YOMEDIA

Phương pháp giải dạng bài tập trình bày và phân tích Ngành thương mại Địa lí 12

Tải về
 
NONE

Cùng HOC247 ôn tập, củng cố và rèn luyện kỹ năng làm dạng bài tập trình bày và phân tích ban biên tập HOC247 xin giới thiệu nội dung tài liệu Phương pháp giải dạng bài tập trình bày và phân tích Ngành thương mại Địa lí 12. Mời các em cùng tham khảo!

ATNETWORK

DẠNG BÀI TẬP TRÌNH BÀY, PHÂN TÍCH

A. Phương pháp       

Thông thường dạng câu hỏi trình bày là dạng câu hỏi đơn giản nhất, yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức cơ bản thuần túy dưới góc độ thuộc bài để trả lời câu hỏi. Ở mức độ cao hơn, đó là dạng yêu cầu nhận xét, phân tích vấn đề, đòi hỏi học sinh ngoài kiến thức cơ bản còn phải tổng hợp, lựa chọn nhiều kiến thức. Trong phạm vi chuyên đề, người viết sẽ đưa ra hai dạng câu hỏi trình bày và phân tích, nhận xét cùng một vấn đề để so sánh về hai cấp độ câu hỏi này.

B. Bài tập

Ví dụ 1: Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy trình bày các đặc điểm nổi bật của ngành nội thương ở nước ta.

Hướng dẫn giải

Những đặc điểm nổi bật của ngành nội thương nước ta:

            -  Cả nước đã hình thành thị trường thống nhất, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

-  Quy mô thị trường hàng hóa trong nước phát triển mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở nước ta tăng nhanh và liên tục, từ 121 nghìn tỉ đồng năm 1995 lên gần 1.512 nghìn tỉ đồng năm 2010 (tăng gấp hơn 12 lần). Mức bán lẻ hàng hóa tính theo đầu người cũng tăng lên liên tục đạt 17,7 triệu đồng/người năm 2010, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 1995.

- Nước ta đã tạo dựng được ngành nội thương với sự tham gia của đầy đủ các thành phần kinh tế. Cơ cấu giá trị theo thành phần kinh tế có sự thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng khu vực Nhà nước, tăng tỉ trọng khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

- Hoạt động nội thương diễn ra không đều theo lãnh thổ. Các vùng có hoạt động nội thương phát triển là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long; các thị trường kém phát triển nhất là Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Trung du và miền núi Bắc Bộ. Các tỉnh có hoạt động nội thương phát triển mạnh là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương. Ngược lại, những địa phương kinh tế còn kém phát triển, hoạt động nội thương cũng kém phát triển chủ yếu thuộc miền núi cao Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ.

Ví dụ 2. Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nhận xét tình hình phát triển và phân bố hoạt động nội thương ở nước ta.

Hướng dẫn giải

1. Tình hình phát triển

-  Từ sau khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, ngành nội thương có điều kiện phát triển mạnh, cả nước đã hình thành thị trường thống nhất, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

-  Sự phát triển của ngành nội thương thể hiện rõ rệt ở tổng mức bán lẻ hàng hóa của xã hội.

+ Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nước ta tăng nhanh và liên tục, từ 121 nghìn tỉ đồng năm 1995 lên gần 1.512 nghìn tỉ đồng năm 2010 (tăng gấp hơn 12 lần).

+ Tốc độ tăng của các khu vực kinh tế không giống nhau: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh nhất (46 lần); khu vực ngoài Nhà nước tăng khá nhanh (6,9 lần); khu vực Nhà nước tăng chậm nhất (2,9 lần).

+ Mức bán lẻ hàng hóa tính theo đầu người cũng tăng lên liên tục đạt 17,7 triệu đồng/người năm 2010, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 1995.

- Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa có sự tham gia của đầy đủ các thành phần kinh tế và có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỉ trọng khu vực Nhà nước (từ 22,5%/1995 xuống 10,7%/2007), tăng tỉ trọng khu vực ngoài Nhà nước (từ 76,9%/1995 lên 85,6%/2007) và tăng tỉ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (từ 0,6% lên 3,7% trong cùng thời điểm).

2. Về phân bố

- Hoạt động nội thương diễn ra không đều theo lãnh thổ:

+ Giữa các vùng:

. Các vùng có tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lớn nhất cả nước là: Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long do đây là 3 vùng kinh tế năng động, dân số đông, kinh tế phát triển, hàng hoá đa dạng, nhu cầu tiêu dùng lớn… Tuy nhiên, do dân số đông nên tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân/người ở Đồng bằng sông Hồng thấp hơn hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

. Các vùng có tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thấp là các khu vực miền núi như: Trung du miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên do kinh tế chậm phát triển, dân số thưa thớt, kinh tế mang tính tự cung tự cấp, nhu cầu thấp… Tuy nhiên, Tây Nguyên do có quy mô dân số nhỏ nên tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân/người cao hơn Trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Giữa các tỉnh:

. Các tỉnh có tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân/người cao nhất (>16tr) gồm các tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương.

. Các tỉnh có tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân/người khá cao (12-16triệu) như Quảng Ninh, Tây Ninh, Cần Thơ , Bà Rịa – Vũng Tàu do vị trí địa lý thuận lợi cho việc buôn bán (có các cửa khẩu quốc tế) hoặc do kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao.

. Các tỉnh có tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân/người thấp (dưới 4 triệu) là các tỉnh có nền kinh tế chậm phát triển thuộc vùng núi cao Tây Bắc, Đông Bắc hoặc các tỉnh có dân số đông như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An.

         - Hai trung tâm buôn bán tấp nập nhất của cả nước là TP.Hồ Chí Minh (chiếm >70%tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng Đông Nam Bộ và chiếm gần 24% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước/2010). Hà Nội (chiếm 61% tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Hồng, là trung tâm buôn bán lớn thứ 2 cả nước, chiếm 13% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước).

         - Tuy thương mại nội địa có những thành tựu nhất định, song nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nội thương của nước ta còn nhỏ bé và lạc hậu với nhiều hạn chế: thị trường trong nước manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất hàng hóa trong nước vẫn ở trình độ thấp, phân tán, thiếu các vùng sản xuất hàng hóa lớn phù hợp với yêu cầu của thị trường; tính tự phát của thị trường hàng hóa khá cao; khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước nói chung còn yếu....

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Phương pháp giải dạng bài tập trình bày và phân tích Ngành thương mại Địa lí 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON