Các em sẽ được đánh giá năng lực suốt học kì thông qua kì thi học kì 2. Chính vì vậy việc ôn tập và củng cố lại toàn bộ những kiến thức đã học là vô cùng quan trọng. HOC247 xin giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 9 có đáp án năm 2021-2022 trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Mời các em cùng tham khảo!
TRƯỜNG THCS NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU |
ĐỀ THI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2021 - 2022 Môn: Ngữ văn 9 Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao đề) |
ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC - HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:
Em à, anh thích bánh mì cháy mà.
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:
Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.
Rồi ông nói tiếp:
Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.
Câu 1(0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (0,5đ): Em hãy đặt nhan đề cho câu chuyện.
Câu 3 (0,75đ): Những lời nói của người cha thể hiện điều gì?
Câu 4 (1,25đ): Nêu ý nghĩa của câu chuyện?
I. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1(2đ): Từ ý nghĩa của câu chuyện trên, hãy viết một bài văn nghị luận về bài học mà em rút ra.
Câu 2 (5đ): Phân tích hình ảnh người lính qua hai bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
-----------HẾT-----------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự
Câu 2 (0,5đ): Nhan đề của văn bản: Miếng bánh mì cháy
Lưu ý: Học sinh có thể tự đặt nhan đề theo cách riêng của mình nhưng phải phù hợp với nội dung câu chuyện giáo viên vẫn cho điểm.
Câu 3 (0,75đ):
Những lời người cha nói với mẹ: thể hiện sự yêu thương, trân trọng người vợ; biết ơn, cảm thông cho những việc vợ làm cho mình dù nó không hoàn hảo.
Những lời người cha nói với con: đó là những lời dạy bảo con nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhắc nhở con trai hãy trân trọng những việc không hoàn hảo mà người khác dành cho mình. Hãy sống thật bao dung để cuộc đời được thanh thản.
→ Có thể thấy đây là người cha dịu dàng, ấm áp, biết yêu thương, trân trọng những điều bình dị, chưa hoàn hảo trong cuộc sống mà người khác dành cho mình.
Câu 4 (1,25đ):
Câu chuyện không chỉ nói về tình yêu thương, trân trọng mà người chồng dành cho vợ, người cha dành cho con mà còn thể hiện một triết lí giá trị của cuộc sống: hãy biết yêu thương, trân trọng những điều người khác dành cho mình dù nó chưa hoàn hảo; biết chấp nhận sai sót của người khác vì cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu; hãy yêu quý những người cư xử tốt với mình và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.
II. LÀM VĂN
Câu 1 (2đ):
Dàn ý bài văn nghị luận xã hội: Bài học được rút ra qua câu chuyện
Mở bài
Giới thiệu câu chuyện
Tóm tắt ý nghĩa câu chuyện (bao dung, cảm thông và yêu thương)
2. Thân bài
Giải thích
Giải thích ý nghĩa câu chuyện: câu chuyện khuyên chúng ta phải biết bao dung trước khuyết điểm của người khác; biết trân trọng những người xung quanh mình và có một trái tim nhân hậu để yêu thương.
→ Đây là một trong những đức tính tốt mà mỗi con người cần rèn luyện
Phân tích
Chúng ta cần sống bao dung, yêu thương, trân trọng người khác vì mỗi người chỉ sống một lần trên đời, hãy bỏ qua khuyết điểm, những điều chưa hoàn hảo của người khác để mỗi ngày đều là những ngày tươi đẹp.
Khi chúng ta bao dung, yêu thương, trân trọng người khác ta sẽ nhận lại được tình cảm của
họ.
Xã hội có tình yêu thương, sự bao dung, trân trọng nhau là một xã hội văn minh, tốt đẹp.
Dẫn chứng
Học sinh tự tìm va lấy dẫn chứng cho bài văn của mình từ 1 - 3 dẫn chứng tiêu biểu.
Phản biện
Trong cuộc sống vẫn còn những người nhỏ nhen, ích kỉ, chưa biết san sẻ yêu thương; lại có những người hay chỉ trích những lỗi sai của người khác… những người này đáng bị phê phán.
3. Kết bài
Chốt lại vấn đề: biết bao dung, yêu thương, trân trọng người khác là đức tính tốt mà mỗi người cần phải rèn luyện và học tập.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý bài văn nghị luận về hình ảnh người lính qua bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
1. Mở bài:
Hình ảnh người lính là đề tài quen thuộc khơi nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ; trong đó có tác giả Chính Hữu với bài thơ Đồng chí và Phạm Tiến Duật với bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
2. Thân bài:
Đoạn 1: Giới thiệu về 2 tác giả và 2 bài thơ
+Chính Hữu là nhà thơ trong cuộc kháng chiến chống Pháp…
+Phạm Tiến Duật là nhà thơ nổi tiếng của cuộc kháng chiến chống Mĩ…
+Tác phẩm Đồng chí được sáng tác trong hoàn cảnh…
+Bài thơ về tiểu đội xe không kính được viết….
Đoạn 2: Nêu điểm giống nhau của 2 tác phẩm
+Đều khắc họa hình ảnh người lính: tuy hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng vô cùng lạc quan, yêu đời.
Đoạn 3: Điểm khác biệt đặc trưng của bài thơ Đồng chí
S+ống giữa chiến trường với tình đồng đội thiêng liêng, người lính chống Pháp nhớ về gia đình với mẹ già, vợ dại, con thơ.
Chính Hữu dùng bút pháp hiện thực - lãng mạn dựng lên hình ảnh những người lính thời kì đầu của cuộc kháng chiến với nhiều khó khăn thiếu thốn:
"Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày"
Trong "Đồng chí" của Chính Hữu, nhà thơ đã dựng lên hình ảnh người lính với tình đồng đội thiêng liêng chia sẻ với nhau những khó khăn, cực nhọc của một cuộc sống kháng chiến gian nan, thiếu thốn.
Đồng chí là hiện thân của vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà sâu sắc. Tình đồng chí được thể hiện thật tự nhiên hòa trong tinh thần yêu nước mãnh liệt và chia sẻ giữa những người bạn với nhau.
Đoạn 4: Điểm khác biệt đặc trưng của bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính
+Những người lính của Bài thơ về tiểu đội xe không kính còn rất trẻ; họ phần lớn vừa rời ghế nhà trường, tâm hồn còn phơi phới tuổi xuân.
+Người lính chống Mĩ mang nỗi nhớ của họ là sự vấn vương nơi mái trường, là sự nuối tiếc những trang vở còn tinh tươm.
Phạm Tiến Duật xây dựng hình ảnh người lính bằng những gì có thực trong cuộc sống chiến đấu gần gũi.
+Trong trái tim chảy dòng máu đỏ của người Việt Nam, những người lính Trường Sơn mang trong mình tinh thần lạc quan, ý chí quyết thắng giải phóng miền Nam cùng tình đồng chí đã hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính là sự khắc hoạ nổi bật của nét trẻ trung, tinh thần lạc quan, dũng cảm với tinh thần yêu thần yêu nước rừng rực cháy trong tim. Khát vọng và niềm tin của họ được gửi vào những chiếc xe không kính, thứ đưa họ vượt dãy Trường Sơn thẳng tiến vì miền Nam yêu dấu.
Đoạn 5: tổng kết lại 2 tác phẩm
3. Kết bài:
Hình ảnh người lính hiện lên thật đẹp đẽ, họ chính là biểu tượng, là niềm tin, khát vọng của nhân dân gửi gắm.
Những nét khác biệt còn thể hiện từng phong cách riêng của mỗi tác giả trong phương thức thể hiện làm giàu, làm đẹp thêm cho vườn hoa nghệ thuật nước nhà.
ĐỀ THI SỐ 2
Câu 1:(2.0 điểm)
a. Chỉ ra phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn trích sau:
Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng.
(Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB GDVN, 2016)
b. Tìm khởi ngữ trong đoạn trích sau đây:
Đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường thấp.
(Bàn về đọc sách, Chu Quang Tiềm, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB GDVN, 2016)
c. Tìm thành phần biệt lập trong đoạn trích sau và cho biết đó là thành phần biệt lập gì?
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
(Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB GDVN, 2016)
Câu 2: (3.0 điểm)
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
(Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB GDVN, 2016)
Từ ý thơ trên, hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 30 dòng) trình bày suy nghĩ của em về cách thể hiện tình yêu quê hương của mỗi con người.
Câu 3: (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê (Ngữ văn 9, Tập hai, NXB GDVN, 2016)
-------------HẾT-------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
Câu 1.
a. - Từ liên kết: Nó
- Phép thế
b. Khởi ngữ : Đối với việc làm người
c. - Hình như: là thành phần biệt lập.
- Thành phần tình thái
Câu 2.
1. Kĩ năng: Đảm bảo một bài văn nghị luận xã hội; lập luận chặt chẽ, bố cục hợp lí; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp cơ bản…
2. Kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Giải thích:
- Quê hương là nơi ta sinh ra, lớn lên, có gia đình, có nhiều kỉ niệm thời thơ ấu, là nơi gắn bó máu thịt với chúng ta trong quá trình trưởng thành, là nguồn cội của mỗi con người. Hình bóng quê hương đi theo con người suốt cả cuộc đời, trở thành điểm tựa về tinh thần của con người trong cuộc sống. Nếu thiếu đi điểm tựa này, cuộc sống của con người trở nên chông chênh, lệch lạc.
- Hai câu thơ trên của Y Phương là lời người cha nói với con về ý chí nghị lực và khát vọng xây dựng quê hương của người đồng mình. Họ xây dựng quê hương bằng chính sức lực và sự bền bỉ của mình : Tự đục đá kê cao quê hương => Đó cũng chính là cách thể hiện tình yêu quê hương của mỗi con người.
* Bàn luận về cách thể hiện tình yêu quê hương: Mỗi người đều có cách thể hiện tình yêu quê hương khác nhau. Tình yêu quê hương được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, nó được biến thành việc làm và hành động cụ thể:
+ Phải biết coi trọng gốc rễ, hướng về cội nguồn, biết yêu quê hương.
+ Tình yêu quê hương luôn gắn với tình yêu gia đình, yêu xóm làng và yêu đất nước.
+ Luôn có ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp
+ Phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương…
+ Không chê bai phản bội quê hương
+ Phê phán những hành vi, suy nghĩ chưa tích cực về quê hương: chê quê hương nghèo khó, lạc hậu, làm thay đổi dáng vẻ quê hương…
- Suy nghĩ của bản thân:
+ Xây dựng quê hương bằng bàn tay, khối óc, bằng những đóng góp cho cuộc sống …
+ Tu dưỡng đạo đức, tích lũy và trau dồi kiến thức.
+ Làm đẹp quê hương trong cách ứng xử cuộc sống hàng ngày…
+ Giữ gìn phong tục, tậpquán tốt đẹp của quê hương.
+ Không ngừng vươn lên trong học tập và trong cuộc sống để làm rạng danh gia đình, dòng họ, mái trường - đó cũng là cách thiết thực nhất để làm rạng danh quê hương, đất nước.
+ Biết biến thực tế khó khăn thành mục tiêu nỗ lực và cố gắng vươn lên trong cuộc sống
+ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình…
+ Đặt tình cảm với quê hương trong quan hệ với tình yêu đất nước, cần hướng về quê hương song không có nghĩa là chỉ hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra mà phải biết tôn trọng và yêu quý tất cả những gì thuộc về Tổ quốc.
Câu 3.
1. Kĩ năng: Tạo lập được một văn bản nghị luận văn học, có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lời văn trong sáng, có cảm xúc và giọng điệu riêng. Trình bày đúng chính tả và ngữ pháp.
2. Kiến thức:
Học sinh cần phải đảm bảo các nội dung:
- Phân tích vẻ đẹp của ba cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm: “ Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê
2.1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.
2.2.Vẻ đẹp chung của các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.
2.3.Vẻ đẹp riêng của các cô gái thanh niên xung phong
a) Nhân vật Phương Định.
b) Nhân vật Thao
c) Nhân vật Nho.
2.4. Đánh giá, khái quát vấn đề.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:
“ Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới.
Tết năm nay là sự chuyển tiếp giữa hai thế kỉ, và hơn nữa, là sự chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỉ. Trong thời khắc như vậy, ai ai cũng nói tới việc chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỉ mới.
Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỷ tới mà ai cũng phải thừa nhận ra rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.”
(Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan-Ngữ văn 9, tập II, NXBGD VN 2015)
Câu 1. (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2. (0,5 điểm) Nêu xuất xứ văn bản chứa đoạn văn trên?
Câu 3. (1,0 điểm) Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn sau:
“Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất.”
Câu 4. (1,0 điểm) Theo tác giả hành trang quan trọng nhất cần chuẩn bị khi bước vào thế kỉ mới là gì? Tại sao?
II. LÀM VĂN (7điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích trong phần đọc-hiểu, hãy viết một đoạn văn nghị luận (từ 7 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
Câu 2: (5,0 điểm)
Cảm nhận về tình yêu quê hương, nguồn cội của nhà thơ Y Phương trong bài thơ “Nói với con”.
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2. Xuất xứ: Bài viết đăng trên tạp chí “Tia sáng” năm 2001 và được in vào tập “Một góc nhìn của Trí thức”, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2002.
Câu 3. Thành phần biệt lập : Có lẽ - Thành phần biệt lập tình thái
Câu 4. Theo tác giả, sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. -Vì từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Và trong nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ thì vai trò của con người lại càng nổi trội.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn (đủ số câu theo yêu cầu)
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể viết đoạn văn theo những ý sau:
- Bước sang thế kỉ mới, hành trang quan trọng nhất chính là con người.
- Vì vậy, việc tu dưỡng của bản thân mỗi người, của thế hệ trẻ Việt Nam là vô cùng quan trọng:
+ Tu dưỡng về đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh…
+ Học tập rèn luyện để có kiến thức, kĩ năng đáp ứng yêu cầu của thời kì hội nhập…
+ Giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc…
+ Trách nhiệm của bản thân.
d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề cần nghị luận.
+ Phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau làm sáng tỏ vấn đề.
+ Phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Tình yêu quê hương, nguồn cội.
c. Học sinh có thể săp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về
cơ bản, cần đảm bảo những yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về nhà thơ Y Phương và bài thơ Nói với con
* Tình yêu quê hương, nguồn cội của nhà thơ được thể hiện một cách độc đáo, qua lời dặn dò của người cha đối với con.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 9 có đáp án năm 2021-2022 trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !