YOMEDIA

Suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy

Tải về
 
NONE

Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy mang đến cho người đọc những bài học sâu sắc trong cuộc sống. Đặc biệt khổ cuối gợi cho người đọc rất nhiều những suy ngẫm, như hồi chuông thức tỉnh tâm trí con người về quá khứ. Để hiểu rõ hơn về khổ thơ cuối này Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Suy nghĩ về khổ thơ kết thúc bài Ánh trăng của Nguyễn Duy. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài soạn văn Ánh trăng.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Dẫn dắt vào đề tài ánh trăng.

- Giới thiệu phong cách thơ của Nguyễn Duy và bài thơ "Ánh trăng".

- Khổ thơ cuối mang ý nghĩa triết lí sâu sắc.

b. Thân bài: 

* Hình ảnh Trăng cứ tròn vành vạnh:

- Thể hiện một quá khứ đẹp đẽ của ánh trăng

- Ánh trăng quá khứ trọn vẹn, chung thủy và không phai màu

- Ánh sáng và trăng vẫn như xưa, không thay đổi

* Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc":

- Dù trăng rất đẹp, rất chung tình.

- Nhưng dù đẹp hay lung linh đến đâu thì cũng nghiêm khắc.

- Sự hờn trách của ánh trăng đối với con người.

* Hình ảnh “ta giật mình”:

- Nhớ lại quá khứ đẹp đẽ

- Tác giả tự vấn lương tâm mình

- Ân hận và xót xa bản thân mình

- Nhắc nhở tự hoàn thiện bản thân hơn

- Tác giả trân trọng và muốn giữ gìn những giá trị truyền thống đẹp đẽ

- Lãng quên quá khứ và sống cho riêng mình quên đi người bạn chân thành.

- Nhắc nhở chính mình phải sống ân nghĩa, chung tình.

c. Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ của em về khổ thơ cuối của bài thơ Ánh trăng.

- Liên hệ từ ánh trăng đến bản thân con người.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về khổ thơ cuối bài Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Trăng là một đề tài không còn xa lạ trong thơ ca. Trong các tác phẩm văn học, vầng trăng luôn xuất hiện như một người bạn tâm tình gắn bó với thi sĩ. Đặc biệt trong những năm tháng kháng chiến, vầng trăng như người đồng đội cùng kề vai sát cánh chiến đấu như nhà thơ Chính Hữu đã xây dựng hình ảnh “Đầu súng trăng treo”. Thế nhưng khi chiến tranh qua đi, khi con người dần quen với ánh điện sáng trưng thì lại quên đi vầng trăng, quên đi quá khứ nghĩa tình. Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã khắc họa thành công điều đó đặc biệt là khổ thơ cuối gây cho ta nhiều điều đáng suy ngẫm:

Trăng cứ im phăng phắc

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình.

Nguyễn Duy đã mở ra một câu chuyện trước mắt người đọc. Những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ gắn liền với hình ảnh ánh trăng. Trăng khi ấy là bạn, luôn cùng ta tạo nên những kỉ niệm êm đềm. Đến khi đất nước gặp chiến tranh, khi ta cầm súng bảo vệ quê hương, trăng như người đồng chí cùng kề vai sát cánh chiến đấu, soi tỏ những đêm tối âm u. Thế nhưng khi đất nước được hòa bình, trở về với thành phố nhộn nhịp, với ánh sáng rực rỡ của đèn điện, ta lại dần quên đi ánh sáng dịu dàng của vầng trăng, coi trăng như người dưng qua đường. Và rồi một tình huống đột ngột xảy ra cả tòa nhà mất điện. Khi ấy mở tung cửa sổ, thấy vầng trăng sáng vẫn lặng lẽ ở đó, ta mới thấy ngỡ ngàng.

Đối diện với vầng trăng năm nào, với quá khứ nghĩa tình cùng đồng đội, nhân dân, người lính ấy nhận ra rằng "trăng cứ tròn vành vạnh". Cái tròn kia phải chăng còn là cái tròn trịa, viên mãn của quá khứ, của tình yêu thương mà nhân dân dành cho nhân vật trữ tình. Và rồi anh quay lại chất vấn chính mình. Trong khi quá khứ tươi đẹp và mọi người vẫn một lòng vẫn vẹn nguyên chung thủy thì anh đã thay đổi, cho tất cả ngủ quên trong miền sâu thẳm. Từ "cứ" diễn tả một cái gì kiên trinh, tận tâm không bao giờ thay đổi. Nó như là một dấu son khẳng định, tô đậm thêm vào sự tròn đầy vĩnh cửu của tình yêu thương. Tác giả đã làm một phép đối ẩn trong các con chữ ngắn ngủi ấy, đó là sự đối lập giữa cái tròn trịa của vầng trăng với sự khuyết thiếu trong tâm hồn của người lính. Lấy cái tròn, sáng đầy đặn của vầng trăng nghĩa tình để làm nổi bật cái khuyết trong tâm hồn của nhân vật sau ba năm trở về cuộc sống hiện đại phồn hoa. Ta nhận thấy rõ được sự thức tỉnh phần nào trong tâm hồn nhân vật. Anh đã dần thấy được sai lầm của bản thân. Đặc biệt là câu thơ :"Kể chi người vô tình". Đâu chỉ đơn giản là diễn tả một thứ cảm xúc rất nông, quấy loãng mà là một cảm xúc, tâm trạng thổn thức, dằn vặt thống thiết. Anh lính đến lúc này hoàn toàn nhận ra mình đã sai, đã vô tâm đến mức nào. Đi theo anh trong mọi nẻo đường, mọi gian khổ, nguy hiểm trong tuổi trẻ tham gia kháng chiến là trăng, theo anh trên mọi nẻo đường, mọi khoảnh khắc trong cuộc sống mới an nhàn, hạnh phúc cũng là trăng, nhắc nhở anh về lỗi lầm của mình mà không một lời trách móc cũng chỉ có vầng trăng ấy. Vậy mà giờ đây anh lại lỡ lòng lãng quên đi quá khứ, lãng quên đi người bạn tri âm tri kỷ của mình.

Không hề trách móc sự quên lãng của người lính, vầng trăng vẫn tròn vành vạnh, tỏa sáng dịu hiền. Thế nhưng sự im lặng không tiếng động ấy càng làm cho ta cảm thấy sự bạc bão của mình trong năm tháng qua. “tròn vành vạnh” đâu phải chỉ là vẻ đẹp vầng trăng thiên nhiên trong sáng viên mãn, đó còn làbiểu tượng cho sự thủy chung, cho tình nghĩa đã từng có trong những hồi ức vẫn không hề có chút đổi thay, không bao giờ phai nhạt. Thế nhưng càng miêu tả vầng trăng tình nghĩa, nhà thơ giống như đang tự trách mình lỡ vô tình quên đi những hồi ức tốt đẹp ấy, trách mình quên đi người bạn không bao giờ rời bỏ mình. Sự tự trách đo đã khẳng định một tâm hồn đẹp, một vẻ đẹp của nhân cách nhà thơ.

“Ánh trăng im phăng phắc” là hình ảnh tuyệt đối lặng yên, không mảy may lay động. Sự tình nghĩa của ánh trăng sẽ mãi không đổi thay, luôn thủy chung cho dù cuộc sống có biến động như thế nào. Qua ánh trăng ta thấy những kỉ niệm của quá khứ sẽ luôn sống cùng với thời gian năm tháng cho dù con người có thể đổi thay, quên lãng nó để rồi đến một lúc nào đó nó sẽ gợi nhắc con người nhớ lại. Thành công lớn nhất của Nguyễn Duy trong khổ thơ này đó là đã sử dụng rất tinh tế từ “ giật mình”. Đó là một phản xạ tâm lí của nhân vật trữ tình khi nhận ra được sự vô tình bạc bẽo trong cách sống của mình trước sự uy nghi, tĩnh lặng của vầng trăng. Đó là cái “giật mình” thức tỉnh để nhân vật trữ tình tự nhắc mình phải luôn nhớ tới quá khứ nghĩa tình đã qua. Trong cuộc sống nhộn nhịp, xô bồ, cần lắm những cái giật mình như vậy. Nó sẽ hướng con người về những cái tốt đẹp, níu giữ con người trước cám dỗ cuộc đời, không bị chìm nghỉm trong cái lo toan bộn bề của cuộc sống. Câu thơ cuối chính là sự thức tỉnh lương tâm mãnh liệt, một bài học triết lý đáng suy ngẫm.

Đối diện với anh giờ đây là sự im lặng phăng phắc của vầng trăng ngày nào. Nó vẫn tròn đầy, vẫn vẹn nguyên nhưng không phải là bao dung hoàn toàn nữa. Trong cái lặng im kia như còn một thái độ nghiêm khắc, nhắc nhở người lính. Cuộc đối mặt đàm tâm đến đây mới thật sự sâu sắc. Hai gương mặt, mặt trăng và mặt người, hay chính là hai mặt trong lòng mỗi con người: thủy chung, nhận nghĩa và vô ơn, bội bạc. Người lính gặp lại vầng trăng hay là gặp lại chính mình của ba năm trước để thấy được mình đã sai ra sao. Và cái giật mình của người lính trong câu thơ cuối như là sự thức tỉnh hoàn toàn, triệt để của nhân vật. Anh đã thoát ra khỏi cơn mê và bên anh lúc này vẫn là vầng trăng muôn thuở. Cái giật mình ấy còn cho người lính một cơ hội sửa sai, quay về với lẽ sống nghĩa tình, thủy chung. Ta rất hay bắt gặp những cái giật mình trong thơ Nguyễn Duy. Trong đó điển hình là giật mình trong bài "Tiếng tắc kè" của ông. Với Nguyễn Duy, cái giật mình ở đây là cần thiết là đáng trân trọng. Nó dù con muộn màng nhưng ít nhất vẫn có thể là liều thuốc cứu lại nhân phẩm đang dần mất đi trong con người.

Với bốn câu thơ ngắn gọn, tác giả đã gợi cho người đọc những suy nghĩ sâu xa về lẽ sống. Đó là phải biết trân trọng những gì đẹp đẽ của quá khứ, trân trọng tình nghĩa dù có đi đâu, làm gì. Nhìn sâu hơn, nó là quan niệm nhân sinh về cách sống để giữ cho tâm hồn mình trong sáng, đẹp đẽ trong bất kì hoàn cảnh nào. Tư tưởng ấy đã vượt qua tầm thời đại, đến với bạn đọc nhiều thời, mang ý nghĩa muôn thuở. Từ đó đọng lại trong lòng người đọc là những ám gợi sâu xa, những dư ba chưa nói hết. Khổ thơ đã làm sáng bừng lên vẻ đẹp của toàn bài và của tâm, tầm một nhà thơ lớn.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Với một giọng thơ đầy tươi trẻ, giọng thơ đầy suy ngẫm mang hương vị ca dao đằm thắm, mượt mà, Nguyễn Du trở thành gương mặt tiêu biểu và quen thuộc của phong trào thơ chống Mĩ. Bên cạnh những bài thơ nổi tiếng như "Tre Việt Nam", "Hơi ấm ổ rơm", "Đò lèn"… "Ánh trăng" cũng là thi phẩm được nhiều người nhắc đến. Ra đời năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh, ba năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bài thơ ghi lại chân thực một thoáng giật mình của thi sĩ trước vẻ đẹp vầng trăng ân tình. Trong cuộc sống mới, sinh hoạt mới, con người bị cuốn vào guồng quay của công việc, của cuộc sống mà vô tình quên đi những ân tình, những kỉ niệm của quá khứ. Nhưng vầng trăng vẫn vậy, tình nghĩa, thủy chung một lòng, không có chút thay đổi. Ý vị xót xa của bài thơ được thể hiện rất rõ trong toàn bài thơ, đặc biệt là trong khổ thơ cuối của bài.

Trên cơ sở đó, tác giả viết khổ cuối, khổ thơ chứa đầy ý nghĩa triết lí sâu sắc của toàn bài thơ.

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình.

Vầng trăng vẫn còn đó, trọn vẹn cao thượng đến lạ lùng mặc cho con người có thờ ơ lạnh nhạt, nó vẫn toả sáng với bao vẻ đẹp tự nhiên thanh bạch. Vầng trăng đó biểu tượng cho những ngày tháng gian khổ thiếu thốn mà nghĩa tình, cho tấm lòng của nhân dân yêu thương che chở đùm bọc cách mạng. Trăng cứ tròn vành vạnh. Những giá trị đích thực của quá khứ, những ân nghĩa thuỷ chung của một thời oanh liệt - dù đã lùi xa mờ vào dĩ vãng nhưng vẫn trường tồn cùng thời gian. Sự tròn đầy viên mãn của vầng trăng đặt cạnh sự vô tình của con người làm tác giả thêm day dứt, hối hận trước toà án lương tâm. Quả thật chẳng có toà án nào xét sự lãng quên của con người, chỉ có lương tri sâu thẳm mới đánh thức trong chúng ta trách nhiệm đối với quá khứ. Sự cao thượng vị tha của vầng trăng - bất chấp vô tình xa lạ - buộc con người phải suy nghĩ lại chính mình. Bài thơ được sáng tác năm 1978, chỉ ba năm sau ngày toàn thắng của dân tộc. Tại sao chỉ có ba năm với cuộc sống thị thành, với bộn bề lo toan thường nhật có thể làm cho người ta lãng quên hơn mười ngàn ngày trong lửa đạn thiếu thốn và sự ấm áp tình đồng đội, vòng tay che chở của nhân dân? vẫn biết không có gì là mãi mãi trước sức mạnh xói mòn của dòng chảy thời gian nhưng điều đang xảy ra vẫn khiến nhà thơ phải ngỡ ngàng nhìn lại.

“Im phăng phắc” là sự lặng yên tuyệt đối, không mảy may lay động. Bằng biện pháp nhân hóa, trăng trở thành một người bạn gần gũi, gắn bó. Trăng chẳng hề lên tiếng trách cứ con người một lời. Sự im lặng vì thế càng trở nên đáng sợ. Trăng bao dung, độ lượng nhưng vẫn không kém phần nghiêm khắc. Trăng đã trở thành tòa án lương tâm, trở thành tấm gương phản chiếu để từ đó con người nhận ra những giá trị bị quên lãng, nhận ra phần vô tâm, hờ hững trong chính mình. Cái giật mình ở đây thật đáng quý, cái giật mình của một con người biết suy nghĩ, có nhân cách. Giật mình vì ân hận, xót xa. Giật mình vì quên đi bao tình cảm ân nghĩa, tốt đẹp khi xưa. Cái giật mình đã giúp nhân vật trữ tính đứng vững trước những cám dỗ trong cuộc sống. Cái giật mình ấy rất cần có trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi chúng ta mải theo đuổi những giá trị vật chất, tiền tài danh vọng mà hờ hững, vô tâm với những giá trị bình dị nhưng vĩnh hằng, sâu sắc. Cả bài thơ là vô nhân xưng, nhưng đến đây là nhà thơ xưng là “ta”. Ta là nhà thơ, ta cũng có thể là tất cả mọi người. Năm xưa, trong cảnh đất nước có chiến tranh, người lính gắn bó với bè bạn thân yêu, sống trong vòng tay yêu thương che chở của nhân dân lao động thì nay, khi đất nước đã hòa bình, nhà thơ lên tiếng nhắc nhở, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ của ông không được phép lãng quên quá khứ và những tình cảm cao đẹp khi xưa. Không có quá khứ sẽ không có chúng ta ngày hôm nay. Vì thế, mỗi người hãy biết trân trọng quá khứ, lấy quá khứ là điểm tựa, là sức mạnh để vươn tới cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.

Cái giật mình vì chợt nhận ra sự vô tình của chính mình. Giật mình vì hối hận, vì quên đi những tháng ngày gian khổ đói nghèo mà ân tình ân nghĩa. Chính sự thức tỉnh ấy đã làm cho tác giả phải nhìn nhận lại chính bản thân mình và những người xung quanh. Câu kết của khổ thơ cũng như toàn bài là một bài học nhận thức sâu sắc. Phải chăng, mỗi người trong chúng ta khi đọc đến câu thơ này đều đặt cho chính bản thân mình một câu hỏi? Đó chính là vẻ đẹp của nhân cách trong mỗi chúng ta.

Bằng thể thơ năm chữ được vận dụng linh hoạt sáng tạo cùng giọng điệu tâm tình mà nhẹ nhàng, sâu lắng, bài thơ "Ánh trăng" đã mang đến cho độc giả những phút giây sống chậm lại suy nghĩ về những gì mình đã và đang làm. Và khổ thơ cuối chính là khổ thơ mạng lại dấu ấn đậm nét trong chúng ta. Tình cảm và thái độ ghi nhớ công ơn của những người đã đi trước chính là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Và chính chúng ta cần giữ gìn và phát huy chúng.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON