YOMEDIA

Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 có đáp án năm 2021-2022 trường THPT Đoàn Thị Điểm

Tải về
 
NONE

Xin giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 có đáp án năm 2021-2022 được biên soạn và tổn g hợp từ đề thi của Trường THPT Đoàn Thị Điểm. Tài liệu nhằm giúp các em ôn luyện kĩ năng làm đề đồng thời trau dồi kiến thức trước kì thi HK2 sắp tới. Mời các em cùng tham khảo!

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT

ĐOÀN THỊ ĐIỂM

ĐỀ THI HỌC KÌ 2

NĂM HỌC 2021 - 2022

Môn: Ngữ văn 12

Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

[1] …Thật khó để rao giảng sự tự hào dân tộc. Hầu như chúng ta có cảm xúc đó trong một hoàn cảnh cụ thể khi chúng ta đứng trước một biển người cùng hòa vang quốc ca hoặc khi chúng ta nghe một câu chuyện thành công của những nhân tài của đất nước hay chúng ta bất bình trước một vấn đề ảnh hưởng đến con người và quê hương mình. Nhưng hãy nói về một câu chuyện đơn giản hơn, ở lứa tuổi học sinh, chúng ta sẽ thể hiện sự tự hào đó như thế nào?

[2] Tự hào dân tộc không phải là việc chúng ta thuộc ca dao, tục ngữ, thơ văn lưu loát mà là có sự cảm nhận về vẻ đẹp của văn hóa dân tộc và mang trong mình tâm thế chia sẻ, quảng bá những vẻ đẹp truyền thống của đất nước ra thế giới. Tự hào dân tộc không phải là việc chúng ta thuộc lòng những tình tiết lịch sử nước nhà mà là tôn trọng các nền văn hóa, các quốc gia khác nhau và biết hành động vì vị thế của đất nước. Tự hào dân tộc không phải là việc vỗ ngực xưng tên, xem nhẹ các nền văn hóa khác mà là thể hiện bản sắc người Việt trong bối cảnh quốc tế.

(Trích Thư gửi học sinh nhân ngày tựu trường năm học 2016-2017, Marcel van Miert, chủ tịch điều hành hệ thống Trường Quốc tế Việt – Úc)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2 (0,75 điểm): Theo tác giả, niềm tự hào dân tộc xuất hiện trong hoàn cảnh cụ thể nào?

Câu 3 (0,75 điểm): Chỉ rõ biện pháp tu từ cú pháp trong đoạn [2] của văn bản và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ đó.

Câu 4 (1,0 điểm): Quan điểm của anh chị về ý kiến: “Tự hào dân tộc không phải là việc chúng ta thuộc ca dao, tục ngữ, thơ văn lưu loát mà là có sự cảm nhận về vẻ đẹp của văn hóa dân tộc và mang trong mình tâm thế chia sẻ, quảng bá những vẻ đẹp truyền thống của đất nước ra thế giới”.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về quan điểm: Hãy thay đổi bản thân mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi mọi thứ ngoài kia.

Câu 2 (5,0 điểm): Giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

-------------HẾT-------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1 (0,5 điểm):

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2 (0,75 điểm):

Theo tác giả, niềm tự hào dân tộc xuất hiện trong những hoàn cảnh: khi chúng ta đứng trước một biển người cùng hòa vang quốc ca; khi chúng ta nghe một câu chuyện thành công của những nhân tài của đất nước; chúng ta bất bình trước một vấn đề ảnh hưởng đến con người và quê hương mình.

Câu 3 (0,75 điểm):

Biện pháp tu từ: Lặp cấu trúc cú pháp: “Tự hào dân tộc không phải… mà là…”

Hiệu quả: Nhấn mạnh và khẳng định quan điểm của người viết về niềm tự hào dân tộc.

Câu 4 (1,0 điểm):

Nêu quan điểm: đây là một ý kiến đúng đắn, xác đáng bởi lẽ: Bản sắc dân tộc là những nét riêng ưu việt nhất của dân tộc đó cần được thể hiện và giữ gìn trong thời kì hội nhập. Cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về văn hoá dân tộc, tích cực quảng bá những nét độc đáo của văn hoá quê hương, những hình ảnh đẹp trên khắp mọi miền đất nước, luôn gìn giữ, phát huy những vẻ đẹp truyền thống.…

II. LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm):

Dàn ý nghị luận xã hội về quan điểm: Hãy thay đổi bản thân mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi mọi thứ ngoài kia

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: quan điểm: Hãy thay đổi bản thân mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi mọi thứ ngoài kia.

2. Thân bài

a. Giải thích

Thay đổi bản thân: không ngừng học hỏi, cải thiện để bản thân mình tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn từng ngày. Mỗi con người thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực để trở nên có ích hơn cho xã hội và hoàn thiện chính mình hơn.

→ Ý câu nói khuyên nhủ con người cố gắng trau dồi, hoàn thiện bản thân bởi chỉ khi bản thân hoàn thiện, tốt hơn thì chúng ta mới có thể mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội.

b. Phân tích

Người biết thay đổi, hoàn thiện bản thân mình là những người không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau. Họ còn là người biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục; sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê đó.

Việc thay đổi bản thân làm cho bản thân mình ngày càng tốt hơn, mở mang tầm hiểu biết, khắc phục được những khuyết điểm của bản thân mình từ đó được mọi người tín nhiệm, tin tưởng.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống an phận, nghe theo sự sắp đặt của người khác mà không biết phấn đấu vươn lên để hoàn thiện bản thân mình. Lại có những người quá lười biếng, không có ý thức vươn lên để hoàn thiện bản thân mình, trau dồi kiến thức để thực hiện mục tiêu…

3. Kết bài

Khái quát và khẳng định lại vấn đề nghị luận: Hãy thay đổi bản thân mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi mọi thứ ngoài kia; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2 (5,0 điểm):

Dàn ý phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

2. Thân bài

a. Cái nhìn của nhà văn

Những chàng trai cô gái Mèo của ông là những người đẹp người đẹp nết, dũng cảm, yêu đời, yêu lao động, khỏe mạnh: “Mị thổi sáo giỏi”, “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”, còn A Phủ là chàng trai được nhiều người con gái ao ước: “A Phủ khỏe, chạy nhanh như ngựa…”, “biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”.

Ở họ có những phẩm chất tốt đẹp: Mị thà phải lao động vất vả hơn làm con dâu nhà giàu, A Phủ dám đánh lại con nhà giàu để bênh vực cho lẽ phải, không hề khóc lóc van xin khi bị cha con thống lí đánh đập tàn nhẫn.

Bên ngoài cái xác không hồn khô cứng của Mị, Tô Hoài nhận thấy tiền tàng một sự phản kháng, một sức mạnh kì diệu, một ngọn lửa tự do vẫn còn âm ỉ.

→ Tô Hoài bộc lộ thái độ căm ghét đối với chế độ thực dân phong kiến qua hình ảnh cha con ông thống lí Pá Tra. Lên án cái xấu để bảo vệ cái đẹp cũng là nhân đạo.

b. Xét về hình thức

Đặt nhân vật trong những hoàn cảnh thích hợp, tác giả đã miêu tả được bước chuyển sinh động của tâm lí nhân vật trong sự phát triển từ tiệm tiến đến đột biến, bất ngờ hợp lí và hấp dẫn.

Truyện diễn ra trong một khung cảnh đậm đà hương sắc Tây Bắc về mùa xuân, về những đêm trai gái người dân tộc thiểu số người dân tộc thiểu số đi tìm bạn tình… là những trang vừa thực, vừa giàu chất thơ bay bổng.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của và khái quát lại ý nghĩa của giá trị nhân đạo trong tác phẩm.

ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông. (2) Họ nghĩ rằng nếu số đông người đang làm việc gì đó, việc đó chắc chắn phải đúng. (3) Đó phải chăng là một ý tưởng tốt? (4) Nếu mọi người chấp nhận nó, phải chăng đó là biểu tượng cho sự công bằng, liêm chính, lòng từ bi và sự nhạy cảm? (5) Không hẳn. (6) Tư duy số đông cho rằng Trái đất là tâm điểm của vũ trụ, nhưng Copernicus nghiên cứu những vì sao, các hành tinh và chứng minh một cách khoa học rằng Trái đất và những hành tinh khác trong thái dương hệ của chúng ta đang quay quanh Mặt trời. (7) Tư duy số đông cho rằng phẫu thuật không cần những dụng cụ y tế sạch, nhưng Joseph Lister đã nghiên cứu tỉ lệ tử vong cao trong các bệnh viện và giới thiệu biện pháp khử trùng, ngay lập tức cứu được bao nhiêu mạng người. (8) Tư duy số đông cho rằng phụ nữ không nên có quyền bỏ phiếu, tuy nhiên những người như Emmeline Pankhurst và Susan B.Anthony đã đấu tranh và giành được quyền đó. (9) Tư duy số đông đưa Hitler lên nắm quyền lực ở Đức, nhưng đế chế của Hitler đã giết hại hàng triệu người và gần như tàn phá cả châu Âu. (10) Chúng ta luôn cần nhớ rằng có một sự khác biệt lớn giữa sự chấp nhận và trí tuệ. (11) Mọi người có thể nói rằng có sự an toàn trong một số trường hợp tư duy số đông, nhưng nó không phải lúc nào cũng đúng.

(Trích Tôi tư duy tôi thành đạt – John Maxwel)

Câu 1 (0,5 điểm): Đoạn văn được viết theo phương thức biểu đạt nào là chính?

Câu 2 (0,75 điểm): Anh/chị hãy xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn từ câu (6) đến câu (9).

Câu 3 (0,75 điểm): Anh/ chị hiểu như thế nào là tư duy số đông?

Câu 4 (1,0 điểm): Suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “Rất nhiều người kiếm tìm sự an toàn và chắc chắn trong tư duy số đông”. Anh/chị ứng xử với tư duy số đông như thế nào?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm): Hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng sau khi lấy Thị làm vợ.

-------------HẾT-------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

Câu 2 (0,75 điểm):

Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn từ câu (6) đến câu (9): Phép lặp cấu trúc

Tác dụng: Nhấn mạnh vấn đề cần bàn luận, giọng điệu hùng biện lôi cuốn hấp dẫn thể hiện nhiệt huyết của người viết; tạo sự liên kết về hình thức giữa các câu.

Câu 3 (0,75 điểm):

Tư duy số đông là cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá của đa số, của đại bộ phận tầng lớp trong xã hội về vấn đề, hiện tượng nào đó.

Câu 4 (1,0 điểm):

– Thí sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng đảm bảo nội dung: Tư duy số đông vừa có tác động đến suy nghĩ của con người vừa hạn chế tính độc lập sáng tạo của con người. Bời người ta thường nghĩ rằng nếu số đông làm việc gì đó, việc đó chắc phải đúng. Tư duy số đông vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực.

Cách ứng xử với tư duy số đông: Cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề và có chính kiến riêng. Tránh a dua theo đám đông mà thiếu sáng suốt. Tư duy số đông không phải lúc nào cũng đúng nhưng cũng cần lắng nghe để xác lập cho bản thân một cách nghĩ đúng và một cách làm đúng.

II. LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm):

Dàn ý nghị luận xã hội về ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống.

2. Thân bài

a. Giải thích

Đam mê: khao khát, ý muốn của con người muốn đạt được một mục tiêu nào đó, được làm nghề gì đó hoặc trở thành người như nào đó.

→ Đam mê có vai trò quan trọng và là khởi đầu trên cuộc hành trình đi tìm thành công của mỗi người, không có niềm đam mê, chúng ta sẽ không có động lực để làm việc và khó có được thành công.

b. Phân tích

Người có đam mê mới có động lực làm việc, học tập và cống hiến cho xã hội. Khi mỗi con người trên con đường thực hiện đam mê của mình cũng chính là đóng góp cho xã hôi, cho đất nước phát triển.

Khi có đam mê, chúng ta mới có sự kiên trì, nhẫn nại để vươn lên, vượt qua những khó khăn gian khổ để hướng đến thành công. Đam mê không chỉ giúp con người sống tốt hơn mà còn khiến cho chúng ta rèn luyện, tích lũy cho bản thân mình nhiều giá trị tốt đẹp.

Người sống có đam mê sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn.

c. Chứng minh

Học sinh lấy dẫn chứng về những con người sống có đam mê nổi bật, tiêu biểu mà được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có đam mê, ước mơ, hoài bão, vô cảm hoặc có đam mê nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn → những người này đáng bị phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát và khẳng định lại vấn đề nghị luận: ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2 (5,0 điểm):

Dàn ý Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Tràng sau khi lấy Thị làm vợ

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt và tâm trạng của Tràng sau khi lấy vợ.

2. Thân bài

a. Buổi sáng tỉnh dậy

Trong người Tràng thấy êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra, hắn vẫn ngỡ ngàng không tin rằng mình đã có vợ.

Nhận ra xung quanh mình có sự thay đổi lớn vô cùng khác lạ: nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.

Tràng nhận thấy cô thị đảm đang, chu đáo khác hẳn với vẻ đanh đá anh thấy trước đây.

b. Trong bữa ăn đầu tiên khi có vợ

3. Kết bài

Khái quát lại tâm trạng của Tràng sau khi có vợ và đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu

    Có một lần tụ tập ăn uống cùng bạn bè, cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước, hốt hoảng kêu lên: “Chết rồi, làm thế nào bây giờ?", cậu bạn ngồi cạnh bật cười: “Nước đổ mất rồi, còn làm thế nào được nữa, lau đi thôi!". Câu chuyện trên chỉ là một tình huống nhỏ, nhưng lại mang đến một triết lý ít người hiểu thấu: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, không nhiều người có thể nắm bắt được triết lý này, khi ly nước bị đổ, nếu không tự oán trách thì họ sẽ chuyển sang tìm nguyên nhân, tự làm loạn suy nghĩ của mình, lãng phí thời gian và sức lực của bản thân, mà quên không làm một động tác đơn giản đó là lau sạch nó.

     Chấp nhận hiện thực là một phần rất quan trọng nhưng cũng rất khó thực hiện trong cuộc sống. Dù bạn có thừa nhận hay không, cuộc sống vẫn biến mất không ngừng. Khi còn nhỏ, chúng ta sẽ mất đi răng sữa, lên trung học sẽ mất đi tuổi thơ, lớn thêm chút nữa thì mất đi mối tình đầu, mất đi tuổi thanh xuân, mất người thân, mất đi sức khỏe... Không mất đi thì sẽ không có tương lai. Mỗi lần đối diện với sự mất mát, nếu như chúng ta chỉ khư khư ôm lấy những ký ức từng có trong quá khứ, không muốn đối diện với thực tại, thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng thể tiến về phía trước, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Sự đổi thay này là một môn học bắt buộc trong quá trình trưởng thành của đời người. Chỉ khi chấp nhận sự thay đổi diễn ra trước mắt, chúng ta mới có được cuộc sống mới mẻ hơn.

     Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao.

(Trích Sống chậm lại rồi mọi chuyễn sẽ ổn thôi, Alphabook biên soạn, NXB Lao động xã hội, 2014)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp trong câu: "Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao".

Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về triết lý được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước?

Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với câu nói: "Không mất đi thì sẽ không có tương lai". Nêu rõ lý do tại sao.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Phân tích tâm trạng và hành động của Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) trong hai phát hiện trên bờ biển để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

* Cách giải:

Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2.

* Phương pháp: phân tích, tổng hợp

* Cách giải

- Biệp pháp tu từ cú pháp: lặp cấu trúc: "Nếu như mãi… Nếu như bạn…"

- Tác dụng: cách lặp cấu trúc câu làm cho cách diễn đạt có tác dụng nhấn mạnh về một lời khuyên chân thành dành cho những người đang nuối tiếc quá khứ mà bỏ quên tương lai tươi đẹp trước mắt.

Câu 3.

* Phương pháp: phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Hiểu về triết lý được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước:

- Triết lý đó là: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó.

- Cách hiểu: con người cần chấp nhận sự thay đổi, vạn biến của cuộc đời qua từng giờ, từng ngày. Từ những biến chuyển đó mà ta tiếp tục tiến về phía trước với niềm tin và hy vọng để có cuộc sống tốt đẹp hơn

Câu 4.

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Thí sinh có thể đồng tình/không đồng tình hoặc đồng tình một phần với câu nói: Không mất đi thì sẽ không có tương lai.

Cần có lý giải lý do hợp lý, hợp tình, hợp chuẩn mực pháp luật và đạo đức.

- Nếu đồng tình với câu nói: Quy luật cuộc sống là sự vận động không ngừng theo chiều hướng đi lên, tích cực. Những gì cũ kĩ, lạc hậu sẽ mất đi để thay vào đó là cái mới, cái tiến bộ…

- Nếu không đồng tình: Tuy chúng ta chấp nhận sự mất đi của sự vật, hiện tượng để hướng về tương lai nhưng thực tế cuộc sống vẫn có những điều không thể mất đi. Những giá trị tinh thần mang tính vĩnh hằng như niềm tin, đạo lý, chân lý, lòng tốt… luôn tồn tại bền vững trước thời gian nghiệt ngã.

- Nếu đồng tình một phần: kết hợp 2 ý trên.

Phần II. Làm văn

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

1. Giới thiệu chung về nhà văn Nguyễn Minh Châu, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận: tâm trạng và hành động, vẻ đẹp tâm hồn của Phùng và tư tưởng mà nhà văn muốn gửi đến người đọc

2. Phân tích

- Tóm lược cốt truyện và giới thiệu bối cảnh tạo nên hai phát hiện của Phùng.

- Phát hiện thứ nhất: Khi chứng kiến bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, một cảnh đắt trời cho, Phùng đã bối rối (bất ngờ, hồi hộp), hạnh phúc, cảm thấy tâm hồn được gột rửa. Và Phùng đã nhanh tay bấm máy, thu kiệt tác nghệ thuật này vào trong máy ảnh.

=> Tâm trạng và hành động của Phùng đã chứng tỏ sức mạnh của nghệ thuật, của cái Đẹp; Phùng là nghệ sĩ có tài, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.

- Phát hiện thứ hai: Khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, Phùng bất ngờ, ngạc nhiên vì anh không ngờ rằng chiếc thuyền từ ngoài xa là một khung cảnh toàn thiện, toàn mỹ nhưng khi đến gần là một cảnh tượng phi thẩm mỹ, phi nhân tính. Sau đó anh đã vứt máy ảnh để chạy nhào về phía người đàn ông và người đàn bà.

=> Hành động quả cảm của Phùng đã thể hiện anh là một nghệ sĩ biết căm phẫn, dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác; biết xử lý đúng đắn mỗi quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

* Đánh giá chung

3. Kết luận

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 có đáp án năm 2021-2022 trường THPT Đoàn Thị Điểm. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !       

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON