YOMEDIA

Phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên

Tải về
 
NONE

Phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên Học247 giới thiệu dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được tầm quan trọng của tình mẫu tử và lời ru đối với cuộc đời của mỗi con người. Đồng thời, dàn bài chi tiết và bài văn mẫu này sẽ giúp các em định hướng được cách phân tích một hình ảnh, chi tiết trong một tác phẩm văn học. Mời các em cùng tham khảo! Ngoài ra, để nắm vững nội dung tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Con cò.

ADSENSE
YOMEDIA

A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

B. Dàn bài chi tiết

1. Mở bài

  • Giới thiệu tác giả Chế Lan Viên
    • Chế Lan Viên (1920-1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan.
    • Quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, nhưng lớn lên ở Bình Định.
  • Giới thiệu về bài thơ Con cò
    • Bài thơ Con cò được sáng tác năm 1962. In trong tập “Hoa ngày thường - Chim báo bão” (1967) của Chế Lan Viên.
  • Nêu vấn đề nghị luận: Hình ảnh con cò trong bài thơ.

Ví dụ: Chế Lan Viên là nhà thơ xuất sắc của nền thơ hiện đại Việt Nam, có những đóng góp quan trọng cho thơ ca dân tộc ở thế kỉ XX. Thơ ông có phong cách nghệ thuật rõ nét và độc đáo. Đó là tình suy tưởng, triết lí đậm chất trí tuệ và tính hiện đại. Con cò là bài thơ thể hiện khá rõ một số nét phong cách nghệ thuật của Chế Lan Viên. Bài thơ khai thác và phát triển hình ảnh con cò trong câu hát ru rất quen thuộc, qua đó ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa lời ru trong cuộc đời mỗi con người. Bởi thế, hình ảnh con cò là trung tâm xuyên suốt bài thơ.

2. Thân bài

a. Khái quát

  • Nêu nhận xét chung về hình ảnh con cò:
    • Ta đều biết hình ảnh con cò đều rất quen thuộc trong ca dao. Bởi vậy, đọc bài thơ Con cò người đọc thấy rằng Chế Lan Viên đã tiếp nối truyền thống ca dao một cách sáng tạo.
    • Trong phần đầu của tác phẩm ta bắt gặp ba hình ảnh con cò trong ca dao: cánh cò Đồng Đăng, cánh cò cửa Phủ, cánh cò ăn đêm.
    • Lời thơ gợi lên một không khí lung linh hoài niệm. Quá khứ tưởng xa xôi mà lại hóa rất gần. Hay nói cách khác, đó là cánh cò tưởng đã ngủ yên nay lại được đánh thức qua lời ru của mẹ nên êm đềm như tiếng đưa nôi. Toàn bộ bài thơ là sự cấu tứ xung quanh hình ảnh con cò: Cánh cò trong vòng tay người mẹ, cánh cò cắp sách đến trường, cánh cò khôn lớn mai sau.
    • Do có sự xuyên suốt này mà bài thơ có một hương vị ngọt ngào, đằm thắm trẻ trung và liền mạch trong toàn bài. Tuy nhiên bài thơ không phải là sự lặp lại đơn thuần những hình ảnh và ý tứ trong ca dao mà có sự phát triển và mở rộng ý nghĩa biểu tượng và tập trung hướng về biểu hiện của tình mẹ.
    • Ý nghĩa của biểu tượng này được phát triển qua từng đoạn thơ và vẫn mang tính thống nhất.

b. Phân tích:

* Hình ảnh con cò trong đoạn thơ thứ nhất:

  • Hình ảnh con cò được gợi ra trực tiếp từ những câu ca dao dùng làm lời hát ru. Nét đặc biệt là nhà thơ chỉ lấy vài chữ nhằm gợi nhớ đến bài ca dao ấy.

Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò Cổng Phủ

Con cò Đồng Đăng

Lời thơ gợi lên một không gian và khung cảnh quen thuộc của cuộc sống từ làng quê đến thành thị.

  • Còn hình ảnh:

    Con cò ăn đêm

    Con cò xa tổ

    Cò gặp cành mềm

    Cò sợ xáo măng

    Đứa trẻ còn quá bé bỏng để hiểu được thế nào là “con cò”, “con vạc”, thế nhưng ngay từ giấc ngủ đầu nôi, người mẹ đã nhẹ nhàng đem cánh cò đến với con bằng lời ru dịu dàng, nồng ấm.

    • Điệp từ “con cò” được nhắc đi, nhắc lại như một điệp khúc ngân nga, nhịp nhàng.
    • Người đọc cảm nhận được trong thơ có nhạc. Nhạc điệu là lời ru của mẹ đối với con, là lời kể, tả của mẹ về hình ảnh cò trong dân gian cho con nghe. Hình ảnh “con cò bay la,..... bay lả”, từ “cổng phủ” cho đến “Đồng Đăng” miêu tả hình ảnh cò thong dong bay lượn một cách tự do trên khắp mọi nẻo quê hương, trở thành biểu tượng gắn bó với làng quê Việt Nam. Đồng thời còn gợi lên vẻ nhịp nhàng, thong thả bình yên của cuộc sống vốn ít biến động của thời xưa.
    • Hình ảnh cò “xa tổ”, cò “ăn đêm”, sợ gặp “cành mềm”, sợ bị “xáo măng” gợi hình ảnh cò lẻ loi một mình đi kiếm mồi trong đêm tăm tối có muôn vàn cạm bẫy đang chực chờ phía trước.
    • ⇒ Phải chăng, tác giả muốn nhắc đến thân phận yếu đuối của người nông dân, người phụ nữ và nỗi vất vả gian truân trong cuộc mưu sinh để nuôi con âm thầm, khi bên ngoài xã hội còn nhiều cạm bẫy đang chực chờ.
    • Mặc dù người mẹ biết con mình còn quá bé bỏng trước cuộc đời nhưng mẹ muốn hát cho con nghe để con hình thành tình yêu thương đối với những gì thuộc về quê hương, đất nước, hiểu được tình thương bao la mà mẹ dành cho con. Qua lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đã đến với tâm hồn trẻ thơ một cách vô thức. Ở tuổi ấu thơ, em bé chưa hiểu được ý nghĩa của những lời ru ấy. Nhưng được vỗ về trong âm điệu dịu dàng, ngọt ngào của lời ru để đón nhận bằng trực giác vô thức tình yêu và sự chở che của người mẹ. Bên cạnh đó, mẹ muốn con hãy yên tâm trước cuộc đời, vì đã có mẹ chở che: Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân
    • Đọc đến đây, ta cảm động trước tình mẹ bao la, sâu sắc, vỗ về, chở che ta từ khi còn tấm bé. Để rồi, khi ta từng bước trưởng thành, vẫn có mẹ bên cạnh sẻ chia:

Ngủ yên! Ngủ yên!

Cò ơi chớ sợ!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân

Tác giả đã vận dụng thi liệu cũ để sáng tạo, mới mẻ để phát triển ý “Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân”. “Hơi xuân” đó là tình cảm dịu dàng tha thiết trong lời ru trong trẻo và tươi tắn mà ta sẽ gặp ở “hơi mát câu văn”

* Hình ảnh con cò trong đoạn thơ thứ hai:

  • Hình ảnh con cò trong lời ru của mẹ đã đi vào tiềm thức của tuổi thơ trở nên gần gũi, thân thiết. Con cò như bay ra từ lời hát ru, từ những câu ca dao để sống trong tâm hồn con, theo dõi và nâng đỡ con trong mỗi chặng đường đời.
    • Cánh cò trở thành người bạn đồng hành của con từ tuổi ấu thơ, khi còn nằm trong nôi:

Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi

Rồi cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

Hình ảnh thơ đẹp, lãng mạn, bay bổng. Lời ru của mẹ đưa con vào giấc ngủ, trong mơ con vẫn thấy hình ảnh con cò. Con có giấc mơ đẹp. Lời ru của mẹ đã nâng đỡ tâm hồn con.

  • Cánh cò trở thành một hình ảnh ẩn dụ giàu ý nghĩa. Đến ngày mai, con khôn lớn đã tới trường đi học:

Mai khôn lớn con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân

Cò trở thành người bạn đồng hành cùng con đến trường, chia sẻ những kỉ niệm tuổi thơ cùng con. Và đến tuổi trưởng thành:

Cánh cò trắng laị bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà và trong hơi mát câu văn

  • Hình ảnh con cò được xây dựng bằng nghệ thuật nhân hóa không chỉ làm câu thơ trở nên sinh động mà còn gợi sự liên tưởng.
    • Hình ảnh cánh cò trong đoạn thơ này gợi sự liên tưởng đến tình mẹ, cho sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng và bền bỉ của người mẹ. Ngắm nhìn con, lòng mẹ trào dâng niềm mong ước con sẽ lớn khôn, con được đến trường học đường đời.
    • Ngắm nhìn con, lòng mẹ trào dâng niềm mong ước con sẽ lớn khôn, con được đến trường học cùng các bạn, con sẽ được sống trong tình bạn ấm áp, trong sự chở che, nâng đỡ của mẹ. Trong tâm trí mẹ đặt ra câu hỏi:

Lớn lên, lớn lên, lớn lên…

Con làm gì?

Và mẹ lại tự trả lời:

Con làm thi sĩ.

Mẹ mong con lớn lên sẽ là người có ích, con không chỉ biết cảm nhận mà còn sáng tạo cái đẹp cho đời. Con sẽ là người biết yêu quê hương, yêu những điệu hát quê hương, yêu cái đẹp. Bởi thế cánh cò bay còn thể hiện niềm mơ ước về cuộc đời, về tương lai của con. Mẹ sẽ là người nâng đỡ, chắp cánh ước mơ cho con.

⇒ Như vậy, con cò đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết hơn bất cứ người bạn nào. Cánh cò không mệt mỏi bay qua mọi không gian và thời gian, luôn ở bên con từ trong nôi, từ mái trường, từ hiên nhà, từ câu văn. Cánh cò ấy dường như tung tay theo từng ước mơ, khao khát của con. Như vậy, hình ảnh con cò là biểu tượng về lòng mẹ, là sự dìu dắt, nâng đỡ dịu dàng, bền bỉ của mẹ và mẹ mong cho con có tâm hồn yêu quê hương, đất nước.

* Hình ảnh con cò trong suy nghĩ của nhà thơ (Đoạn 3)

  • Đoạn thơ được xây dựng dưới hình thức lời cò mẹ nói với con.

    Dù ở gần con

    Dù ở xa con

    Lên rừng xuống bể

    Cò sẽ tìm con

    Cò mãi yêu con

  • Cách viết câu thơ sóng đôi với cặp từ trái nghĩa “xa - gần”, “lên rừng - xuống bể”, kết hợp với điệp từ “dù” có tính chất nhấn mạnh, khẳng định tình yêu của cò mẹ với cò con là mãi mãi. Dù khoảng cách xa - gần, dù thời gian có đi qua, dù phải “lên rừng xuống bể” thì tình cảm mẹ dành cho con không bao vơi cạn. Nhà thơ đã khái quát hóa tình cảm đó bằng hai câu thơ mang tính quy luật, tính triết lí:

    Con dù lớn vẫn là con của mẹ

    Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con

    Trong suy nghĩ và cách nhìn của người mẹ, dù con có khôn lớn trưởng thành bao nhiêu, có thành đạt đến đâu thì con vẫn bé nhỏ đáng yêu, vẫn cần được sự chở che ôm ấp, nâng đỡ của tình mẹ. Suốt cả cuộc đời mẹ luôn ở bên con.

    • Từ “vẫn” được nhắc lại hai lần làm ý thơ càng được khẳng định: Có gì cao hơn núi, có gì sâu hơn biển và có gì bao la hơn lòng mẹ thương con?
  • Phần cuối bài trở lại âm hưởng của lời hát ru và đúc kết ý nghĩa phong phú của hình tượng con cò trong lời ru.

    Một con cò thôi

    Con cò mẹ hát

    Cũng là cuộc đời

    Vỗ cánh qua nôi

    Mẹ hát ru con bằng hình ảnh những con cò và gửi vào đó bao tâm sự nỗi niềm, bao nhọc nhằn đắng cay, khát khao của đời mẹ. Chính vì thế hình ảnh “Con cò mẹ hát” hay chính cuộc đời mẹ, cuộc đời của cha, cuộc đời của những người lao động, của dân tộc Việt Nam. Từ hình ảnh con cò trong ca dao, người mẹ bận nghĩ về thân phận nhỏ bé đáng thương của những con người trong cuộc đời luôn cần có sự chở che của mẹ.

    • Đoạn thơ đi từ cảm xúc tới liên tưởng, thấm đậm chất trữ tình. Những câu thơ cuối đã mở ra một thế giới bình yên của trẻ thơ:

Ngủ đi! Ngủ đi!

Cho cánh cò cánh vạc

Cho cả sắc trời

Đến hát

Quanh nôi

Hình ảnh “con cò, cánh vạc, sắc trời” là hình ảnh tượng trưng cho quê hương, đất nước xứ sở. Và tất cả luôn ở bên con, ôm ấp, vỗ về con. Vì con là mầm của sự sống, là thế hệ tương lai. Dù có đi đâu xa thì bên con mãi là cánh cò, là quê hương, là mẹ hiền, là tiếng hát lời ru.

  • Hình tượng con cò đã trở thành biểu tưởng của tình mẹ thiêng liêng và ý nghĩa lời ru đối với cuộc đời mỗi con người.

3. Kết bài

  • Đánh giá vấn đề
    • Như vậy, hình tượng con cò là hình tượng trung tâm xuyên suốt bài thơ. Nhà thơ đã tiếp nối truyền thống của văn học dân gian nhưng không lặp lại mà có sự sáng tạo riêng. Tác giả đã vận dụng chất liệu xưa để tạo nên một bài thơ mang đậm đà tính dân tộc - hiện đại, đã kết thừa và nâng cao một tình cảm mang tính truyền thống lên thành tình yêu đất nước và khát vọng vươn tới tương lai.
    • Có thể nói, nhà thơ Chế Lan Viên đã nói giúp chúng ta niềm xúc động và lòng biết ơn với tình mẹ bao la.
  • Gợi mở vấn đề.

 

Trên đây là dàn ý bài Phân tích hình ảnh con cò trong bài thơ Con cò của Chế Lan ViênNgoài ra, các em có thể tham khảo thêm:

 

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF