Xin giới thiệu đến các em Đề cương ôn tập giữa HK2 môn GDCD 12 năm 2021-2022 dưới đây nhằm giúp các em có thêm tài liệu tham khảo để chuẩn bị cho kì thi giữa học kì 2 sắp tới thật tốt. HOC247 hi vọng rằng đây sẽ là tài liệu bổ ích để các tham khảo. Chúc các em học tập tốt.
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA HK2 MÔN GDCD 12 NĂM 2021-2022
1. Lý thuyết
1.1. Công dân với các quyền dân chủ
1.1.1. Quyền bầu cử và quyền ứng cử các cơ quan đại biểu của nhân dân
a. Khái niệm quyền bầu cử và ứng cử
Quyền bầu cử và ứng cử là các quyền dân chủ cơ bản của công dân trong lĩnh vực chính trị, thông qua đó, nhân dân thực thi hình thức dân chủ gián tiếp ở từng địa phương và trong phạm vi cả nước.
b. Nội dung quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại biểu của nhân dân
- Người có quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan đại biểu của nhân dân:
- Mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc Hội, Hội đồng ND
- Những trường hợp không được thực hiện quyền bầu cử gồm: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang phải chấp hành hình phạt tù; người mất năng lực hành vi dân sự…
- Những trường hợp không được thực hiện quyền ứng cử: Những người thuộc diện không được thực hiện quyền bầu cử; người đang bị khởi tố về hình sự; người đang phải chấp hành bản án, quyết định của tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án nhưng chưa được xóa án; người đang chấp hành quyết định xử lí hành chính về giáo dục hoặc đang bị quản chế hành chính.
- Cách thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân:
- Quyền bầu cử của công dân thực hiện theo các nguyên tắc: Bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
- Quyền ứng cử của công dân được thực hiện theo hai con đường: Tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử.
- Ý nghĩa của quyền bầu cử và ứng cử của công dân
- Là cơ sở pháp lý - chính trị quan trọng để hình thành các cơ quan quyền lực nhà nước, để nhân dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình.
- Thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta.
1.1.2. Quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội
a. Khái niệm về quyền tham gia quản lí đất nước và xã hội
Quyền tham gia quản lí đất nước và xã hội là quyền của công dân tham gia thảo luận vào các công việc chung của đất nước trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong phạm vi của cả nước và trong địa phương ; quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước về xây dựng bộ máy nhà nước và phát triển kinh tế xã hội.
b. Nội dung cơ bản của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội
- Ở phạm vi cả nước:
- Tham gia thảo luận, góp ý kiến xây xựng các văn bản pháp luật.
- Thảo luận và biểu quyết các vấn đề trọng đại khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
- Ở phạm vi cơ sở:
- Trực tiếp thực hiện theo cơ chế "Dân biết, dân làm, dân kiểm tra"
- Những việc phải được thông báo để dân biết mà thực hiện (chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước…).
- Những việc dân làm và quyết định trực tiếp bằng biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín
- Những việc dân được thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến trước khi chính quyền xã quyết định .
- Những việc nhân dân ở phường, xã giám sát, kiểm tra.
c. Ý nghĩa của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội
Là cơ sở pháp lí quan trọng để nhân dân tham gia vào hoạt động của bộ máy Nhà nước, nhằm động viên và phát huy sức mạnh của tồn dân, của tồn xã hội về việc xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh và hoạt động có hiệu quả.
1.1.3. Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân
a. Khái niệm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân
- Quyền khiếu nại, tố cáo là quyền dân chủ cơ bản của công dân được quy định trong hiến pháp, là công cụ để nhân dân thực hiện dân chủ trực tiếp trong những trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị hành vi trái pháp luật xâm hại.
- Quyền khiếu nại là quyền công dân, cơ quan, tổ chức được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của công dân.
- Quyền tố cáo là quyền công dâ được phép báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ đến lợi ích của nhân dân, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
b. Nội dung quyền khiếu nại, tố cáo của công dân
- Người có quyền khiếu nại, tố cáo:
- Người khiếu nại
- Người tố cáo
- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Người giải quyết khiếu nại: Người đứng đầu cơ quan hành chính có quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại; người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính có quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Thanh tra Chính phủ, thủ tướng chính phủ.
- Người giải quyết tố cáo: Người đứng đầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền quản lý người bị tố cáo, người đứng đầu cơ quan tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức người bị tố cáo; Chánh Thanh tra các cấp, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Nếu hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì do các cơ quan tố tụng giải quyết
- Quy trình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo:
+ Quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại:
- Bước 1: Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
- Bước 2: Người giải quyết khiếu nại xem xét giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền và trong thời gian do luật quy định.
- Bước 3: Nếu người khiếu nại đồng ý với kết quả giải quyết thì quyết định của người giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành. Nếu người khiếu nại không đồng ý thì họ có quyền lựa chọn một trong hai cách: hoặc tiếp tục khiếu nại lên người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên, hoặc kiện ra Tòa Hành chính thuộc Tòa án nhân dân giải quyết .
- Bước 4: Người giải quyết khiếu nại lần hai xem xét, giải quyết yêu cầu của người khiếu nại. Nếu người khiếu nại vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai thì trong thời gian do luật quy định, có quyền khởi kiện ra Tòa hành chính thuộc Tòa án nhân dân.
+ Quy trình tố cáo và giải quyết tố cáo gồm các bước sau:
- Bước 1: Người tố cáo gửi đơn tố cáo đến chính quyền, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
- Bước 2: Người giải quyết tố cáo phải tiến hành việc xác minh và giải quyết nội dung tố cáo.
- Bước 3: Nếu người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật hoặc quá thời gian quy định mà tố cáo không được giải quyết thì người tố cáo có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.
- Bước 4: Cơ quan tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo lần hai có trách nhiệm giải quyết trong thời gian luật quy định.
c. Ý nghĩa của quyền tố cáo, khiếu nại của công dân
Là cơ sở pháp lí để công dân thực hiện một cách có hiệu quả quyền công dân của mình trong một xã hội dân chủ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ngăn chặn những việc làm trái pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân.
1.1.4. Trách nhiệm của Nhà nước và công dân trong việc thực hiện các quyền dân chủ của công dân
- Quốc Hội ban hành Hiến pháp và các luật làm cơ sở pháp lí vững chắc cho sự hình thành chế độ dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.
- Chính phủ và chính quyền các cấp tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật.
- Tòa án và các cơ quan tư pháp phát hiện kịp thời và xử lí nghiêm minh những vi phạm pháp luật.
- Trách nhiệm của công dân: Thực hiện quyền dân chủ tức là thực thi quyền của người làm chủ nhà nước và xã hội. Muốn làm một người chủ tốt thì trước tiên cần có ý thức đầy đủ về trách nhiệm làm chủ.
1.1.5. Phân biệt khiếu nại và tố cáo
- Khiếu nại:
+ Người có khiếu nại:
- Cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại là người có quyền.
- Mục đích: Khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của chính người khiếu nại đã bị xâm phạm.
+ Người có thẩm quyền giải quyết:
- Người đứng đầu cơ quan hành chính có quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan hành chính có quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại.
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Thanh tra Chính phủ.
- Tố cáo:
+ Người có quyền tố cáo:
- Ai là người có quyền tố cáo.
- Mục đích: Phát hiện, ngăn chặn các việc làm trái pháp luật xâm hại đến lợi ích của nhà nước, tổ chức và cá nhân.
- Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo: Điều 58 Luật Khiếu nại, tố cáo (xem Tư liệu tham khảo)
+ Người có thẩm quyền giải quyết:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lí người bị tố cáo, người đứng cơ quan, tổ chức cấp trên của cơ quan, tổ chức có người bị tố cáo
- Chánh thanh tra các cấp, Tổng thanh tra Chính phủ
- Các cơ quan tố tụng (điều tra, kiểm sát, tòa án ) nếu hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm hình sự.
1.2. Pháp luật với sự phát triển của công dân
1.2.1. Quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân
a. Quyền học tập của công dân
- Mọi công dân đều có quyền học từ thấp đến cao, có thể học bất cứ ngành,nghề nào, có thể học bằng nhiều hình thức và có thể học thường xuyên, học suốt đời.
- Quyền học tập của công dân còn có nghĩa là mọi công dân đều được đối xữ bình đẵng về cơ hội học tập
b. Quyền sáng tạo của công dân
- Quyền của mỗi người được tự do nghiên cứu khoa học, tự do tìm tòi, suy nghĩ để đưa ra các phát minh, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, hợp lí hóa sản xuất; quyền về sáng tác văn học, nghệ thuật, khám phá khoa học để tạo ra các sản phẩm, công trình khoa học về các lĩnh vực đời sống xã hội.
- Quyền sáng tạo của công dân bao gồm quyền tác giả, quyền sở hữ u công nghiệp và hoạt động khoa học, công nghệ
c. Quyền được phát triển của công dân
- Quyền được phát triển là quyền của công dân được sống trong môi trường xã hội và tự nhiên có lợi cho sự tồn tại và phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ, đạo đức; có mức sống đầy đủ về vật chất, được học tập, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tham gia các họat động văn hóa, đuợc cung cấp thông tin và chăm sóc sức khỏ, được khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng.
- Quyền được phát triển của công dân được biểu hiện ở hai nội dung:
- Một là, quyền của công dân được hưởng đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ để phát triển tồn diện.
- Hai là, công dân có quyền được khuyến khích, bồi dưỡng để phát triển tài năng.
1.2.2. Ý nghĩa quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân
Quyền học tập, sáng tạo và phát triển là quyền cơ bản của công dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội ta, là cơ sở, điều kiện cần thiết để con người được phát triển tòan diện, trở thành những công dân tốt, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1.2.3. Trách nhiệm của Nhà nước và công dân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân
a. Trách nhiệm của nhà nước
- Ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện đồng bộ các biện pháp cần thiết để các quyền này thực sự đi vào đời sống của mỗi người dân.
- Các quyền này của công dân và các biện pháp bảo đảm thực hiện của Nhà nước được quy định trong Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em và trong nhiều văn bản pháp luật khác của nhà nước
- Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.
- Nhà nước khuyến khích, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.
- Nhà nước bảo đảm những điều kiện để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
b. Trách nhiệm của công dân
- Có ý thức học tập tốt để trở thành người có ích trong cuộc sống.
- Có ý chí vươn lên, luôn chịu khó tìm tòi và phát huy tính sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần cần thiết cho xã hội.
2. Bài tập
Câu 1. Trường hợp nào dưới đây không được thực hiện quyền bầu cử?
A. Người đang bị nghi ngờ vi phạm pháp luật.
B. Người đang điều trị ở bệnh viện.
C. Người đang đi công tác ở biên giới, hải đảo.
D. Người đang thi hành án.
Câu 2. Công dân được bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước thông qua quyền nào dưới đây?
A. Quyền bầu cử, ứng cử.
B. Quyền khiếu nại.
C. Quyền tự do ngôn luận.
D. Quyền tố cáo.
Câu 3. Nhận định sau đây: “Hình thức dân chủ với những quy chế, thiết chế để nhân dân thảo luận, biểu quyết tham gia trực tiếp quyết định công việc của cộng đồng, của Nhà nước” thuộc hình thức dân chủ nào?
A. Dân chủ trực tiếp.
B. Dân chủ tập trung.
C. Dân chủ xã hội chủ nghĩa.
D. Dân chủ gián tiếp.
Câu 4. Hành vi nào sau đây là xâm phạm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín?
A. Nhận thư không đúng tên mình gởi, đem trả lại cho bưu điện.
B. Đọc dùm thư cho bạn khiếm thị.
C. Kiểm tra số lượng thư trước khi gởi.
D. Bóc xem các thư gởi nhầm địa chỉ.
Câu 5. Quyền tự do ngôn luận có nghĩa là
A. không ai được phép can thiệp tới phát ngôn của người khác.
B. công dân có quyền tự do phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề của đất nước.
C. không ai có quyền được bác bỏ ý kiến của người khác.
D. mọi người có quyền tự do nói những gì mà mình thích.
Câu 6. Trong quá trình bầu cử, trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì
A. tổ bầu cử mang hòm phiếu bầu đến chỗ cử tri đó.
B. có thể bỏ phiếu bằng cách gửi thư.
C. người thân có thể đi bỏ phiếu thay.
D. không cần tham gia bầu cử.
Câu 7. Cơ quan đại biểu của dân là cơ quan nào?
A. Quốc hội và hội đồng Nhân dân các cấp.
B. Ủy ban Nhân dân các cấp.
C. Quốc hội và Ủy ban Nhân dân các cấp.
D. Hội đồng Nhân dân các cấp và Ủy ban Nhân dân các cấp.
Câu 8. Công dân A tham gia góp ý vào dự thảo luật khi nhà nước trưng cầu dân ý. Công dân A đã thực hiện quyền gì dưới đây?
A. Quyền đóng góp ý kiến.
B. Quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.
C. Quyền ứng cử.
D. Quyền kiểm tra, giám sát.
Câu 9. Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, thì trong thời hạn do luật định người đó có quyền
A. không kiện nữa.
B. khởi kiện ra Tòa án Nhân dân.
C. khởi kiện ra Trung ương
D. khởi kiện lên cấp cao hơn.
Câu 10. Khi thấy kẻ gian đột nhập vào nhà hàng xóm, T đã báo ngay cho cơ quan công an. T đã thực hiện quyền nào của công dân?
A. Quyền tự do ngôn luận
B. Quyền tố cáo
C. Quyền nhân thân
D. Quyền khiếu nại
Câu 11. Gia đình ông A nhận được quyết định của xã về việc thu hồi một phần đất ở của gia đình để làm đường giao thông. Gia đình ông A không đồng ý và không biết phải làm gì. Em sẽ lựa chọn cách làm phù hợp với pháp luật nào dưới đây để giúp gia đình ông A.
A. Viết đơn khiếu nại gửi tới Chủ tịch ủy ban nhân dân xã.
B. Phải chấp nhận vì đó là quyết định của xã, không thể thay đổi.
C. Thuê luật sư để giải quyết.
D. Viết đơn khiếu nại gửi tới Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện.
Câu 12. Ý nghĩa của quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là đảm bảo
A. quyền tự chủ của mỗi cá nhân.
B. quyền tự do cá nhân cho mỗi công dân.
C. đời sống riêng tư cho mỗi cá nhân.
D. sự công bằng cho tất cả công dân.
Câu 13. Quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo mấy bước?
A. 3 bước.
B. 5 bước.
C. 4 bước.
D. 2 bước.
Câu 14. Quyền tự do ngôn luận là quyền
A. đảm bảo sự bình đẳng của công dân.
B. dân chủ cơ bản của công dân.
C. tự do cơ bản không thể thiếu của mỗi công dân.
D. đảm bảo sự công bằng trong xã hội.
Câu 15. Việc nhờ người thân trong gia đình đi bỏ phiếu hộ trong cuộc bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội là vi phạm nguyên tắc gì theo luật bầu cử?
A. Phổ thông.
B. Bỏ phiếu kín.
C. Trực tiếp.
D. Bình đẳng.
Câu 16. Thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được bảo đảm
A. tuyệt đối an toàn.
B. an toàn và bí mật.
C. an toàn và bảo mật.
D. tuyệt đối bảo mật.
Câu 17. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là trách nhiệm của
A. công dân nam từ 17 tuổi trở lên.
B. công dân từ 20 tuổi trở lên.
C. công dân nam từ 18 tuổi trở lên.
D. mọi công dân Việt Nam.
Câu 18. Ðâu là nhận định đúng về quyền khiếu nại của công dân?
A. Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức và công dân.
B. Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước về những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức và công dân, đe dọa, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
C. Công dân có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước về những quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
D. Công dân có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Câu 19. Pháp luật quy định đối tượng nào có quyền tố cáo?
A. Các cán bộ có thẩm quyền.
B. Cá nhân và tổ chức đều có quyền.
C. Chỉ công dân mới có quyền.
D. Chỉ các tổ chức mới có quyền.
Câu 20. Công dân A tham gia góp ý vào dự thảo Hiến pháp. Vậy công dân A đã thực hiện quyền gì dưới đây?
A. Quyền tự do cá nhân.
B. Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
C. Quyền ứng cử.
D. Quyền kiểm tra, giám sát.
Câu 21. Chị M bị Chủ tịch ủy ban nhân nhân xã N buộc thôi việc trong thời gian đang nuôi con 8 tháng tuổi. Chị M cần căn cứ vào quyền nào của công dân để bảo vệ mình?
A. Quyền bình đẳng.
B. Quyền khiếu nại.
C. Quyền dân chủ.
D. Quyền tố cáo.
Câu 22. Mục đích của khiếu nại là gì?
A. khôi phục nhân phẩm và danh dự của công dân.
B. khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
C. phát hiện, ngăn ngừa, xử lý việc làm trái pháp luật.
D. phát hiện, ngăn chặn việc làm trái pháp luật.
Câu 23. Quyền ứng cử của công dân được thực hiện bằng hai con đường:
A. tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử.
B. được đề cử và được giới thiệu ứng cử.
C. tự đề cử và tự ứng cử.
D. tự giới thiệu và được giới thiệu ứng cử.
Câu 24. Việc làm nào dưới đây không thể hiện trách nhiệm của công dân khi thực hiện các quyền tự do cơ bản?
A. Không ngừng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
B. Tích cực giúp đỡ các cơ quan nhà nước thi hành pháp luật.
C. Không tố cáo những việc làm trái pháp luật của người khác.
D. Học tập, tìm hiểu để nắm vững các quyền tự do cơ bản của mình.
Câu 25. Việc nhà nước lấy ý kiến góp ý của nhân dân cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là thực hiện dân chủ ở
A. phạm vi cả nước.
B. phạm vi cơ sở.
C. mọi phạm vi.
D. phạm vi Trung ương.
Câu 26. Trong quá trình bầu cử, việc cử tri không thể tự mình viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu đã thể hiện nguyên tắc gì trong bầu cử?
A. Bỏ phiếu kín.
B. Bình đẳng.
C. Phổ thông.
D. Trực tiếp.
Câu 27. Tham gia thảo luận, góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích cơ bản của công dân là việc thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước ở phạm vi nào?
A. Cả nước.
B. Cơ sở.
C. Cơ sở và địa phương.
D. Địa phương.
Câu 28. Trong quá trình bầu cử, việc mỗi lá phiếu đều có giá trị như nhau thể hiện nguyên tắc nào trong bầu cử?
A. Bình đẳng.
B. Phổ thông.
C. Bỏ phiếu kín.
D. Trực tiếp.
Câu 29. Điền vào chỗ trống sau: “…là quyền của công dân được báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào”.
A. Quyền khiếu nại
B. Quyền tố cáo
C. Quyền góp ý
D. Quyền bầu cử
Câu 30. Quyền bầu cử của công dân được thực hiện theo nguyên tắc nào?
A. Trực tiếp, bình đẳng, phổ thông.
B. Phổ thông, gián tiếp, bình đẳng.
C. Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín.
D. Trực tiếp, bỏ phiếu kín.
Câu 31. Theo nguyên tắc nào thì mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều được tham gia bầu cử, trừ trường hợp đặc biệt bị pháp luật cấm?
A. Phổ thông.
B. Trực tiếp.
C. Bỏ phiếu kín.
D. Bình đẳng.
Câu 32. Pháp luật quy định: Người nào tự ý bóc, mở, tiêu hủy thư của người khác thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ có thể bị
A. kỉ luật hoặc xử phạt dân sự.
B. xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
C. cảnh cáo hoặc khiển trách.
D. khiển trách hoặc xử phạt dân sự.
Câu 33. Anh Q - trưởng công an xã - đình chỉ việc thi công và yêu cầu gia đình ông N tháo dỡ công trình đang xây dựng trái phép. Ông N không tháo dỡ vì cho rằng trưởng công an xã đã lợi dụng quyền hạn để ép buộc gia đình ông. Ông N đã viết đơn khởi kiện trưởng công an xã lên Tòa án nhân dân huyện. Theo em, việc ông N viết đơn khởi kiện anh Q như vậy là
A. không tuân theo đúng quy trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
B. thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
C. hoàn toàn hợp lý.
D. vi phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
Câu 34. Mục đích của tố cáo là
A. khôi phục quyền và lợi ích của công dân.
B. phát hiện, ngăn chặn việc làm trái pháp luật.
C. khôi phục danh dự.
D. bảo vệ quyền tự do cơ bản.
Câu 35. Trong lúc A bận việc riêng đi ra khỏi phòng làm việc thì điện thoại của A để trên bàn báo có tin nhắn, B (cùng phòng) đã tự ý mở điện thoại của A ra đọc. Hành vi của B đã xâm phạm quyền nào sau đây?
A. Quyền được pháp luật bảo hộ về danh dự của công dân.
B. Quyền tự do ngôn luận của công dân.
C. Quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại của công dân.
D. Quyền tự do dân chủ của công dân.
Câu 36. Trong quá trình làm việc, cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố cáo phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì cần thực hiện việc làm nào dưới đây?
A. Chuyển đơn tố cáo lên cấp trên trực tiếp để giải quyết.
B. Tiếp tục giải quyết theo mức độ phạm tội.
C. Ngừng tiếp nhận đơn vì không thuộc thẩm quyền giải quyết.
D. Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát để giải quyết.
Câu 37. Hiến pháp 2013 quy định tuổi bầu cử và ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân của công dân là bao nhiêu?
A. Từ 18 đến 21 tuổi có quyền bầu cử và ứng cử.
B. Đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử.
C. Đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và ứng cử.
D. Từ 21 tuổi trở lên có quyền bầu cử và ứng cử.
Câu 38. Ở phạm vi cơ sở, dân chủ trực tiếp của công dân được thực hiện theo cơ chế nào?
A. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
B. “Phổ thông, bình đẳng, dân chủ, trực tiếp”.
C. “Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và gián tiếp”.
D. “Dân biết, dân cần, dân làm, dân kiểm tra”.
Câu 39. Quyền tự do ngôn luận có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp công dân ……… chủ động và tích cực vào các hoạt động của nhà nước và xã hội.
A. giúp đỡ
B. góp ý
C. kiến nghị
D. tham gia
Câu 40. Quyền khiếu nại, tố cáo là công cụ để nhân dân
A. tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
B. thực hiện quyền dân chủ.
C. giám sát các cơ quan chức năng.
D. bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
ĐÁP ÁN
1D 2C 3A 4D 5B 6A 7A 8B 9B 10B |
11A 12C 13C 14C 15C 16B 17D 18D 19C 20B |
21B 22B 23A 24C 25A 26D 27A 28A 29B 30C |
31A 32B 33A 34B 35C 36D 37B 38A 39D 40D |
---
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề cương ôn tập giữa HK2 môn GDCD 12 năm 2021-2022. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt!