Trong đoạn trích "Thúy Kiều báo ân báo oán" Hoạn Thư là nhân vật được Nguyễn Du nhắc đến khá nhiều. Nhân vật này đáng thương hay đáng trách? Mời các em cùng tham khảo tài liệu Phân tích nhân vật Hoạn Thư trong đoạn trích Kiều báo ân báo oán dưới đây để hiểu rõ về nhân vật này! Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
- Giới thiệu sơ lược tác giả, đoạn trích
- Giới thiệu khái quát nhân vật Hoạn Thư: Nguyễn Du đã phác họa rất thành công bộ mặt khôn ngoan, lời nói giảo hoạt của Hoạn Thư trong đoạn trích này.
2.2. Thân bài
Phân tích nhân vật Hoạn Thư qua từng lần xuất hiện và hình tượng nhân vật được tạo dựng
* Luận điểm 1: Hoạn Thư là một người nham hiểm, lắm mưu nhiều kế
- Hoạn Thư hiện lên trước hết là một con người khôn ngoan, giảo hoạt:
+ Trước lời nói và thái độ của Kiều, phút giây đầu Hoạn Thư có “hồn lạc, phách xiêu”.
+ Giây lát sau Hoạn Thư đã kịp trấn tĩnh và “liệu điều kêu ca”.
=> Lời “kêu ca” của Hoạn Thư (thực chất là cách lí giải để gỡ tội) càng bộc lộ rõ tính cách khôn ngoan giảo hoạt.
* Luận điểm 2: Hoạn Thư là một người thông minh, lanh lợi và mưu trí
- Hoạn Thư nhanh trí kể lại “thịnh tình” của mình đã cho Kiều ra viết kinh ở Quan Âm Các và không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn.
- Cuối cùng Hoạn Thư nhận tất cả tội lỗi về mình, chỉ còn biết trông cậy vào tấm lòng khoan dung độ lượng rộng lớn như trời biển của Kiều: “Còn nhờ lượng bế thương bài nào chăng”.
=> Qua cách lí giải để gỡ tội, có thể thấy Hoạn Thư “sâu sắc nước đời” đến mức “quỷ quái tinh ma”.
* Luận điểm 3: Hoạn Thư cũng là nạn nhân của chế độ phong kiến thối nát
- Hoạn Thư dựa vào tâm lí thường tình của người phụ nữ để gỡ tội “Rằng tôi chút phận đàn bà - Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.
-> Lí lẽ này đã xóa đi sự đối lập giữa Kiều và Hoạn Thư, đưa Hoạn Thư từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung “chút phận đàn bà”. Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung của giới nữ: “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”.
=> Từ tội nhân, Hoạn Thư đã biện bạch để mình trở thành nạn nhân của chế độ đa thê.
2.3. Kết bài
- Ý nghĩa việc xây dựng hình tượng nhân vật Hoạn Thư: Qua nhân vật Hoạn Thư, ta thấy tác giả Nguyễn Du đã thể hiện sự đồng cảm và nhân đạo đối với nhân vật này.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích nhân vật Hoạn Thư trong Kiều báo ân báo oán
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Khi nhắc tới Hoạn Thư, chúng ta không chỉ biết đến là danh từ riêng nữa mà nó là một chỉ dấu để nói lên những người phụ nữ ghen tuông trong chuyện tình ái đày sóng gió. Trong đoạn trích "Thúy Kiều báo ân báo oán" đã làm bật lên được tính cách của nhân vật mà người ta còn nhắc tới nhiều hơn cả Thúy Kiều.
Hoạn Thư là con gái của Thượng Thư bộ lại vào thời Minh triều thời đó, tương đương với chức Thủ tướng bây giờ, là người có quyền sắp xếp mọi công việc trong triều đình. Khi mụ ta lấy Thúc Sinh một người đàn ông có địa vị và tài sản thua xa so Hoạn Thư, yếu thế hơn thì dĩ nhiên là thế lực của Hoạn Thư mạnh hơn Thúy Kiều rất nhiều.
Và thật lạ lùng thay, hầu như ai cũng biết đến cái tên Hoạn Thư dù đã đọc hay chưa đọc truyện Kiều bởi nó trở thành một "đại danh từ" biểu tượng cho sự ghen tuông tàn độc của người đàn bà.
Nếu như so sánh cái ghen của Hoạn Thư đối với thời đại ngày nay thì Hoạn Thư còn hiền so với cách đánh ghen của chị em phụ nữ bây giờ, bởi vì Hoạn Thư là một người có ăn có học, bà ta đánh ghen đều có tinh toán, sắp xếp đâu ra đấy hết, chứng tỏ bà là một người thông minh, xảo quyết. Thể hiện qua những cái lời nói đối đáp với Kiều, để đủ hiểu bà ta là người không phải nông cạn. Hoạn Thư đánh ghen phải để trả thù Thúy Kiều, chà đạp lên cái nhân phẩm của người con gái đó, mà bà ta làm như thế đề trả thù Thúc Sinh. Trong truyện tác giả cũng có nhắc tới việc Hoạn Thư đã mở cửa cho Thúc Sinh đưa Kiều về ra mắt nhưng Thúc Sinh sợ lại không dám đưa nàng về. Hoạn Thư là một con người có hiểu biết, có trí tuệ và cách trả thù với người chồng bạc nghĩa không nông nổi, hồ đồ.
Trong đoạn trích này tác giả nói về sự trả thù của Thúy Kiều, theo nguyên tác thì sự trả thù của Thanh Tâm tài nhân là vô cùng độc ác, nhưng sau khi được Nguyễn Du dùng cái tâm và văn hóa của người Việt để làm cho sự trả thù của Thúy Kiều trở nên nhân văn, nhân bản phù hợp với phong tục tập quán và văn hóa của đất nước ta. Để hiểu hơn về tính cách của Hoạn Thư thì ta cần tìm hiểu qua đoạn Thúy Kiều đối đáp với Hoạn Thư trong cảnh báo oán.
Sau khi đã báo đáp ân nghĩa cho Thúc Sinh đã cứu mình khỏi cảnh lầu xanh, cảnh tì thiếp là cảnh Thúy Kiều cho gọi Hoạn Thư vào để báo oán. Khi mời Hoạn Thư lên công đường thấy bà ta Thúy Kiều đã lập tức chào hỏi.
Ban đầu, trước những lời nói và thái độ của Thúy Kiều, Hoạn Thư như "hồn lạc, phách xiêu", nhưng với bản chất khôn ngoan của mình Hoạn Thư đã nhanh chóng trấn tĩnh lại để "liệu điều kêu ca". Những điều Hoạn Thư "kêu ca" thực chất là lí lẽ để Hoạn Thư tự gỡ tội cho mình hay nói đúng hơn là đang tự biên minh cho mình:
Trước hết, Hoạn Thư đã đưa ra tâm lí thường tình của phụ nữ:
"Rằng: "Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình."
Với lí lẽ này, sự đối lập giữa Thúy Kiều và Hoạn Thư đã bị xóa bỏ. Hoạn Thư khôn khéo đưa Kiều từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung "chút phận đàn bà". Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung của giới nữ: "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai". Từ "tội nhân", Hoạn Thư đã lập luận để mình trở thành "nạn nhân" của chế độ đa thê.
Sau đó, Hoạn Thư kể lại "công" của mình đối với Kiều:
"Nghĩ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo."
Hai câu thơ nhắc lại việc Hoạn Thư cho Thúy Kiều ra viết kinh ở gác Quan Âm, và không bắt giữ khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn. Từ tội nhân thành nạn nhân rồi thành "ân nhân",con người này thật khôn ngoan, giảo hoạt.
Sau khi đã cố biện minh cho tội lỗi của mình, Hoạn Thư đã cố gắng lôi kéo Thúy Kiều về phía của mình và trông chờ vào sự khoan dung, độ lượng của nàng để được Thúy Kiều tha cho. Biết được điểm yếu và bản chất hiền lành, lương thiện, thương người của nàng, Hoạn Thư đã:
"Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng."
Qua sự đối đáp, biện hộ của mình trước Thúy Kiều, biến mình từ thế bị động sang chủ động đã cho thấy Hoạn Thư là một người tinh ma xảo trá như thế nào và đặc biệt bà ta là một người "sâu sắc nước đời", hiểu các thể loại người để đối phó và tìm cách lươn lẹo.
Lời lẽ của Hoạn Thư thật có lí có tình, Kiều phải buộc miệng khen:
"Khen cho: Thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời."
Vì là người hiền từ, nhân hậu dù đã bị Hoạn Thư hại cho ra nông nỗi này nhưng trước lời lẽ của bà ta, Thúy Kiều có đôi chút băn khoăn, không biết nên trả thù nữa hay không hay là tha thứ cho mụ ta.
"Tha ra, thì cũng may đời,
Làm ra, thì cũng ra người nhỏ nhen."
Dân gian có câu: "Đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Hoạn Thư đã biết lỗi, Kiều cũng độ lượng thứ tha, dù rằng bà ta đã gây cho nàng biết bao nhiêu vết thương, nhưng đứng trên phương diện của một người đàn bà bị người chồng của mình bội bạc như thế thì ai cũng hành xử như Hoạn Thư mà thôi.
Qua đoạn trích nói riêng và cả truyện Kiều nói chung, ta thấy Hoạn Thư là một con người có ăn có học, nó thể hiện qua cái cách đánh ghen và những lời đối đáp có lý có tình với Kiều, nhưng vì tình yêu, vì sự bội bạc của người chồng nhu nhược, nhút nhát đã khiến cho cả hai người đàn bà của anh ta đều đau khổ.
"Hỏi thế giời tình ái là chi
Mà lứa đôi thề nguyền sống chết"
3.2. Bài văn mẫu số 2
Trước lời nói, thái độ của Kiều, lúc đầu Hoạn Thư cũng hồn lạc, phách xiêu nhưng vẫn kịp liệu điều kêu ca. Đây quả là con người khôn ngoan, giảo hoạt.
Trước hết Hoạn Thư dựa vào tâm lí thường tình của người phụ nữ để gỡ tội:
Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Lí lẽ này đã xóa đi sự đối lập giữa Kiều và Hoạn Thư, đưa Kiều từ vị thế đối lập trở thành người đồng cảnh, cùng chung chút phận đàn bà. Nếu Hoạn Thư có tội thì cũng là do tâm lí chung cùa nữ giới:
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Đã là phụ nữ thì không mấy ai dễ dàng chấp nhận chia sẻ chồng mình cho người khác và Hoạn Thư cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Từ tội nhân, Hoạn Thư đã biện bạch để mình trở thành nạn nhân của chế độ đa thê.
Tiếp đến nàng ta kể công với Kiều:
Nghĩ cho khi gác viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Hoạn Thư đã khéo léo gợi lại chút ân tình ngày xưa: một là đã cho Kiều xuống Quan Âm Các giữ chùa chép kinh, không bắt làm thị tì nữa; hai là, khi Kiều bỏ trốn mang theo chuông vàng khánh bạc, đã bỏ qua không đuổi theo. Cách nói này rất khéo, chỉ gợi sự thật và chuyện cũ ra, chỉ người trong cuộc mới biết. Nghĩ cho là nhớ lại cho, suy nghĩ lại cho.
Cuối cùng Hoạn Thư nhận tất cả lỗi về mình, chỉ còn biết trông cậy vào tấm lòng khoan dung, độ lượng lớn rộng như trời biển của Kiều:
Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.
Tuy chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai nhưng trong thâm tâm, Hoạn Thư luôn kính yêu Thúy Kiều. Hoạn Thư tự nhận tội gây việc chông gai và xin Thúy Kiều rộng lượng. Qua các lí lẽ gỡ tội, có thể thấy Hoạn Thư là người sâu sắc nước đời đến quỷ quái tinh ma.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------