YOMEDIA

Phân tích thành ngữ Thi trung hữu họa qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Tải về
 
NONE

Để giúp cho các em học sinh có thêm hành trang để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới, Học247 xin giới thiệu đến các em dàn ý chi tiết và bài văn mẫu Phân tích thành ngữ Thi trung hữu họa qua bài thơ Tây Tiến. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài học Tây Tiến.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác phẩm Tây Tiến của Quang Dũng và câu thành ngữ "Thi trung hữu họa".

b. Thân bài

* Giải thích thành ngữ Thi trung hữu họa:

- Giải nghĩa các từ ngữ: thi (thơ), trung (trong), hữu (có), họa (hội họa).

- Lí giải mối quan hệ giữa thơ ca và hội họa:

+ Đều là những loại hình nghệ thuật.

+ Đều sử dụng những chất liệu riêng để kiến tạo nên ý nghĩa, giá trị (thơ ca sử dụng ngôn từ, hình tượng; hội họa sử dụng màu sắc, đường nét).

+ “Thi trung hữu họa” vì văn học phản ánh hiện thực đời sống khách quan thông qua việc khúc xạ các hình ảnh có đường nét, hình khối bằng chất liệu ngôn từ.

* Phân tích, bình luận ý kiến “Thi trung hữu họa” qua bài thơ “Tây Tiến”:

- Chất "họa" được thể hiện qua bức tranh về thiên nhiên núi rừng miền Tây với vẻ đẹp:

+ Hiểm trở, hùng vĩ

+ Thơ mộng và trữ tình.

- Chất họa được thể hiện thông qua bức chân dung người lính Tây Tiến với vẻ đẹp lãng mạn, bi tráng

- Chất họa được thể hiện qua các biện pháp nghệ thuật như bút pháp miêu tả từ khái quát đến cụ thể, thủ pháp đối lập tương phản,...

* Nhận xét chung về thành ngữ “Thi trung hữu họa”.

c. Kết bài:

- Đánh giá về giá trị của chất họa đối với bài thơ Tây Tiến.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy phân tích thành ngữ Thi trung hữu họa qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Trong văn chương, ta thường nghe nói: “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa). Đây là thành ngữ chỉ sự dung hòa trong trong cùng một tác phẩm thơ hai loại hình nghệ thuật: thơ và họa. Tuy nhiên, không phải tác giả nào cũng tiến tới được sự dung hòa đó. Phải là một người đa tài, có con mắt hội họa thiên bẩm. Quang Dũng là một trong số những người tài hoa đó. Chất họa của ông thể hiện rõ trong bài thơ “Tây tiến”. Bài thơ đã tả lại cảnh vật rừng núi Tây Bắc bằng cảm nhận của một họa sĩ.

Khi hai loại hình nghệ thuật: thơ và hoạ ra đời; người ta đã thấy ngay sự gần gũi, dung hợp với nhau của chúng. Hai loại hình này có thể đan xen nhau trong cùng một tác phẩm và trở thành hai loại hình nghệ thuật có quan hệ mật thiết với nhau như chị em. Đó là bởi vì thơ ca và hội họa đều có tính chất giàu hình ảnh, đường nét. Chất họa ấy đã len vào cách miêu tả và cảm nhận sự vật của nhà thơ, làm nên những bài thơ “thi trung hữu họa”. Khi một bài thơ bộc lộ rõ cảm quan về hội họa, tạo được sự hài hòa của các yếu tố tạo hình và cộng hưởng được với nhau thì ta đã gặp hội họa trong thơ.

Trong bài thơ "Tây Tiến", yếu tố "thi trung hữu họa" được thể hiện rõ qua bức tranh thiên nhiên và bức chân dung của người lính Tây Tiến. Qua những nét vẽ được tạo nên từ lớp ngôn từ hàm súc, đa nghĩa, thiên nhiên núi rừng miền Tây đã hiện lên với vẻ đẹp vừa hùng vĩ, hiểm trở, vừa thơ mộng, trữ tình.

Những con đường hành quân đã được tái hiện thông qua những nét vẽ "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút" gợi lên sự hiểm trở, gập ghềnh. Không gian đó còn được mở ra chiều cao của những dốc núi, chiều sâu "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống". Lớp ngôn từ giàu tính tạo hình đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên mang đậm chất hội họa với vẻ đẹp hùng vĩ qua những con đường quanh co, những dốc núi cheo leo hiểm trở cùng những đỉnh đèo khuất sau làn sương của mây trời. Chất họa của bài thơ còn được thể hiện qua sự thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên tạo vật.

Những câu vần bằng xen lẫn với trắc cùng nhịp thơ và một loạt từ gợi cảm đã tái hiện cảnh hành quân giống như một bức tranh. Ở đó ta thấy sự vất vả, nguy hiểm của một chặng đường núi non cheo leo, trùng điệp liên tiếp nhau. Những người lính vừa leo lên đỉnh dốc cao đã phải đi xuống.

Trong câu thơ đầu“Dốc lên khúc khuỷu/dốc thăm thẳm”, tác giả đã dùng nhịp 4/3 và hai từ láy như bẻ gãy dòng thơ ra làm đôi gợi hình tượng về một con núi có hai sườn dốc vừa cao dựng đứng lại vừa sâu thăm thẳm. Câu thơ như bám sát chặng đường vượt núi đầy vất vả. Hình ảnh “dốc lên khúc khuỷu” là cái nhìn hướng lên cao trong lúc người lính phải leo lên đỉnh núi. Lên tới đỉnh, cái dốc khúc khuỷu ấy lại trở thành cái dốc thăm thẳm, sâu hun hút trong việc tiếp tục hành quân xuống núi. Nếu từ “khúc khuỷu” vẽ ra những nét zíc zắc của con đường vượt núi và cho thấy sự vất vả thì “thăm thẳm” lại tả được con dốc vừa sâu vừa dài, ẩn dấu sau đó là cảm giác rờn rợn với những ai yếu bóng vía.

Dù có những phút giây mộng mơ về hình dáng người thiếu nữ nhưng trên chiến trường, người lính nguyện hi sinh tất cả để thực hiện lí tưởng. Lối nói giảm, nói tránh "áo bào thay chiếu, anh về đất" đã diễn tả cái chết nơi sa trường, thể hiện rõ tác giả không hề lẩn tránh cái bi, nhưng bằng những nét vẽ mang âm hưởng hào hùng: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành", Quang Dũng đả đã tái hiện thành công bức chân dung người lính với vẻ đẹp bi tráng.

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được bài thơ "Tây Tiến" hoàn toàn xứng đáng với nhận định "thi trung hữu họa". Bằng tài năng của mình, tác giả đã tạo nên một thi phẩm đậm chất hội họa thông qua các biện pháp nghệ thuật như bút pháp miêu tả từ khái quát đến cụ thể, thủ pháp đối lập tương phản,... để kiến tạo thành công bức tranh thiên nhiên núi rừng miền Tây và vẻ đẹp của những người lính hi sinh tuổi xuân, tuổi đời vì độc lập, tự do của dân tộc.

3.2. Bài văn mẫu số 2

 Trong nền văn học Việt Nam, Quang Dũng là nhà thơ được biết đến với cái "tôi" hào hoa, lãng mạn, qua những cảm nhận đầy tài hoa, tinh tế về vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như con người. Bài thơ "Tây Tiến" là thi phẩm thể hiện rõ hồn thơ ấy. Một trong những đặc sắc của bài thơ là chất hội họa được thể hiện qua những hình ảnh và lớp ngôn từ có khả năng kiến tạo nên những đường nét, màu sắc về thiên nhiên cũng như con người, làm nên một tác phẩm "thi trung hữu họa".

"Thi trung hữu họa" là chất hội họa xuất hiện trong tác phẩm thi ca: "trong thơ có nhạc". Văn học vốn là loại hình nghệ thuật phản ánh hiện thực khách quan thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ, và đến với độc giả thông qua con đường đọc hiểu và sáng tạo; còn hội họa là lĩnh vực nghệ thuật sử dụng màu sắc, đường nét. Nếu văn học sử dụng chất liệu ngôn từ để xây dựng hình tượng nghệ thuật thì hội họa sử dụng những gam màu, những nét vẽ để kiến tạo nên những bức tranh. Mặc dù là những loại hình nghệ thuật riêng biệt nhưng giữa văn học và hội họa luôn có sự giao thoa, gặp gỡ bởi văn học có khả năng phản ánh hiện thực đời sống khách quan thông qua việc khúc xạ các hình ảnh có đường nét, hình khối bằng chất liệu ngôn từ, khiến cho những hình ảnh đó hiện lên chân thực, sinh động trong tiềm thức của độc giả.

Cảnh núi non nguy hiểm ấy như được kết thúc với nét vẽ bất ngờ ở câu số 4 “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ là nét vẽ lãng mạn về y vẻ đẹp thơ mộng nơi núi rừng. Xa xa, giữa màn mưa giăng giăng như sương khói, nửa thực nửa mơ, ẩn hiện những căn nhà. Hiếm có cảnh nào trong mưa mà lại gợi được sự ấm áp bình yên như cảnh này! Câu thơ toàn thanh bằng, tương phản với ba câu trên như một tiếng thở phào nhẹ nhõm của người lính sau một chặng đường dài hành quân vất vả. Xuận Diệu ngày xưa cũng chỉ viết được ba câu thơ sử dụng thanh bằng mà ông thấy tâm đắc: “Sương nương theo trăng ngưng lưng trời. Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”. Còn Quang Dũng thì viết được rất nhiều câu như vậy, hơn nữa nó đặt ngay trong thế đối lập với những câu vần trắc. Tài hoa của tác giả là ở đó.

Những nét vẽ về "chiều sương", "hồn lau", "người độc mộc", "hoa đong đưa", đã tái hiện bức tranh thiên nhiên và con người miền Tây với vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng, thơ mộng và trữ tình. Những bông hoa lau lay động chập chờn trên "nẻo bến bờ" cùng những cánh hoa "đong đưa" theo dòng nước lũ khiến cảnh vật trở nên sinh động, gợi tả một vẻ đẹp hoang sơ và gợi cảm. Trên phông nền đó, hình ảnh "dáng người trên độc mộc" xuất hiện như một nét vẽ chấm phá, tạo nên một nét vẽ khỏe khoắn và rắn rỏi. Như vậy, bức tranh thiên nhiên với những đường nét thơ mộng đã tạo nên vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn cho thi phẩm.

Hình ảnh người lính Tây Tiến đã được tái hiện thành công bằng những nét vẽ mang cảm hứng lãng mạn và cảm xúc bi tráng. Những chi tiết rất thực như "không mọc tóc", "xanh màu lá", "dữ oai hùm", "mắt trừng" đã gợi lên một bức chân dung vừa khái quát vừa cụ thể và có những nét riêng biệt của người lính với vẻ ngang tàn. Tuy nhiên, ẩn sau những nét vẽ tưởng chừng như rất dữ dội đó là tâm hồn giàu tình cảm và rất mực lãng mạn. Mặc dù luôn đối mặt với những hiểm nguy nhưng họ vẫn "gửi mộng qua biên giới", hằng đêm mơ và nhớ về bóng dáng thanh lịch của người thiếu nữ Hà thành kiều diễm. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là vẻ đẹp bi tráng thông qua thái độ của họ khi đối diện với cái chết.

Từ việc tìm hiểu chất họa trong bài “Tây Tiến”, ta thấy thơ Quang Dũng thật đậm chất “Thi trung hữu họa”. Có được điều đó là do bản thân tác giả cũng là một họa sĩ. Con người ông thật xứng đáng với hai chữ : đa tài. Nó tạo nên trong thơ Quang Dung vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng, đậm chất lãng mạn mà không nhà thơ nào có được. Cũng từ đó, ta hiểu thêm về thủ pháp « thi trung hữu họa » trong thơ ca. Bằng thủ pháp này, các nhà thơ đã vẽ nên hình ảnh bằng ngôn từ để tạo thêm sức hấp dẫn, sức gợi cho thơ.Từ đó, gởi gắm tâm tình của mình qua đường nét và màu sắc của bức tranh.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON