. Mời các em cùng theo dõi.

ADSENSE

TRƯỜNG THPT VŨ LỄ

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:

Chim ưng là loài chim có tuổi thọ lớn nhất thế giới. Nó có thể sống nhiều nhất 10 năm. Khi chim ưng sống đến 40 tuổi, mỏ của nó trở nên dài và cong, gần như chạm vào ngực, móng vuốt của nó bắt đầu lão hóa, không thể bắt mồi một cách hiệu quả, lông của nó vừa dày vừa rậm, đôi cánh trở nên vô cùng nặng nề, khiến việc bay lượn vô cùng khó khăn.

Lúc này, chim ưng chỉ có hai lựa chọn: hoặc là chờ chết, hoặc là trải qua một quá trình lột xác vô cùng đau khổ, kéo dài 150 ngày. Lúc ấy, nó cần trốn trong tổ ở trên vách núi, dùng mỏ mổ vào đá, cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rụng đi, sau đó lặng lẽ chờ chiếc mỏ mới mọc ra. Chim ưng dùng chiếc mỏ mới nhổ sạch từng móng vuốt đã lão hóa, trong quá trình này, máu của nó không ngừng chảy. Nó đã cố chịu đựng đau đớn. Sau khi những chiếc lông mới mọc ra, chim ưng liền dùng móng vuốt mới nhổ sạch từng chiếc lông trên người.  Khi những chiếc lông mới mọc ra là lúc 5 tháng đau khổ ròng rã đã qua, chim ưng lại bắt đầu bay lượn, tiếp tục trải qua những năm tháng của 30 năm sau đó!

(…) Về điểm này, con người cũng không ngoại lệ. Cùng với sự phong phú về kinh nghiệm sống, chúng ta dần hình thành thói quen tư duy nào đó. Cuộc sống tiếp theo của chúng ta phần nhiều là lặp lại quá khứ của mình, đồng thời chúng ta sẽ bị hạn chế bởi quá khứ, rất khó đột phá. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người sau khi đạt được đỉnh cao của sự nghiệp thì bước vào trạng thái trầm cảm. Khi bắt đầu chán ghét cái tôi không có gì thay đổi, trong lòng cảm thấy lo lắng và bất an, chúng ta cần phải lột xác, cần phải phủ định cái tôi được xây dựng từ quá khứ, sau đó tiếp thêm sức sống mới cho mình.

(Trích Tìm lại cái tôi đã mất, cứu vãn cuộc đời không vui vẻ - Trịnh Chí Lương, NXB Văn học, 2015, tr.218 – 219)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.

Câu 2. Nêu nội dung chủ đạo và đặt nhan đề cho văn bản.

Câu 3. Quá trình lột xác của lời chim ưng diễn ra qua những sự việc cụ thể nào? Quá trình ấy có sự tương đồng như thế nào với quá trình “lột xác” của con người?

Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất mà anh/chị học được từ loài chim ưng là gì?

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được đặt ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Chúng ta cần phải lột xác, cần phải phủ định cái tôi được xây dựng từ quá khứ, sau đó tiếp thêm sức sống mới cho mình.

Câu 2.

Cảm nhận của anh/chị về thiên nhiên và con người xứ Huế trong đoạn trích sau:

Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả.

(…) Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thật bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều trong đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả: “Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ…”. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian; ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.

(Trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.198 – 201)

Từ đó, liên hệ với bức tranh thôn Vĩ trong khổ thơ thứ nhất của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử, Ngữ Văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để đánh giá nét độc đáo về nghệ thuật thể hiện của hai tác giả.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:                  

- Phương thức biểu đạt của văn bản: thuyết minh, nghị luận.

Câu 2:

- Nội dung chủ đạo: khẳng định "lột xác" là quá trình tất yếu của sự vật và con người nếu muốn tồn tại và trưởng thành. Qua đó, tác giả khuyên mỗi con người hãy dũng cảm "lột xác", phủ định thói quen cũ mòn để tiếp thêm sức sống, làm mới mình.

- Nhan đề: Thí sinh có thể lựa chọn nhiều cách đặt nhan đề khác nhau, miễn phù hợp với nội dung chủ đạo. Gợi ý: Lột xác; Lột xác để tồn tại; Lột xác để trưởng thành, Thay đổi cái tôi; Đổi mới bản thân để thích nghi,…

Câu 3:

- Quá trình lột xác của chim ưng trải qua những việc: dùng mỏ của mình mổ vào đá, cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rụng đi, sau đó chờ chiếc mỏ mới mọc ra; nhổ sạch từng móng vuốt đã lão hóa; nhổ sạch từng chiếc lông trên người.

- Sự giống nhau trong quá trình lột xác giữa chim ưng và con người:

+ Quá trình lột xác diễn ra toàn diện từ những thay đổi về diện mạo, hành động bên ngoài đến đời sống bên trong: sức sống, thói quen, suy nghĩ,…

+ Quá trình lột xác diễn ra không hề dễ dàng mà phải trải qua một thời gian dài, đòi hỏi ý chí, sự kiên trì, dũng cảm đối diện với những đau đớn, thử thách,…

Câu 4:

Thí sinh có thể chọn rút ra các bài học khác nhau:

- Trước những sự lựa chọn sinh từ, con người cần mạnh mẽ lựa chọn con đường sống tiếp.

- Con người cần lột xác để tồn tại và trưởng thành.

- Sự lột xác nào cũng phải trải qua quá trình đau đớn, thậm chí đổ máu.

- Cần phải có ý chí, sự chịu đựng phi thường mới có thể lột xác.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 1 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:

Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon.

Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo nên những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.

(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2017)

Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Nêu quan niệm của tác giả về tuổi trẻ.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1.

Từ nội dung phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc chăm sóc “sức khỏe tinh thần” trong đời sống mỗi cá nhân.

Câu 2.

Cảm nhận của anh/chị về chi tiết Mị cắt dây cởi trói cứu A Phủ trong đêm mùa đông ở Hồng Ngài (trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, tr.13, Nxb Giáo dục, 2016). Từ đó, liên hệ chi tiết thị Nở mang bát cháo hành cho Chí Phèo (trích Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, tập 1, tr.150, Nxb Giáo dục, 2016) để thấy được nét độc đáo trong cái nhìn, tình cảm của hai tác giả đối với người phụ nữ.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Thao tác lập luận: bình luận

Câu 2:

- Quan niệm của tác giả về tuổi trẻ:

+ Là trạng thái tâm hồn.

+ Gắn liền với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

+ Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm.          

Câu 3:

- Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn

+ Thời gian hình thành tuổi tác: theo quy luật cuộc sống, cùng với sự chảy trôi của thời gian con người lớn lên về tuổi tác, già đi về mặt hình thức.

+ Thái độ tạo nên tâm hồn: Tuổi tác, thời gian không kiến tạo nên thế giới tinh thần chúng ta. Cái tạo nên nó chính là thái độ, tức là những ý nghĩ, tình cảm, là cách nhìn, cách ứng xử, cách lựa chọn lối sống của mỗi cá nhân trong cuộc đời.

=> Thái độ sống tiêu cực sẽ khiến tâm hồn trở nên già cỗi, tàn lụi.

=> Ngược lại, thái độ sống tích cực sẽ làm cho tâm hồn trở nên lành mạnh, khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng.

Câu 4:

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm.

- Đồng tình với quan điểm Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.

- Vì:    

+ Đây là những trạng thái tâm lí tiêu cực. Một khi xuất hiện thường xuyên, trở thành thói quen nó sẽ thao túng, nhấn chìm đời sống tâm hồn ta trong bóng tối, khiến đời sống bên trong ta luôn u ám, tẻ nhạt, rơi vào sự bế tắc, không lối thoát.

=> Lo lắng sợ hãi khiến ta luôn cảm thấy bất an trước cuộc đời, khiến ta mất đi sức sống, sức trẻ, mất đi niềm vui sống. 

=> Việc mất lòng tin vào bản thân khiến ta không tìm được điểm tựa tinh thần vững chắc, từ đó đánh mất tiềm lực bản thân, luôn trong trạng thái mặc cảm, hoang mang, hoài nghi chính mình.

+ Tất cả những trạng thái tâm lý đó khiến ta không nhận thức được về giá trị bản thân, về ý nghĩa sự tồn tại của mình, thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa, không còn cảm giác hào hứng sống nữa. Đó là lúc ta chết về mặt tinh thần. Cuộc đời còn gì thú vị khi đời sống bên trong bị hủy hoại?

+ Để tránh cho đời sống tâm hồn không bị hủy hoại chúng ta cần có ý nghĩ, tình cảm, cách nhìn, cách lựa chọn lối sống đúng đắn, tích cực.

II. PHẦN LÀM VĂN           

Câu 1:

* Giải thích: chăm sóc “sức khỏe tinh thần”

- Là khái niệm dùng để chỉ sự quan tâm, chăm chút đến đời sống tâm hồn bên trong để nó luôn ở trạng thái lành mạnh, khỏe khoắn.

- Một tinh thần khỏe mạnh được biểu hiện qua nhiều khía cạnh, chẳng hạn như: lối suy nghĩ tích cực, tự tin, luôn lạc quan, yêu đời; luôn hướng thiện; có những ước mơ, khát vọng chính đáng, đẹp đẽ...

=> Việc ta chăm sóc “sức khỏe tinh thần” cho chính mình có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

* Bàn luận

- Vì sao việc chăm sóc “sức khỏe tinh thần” rất quan trọng?

+ Thể xác và tinh thần là hai mặt song song tồn tại đảm bảo cho sự sống của mỗi con người. Cuộc đời của chúng ta chỉ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc khi có sự hài hòa, thống nhất giữa hai yếu tố đó.

+ Tâm hồn con người không tự nhiên mà có, không tự nhiên khỏe mạnh. Cũng như thể chất, nó cần có sự quan tâm, “chăm sóc” đúng đắn, hợp lí, khoa học.

+ Ở góc độ nào đó có thể khẳng định: “sức khỏe tinh thần” quyết định sức khỏe thể chất. Khoa học đã chứng minh một tâm hồn khỏe mạnh sẽ đem đến một thân thể tráng kiện, có thể giúp người bệnh chiến thắng, đẩy lùi bệnh tật.

+ Không chăm sóc tâm hồn để nó “tàn lụi ngay khi sống” là thái độ vô trách nhiệm, vô cảm cần phê phán. Sống như vậy ta tự đánh mất giá trị, tự đẩy mình vào kiếp "sống mòn", sống một "đời thừa", vô nghĩa.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. Đọc – hiểu văn bản

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu được:

(1) Khi nhà thơ Lưu Quang Vũ viết mấy câu thơ “Tôi chán tất cả bạn bè tôi, mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới” thì hẳn là Vũ buồn. Nhưng nỗi buồn đó chắc chắn sẽ là lớn hơn rất nhiều nếu không xảy ra với lĩnh vực thi ca mà với lĩnh vực kiến thức đời sống, với khoa học kĩ thuật và công nghệ, bởi ở đó người ta luôn chờ đợi những tiến bộ tính theo từng phút giờ (…)

(2) Thật bất hạnh nếu chiếc máy hơi nước của thế kỉ 15 đến hôm nay vẫn tiếp tục bò lê bò càng trên phố xá đông đúc. Thật bất hạnh nếu vi trùng lao cho đến hôm nay vẫn chưa có tên là vi trùng Cốc. Thực bất hạnh nếu trong vốn từ vựng của loài người hôm nay vẫn chưa biết đến từ vacxin và thật bất hạnh khi con quỷ đậu mùa vẫn tiếp tục thò bàn tay gớm ghiếc ấn lên những gương mặt thiên thần của các em bé ngày nay.

(3) Muốn có được sự tiến bộ để vượt lên, để cho hôm nay khác hôm qua như vậy phải bắt đầu từ khát vọng. Trước hết là khát vọng của con người vượt qua tăm tối của nhận thức để tìm sự thật – sự thật của kiến thức, của chân lý khoa học. Đó cũng là khát vọng tự do của con người, bởi người ta chỉ thực sự tự do khi có đủ hiểu biết – “Tự do là tất yếu được nhận thức” (Các Mác). Đó còn là khát vọng của lòng yêu nước, yêu thương con người, muốn thay đổi cách nghĩ cách làm, làm sao cho xã hội tốt hơn, đưa cuộc sống của con người tiến lên một bước phát triển mới (…)

(Đoàn Công Lê Huy, Yêu xứ sở thương đồng bào, tr35, NXB Kim Đồng)

Câu 1. Xác định phép liên kết hình thức được sử dụng ở đoạn văn (2).

Câu 2. Theo tác giả, nhờ đâu xã hội có sự tiến bộ để hôm nay khác hôm qua? Tại sao?

Câu 3. Hãy lí giải vì sao tác giả cho rằng: thật bất hạnh nếu đến giờ vẫn còn máy hơi nước, còn chưa tìm ra tên của vi trùng lao, chưa có vacxin?

Câu 4. Theo anh/chị, mỗi chúng ta cần phải làm gì để khát vọng “thay đổi cách nghĩ cách làm, làm sao cho xã hội tốt hơn” thành hiện thực?

II. Làm văn

Câu 1:

Viết một đoạn văn nghị luận ngắn (khoảng 200 từ) với chủ đề: Muốn có được sự tiến bộ để vượt lên, để cho hôm nay khác hôm qua phải bắt đầu từ khát vọng.

Câu 2:

Cùng nhận ra sự hữu hạn của đời người, Xuân Diệu (trong bài thơ Vội vàng) và Xuân Quỳnh (trong bài thơ Sóng) đều thể hiện khát khao sống trọn vẹn. Anh/chị hãy làm sáng tỏ nét tương đồng và khác biệt của hai khát vọng đó qua hai đoạn thơ sau:

Ta muốn ôm!

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn,

Ta muốn riết may đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi.

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Vội vàng, Xuân Diệu)

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ,

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

(Sóng, Xuân Quỳnh)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. Đọc – hiểu

Văn bản

Câu 1:

- Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn 2 là: phép lặp (Thật bất hạnh nếu…)

Câu 2:

- Xã hội có sự tiến bộ để hôm nay khác hôm qua vì: Khát vọng.

- Giải thích:

+ Trước hết là khát vọng của con người vượt qua tăm tối của nhận thức để tìm sự thật – sự thật của kiến thức, của chân lí khoa học.

+ Khát vọng còn là tự do của con người, bởi con người ta chỉ tự do khi hiểu biết.

+ Khát vọng của lòng yêu nước, yêu thương con người, thay đổi cách nghĩ, cách làm để xã hội tốt hơn, đưa cuộc sống con người tiến lên.

Câu 3:

- Vì: nếu con người vẫn còn dùng máy hơi nước, chưa tìm ra tên vi trùng lao, chưa có vacxin tức là con người không có khát vọng, hoài bão. Cuộc sống con người sẽ dần đi vào bế tắc, ngõ cụt. Không có khát vọng nhân loại sẽ đi đến chỗ diệt vong.

Câu 4:

- Tự bản thân mỗi người cần có mục tiêu phấn đấu và tích cực cố gắng mục tiêu mình đã đề ra.

- Không quản ngại khó khăn, không gục ngã trước những thử thách trên con đường chinh phục khát vọng của bản thân.

- Đổi mới tư duy, suy nghĩ, cách nhìn nhận các vấn đề xung quanh. Luôn luôn tìm tòi, sáng tạo.

II. Làm văn

Câu 1:

1. Giải thích

- “Muốn có được sự tiến bộ vượt lên, để cho hôm nay khác hôm qua phải bắt đầu từ khát vọng”

=> Ý nghĩa của khát vọng trong cuộc sống

- Khát vọng là gì? Khát vọng là những mong muốn của con người về những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Vũ Lễ. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF