YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Bình Tây

Tải về
 
NONE

Gần tới kì thi Tuyển sinh vào lớp 10, nhằm giúp các em học sinh lớp 9 ôn tập kiến thức và tiếp cận đề thi, HOC247 đã biên soạn và tổng hợp tài liệu Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Bình Tây dưới đây. Mời các em cùng tham khảo!

ATNETWORK

TRƯỜNG THCS BÌNH TÂY

ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2022-2023

MÔN NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

 

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi:

- Khi nào con đi?

- Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.

Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói:

- Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.

Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền. Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng. Hòa thượng hỏi:

- Tại sao tín chủ lại tặng ô?

- Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại. Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng:

- Giày cỏ và ô đã đủ chưa?

- Đủ rồi ạ! – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.

Sư thầy nói:

- Vậy sao được. Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục:

- Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói:

- Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính của câu chuyện.

Câu 2. Em thích nhất chi tiết nào trong câu chuyện? Vì sao?

Câu 3. Em hiểu thế nào về những hành động của sư thầy?

Câu 4. Câu chuyện giúp em nhận ra điều gì?

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. (2 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 15-20 dòng) chia sẻ những việc em có thể làm để sống một cuộc đời ý nghĩa.

Câu 2. (5 điểm)

Trình bày cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích sau:

Công việc của cháu cũng quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi. Những cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có. Dãy núi này có một ảnh hưởng quyết định tới gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta. Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính máy, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu. Đây là máy móc của cháu. Cải thùng đo mưa này, ở đâu bác cũng trông thấy, mưa xong đổ nước ra cái cốc li phân này mà đo. Cái này là máy nhật quang kí, ánh nắng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng vết cháy mà định nắng. Đây là máy Vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đoán gió. Ban đêm không nhìn máy, cháu nhìn gió lay lá hay nhìn trời, thấy sao nào khuất, sao nào sáng, có thể nói được mây, tính được gió. Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về "nhà" bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là “ốp”.

Công việc nói chung dễ, chỉ cần chính xác. Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái im lặng lúc đó thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung... Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được.

Anh thanh niên đang nói, dừng lại. Và tại sao họa sĩ cảm giác mình bối rối? Vì nhác thấy người con gái nhỏ nhỏ e lệ, đứng giữa các luống dơn, không cần hái hoa nữa, ôm nguyên bó hoa trong tay, lắng tai nghe? Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ước ao được biết, ôi, một nét thôi đã khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.

- Anh nói nữa đi. - Ông giục.

- Báo cáo hết! - Người con trai vụt trở lại giọng vui vẻ. - Năm phút nữa là mười. Còn hai mươi phút thôi. Bác và cô vào trong nhà. Chè đã ngấm rồi đấy.

Thì giờ ngắn ngủi còn lại thúc giục cả chính người hoạ sĩ già. Ông theo liền anh thanh niên vào trong nhà, đảo nhìn qua một lượt trước khi ngồi xuống ghế. Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Họa sĩ còn đang nheo mắt cố đọc tên các sách trên giá thì cô gái đã bước tới, dường như làm việc ấy hộ bố. Cô không trở lại bàn giữa và ngồi ngay xuống trước chiếc bàn học con, lật xem bìa một cuốn sách rồi để lại nguyên lật mở như cũ. Anh thanh niên rót nước chè mời bác già, ngoảnh lại tìm cô gái, thấy cô đang đọc, liền bưng cái chén con đến yên lặng đặt trước mặt cô.

(Trích Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ văn 9)

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của câu chuyện: tự sự

Câu 2. Học sinh chọn ra những chi tiết tiêu biểu để cảm nhận: chi tiết chú tiểu được tặng giày, tặng ô; chi tiết sư thầy kêu gọi quyên góp đồ tặng chú tiểu; chi tiết chú tiểu vội vã lên đường. Giải thích tại sao lại chọn chi tiết đó.

Câu 3. Hành động của sư thầy không chỉ giúp chú tiểu quyên góp được món đồ mình muốn mà đó còn là bài học sư thầy dạy cho chú tiểu: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa.

Câu 4. Câu chuyện mang đến cho chúng ta bài học: Những vật ngoài thân không quyết định đến thành công của chúng ta. Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

- Đề tài nghị luận: chia sẻ những việc em có thể làm để sống một cuộc đời ý nghĩa.

- Dẫn dắt vào vấn đề: Hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa: Bạn có thể làm rất nhiều việc để sống một cuộc đời ý nghĩa.

Cuộc sống có ý nghĩa:

- Là cuộc sống đầy ắp niềm vui với những người xung quanh, với công việc, được thoả mãn những sở thích của mình.

- Là cuộc sống đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

- Là cuộc sống biết vượt qua khó khăn để đạt tới thành công.

- Là cuộc sống luôn có mục đích để học tập, làm việc, hi vọng chứ không nhàm chán…

Những việc em có thể làm để sống một cuộc đời ý nghĩa:

- Sống có đam mê, ước mơ, làm những điều mình thích.

- Nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh từ những việc dù là nhỏ nhất.

- Hãy tìm cách trao đi, có những việc ta làm vì đóng góp cho cộng đồng, không màng đến lợi ích cá nhân, luôn đặt lợi ích của cộng đồng, xã hội lên đầu.

Phê phán lối sống lãng phí, sống vô nghĩa: sống không có ước mơ, không có mục tiêu, không có một ai để gắn kết và yêu thương, lười biếng không chịu học tập, làm việc hoặc là chỉ luôn nghĩ về lợi ích của cá nhân, không cống hiến, đóng góp cho cộng đồng.

Bài học: Hãy luôn tự tin hướng về phía trước, năng động học tập và sáng tạo, tự hoàn thiện bản thân để thành công trong cuộc sống và sống một cuộc sống đầy ý nghĩa.

Câu 2. Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích

1. Mở bài:

- Giới thiệu vài nét về nhà văn Nguyễn Thành Long.

- Giới thiệu tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. Trong đó có đoạn trích được dẫn ở đề bài mang lại cho người đọc nhiều cảm nhận về nhân vật anh thanh niên.

2. Thân bài

a. Công việc của anh thanh niên

- Đoạn văn là lời của nhân vật thanh niên, nhân vật chính trong truyện Lặng lẽ Sa Pa. Nhân vật thanh niên đó sống một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi ở Sa Pa.

- Công việc của anh là làm khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo gió, đo chấn động mặt đất và dự báo thời tiết hằng ngày phục vụ cho công việc chiến đấu và sản xuất.

- Công việc của anh làm âm thầm, lặng lẽ một mình, báo về “ốp” đều đặn những con số để phục vụ sản xuất, chiến đấu. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác, có tính trách nhiệm cao.

=> Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc gian khổ, vất vả. Đó là thử thách rất lớn nhưng anh thiên niên đã vượt qua hoàn cảnh ấy bằng ý chí, nghị lực và những suy nghĩ rất đẹp.

b. Phẩm chất của anh thanh niên được thể hiện qua đoạn văn

- Trước hết, anh thanh niên rất yêu nghề. Anh giới thiệu chi tiết từng loại máy, từng dụng cụ của mình cho ông họa sĩ và cô kĩ sư.

- Là người có hành động đẹp: Một mình sống trên đỉnh Yên Sơn, không có ai đôn đốc, kiểm tra nhưng anh vẫn vượt qua hoàn cảnh làm việc một cách nghiêm túc, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Dù thời tiết khắc nghiệt mùa đông giá rét mà anh đều thức dậy thắp đèn đi “ốp” đúng giờ. Ngày nào cũng vậy anh làm việc một cách đều đặn, chính xác 4 lần trong ngày, âm thầm, bền bỉ trong nhiều năm trời.

- Người có phong cách sống đẹp: Anh có một phong cách sống khiến mọi người phải nể trọng. Tinh thần thái độ làm việc của anh thật nghiêm túc, chính xác, khoa học và nó đã trở thành phong cách sống của anh.

=> Anh thanh niên là đại diện tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam, hăng say làm việc, hết mình cống hiến cho dân tộc, cho đất nước

3. Kết bài: Cảm nhận chung về anh thanh niên.

ĐỀ THI SỐ 2

PHẦN I.

Bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy khiến người đọc vô cùng xúc động bởi những suy ngẫm về cuộc sống và những triết lí nhân sinh sâu sắc được diễn tả dung dị như lời tâm tình, lời nhắc nhở chân thành, cảm động. Mở đầu bài thơ, tác giả viết :

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào và hoàn cảnh ra đời có gì đặc biệt ?

Câu 2. Cũng trong bài thơ " Ánh trăng", các hình ảnh "đồng", "sông", "bể", "rừng" còn được nhắc lại ở một khổ thơ khác. Hãy chép lại chính xác khổ thơ đó và cho biết ý nghĩa của các hình ảnh này trong mỗi khổ thơ.

Câu 3. Câu thơ cuối của khổ thơ trên, tác giả viết "vầng trăng thành tri kỉ"

a. Hãy giải thích nghĩa từ "tri kỉ". Vì sao con người và trăng có thể trở thành tri kỉ ?

b. Gọi tên và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ trên.

Câu 4. Khép lại bài thơ, Nguyễn Duy viết:

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

Dựa vào khổ thơ, hãy viết một đoạn văn quy nạp khoảng 12 câu làm rõ những suy ngẫm sâu sắc và triết lí nhân sinh của nhà thơ qua hình tượng trăng, trong đoạn văn có sử dụng câu phủ định và phép nối để liên kết câu ( gạch chân và chú thích ).

PHẦN II.

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu :

... Tri thức đúng là sức mạnh. Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của công ti Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten - mét - xơ. Ông xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10 000 đô la. Nhiều người cho Xten - mét - xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận, Xten - mét - xơ ghi : " Tiền vạch một đường thẳng là một đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá : 9 999 đô la ". Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà người khác không làm nổi. Thử hỏi, nếu không biết cách chữa thì cỗ máy kia có thể thoát khỏi số phận trở thành đống phế liệu được không?

(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019)

Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là gì ? Khái quát nội dung của đoạn trích bằng một câu văn.

Câu 2. Ghi lại lời dẫn trực tiếp được tác giả sử dụng trong đoạn trích ? Theo em có nên chuyển lời dẫn trực tiếp đó thành lời dẫn gián tiếp không ? Vì sao ?

Câu 3. Từ ý nghĩa của câu chuyện trên và những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi với chủ đề " Tri thức là sức mạnh "

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

PHẦN I.

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ: năm chữ

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ khá đặc biệt khi lúc này tác giả Nguyễn Duy đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi đô thị của cuộc sống tiện nghi hiện đại, nơi những người từ trận đánh trở về đã để lại sau lưng cuộc chiến gian khổ mà nghĩa tình.

Câu 2.

- Chép đúng khổ thơ:

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

- Ý nghĩa của các hình ảnh này trong mỗi khổ thơ:

+ trong khổ thơ đầu là những hình ảnh vô cùng thân thuộc của quê hương, là hình ảnh khắc vào tuổi thơ.

+ vẫn là các hình ảnh "đồng", "sông", "bể", "rừng" đó, hình ảnh kỉ niệm còn vẹn nguyên.

Câu 3. Câu thơ cuối của khổ thơ trên, tác giả viết " vầng trăng thành tri kỉ"

a.

- "tri kỉ" là thừ tình cảm vô định hình, nó thể hiện sự thân thiết để ta có thể chia sẻ mọi khắc khắc vui buồn, người thấu hiểu ta.

- con người và trăng có thể trở thành tri kỉ bởi:

+ Trăng trở thành người cùng chia sẻ mọi vui buồn, trăng đồng cam cộng khổ, xoa dịu những nỗi đau của chiến tranh bằng ánh sáng tươi mát, hiền hòa.

+ Trăng là người bạn đồng hành, đồng cam cộng khổ với người chiến sĩ, trăng chính là hiện thân của quá khứ chan hòa tình nghĩa.

b. Gọi tên và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ trên.

Câu 4. Đảm bảo nội dung:

– Hình ảnh “trăng cứ tròn vành vạnh” là tượng trưng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, đầy đặn, bao dung, nhân hậu.

– Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” mang ý nghĩa nghiêm khắc nhắc nhở, là sự trách móc trong lặng im. Chính cái im phăng phắc của vầng trăng đã đánh thức con người, làm xáo động tâm hồn người lính năm xưa. Con người “giật mình” trước ánh trăng là sự bừng tỉnh của nhân cách, là sự trở về với lương tâm trong sạch, tốt đẹp. Đó là lời ân hận, ăn năn day dứt, làm đẹp con người.

PHẦN II.

Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính là nghị luận

Khái quát nội dung của đoạn trích bằng một câu văn: Tri thức là sức mạnh

Câu 2. Lời dẫn trực tiếp được tác giả sử dụng trong đoạn trích: "Tiền vạch một đường thẳng là một đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá : 9 999 đô la."

Câu 3.

Đoạn văn tham khảo (sưu tầm)

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

Câu 1. (4.0 điểm)

“Đời sống là bờ

Những giấc mơ là biển

Bờ không còn nếu chẳng có khơi xa”

(Lưu Quang Vũ, trích “Giấc mơ của anh hề”

Những câu thơ trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về cuộc đời và những giấc mơ?

Câu 2. (6.0 điểm)

“Văn chương là cách tốt nhất để kể sự thật; nó là một quá trình tạo ra những lời nói dối lớn lao, đẹp đẽ, chặt chẽ, nói lên nhiều sự thật hơn bất cứ mớ dữ kiện thực tế nào."

(Julian Patrick Barnes)

Bằng những hiểu biết về văn học, anh/ chị hãy bình luận ý kiến trên.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

Câu 1.

1. Giải thích

- Đời sống - bờ: đời sống thực là điểm tựa an toàn, vững chãi, có giới hạn nhất định. Là “bờ” để ta trở về mỗi khi gặp thất bại, là nơi khởi nguyên bắt đầu của mọi hành trình.

- Giấc mơ - biển: gắn với phạm vi bao la rộng lớn để chỉ sức sống, sự phát triển kì diệu của những giấc mơ.

- Mối quan hệ: bờ - biển (khơi xa):

Tương quan: bờ nhỏ bé, có giới hạn, là hiện thực cuộc sống có phần khô khan. Ngược lại, giấc mơ được ví như biển nhằm mở ra chiều kích phong phú tự do rộng lớn ➝ tương quan đối lập.

Bờ và biển là hai thực thể gắn liền, có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Nếu thiếu biển, con người ta sẽ chỉ sống trong chiều kích hạn hẹp, nhỏ bé, khô khan. Ngược lại, nếu thiếu bờ, con người dễ lạc lối trong sự bao la vô tận của tưởng tượng, thiếu đi sự thực tế, thiếu điểm tựa vững chãi ➝ gắn bó chặt chẽ.

- Nhan đề nói lên tâm sự là anh hề (người tạo ra tiếng cười, khoa trương, ít được tin dụng). Một mặt nó thể hiện sự mất niềm tin của con người vào những giấc mơ bởi cho rằng đó chỉ là quan niệm của kẻ “ngốc”, mặt khác nhan đề còn mang ý nghĩa niềm tin, quan niệm vào những giấc mơ có phần viển vông, hài hước ➝ cần nghi vấn: phải chăng những người mơ mộng, bị coi thường như anh hề mới là người tỉnh táo, sáng suốt?

➝ Bản chất đề: bàn về mối quan hệ mật thiết, hài hòa giữa hiện thực sống và ước mơ.

2. Bàn luận - chứng minh

- Tại sao? (Gắn với hiện thực cuộc sống): Cần bao quát các khía cạnh khách quan (gắn với các lĩnh vực đời sống/ một vài sự kiện nổi bật) và khía cạnh chủ quan (lý do từ bản thân mỗi người, phần tâm hồn, ý thức)

- Ý nghĩa? : Chỉ ra ý nghĩa của bờ, biển và mối quan hệ của cả hai đối với cuộc sống mỗi người.

- Thể hiện như thế nào? (Dẫn chứng): Bao quát được nhiều dẫn chứng (những tấm gương nào đã biết hài hòa mối quan hệ giữa giấc mơ - hiện thực sống)

- Mở rộng - phản biện:

+ Phê phán những cá nhân, cộng đồng sống phụ thuộc quá vào một trong hai khía cạnh hiện thực - giấc mơ từ đó làm mất sự cân bằng.

+ Bên cạnh những giấc mơ, để hình thành nên hiện thực sống còn là các yếu tố khác như tình thương, niềm tin,… giấc mơ không phải yếu tố duy nhất tạo nên ý nghĩa của bờ.

+ Ngoài biển không chỉ có vẻ đẹp kì thú mà còn là sóng cao gió cả, hiểm hoạ khôn lường vì vậy cần “cẩn trọng”, đôi khi là lượng sức mình trong hành trình tìm đến giấc mơ.

Câu 2.

1. Giải thích

2. Bàn luận chứng minh

LĐ1: Tại sao văn học lại là cách tốt nhất để kể sự thật?

(Nên so sánh đặc trưng sự thật trong văn học với một vài loại hình nghệ thuật khác để nêu được sự đột phá.)

LĐ2: Tại sao văn học là lời nói dối lớn lao, đẹp đẽ?

LĐ3: Mối quan hệ giữa chức năng kể sự thật và đặc trưng là lời nói dối của văn chương?

LĐ4: Mở rộng

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 4

Đọc khổ thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

(Trích Ánh trăng Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2018, tr 156)

Câu 1. Chỉ ra và phân tích tác dụng của những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai dòng thơ sau:

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.

Câu 2. Em hãy giải thích tại sao trong suốt bài thơ, tác giả đùng hình ảnh “vầng trăng”, “trăng", nhưng đến hai dòng thơ cuối, tác giả lại dùng ánh trăng”?

Câu 3. Viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận quy nạp nêu cảm nhận của em về phút “giật mình" của nhân vật “ta” trong khổ thơ trên, trong đó có sử dụng phép nối và một câu có thành phần phụ chú (gạch chân dưới từ ngữ dùng làm phép nối và câu có thành phần phụ chủ).

Câu 4. Trong tác phẩm: Lặng lẽ SaPa của nhà văn Nguyễn Thành Long có đoạn:

"Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều

- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Và, khi ta làm việc, ta với công việc là đội, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất".

a. Đoạn văn trên là tâm sự của ai? Những tâm sự đó được nói trong hoàn cảnh nào?

b. Trong đoạn trích, nhân vật có nói “Công việc của cháu gian khổ thế đấy". Em hãy cho biết, trong tác phẩm, công việc của nhân vật gian khổ như thế nào?

c. Theo em, điều gì đã giúp nhân vật vượt lên những gian khổ đó để sống yêu đời hoàn thành nhiệm vụ?

d. Từ kiến thức về tác phẩm có đoạn văn trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, viết một đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thỉ nêu suy nghĩ của em về lời tâm sự “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi...”.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4

Câu 1. (1 điểm)

- Chỉ ra được biện pháp nhân hóa: trăng “im phăng phắc (0,25 điểm)

- Tác dụng: Trăng giống như một con người, im lặng bao dung và nghiêm khắc. Hình ảnh nhân hóa làm cho câu thơ sinh động, tăng khả năng gợi hình, gợi cảm. (0,25 điểm)

- Chỉ ra được biện pháp tương phản giữa ánh trăng "im phăng phắc" và cái “ giật mình" của nhân vật “ta”. (0,25 điểm)

- Tác dụng: nhấn mạnh và làm nổi bật giây phút bừng tỉnh của nhân vật. (0,25 điểm)

Câu 2. (0,5 điểm)

Tác giả dùng "ảnh trăng” vì: ánh trăng giống như "ngôn ngữ" của vầng trăng, như một thông điệp ngầm mà “trăng" muốn gửi đến nhân vật, "ánh trăng" cũng là thứ ánh sáng đặc biệt có thể soi tỏ được vào những nơi khuất tối của tâm hồn, giúp nhân vật thức tỉnh.

Câu 3. (3,5 điểm)

- Câu kết đoạn đạt yêu cầu (0.5 điểm)

- Phần thân đoạn khoảng 10-11 câu, học sinh cần bám sát vào đoạn thơ, phân tích được trạng thái cảm xúc đặc biệt của nhân vật khi đối diện với bánh trăng im phăng phắc”, từ đó làm rõ được ý nghĩa đặc biệt của phút “giật mình" của nhân vật “ta”

Câu 4.

a. (0.75 điểm)

- Tâm sự của nhân vật anh thanh niên;  (0,25 điểm)

- Tâm sự đó được nói trong cuộc gặp gỡ bất ngờ và ngắn ngủi giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư mới ra trường.  (0,5 điểm)

b. (1 điểm)

- Công việc của anh thanh niên; làm công tác khí tượng kiểm vật lí địa cầu; hằng ngày anh phải đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất để báo về xuôi vào lúc bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, một giở sảng; (0,5 điểm)

- Đây là công việc gian khổ vì anh phải làm việc một mình, trong điềukiện thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa, đó là những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. (0,5 điểm)

c. Điều giúp anh thanh niên đã vượt lên những gian khổ đỏ để sống yêu đời hoàn thành nhiệm vụ (1,25 điểm)

- Anh là người yêu nghề, say mê công việc và ý thức sâu sắc về ý nghĩa công việc của mình; (0,5 điểm)

- Anh có lí tưởng sống đúng đắn, sống là cống hiến cuộc đời mình cho đất nước; (0,5 điểm)

- Anh có tinh thần lạc quan, luôn yêu đời và biết làm chủ cuộc sống của mình. (0,25 điểm)

d. Đoạn văn cần đảm bảo những yêu cầu về: (2.0 điểm)

Nội dung:

Hình thức: 

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 5

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thân em thời trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm mấy nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.

Câu 1. (0,5đ): Tác giả của bài thơ trên là ai?

Câu 2. (0,75đ): Nêu nội dung chính của bài thơ.

Câu 3. (0,75đ): Chỉ ra 01 biện pháp nghệ thuật nổi bật và nêu tác dụng.

Câu 4. (1đ): Qua bài thơ trên, anh/chị hiểu thêm điều gì về người phụ nữ trong xã hội cũ.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. (2đ): Viết một bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về sự vô cảm.

Câu 2. (5đ): Phân tích nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1 (0,5đ): Tác giả của bài thơ: Hồ Xuân Hương

Câu 2 (0,75đ): Nội dung chính của bài thơ: nói về thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ không được lựa chọn hạnh phúc cho mình và phải nghe theo số phận đồng thời thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của họ.

Câu 3 (0,75đ): Biện pháp nghệ thuật: vận dụng thành ngữ Bảy nổi ba chìm.

Tác dụng: Nói lên số phận long đong, lận đận, bất hạnh của người phụ nữ.

Câu 4 (1đ): Người phụ nữ trong xã hội cũ chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Họ là người có tấm lòng thủy chung son sắt tuy nhiên lại không được lựa chọn, không được sống cuộc đời theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp đặt của người khác để rồi rơi vào bi kịch.

II. LÀM VĂN

Câu 1 (2đ): Dàn ý nghị luận về sự vô cảm

1. Mở bài

Giới thiệu về sự vô cảm.

2. Thân bài

a. Giải thích

- Vô cảm: lạnh lùng, thờ ơ trước nỗi đau, bất hạnh của người khác; chỉ biết sống cho bản thân mình. Người vô cảm là người có trái tim lạnh giá.

b. Phân tích

- Xã hội phát triển, con người bận rộn ít có thời gian quan tâm đến nhau dần dần xa cách và trở nên vô cảm.

- Bản chất con người lạnh lùng trước nỗi đau của người khác.

- Ngoài ra học sinh có thể tự phân tích thêm những khía cạnh khác.

c. Chứng minh

- Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.

d. Phản đề

- Có nhiều người sống với tấm lòng nhân hậu, trái tim ấm áp, biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ người khác đáng để chúng ta học tập và noi theo.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Câu 2 (5đ): Dàn ý bài văn phân tích nhân vật bé Thu

1. Mở bài

- Giới thiệu nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà và nhân vật bé Thu.

2. Thân bài

a. Khái quát nhân vật bé Thu

- "một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài trước sân nhà" → cô bé đáng yêu, hồn nhiên, nhí nhảnh.

- Bé Thu phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm của cha: cha đi kháng chiến khi bé chưa đầy 1 tuổi, không thể nhớ được mặt của cha.

b. Hành động của bé Thu khi ông Sáu trở về

c. Sau khi sang nhà bà ngoại về

d. Sau khi ba đi

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Bình TâyĐể xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON