YOMEDIA

Đóng vai ngư dân kể lại bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Tải về
 
NONE

Đoàn thuyền đánh cá là bài thơ khắc họa cảnh thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp ở vùng biển làng chài, đồng thời còn là niềm tin của Huy Cận vào một xã hội mới. Nhằm giúp các em có thêm kiến thức về văn bản đồng thời rèn luyện cách kể lại văn bản dưới góc nhìn nhân vật sáng tạo, HOC247 biên soạn và tổng hợp tài liệu Đóng vai ngư dân kể lại bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận dưới đây. Hi vọng tài liệu sẽ bổ ích cho quá trình viết văn của các em.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

Đóng vai ngư dân, giới thiệu về bản thân (nơi ở, nghề nghiệp)

2.2. Thân bài

- Kể lại cảnh lên đường, tâm trạng náo nức của đoàn thuyền đánh cá chuẩn bị ra khơi:

+ Hoàng hôn buông xuống là lúc đoàn thuyền ra khơi.

+ Những người ngư dân mang tâm trạng náo nức, hân hoan để bắt đầu công việc đánh bắt quen thuộc của mình.

- Kể lại quá trình, hoạt động đánh cá của đoàn thuyền giữa biển trời vào ban đêm:

+ Thuyền ra khơi có gió làm lái, trăng làm buồm.

+ Câu hát gọi cá vang lên làm cho không khí lao động thêm hăng say, vui vẻ.

+ Biển khơi bao la như lòng mẹ, ban tặng cho con người nhiều loài cá, nuôi sống biết bao thế hệ.

- Kể lại sự trở về của đoàn thuyền đánh cá trong buổi bình minh:

+ Lúc sao mờ, đêm sắp tàn cũng là lúc kéo lưới lên cho kịp trời sáng.

+ Chùm cá nặng kéo xoăn tay, công việc tuy nặng nhọc vất vả nhưng đó là công việc mưu sinh, niềm vui trong lao động.

+ Bình minh lên là lúc đoàn thuyền trở về, chuyến ra khơi đã bội thu và bình an, khoang nặng cá đầy vẫn lướt băng băng như chạy đua cùng mặt trời.

2.3. Kết bài

Cảm nghĩ của ngư dân về không khí lao động hăng say, phấn khởi của một đoàn thuyền đánh cá.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Đóng vai ngư dân kể lại bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nói về cuộc sống mới khiến tôi lại nhớ về năm 1958, 10 năm sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Thời điểm đó, nhân dân ta bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng xã hội mới, những ngư dân như chúng tôi cũng quay trở về với biển, bám biển để nuôi sống bản thân, gia đình và làm giàu cho quê hương, đất nước.

Một ngày như bao ngày khác, tôi cùng anh em trai tráng khỏe mạnh lên con thuyền ra khơi vào lúc trời nhá nhem tối. Khi mặt trời xuống biển, không gian bước vào màn đêm cũng là lúc khởi đầu chuyến ra khơi của đoàn thuyền. Thuyền tôi ra khơi mạnh mẽ như một con chiến mã, thuyền có gió làm lái, có trăng làm buồn, cứ băng ra biển, xé tan màn đêm. Biển Đông giàu có với rất nhiều loài cá quý, nào là cá bạc, cá thu đang lấp lánh giữa biển trăng, là cá nhụ, cá chim, cá đé. Anh em ngư dân chúng tôi ra khơi với tâm thế vô cùng hứng khởi, lòng phơi phới niềm tin về một chuyến đi bội thu. Không còn là nô lệ chịu áp bức, được tự do làm chủ công việc khiến ai cũng hăng say lao động chẳng màng mệt nhọc, vất vả. Để xua tan những nỗi lo trước biển lớn, những nặng nhọc đêm dài đánh cá, chúng tôi ngân nga những câu hát, đó như là bài ca lao động đầy niềm vui cùng thiên nhiên. Dàn lưới ra xung quanh thuyền như một thế trận bủa vây, chúng tôi bắt đầu nghêu ngao hát, hát và gõ vào thuyền để dụ cá vào lưới. Mỗi ngư dân chúng tôi đều rất biết ơn biển cả, biển cho nguồn sống là cá, biển cho công việc và giúp chúng tôi được lớn lên thành người, biển cả như là người mẹ thứ hai của mỗi người. Tờ mờ sáng, khi sao vẫn còn, chúng tôi phải nhanh tay kéo lưới để kịp trời sáng, mẻ lưới đầy cá nặng trĩu, mấy anh em chung tay kéo mới lên được. Chuyến ra khơi đã bội thu, chúng tôi xếp lưới, căng buồm quay thuyền trở về. Ra khơi hào hứng bao nhiêu thì trở về càng thêm phơi phới bấy nhiêu.

Qua công việc ra khơi đánh cá hàng ngày, tôi luôn thầm ấp ủ ước mơ hòa hợp và chinh phục thiên nhiên. Tôi muốn mình có thể làm giàu từ biển nhưng mong muốn bảo vệ sự trù phú, giàu có của biển.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, miền Bắc đã được giải phóng và đi vào xây dựng cuộc sống mới. Từ ngày đó cuộc sống đã được thay đổi, phong trào sản xuất xây dựng đất nước rất mạnh mẽ. Bà con ngư dân ven biển Quảng Ninh chúng tôi hăng say đưa những con thuyền ra khơi và đem về những khoang tàu đầy cá.

Một buổi chiều tại làng chài ven biển Hồng Gai, Quảng Ninh, tôi cùng các ngư dân cùng nhau đẩy thuyền ra khơi, bắt đầu hành trình mới. Đối với một ngư dân như tôi, biển cả cũng gần gũi, thân quen như một mái nhà. Khi màn đêm buông xuống, biển cả như một ngôi nhà khổng lồ mà màn đêm là một cánh cửa, những lượn sóng chính là then cửa. Trên con thuyền ra khơi đánh cá, tôi cùng những người ngư dân khác bắt đầu hát, hát để thể hiện niềm vui và làm cho không khí lao động thêm sôi nổi. Đồng hành cùng chuyến ra khơi của chúng tôi còn có gió và ánh trăng. Sức gió như bánh lái cho con thuyền ra khơi, ánh trăng tựa cánh buồm khổng lồ đưa con thuyền đến nơi có nhiều cá. Tôi lại hát, hát để gọi cá vào, rồi gõ vào cả mạn thuyền để tạo ra âm thanh thu hút cá. Thật biết ơn biển cả, biển cho ta cá như lòng mẹ yêu thương vô bờ bến, nuôi ta lớn lên từ lúc còn hôi sữa. Sao mờ, chúng tôi kéo lưới lên, cá đầy lưới nặng phải kéo lưới xoăn cả tay mới lên được. Những chiếc vảy cá bạc, đuôi cá vàng óng ánh tựa như mặt trời hừng đông. Trút cá vào khoang thuyền tôi thu lưới rồi căng buồm quay trở về. Nắng hồn đã lên, thuyền chúng tôi lại căng buồm cùng gió và những câu hát, con thuyền như đang chạy đua với ánh nắng mặt trời, nó chạy như bay về phía đất liền. Nơi đất liền không chỉ là nơi nghỉ ngơi sau đêm dài lao động mệt nhọc, đó còn là gia đình, là bến đỗ bình yên của mọi con thuyền trở về khi ra khơi.

Lao động trong tự do khiến tôi có thêm niềm tin, nhiệt huyết mà lao động không biết mệt nhọc, không ngại gian lao. Chỉ hy vọng có thể đóng góp dù chỉ một chút ít vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON