YOMEDIA

Tổng ôn Vai trò ngành thương mại đối với nền kinh tế nước ta Địa lí 12

Tải về
 
NONE

HOC247 xin giới thiệu đến các em tài liệu Tổng ôn Vai trò ngành thương mại đối với nền kinh tế nước ta Địa lí 12 nhằm giúp các em ôn tập và củng cố các kiến thức về vai trò của ngành thương mại đối với nền kinh tế nước ta. Mời các em cùng tham khảo!

ATNETWORK

VAI TRÒ CỦA NGÀNH THƯƠNG MẠI TRONG NỀN KINH TẾ NƯỚC TA

A. Lý thuyết

1. Thương mại tạo điều kiện chuyển nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước

Ở nước ta, thương mại thúc đẩy quá trình phân công lại lao động xã hội, chuyên môn hóa và hợp tác hóa, hướng sản xuất theo nền sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra nguồn hàng đủ cung cấp cho nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu.

Sự hoạt động của thương mại chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế hàng hóa, đồng thời còn thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước (cung ứng tư liệu sản xuất, vật phẩm tiêu dùng và mua các sản phẩm ở vùng kém phát triển để thúc đẩy kinh tế hàng hóa ở các vùng, rút ngắn sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng, cân bằng lại các hoạt động kinh tế...)

2. Thương mại góp phần xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Nhờ sự đổi mới trong hoạt động thương mại mà việc mua – bán trên thị trường được thực hiện tự do theo quan hệ cung – cầu, giá cả được hình thành trên thị trường dựa trên cơ sở quy luật giá trị, cung – cầu, sức cạnh tranh... Tất cả những điều đó đã góp phần xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Thương mại thúc đẩy sản xuất phát triển, cung ứng các nhu cầu cho nhân dân và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thương mại cung ứng các tư liệu sản xuất cần thiết, tạo điều kiện cho tái sản xuất tiến hành một cách thuận lợi.

Thương mại còn có nhiều đóng góp tích cực trong việc ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Hoạt động thương mại thông qua cơ chế thị trường kích thích các nhà sản xuất kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị và quy trình công nghệ, ứng dụng khoa học vào quản lý để nền sản xuất có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là những tiến trình quan trọng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, bản thân thương mại cũng tạo ra tích lũy – đó chính là lợi nhuận do thực hiện chức năng lưu thông. Như vậy, hoạt động thương mại cũng góp phần tích lũy vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như nhiều ngành kinh tế khác.

4. Thương mại góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại và hội nhập

Thực hiện đường lối Đổi mới, quan hệ hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước ngày càng phát triển, phù hợp với xu hướng chung là hội nhập khu vực và thế giới.

Thương mại đóng vai trò trực tiếp mở rộng các hoạt động xuất – nhập khẩu, thiết lập và mở rộng quan hệ buôn bán với các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nối liền sản xuất và tiêu dùng trong nước với các nước trên thế giới, góp phần tích lũy vốn, nhất là ngoại tệ và đổi mới công nghệ. Ngoài ra, sự mở cửa quan hệ thương mại góp phần thay đổi cách nhìn nhận của bạn bè quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam. Việc nước ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chứng minh điều đó.

B. Bài tập vận dụng

Thế nào là ngành thương mại? Vai trò của ngành thương mại đối với việc phát triển kinh tế- xã hội đất nước?

Hướng dẫn giải

Thương mại là khâu nối liền sản xuất với tiêu dùng thông qua việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ giữa người bán và người mua.

Vai trò ngành thương mại:

- Hoạt động thương mại có vai trò điều tiết sản xuất. Ngành thương mại phát triển giúp cho sự trao đổi được mở rộng, thúc đẩy sự phát triển sản xuất hàng hóa. Hoạt động thương mại có vai trò hướng dẫn tiêu dùng.

– Nội thương: Làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong một quốc gia. Nội thương phát triển góp phần đẩy mạnh chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động theo vùng và lãnh thổ.

– Ngoại thương: Làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia. Sự phát triển của ngành ngoại thương góp phần làm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới rộng lớn.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Tổng ôn Vai trò ngành thương mại đối với nền kinh tế nước ta Địa lí 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON