YOMEDIA

Quan niệm của Nguyễn Văn Siêu về văn chương đáng thờ và không đáng thờ

Tải về
 
NONE

Văn chương từ trước tới nay vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Thế nhưng không phải thứ văn chương nào cũng có thể làm tốt vai trò ấy, bởi suy cho cùng văn chương cuối cùng vẫn là để phục vụ con người, thì văn chương đáng thờ chỉ có thể là những tác phẩm hướng về cuộc sống, hướng về con người. Bài văn mẫu Quan niệm của Nguyễn Văn Siêu về văn chương đáng thờ và không đáng thờ dưới đây nhằm giúp các em hiểu thêm về quan niệm này và trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Mời các em cùng tham khảo nhé! 

ATNETWORK

1. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

2.DÀN BÀI CHI TIẾT

Mở bài

- Giới thiệu câu nói của Nguyễn Văn Siêu.

Thân bài

a. Khái niệm về văn chương:

- Dẫn một số định nghĩa nổi tiếng về văn chương, tổng kết lại văn chương không thể chỉ dùng vài ba lời để định nghĩa được.

b. Quan niệm của Nguyễn Văn Siêu về văn chương đáng thờ và không đáng thờ:

- Văn chương đáng thờ là tác phẩm phải có giá trị, có ý nghĩa xứng đáng được xem trọng, tôn thờ và ngược lại văn chương không đáng thờ là thứ văn không tồn tại bao nhiêu ý nghĩa, hoặc không hướng đến những giá trị có lợi, hoặc không có vai trò làm phát triển nền văn học nước nhà.

- Văn chương đáng thờ - chuyên chú ở con người, lấy con người làm trung tâm, vì con con người với những giá trị nhân văn sâu sắc.

- Văn chương không đáng thờ - chuyên chú ở văn chương, trau chuốt nghệ thuật, xa rời nhân sinh, không có giá trị nhân văn.

=> Khẳng định câu nói của Nguyễn Văn Siêu là đúng đắn.

c. Bàn luận:

* Văn chương đáng thờ:

- Văn chương đáng thờ chính là văn chương chuyên chú và tập trung vào con người, nó xoay quanh cuộc sống của con người, từ chính những điều tưởng dung dị và tầm thường mà làm nên nghệ thuật, một thứ nghệ thuật quý báu, chân thực.

+ Xây dựng cơ sở lý luận dựa trên các tác giả, tác phẩm, mối liên hệ giữa tác phẩm với hiện thực và ý nghĩa của nó để chứng minh cho luận điểm trên.

+ Chứng minh văn chương chuyên chú ở con người có những giá trị to lớn: Tố cáo, phơi bày hiện thực xã hội, thay đổi xã hội, củng cố xây dựng nhân cách và tình cảm của con người,... (nêu dẫn chứng).

* Văn chương không đáng thờ:

- Phê phán thứ văn chương chỉ có hình thức nhưng nội dung thiếu tính thuyết phục không mang giá trị, không làm phát triển con người và xã hội.

- Nêu dẫn chứng chứng minh cho quan điểm trên.

* Văn chương đáng thờ không chỉ có nội dung mà cũng cần có cả hình thức nghệ thuật độc đáo, sáng tạo.

- Sự sáng tạo trong cách xây dựng, hệ thống tác phẩm đã làm nên phong cách của người nghệ sĩ, làm nên những giá trị riêng cho từng tác phẩm.

- Liên hệ với các tác giả tác phẩm.

Kết bài: Nêu cảm nghĩ về quan điểm của Nguyễn Văn Siêu.

3. BÀI VĂN MẪU

Đề: Trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: "Văn chương (...) có loại đáng thờ, có loại ko đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người". Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.

Gợi ý làm bài

Vào thế kỷ trước, dưới sự thay đổi hoàn cảnh đất nước, hệ tư tưởng mới, hiện đại dần thay thế những tư tưởng lạc hậu, phong kiến, đó là kết quả của sự du nhập nền văn hóa tư sản, vô sản một cách nhanh chóng, sự tiến bộ mang tính toàn thế giới ấy đã nhanh chóng khiến nền văn hóa phong kiến trung đại bị vượt mặt vì sự chậm nhiệt và tính chất khu vực của nó. Điều ấy đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi và gay gắt giữa các nhà làm nghệ thuật về quan niệm cái mới và cái cũ, nổi bật có thể kể đến phong trào thơ Mới nổi lên như một hiện tượng làm khuynh đảo nền văn học Việt Nam những năm 1932-1941 với nhiều tác giả tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính,... Không chỉ có sự đấu tranh trong phong cách làm nghệ thuật, mà giai đoạn này còn nổi lên cuộc bút chiến không nhân nhượng giữa hai trường phái "nghệ thuật vị nhân sinh" do Hải Triều đứng đầu và "nghệ thuật vị nghệ thuật" do Hoài Thanh khởi xướng, cuộc tranh luận đã diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối dài (1935-1939). Tuy nhiên việc tranh luận về tư tưởng văn học là một cái gì đó rất phức tạp khó có thể phân định thắng hay thua, chỉ đến khi cách mạng thành công, các hệ tư tưởng Mác - Lênin xâm nhập vào tư tưởng nhân dân, thì lúc này đây người ta mới chính thức nhận định quan niệm "nghệ thuật vị nhân sinh" là đúng đắn, còn "nghệ thuật vị nghệ thuật" là sai lầm, làm cho nền văn học nước nhà kém phát triển cũng như có hại cho cách mạng, thì cuộc chiến mới hoàn toàn kết thúc. Sớm nhận ra được tính đúng đắn của văn chương hàng trăm năm, trước cả khi cuộc bút chiến trên xảy ra, trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: "Văn chương có loại đáng thờ, có loại ko đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người".

Thế nào là văn chương? Nói như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì "Văn chương là một hình thái tư tưởng nghệ thuật bằng ngôn ngữ của con người", hay theo S. Langer: "Văn chương là sự sáng tạo hình thức ký hiệu tình cảm nhân loại", hoặc cũng có thể nói văn chương bằng một quan niệm rộng rãi hơn "Tác phẩm văn chương là một sinh thể tinh thần của con người và xã hội". Chung quy lại người ta sẽ không bao giờ định nghĩa được hoàn toàn văn chương chỉ bằng đôi ba câu nói bởi văn chương không phải là một phạm trù nhỏ lẻ, mà nó là tổng hòa của rất nhiều hệ tư tưởng, ý thức khắp nơi trên thế giới cùng tụ lại, ai cũng có thể đưa ra một quan niệm về văn chương cho riêng mình, thế nhưng chẳng ai có thể khẳng định đó là quan niệm duy nhất và đúng nhất.

Đó là về văn chương, vậy thế nào là văn chương đáng thờ và không đáng thờ theo lời của Nguyễn Văn Siêu, "thờ" ở đây là tôn thờ, theo nghĩa cung kính, trân trọng, hết sức nâng niu một thứ quý giá, có ý nghĩa to lớn. Như vậy có thể hiểu văn chương đáng thờ là tác phẩm phải có giá trị, có ý nghĩa xứng đáng được xem trọng, tôn thờ và ngược lại văn chương không đáng thờ thì tôi nghĩ rằng đó là thứ văn không tồn tại bao nhiêu ý nghĩa, hoặc không hướng đến những giá trị có lợi, hoặc không có vai trò làm phát triển nền văn học nước nhà. Nguyễn Văn Siêu cũng bổ sung và nhấn mạnh tính đáng thờ của văn chương ở chỗ chuyên chú ở con người mà ta có thể hiểu đó là tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh", còn không đáng thờ nghĩa là chỉ nhắm vào thứ nghệ thuật trừu tượng, chỉ chuyên chú ở văn chương, nhưng không mang lại những giá trị nhân văn, phục vụ cho cuộc sống tinh thần của con người. Quan niệm này của Nguyễn Văn Siêu là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, một đất nước của dân, do dân, vì dân, một đất nước với hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thậm chí đến cả Hoài Thanh, chủ soái của trường phái "nghệ thuật vị nghệ thuật" trong bài Nhìn lại cuộc tranh luận về nghệ thuật hồi 1935 - 1936 in trên Tập san Nghiên cứu văn học số 1 tháng 1-1960, cũng tỏ rõ một thái độ tự phê vừa rất chân thành vừa rất gay gắt, với những câu như: "Phái vị nghệ thuật trước sau cố từ chối không chịu nhận cái danh hiệu ấy...Nhưng thái độ của họ trên thực chất là một thái độ thoát ly chính trị mà thoát ly chính trị không vị chính trị thì còn vị gì? Cho nên gọi họ là phái nghệ thuật vị nghệ thuật cũng là phải". Không chỉ vì hoàn cảnh đất nước, hay bất kỳ một tư tưởng buộc phải gò ép cho là đúng nào khác mà tôi nghĩ rằng, nghệ thuật xuất phát từ khối óc và nội tâm của con người thì trước tiên nó phải nên "ích kỷ" là vì con người chứ không phải là bất kỳ một điều gì khác, và giống như M. Gorki nói "Văn học là nhân học".

Văn chương đáng thờ chính là văn chương chuyên chú và tập trung vào con người, nó xoay quanh cuộc sống của con người, từ chính những điều tưởng dung dị và tầm thường mà làm nên nghệ thuật, một thứ nghệ thuật quý báu, chân thực chứ không phải là cung trăng, chị Hằng hay một cõi thần tiên, bát quái xa xôi. Văn chương không cần phải trau chuốt, chọn lọc những thứ quá ư hoàn mỹ, bởi thú thực rằng văn chương viết ra để cho con người bình thường đọc thì chí ít cũng nên viết những cái gì họ có thể hiểu, có thể thấm thía thì mới có giá trị. Như nhà văn Nam Cao đã từng nói "Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than và nhà văn không được trốn tránh nghệ thuật mà phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời". Văn chương khi lấy con người làm trung tâm, khắc họa số phận của con người, hoàn cảnh đất nước trong những giai đoạn lịch sử khác nhau thì thực sự là vô cùng quý giá, đâu phải tự dưng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du lại được xem là tác phẩm kinh điển của cả nền văn học Việt Nam từ xưa tới nay. Ở Truyện Kiều cái cốt yếu đi vào lòng người đọc chính là lòng nhân đạo của tác giả đối với số phận bất hạnh của kiếp hồng nhan trong xã hội cũ, từ đó tố cáo sự bất công, ngang trái của chế độ phong kiến, hơn thế nữa chính về tập trung vào con người thế nên Nguyễn Du mới có thể gợi mở hầu hết những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua nàng Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn. Phải nói rằng từ xưa tới nay hiếm có tác phẩm nào lại đạt được những nội dung và giá trị nhân văn sâu sắc, đi sâu vào lòng người đến mức nhắc tới văn học Việt Nam thì phải kể đến Truyện Kiều trước tiên. Đó là xưa Truyện Kiều đã nổi lên như một tác phẩm vị nhân sinh vĩ đại bậc nhất, thì ngày nay lại càng có nhiều tác giả nhận ra điều đúng đắn ấy, ví như Nguyễn Huy Tưởng trong tác phẩm Vũ Như Tô với câu nói "Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi", Cửu Trùng Đài tuy đẹp đấy, lý tưởng đấy thế nhưng nó đã để lại gì ngoài sự khốn khổ và phẫn nộ cho nhân dân, đó là một bài học sâu sắc về cái gọi là "nghệ thuật vị nghệ thuật". Rồi đến nhiều nhà văn hiện thực giai đoạn trước cách mạng, người ta lại càng thấy rõ vai trò và vị trí của những tác phẩm "nghệ thuật vị nhân sinh", người ta thấy một xã hội thần quyền, cường quyền tàn ác thông qua Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, người ta thấy một xã hội thượng lưu đáng ghê tởm, mục nát với cái vẻ ngoài hào nhoáng thông qua Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Rồi người ta cũng lại nhìn thấy cái bất hạnh của những con người dưới đáy xã hội cũ trong các tác phẩm của Nam Cao, đó cái bi kịch bị tước đi quyền sống, quyền làm người của Chí Phèo, hoặc cái nạn đói khủng khiếp năm 45 trong Vợ nhặt đã hành hạ, dằn vặt con người ta đến mức khốn khổ, hoặc là cái bi kịch "Đau đớn thay cho những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị cơm áo ghì sát đất" trong Đời thừa của người trí thức nghèo,...

Nhưng văn chương đáng thờ có phải chỉ dừng lại ở việc phản ánh một xã hội hiện thực hay không? Dĩ nhiên là không mà theo như ý của Thạch Lam "Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". Văn chương vừa phơi bày, ghi lại những gì đã diễn ra ở xã hội người như một cuốn nhật ký đầy cảm xúc, đồng thời văn chương cuối cùng là cốt đến sự thay đổi thế giới loài người, đó mới là cái mà văn chương đáng thờ đang làm và đã làm một cách xuất sắc. Từ Truyện Kiều, đến Số đỏ, Chí Phèo, Đời Thừa, Vợ nhặt, Sống mòn, Lão Hạc,... và rất nhiều tác phẩm khác đều có một mục tiêu duy nhất chính là phải thay đổi cái xã hội bất công này, thúc giục, khai mở trong tâm hồn con người những quan niệm, tư tưởng mới, hướng con người đến với cách mạng để có một tương lai tốt đẹp hơn. Không chỉ dừng lại ở đó văn chương đáng thờ còn phải "gây cho ta những tình cảm ta không có luyện những tình cảm ta sẵn có", nó phải tập trung vào xây dựng nhân cách, đạo đức và tâm hồn của con người như tình cảm gia đình, tình cảm với quê hương, đất nước, dân tộc, lòng bao dung, bác ái,... Đó phải kể đến những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, của Hồ Chí Minh và các tác giả viết về đề tài kháng chiến như Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi,... đều làm rất xuất sắc vấn đề này.

Trên đây là một số quan điểm về văn chương đáng thờ, còn văn chương không đáng thờ, thực tế tôi nghĩ rằng đó là thứ văn chương đơn thuần chỉ để thưởng thức mà không có ý nghĩa gì thêm nữa. Tác giả không đặt con người làm trọng tâm, thay vào đó họ thích lấy những tiêu chuẩn, chuẩn mực hoàn mỹ nhất định để trau chuốt cho tác phẩm của mình, nhưng cái hậu quả của việc chăm lo bề ngoài quá đó chính là phần nội dung rỗng tuếch thiếu thiếu thuyết phục. Đọc một lần có thể người ta thấy hay, người ta sẽ khen đôi lời như là văn hay, chữ tốt, hoặc nhịp văn mạch lạc, nhưng tuyệt chẳng có bao giờ người ta nói gì về nội dung, bởi có chi đâu mà nói. Một tác phẩm mà không khiến người ta suy ngẫm, trăn trở, không khiến con người ta thấm thía hay nhận ra một cái gì đó thì thực tế không có bao nhiêu giá trị cả. Trong lúc bút chiến với nhóm Tự lực văn đoàn Vũ Trọng Phụng cũng từng phát biểu quan điểm của mình rằng: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời", mà thực tế thì những cái gì đi quá xa tầm với của con người thường người ta không mấy mặn mà, quan tâm, bởi nó không khơi gợi được cho họ những cảm xúc thật, những rung động tự trong tâm hồn, Vũ Trọng Phụng và nhiều nhà văn đã nắm rất rõ điều ấy. Ví như Cửu Trùng Đài trong Vũ Như Tô, mặc dầu nó không phải là một tác phẩm văn chương, thế nhưng tôi muốn lấy nó làm ví dụ để mọi người có thể hiểu được cái "nghệ thuật vị nghệ thuật" nó tai hại đến mức nào. Xuất phát điểm nó là lý tưởng của nhân vật chính, lý tưởng về một công trình kiến trúc hoàn hảo"bền như trăng sao", có thể "tranh tinh xảo với hóa công" cho "dân ta nghìn thu còn hãnh diện", thế nhưng chính vì cái mù quáng "nghệ thuật vị nghệ thuật" của Vũ Như Tô đã khiến cho tòa lâu đài tráng lệ ngày càng xa vời với nhân dân, một tòa kiến trúc tráng lệ mọc trên xương máu, mồ hôi và sự nghèo đói của nhân dân thì dẫu đẹp cũng có ý nghĩa gì. Kết cục về sự diệt vong của Vũ Như Tô và tòa lâu đài cũng chính là kết cục của tư tưởng "nghệ thuật vị nghệ thuật".

Nguyễn Văn Siêu dù phủ nhận thứ văn chương chỉ chuyên chú ở văn chương, chuộng hình thức, thế nhưng một tác phẩm văn chương đáng thờ, có giá trị thì hình thức nghệ thuật của nó cũng không thể tầm thường được. Có thể rằng nhiều nhà văn viết về cùng một chủ đề ấy, nhưng chính những nét nghệ thuật, sự sáng tạo trong cách xây dựng, hệ thống tác phẩm đã làm nên phong cách của người nghệ sĩ, làm nên những giá trị riêng cho từng tác phẩm. Ví như Nguyễn Du với bút pháp tả cảnh ngụ tình, tài sử dụng thể thơ lục bát xuất sắc đã làm nên Truyện Kiều kinh điển cả về nội dung lẫn hình thức, đi sâu vào lòng người đọc, Thạch Lam với lối viết truyện không cần cốt truyện lại trở thành một nhà văn tinh tế có tài quan sát và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật. Hoặc một Vũ Trọng Phụng với giọng văn châm biếm, không nhân nhượng, một Nam Cao với giọng văn giản dị, chân thực, xót xa, một Nguyễn Khoa Điềm với tư tưởng triết luận trữ tình sâu sắc gắn liền với chất liệu văn hóa dân gian, hoặc một Xuân Diệu say mê cuồng nhiệt, một Huy Cận say mê, nồng nhiệt,... Tất cả các nhà văn, nhà thơ trên đều khiến những tác phẩm của mình trở nên độc đáo thu hút theo những cách rất riêng, không phụ thuộc vào một khuôn mẫu nào cả. Đó mới thực là văn chương chân chính, văn chương đáng thờ.

Văn chương từ trước tới nay vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, văn chương xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan của con người, văn chương ghi lại những biến đổi trong xã hội tựa như những trang nhật ký quý giá và giàu cảm xúc. Thế nhưng không phải thứ văn chương nào cũng có thể làm tốt vai trò ấy, bởi suy cho cùng văn chương cuối cùng vẫn là để phục vụ con người, thì văn chương đáng thờ chỉ có thể là những tác phẩm hướng về cuộc sống, hướng về con người mới có thể thỏa mãn tất thảy, vừa thỏa mãn về giá trị nội dung sâu sắc mang tính nhân văn vừa có những giá trị nghệ thuật đẹp đẽ, riêng biệt của từng tác phẩm.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON