Để cuộc sống thật sự ý nghĩa mỗi người cần giữ ngọn lửa đam mê để theo đuổi những lí tưởng, sở thích của bản thân. Mời các em cùng tham khảo tài liệu văn mẫu Nghị luận về câu Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt dưới đây để hiểu hơn về vấn đề này đồng thời có những kế hoạch mới cho mục tiêu cuộc đời mình. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Giới thiệu về câu Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt
+ Có đam mê vốn đã là một điều tuyệt vời, bởi không phải ai cũng có thể xác định được đam mê của mình và càng đáng quý hơn nếu mỗi chúng ta lại có một đam mê thật khác biệt, để ghi dấu ấn cá nhân trong cuộc đời, để tỏa sáng như một vì tinh tú.
+ Có một thông điệp khá thú vị về vấn đề này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ ấy là: "Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt".
2.2. Thân bài
a. Giải thích:
- "Đam mê" là niềm khao khát mãnh liệt đạt được, hoặc thực hiện, hoặc theo đuổi một thứ gì đó.
- "Đam mê khác biệt" là niềm đam mê mang dấu ấn cá nhân, không lẫn lộn với ai cả, là một biểu hiện rất rõ nét của cái "tôi" cá nhân.
b. Biểu hiện:
- Cụm từ đam mê thường được nhắc đến bởi những con người có thiên hướng nghệ thuật, ví dụ như đam mê ca hát, đam mê hội họa, đam mê khiêu vũ,...
- Trong cuộc sống thường ngày đam mê cũng xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong học tập, thể thao, trong công việc,... dưới nhiều hình thức khác nhau.
c. Ý nghĩa:
- Mỗi người đều có một niềm đam mê khác biệt, đó chính là thứ để khẳng định bản thân, tự làm mới, tự tạo dấu ấn cá nhân trong xã hội công nghiệp này.
- Có đam mê khiến chúng ta có động lực sống, có niềm cảm hứng thúc đẩy chúng ta đứng lên thực hiện ước mơ, lý tưởng một cách đầy nhiệt huyết và có trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
- Niềm đam mê khác biệt khiến chúng ta tỏa sáng, độc lập, đồng thời khơi nguồn sáng tạo khiến chúng ta phải nỗ lực hết mình để đạt được thành tựu.
d. Bàn luận:
- Có đam mê là tốt, có niềm đam mê khác biệt và kiên trì theo đuổi nó lại còn tuyệt vời hơn cả.
- Cần phải thật tỉnh táo, phải biết đâu là niềm đam mê chân chính, đâu là thói hư tật xấu, là tệ nạn xã hội không nên sa đà vào nó.
- Theo đuổi đam mê chúng ta cần phải thật vững lòng, không nên mù quáng chăm chăm vào một mình niềm đam mê ấy mà bỏ qua hết những vấn đề khác trong cuộc sống như tình thân, tình yêu, công việc đó là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng.
2.3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Nghị luận về câu Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Đã bao giờ chúng ta tự hỏi bản thân, chúng ta phải sống như thế nào cho đáng sống, cho không uổng phí mấy mươi năm cuộc đời, uổng phí quãng thời gian thanh xuân ngắn ngủi chưa? Tôi chỉ có một câu trả lời rằng, chúng ta hãy tìm cho bản thân một ước mơ, một lý tưởng, một đam mê, và sống hết mình vì nó, đó chính là ngọn lửa dẫn bước cho cuộc đời của bạn trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Có đam mê vốn đã là một điều tuyệt vời, bởi không phải ai cũng có thể xác định được đam mê của mình và càng đáng quý hơn nếu mỗi chúng ta lại có một đam mê thật khác biệt, để ghi dấu ấn cá nhân trong cuộc đời, để tỏa sáng như một vì tinh tú. Có một thông điệp khá thú vị về vấn đề này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ ấy là: "Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt".
Nói đến đam mê, vậy chúng ta đã thực sự đã hiểu đam mê là gì chưa? "Đam mê" là niềm khao khát mãnh liệt đạt được, hoặc thực hiện, hoặc theo đuổi một thứ gì đó, đam mê khác lý tưởng và ước mơ ở một chỗ, đam mê thiên về cảm xúc nhiều hơn lý trí. Đó là cảm giác bị thu hút, bị hấp dẫn chứ không đơn thuần là lý trí mách bảo phải thực hiện vì cuộc sống tương lai như thực hiện ước mơ, lý tưởng. "Đam mê khác biệt" là niềm đam mê mang dấu ấn cá nhân, không lẫn lộn với ai cả, không phải là thói học đòi, bắt chước mà nó thực sự xuất phát từ trong tâm hồn của mỗi cá nhân, là một biểu hiện rất rõ nét của cái "tôi" cá nhân.
Cụm từ "đam mê" thường được nhắc đến bởi những con người có thiên hướng nghệ thuật, ví dụ như đam mê ca hát, đam mê hội họa, đam mê khiêu vũ,... Ngoài ra đam mê còn được nhắc đến trong tình yêu, thể hiện khao khát, ham muốn gần nhau giữa hai cá thể. Trong cuộc sống thường ngày đam mê cũng xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong học tập, thể thao, trong công việc,... dưới nhiều hình thức khác nhau mà đôi khi chúng ta không nhìn ra. Ví dụ như một học sinh có niềm đam mê đặc biệt với môn toán học, hay một đầu bếp có niềm đam mê chế tạo các món ăn lạ từ thịt gà, các cầu thủ thì thường có niềm đam mê với bóng đá, lại có người đam mê du lịch, có người đam mê sưu tầm đồ cổ,...
Vậy tại sao cần có đam mê và cần giữ cho mình đam mê khác biệt? Mỗi một người có cho bản thân một niềm đam mê khác biệt chính là thứ để khẳng định bản thân, tự làm mới, tự tạo dấu ấn cá nhân trong xã hội công nghiệp này. Có đam mê khiến chúng ta có động lực sống, có niềm cảm hứng thúc đẩy chúng ta đứng lên thực hiện ước mơ, lý tưởng một cách đầy nhiệt huyết và có trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Niềm đam mê trở thành người bạn tri kỷ luôn đồng hành cùng chúng ta trong cuộc đời, vì nó mà chúng ta cười, chúng ta khóc, chúng ta đau và cuối cùng chúng ta hạnh phúc cũng là vì nó. Niềm đam mê khác biệt, khiến chúng ta tỏa sáng, độc lập, đồng thời khơi nguồn sáng tạo khiến chúng ta phải nỗ lực hết mình để đạt được thành tựu nhằm khẳng định bản thân, đông thời đem đến cho xã hội những cống hiến mới có giá trị xây dựng.
Có đam mê là tốt, có niềm đam mê khác biệt và kiên trì theo đuổi nó lại còn tuyệt vời hơn cả. Thế nhưng chúng ta phải thật tỉnh táo, phải biết đâu là niềm đam mê chân chính, đâu là thói hư tật xấu, là tệ nạn xã hội không nên sa đà vào nó. Ví như đam mê cờ bạc, đam mê chọi gà, đam mê quay cuồng với tiếng nhạc đinh tai nhức óc trong bar, sàn nhảy,... mà bỏ bê bản thân, bỏ bê gia đình đều là những đam mê tồi tệ, thậm chí nó không đáng được gọi là đam mê. Rồi thì vẫn biết đam mê thuộc về cảm xúc nhiều hơn, nhưng một khi thực hiện theo đuổi đam mê chúng ta cần phải thật vững lòng, không nên mù quáng chăm chăm vào một mình niềm đam mê ấy mà bỏ qua hết những vấn đề khác trong cuộc sống như tình thân, tình yêu, công việc đó là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng. Bởi dẫu chúng ta có thể đạt được đỉnh cao của đam mê nhưng khi nhìn lại chúng ta lại trở thành người cô đơn trong chính cuộc đời mình, không một ai thấu hiểu chúng ta, không ai dám thân cận với chúng ta nữa, đó là một điều rất đáng buồn. Thế nên gìn giữ đam mê khác biệt, đồng thời chúng ta cũng phải hòa nhập với thế giới, chuyện gì cần hiểu, cần biết thì vẫn phải nắm được, đừng để bản thân mình trở thành kẻ lập dị ôm đam mê điên cuồng giữa một xã hội rộng lớn.
Có thể thấy rằng đam mê là một khao khát, một ham muốn đặc biệt của con người, có thể biểu lộ rõ ràng hoặc không, nhưng chung quy lại có đam mê khiến con người trở nên tốt hơn, trở nên dũng cảm hơn trong cuộc sống, trở thành ý nghĩa sống mà mỗi chúng ta theo đuổi trong cuộc đời. Vậy nên mỗi chúng ta hãy cố khai thác một niềm đam mê đang tiềm ẩn trong bản thân, để thấy cuộc đời có nhiều mục tiêu hơn, nhiều động lực hơn, niềm khao khát hạnh phúc càng thêm mãnh liệt để không làm uổng phí thanh xuân mà tạo hóa đã ban tặng.
3.2. Bài văn mẫu số 2
"Mỗi người đều phải rước một đam mê. Đam mê - ngọn lửa sinh tồn hay ngọn lửa hủy diệt đều do tự tay mình thắp lên" - đây là câu nói giàu ý nghĩa của họa sĩ Bửu Ý về niềm đam mê. Lại còn hay hơn nữa, đặc biệt hơn nữa nếu mỗi người có một niềm đam mê khác biệt.
Đam mê khác biệt là niềm say mê, yêu thích, theo đuổi một sở thích độc đáo riêng biệt không trùng lặp với người khác. "Hãy giữ cho mình một niềm đam mê khác biệt" là một câu nói khuyên chúng ta nên tìm kiếm cho bản thân một đam mê mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai.
Vì sao lại giữ cho mình niềm đam mê riêng biệt? Đam mê riêng biệt đem lại nguồn cảm hứng cho cuộc sống tạo nên động lực mạnh mẽ để chúng ta vượt qua khó khăn để biến ước mơ thành hiện thực. Nó giúp ta tập trung toàn bộ trí lực không ngừng sáng tạo để mở ra những con đường mới mẻ đạt đến những đỉnh cao nghề nghiệp, giúp ta khẳng định mình tạo dấu ấn riêng cho bản thân. Thêm vào đó nó sẽ kích thích sự sáng tạo và phát triển của xã hội có nhiều giá trị nhiều thành quả mới được.
Như Đặng Lê Nguyên Vũ – là ông chủ của cà phê Trung Nguyên, ông đã can đảm theo đuổi con đường kinh doanh khi đang học nghề y năm thứ 4, cho dù trên bước đường lập nghiệp ông gặp không ít thử thách nhưng cho đến nay ông đã và đang là một doanh nhân thành công. Bên cạnh tấm gương như Đặng Lê Nguyên Vũ, thì lại có nhiều người sống phù phiếm, không biết mình đam mê cái gì hoặc có đam mê mà không có can đảm theo đuổi. Tìm kiếm và sống với đam mê không dễ dàng nên đòi hỏi mỗi cá nhân phải tập trung cao độ trí tuệ, dũng cảm để vượt qua thử thách và mỗi bản thân ai cũng đều cần phải tìm ra một đam mê thực sự cho chính mình trong cuộc sống.
Cuộc sống sẽ hạnh phúc, ý nghĩa và đáng sống biết bao khi mỗi người được làm việc mình yêu thích và dùng 100% sức lực của mình vào trong đó. Tóm lại, đam mê là 1 yếu tố không thể thiếu để chạm tới thành công nhưng bên cạnh đam mê thì con người cũng cần ý chí quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------