Phần hướng dẫn soạn nội dung bài Tự đánh giá: Trò chơi dân gian của người Khmer Nam Bộ thuộc bộ sách Cánh Diều được HOC247 tổng hợp nhằm giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản về cách phân tích, thuyết minh một trò chơi, hoạt động. Đồng thời, bài tập minh họa ở cuối bài giảng sẽ giúp các em ôn tập hiệu quả kiến thức đã học ở Bài 5: Văn bản thông tin. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Tự đánh giá: Trò chơi dân gian của người Khmer Nam Bộ
Đọc văn bản “Trò chơi dân gian của người Khmer Nam Bộ” (trang 116-117 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1) và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Ghi vào vở chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 9):
Câu 1: Văn bản trên giới thiệu trò chơi gì và của dân tộc nào?
A. Đánh Khăng của người Kinh
B. Đánh trỏng của người Khmer
C. Đánh kol của người Khmer
D. Đánh kol của người Chăm
Trả lời:
Chọn đáp án: C. Đánh kol của người Khmer
Câu 2: Theo văn bản, phần lớn người Khmer cư trú và sinh sống ở đâu?
A. Nam Trung Bộ
B. Đồng bằng song Cửu Long
C. Kon Tum
D. Đông Nam Bộ
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Đồng bằng song Cửu Long
Câu 3: Các trò chơi dân gian tiêu biểu của người Khmer thường được tổ chức ở đâu?
A. Tại các phum, sóc, sân chùa, trường học
B. Chỉ ở sân các trường học phổ thông
C. Chỉ tại các sân chùa có diện tích rộng
D. Chỉ ở các bãi đất rộng của phum, sóc
Trả lời:
Chọn đáp án: A. Tại các phum, sóc, sân chùa, trường học
Câu 4: Kol là gì?
A. Một khúc cây tròn, ngắn, dài, chừng 5-10 cm, bằng ngón tay cái
B. Một khúc cây tròn, ngắn, cứng, dài, chừng 3-5 cm, bằng ngón tay cái
C. Một khúc cây tròn, ngắn, cứng, dài, chừng 5-8 cm, bằng ngón tay cái
D. Một khúc cây tre, dài chừng 5-8 cm, bằng ngón tay cái, có màu xanh
Trả lời:
Chọn đáp án: C. Một khúc cây tròn, ngắn, cứng, dài, chừng 5-8 cm, bằng ngón tay cái
Câu 5: Trò chơi đánh kol có quy định gì về số lượng người chơi
A. Bao nhiêu người cũng được
B. Từ 5-10 người một phe
C. Mỗi phe 10 người
D. Mỗi phe 5 người
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Từ 5-10 người một phe
Câu 6: Phương án nào nêu quy định về kích thước của sân chơi kol?
A. Mỗi phe đứng dàn ngang ở vạch cuối sân
B. Giữa sân có một gạch ngang chia đôi hai bên
C. Một khoảng sân rộng bằng non nửa sân bóng đá
D. Giữa lằn gạch có một lỗ tròn
Trả lời:
Chọn đáp án: C. Một khoảng sân rộng bằng non nửa sân bóng đá
Câu 7: Câu nào miêu tả động tác bắt đầu cuộc thi chơi kol?
A. Nếu đỡ hụt (không bắt được kol) thì người đỡ phải nhặt khúc kol chạy đến vạch cho vào lỗ
B. Mỗi bên lần lượt cử người cầm khúc gậy gỗ dài chừng 1 mét gõ cho kol bay lên vừa tầm đánh về phía đối phương
C. Người cầm gậy phía bên kia (bắt) chụp được kol thì mang lại lỗ và đánh trả lại phía đối phương
D. Người bị truy đuổi phải truyền khúc kol lại cho phe mình và tìm cách làm sao cho kol vào lỗ là thắng.
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Mỗi bên lần lượt cử người cầm khúc gậy gỗ dài chừng 1 mét gõ cho kol bay lên vừa tầm đánh về phía đối phương
Câu 8: Quy định về phần thưởng cho đội thắng trong trò chơi kol thường là gì?
A. Người thua phải cõng người thắng
B. Người thua phải quỳ trước người thắng
C. Người thua phải chạy mấy vòng sân.
D. Người thắng được tiền thưởng
Trả lời:
Chọn đáp án: A. Người thua phải cõng người thắng
Câu 9: Câu nào ở đây có trạng ngữ được mở rộng?
A. Người cầm gậy phía bên kia (bắt) chụp được kol thì mang lại lỗ và đánh trả lại phía đối phương
B. Trên một khoảng đất rộng non nửa sân bóng đá, người chơi chia làm hai phe, từ 5-10 người một phe
C. Người bị truy đuổi phải chuyền khúc kol lại cho phe mình và tìm cách làm sao cho kol vào lỗ là thắng.
D. Chơi kol gần giống như trò chơi đánh trỏng (Nam Bộ), đánh Khăng của người Kinh (phía Bắc)
Trả lời:
B. Trên một khoảng đất rộng non nửa sân bóng đá, người chơi chia làm hai phe, từ 5-10 người một phe
Câu 10: Tìm trong phần mở đầu văn bản, viết ra một câu người viết ca ngợi văn hóa truyền thống của người Khmer Nam Bộ
Trả lời:
“Cũng như các dân tộc khác, người khmer có một nền văn hóa đậm đà bản sắc, phong phú và đa dạng.”
1.2. Hướng dẫn tự học
Câu 1: Sưu tầm văn bản thuyết minh về quy tắc của một hoạt động tập thể trong nhà trường Trung học cơ sở nơi em đang học.
Trả lời:
Hoạt động tập thể dục giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học An Ninh D
Nhằm tạo bầu không khí thoải mái, tăng cường sự hưng phấn cho các em học sinh sau các giờ học, Trường Tiểu học An Ninh D tổ chức hoạt động tập thể dục giữa buổi sáng, chiều trong tuần. Hoạt động này giúp cho các em được thư giãn tinh thần, giảm bớt căng thẳng để học tốt các tiết học tiếp theo.
Đã trở thành một thói quen, mỗi khi nghe thấy tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi sau 3 tiết học là các thầy cô giáo chủ nhiệm kể cả thầy cô dạy chuyên tiết cũng khẩn trương giúp các em học sinh xếp hàng tập trung ở sân trường để sẵn sàng bước vào bài thể dục giữa giờ. Các em học sinh nhanh chóng đứng vào hàng của lớp mình, đảm bảo hàng dọc, hàng ngang đúng khoảng cách.
Tiếp theo âm thanh bài hát sôi động làm nhạc nền của bài thể dục giữa giờ vang lên. Trong điệu nhạc vui nhộn, em nào cũng cảm thấy vui vẻ, hưng phấn và sảng khoái hơn.
Sau khi kết thúc bài tập, các em học sinh cùng nhau thực hiện động tác hô khẩu hiệu:
- MC: Rèn luyện thân thể
+ Học sinh: Bảo vệ Tổ quốc
- MC: Rèn luyện thân thể
+ Học sinh: Kiến thiết đất nước
- MC: Thể dục
+ Học sinh: Khỏe, Khỏe, Khỏe
Hằng ngày nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ, những động tác nhanh nhẹn, khỏe khoắn của các em học sinh khi thực hiện bài thể dục giữa giờ, Lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô giáo đều cảm thấy rất vui. Niềm vui đó đã trở thành niềm hạnh phúc khi được chứng kiến các em ngày một tự tin và khỏe mạnh hơn.
Câu 2: Đọc sách, báo, truy cập internet, thu thập tư liệu (gồm các bài viết, hình ảnh, video,…) liên quan đến quy tắc, luật lệ của một hoạt động hoặc trò chơi ở các lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch,…
Trả lời:
- Hội chọi gà Ngũ Xã tại Hà Nội: http://lehoi.info/ha-noi/hoi-choi-ga-ngu-xa-tai-ha-noi-bda
- Lễ hội Hoa Ban - Mường Lò tại Yên Bái: http://lehoi.info/yen-bai/le-hoi-hoa-ban-muong-lo-tai-yen-bai-nr
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy giới thiệu trò chơi dân gian của người Khmer Nam Bộ.
Hướng dẫn giải:
- Tìm hiểu các trò chơi dân gian của người Khmer Nam Bộ
- Kết hợp hiểu biết cá nhân để giới thiệu
- Có thể tham khảo một số trò chơi truyền thống của người Khmer Nam Bộ:
+ Qòng Hơ Khlen còn gọi là Bòng Hơ Khlen là trò chơi thả diều
+ Tok Sây là trò chơi đá cầu
+ Qro Năng TuK Ngo là trờ đua ghe ngo
Lời giải chi tiết:
Qro Năng TuK Ngo (đua ghe ngo) là trò chơi thể thao tập thể hoành tráng không thể thiếu được của người Khơ Me trong các lễ hội lớn. Đua ghe ngo thường được tổ chức vào dịp lễ Óc Om Bóc, có đông đảo người xem cổ vũ cho các đội tham gia thi tài.
Những người thợ tốn rất nhiều công sức để làm được một chiếc ghe ngo vừa ý và đẹp. Hình dáng ghe ngo tựa như con rắn mình thon dài thoai thoải về hai phía, đầu uống cong và thấp hơn đằng sau lai một chút. Đầu tiên là chọn một thân cây sao cho nguyên vẹn có chiều dài từ 20m đến 24m và bề hoành đúng kích cỡ chiếc ghe cần làm. Ghe ngo có nhiều cong đóng chặt ở đáy nối dài từ đầu tới sau lái, trên các cong có đóng nhiều ván cây ngang dài 1,20m vừa để cho hai người ngồi bơi song song từng cặp. Ghe ngo thường có từ 46 tới 50 chỗ. Người thợ sẽ đục khoét ruột cây và chia thành hai mươi đến 24 khoang. Hai bên thân ghe được đẽo, bào, gọt theo dáng hình thoi, đầu và đuôi cong lên chồm về phía trước để giảm sức cản của nước. Sau đó, sơn phết, vẽ lên ghe những hình đầu rồng đuôi phượng hay rắn Naga ở mũi và lái, có nơi người ta vẽ hình sư tử, hổ, báo, gấu, cá sấu… Toàn bộ ghe ngo có màu sắc rất sặc sỡ, lộng lẫy như chiếc thuyền rồng. Vào cuộc thi, các ghe ngo tập trung dàn hàng ngang ở điểm xuất phát, khẩn trương chuẩn bị thi tài. Một tiếng pháo hay súng nổ ra hiệu lệnh. Người ngồi đầu ghe xòe tay đánh nhịp chỉ huy. Người đứng giữa đánh cồng chiêng thúc giục, động viên các tay bơi. Người cầm lái phải rất kinh nghiệm để điều khiển chiếc ghe ngo lướt với tốc độ cao, rất dễ lật. Những chiếc ghe phóng vun vút, mái dầm loang loáng, rít veo véo xé tung mặt nước. Tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng reo hò cổ vũ vang lên tưng bừng, sôi động một khúc sông.
Ngoài những trò chơi tiêu biểu trên, người Khơ Me còn có rất nhiều các trò chơi dân gian đặc sắc khác như: On Kul (đánh bông vụ, con quay), Tielprot (kéo dây), Qòng Na ga (rồng rắn)…
Tóm lại, trò chơi dân gian của người Khơ Me có rất nhiều loại, phù hợp với sở thích, cá tính khác nhau của nhiều đối tượng người chơi.
Lời kết
- Học xong bài Tự đánh giá: Trò chơi dân gian của người Khmer Nam Bộ, các em cần nắm:
+ Nắm được nội dung văn bản Trò chơi dân gian của người Khmer Nam Bộ
+ Hiểu được ý nghĩa của tác phẩm
+ Vận dụng kiến thức để viết bài văn thuyết minh lôi cuốn, hấp dẫn
Hỏi đáp bài Tự đánh giá: Trò chơi dân gian của người Khmer Nam Bộ Ngữ văn 7 tập 1 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247