Sắp tới kì thi Tuyển sinh vào lớp 10, nhằm giúp các em học sinh lớp 9 ôn tập kiến thức và tiếp cận đề thi, HOC247 đã biên soạn và tổng hợp tài liệu Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Kim Đồng dưới đây. Mời các em cùng tham khảo!
TRƯỜNG THCS KIM ĐỒNG |
ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2022-2023 MÔN NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút |
ĐỀ THI SỐ 1
I. Đọc hiểu (4.0 điểm):
Đọc bài thơ sau:
Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,
Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.
Yêu con sông mặt sóng xao,
Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca.
Yêu hàng ớt đã ra hoa
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông.
Yêu sao tiếng mẹ ru nồng,
Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm.
(Ta yêu quê ta, Lê Anh Xuân)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Tìm hai từ láy tượng thanh có trong bài thơ.
Câu 3. Trong hai dòng thơ sau, cảnh vật quê ta hiện lên như thế nào?
Yêu từng bờ ruộng, lối mòn,
Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu.
Câu 4. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp điệp ngữ trong bài thơ.
Câu 5. Bài thơ đã đánh thức trong em tình cảm, suy nghĩ gì? Trình bày bằng một đoạn văn 5-7 câu.
II. Làm văn (6.0 điểm) Cảm nhận của em về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích sau:
Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó – buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên mái tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám – năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.
- Tôi sẽ mang về và trao tận tay cho cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9)
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1. Đoạn văn trên được viết theo thể thơ lục bát
Câu 2. Hai từ láy tượng thanh trong đoạn thơ: rì rào, lách cách.
Câu 3. Học sinh tự trình bày cảm nhận riêng của mình về cảnh vật được hiện lên qua hai dòng thơ. Chú ý lý giải.
Gợi ý:
- Cảnh vật hiện lên là những hình ảnh rất đỗi thân thuộc, gần gũi của làng quê Việt Nam. Đó là hình ảnh của bờ ruộng với những lối mòn, của hoa gạo, bãi dâu.
- Cảnh vật tạo cảm giác yên bình, nhẹ nhàng, khơi gợi cảm xúc người đọc về thời thơ ấu, đánh thức tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước của mỗi con người.
Câu 4. Hiệu quả của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên:
- Nhấn mạnh tình yêu thương của tác giả dành cho từng hình ảnh của quê hương mình dù đó là những hình ảnh bình dị nhất, đơn giản và mộc mạc nhất.
- Tạo nhịp điệu, gợi hình gợi tả cho tác phẩm
Câu 5. Học sinh thực hiện đúng yêu cầu của đề bài
Về hình thức: Một đoạn văn từ 5 đến 7 câu.
- Về nội dung: Học sinh trình bày cảm nhận, tình cảm, suy nghĩ của riêng mình.
Gợi ý:
+ Mở đoạn: Nêu vấn đề cần bàn luận – Tình yêu quê hương đối với những điều bình dị nhất.
+ Thân đoạn:
+ Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật và con người nơi ta được sinh ra và lớn lên
+Quê hương gắn liền với những cảnh vật quen thuộc, những điều tưởng chừng rất đơn giản và bình dị
+Yêu quê hương từ những điều bình dị nhất chính là trân trọng tất cả những điều ấy, bảo vệ, giữ gìn và làm đẹp nhưng thứ bình dị đó.
+ Tình yêu quê hương không nhất thiết đến từ những điều lớn lao phi thương mà đôi khi nó đến từ những tình yêu nhỏ bé, từ những cống hiến thầm lặng.
(Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp)
+ Kết đoạn: Khái quát vấn đề bàn luận, nêu cảm xúc của em.
II. LÀM VĂN
1. Mở bài
Giới thiệu về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm "Chiếc lược ngà":
+ Nguyễn Quang Sáng (1932), quê ở An Giang.
+ Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
+ Văn phong mộc mạc, đậm chất Nam Bộ.
+ Tác phẩm được sáng tác vào năm 1966, thời kì kháng chiến chống Mĩ
+ Chủ đề: tình cha con cảm động trong hoàn cảnh chiến tranh.
- Giới thiệu luận đề: Cảm nhận về hình ảnh ông Sáu khi ở chiến trường với tình cảm dành cho con mãnh liệt
2. Thân bài
a. Vị trí đoạn trích
Đoạn trích nằm ở phần gần cuối của tác phẩm khi nhân vật bác ba nhớ lại hình ảnh ông Sáu khi ở chiến trường với những tình cảm sâu sắc dành cho đứa con gái ở nhà.
b. Hình ảnh của ông Sáu được thể hiện trong đoạn trích.
Luôn cảm thấy ân hận, khổ tâm vì đã đánh con.
- Không quên lời hứa với con. Ông hiểu mơ ước ngây thơ của con. Cô bé muốn có 1 vật dụng để luôn nhớ về cha.
+ Dồn nỗi nhớ, tình yêu và sự day dứt vào việc làm chiếc lược ngà.
+ Ông tỉ mỉ cưa từng răng lược, cẩn thận khắc từng nét chữ “yêu nhớ tặng Thu con của ba”.
+ Lúc nhớ con, ông lấy cây lược ra ngắm nghía, mài lên mái tóc.
- Thậm chí, cái chết cũng không cướp đi được tình yêu thương con của ông Sáu.
+ Vết thương nặng trong một trận càn khiến ông kiệt sức, không trăng trối được điều gì nhưng ông vẫn dồn hết tàn lực móc cây lược trao cho đồng đội và gửi gắm đồng đội mình qua ánh mắt.
+ Cây lược ấy đã được trao lại cho bé Thu. Tình cha con đã không chết, nâng đỡ cô bé trưởng thành, vượt lên mọi đau thương mất mát.
->Ông Sáu là biểu tượng cho tình yêu thương, sự ân cần và che chở của người cha dành cho con mình. Qua đó ta thấy được sự bất tử của tình cảm cha con.
c. Đánh giá:
- Đoạn trích đã tái hiện thành công tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Từ đó, tác giả cho thấy sự tàn bạo của chiến tranh, những bi kịch cùng tình cảm gia định đẹp đẽ trong thời chiến.
+ Tình huống truyện bất ngờ, độc đáo, éo le
+ Phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc. + Lối kể chuyện tự nhiên, giàu cảm xúc.
+ Hình ảnh giản dị mà giàu sức gợi.
3. Kết bài
- Khẳng định lại hình ảnh của ông Sáu và ca ngợi tình cảm cha con đặc biệt là tình cảm của người cha được thể hiện thông qua đoạn trích.
- Nêu cảm nhận của bản thân.
ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:
Trật tự trong gia đình ong mật rất nghiêm ngặt, các thành viên được phân công rõ ràng, tất cả đều cần cù lao động. Có thể chia ra thành ong thợ, ông đực và ong chúa.
Ong thợ thường là giống cái, nhưng không thể sinh sản được. Số lượng ong thì nhiều nhất, những nhiệm vụ cũng nặng nề nhất. Chúng phải xây tổ, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa, lại còn phải chiến đấu với kẻ thù. Ông đực số lượng ít hơn, chuyên trách cùng với ong chúa sinh sôi phát triển đời sau. Ông chúa là giống cái, một đàn chỉ có một con, thân hình to gấp 2 – 3 lần ong thợ. Nó chủ yếu chịu trách nhiệm sinh đẻ và duy trì cuộc sống của cả đàn. Ong chúa có quyền lực tối cao, được hưởng thức ăn dồi dào và rất ít khi ra ngoài.
(Trích Bách khoa tri thức, Lưu Nghiên – Chủ biên)
Câu 1 (2,0 điểm).
a. Xác định phương thức biểu đạt chính
b. Chỉ ra biện pháp tu từ liệt kê và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ ấy trong câu văn sau: “Chúng phải xây tô, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa. lại còn phải chiến đấu với kẻ thù".
- Tìm thành phân biệt lập và gọi tên thành phần ấy trong câu văn sau: “Ong chúa là giống cái, một đàn chỉ có một con, thân hình to gấp 2 - 3 lần ong thợ”.
Câu 2 (0,5 điểm). Nêu nội dung chính của ngữ liệu trên.
Câu 3 (0,5 điểm). Em rút ra bài học kinh nghiệm gì cho bản thân từ ngữ liệu trên trên?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm).
Từ ngữ liệu phần đọc - hiểu, em viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về trật tự và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình.
Câu 2 (5,0 điểm).
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2).
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
a. Phương thức biểu đạt chính: thuyết minh.
b. Biện pháp tu từ liệt kế được sử dụng trong câu văn là: xây tổ, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa, chiến đấu với kẻ thù.
- Tác dụng của biện pháp liệt kê:
+ Về nội dung: Nhấn mạnh nhiệm vụ của ông thợ là rất nhiều và nặng nề. Từ đó làm nổi bật vai trò của ông thợ trong gia đình nhà ong.
+ Về nghệ thuật: Tạo nhịp điệu cho câu văn.
c. Thành phần biệt lập: một đàn chỉ có một con – thành phần phụ chú.
Câu 2: Nội dung chính của ngữ liệu trên là thành phần cấu tạo và nhiệm vụ của từng thành viên trong gia đình nhà ong.
Câu 3: Cách giải: Học sinh tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân mình và có kiến giải hợp lí.
Có thể tham khảo một số bài học sau:
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Hình thức: đoạn văn, dung lượng khoảng 200 chữ
* Nội dung: Cần đảm bảo triển khai các ý sau:
- Giải thích:
- Bàn luận:
+ Trật tự trong gia đình được duy trì khi các thành viên không chỉ yêu thương mà còn tôn trọng nhau theo thứ bậc, vai vế, tuổi tác. Biết tôn trọng như thế là cơ sở của tình đoàn kết. Khi có những biến cố, mọi thành viên biết bảo ban, giúp đỡ nhau vượt qua.
Dẫn chứng:
Học sinh sử dụng những dẫn chứng phù hợp.
- Phản đề:
+ Có những gia đình vô trật tự, không phép tắc.
+ Có những thành viên phá hoại trật tự gia đình, không có trách nhiệm với gia đình.
+ Trật tự và trách nhiệm với gia đình chỉ thật sự có ý nghĩa khi được xây dựng trên nền tảng yêu thương, sẽ chia, không phải là sự áp đặt, gò bó.
- Liên hệ bản thân: Em góp được điều gì vào việc xây dựng.
Câu 2:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh, tác phẩm Sang thu:
+ Là nhà thơ chiến sĩ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông từng cầm súng chiến đấu trong chiến trường miền Nam.
+ Sáng tác của ông cuốn hút người đọc nhờ cảm xúc tinh tế, ngòi bút giàu chất lãng mạn và lối viết giản dị, giàu sức gợi.
+ Sang thu được sáng tác vào năm 1977, được in lại nhiều lần trong các tập thơ mà gần đây nhất là tập “Từ chiến hào đến thành phố” – 1991.
- Khái quát nội dung: Những tín hiệu báo mùa thu về và quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu.
2. Thân bài
* Vị trí đoạn trích: Hai khổ thơ được trích từ phần đầu của tác phẩm.
a. Những tín hiệu báo mùa thu sang:
- Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:
+ “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cố lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thờ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ sum xuê hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.
+ “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.
+ “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.
-> Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.
- Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:
+ “Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh
+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.
-> Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.
b. Quang cảnh thiên nhiên ngả đần sang thu:
c. Đánh giá:
3. Kết bài:
Nêu khái quát nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
THỜI GIAN LÀ VÀNG
Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Phương Liên - Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục)
Câu 1. Theo tác giả, thời gian có những giá trị nào?
Câu 2. Xác định và nêu hiệu quả nghệ thuật của 01 biện pháp tu từ cú pháp trong văn bản?
Câu 3. Theo anh/chị, tại sao tác giả cho rằng: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được?
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?
Câu 5. Từ ý nghĩa được gợi ra từ văn bản, anh/chị tâm đắc nhất với giá trị thời gian nào?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn 200 chữ làm thế nào để không lãng phí thời gian
Câu 2. Cảm nhận của em về hai khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác – Viễn Phương
“Con ở miền Nam thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi ! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa xa đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
Câu 1: Theo tác giả, thời gian có những giá trị đó là: Thời gian là sự sống, thời gian là thắng lợi, thời gian là tiền bạc, thời gian là tri thức.
Câu 2:
- Biện pháp tu từ cú pháp trong văn bản là: Điệp cú pháp ( thời gian là…)
- Hiệu quả nghệ thuật là: Nhấn mạnh vào giá trị của thời gian đối với con người và cuộc sống.
Câu 3:
- Theo tác giả, thời gian là vàng vì thời gian quý như vàng
- Vàng mua được: vàng là thứ vật chất hữu hình, dù có đẹp, có giá trị đến đâu vẫn có thể trao đổi, mua bán được.
- Thời gian không mua được: thời gian là thứ vô hình không thể nắm bắt, đã đi là không trở lại.
Câu 4: Các em có thể trình quan điểm cá nhân, đưa ra lý lẽ giải thích hợp lý, và lưu ý nhấn mạnh vào giá trị và cách sử dụng quỹ thời gian của con người
Câu 5: Thông điệp " Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hồi tiếc cũng không kịp.". Thấy được giá trị và chúng ta nên biết cách sự dụng thời gian một cách hợp lý.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
I. Mở đoạn
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lãng phí thời gian là hiện tượng rất đáng b ngại trong đời sống.
II. Thân đoạn
a. Giải thích
- Lãng phí thời gian là hiện tượng, tình trạng con người thực hiện, tiến hành, tổ chức một công việc nào đó mà làm tốn kém, hao tốn một cách vô ch.
b. Phân tích
* Biểu hiện:
- Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, cơ hội... cho những trò chơi, những thú vui không lành mạnh như game, điện tử, truyện tranh bạo lực...
* Tác hại
- Thiệt hại về tiền bạc, công sức, không có thời để đầu tư cho những việc cần thiết...
* Biện pháp, những việc cần làm
c. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức:
Lãng phí là hiện tượng đáng phê phán vì nó gây hại cho cả cá nhân và xã hội.
- Hành động:
+ Thực hành tiết kiệm
+ Sử dụng thời gian hợp lí. Xác định mục đích sống, lí tưởng sống của bản thân để chuyên tâm theo đuổi khát vọng của mình.
III. Kết bài:
- Mỗi người chỉ sống một lần trong đời và tuổi trẻ cũng “chẳng hai lần thắm ạ”. Thời gian, tuổi trẻ, cơ hội không quay lại bao giờ. Do đó, lãng phí lớn nhất đối với người trẻ tuổi là lãng phí thời gian, tuổi trẻ, cơ hội.
Câu 2:
1. Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm
+ Viễn Phương - là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời chống Mỹ cứu nước.
+“Viếng lăng Bác”- bài thơ mng đậm chất trữ tình đã ghi lại tình cảm sâu lắng, thành kính của nhà thơ khi hòa vào dòng người viếng lăng Bác.
- Khái quát đoạn thơ: hai khổ thơ nằm ở phần đầu tác phẩm nói về cảm xúc của của tác giả khi đến thăm lăng.
2. Thân bài
a. Niềm xúc động nghẹn ngào khi đến thăm lăng Bác (khổ 1)
- “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”: nhân dân miền Nam xưng con với Bác vì Bác như một người cha nhân hậu hiền từ.
- Nhà thơ dùng từ “thăm”: nói giảm nói tránh để giảm nhẹ đi nỗi đau, mặc dù Bác đã đi xa nhưng trong tâm trí mỗi người Bác luôn sống mãi
- Từ láy “bát ngát” hiện lên trước mắt là một màu xanh ngút ngàn trải dài và lan ra quanh lăng.
- Hình ảnh hàng tre mang nghĩa thực là những khóm tre quanh lăng nhưng còn mang nghĩa ẩn dụ chỉ phẩm chất con người Việt Nam bất khuất kiên cường, ngay thẳng có tinh thần yêu thương, đùm bọc.
Tác giả đứng trước lăng bác với cảm xúc nghẹn ngào “ôi, xưng hô “con”...
b. Cảm xúc trước đoàn người vào lăng viếng Bác (khổ 2)
3. Kết bài
- Tổng kết những thành công về nội dung, nghệ thuật làm nên đoạn thơ
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)
Đọc kĩ đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Giữa năm 2015, bà Lê Thị Thảo, mẹ của Hòa, quyết định tặng thận…
[…] Tháng 3-2016, Hòa lên bàn mổ để tặng một quả thận cho một người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Người được nhận thận quê ở Hà Nam, đã bị suy thận nhiều năm và cần được ghép thận để tiếp tục được sống.
[…] Để tặng được quả thận, từ khi quyết định hiến tặng đến khi lên bàn mổ, bà Thảo đã phải hơn 10 lần một mình một xe máy từ Bắc Ninh ra bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để làm các xét nghiệm. Con gái bà Thảo cũng vậy, và cuối năm 2016 khi mẹ con bà được mời lên truyền hình để nói về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng, hai mẹ con lại chở nhau bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội rồi vội vã trở về ngay trong đêm… Nếu có ai hỏi về chuyện hiến thận đã qua, bà chỉ phẩy tay cười: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”
Và nhờ cái “bình thường” của mẹ con bà Thảo, giờ đây có thêm hai gia đình được hạnh phúc vì người thân của họ được khỏe mạnh trở lại. Ở Bắc Ninh, gia đình bà Thảo cũng đang rất vui vẻ. Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.
Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!
(Trích Hai mẹ con cùng hiến thận, Lan Anh, Báo Tuổi trẻ, ngày 31/5/2018)
Câu 1: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: (0.5 điểm) Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 3: (1.0 điểm) Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.
a. Xét về mặt cấu trúc, câu trên thuộc kiểu câu gì?
b. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu trên.
Câu 4: (1.0 điểm) Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!
a. Xác định thành phần biệt lập có trong câu trên.
b. Theo em, thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là gì?
II. LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)
Câu 1: (2.5 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ theo cách lập luận tổng – phân – hợp bàn về tâm niệm của Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Trong đó sử dụng ít nhất hai phép liên kết. (Gọi tên và xác định từ ngữ liên kết)
Câu 2: (4.5 điểm) Phân tích tình cảm của ông Sáu dành cho con gái qua đoạn trích sau đây:
[…] Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được ngà.
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi ly của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc… Mỗi ngày anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi… cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” … Những đêm nhớ con,… anh lấy cây lược ra ngắm nghía, rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không mảy xảy ra… Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.
- Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và khẽ nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(Trích Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập 1)
-----------------HẾT----------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4
I. Đọc hiểu
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Tự sự
Câu 2: Lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”
Câu 3:
a. Câu ghép
b. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên là biện pháp so sánh. Hai vết sẹo dài trên bụng hai mẹ con (bà Thảo và Hòa) được so sánh như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.
- Tác dụng của biện pháp so sánh:
+ Khẳng định giá trị của những vết thương mà hai mẹ con phải chịu đựng.
+ Hai vết sẹo ấy là bằng chứng sáng rõ nhất của tinh thần làm việc thiện, sẵn sàng cho đi một phần thân thể của mình mà không cần đáp lại.
⟹ Khẳng định tinh thần hiến dâng, biết sống vì người khác của hai mẹ con.
Câu 4:
a. Thành phần biệt lập trong câu văn trên là: Có lẽ - thành phần biệt lập tình thái.
b. Thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là niềm hạnh phúc của việc cho đi, của tinh thần sẻ chia, biết sống vì người khác, biết yêu thương với những số phận bất hạnh trong cuộc đời.
II. Làm văn
Câu 1:
* Yêu cầu về hình thức
- Đoạn văn 200 chữ, sử dụng phép lập luận tổng – phân – hợp.
- Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất hai phép liên kết (Gọi tên và xác định từ ngữ liên kết).
- Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu về nội dung:
Đoạn văn đảm bảo các nội dung chính sau:
- Giải thích: “tấm lòng” là những tình cảm tốt đẹp, đáng trân trọng ở con người. Trịnh Công Sơn muốn khẳng định sống trong đời sống, mỗi người cần có một tấm lòng biết quan tâm, yêu thương, biết dành những điều tốt đẹp cho người khác.
- Vì mỗi người chỉ được sống có một lần trong cuộc đời, và “người với người sống để yêu nhau” nên phải dành tất cả những gì tốt đẹp cho mọi người xung quanh thì mới làm cho cuộc sống đẹp hơn, đáng sống hơn.
- Biểu hiện của việc sống có tấm lòng:
- Bài học hành động và liên hệ bản thân: không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nuôi dưỡng tâm hồn, tấm lòng để biết sống vì người khác, biết cho đi.
Câu 2:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm “Chiếc lược ngà”.
- Giới thiệu cảm nghĩ khái quát về nhân vật ông Sáu.
- Giới thiệu về vấn đề nghị luận: Tình yêu của ông Sáu dành cho bé Thu, được thể hiện trong đoạn văn kể chuyện khi ông trở về khu căn cứ và làm cho con cây lược ngà.
2. Thân bài:
a. Khái quát
b. Tình cảm của ông Sáu dành cho con khi ông ở căn cứ kháng chiến.
- Kiếm được ngà voi, mặt ông “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Những lúc rỗi, ông “ngồi cưa từng chiếc răng lược, thận trọng tỉ mỉ và khổ công như người thợ bạc”. Trên sống lưng cây lược, ông đã tẩn mẩn khắc một dòng chữ nhỏ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Dòng chữ nhỏ mà chứa bao tình cảm lớn lao. Việc làm chiếc lược vừa là cách ông giải tỏa tâm trạng mong nhớ, ân hận vừa là cách gửi vào đó những yêu thương khao khát cháy bỏng dành cho đứa con gái yêu của mình. Chiếc lược ngà giờ đây đã trở thành một vật quí giá thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của của người cha đối với đứa con xa cách. Cây lược ấy chưa chải được mái tóc của con nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của ông. Những lúc nhớ con, ông “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng thêm mượt”. Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ trở thành một nghệ nhân - nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời. Ông gửi vào đó bao lời nhắn nhủ thiêng liêng, gửi vào đó bao nỗi nhớ mong con. Chiếc lược ngà là kết tinh tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà diệu kì, là hiện hữu của tình cha con bất hủ giữa ông Sáu và bé Thu. Tình thương ông dành cho con cháy bỏng, như một dòng sông chảy mãi từ suối nguồn, như dòng máu chảy sâu vào tim ông, vào tâm hồn ông đến phút cuối vẫn bùng cháy chẳng nguôi.
c. Nhận xét, đánh giá:
3. Kết bài:
- Khẳng định thành công của tác giả trong việc thể hiện tình phụ tử thiêng liêng.
- Khẳng định giá trị tác phẩm.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 5
Câu 1:
Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát cậu đụng phải một tảng đá lớn. Cậu loay hoay tìm cách đẩy nó ra. Dù đã dùng đủ mọi cách, cố hết sức, nhưng rốt cuộc, cậu vẫn không thể đẩy được tảng đá. Đã vậy, bàn tay cậu còn bị trầy xước, rớm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng. Ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện, người cha lúc này mới bước ra và nói: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của minh?” Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”. “Không con trai, con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”. Nó rồi người bố cúi xuống, cùng co, bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.
(Theo báo Tuổi trẻ - Bùi Xuân Lộc)
Viết một bài văn (khoảng 3 trang) trình bày suy nghĩ của em về những điều câu chuyện trên gợi ra.
Câu 2: “Càng từng trải chiến tranh, càng chứng kiến nhiều hơn sức mạnh hủy diệt, sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không tiêu diệt được cái gì hết. Tất cả vẫn còn lại đó, y nguyên”
(Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học 2006. Tr 279)
Từ những chiêm nghiệm trên, hãy nói về những điều “chiến tranh không tiêu diệt được” trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật và truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5
Câu 1. Phương pháp: HS vận dụng các phương pháp giải thích, phân tích, chứng minh để làm bài văn nghị luận xã hội.
Cách giải:
*Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một đoạn văn nghị luận xã hội.
- Đoạn văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
*Yêu cầu về nội dung:
1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
2. Giải thích vấn đề
- Giải thích nội dung, ý nghĩa câu chuyện và rút ra bài học.
- Cậu bé ban đầu tìm cách tự tháo gỡ khó khăn của chính mình => Bài học về sự tự lực, tự lập.
- Cậu bé đối diện với khó khăn, dù cố gắng hết sức vẫn thất bại, khóc và tuyệt vọng vì nghĩ rằng sức mạnh của con người chỉ nằm trong chính bản thân mình.
- Người cha với lời nói và hành động mang đến một thông điệp: sức mạnh của mỗi người là sức mạnh của bản thân và sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè. Biết tổng hợp sức mạnh từ những nguồn lực xung quanh sẽ đem đến thành công nhanh chóng hơn.
=> Bài học: Tự lực là cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết cũng khó thành công.
3. Bàn luận, mở rộng
4. Bài học nhận thức và hành động
Câu 2. Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
* Phạm Tiến Duật
Tác giả:
- Là nhà thơ khoác áo lính, một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ.
- Hình tượng trung tâm trong thơ ông là người lính và cô thanh niên xung phong.
- Nghệ thuật: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.
Tác phẩm: Viết năm 1969, được in trong “Vầng trăng quầng lửa”.
Đoạn trích: ba khổ thơ cuối bài đã thể hiện tình đồng đội keo sơn, gắn bó và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của những người lính.
* Lê Minh Khuê
- Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.
- Lê Minh Khuê thành công ở thể loại truyện ngắn:
+ Trong chiến tranh, hầu hết sáng tác tập trung viết về cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.
+ Sau 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
- Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.
- Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.
2. Giải thích
“Càng từng trải chiến tranh, càng chứng kiến nhiều hơn sức mạnh hủy diệt, sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không tiêu diệt được cái gì hết. Tất cả vẫn còn lại đó, y nguyên”
=> Chiến tranh với những thứ vũ khí có sức tàn phá lớn, nó hủy diệt mọi thứ mà thực tế lại không hủy diệt được gì, đó là: đau thương, mất mát và hơn cả nó không thể hủy diệt sự dũng cảm, lòng yêu nước của thế hệ trẻ
3. Chứng minh
3.1 Không tiêu diệt được sự sôi nổi, trẻ trung, nhiệt huyết của tuổi trẻ
a. Bài thơ về tiểu đội xe không kính
- Tinh thần lạc quan, sôi nổi, tinh nghịch, trẻ trung:
+ Giọng thơ tếu nhộn, hài hước: “Không có”, “ừ thì có”.
+ Hiện thực: gió, bụi, mưa vốn khắc nghiệt bỗng mờ đi dưới sắc thái tươi vui, hóm hỉnh.
+ Cái nhìn lạc quan: mưa ngừng, miệng cười ha ha, trời xanh thêm.
- Tâm hồn lãng mạn:
+ Cảm nhận thiên nhiên như một người bạn nồng hậu, phóng khoáng: sao trời, cánh chim.
+ Như nhìn thấy “trời xanh thêm” phía cuối con đường. Họ lái chiếc xe không kính đến một chân trời đẹp đẽ.
b. Những ngôi sao xa xôi
- Họ là ba cô gái trẻ có nội tâm phong phú. Ở họ có những nét chung của cô gái hay mơ mộng, dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn.
- Họ cũng rất nữ tính, thích làm đẹp dù ở chiến trường khói lửa. Nho thích thêu thùa, Thao chăm chép bài hát, Phương Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ màng và thích hát.
- Cuộc sống ở chiến trường rất khó khăn nhưng họ vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan, yêu đời. Trong hang vẫn vang lên tiếng hát của ba cô gái và những dự định về tương lai. Chiến tranh bom đạn không thể phá đi được những giây phút mơ mộng ấy. Đó còn là thời gian để nhớ về gia đình, về những kỉ niệm, là niềm vui của Nho và Phương Định khi thấy những cơn mưa đá.
3.2 Không tiêu diệt được tình đồng đội gắn bó khăng khít
a. Bài thơ về tiểu đội xe không kính
- Tình đồng đội sâu nặng:
+ Cử chỉ đơn sơ: “bắt tay” nhưng người lính lái xe Trường Sơn đã chia sẻ cho nhau niềm tự hào, kiêu hãnh, đã bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc, là lời động viên thầm lặng mà nồng nhiệt.
+ Sự gắn bó, đầm ấm, thân thương như trong một gia đình -> Đây là những khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời người lính. Họ được quây quần bên nồi cơm nấu vội, được sống với những tình cảm êm đềm, ấm áp nhất -> Bữa cơm thời chiến đã xóa mọi khoảng cách giữa họ, khiến họ có cảm giác gần gũi như ruột thịt.
b. Những ngôi sao xa xôi
- Tình đồng đội keo sơn, gắn bó:
+ Tình cảm ấy nằm trong sự chân thành, dứt khoát khi ai cũng muốn giành phần nguy hiểm, gian khổ về mình. Phương Định lo lắng, bồn chồn khi chờ Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm với nỗi lo lắng hai bạn không về.
+ Tình cảm ấy nằm trong sự lo lắng, cử chỉ chăm sóc khi Nho bị thương, Phương Định tận tình cứu chữa, chị Thao luống cuống không cầm được nước mắt.
+ Tình cảm ấy còn được thể hiện trong sự nể phục, kính trọng những chiến sĩ mà họ gặp trên đường.
3.3 Không tiêu diệt được lòng dũng cảm, sẵn sàng hi sinh và lòng yêu nước nồng nàn
a. Bài thơ về tiểu đội xe không kính
b. Những ngôi sao xa xôi
3. Tổng kết, đánh giá
- Cả hai tác phẩm đã tái hiện chân thực cuộc sống đầy khó khăn nơi chiến trường, nhưng đồng thời làm ánh lên vẻ đẹp phẩm chất ngời sáng đó là lòng dũng cảm, tình đồng đội keo sơn và lòng yêu nước nồng nàn. Những tình cảm đẹp đẽ đó, bom đạn chiến tranh mãi mãi không thể xóa nhòa, vui lấp.
- Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Kim Đồng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.