YOMEDIA
NONE

Ôn tập và tự đánh giá cuối Học kì 1 - Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều


Nhằm hỗ trợ các em học sinh lớp 7 nắm lý thuyết Ôn tập và tự đánh giá cuối Học kì 1 trong sách Cánh Diều, HOC247 đã tổng hợp những kiến thức về văn bản đọc hiểu và tiếng Việt đã học trong suốt học kì qua về một số nội dung như phó từ, số từ, mở rộng thành phần chính của câu,... Đồng thời giúp các em biết cách phân tích các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, văn bản nghị luận,...Chúc các em học tập thật tốt nhé!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu

- Người đàn ông cô độc giữa rừng - Đoàn Giỏi: Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của tía con An với chú Võ Tòng - người đàn ông cô độc giữa rừng. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó cho người đọc thấy được tính cách, tinh thần kiên cường dũng cảm của những con người trong thời kì đất nước bị xâm chiếm.

- Buổi học cuối cùng - An-phông-xơ Đô-đê: Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng, Phrăng hiện lên là một chú bé hiếu động, thông minh, nhạy cảm, có tình yêu chân thành với người thầy, yêu nước sâu sắc.

Dọc đường xứ Nghệ - Sơn Tùng: Câu chuyện kể về hành trình đi qua các địa danh của ba cha con cụ Phó Bảng. Mỗi địa danh họ đi qua gắn với một câu chuyện và qua các câu chuyện đó, cụ Phó Bảng đã giáo dục các con những phẩm chất, tu dưỡng làm người, tinh thần yêu nước, tự hào về vẻ đẹp của non sông. Đồng thời, nhắc nhở mỗi người phải luôn nhớ về cội nguồn, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp để xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc.

Mẹ - Đỗ Trung Lai: Bài thơ mượn hình ảnh cây cau quen thuộc để khắc họa mẹ. Qua đó, bài thơ thể hiện sự vất vả của cuộc đời mẹ, tình yêu thương chân thành của con dành cho mẹ và sự đau đớn, buồn tủi khi quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều, dường như ngày con xa mẹ đang đến gần.

Ông đồ - Vũ Đình Liên: Tác phẩm khắc họa thành công hình cảnh đáng thương của ông đồ thời vắng bóng, đồng thời gửi gắm niềm thương cảm chân thành của nhà thơ trước một lớp người dần đi vào quá khứ, khơi gợi được niềm xúc động tự vấn của nhiều độc giả.

Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh: Bài thơ Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình quê hương đất nước.

Bạch tuộc - Giuyn Véc-nơ: - Văn bản ca ngợi sự say mê tìm tòi nghiên cứu khoa học của Giáo sư A-rôn-nát, Công–xây và Nét Len. Họ là những người không ngại hiểm nguy đe dọa để tìm hiểu về các loài sinh vật biển và những điều thú vị nơi đây. Đồng thời ca ngợi, tự hào về sự thông minh mưu trí của con người. Với sức mạnh và trí tuệ con người sẽ chiến thắng bất kì loại quái vật nào.

Chất làm gỉ - Rây Brét-bơ-ry: Văn bản ca ngợi trí tuệ thông minh và tấm lòng tốt bụng cao cả của người trung sĩ, thể hiện ước mơ về một thế giới hòa bình của tác giả. Đồng thời lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa, những cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt giữa các đế chế bạo tàn.

Nhật trình Sol 6 - En-di Uya: Văn bản như một câu hỏi gợi mở: nếu có người mắc kẹt trên Sao Hỏa, liệu chúng ta có đưa anh ta quay về Trái Đất an toàn được không? Văn bản ca ngợi sự bình tĩnh, thông minh của nhà phi hành gia Mác Oát – ni trước những sự cố bất ngờ.

Thiên nhiên và con người trong truyện Đất rừng phương Nam - Bùi Hồng: Văn bản ca ngợi thiên nhiên trù phú, đa dạng và những con người chất phác, mạnh mẽ trong cuốn tiểu thuyết Đất rừng phương Nam. Ca ngợi sự cảm nhận tinh tế, tỉ mỉ, sâu sắc của nhà văn Bùi Hồng.

Vẻ đẹp của bài thơ Tiếng gà trưa - Đinh Trọng Lạc: Văn bản phân tích vẻ đẹp, nội dung, ý nghĩ sâu sắc của bài thơ Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh. Đồng thời, ca ngợi sự cảm nhận tinh tế, tỉ mỉ, sâu sắc của nhà văn Đinh Trọng Lạc.

Sức hấp dẫn của tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển - Lê Phương Liên: Văn bản đã nói lên những giá trị nhân văn sâu sắc trong cuốn tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển. Đồng thời ca ngợi tài năng nghệ thuật xuất chúng của Véc-nơ, những thông điệp nhân văn và tình người được ông thể hiện trong các tác phẩm của mình.

Ca Huế: Ca ngợi những đặc điểm riêng biệt, quy định về cách thức tiến hành hoạt động ca Huế, thể loại âm nhạc đỉnh cao trong toàn bộ các di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Hội thi thổi cơm: Văn bản đã trình bày những nét đặc trưng riêng biệt của hội thi nấu cơm trên từng vùng miền. Đồng thời thể hiện sự tự hào về phong tục văn hóa truyền thống đa dạng của đất nước Việt Nam.

Những nét đặc sắc trên đất vật Bắc Giang - Phí Trường Giang: Văn bản đã trình bày những nét đặc trưng riêng biệt và ý nghĩa sâu sắc của hội vật ở Bắc Giang. Đồng thời thể hiện sự tự hào về phong tục văn hóa truyền thống đa dạng của đất nước Việt Nam.

1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt

a. Ngôn ngữ vùng miền

- Ngôn ngữ vùng miền (phương ngữ) là biến thể theo mỗi địa phương của một ngôn ngữ, được thể hiện chủ yếu trên các phương tiện ngữ âm và từ vựng.

- Mỗi phương ngữ có những đặc điểm riêng về ngữ âm, thể hiện qua cách phát âm của người dân mỗi địa phương.

- Đặc biệt, trong mỗi phương ngữ bao giờ cũng có một số từ ngữ không có nghĩa tương đương trong ngôn ngữ toàn dân.

b. Câu hỏi tu từ

- Câu hỏi tu từ là những câu hỏi được con người đặt ra nhưng lại không hướng tới việc tìm kiếm câu trả lời. Hoặc cũng có thể là câu trả lời đã có sẵn ở trong câu hỏi được đặt ra.

- Câu hỏi tu từ có hình thức của một câu nghi vấn, có dấu hỏi chấm ở cuối câu.

- Tác dụng câu hỏi tu từ

+ Nhấn mạnh nội dung mà người nói muốn biểu đạt.

+ Câu hỏi tu được đặt ra chỉ để tập trung sự chú ý của người nghe hoặc là người đọc vào một mục đích cụ thể nào đó.

+ Về hình thức đó là một câu hỏi nhưng về bản chất thì nó sẽ là câu khẳng định hoặc là câu phủ định có cảm xúc.

+ Loại câu này được sử dụng rất nhiều trong các văn bản nghệ thuật. Nó làm cho lời văn trở nên sinh động và mang lại cho người đọc những tưởng tượng đầy lí thú.

+ Trong cuộc sống hàng ngày bạn cũng có thể bắt gặp những câu hỏi tu từ trong các cuộc đối thoại.

c. Số từ

- Số từ là những từ chỉ số lượng hoặc thứ tự của sự vật. 

+ Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ đứng trước danh từ, ví dụ: ba tầng, năm canh.

+ Khi biểu thị thứ tự, số từ đứng sau danh từ; ví dụ: tầng ba, canh năm.

d. Phó từ

- Phó từ là những từ chuyên đi kèm danh từ, động từ, tính từ hoặc đại từ để bổ sung các ý nghĩa sau:

+ Số ít hoặc số nhiều; ví dụ: mỗi người, các bạn, những ai,... 

+ Cầu khiến; ví dụ: hãy đứng dậy, đừng về,... 

+ Thời gian; ví dụ: đang đi, đã đến,...

+ Mức độ; ví dụ: rất đẹp, hơi khó, giỏi lắm,.. 

+ Sự tiếp diễn; ví dụ: vẫn khoẻ, cứ nói,... 

+ Sự diễn ra đồng thời, tương tự; ví dụ: đều biết, cũng cười,... 

+ Sự phủ định; ví dụ: không hiểu, chẳng cần,...

+ Tính thường xuyên, liên tục hay gián đoạn, bất ngờ, ví dụ: thường nói, luôn có mặt, bỗng đổ mưa,...

+ Sự hoàn thành, kết quả; ví dụ: nói xong, về rồi, nghĩ ra,... 

+ Sự lặp lại; ví dụ: hỏi lại, nghĩ đi nghĩ lại,...

e. Cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm chủ - vị

Việc mở rộng thành phần chính của câu (chủ ngữ, vị ngữ) bằng cụm chủ vị thường được thực hiện bằng một trong các cách:

- Dùng cụm chủ - vị bổ sung cho từ làm chủ ngữ 

- Dùng cụm chủ - vị bổ sung cho từ làm vị ngữ

- Dùng cụm chủ vị trực tiếp tạo chủ ngữ 

- Dùng cụm chủ vị trực tiếp tạo vị ngữ 

g. Cách mở rộng trạng ngữ

Việc mở rộng trạng ngữ thường được thực hiện bằng một trong hai cách sau:

- Dùng từ hoặc cụm từ chính phụ (cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ) bổ sung cho từ làm trạng ngữ.

- Dùng cụm chủ vị bổ sung cho từ làm trạng ngữ hoặc trực tiếp cấu tạo trạng ngữ. 

Bài tập minh họa

Bài tập 1: Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong truyện ngắn Buổi học cuối cùng, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều.

Hướng dẫn giải:

- Đọc lại truyện ngắn Buổi học cuối cùng

- Dựa vào nội dung bài học để phân tích nhân vật thầy Ha-men

- Có thể tham khảo một số bài văn mẫu trên sách báo hoặc internet

- Cần đảm bảo những nội dung chính sau:

a. Hoàn cảnh câu chuyện:

- Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870-1871, dẫn đến việc hai vùng An-dát và Lo-ren của Pháp bị nhập vào Phổ.

- Người Pháp không còn được học tiếng mẹ đẻ, những thầy cô giáo dạy tiếng Pháp bị buộc phải rời đi.

- Buổi học tiếng Pháp cuối cùng của thầy Ha-men diễn ra trong không khí nghẹn ngào, xúc động.

b. Hình ảnh người thầy trong buổi học cuối cùng:

- Ăn mặc trang trọng: chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, cái mũ tròn bằng lụa thêu...

- Nhẹ nhàng bước lên bục giảng, chất giọng từ tốn thông báo: "Hôm nay là lần cuối cùng thầy dạy các con". => Đau đớn và buồn bã.- Chăm chú tiếp tục giảng giải,

dường như muốn truyền đạt lại hết nguồn tinh hoa kiến thức của cuộc đời về tiếng Pháp cho học sinh.

c. Những bài học cuối cùng của thầy Ha-men:

- Thầy Ha-men đã chỉ ra sự thích trì hoãn của đa số đám học sinh, hậu quả là tai họa đã giáng xuống xứ sở này chỉ trong một đêm.

- Ca ngợi về tiếng Pháp, về vẻ đẹp của nó, đó là thứ ngôn ngữ "hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất".

- Khẳng định một chân lý, một bài học vô cùng quý giá và luôn đúng ở mọi thời đại rằng "khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác nào nắm được chìa khóa của chốn lao tù.

- Những tâm tư trong lòng người thầy chỉ gói gọn lại bằng mấy chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!", bộc lộ tấm lòng yêu nước sâu sắc, không bao giờ chịu khuất phục trước sự xâm lược của kẻ thù.

Lời giải chi tiết:

Chiến tranh luôn mang lại cho con người những nỗi bất hạnh và mất mát đau thương khôn cùng, trong đó có những nỗi đau dù không phạm vào da thịt nhưng nó lại khiến con người ta day dứt, trăn trở đến vô cùng, ấy là nỗi đau chia cắt dân tộc, nỗi đau chứng kiến đất nước bị giày xéo, bị buộc từ bỏ vốn văn hóa của dân tộc, để tiếp thu ngôn ngữ của kẻ thù, chịu sự khuất nhục đau đớn. Tất cả những nỗi đau ấy đều được thể hiện rất rõ thông qua truyện ngắn Buổi học cuối cùng và nhân vật người thầy Ha-men.

Alphonse Daudet (An-phông-xơ Đô-đê) (1840 - 1897) là một nhà văn Pháp khá nổi tiếng với nhiều các tác phẩm đặc sắc như Thằng nhóc, Lá thư hè, Những người đàn bà đang yêu,... Ông đặt bút ở nhiều thể loại nhưng trong đó thể loại truyện ngắn An-phông-xơ Đô-đê gây được nhiều ấn tượng hơn cả với giọng văn tĩnh lặng, trầm ấm. Buổi học cuối cùng là một trong những tác phẩm đáng chú ý của An-phông-xơ Đô-đê, ra đời trong bối cảnh lịch sử nhiều đau thương, Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870-1871, dẫn đến việc hai vùng An-dát và Lo-ren của Pháp bị nhập vào Phổ, đem đến cuộc chia cắt dân tộc đau đớn, không chỉ vậy các trường học ở nơi đây bị buộc phải dạy bằng tiếng Đức. Dẫn đến một sự kiện xót xa, khi mà người Pháp không còn được học tiếng mẹ đẻ, những thầy cô giáo dạy tiếng Pháp bị buộc phải rời đi trong nghẹn ngào, và thầy Ha-men chính là một trong số những con người phải nếm trải nỗi đau như vậy.

Câu chuyện diễn ra dưới cảm nhận và cái nhìn của nhân vật Phrăng- một cậu bé ham chơi, không quan tâm lắm đến chuyện học hành và thường trì hoãn các buổi học, đặc biệt là buổi học tiếng Pháp của thầy Ha-men. Cậu thường tránh né sự trách phạt của người thầy bằng cách len lén vào lớp những lúc buổi học ồn ào đan xen giữa tiếng đánh vần và tiếng thước kẻ của thầy giáo. Hôm nay cũng như thường lệ, Phrăng vẫn chứng nào tật ấy, tiếp tục tới trường trong bộ dạng hộc tốc, vội vã, thế nên khi thấy bảng cáo thị trên bảng tin cậu cũng chẳng kịp để ý xem chuyện gì đang xảy ra trên quê hương mình, và cũng bỏ qua cả lời nói tưởng như là chế nhạo từ bác phó rèn Oát- stơ. Chỉ khi bước đến lớp, thông qua ô cửa sổ mở rộng, nhìn thấy không khí lớp học im lặng như một buổi sáng chủ nhật, và thầy Ha-men đang đi lại với cây thước kẹp dưới nách làm cậu bỗng có linh cảm không tốt, dường như có một chuyện gì đó hệ trọng lắm đang đợi chờ phía trước. Thực tế trong lúc này Phrăng sợ hãi sẽ bị thầy trách phạt nặng vì lỗi đến muộn của mình, thế nhưng thật bất ngờ, người thầy vốn nổi tiếng nghiêm khắc khi nhìn thấy Phrăng bên ngoài thì lại từ tốn, dịu dàng bảo cậu bé vào lớp "Phrăng vào chỗ nhanh lên con, lớp sắp bắt đầu học mà lại vắng mặt con".

Sau khi đã ngồi vào vị trí trong sự ngỡ ngàng, Phrăng mới kịp nhận ra sự khác lạ của người thầy, hôm nay thầy mặc "chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, rìa lá sen xếp nếp mịn và và cái mũ tròn bằng lụa thêu mà thầy chỉ mặc những hôm có thanh tra và phát phần thưởng", bộ trang phục mà hiếm khi thầy Ha-men diện, chỉ có những dịp quan trọng thầy mới dùng đến. Điều đó khiến Phrăng dần cảm nhận được buổi học hôm nay có gì đó khác biệt, trang trọng hơn ngày thường. Đáp lại sự thắc mắc ấy, thầy Ha-men nhẹ nhàng bước lên bục giảng, dáng vẻ trang trọng và dịu dàng nhất của một người thầy nhìn xuống các học sinh thân yêu nói bằng một chất giọng từ tốn: "Hôm nay là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các vùng An-dát và Lo-ren...Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con...". Có lẽ rằng đối với một người dân Pháp, một người thầy dạy Pháp văn để nói ra được những thông tin ấy, thầy Ha-men đã phải đau đớn và buồn bã đến thế nào. Và rồi mai đây những học sinh nơi này buộc phải từ bỏ tiếng mẹ đẻ, để đi học thứ tiếng đến từ kẻ thù, từ quân "khốn nạn" đã xâm lược, giày xéo mảnh đất quê hương. Hơn ai hết thầy Ha-men, một người thầy đã cống hiến hơn 40 năm cuộc đời cho sự nghiệp dạy tiếng mẹ đẻ cho bao thế hệ học sinh lại càng thấm thía nỗi đau này hơn bất kỳ một người Pháp nào khác. Chính vì thế trong buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp này, thầy đã ăn vận thật đẹp, thật trang trọng để tôn vinh nó, và thầy cũng mong rằng mỗi một học sinh, mỗi một người dân Pháp ở An-dát và Lo-ren cũng như thầy trân trọng và ghi nhớ từng khoảnh khắc đang diễn ra ngày hôm nay. Chỉ bấy nhiêu đó thôi người ta cũng nhận thấy tấm lòng yêu thương tiếng mẹ đẻ thiêng liêng, sự tâm huyết trong quãng đường lao động vì sự nghiệp giáo dục hơn 40 mươi năm mà thầy Ha-men sắp phải từ giã. Đó là một mất mát, một nỗi đau lớn trong lòng người thầy giáo tội nghiệp, bởi sắp tới đây thứ thầy phải từ bỏ không chỉ là công việc dạy học, mà là cả mảnh đất thầy đã gắn bó hơn nửa đời người, tận mắt thấy viễn cảnh đất nước rơi vào tay giặc, rồi số phận các em học sinh, những người dân Pháp ở nơi đây sẽ ra sao, càng nghĩ lại càng thấy xót xa.

Và trong buổi học cuối cùng này, thầy Ha-men không dành nhiều thì giờ để trách phạt học trò, hay dạy các em đánh vần từng tiếng mẹ đẻ nữa. Trước sự ngập ngừng ấp úng của cậu học trò Phrăng khi cậu không thể đọc trôi chảy bài học bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà rồi giờ đây cậu sẽ không còn được học nữa, thầy Ha-men vẫn rất nhẹ nhàng, ôn tồn nói với Phrăng cũng là những lời nói sâu kín trong lòng mà thầy muốn nói với tất cả mọi người. Thầy Ha-men đã chỉ ra sự thích trì hoãn của đa số đám học sinh, người ta cứ tưởng rằng mình còn khối thì giờ để học, ngày mai, ngày kia, ngày kia nữa, nhưng đâu ai biết được rằng tai họa đã giáng xuống xứ sở này chỉ trong một đêm.

Mảnh đất quê hương thân thuộc bỗng trở thành thuộc địa của kẻ thù, chúng ta những người dân bản xứ buộc phải từ bỏ tiếng bản địa để học thứ tiếng của chúng, để sẵn sàng trở thành nô lệ cho những kẻ xâm lược. Đau đớn làm sao, giá như người ta có thể học và ghi tạc trong lòng thứ tiếng mẹ đẻ rồi truyền cho con cháu thì ít nhất dù mất chủ quyền lãnh thổ, người ta vẫn còn được tự tôn, được văn hóa dân tộc. Thế nhưng đáng buồn rằng, đến tiếng mẹ đẻ mà những cô cậu học trò như Phrăng cũng không thể đọc trôi chảy thì chỉ ít lâu nữa thôi như lời thầy Ha-men nói những nỗi nhục nhã sẽ ập tới, kẻ xâm lược có quyền chỉ thẳng mặt những người tự nhận là dân Pháp mà nói rằng: "Thế nào! Các người tự nhận là dân Pháp mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người" và điều đó dường như đang trở thành sự thật.

Từng lời nói ấy của thầy Ha-men dẫu rất nhẹ nhàng thế nhưng đã giáng từng nhát thật mạnh vào trái tim của từng người, những con người vẫn tìm lý do để trì hoãn việc học hành tử tế. Thế nhưng thầy Ha-men cũng là một người có suy nghĩ thấu đáo, thầy hiểu và cũng hiểu được rằng việc học hành không tử tế, không phải hoàn toàn là lỗi của những đứa trẻ, mà còn có phần lỗi ở các bậc phụ huynh khi không ý thức được tầm quan trọng của giáo dục, và thầy cũng nhận cả lỗi về mình, vì có đôi khi thầy cũng chưa hoàn toàn làm tốt bổn phận dạy dỗ của một người giáo viên. Người thầy đạo đức, có cái nhìn thấu hiểu và sáng suốt ấy vậy mà sắp phải rời khỏi nơi mình đã từng gắn bó bốn mươi năm cuộc đời, không còn được cống hiến cho mảnh đất này nữa. Điều ấy không khỏi làm người ta cảm thấy chạnh lòng, đau xót trước bi kịch của những con người và mảnh đất xứ An-dát.

Cũng trong buổi học cuối cùng ấy, thầy Ha-men đã nói rất nhiều về tiếng Pháp, về vẻ đẹp của nó, đó là thứ ngôn ngữ "hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất". Những lời ngợi ca tiếng mẹ đẻ ấy đã thể hiện rõ được tấm lòng của người thầy, không chỉ là sự trân trọng, yêu mến sâu sắc với tiếng nói của dân tộc, mà còn là tấm lòng yêu quê hương, lòng tự tôn mãnh liệt của một người dân Pháp trước sự xâm lược của kẻ thù. Thông qua tình cảm ấy, thầy Ha-men khẳng định một chân lý, một bài học vô cùng quý giá và luôn đúng ở mọi thời đại rằng "khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác nào nắm được chìa khóa của chốn lao tù...". Lời dạy ấy dường như đã mở ra trong trái tim của độc giả và cả những con người xứ An-dát một con đường sáng, càng khẳng định tầm quan trọng của văn hóa, truyền thống vốn là cốt lõi của một dân tộc, một đất nước. Rồi thầy Ha-men lại chăm chú tiếp tục giảng giải, dường như người thầy tội nghiệp muốn truyền đạt lại hết nguồn tinh hoa kiến thức của cuộc đời về tiếng Pháp cho học sinh của mình trong những giây phút cuối trước khi phải chia xa. Bao nhiêu những biểu hiện ấy đều cho thấy tấm lòng đạo đức và cả nỗi đau đớn tột cùng trước nghịch cảnh đất nước của thầy Ha-men, là sự tiếc nuối, xót xa, trăn trở cho số mệnh của cả một dân tộc trước sự xâm lược tàn ác của kẻ thù.

Dáng vẻ tội nghiệp, luyến tiếc của người thầy còn bộc lộ thông qua việc thầy đứng trên bục giảng nhìn đăm đăm từng thứ đồ vật trong lớp học những thứ vốn đã gắn bó với thầy suốt mấy mươi năm nay. Dường như tầm mắt người thầy muốn mang đi hết tất cả hình bóng của ngôi trường nhỏ bé thân thương. Đau lòng, buồn bã trước nghịch cảnh nhưng thầy Ha-men vẫn cố gắng hoàn thành thật tốt buổi dạy cuối cùng như là một lời chào từ biệt. Tiếng chuông báo điểm giờ tan trường reo lên, như đánh động vào tâm can của người thầy. Thầy muốn nói, muốn phát biểu gì đó trước mặt toàn thể những người có mặt ở đây trước giờ chia tay, thế nhưng không thể vì quá xúc động. Cuối cùng những lời muốn nói ấy, những tâm tư trong lòng người thầy chỉ gói gọn lại bằng mấy chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!", tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng cả tấm lòng của người thầy, tấm lòng yêu nước sâu sắc, không bao giờ chịu khuất phục trước sự xâm lược của kẻ thù, đó cũng là bài học cuối cùng mà thầy Ha-men đáng kính muốn truyền lại cho các học sinh thân yêu của mình trước khi phải rời đi.

Nhân vật thầy Ha-men trong tác phẩm Buổi học cuối cùng là một nhân vật gây cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc, không chỉ bởi vì tình yêu tiếng ngôn ngữ mẹ đẻ, tấm lòng yêu nước, lòng căm ghét quân thù, không bao giờ chịu khuất phục mà còn đặc biệt bởi cái cách mà thầy truyền đạt lại những bài học quý giá vào buổi học cuối cùng. Không ồn ào, không vòng vo, sáo rỗng mà chỉ đơn giản là chỉ ra những khiếm khuyết của mọi người một cách nhẹ nhàng, từ tốn, từ đó đưa ra những bài học sâu sắc về ngôn ngữ văn hóa dân tộc. Thêm vào đó vẻ đẹp của người thầy còn là cái cách mà thầy chăm chút, tỉ mẩn chuẩn bị cho lần lên lớp cuối cùng một cách chỉn chu, trang trọng và đáng nhớ nhất. Tất cả đều thể hiện thật rõ ràng cái cốt cách sáng ngời của một người thầy cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, truyền bá văn hóa dân tộc không ngừng nghỉ, kể cả khi rơi vào nghịch cảnh đau xót.

Bài tập 2: Tìm một số câu văn, câu thơ sử dụng ngôn ngữ vùng miền.

Hướng dẫn giải:

- Vận dụng kiến thức ôn tập ngôn ngữ vùng miền

- Tìm trên internet, sách báo, kết hợp hiểu biết cá nhân để hoàn thành bài tập

Lời giải chi tiết:

Ví dụ:

Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát

Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông

(Ca dao)

  Bầm ơi, có rét không bầm

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn.

(Bầm ơi, Tố Hữu)

  Trèo lên trên rẫy khoai lang

Chẻ tre đan sịa cho nàng phơi khoai.

( Hò ba lí của Quảng Nam)

Lời kết

- Học xong bài Ôn tập và tự đánh giá cuối Học kì 1, các em cần nắm:

+ Nắm được nội dung chính về văn bản đã học.

+ Vận dụng được các kiến thức phần Tiếng Việt áp dụng vào viết văn bản.

Soạn bài Ôn tập và tự đánh giá cuối Học kì 1 Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Bài học Ôn tập và tự đánh giá cuối Học kì 1 nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa lại những kiến thức đã học. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp bài Ôn tập và tự đánh giá cuối Học kì 1 Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON