YOMEDIA

Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Tải về
 
NONE

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) và đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Nguyễn Huy Tưởng) đều xây dựng hình tượng nhân vật hết lòng đam mê và trân trọng cái đẹp. Thế nhưng, bởi sự khác nhau về cách cảm nhận nghệ thuật, mỗi tác phẩm có một kết thúc riêng biệt để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ về cuộc sống. Tài liệu văn mẫu Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài dưới đây sẽ giúp các em có thêm kiến thức về văn bản đồng thời hiểu hơn về quan niệm sáng tác của các tác giả. Chúc các em học tập vui vẻ!

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Giới thiệu Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và nhân vật Phùng.

2.2. Thân bài

a. Những phát hiện của Phùng

- Phùng là một nghệ sỹ nhiếp ảnh. Theo đề nghị của trưởng phòng, anh cần chụp một bức ảnh cảnh biển cho bộ lịch tháng bảy năm sau. Nơi anh tìm kiếm cảm hứng sáng tạo là một vùng quê ven biển, cũng là nơi từng là chiến trường và ở đó còn có Đẩu - người đồng đội cũ của anh giờ là Chánh án Tòa án huyện.

- Anh dày công tìm kiếm “mai phục” hàng tháng mới bất ngờ bắt gặp “một cảnh đắt trời cho” trên hành trình “săn ảnh” - cảnh chiếc thuyền trên mặt biển trong sương mù của buổi bình minh. Chứng kiến và thu vào ống kính khung cảnh đó, trong lòng Phùng trào lên niềm xúc động, hạnh phúc, cảm giác “tâm hồn như được thanh lọc”.

- Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc đó, anh lại tận mắt thấy cảnh một người đàn ông hàng chài đánh vợ một cách tàn nhẫn, thô bạo. Sự thực trần trụi, tàn nhẫn phơi bày trước mắt và xảy đến quá nhanh khiến Phùng kinh ngạc tột độ, thoạt đầu chỉ biết “đứng há hốc mồm ra mà nhìn”. Điều này cho thấy, Phùng hoàn toàn chưa có ý thức chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đối diện với muôn vàn nghịch lý của cuộc đời. Tiếp sau, Phùng còn phải trải qua nhiều “kinh ngạc” nữa: cậu bé Phác, vốn thân với anh, bỗng xa lánh và dường như thù ghét anh; người đàn bà được anh “cứu” xem ra không mấy biết ơn ân nhân bất đắc dĩ, thậm chí còn không muốn anh can dự vào chuyện của chị ta; kẻ bị hành hạ dứt khoát không bỏ người chồng đã nện mình như cơm bữa,..

b. Phùng với hành trình từ ngạc nhiên đến “vỡ lẽ” và “bừng ngộ”

- Cuộc nói chuyện với người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện đã khiến Phùng “vỡ lở” nhiều điều.

+ Anh ngỡ rằng, mình đang giúp người phụ nữ này thoát khỏi bất hạnh nhưng lại không hề biết rằng chính sự giúp đỡ đầy thiện chí đó lại đẩy người phục nữ cùng đàn con của mình vào tình thế sống còn bi thảm hơn. Bỏ chồng, người phụ nữ có thể không phải chịu đòn “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng sẽ cơ cực bội phần khi phải đơn độc vật lộn mưu sinh, đàn con sẽ tan đàn sẻ nghé khi gia đình tan vỡ, không chỉ là thất học mà còn đối mặt với bao nguy cơ: đói cơm, rách áo; sông tha phương, vất vưởng tự mưu sinh.

+ Anh đầy tự tin mình là một người trí thức - nghệ sĩ đủ nhạy cảm, mình là người đã trải nghiệm sâu sắc những năm chiến đấu để thuyết giáo một người đàn bà lao động nghèo khó, thất học mà không ngờ rằng, những gì anh có quá nghèo nàn, hời hợt, nông cạn, thậm chí ngây thơ. Chính người đàn bà lam lũ, thất học kia mới dạy cho anh những bài học đời thấm thía, sâu sắc, giúp anh nhận ra và hiểu rằng còn có bao nhiêu những ẩn ức của cuộc đời, những góc khuất tối của đời sống con người mà không phải ai cũng nhìn thấy và thấu hiểu.

c. Liên hệ với cái chết của hình tượng nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” để làm sáng tỏ nhận thức chung của mỗi nhà văn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống

- Những phát hiện và sự tỉnh ngộ, “vỡ lẽ” của phóng viên nhiếp ảnh Phùng gợi người đọc liên tưởng đến cái chết của hình tượng nhân vật Vũ Như Tô trong trích đoạn “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích vở kịch Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng.

+ Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, có khát vọng nghệ thuật cao đẹp là xây dựng được một công trình “bền như trăng sao” có thể “tranh tinh xảo với Hóa công”, làm vinh dự cho cả một dân tộc. Nhưng tòa lâu đài tráng lệ có tên Cửu Trùng Đài mà ông dốc toàn bộ tâm sức, tài năng xây dựng, bất chấp cả những cơ cực, khổ nạn của thợ thuyền và nhân dân khi bị bóc lột tận xương tủy đó lại là công trình kiến trúc chỉ phục vụ nhu cầu hưởng lạc sa đọa của Lê Tương Dực - một hôn quân với các cung nữ.

+ Xung đột không thể hòa giải giữa khát vọng nghệ thuật thuần túy của Vũ Như Tô và những người dân đói khổ bị bắt phải đi xây dựng Cửu Trùng Đài đã dẫn đến hậu quả tất yếu: Cửu Trùng Đài bị đốt, Vũ Như Tô bị đưa ra pháp trường, chấp nhận cái chết mà vẫn chưa thể tỉnh ngộ việc vì sao mình phải chết, cớ gì Cửu Trùng Đài bị đốt.

+ Cái chết của Vũ Như Tô là khó và không thể tránh khỏi khi người nghệ sĩ này tuyệt đối hóa cái đẹp, đặt cái đẹp của nghệ thuật bên ngoài những mối quan hệ xã hội, đặt cái đẹp trên cái thiện, thậm chí chà đạp lên cái thiện. Chỉ chạy theo đam mê nghệ sĩ cá nhân dù đó là khát vọng cao đẹp nhưng bỏ rơi, lãng quên nỗi khổ cực, đói nghèo của nhân dân, nghệ sĩ và sản phẩm anh tạo ra sẽ không thể có chỗ đứng trong đời sống, tất yếu sẽ bị hủy diệt.

- Từ đây có thể thấy cả Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Minh Châu đều thể hiện nhận thức chung sâu sắc, thấm thía về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống.

+ Nghệ thuật, người nghệ sỹ luôn phải gắn bó với đời sống con người và phải luôn vì con người bởi một nguyên lý muôn đời: nghệ thuật là cuộc đời, nghệ thuật sẽ chẳng là gì nếu không vì cuộc đời, con người mà có. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (nói riêng), nghệ thuật (nói chung).

+ Cuộc đời, con người mà nghệ thuật chân chính cần hướng tới, cần quan tâm hơn cả phải là cuộc đời của quần chúng nhân dân lao động - những con người đáng thương, thường phải chịu nhiều thua thiệt; những con người đau khổ, bất hạnh nhất trong mọi xã hội.

2.3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

Gợi ý làm bài

Trong văn học cách mạng trước năm 1975, thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến, hy sinh cho cách mạng, là các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện chủ yếu trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào, với kẻ thù. Sau năm 1975, văn chương trở về với đời thường và Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đi sâu khám phá đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Khi làm cho người đọc ý thức về sự thật, có khả năng nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, chằng chịt, thì văn chương đã ít nhiều đáp ứng được nhu cầu nhìn nhận và hoàn thiện nhiều mặt của nhân cách con người. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là phát hiện về đời sống và con người theo hướng đó.

Phát hiện thứ nhất của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh là một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh, nơi anh đã dự tính bố cục, đã “phục kích” mấy buổi sáng để “chộp” được một cảnh thật ưng ý. Giây phút ấy đã tới, đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp “trời cho” trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cả đời bấm máy có lẽ anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: “trước mặt tôi là bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ. Mũi thuyền in một nét loè nhoè vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới… toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp… Tôi tưởng thấy chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là cái hạnh phúc của khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu. Dường như trong hình ảnh về chiếc thuyền ngoài xa giữa trời biển mờ sương, anh đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mỹ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà, lãng mạn của cuộc đời.

Phát hiện thứ hai của nhân vật nghệ sĩ nhiếp ảnh lại đầy nghịch lý, nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Phùng đã từng có “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”, anh đã từng chiêm nghiệm “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, vậy mà hoá ra đằng sau cái đẹp “toàn bích… toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên mặt biển xa lại chẳng phải là “đạo đức”, là “chân lý của sự toàn thiện”. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu; một lão đàn ông thô kệch, dữ dằn và độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải toả những uất ức, khổ đau. Phùng đã từng là người lính cầm súng chiến đấu để có vẻ đẹp thanh bình của thuyền biển mênh mông, anh không thể chịu được khi chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ một cách vô lý và thô bạo. Nhưng anh chưa kịp xông ra thì thằng Phác, con lão đàn ông đã kịp tới để che chở cho người mẹ đáng thương. Chỉ đến lần thứ hai, khi lại phải chứng kiến cảnh ấy, Phùng mới thể hiện được bản chất người lính không thể làm ngơ trước sự bạo hành của cái ác. Lão đàn ông đánh trả, Phùng bị thương, anh được đưa về trạm y tế của toà án huyện, ở đó có chánh án Đẩu, bạn chiến đấu cũ của anh. Phùng cay đắng nhận thấy những cái ngang trái, xấu xa, những bi kịch trong gia đình thuyền chài kia đã là thứ thuốc rửa quái đản làm những thước phim huyền diệu mà anh dày công chụp được bỗng hiện hình thật khủng khiếp, ghê sợ.

Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở toà án huyện là câu chuyện về sự thật cuộc đời, nó giúp những người như Phùng và Đẩu hiểu được nguyên do của những điều tưởng như vô lý. Bề ngoài đó là một người đàn bà quá nhẫn nhục, cam chịu, bị chồng thường xuyên hành hạ, đánh đập thật khốn khổ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, vậy mà vẫn nhất quyết gắn bó với lão đàn ông vũ phu ấy. Chỉ qua những lời giãi bày thật tình của người mẹ đáng thương đó mới thấy nguồn gốc mọi sự chịu đựng, hy sinh của bà là tình thương vô bờ với những đứa con: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có những người đàn ông ở thuyền để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa… phải sống cho con chứ không thể sống cho mình…”. Nếu hiểu sự việc một cách đơn giản, chỉ cần yêu cầu người đàn bà bỏ chồng là xong. Nhưng nếu nhìn vấn đề một cách thấu suốt sẽ thấy suy nghĩ và xử sự của bà là không thể khác được. Trong khổ đau triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no… trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”; “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn…”. Qua câu chuyện của người đàn bà càng thấy rõ: không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống.

Tư tưởng nghệ thuật đó của Nguyễn Minh Châu thấm sâu trong hầu hết các nhân vật của truyện ngắn: người đàn bà vùng biển, lão đàn ông độc ác, chị em thằng Phác, người nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Tác giả chỉ gọi là “người đàn bà” một cách phiếm định. Tuy không có tên tuổi cụ thể, chỉ là một người vô danh như biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận con người ấy lại được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này. Trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, người đàn bà ấy gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Bà thầm lặng chịu đựng mọi đớn đau, khi bị chồng đánh “không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy”, bà coi đó là lẽ đương nhiên, chỉ đơn giản trong cuộc mưu sinh đầy cam go, trên chiếc thuyền kiếm sống ngoài biển xa cần có một người đàn ông khoẻ mạnh và biết nghề, chỉ vì những đứa con của bà cần được sống và lớn lên. “Tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài” – một sự cam chịu nhẫn nhục như thế thật đáng để chia sẻ, cảm thông. Thấp thoáng trong hình ảnh người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hy sinh.

Có lẽ cuộc sống đói nghèo, vất vả, quẩn quanh bao nhiêu lo toan, cực nhọc đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” xưa kia thành một người chồng vũ phu, một lão đàn ông độc ác. Cứ khi nào thấy khổ quá là lão đánh vợ, đánh như để giải toả uất ức, để trút cho sạch nỗi tức tối, buồn phiền: “lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”. Trong đời vẫn có những kẻ như thế, nói như Nam Cao trước kia, chỉ để thoả mãn lòng ích kỷ, chúng tự cho mình cái quyền được hành hạ mọi người. Lão đàn ông “chân chữ bát”, “mái tóc tổ quạ”, “hai con mắt đầy vẻ độc dữ”, vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn khổ, vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho chính những người thân của mình.

Trong một gia đình mà bố mẹ có chuyện lục đục, đáng thương nhất là những đứa trẻ. Chúng bị đẩy vào tình thế thật khó xử: biết đứng về phía ai, biết làm thế nào để trọn đạo làm con? Chị thằng Phác, một cô bé yếu ớt mà can đảm, đã phải vật lộn để tước con dao trên tay thằng em trai, không cho nó làm một việc trái với luân thường đạo lý. Chắc trong lòng cô bé tan nát vì đau đớn: bố điên cuồng hành hạ mẹ; chỉ vì thương mẹ mà thằng em định cầm dao ngăn bố… Cô bé lúc ấy là điểm tựa vững chắc của người mẹ đáng thương, cô đã hành động đúng khi cản được việc làm dại dột của đứa em, lại biết chăm sóc, lo toan khi mẹ phải đến toà án huyện. Còn thằng Phác lại thương mẹ theo kiểu một đứa con còn nhỏ, theo cái cách một đứa con trai vùng biển: nó “lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt”, nó “tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Mặc dù thật khó chấp nhận kiểu bảo vệ mẹ của nó, nhưng hình ảnh thằng Phác vẫn khiến người ta cảm động bởi tình thương mẹ dạt dào.

Vốn là người lính chiến từng vào sinh ra tử, Phùng căm ghét mọi sự áp bức, bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, lẽ công bằng. Anh thực sự xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của thuyền biển bình minh. Một người nhạy cảm như anh tránh sao khỏi nỗi tức giận khi phát hiện ra ngay sau cảnh đẹp chiếc thuyền ngoài xa là sự bạo hành của cái xấu, cái ác. Mới đầu, chứng kiến cảnh lão đàn ông đánh vợ và người vợ nhẫn nhục chịu đựng, Phùng hết sức “kinh ngạc”, anh “há mồm ra mà nhìn”, rồi sau như một phản xạ tự nhiên, anh “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Hành động ấy nói được nhiều điều. Chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, một khoảng cách đủ để tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, nhưng sự thật cuộc đời lại ở rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét vui buồn trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có một cuộc sống xứng đáng với con người.

Ở tác phẩm này, nét độc đáo trong xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu là cách tạo tình huống mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống. Nếu coi tình huống là sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm, trong cuộc đời con người, thì với Phùng, việc chứng kiến lão đàn ông đánh vợ là một sự kiện như thế. Trước đó, Phùng nhìn đời bằng con mắt của một nghệ sĩ, anh rung động, say mê trước vẻ đẹp “trời cho” của thuyền biển sớm mai. Chính trong giây phút tâm hồn thăng hoa những cảm xúc lãng mạn nhất, anh bất ngờ chứng kiến đôi vợ chồng từ con thuyền “thơ mộng” bước xuống, rồi lão đàn ông đánh vợ một cách dã man và vô lý. Tình huống đó được lặp lại một lần nữa, Phùng không chỉ chứng kiến người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng mà còn thấy được thái độ, hành động của chị em thằng Phác trước sự hung bạo của cha với mẹ. Từ đó đến cuối truyện, Phùng đã có cách nhìn đời khác hẳn. Anh thấy rõ những cái ngang trái trong gia đình thuyền chài ấy, hiểu sâu thêm tính cách người đàn bà, chị em thằng Phác, hiểu sâu thêm bản chất người đồng đội của mình (Đẩu) và hiểu thêm chính mình. Tình huống truyện đã được Nguyễn Minh Châu đẩy lên cao trào và ngày càng xoáy sâu hơn nữa để phát hiện tính cách con người, phát hiện sự thật cuộc đời.

Ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn này cũng rất đáng chú ý. Người kể chuyện ở đây là nhân vật Phùng, hay nói đúng hơn, đó là sự hoá thân của tác giả vào nhân vật Phùng. Việc chọn người kể chuyện như thế đã tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống của tình huống truyện, lời kể chuyện trở nên khách quan, chân thật, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ các nhân vật phù hợp với đặc điểm tính cách của từng người: giọng điệu lão đàn ông thật thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ đầy vẻ tục tằn, hung bạo; những lời của người đàn bà thật dịu dàng và xót xa khi nói với con, thật đớn đau và thấu trải lẽ đời khi nói về thân phận của mình; những lời của Đẩu ở toà án huyện rõ là giọng điệu của một người tốt bụng, nhiệt thành… Việc sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo như thế đã góp phần khắc sâu thêm chủ đề- tư tưởng của truyện ngắn.

Có thể thấy cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu trước năm 1975 là cảm hứng anh hùng cách mạng, còn sau năm 1975 là cảm hứng về nhân cách con người, là hành trình “khám phá con người bên trong con người” (Bakhtin). Theo mạch cảm hứng ấy, năm 1982 Nguyễn Minh Châu viết truyện ngắn Bức tranh; trong ý nghĩ tự phán xét, nhân vật hoạ sĩ đã vẽ một bức chân dung tự hoạ nhằm thể hiện “khuôn mặt bên trong của chính mình”. Đáng lưu ý là, nếu trong truyện Bức tranh, Nguyễn Minh Châu hướng cái nhìn nghệ thuật vào thế giới nội tâm thì trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu lại hướng cái nhìn nghệ thuật ra thế giới bên ngoài, ra cuộc sống đời thường. Nếu truyện Bức tranh là sự tự nhận thức, tự phê phán của con người dưới ánh sáng của lương tâm, đạo đức, thì truyện Chiếc thuyền ngoài xa là sự nhận thức và phê phán cái xấu, cái ác trong cuộc sống thường ngày. Cả hai tác phẩm đều được viết dưới sự chỉ đạo của quan điểm nghệ thuật: chỉ ra mặt xấu, mặt tối để góp phần hoàn thiện nhân cách con người, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, truyện Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thực sự sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng, thật đúng như Nguyễn Minh Châu từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”.

Cái đẹp là một phạm trù mĩ học cơ bản giữ vị trí trung tâm trong quan hệ thẩm mĩ giữa con người và hiện thực, bao chứa các quan hệ chân – thiện – mĩ. Trong văn học nghệ thuật, cái đẹp luôn là đề tài, là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên từ nguồn cảm hứng về cái đẹp, mỗi thời đại, mỗi người nghệ sĩ lại có những quan niệm khác nhau về cái đẹp. Từ quan niệm của Socrate, Platon, Kant, Leptonxtoi… cái đẹp đã có cả một quá trình vận động của nó. Tiếp cận tác phẩm từ quan niệm về cái đẹp qua trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng ta sẽ thấy được điều đó.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, cái đẹp là “phạm trù mĩ học xác định các hiện tượng theo quan điểm về sự hoàn thiện, xem các hiện tượng đó như là có giá trị thẩm mĩ cao nhất”. Cái đẹp là một phạm trù của mĩ học. Tuy nhiên khác với cái đẹp tồn tại khách quan ngoài cuộc sống, trong văn học nghệ thuật, cái đẹp là một sản phẩm nghệ thuật đặc biệt do người nghệ sỹ sáng tạo nên và là một phương diện không thể thiếu được của nghệ thuật.

Nhưng tác phẩm nghệ thuật chỉ đẹp, tức là có giá trị nghệ thuật khi nó thể hiện chân thực đời sống trong mọi biểu hiện thẩm mĩ của nó thông qua lăng kính lý tưởng nhân đạo, thể hiện sự phong phú về tinh thần của con người, dưới một hình thức hoàn thiện bậc thầy.

Cái đẹp đi vào mọi lĩnh vực của đời sống làm cho cái ác, cái xấu bị đẩy lùi xa hơn. Trong tác phẩm nghệ thuật, cái đẹp không chỉ thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của người đọc, bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ cho người đọc mà còn nâng đỡ tâm hồn người đọc, hướng người đọc đến Chân – thiện – mĩ, đúng như Đô-xtôi-ep-xki nói: “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại”. Cái đẹp còn phản ánh quan niệm mĩ học của nhà văn, xu hướng, tình cảm thẩm mĩ của xã hội ở thời điểm đó. Vì vậy, hiểu được cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật, sẽ hiểu được cội nguồn các phương thức nghệ thuật được nhà văn sử dụng để xây dựng hình tượng nghệ thuật và cách nhìn, sự đánh giá của nhà văn đối với cuộc đời, con người trong tác phẩm.

Là nhà văn giàu tâm huyết với nghề và có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học mới, Nguyễn Huy Tưởng đã đem đến cho người đọc những trang viết đôn hậu, tin yêu đối với con người từ quan niệm mĩ học của nhà văn. Quan niệm này thể hiện đậm nét trong vở kịch Vũ Như Tô.

Vũ Như Tô là một vở kịch gồm V hồi. Tác phẩm viết về một sự kiện xảy ra ở kinh thành Thăng Long thế kỷ XVI. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa muốn mượn bàn tay của Vũ Như Tô, một kiến trúc sư thiên tài xây cho hắn một Cửu Trùng Đài làm nơi vui chơi với các cung nữ. Là một người nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô đã từ chối xây Cửu Trùng Đài cho Lê Tương Dực. Đan Thiềm, một cung nữ đã khuyên Vũ Như Tô lợi dụng công khố của hắn xây một Cửu Trùng Đài hoa lệ. Cửu Trùng Đài càng lên cao, càng tốn kém tiền của nhân dân. Vô tình, Vũ Như Tô trở thành kẻ thù của dân chúng. Lợi dụng sự rối ren, Trịnh Duy Sản cầm đầu quân khởi loạn giết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm, đốt Cửu Trùng Đài. Trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài thuộc hồi V của tác phẩm.

Trải dài trên trang văn của Nguyễn Huy Tưởng trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích Vũ Như Tô) là quan niệm nghệ thuật về cái đẹp của nhà văn. Đó là cái đẹp siêu phàm, thậm chí là một bông hoa ác đẫm máu.

Với quan niệm, cái đẹp của nghệ thuật phải là cái đẹp siêu phàm, nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Vũ Như Tô, một người nghệ sĩ tài hoa, có niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. Khát vọng của Vũ Như Tô là xây dựng một Cửu Trùng Đài hoa lệ, thách những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công và để lại niềm vinh dự tự hào cho hậu thế. Đó là khát vọng cao đẹp của một người nghệ sĩ chân chính. Thế nhưng, Cửu Trùng Đài càng lên cao, càng tốn kém tiền của, công sức của nhân dân. Lại thêm, đại dịch, hạn hán, mất mùa liên miên khiến đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Vô tình, Vũ Như Tô trở thành kẻ thù của dân chúng lúc nào mà ông không hay!

Biết rằng, khát vọng của Vũ Như Tô là khát vọng của một người nghệ sĩ chân chính, mong muốn đem tài năng của mình để tô điểm cho đất nước. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ, niềm say mê sáng tạo cái đẹp của Vũ Như Tô trở nên phù phiếm. Tiếc rằng người nghệ sĩ chân chính ấy vẫn mơ màng, ảo tưởng về những việc mình đã làm. Trích đoạn đã phản ánh chân thực trạng thái mơ màng, ảo tưởng của người nghệ sĩ.

Biết có biến, Đan Thiềm, một cung nữ thông minh, tỉnh táo, nhạy cảm với thời cuộc đã khuyên Vũ Như Tô trốn đi, nhưng Vũ Như Tô vẫn không hiểu vì sao lại phải trốn đi: “Sao trước đây bà bảo tôi ở lại, bây giờ lại bảo tôi trốn đi?”. Đến khi quân khởi loạn vào cung đốt phá, Vũ Như Tô vẫn mơ màng. Ông không tin việc mình làm lại có thể gây nên tội ác mà cho rằng: việc mình làm là quang minh, chính đại. Cho nên đi đến tận cùng của ước mơ, khát vọng, Vũ Như Tô đau đớn nhận ra giấc mộng lớn của mình bị tan vỡ: Cửu Trùng Đài bị đốt, Vũ Như Tô bị bắt. Ông kêu lên đau đớn:“Ôi đảng ác! Ôi căm giận muôn phần! Trời ơi! Phú cho ta cái tài để làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Đó là tiếng kêu đầy máu và nước mắt của một người nghệ sĩ khao khát đem tài năng sáng tạo cái đẹp, nhưng lại bị vùi dập.

Nếu Vũ Như Tô mơ màng, ảo tưởng thì Đan Thiềm – một cung nữ lại rất thông minh, tỉnh táo, nhạy cảm trước những biến cố xảy ra trong kinh thành. Trước đây, Vũ Như Tô từ chối xây Cửu Trùng Đài cho hôn quân bạo chúa Lê Tương Dực, Đan Thiềm khuyên ông lợi dụng quyền thế, tiền bạc của Lê Tương Dực để xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài “bền như trăng sao”. Nhưng khi biết có biến xảy ra, quân khởi loạn nổi dậy, giết Lê Tương Dực, đốt phá kinh thành, bắt Vũ Như Tô, Đan Thiềm đã khuyên Vũ Như Tô bỏ trốn, thậm chí xin đổi cả tính mạng để Vũ Như Tô được sống, với một lí do hết sức cao đẹp: “Tài kia không nên uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không có ai tô điểm nữa”. Đan Thiềm tuy không sáng tạo nên cái đẹp nhưng lại là người biết yêu cái tài, trân trọng cái tài sáng tạo nên cái đẹp. Vì thế đặt nhân vật Đan Thiềm bên cạnh Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã khắc sâu bi kịch vỡ mộng của một người nghệ sĩ tài ba, chân chính nhưng không gặp thời.

Phản ánh bi kịch vỡ mộng của Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng muốn khẳng định cái đẹp là nghệ thuật, nhưng cái đẹp chỉ là nghệ thuật khi nó bắt rễ từ hiện thực cuộc sống của nhân dân. Nếu xa rời cuộc sống, cái đẹp chỉ còn là một bông hoa ác đẫm máu. Mặt khác, nhà văn còn đặt ra một yêu cầu đối với người nghệ sĩ, người nghệ sĩ phải có niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật, nhưng cũng phải hết sức tỉnh táo, nhạy cảm trước cuộc đời. Có như thế mới đến được cái chân – thiện – mĩ. Nếu không, cái đẹp ấy vẫn chỉ là niềm mơ ước, là cái đẹp siêu phàm.

Quan niệm nghệ thuật về cái đẹp của nhà văn đã chi phối cách cảm, cách nghĩ của nhà văn về cuộc đời, con người được phản ánh trong tác phẩm, chi phối bút pháp nghệ thuật. Từ quan niệm cái đẹp trong nghệ thuật phải bắt rễ từ đời sống, Nguyễn Huy Tưởng chọn bút pháp hiện thực để xây dựng nhân vật Vũ Như Tô. Do vậy, tìm hiểu quan niệm về cái đẹp của mỗi nhà văn, ta có thể hiểu được quan niệm mĩ học của người cầm bút, rộng hơn là nhân cách, tài năng, là bản lĩnh của nhà văn trong việc phản ánh hiện thực đời sống.

“Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, sáng tạo”, nhưng không phải người cầm bút nào cũng có thể đem đến cho văn chương những điều mới lạ, mà chỉ có những người nghệ sĩ chân chính, có tài năng thực sự và giàu tâm huyết đối với nghệ thuật mới có thể đem đến cho văn chương sự sáng tạo, độc đáo. Quan niệm nghệ thuật về cái đẹp của Nguyễn Huy Tưởng là một trong những sự sáng tạo độc đáo ấy! Song để hiểu một cách sâu sắc và toàn diện quan niệm nghệ thuật về cái đẹp của nhà văn. Đó vẫn là điều bí ẩn trước cuộc đời. Nói như Leptoxtoi “Sách viết về cái đẹp đã chất lên thành núi, cái đẹp vẫn còn là câu đố giữa cuộc đời”.

Cái đẹp là một hiện tượng thẩm mĩ vô cùng đa dạng, phong phú, là thước đo, là chuẩn mực đời sống của con người. Trong văn học, cái đẹp mang tính khái quát, sống động, tập trung. Lí giải quan niệm nghệ thuật về cái đẹp của Nguyễn Huy Tưởng trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, ta thấy nhà văn trân trọng khát vọng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, nhưng cũng rất tỉnh táo. Nguyễn Huy Tưởng không ca ngợi Vũ Như Tô mà chỉ cảm thông với bi kịch vỡ mộng của Vũ Như Tô. Và nhà văn cầm bút chẳng qua “cùng một bệnh với Đan Thiềm” - bệnh yêu cái tài sáng tạo nên cái đẹp! Đó cũng là ý nghĩa cuộc hành trình tìm kiếm cái đẹp của người nghệ sĩ. Do vậy, tiếp cận một tác phẩm văn học không thể không tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về cái đẹp của nhà văn – thước đo tinh thần, tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ.

Nghệ thuật luôn đi lên từ cái nhìn chân chính. Đúng như thế, nói đến nghệ thuật ta không thể không nhắc đến cuộc sống vì hai thứ ấy luôn gắn liền với nhau. Hai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Minh Châu tuy viết hai tác phẩm ở hai giai đoạn khác nhau nhưng họ cùng hướng đến quan niệm về nghệ thuật. Quan niệm đó được thể hiện qua hình tượng hai nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa và Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Hai nhà văn đã xây dựng lên hai nhân vật có nhiều nét tương đồng một cách trùng hợp và tài tình. Cũng nhờ như thế mà hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người đều được họ tìm thấy và nâng tầm giá trị.

Đầu tiên là Nguyễn Minh Châu, ông được xem là một trong những nhà văn tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, văn của ông giản dị mà sâu sắc, thấm thía nhiều dư vị về cuộc đời, thấm đẫm nghệ thuật, cái mà ông luôn xem là bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Cũng nhờ như thế mà nhân vật Phùng đã ra đời qua chính ngòi bút của ông.

Phùng là một nhiếp ảnh gia, theo lời đề nghị của trưởng phòng, ông phải chụp một bức ảnh để đăng cho bộ lịch cuối năm, sau nhiều ngày lao lực tìm kiếm, anh bắt gặp một hình ảnh chiếc thuyền đang từ từ ghé vào bờ trong một buổi sáng sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Quá thăng hoa trong cảm xúc khi khám phá ra được một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ, anh nhanh chóng bấm máy liên thanh và có những bức ảnh ăn ý không dễ gì có được trong một đời làm nghệ thuật.

Chứng kiến buổi làm việc giữa Đẩu, một người đồng đội cũ nay là chánh án toà án huyện, với người phụ nữ khốn khổ kia, Phùng mới vỡ lẽ ra rằng, người phụ nữ phải cam chịu một bề, không chống trả những trận đòn của chồng và không chịu giải phóng là vì tình yêu vô bờ bến đối với những đứa con. Phùng cay đắng nhận ra rằng, đằng sau cảnh đẹp như mơ kia là bao ngang trái, éo le của đời thường mà anh chưa hiểu hết. Trưởng phòng rất hài lòng về tấm ảnh. Mãi về sau, nó vẫn được treo ở nhiều nơi, nhất và những gia đình sành nghệ thuật. Nhưng mỗi khi nhìn kỹ bức ảnh, cảm xúc của anh luôn lẫn lộn trào dâng.

Tình huống được tạo nên từ ngòi bút của ông là sự tương phản giữa nghệ thuật và cuộc sống, nghệ thuật thì ở ngoài xa còn cuộc đời thì lại thật gần, nghệ thuật thì đẹp nhưng cuộc đời sao đầy rẫy bao ngang trái. Ông cho người đọc thấy được cái nhìn đa diện, nhiều chiều về cuộc sống, chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng đã hiểu ra nhiều điều về con người, về cuộc sống khi chứng kiến câu chuyện và tiếp xúc với người đàn bà hàng chài, từ đó ông gợi mở những vấn đề mới vô cùng triết lý cho sáng tạo và nghệ thuật.

Tiếp đến là Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn có thiên hướng khai thác đề tài lịch sử, ông có rất nhiều đóng góp nổi bật ở thể loại tiểu thuyết và kịch, một trong những vở kịch để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc là Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài mà thông qua nhân vật Vũ Như Tô ta càng thấy được mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Vũ Như Tô được biết đến qua tác phẩm của ông là một kiến trúc sư thiên tài và đam mê nghệ thuật, bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Nhưng ông là một nghệ sĩ có nhân cách và có lý tưởng nghệ thuật hết sức cao đẹp, không phải là người ham sống sợ chết hay chỉ vì chút công danh mà phải bán thân mình cho nghệ thuật. Lúc đầu, ông nhất định thà chết chứ không xây dựng Cửu Trùng Đài cho tên vua bạo ngược, nhưng khi nhận ra giá trị nghệ thuật để lại cho đời thì ông lại quên mất một thực tế là dân chúng đang đói khổ.

Cửu Trùng Đài càng xây cao bao nhiêu thì mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của nhân dân ngày càng tăng lên bấy nhiêu. Vũ Như Tô càng quyết tâm xây dựng Cửu Trùng Đài thì các mâu thuẫn ngày càng theo đó mà khó giải quyết và Đan Thiềm càng khuyến khích Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài thì xung đột giữa người nông dân và con người nghệ thuật ngày càng tăng cao. Có thể nói đó là một khát vọng hết sức chân chính nhưng nó được đặt không đúng chỗ , không kịp thời, không tính đến giá trị cuộc sống thì nghiễm nhiên chính nó sẽ tự trở thành tai họa. Trong việc xây dựng Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô vừa là phạm nhân và cũng vừa là nạn nhân. Diễn biến mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô và Đan Thiềm mặc dù được giải quyết nhưng không được thõa đáng. Vũ Như Tô bị giết mặc dù trong thâm tâm ông không hề có ý định hại dân, khi chết ông vẫn chưa nhận ra được sai lầm của mình.

Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra những vấn đề sâu sắc và có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lý tưởng nghệ thuật cao siêu thuần túy của muôn đời với lợi ích thiết thực và trực tiếp của nhân dân.

Cả hai tác phẩm này đều xây dựng lên một nhân vật hết lòng đam mê nghệ thuật nhưng chỉ vì chưa thấy rõ sự đối lập mà dẫn đến những kết cục đáng buồn. Nghệ sĩ Phùng đã thấy được mặt trái của sự việc và đã kịp thời sửa sai nhưng Vũ Như Tô phải lấy cả cái giá của nghệ thuật để đổi bằng chính mạng sống của mình. Tuy được viết vào hai bối cảnh xã hội khác nhau, văn hóa mà đối tượng tồn tại khác nhau và phong cách của hai nhà văn cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung đã lật ra lá bài của nghệ thuật. Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, phục vụ cuộc sống, nếu nghệ thuật xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng thì chỉ đem lại bi kịch thảm khốc như của Vũ Như Tô hay cái nhìn phiến diện về cuộc sống của nghệ sĩ Phùng. Tuy rằng nghệ thuật là cái đẹp của cuộc sống nhưng không phải lúc nào nó cũng đẹp. Đằng sau của tấm huy chương rạng rỡ luôn gồ gề và nhiều khuyết điểm. Ngoài ra, nghệ thuật chân chính là nghệ thuật vì cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống, nghệ thuật xa rời cuộc sống chỉ là nghệ thuật suông, không xứng đáng là nghệ thuật chân chính, đều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết tìm tòi, khám phá cuộc sống, hiểu nó trên nhiều phương diện. Nghệ sĩ chân chính cũng giống như nghệ thuật chân chính và nghệ thuật luôn phải vì nhân sinh không chỉ bó hẹp nghệ thuật vì nghệ thuật. Như Tố Hữu đã từng tâm sự:

Nhân dân là bể

Văn nghệ là thuyền

Thuyền xô dóng dậy

Sóng đẩy thuyền lên.

Cả hai nhà văn đã cho ta nhận thức được cái đẹp của nghệ thuật như thế nào, con đường tìm kiếm, đi đến và chinh phục nghệ thuật sẽ ra sao. Tuy không đem lại kết cục như mong đợi nhưng hai nhà văn dường như đã bộc lộ hết vẻ tài tình qua những lời văn của mình. Ngôn ngữ điêu luyện, có tính tổng hợp cao, dùng ngôn từ và hành động của nhân vật để khắc họa tính cách, đó chính là cái tài mà không dễ ai có được. Và cũng nhờ nghệ thuật chân chính mà cái tài đó càng thêm sâu sắc hơn, thấm đẫm với chúng ta hơn.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON