YOMEDIA

Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Vũ Nương

Tải về
 
NONE

Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm khá tiêu biểu viết về số phận người phụ nữ xưa. Qua đó, Nguyễn Dữ đã xây dựng cái chết của nhân vật Vũ Nương với nhiều ý nghĩa. Để hiểu hơn về câu chuyện này, Học247 xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Vũ Nương dưới đây. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Chuyện người con gái Nam Xương.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Vũ Nương, nhân vật chính trong Chuyện người con gái Nam Xương là một người phụ nữ nhan sắc, đức hạnh nhưng cuộc đời lại chịu nhiều nỗi oan khiên, ngang trái.

- Xung quanh cái chết của Vũ Nương có khá nhiều ý kiến không thống nhất. Bài viết muốn nêu lên suy nghĩ của riêng em về cái chết oan khuất của người phụ nữ này.

b. Thân bài:

* Tóm lược những sự kiện chính của truyện; khái quát những nét chính về nhân vật Vũ Nương

- Ngoại hình: dung nhan xinh đẹp.

- Tính cách, phẩm chất:

  • Nết na, thuỳ mị: nói năng nhỏ nhẹ, giữ gìn khuôn phép, lễ giáo, được mọi người yêu mến.
  • Đảm đang tháo vát, hiếu thảo, nhân hậu: một mình nuôi con; thương yêu, phụng dưỡng mẹ chồng, ma chay chu tất, trọn đạo hiếu.
  • Thuỷ chung son sắt: thương chồng thương con, giữ trọn phẩm tiết, một lòng chung thuỷ chờ chồng.
  • Trong sáng, ngay thẳng: bị oan khuất, tự vẫn để giải oan…

- Một người phụ nữ xinh đẹp, phẩm hạnh như vậy lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc nhưng lại có một kết cục bi thảm. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của Vũ Nương?

* Suy nghĩ về cái chết của Vũ Nương

- Xung quanh cái chết của Vũ Nương có rất nhiều cách lý giải khác nhau. Hai ý kiến, một khẳng định do Trương Sinh cả ghen, một cho rằng do chiến tranh phong kiến đều có cơ sở. Tuy nhiên, mỗi ý kiến mới chỉ đúng ở một khía cạnh.

- Trương Sinh cả ghen là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của Vũ Nương: Nếu Trương Sinh biết kiềm chế nóng giận, sáng suốt suy xét, tin ở vợ chứ không tin vào sự ngây thơ của con trẻ… kết cục sẽ khác.

- Chiến tranh phong kiến là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến cái chết của Vũ Nương. Có người nói, Vũ Nương chết khi Trương Sinh đã trở về, như vậy không thể nói là Vũ Nương chết do chiến tranh được. Hiểu như vậy là tách rời cái chết của Vũ Nương ra khỏi toàn bộ diễn biến câu chuyện. Chính Trương Sinh phải đi lính xa nhà nên mới xảy ra sự hiểu lầm đáng tiếc.

- Ngoài ra, do con thơ vô tình hại mẹ, do Vũ Nương yếu đuối, do lễ giáo phong kiến khắt khe… cũng góp phần đẩy Vũ Nương đến cái chết.

- Song, bao trùm và sâu xa hơn cả, đó là do chế độ xã hội phong kiến đã không bảo đảm được quyền sống, quyền hạnh phúc cho người phụ nữ. số phận họ mỏng manh; tai hoạ, oan khiến có thể giáng lên đầu họ bất cứ lúc nào vì những lý do không đâu mà không được bất kỳ sự bảo vệ nào.

- Chi tiết “cái bóng” rất ngẫu nhiên, phi lý nhưng chính cái ngẫu nhiên phi lý đó lại đã quyết định số phận một con người. Như vậy, bi kịch của Vũ Nương đã vượt ra khỏi giới hạn bi kịch của một gia đình. Đó là bi kịch số phận của một lớp người trong xã hội. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện cũng vì thế mà cỏ tầm khái quát cao hơn.

c. Kết bài:

- Cái chết của Vũ Nương gieo vào lòng người đọc nỗi thương xót những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội cũ.

- Trong xã hội ta ngày nay, tuy phụ nữ được pháp luật bảo vệ, Đảng và Nhà nước tạo điều kiện, nhưng vẫn là giới chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Đó đây vẫn còn cảnh những người vợ bị chồng tra tấn, đánh đập tàn nhẫn; những cô gái bị mua bán, dụ dỗ vào con đường làm ăn bất lương; những phụ nữ bị coi thường, rẻ rúng vì tư tưởng trọng nam khinh nữ…

- Bởi vậy, đấu tranh vì sự bình đẳng nam nữ, sự phát triển của phụ nữ vẫn là cuộc cách mạng lớn của hôm nay. Yêu thương và giúp đỡ những phụ nữ bất hạnh là lương tâm, trách nhiệm của tất cả chúng ta.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn nêu suy nghĩ về cái chết của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Trong nền văn học trung đại Việt Nam, bên cạnh kiệt tác "Truyện Kiều" tái hiện thành công số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thông qua hình tượng nhân vật Thúy Kiều thì "Chuyện người con gái Nam Xương" cũng là một tác phẩm tiêu biểu khắc họa chân thực bi kịch của người phụ nữ. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua cái chết của nhân vật Vũ Nương. Đây là chi tiết cho thấy sự tuyệt vọng, bế tắc không lối thoát của nhân vật trong xã hội đầy rẫy bất công.

Vũ Nương là người con gái xinh đẹp, hiền dịu, có tư dung tốt đẹp, tính cách thùy mị, nết na khiến cho Trương Sinh đem lòng yêu mến. Sau khi kết hôn với Trương Sinh, nàng hết mực giữ gìn khuôn phép. Sau khi chồng đi lính, nàng một mình nuôi con nhỏ, hiếu thuận với mẹ chồng và một lòng một dạ chung thủy chờ chồng. Những tưởng với những vẻ đẹp đó, hạnh phúc sẽ mỉm cười với nàng. Tuy nhiên, khi Trương Sinh trở về cũng là nàng phải rơi vào bi kịch. Vì tin vào lời nói ngây thơ của bé Đản, Trương Sinh đã hiểu nhầm, ghen tuông và ruồng rẫy nàng. Trước sự ghen tuông mù quáng của chồng, Vũ Nương hết lời thanh minh nhưng không nhận được sự thấu hiểu, nàng phải tìm đến cái chết bi thảm.

Trước hết, cái chết là chi tiết phản ánh chân thực bi kịch của nhân vật Vũ Nương. Dù là người phụ nữ có tư dung tốt đẹp và có ý thức giữ gìn tiết hạnh nhưng nàng vẫn phải gánh chịu bi kịch bị ruồng rẫy, bị coi thường và chịu sự đánh giá bất công, hà khắc bởi chế độ phong kiến và tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Khi bị chồng hiểu nhầm, nghi ngờ sự chung thủy và hắt hủi, nàng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhảy sông tự vẫn.

Nguyễn Dữ đã vận dụng cả tư tưởng Nho giáo lẫn tư tưởng phật giáo để giải quyết vấn đề. Ông cũng tìm đến cách giải quyết của dân gian. Nhưng qua cái chết của Vũ Nương người đọc nhận thấy, nhà văn đã bất lực trước diễn biến phức tạp của hiện thực. Không còn cách nào khác, ông đành xác nhận nó một cách đớn đau, bế tắc.

Để cho Vũ Nương tìm đến cái chết là tìm đến giải pháp tiêu cực nhất. Nhưng dường như đó là cách thoát khỏi tình cảnh duy nhất của nàng. Đó cũng là cách duy nhất của nhà văn có thể lựa chọn. Hành động trẫm mình tự vẫn của nàng là hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự. Bởi đối với nàng, phẩm giá còn cao hơn cả sự sống.

Một phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền đức như thế ấy. Một người vợ thủy chung son sắt như thế ấy. Một người con dâu hiếu thảo hiếm có ở trên đời. Thế mà nàng bị chồng nghi oan bởi một câu chuyện không đâu ở một lời con trẻ. Một câu nói vui đùa lúc trống vắng của mẹ với con mà lại trở thành mầm mống của tai họa. Thái độ khinh bỉ, lời nói nhục mạ và hành động tàn bạo của Trương Sinh khiến nàng phải tìm đến cái chết. Dưới lòng sông thăm thẳm, ai oán, nàng cũng không thể ngờ được rằng chính tình yêu con tha thiết lại nguyên cớ làm hại chết nàng.

Câu chuyện bắt đầu từ một bi kịch gia đình. Đó là một chuyện trong nhà, một vụ ghen tuông thường thấy. Vũ Nương là người hiền đức, tâm hồn vốn rất đơn giản và chân thành. Chưa bao giờ nàng hoài nghi hay nghĩ xấu về người khác. Thế nhưng, số mệnh xui khiến nàng lấy phải người chồng cả ghen. Nguyên nhân trực tiếp dẫn nàng tới cái chết bi thảm là “máu ghen” của người chồng nông nổi. Không phải chỉ là cái bóng trên tường mà chính là cái bóng đen trong tâm hồn Trương Sinh đã giết chết Vũ Nương.

Câu chuyện đau lòng vượt ra ngoài khuôn khổ của một gia đình. Nó buộc chúng ta phải suy nghĩ tới số phận mong manh của con người trong một xã hội mà những oan khuất, bất công, tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với họ. Những nguyên nhân dẫn đến nhiều khi không thể lường trước được.

Như vậy, qua cái chết đầy bi kịch của nhân vật Vũ Nương, chúng ta có thể thấy được số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng nam quyền. Chi tiết về cái chết của nàng đã tạo nên giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm.

3.2. Bài văn mẫu số 2

“Truyền kỳ mạn lục” là tập sách ghi chép những câu chuyện kỳ lạ trong dân gian. Những mục đích cốt lõi của nó nhằm phản ánh bản chất của xã hội phong kiến đương thời. Qua các thiên truyện, Nguyễn Dữ đã bộc lộ tâm tư, thể hiện hoài bão, phát biểu nhận thức, bày tỏ quan điểm về nhiều vấn đề trong xã hội với thái độ nghiêm khắc, khách quan.

Nổi bật trong hai mươi thiên truyện ấy, “Chuyện người con gái Nam Xương” là có giá trị hơn cả. Chỉ vì nỗi hoài nghi vô cớ mà Trương Sinh đã khiến cho Vũ Nương phải tìm đến cái chết để chứng minh mình trong sạch. Mối oan tình của nàng mãi về sau mới được minh giải. Trương Sinh nhận ra lỗi lầm, chàng vô cùng hối hận nhưng đã muộn màng.

Nguyên nhân nào đã dẫn đến cái chết của Vũ Nương? Có lẽ đầu tiên phải kể đến Trương Sinh - một người chồng đa nghi, hay ghen và luôn phòng ngừa vợ quá mức. Nghe lời đứa con ngây thơ: “Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha trước kia chỉ nín thin thít”; “Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến. Mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả” đã vội cho rằng vợ mình thất tiết. Sự ghen tuông mù quáng đã khiến Trương Sinh không chịu nghe lời giải thích của vợ, thậm chí còn đánh đập chửi rủa nàng. Điều đó khiến Vũ Nương hết sức đau đớn.
Không dừng lại ở đó, cần phải hiểu rằng Trương Sinh chính là đại diện của xã hội Nam quyền lúc bấy giờ. Chính xã hội phong kiến đương thời với những bất công đã đầy người phụ nữ vào cuộc đời bất hạnh. Họ phải phụ thuộc vào người đàn ông: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Người phụ nữ không được quyết định số phận của bản thân. Hôn nhân phải chịu sự sắp đặt của cha mẹ. Khi về nhà chồng cũng chỉ biết sống nhẫn nhục, chịu đựng. Bất hạnh có thể đến với họ bất cứ lúc nào mà không thể phản kháng lại.

Đồng thời, chiến tranh phi nghĩa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương. Chiến tranh đã chia cắt hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ luôn khao khát có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc và khao khát được yêu thương. Nhưng chiến tranh đã cướp đi mong muốn đơn giản đó. Trương Sinh đi ra chiến trường là phải đối mặt với nguy hiểm, cái chết và sự chia ly. Nếu như không có cuộc chiến tranh ấy, có lẽ Trương Sinh và Vũ Nương vẫn sẽ sống hạnh phúc.

Ngoài ra, cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vũ Nương. Chiến tranh đã chia cắt hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ luôn khao khát có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc và khao khát được yêu thương. Nhưng chiến tranh đã cướp đi mong muốn đơn giản đó. Trương Sinh đi ra chiến trường là phải đối mặt với nguy hiểm, cái chết và sự chia ly. Nếu như không có cuộc chiến tranh ấy, có lẽ Trương Sinh và Vũ Nương không bị chia cắt. Đứa con cũng không cần đến người cha “cái bóng” - nguyên nhân của sự hiểu nhầm dẫn đến chuỗi bi kịch về sau.

Cái chết của Vũ Nương - như một điều tất yếu, chỉ có chết đi mới chứng minh được sự trong sạch của bản thân. Cái chết còn thể hiện một cuộc đời đau thương, bất hạnh của nhân vật Vũ Nương. Đây không chỉ là bi kịch triêng của nàng mà còn là bi kịch chung của những người phụ nữ trong xã hội xưa.

Tóm lại, qua phân tích trên, có thể thấy cái chết của Vũ Nương mang đến cho người đọc nhiều suy nghĩ. Từ đó, có những cảm nhận đúng đắn về ý nghĩa của câu chuyện này.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF