Tài liệu Luyện tập Đột biến số lượng nhiễm sắc thể Sinh học 12 do ban biên tập HOC247 tổng hợp để giúp các em ôn tập và rèn luyện kỹ năng về đột biến nhiễm sắc thể trong chương trình Sinh học 12 để chuẩn bị thật tốt cho các kỳ thi sắp tới. Mời các em cùng tham khảo!
ĐỘT BIẾN SỐ LƯỢNG NHIỄM SẮC THỂ
A. Lý thuyết
I. Lệch bội.
1. Khái niệm.
Là những biến đổi về số lượng NST xảy ra ở một hay một số cặp NTS.
* Các dạng thể lệch bội:
- Thể không nhiễm: 2n - 2
- Thể một nhiễm: 2n - 1
- Thể một nhiễm kép: 2n -1 - 1
- Thể ba nhiễm: 2n + 1
- Thể ba nhiễm kép: 2n +1 + 1
- Thể bốn nhiễm: 2n + 2
- Thể bốn nhiễm kép: 2n + 2 + 2
2. Nguyên nhân và cơ chế phát sinh.
* Nguyên nhân: Các tác nhân vật lí, hóa học hoặc sự rối loạn của môi trường nội bào làm cản trở sự phân li của một hay một số cặp NST.
* Cơ chế: sự không phân li của một hay một số cặp NST trong giảm phân tạo ra các giao tử thừa hay thiếu một hoặc vài NST.
3. Hậu quả của các lệch bội.
- Sự tăng hay giảm số lượng của một hay vài cặp NST một cáh khác thường đã làm mất cân bằng của toàn hệ gen nên các thể lệch bội thường không sống được hay giảm sức sống, giảm khả năng sinh sản tuỳ loài.
4. Ý nghĩa của các lệch bội.
Đột biến lệch bội cung cấp nguyên liệu cho quá trình tiến hoá, trong chọn giống sử dụng thể lệch bội để thay thế NST theo ý muốn. Dùng để xác định vị trí của gen trên NST.
II. Đa bội.
1. Khái niệm: Là hiện tượng trong tế bào chứa số NST đơn bội lớn hơn 2n.
2. Phân loại đa bội.
a. Tự đa bội : là tăng số NST đơn bội của cùng một loài lên một số nguyên lần gồm đa bội chẵn (4n, 6n...) và đa bội lẻ (3n, 5n...).
b. Dị đa bội: là hiện tượng cả hai bộ NST cuả hai loài khác nhau cùng tồn tại trong một TB.
3. Nguyên nhân và cơ chế phát sinh.
- Do tác nhân vật lí, hoá học và do rối loạn môi trường nội bào, do lai xa. Khi giảm phân bộ NST không phân li tạo giao tử chứa (2n) kết hợp gt (n) thành cơ thể 3n hoặc gt(2n) kết hợp với gt (2n) thành cơ thể 4n.
- Trong lần nguyên phân đầu tiên của hợp tử (2n), nếu tất cả các cặp không phân li thì tạo nên thể tứ bội.
4. Hậu quả và vai trò.
a. Ở thực vật:
- Đa bội thể là hiện tượng khá phổ biến ở hầu hết các nhóm cây.
- Đa bội lẻ tạo cây không hạt
- Đa bội chẵn tạo giống mới cho chọn giống và tiến hoá.
b. Ở động vật: Hiện tượng đa bội thể rất hiếm xảy ra gặp ở các loài lưỡng tính như giun đất; loài trinh sản như bọ cánh cứng, tôm, các vàng, kì nhông…
c. Các đặc điểm của thể đa bội.
- TB đa bội có số ADN tăng gấp bội nên quá trình sinh tổng hợp các chất hữu cơ xảy ra mạnh mẽ nên thể đa bội có TB to, cơ quan dinh dưỡng lớn, phát triển khoẻ chống chịu tốt.
- Các thể đa bội lẻ không có khả năng sinh giao tử bình thường như các giống cây không hạt như nho, dưa…
B. Luyện tập
Câu 1: Cho biết quá trình giảm phân của cơ thể đực có một số tế bào có cặp NST mang cặp gen Aa không phân li trong giảm phân 1, giảm phân 2 diễn ra bình thường. Trong quá trình giảm phân của cơ thể cái có một số tế bào mang cặp NST Dd không phân ly trong giảm phân 2 ở tất cả các tế bào, giảm phân 1 diễn ra bình thường. Các tế bào khác giảm phân bình thường. Ở đời con của phép lai: AaBbDd x AaBbDd sẽ có tối đa bao nhiêu loại kiểu gen đột biến lệch bội về cả 2 cặp NST nói trên ?
A. 48
B. 36
C. 24
D. 72
Đáp án:D
- Xét cặp Aa x Aa
Cơ thể đực có 1 số tế bào không phân li ở giảm phân 1, giảm phân 2 bình thường, các tế bào khác bình thường
Vậy tạo ra các giao tử : Aa, 0, A, a
Cơ thể cái giảm phân bình thường cho giao tử A, a
Vậy số loại kiểu gen lệch bội về cặp NST này là 2 x 2 = 4
- Xét cặp Bb x Bb: Cặp này bình thường, đời con có 3 loại kiểu gen
- Xét căp Dd x Dd:
Cơ thể đực bình thường cho D, d
Cơ thể cái 100% không phân li ở giảm phân 2, cho giao tử DD, dd, 0
Vậy số loại kiểu gen lệch bội là 2 x 3 = 6
Vậy số loại kiểu gen lệch bội về cả 2 gen là 4 x 3 x 6 =72
Câu 2: Dạng đột biến và số lượng NST trong tế bào sinh dưỡng của hội chứng Đao:
A. Thể 1 ở cặp NST 23-Có 45 NST
B. Thể 3 ở cặp NST 21-Có 47 NST
C. Thể 1 ở cặp NST 21-Có 45 NST
D. Thể 3 ở cặp NST 23-Có 47 NST
Câu 3: Ở cà độc dược có 12 cặp NST tương đồng.Có nhiều nhất bao nhiêu trường hợp thể một kép?
A. 12
B. 24
C. 66
D. 132
Câu 4: Điểm khác nhau giữa thể tự đa bội và thể dị đa bội là:
A. Số lượng NST
B. Nguồn gốc NST
C. Hình dạng NST
D. Kích thước NST
Câu 5: Sự thay đổi số lượng nhiễm sắc thể chỉ liên quan đến một hay một số cặp nhiễm sắc thể gọi là:
A. thể lệch bội.
B. đa bội thể lẻ.
C. thể tam bội.
D. thể tứ bội.
Câu 6: Một phụ nữ có có 47 nhiễm sắc thể trong đó có 3 nhiễm sắc thể X. Người đó thuộc thể
A. ba.
B. tam bội.
C. đa bội lẻ.
D. đơn bội lệch.
Câu 7: Một phụ nữ có 45 nhiễm sắc thể trong đó cặp nhiễm sắc thể giới tính là XO, người đó bị hội chứng
A. Tớc nơ.
B. Đao.
C. siêu nữ.
D. Claiphentơ.
Câu 8: Sự tăng một số nguyên lần số NST đơn bội của một loài là hiện tượng
A. tự đa bội.
B. tam bội.
C. tứ bội.
D. dị đa bội.
Câu 9: Sự thụ tinh giữa 2 giao tử (n+1) sẽ tạo nên
A. thể 4 nhiễm hoặc thể ba nhiễm kép.
B. thể ba nhiễm.
C. thể 1 nhiễm.
D. thể khuyết nhiễm.
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Luyện tập Đột biến số lượng nhiễm sắc thể Sinh học 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
Chúc các em học tập tốt !