YOMEDIA

Nghị luận xã hội về hiện tượng nói tục, chửi thề của học sinh

Tải về
 
NONE

Nói tục, chửi thề là một hiện tượng xấu ở học sinh hiện nay, nhằm giúp các em hiểu được tác hại của hiện tượng này và có ý thức về lời nói hơn Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Nghị luận xã hội về hiện tượng nói tục, chửi thề của học sinh dưới đây. Chúc các em học tốt! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về vấn đề gia tăng dân số hiện nay.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: nói tục chửi thề.

b. Thân bài:

* Giải thích:

- Khái niệm nói tục chửi thề: nói ra những lời lẽ không hay, trái với thuần phong mỹ tục, thiếu văn minh, thiếu tôn trọng người đang giao tiếp.

* Biểu hiện: không chỉ trong giao tiếp với người khác mà cả những nơi công cộng đông người, không chỉ trong lúc bực tức mà còn cả trong lúc vui vẻ, không chỉ với bạn bè mà còn nói tục với những người đáng đáng tuổi cha chú. Những lời lẽ khó nghe được nói ra thản nhiên, không chút suy nghĩ.

* Tác hại:

- Đối với người nói:

+ Khó có thể đạt được thành công trong giao tiếp.

+ Trở thành một thói quen xấu, khó bỏ, lâu dần ảnh hưởng đến tư cách của bản thân.

+ Những người kém hiểu biết, thiếu văn minh trong giao tiếp thường không được mọi người tôn trọng, bị mọi người xa lánh.

- Đối với người nghe:

+ Cảm thấy khó chịu, bực bội, không thoải mái khi giao tiếp, không muốn nói chuyện.

+ Có cái nhìn ác cảm với người đối diện.

+ Ảnh hưởng đến nhận thức của các em nhỏ còn chưa hiểu biết.

- Đối với toàn xã hội: Làm ảnh hưởng đến giá trị đạo đức của cả cộng đồng.

* Nguyên nhân:

- Khách quan: Do môi trường sống không lành mạnh, sớm phải tiếp xúc với lời ăn tiếng nói thô thiển, thiếu văn hóa. Những người nói tục chửi thề có thể là những người thiếu sự quan tâm của những người thân

- Chủ quan: Chưa nhận thức được tầm quan trọng của lời nói

+ Bắt chước theo lời nói, hành động xấu của những người kém văn minh.

+ Bản thân không có ý thức tự điều chỉnh, nói nhiều thành thói quen xấu

+ Thể hiện bản thân mình trước mọi người.

+ Nói cho vui miệng, không quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của người khác.

* Giải pháp:

- Tuyên truyền vận động mọi người dùng lời hay ý đẹp, tránh những lời nói khiếm nhã.

- Nhắc nhở mọi người khi thấy mọi người nói tục chửi thề.

- Với bản thân mỗi chúng ta luôn phải tự răn mình phải biết sử dụng lời nói có văn hóa trong giao tiếp.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề: Xã hội hiện đại đòi hỏi con người văn minh trong ứng xử giao tiếp.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn bàn về vấn đề nói tục, chửi thề của học sinh hiện nay.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Từ xa xưa, ông cha ta vẫn luôn răn dạy chúng ta về lời ăn, tiếng nói hằng ngày bằng những câu ca dao, tục ngữ đầy ý nghĩa:

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Thế nhưng hiện nay, có một hiện tượng đáng quan ngại đang diễn ra đang từng ngày làm mất đi nét đẹp, sự trong sáng của văn hóa ngôn ngữ, văn hóa ứng xử: đó là hiện tượng nói tục chửi thề một cách bừa bãi.

Nói tục chửi thề, hiểu một cách đơn giản, là dùng những lời lẽ thô tục, vô duyên, thiếu văn minh, tế nhị trong giao tiếp hằng ngày nhằm thể hiện sự bức xúc, cảm xúc ức chế của bản thân hoặc sỉ nhục, xúc phạm người khác. Không thể phủ nhận rằng, nói tục chửi thề là một trong những cách giải tỏa sự ức chế vô cùng hiệu quả, có tác dụng tức thì, bằng chứng là bất kì một nền văn hóa, một dân tộc, một ngôn ngữ nào cũng có những từ tục. Ở một mức độ hợp lí, nói tục không xấu mà có thể giúp ta giảm bớt sự tức giận, căng thẳng. Thế nhưng, hiện nay, nói tục chửi thề dường như đang bị lạm dụng khi đi đến bất cứ đâu, kể cả những nơi đòi hỏi sự văn minh, thanh lịch, ta cũng có thể nghe thấy những tiếng chửi thề với mức độ vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, và như vậy, hiện tượng nói tục chửi thề quả là lợi bất cập hại.

Không thể phủ nhận, nói tục chửi thề là một trong những cách giải tỏa bực bội có tác dụng và ngay tức thì. Tuy nhiên, hiện nay con người ngày càng nói tục chửi thề một cách thiếu văn hóa hơn. Người ta nói tục chửi thề ở đâu? Tất cả mọi nơi trên thế giới. Nơi nào có những người ý thức văn hóa cộng đồng không cao, ở đó có những câu nói tục chửi thề đầy thô thiển. Thứ nhất là bởi, có lẽ không một ngôn ngữ nào trên thế giới, không có những từ tục. Ta bắt gặp những lời nói vô văn hóa ấy trên đường, trong siêu thị, trong trường học, và thậm chí là ngay trong ngôi nhà của mình? Những lời nói tục chửi thề đó hướng đến ai? Tất cả mọi đối tượng. Những người xa lạ? Có. Những người quen đã lâu? Có. Người thân? Có. Những người bề dưới? Có. Những người bề trên? Câu trả lời vẫn là có. Con người hiện nay có xu hướng lạm dụng tác dụng giải tỏa sự bực tức của nói tục chửi thề và ngày càng sử dụng nó như một thứ "ngôn ngữ chính thống”, một thứ “ngôn ngữ chuẩn” của xã hội. Nói tục chửi thề đã trở thành một thói quen khó bỏ, ăn sâu vào ý thức cư xử của con người. Và ngày nay, thời đại của công nghệ 4.0, nói tục chửi thề ngày càng lan rộng, thông qua các trang mạng xã hội. Không ít lần ta bắt gặp những dòng trạng thái toàn những lời thô tục trên Facebook, Twitter, Instagram,... Nói tục chửi thề ở khắp mọi nơi, trong thế giới thực, trong thế giới ảo, tạo nên một bộ mặt không mấy tốt đẹp cho xã hội.

Hiện tượng nói tục chửi thề xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Về mặt khách quan, đó là do môi trường sống thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của con người, sự thiếu quan tâm, sự quản lí lỏng lẻo của gia đình, nhà trường và xã hội, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, ngôn ngữ mạng của thời đại công nghệ làm mai một sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Về mặt chủ quan, đó là do nhận thức còn yếu kém, ý thức chưa tốt, tư tưởng đua đòi của một số bộ phận, đặc biệt trong giới trẻ, thích thể hiện mình, cho rằng nói tục là “ngầu”, là “người lớn”,… Để giải quyết tình trạng này, mỗi chúng ta cần tự ý thức được lời ăn, tiếng nói của mình, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi vốn ngôn ngữ, tôn trọng người đối diện,… Đó là cách chúng ta chung tay xây dựng một xã hội lành mạnh, thân thiện.

Trước hết, nói tục chửi thề cũng như con dao hai lưỡi, nó có thể giúp cho người phát ngôn tức thời giải tỏa những bức xúc cá nhân nhưng sẽ tạo nên một ấn tượng không mấy tốt đẹp trong mắt người đối diện. Nói nhiều sẽ thành quen, nói tục chửi thề trở thành những câu cửa miệng đầy thô tục trong những cuộc hội thoại. Ngay cả khi không có yêu cầu được giải tỏa cảm xúc, con người cũng nói tục chửi thề, như thêm thắt một “ món gia vị” vào câu chuyện của mình. Điều đó không chóng thì chầy sẽ trở thành một việc làm gây hại đến chính bản thân người nói. Khi nói tục chửi thề trở thành những lời cửa miệng của anh, một lẽ tất yếu là ấn tượng của anh trong mắt người đối diện sẽ bị giảm sút rất nhiều. Có thể anh rất giỏi, anh rất tài nhưng lời nói đó của anh thể hiện anh là một kẻ thiếu văn hóa. Có ai còn tiếp tục muốn có một cuộc trò chuyện khác với một người ngay trong lần gặp đầu tiên đã có những lời nói thiếu mĩ miều? Có ai muốn kí một hợp đồng làm ăn với một tên giám đốc có những câu nói vô tình điểm thêm những ngôn từ thiếu văn minh, văn hóa? Giữ thói quen nói tục chửi thề lâu ngày sẽ trở thành một phản xạ ngôn ngữ không điều kiện. Ngay cả khi anh không có suy nghĩ về những lời nói thô tục ấy trong đầu, anh vẫn bất chợt thốt lên theo con đường mòn của não bộ. Quả đúng là “ cái miệng hại cái thân”.

Theo cách giải thích ở trên, ta thấy hiện tượng nói tục chửi thề là hiện tượng có nhiều tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách, đạo đức của thế hệ học sinh nói riêng và xã hội hiện nay nói chung. “Nói tục chửi thề” làm đạo đức và nhân cách của người học sinh bị suy đồi. Biến con người mình thành kẻ thiếu học thức, bị đánh giá là vô văn hóa, bị mọi người xa lánh, ghê tởm như căn bệnh. Việc nói tục chửi thề làm cho kỹ năng giao tiếp của học sinh trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn. Từ đó khiến cho các cuộc giao tiếp trở nên thiếu lịch sự, đôi khi trở thành “thảm họa”. Không chỉ vậy, việc nói tục, chửi thề còn ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Nhất là trong các trường hợp nói tục chửi thề với mục đích lăng mạ, sỉ nhục người đối diện. Hành động đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, lòng tự trọng của người bị lăng mạ. Nếu việc này lặp đi lặp lại xảy ra nhiều lần, có thể gây ra tâm lý bức bối, không kiểm soát được bản thân, có những hành động có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Thực sự đã có nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra cũng chỉ vì một lời nói tục, một cái nhìn đểu. Nguy hiểm hơn nữa là nếu không ngăn chặn thói xấu này, dần sẽ tạo nên một hệ lụy khôn lường. Từ một người nói tục, cả bàn nói tục, cả lớp nói tục, cả trường nói tục rồi lan ra cả ngoài xã hội. Khi đó xã hội văn minh sẽ biến mất mà thay vào đó là một xã hội thiếu văn hóa trầm trọng.

Đừng quên rằng, một lời ta nói ra có thể gây ra hạnh phúc hoặc tổn thương. Vì vậy, hãy luôn cẩn thận với những lời mình nói ra để bản thân không bao giờ phải hối hận, bạn nhé!

3.2. Bài văn mẫu số 2

Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, nói tục chửi thề, gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là hiện tượng học sinh “nói tục chửi thề”. Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.

Trước hết ta cần hiểu “nói tục chửi thề” là gì? Nói tục chửi thề là hiện tượng học sinh dùng những từ ngữ thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực để giao tiếp với nhau hằng ngày. Biểu hiện của hiện tượng này, là việc học sinh dùng những từ ngữ thô tục để lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm người khác hoặc đôi khi chỉ nói quen miệng nhưng gây nên sự phản cảm lớn đối với người nghe.

Hiện tượng này xảy ra ở rất nhiều tầng lớp, lứa tuổi nhưng tập trung nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Khi họ đang trong độ tuổi trưởng thành, chưa rèn rũa, suy nghĩ cẩn trọng về văn hóa ứng xử, giao tiếp dẫn đến việc tiếp thu những ngôn ngữ “xấu”. Nhiều người xem việc nói tục là những câu nói rất bình thường, còn thể hiện độ chịu chơi, cá tính. Thế nhưng, nếu những lời nói đó trở thành cửa cửa miệng, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người và là một thói quen thì sẽ thật khó chịu, phản cảm, hình thành nên một văn hóa giao tiếp vô cùng xấu.

Hay ngay cả những người trưởng thành, họ cũng hay dùng những câu chửi bậy một cách vô tư thoải mái. Vô tình, những điều đó trở thành tấm gương, hình ảnh cho con trẻ học tập. Đã có rất nhiều vụ ẩu đả, xô xát vì việc đùa giỡn, chửi nhau vì một câu nói tục mà dẫn đến giết người. Hay khi cả một nhóm người tụ tập, vui đùa ở nơi công cộng, hình ảnh những con người chững chạc nhưng lại thốt ra những câu cục cằn, thô lỗ thì thật là đáng lo ngại. Do du nhập từ các nền văn hóa, phim ảnh và sự biến chất của ngôn ngữ, các bạn trẻ gọi là “ngôn ngữ thời @”. Những cô cậu bé trẻ măng, nhưng khi nói thì luôn kèm theo “vãi chưởng”, “định mệnh”... đến cả những bậc phụ huynh, ông bà cũng không thể hiểu nổi ý nghĩa của lời nói ấy.

Nguyên nhân chủ quan của hiện tượng này là học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng của lời ăn tiếng nói lịch sự. Họ nói cho vui miệng, nói như một cách để thể hiện bản thân mình khác, mình chất. Họ cũng chưa hiểu được nói tục chửi bậy là hành vi xấu, là biểu hiện của những người kém văn minh. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xét đến nguyên nhân khách quan là do từ nhỏ, những học sinh đó đã tiếp xúc trong môi trường sống không lành mạnh, toàn những người nói tục thô thiển khiến họ lây nhiễm tật xấu nói tục và chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề.

Vì vậy, để ngăn chặn hiện tượng học sinh nói tục, chửi thề, thì bố mẹ và nhà trường có trách nhiệm rất quan trọng. Ngay từ khi còn nhỏ trẻ dễ học những thói xấu đó từ bên ngoài cho nên bố mẹ cần có trách nhiệm không được để trẻ học những thói hư, tật xấu đó. Nhà trường cũng nên tuyên truyền cho các học sinh biết tầm quan trọng của lời nói, dùng lời hay ý đẹp trong giao tiếp và ngăn cấm triệt để hiện tượng học sinh ăn nói thiếu văn minh.

Để khắc phục thực trạng nói tục chửi thề đang phổ biến hiện nay, mỗi người chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của lời nói. Từ đó mà có những hành động cụ thể như tuyên truyền vận động mọi người biết dùng lời hay ý đẹp, tránh xa những lời nói kém văn minh; kiên quyết nhắc nhở khi thấy người khác nói tục chửi thề. Còn bản thân phải trau dồi văn hóa, những kỹ năng giao tiếp văn minh lịch sự, phải biết tự dặn mình “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.

Xã hội đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng hiện đại hơn đòi hỏi con người cũng cần trau dồi, phát triển bản thân để trở nên văn minh hơn. Một trong những điều cần thay đổi cấp thiết là những lời nói thô tục, trau dồi lời hay ý đẹp để góp phần tạo nên phong cách đẹp cho con người thời đại mới.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON