YOMEDIA

Bàn luận về hậu quả của chất độc màu da cam

Tải về
 
NONE

Chất độc màu da cam để lại cho con người những đau khổ và mất mát không thể lấy gì bù đắp được, nhằm giúp các em có sự đồng cảm với những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Bàn luận về hậu quả của chất độc màu da cam dưới đây. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về lòng bao dung.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài: Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam:

- Giới thiệu, dẫn dắt người đọc về hiện tượng chất độc màu da cam.

- Nêu suy nghĩ cụ thể của em.

b. Thân bài:

* Nỗi đau của những người trong cuộc:

- Sự đau đớn về thể xác và tinh thần của các nạn nhân chất độc màu da cam, nhất là các em nhỏ được sinh ra khi bố hoặc mẹ bị nhiễm chất độc màu da cam.

- Chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng nó vẫn còn để lại những hậu quả rất đau lòng, nhất là đối với cha mẹ các nạn nhân.

- Sự khó khăn về kinh tế cũng ngày càng hành hạ họ.

* Thái độ của chúng ta:

- Lên án kẻ thù đã gây ra những hậu quả to lớn cho con người, tổ quốc ta. Đó chính là đế quốc Mĩ.

- Phê phán thái độ thờ ơ của mọi người, nhất là khi chúng ta mang ơn cha mẹ các nạn nhân đó đã không quản ngại hi sinh để có nền độc lập cho chúng ta hưởng thụ như ngày nay.

* Những kiến nghị cụ thể:

- Cần có biện pháp cụ thể từ phía nhà nước để có chế độ hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân.

- Mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm lập ra các quỹ giúp nạn nhân chất độc da cam; các quỹ, hội cần có các hoạt động đấu tranh đòi quyền lợi cho những nạn nhân…

c. Kết bài:

- Đất nước ta không thể nào bình yên khi hàng ngày, hàng giờ vẫn có những con người bị ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh để lại, khi mà những thảm họa chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Cần có suy nghĩ và việc làm cụ thể của bản thân để giúp ích cho xã hội trong việc phát triển đất nước và tăng cường các hoạt động tình nguyện để giúp ích cho các nạn nhân chất độc da cam.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em có suy nghĩ gì về chất độc màu da cam.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, và hiện tại dân tộc Việt Nam đang sống trong bầu trời xanh của sự hòa bình, tự do nhưng những vết thương và hậu quả tàn khốc do chiến tranh gây ra vẫn còn tồn tại trong thực tiễn cuộc sống và trong tiềm thức của mỗi người. Một trong những ám ảnh thể hiện rõ điều này là nỗi đau mang tên "chất độc màu da cam".

Tên gọi chất độc màu da cam gắn liền với sự kiện lịch sử hết sức tàn khốc trong giai đoạn những năm từ 1961 đến năm 1971. Với thành phần chính là đi- ô- xin, chất độc màu da cam được xếp vào chất độc thuộc nhóm nguy hiểm ở cấp độ 1. Vậy mà, để thỏa mãn khát vọng bành trướng và mở rộng thuộc địa lúc bấy giờ, đế quốc Mĩ đã không ngần ngại sử dụng hóa chất độc hại này với mục đích tàn phá căn cứ địa, các tuyến đường giao thông huyết mạch của dân tộc ta. Để rồi cuối cùng, hậu quả mà nó gây ra không chỉ dừng lại ở việc cướp đi mạng sống của hơn 400.000 người, phá hoại những cánh rừng trù phú, biến những mảnh đất màu mỡ trở thành miền đất của tử thần mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của hàng triệu con người khác. Mặc dù đã hơn nửa thế kỉ trôi qua kể từ khi 80 triệu lít chất độc màu da cam được rải xuống miền Nam nước ta nhưng hậu quả của nó vẫn đeo bám đến những thế hệ sau đó, và rồi hàng triệu con người Việt Nam đã phải sinh ra với hình hài tật nguyền và không trọn vẹn. Cuộc đời của họ không chỉ trải qua những nỗi đau, mất mát về thể xác mà còn phải mang trong mình những ám ảnh tinh thần. Với đặc tính di truyền, những con số về những trẻ em được sinh ra do ảnh hưởng của chất độc màu da cam vẫn chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục có dấu hiệu gia tăng từng ngày, từng giờ. Chào đời trong hình hài dị dạng, những nạn nhân của chất độc màu da cam phải sống trong những mặc cảm cùng sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. 

Chất độc màu da cam đã để lại di họa nặng nề, khủng khiếp cho hàng chục vạn gia đình. Hàng vạn người đã chết, không ít trẻ em ra đời sau chiến tranh đã trở thành nạn nhân của nó. Vấn đề này đang là thời sự nóng hổi được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Phong trào Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang lan rộng khắp nơi, được nhiều người tham gia, ủng hộ.

Khi xem phim ảnh chiếu trên truyền hình và được tiếp xúc với các bạn nhỏ ở làng Hòa Bình trong bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh, em thật sự xúc động và có cảm giác là trái tim như bị một bàn tay vô hình bóp thắt.

Tội ác của giặc Mĩ, di hại của chất độc màu da cam hiển hiện rõ ràng trên những con người tật nguyền, dị dạng. Có bé không chân, có bé không tay, có bé toàn thân đầy lông lá,… nhiều bé chân tay vặn vẹo, không thể đi lại, một số ít may mắn có được hình dáng bình thường thì lại câm điếc hoặc bị bại não… Số phận bất hạnh sẽ đeo bám các em suốt đời. Thử hỏi có ai không động lòng thương trước những bé thơ vô tội ấy?

Nỗi đau mang tên chất độc màu da cam được gây ra bởi chính lòng tham và tham vọng vô nhân đạo của con người. Với dã tâm bành trướng và thâu tóm, xâm chiếm nước ta, đế quốc Mĩ không ngần ngại sử dụng chất độc này để thực hiện phương châm càn quét "giết nhầm còn hơn bỏ sót" và để lại những vết thương không bao giờ lành khi nói đến hậu họa do chiến tranh phi nghĩa để lại.

Trước những mất mát, đau thương mà những nạn nhân phải gánh chịu, những con người Việt Nam đã mở rộng tấm lòng để đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau của họ. Thực tế đã chứng minh rằng, có rất nhiều phong trào quyên góp, ủng hộ quỹ vì nạn nhân chất độc màu da cam vẫn diễn ra thường xuyên và rộng khắp. Cuộc đấu tranh để đòi quyền lợi cùng bồi thường cho các nạn nhân cũng diễn ra sôi nổi. Ngày "Vì nạn nhân chất độc màu da cam" được thành lập vào ngày 10 tháng 8 hằng năm dựa trên mốc thời gian 10- 8- 1961 - ngày đánh dấu việc quân đội Mĩ rải chất độc màu da cam xuống nước ta. Đồng thời, những công ty tham gia và sản xuất, cung cấp chất độc nguy hại này cho quân đội Mĩ vẫn đang hứng chịu làn sóng chỉ trích, lên án mạnh mẽ của dư luận. Những hành động, việc làm thấm đẫm tinh thần nhân đạo và ngời sáng tinh thần nhân văn trên đã thể hiện rõ sự đồng cảm, sẻ chia và tình yêu thương luôn lan tỏa trong mối quan hệ giữa những con người cùng mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Thời gian luôn được xem là liều thuốc hữu hiệu có tác dụng chữa lành mọi vết thương. Nhưng đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, vết thương mang tên chất độc màu da cam vẫn còn đó và những nạn nhân của nỗi đau này vẫn phải hứng chịu những bất hạnh và khổ đau. Bởi vậy, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trên con đường đấu tranh đòi lại công lí để làm vơi bớt sự đau thương mà các nạn nhân phải trải qua.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nhà văn hào Victor Hugo từng nói: "Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác". Quả thực, chiến tranh đã qua đi hơn nửa thập kỷ nhưng những tội ác mà nó để lại vẫn luôn còn hiện hữu trong đời sống con người, không ngoại trừ những con người Việt Nam. Chất độc màu da cam là một trong những tội ác kinh hoàng mà chiến tranh để lại cho người dân Việt, để lại hậu quả nặng nề cho những nạn nhân.

Vậy: "chất độc màu da cam là gì?" Chất độc màu da cam là loại thuốc diệt cỏ cực mạnh được Mỹ sản xuất, sử dụng để mục đích tàn phá các cánh rừng Trường Sơn để làm lộ con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa và căn cứ của ta. Chất độc này phá hoại mùa màng của ta trong chiến tranh chống Mỹ. Thành phần chính của chất độc là điôxin. Những nạn nhân của chất độc màu da cam gồm lính Mỹ và đồng minh, người dân thường, quân dân Việt Nam nhiễm phải chất độc qua đường hô hấp. Hiện nay hiện có năm triệu người là nạn nhân của chất độc này nhưng phần lớn đều là người Việt Nam.

Về thực trạng Việt Nam có hơn bốn triệu nạn nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo đều là do hậu quả của chất độc màu da cam như ung thư, phụ nữ đẻ non hoặc sinh con bị quái thai như sứt môi, hở hàm ếch, thiếu chân tay, tâm thần, bại liệt hay dị dạng,…Đã có trường hợp trong một gia đình có từ 3 – 5 người con bị nhiễm độc. Họ đang đòi công lý trong cuộc đấu tranh nhọc nhằn giai dẳng và Mỹ chưa chịu đền bù khi khiến hàng chục vạn người chết. Hàng vạn trẻ em chịu tật nguyền suốt đời.

Nguyên nhân nào dẫn đến thảm hoạ ấy? Chính là do sự vô nhân đạo của giới cầm quyền ở một đất nước đã từng tuyên bố về quyền con người trước toàn thế giới. Để thực hiện âm mưu xâm lược của mình, đế quốc Mỹ đã không từ một thủ đoạn nào kể cả việc vi phạm quyền làm người của những trẻ thơ vô tội. Những bọc nước, cục thịt, quái thai hoặc những sinh thể điên dại, vô tri vô giác do chất độc màu da cam không chỉ khiến cho gia đình đau đớn về tinh thần, khốn khổ về vật chất mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội… Những vết thương không mảnh đạn mà đeo bám dai dẳng mãi mãi không lành. Đó chính là tội ác tày trời mà chiến tranh đã gây ra.

Trước tình hình đó nhiều chương trình ủng hộ những nạn nhân chất độc màu da cam đã được tổ chức. Biết bao người đã khóc thương cho những số phận bất hạnh, biết bao chữ ký đã được thu thập để ủng hộ cuộc đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh. Ngày đầu tiên Mỹ rải chất độc chết người này xuống Việt Nam: 10-8-1961 đã trở thành ngày “Vì nạn nhân chất độc màu da cam”. Cả nước Việt Nam đã lập quỹ giúp đỡ các nạn nhân khốn khổ. Đó là việc làm cần thiết để giúp đỡ họ phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau. Nhiều em bé tật nguyền, côi cút đã được chăm sóc, nhiều tổ chức chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân đã xây dựng nhà tình nghĩa, tặng xe lăn, tiền, quà, thăm hỏi và giúp đỡ các nạn nhân. Nhiều nhóm tình nguyện viên được thành lập để làm việc tại các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam… Dẫu biết rằng tất cả những giúp đỡ đó không thể bù đắp được những mất mát đau đớn của họ song đó thực sự là hành động đền ơn đáp nghĩa, phù hợp với truyền thống “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta.

Trước tình hình đó nhiều chương trình ủng hộ những nạn nhân chất độc màu da cam đã được tổ chức. Biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, khóc thương cho những số phận bất hạnh, biết bao chữ ký đã được thu thập để ủng hộ cuộc đấu tranh bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh. Ngày đầu tiên, quân đội Mỹ cho rải chất độc hóa học chết người này xuống Việt Nam là 10/8/1961. Và ngày nay, ngày này hàng năm đã trở thành ngày “Vì nạn nhân chất độc màu da cam”. Trên cả nước Việt Nam, rất nhiều nơi đã lập qũy hội để nhằm kêu gọi toàn thể xã hội cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân vượt qua cảnh khốn khổ. Đó là việc làm cần thiết để giúp đỡ họ phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau. Nhiều em bé tật nguyền, côi cút đã được chăm sóc, nhiều tổ chức chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân đã xây dựng nhà tình nghĩa, tặng xe lăn, tiền, quà, thăm hỏi và giúp đỡ các nạn nhân. Nhiều nhóm tình nguyện viên được thành lập để cùng các y, bác sỹ làm việc tại các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam để giúp ích cho họ vượt qua những khó khăn thường ngày… Dầu biết rằng tất cả những giúp đỡ đó không thể bù đắp được những mất mát, đau đớn của họ song đó thực sự là hành động đền ơn đáp nghĩa, phù hợp với truyền thống "tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn” của dân Việt Nam ta.

Việt Nam đã cố gắng để xoa dịu nỗi đau chiến tranh, song “ơn phải trả, oán phải đền”, Chính phủ Mĩ cùng các công ty sản xuất hoá chất đã cung cấp chất độc này cho quân đội Mĩ trong những năm tháng chiến tranh để giải xuống từng tấc đất của Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm về sự vô nhân đạo của mình .

Qua nghị luận xã hội về chất độc màu da cam em nhận thấy nỗi đau của những nạn nhân da cam là một nỗi ám ảnh dai dẳng, việc giúp họ cần phải làm thường xuyên và liên tục. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc về vấn đề này, tích cực học tập, phấn đấu xây dựng xã hội một tốt đẹp mà ở đó mọi người đều được đảm bảo quyền sống và quyền hạnh phúc của mỗi con người.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF