Một trong những phương pháp giúp ôn thi học kì 2 hiệu quả là giải các đề thi cụ thể theo cấu trúc chuẩn. Mời các em cùng tham khảo tài liệu Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 có đáp án năm 2021-2022 trường THPT Thái Bình do HỌC247 tổng hợp và dưới đây nhằm giúp các em ôn tâp và nắm vững các dạng đề thi cuối Học kì 2. Chúc các em ôn tập tốt và luôn đạt thành tích cao trong học tập!
TRƯỜNG THPT THÁI BÌNH |
ĐỀ THI CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2021 - 2022 Môn: Ngữ văn 12 Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề) |
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Hải An mới chỉ 7 tuổi khi quyết định hiến giác mạc. Em biết mình sẽ không qua khỏi bởi căn bệnh ung thư thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Giác mạc của em hiện đã đem lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân nhưng nghĩa cử cao đẹp ấy của cô bé vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Bên cạnh sự ngưỡng mộ, tri ân của nhiều người với cô bé, có những người tỏ ra hoài nghi rằng không biết quyết định đó có thực sự của Hải An không, cũng có người tỏ ý phản đối việc gia đình để cô bé 7 tuổi hiến giác mạc. Bởi theo quan niệm trần sao âm vậy của người phương Đông, người sang thế giới bên kia rồi vẫn cần lành lặn. Gia đình để cô bé cho đi đôi mắt, bước sang thế giới bên kia, Hải An lấy đâu ra mắt để nhìn?
Biết rõ những thắc mắc ấy, chị Thùy Dương khẳng định, hiến giác mạc hoàn toàn là quyết định của Hải An và chị chỉ làm theo di nguyện của con. Vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống ngành y, từ ngày nhỏ, Hải An đã biết đến hiến xác qua câu chuyện bâng quơ hàng ngày với bà, với mẹ..., cô bé đã muốn hiến toàn bộ tạng và hiến giác mạc khi biết mình mắc bệnh trọng... Tôn trọng quyết định của cô gái nhỏ, chị Thùy Dương đã làm tất cả để thực hiện di nguyện của bé. Nhắc về Hải An, chị Thùy Dương tự hào: "Hải An có đôi mắt rất sáng, nhưng tâm Hải An còn sáng hơn nhiều"
...Câu chuyện hiến giác mạc của cô bé 7 tuổi thực sự là một điều tử tế truyền cảm hứng mạnh mẽ. Ông Hoàng (Giám đốc Ngân hàng Mắt - Bệnh Viện Mắt TW) cho biết, từ quyết định hiến giác mạc của Hải An, đến nay đã có đến hơn 1.300 đơn đăng ký. Ngay cả chị Dương cũng đã hoàn tất việc đăng ký giác mạc của mình. Chị Dương kể rằng rất nhiều người đã chia sẻ với chị, sự ra đi của bé Hải An đã thay đổi họ. Có người tâm sự với chị rằng "Em đã từng ăn chơi trác táng, nhưng sau khi biết chuyện của Hải An, em biết rằng cuộc sống này rất đáng quý. Nếu em bảo quản thân thể của em khỏe mạnh, em sẽ mang lại sự sống cho người khác".
(Nguồn: Kênh 14.Vn)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0,5đ)
Câu 2. Chỉ ra thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong văn bản. (0,5đ)
Câu 3. Vì sao khi nhắc về Hải An, chị Thùy Dương tự hào: "Hải An có đôi mắt rất sáng, nhưng tâm Hải An còn sáng hơn nhiều"?(1,0đ)
Câu 4. Hành động cao đẹp của bé Hải An đã truyền cảm hứng như thế nào trong xã hội? (1,0đ)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ câu chuyện của bé Nguyễn Hải An, anh/ chị có suy nghĩ gì về giá trị của hạnh phúc khi được cho đi? Hãy trình bày suy nghĩ của mình bằng một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ.
Câu 2 (5,0 điểm):
Cảm nhận của anh/ chị về đoạn kết sau đây trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu:
Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất, hòa lẫn trong đám đông …
(Sách Ngữ văn 12- tập 2, trang 78, NXB Giáo dục, năm 2011)
----------------HẾT---------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Câu 1
Phong cách ngôn ngữ của văn bản: phong cách ngôn ngữ báo chí
Câu 2
Thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong văn bản: thao tác lập luận bác bỏ (bác bỏ hoài nghi của những người cho rằng không biết quyết định hiến giác mạc đó có thực sự là của Hải An).
Câu 3
Khi nhắc về Hải An, chị Thùy Dương tự hào: "Hải An có đôi mắt rất sáng, nhưng tâm Hải An còn sáng hơn nhiều" vì: tuy chỉ mới 7 tuổi nhưng cô bé đã muốn hiến toàn bộ tạng và hiến giác mạc khi biết mình mắc bệnh trọng.
Câu 4
Hành động cao đẹp của bé Hải An đã truyền cảm hứng tích cực, trong xã hội đến nay đã có đến hơn 1.300 đơn đăng ký hiến giác mạc. Ngay cả chị Dương cũng đã hoàn tất việc đăng ký giác mạc của mình, rất nhiều người đã chia sẻ sự ra đi của bé Hải An đã thay đổi họ, giúp họ hiểu ý nghĩa của cuộc sống.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Từ câu chuyện của bé Nguyễn Hải An, anh/ chị có suy nghĩ gì về giá trị của hạnh phúc khi được cho đi? Hãy trình bày suy nghĩ của mình bằng một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ
Đoạn văn phải có câu chủ đề. Các câu còn lại tập trung thể hiện chủ đề.
Nghị luận về giá trị của hạnh phúc khi được cho đi
Một vài định hướng về nội dung:
- Mỗi người có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc
- Tuy nhiên, giá trị của hạnh phúc đích thực luôn hướng con người tới những lẽ sống cao đẹp
- Khi được cho đi tức là chúng ta đã làm việc tốt, mang lại vô vàn tình yêu thương cho cuộc sống
Cho đi là còn mãi bởi ta sẽ sống trong tim mọi người với sự quý trọng, lòng biết ơn và khi đó ta thực sự hạnh phúc...
Câu 2.
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu
- Giới thiệu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
* Nội dung:
- Chi tiết tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm là chi tiết khép lại truyện ngắn, đồng thời cũng là một trong những chi tiết đắt giá nhất thể hiện được quan niệm về cuộc sống và nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.
- Bức ảnh nghệ thuật được nhiếp ảnh gia Phùng chụp ở bãi biển năm nào đã trở nên nổi tiếng, trở thành tác phẩm nghệ thuật lý tưởng cho những nhà sành nghệ thuật.
=> Đó là bức ảnh hoàn mỹ, là kết tinh của vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên, tài năng và sự may mắn của người nghệ sĩ.
- Khi nhìn vào bức ảnh, Phùng không còn hạnh phúc như khi bắt gặp được khoảnh khắc trời cho ấy nữa mà đầy những trăn trở, suy tư bởi anh là người hiểu hơn ai hết sự thật tàn khốc đằng sau một khung cảnh toàn bích, hoàn hảo.
- Trong cảm nhận của Phùng, bức tranh không còn chất thơ mộng, lãng mạn nghệ thuật nữa mà thấm đượm hơi thở của cuộc đời.
=> Chính những cảm nhận này đã mang đến những ám thị đặc biệt cho Phùng mỗi lần nhìn lại bức ảnh mình từng chụp.
- Chỉ Phùng mới có cái nhìn khác về tác phẩm nghệ thuật của mình phải chăng Phùng đã từng chứng kiến câu chuyện đầy éo le, nghịch lý bên trong hay Phùng đã biết nhìn bằng trải nghiệm, dám nhìn sâu vào hiện thực dẫu tàn khốc, vô tình.
- Thông qua tình huống truyện đặc sắc, tác giả Nguyễn Minh Châu đã thể hiện được những quan niệm sâu sắc về cuộc đời và nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ với con người.
=> Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật chân chính nếu như phản chiếu được hiện thực cuộc sống của con người.
* Nghệ thuật:
- Truyện được xây dựng theo lối kết cấu vòng tròn: mở đầu là đi tìm ảnh, kết thúc là ngắm nhìn ảnh mà ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm nhằm nhấn mạnh tính triết lý của truyện. Giọng văn trầm lắng, suy tư, nhiều dư vị, nhiều liên tưởng bất ngờ.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC - HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì.[…]
Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời thì không quan hệ gì đến mình cả. Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vùng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa. Hãy trông những bọn thiếu niên con nhà kiều dưỡng (1), cả đời không dám đi đâu xa nhà, không dám làm quen với một người khách lạ; đi thuyền thì sợ sóng, trèo cao thì sợ run chân, cứ áo buông chùng quần đóng gót, tưởng thế là nho nhã, tưởng thế là tư văn (2); mà thực ra không có lực lượng, không có khí phách; hễ ra khỏi tay bảo hộ của cha mẹ hay kẻ có thế lực nào thì không có thể mà tự lập được.
Vậy học trò ngày nay phải tập xông pha, phải biết nhẫn nhục(3); mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì đã kêu chóng mặt,… ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi".
(Nguyễn Bá Học, Mạo hiểm, Dẫn theo SGK Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo Dục, trang 114).
(1) Con nhà kiều dưỡng: con nhà giàu sang, được cha mẹ chiều chuộng.
(2) Tư văn: văn nhã, có văn hóa.
(3) Nhẫn nhục: ở đây ý nói là chịu đựng gian khổ.
Câu 1. Xác định các thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2. Nguyên nhân của việc không dám mạo hiểm, xông pha vào khó khăn là gì? (0,5 điểm)
Câu 3. Câu văn sau sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó: “Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì kêu chóng mặt,… ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi”. (1,0 điểm)
Câu 4. Trong những quyết định quan trọng, nếu mạo hiểm bao giờ cũng có những rủi ro nhất định, có thể thành công, có thể thất bại. Anh/chị suy nghĩ gì về điều đó? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Đọc hai đoạn văn mở đầu và kết thúc truyện Rừng xà nu dưới đây:
(4) Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có loài cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…
Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.
(5)… Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.
Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.
(Trích Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 38 và 48)
Từ hai đoạn văn trên cùng những hiểu biết về truyện ngắn Rừng xà nu, anh/chị hãy phân tích ý nghĩa của hình tượng cây xà nu và nhận xét cách mở đầu, kết thúc truyện của Nguyễn Trung Thành.
-------------HẾT-------------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
I. ĐỌC - HIỂU
Câu 1: Thao tác lập luận: so sánh và bình luận.
Câu 2: Nguyên nhân chính của việc không dám mạo hiểm xông pha vào khó khăn là: vì không biết chịu nhẫn nhục chịu đựng khổ sở.
Câu 3:
- Kể tên được hai biện pháp tu từ: liệt kê và điệp
- Phân tích tác dụng: diễn tả đầy đủ, sâu sắc và nổi bật những thứ tiện lợi, đủ đầy, có sẵn làm con người ta yếu đuối, mất đi tinh thần mạo hiểm; đồng thời làm cho câu văn hài hòa, cân đối, nhịp nhàng…
Câu 4: Học sinh có thể có những suy nghĩ riêng song cần kiến giải hợp lý. Có thể tham khảo các ý sau:
- Ý thức và chấp nhận cả thành công và thất bại khi dám mạo hiểm quyết định trong cuộc sống vốn tồn tại nhiều khó khăn.
- Biết rút ra bài học từ những thất bại và tin tưởng vào sự thành công.
- Luôn hành động và sáng tạo để đạt được mục đích và sống cuộc sống ý nghĩa.
- Cần chiến thắng bản thân: tự rèn ý chí, sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm…
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
A. Yêu cầu về kỹ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, vận dụng linh hoạt các hình thức lập luận, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
1. Giới thiệu chung.
- Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến và có nhiều tác phẩm thành công về mảnh đất, con người nơi này.
- Truyện ngắn Rừng xà nu ra đời năm 1965, khi đế quốc Mỹ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam, là câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man.
- Cây xà nu là hình tượng nổi bật và xuyên suốt tác phẩm, đặc biệt ở hai đoạn mở đầu và kết thúc tác phẩm.
2. Phân tích ý nghĩa hình tượng cây xà nu.
a. Cây xà nu gắn bó với con người Tây Nguyên
- Cây xà nu trong tác phẩm và các trích đoạn trước hết như một loài cây đặc thù, tiêu biểu của miền đất Tây Nguyên. Qua hình tượng cây xà nu, nhà văn tạo dựng một bối cảnh hùng vĩ và hoang dại đậm màu sắc Tây Nguyên cho câu chuyện.
- Cây xà nu gần gũi với đời sống của người dân làng Xô Man, là chứng nhân của những sự kiện quan trọng xảy ra với họ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ.
b. Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất số phận của con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh
c. Nghệ thuật miêu tả cây xà nu
3. Nhận xét cách mở đầu và kết thúc truyện ngắn
4. Kết luận
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình đánh ngã bạn. Nhưng hãy đừng mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng, điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm. Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý. Điều đó luôn đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời. Và cách để tạo ra những công việc tuyệt vời là bạn hãy yêu việc mình làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc bởi vì bằng trái tim bạn, bạn sẽ biết khi bạn tìm thấy nó. Và cũng sẽ giống như bất kì một mối quan hệ nào, nó sẽ trở nên tốt dần lên khi năm tháng qua đi. Vì vậy hấy cố gắng tìm kiểm cho đến khi nào bạn tìm ra được tình yêu của mình, đừng từ bỏ.
(Trích Steve Jobs với những phát ngôn đáng nhớ, theo http://www.vnexpress.net, ngày 26/8/2011)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2. Theo đoạn trích, điều gì đã giúp tác giả tiếp tục bước đi trong cuộc sống?
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về câu: Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tính đánh ngã bạn?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: Các bạn phải tìm ra được cái các bạn yêu quý? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Steve Jobs được nêu trong đoạn trích phần đọc hiểu: “Cách duy nhất để thành công một cách thực sự là hãy làm những việc mà bạn tin rằng đó là những việc tuyệt vời”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng, lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn, hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà....
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai. NXB Giáo dục, 2008)
Trình bày cảm nhận của anh/chị về nhân vật Tràng trong đoạn trích trên.
-----------HẾT-----------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1
* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: Miêu tả, biểu cảm, tự sự, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
* Cách giải:
- Phương thức biểu đạt: nghị luận
Câu 2
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Cách giải
- Điều giúp tác giả tiếp tục bước đi trong cuộc sống đó chính là tình yêu dành cho những gì tác giả đã làm.
Câu 3
* Phương pháp: phân tích, tổng hợp
* Cách giải
HS trình bày cách hiểu của mình một cách hợp lí, thuyết phục. Tham khảo các cách trả lời sau:
– Câu nói cho thấy trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn thất bại.
– Câu nói cho thấy trong cuộc sống, đôi khi có những khó khăn khách quan bất ngờ xảy ra khiến chúng ta thất bại.
Câu 4
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Gợi ý:
- Mỗi người cần phải tìm ra được cái mình yêu quý – đó có thể là một công việc hoặc một con người. Đó là công việc/ con người mà chúng ta thích thú, đam mê, theo đuổi và tin tưởng là tuyệt vời. Chỉ khi đó chúng ta mới có động lực để làm việc hoặc sống có trách nhiệm hơn.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Gợi ý:
– Đồng tình với ý kiến: lập luận cần theo hướng khẳng định niềm tin, tình yêu đối với công việc (tin rằng đó là những việc tuyệt vời) sẽ là động lực mạnh mẽ để mỗi người vượt qua những khó khăn, trở ngại (bao gồm cả những yếu tố khách quan và chủ quan) để thành công. Người ta không thể thành công nếu không có niềm tin vào công việc và không tin đó là việc tốt (tuyệt vời).
– Phản đối ý kiến: lập luận cần theo hướng để thành công trong công việc, nếu chỉ có niềm tin, tình yêu thôi thì chưa đủ, cần phải có hiểu biết kiến thức về công việc, kĩ năng và kĩ xảo để thực hiện công việc đó, ngoài ra, các yếu tố khách quan và sự may mắn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của mỗi người trong công việc.
– Vừa đồng tình, vừa phản đối ý kiến: kết hợp hai cách lập luận trên.
Câu 2.
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân. Đó là mảng hiện thực mà ông gắn bó và hiểu biết sâu sắc. Ông viết chân thực và xúc động về đời sống người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết, thủy chung với quê hương và cách mạng. Sáng lên trong các tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa.
- Vợ nhặt của Kim Lân xứng đáng thuộc loại những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Có nhà nghiên cứu văn học đã xếp Vợ nhặt vào loại gần như “thần bút”.
2. Phân tích
2.1 Sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn văn trên
a. Giới thiệu nhân vật Tràng
b. Phân tích sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên
3. Kết luận
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 có đáp án năm 2021-2022 trường THPT Thái Bình. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !