YOMEDIA

Tổng kết Lịch Sử Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2000 môn Lịch Sử 9 năm 2021

Tải về
 
NONE

Mời các em cùng tham khảo tài liệu Tổng kết Lịch Sử Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2000 môn Lịch Sử 9 năm 2021 với nội dung cụ thể, gồm các bài tập có hướng dẫn giải chi tiết rõ ràng, trình bày logic, khoa học. Hy vọng đây sẽ là tài liệu phục vụ việc học tập của các em học sinh. Chúc các em học tập thất tốt!

ATNETWORK

A. TÓM TẮT LÝ THUYẾT

I. VIỆT NAM TRONG NĂM ĐẦU SAU ĐẠI THẮNG XUÂN 1975

1. Tình hình hai miền Nam Bắc sau đại thắng mùa xuân 1975

- Đại thắng mùa xuân 1975 đã đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Miền Bắc: Đã xây dựng được cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã làm chậm quá trình tiến lên của đất nước.

- Miền Nam: Chế độ thực dân mới và bộ máy chính quyền Sài Gòn ở Trung ương đã bị sụp đổ nhưng hậu quả của chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mà Mỹ để lại còn rất nặng nề.

2. Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa ở hai miền đất nước:

* Miền Bắc:

- Từ sau Hiệp định Pa-ri từ năm 1973 đến năm 1976, nước ta đã tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa.

- Tiếp tục làm tròn nghĩa vụ hậu phương của cả nước và nghĩa vụ quốc tế với Lào và Cam-pu-chia trong giai đoạn mới.

* Miền Nam:

- Thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng.

- Giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống

- Xóa bỏ bóc lột của phong kiến.

- Khôi phục sản xuất nông nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp trở lại hoạt động.

- Đẩy mạnh các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục…

3. Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước (1975-1976)

- Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, đất nước thống nhất về mặt lãnh thổ nhưng mỗi miền lại tồn tại một hình thức tổ chức Nhà nước khác nhau. Nguyện vọng của nhân dân cả nước muốn có một chính phủ thống nhất, một cơ quan đại diện quyền lực chung cho cả nước.

- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 24 (9-1975) đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

- Từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975, Hội nghị hiệp thương đã nhất trí hoàn toàn việc thống nhất hai miền trong một Nhà nước chung.

- Ngày 25 – 4 - 1976, cuộc Tổng tuyển cửa bầu Quốc hội chung được tiến hành trong cả nước.

- Từ ngày 24 - 6 đến ngày 2 – 7 - 1976, Quốc hội khóa VI của nước Việt nam thống nhất họp kì đầu tiên tại Hà Nội:

+ Thông qua chính sách đối nội, đối ngoại.

+ Quyết định lấy tên nước là Công hòa xã hội Chủ nghĩa Việt nam, Hà Nội là Thủ đô, đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là TP. Hồ Chí Minh.

+ Bầu các cơ quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của nước nhà.

+ Bầu Ban Dự thảo Hiến pháp.

+ Ở địa phương, Quốc hội tổ chức thành ba cấp tỉnh, huyện, xã.

II. XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC, ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC (1976-1985)

1. Việt Nam trong 10 năm đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-1985)

a. Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980)

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) đã đề ra kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980).

- Mục tiêu cơ bản của kế hoạch:

+ Xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

+ Cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

- Một số thành tựu đạt được:

+ Khôi phục các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải.

+ Cải tạo xã hội chủ nghĩa ở những vùng mới giải phóng (xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, đưa nông dân vào làm ăn tập thể…)

+ Xây dựng nền văn hóa mới cách mạng.

- Hạn chế:

+ Nền kinh tế còn mất cân đối, sản xuất phát triển chậm, thu nhập quốc dân, năng suất lao động thấp.

+ Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

+ Xã hội này sinh nhiều hiện tượng tiêu cực…

b. Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1981-1985)

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982) đã đề ra kế hoạch Nhà nước 5 năm (1981-1985)

- Mục tiêu kế hoạch:

+Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa thêm một bước và sắp xếp lại cơ cấu nền kinh tế quốc dân.

+ Ổn định về cơ bản tình hình kinh tế- xã hội, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu của đời sống nhân dân.

- Một số thành tựu đạt được:

+ Sản lượng nông nghiệp, công nghiệp đều tăng so với trước.

+ Thu nhập quốc dân tăng bình quân 6,4%

+ Xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

+ Điểm mới trong nông nghiệp thời kỳ này là việc thực hiện rộng rãi phương thức khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động.

Tuy nhiên, khó khăn và yếu kém vẫn còn nhiều, vẫn là những khó khăn và yếu kém của thời kỳ trước chưa được hạn chế và khắc phục, thậm chí có mặt trầm trọng thêm. Mục tiêu cơ bản của kế hoạch là “cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân” vẫn chưa được thực hiện.

2. Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979):

a. Đấu tranh bảo vệ biên giới Tây – Nam:

- Do có âm mưu trước sau khi thắng Mĩ, Tập đoàn Pôn Pốt ở Cam-pu-chia, liền quay súng bắn vào nhân dân ta, gây nên cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới Tây-Nam nước ta (22-12-1978).

- Quân dân ta đã tổ chức phản công, nhanh chóng quét sạch quân xâm lược, hòa bình được lập lại trên toàn bộ biên giới Tây- Nam của đất nước.

b. Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc:

- Ngày 17-2-1979, Trung Quốc mở cuộc tiến công nước ta dọc biên giới từ Móng Cái đến Phong Thổ (Lao Châu).

- Để bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, nhân dân ta đã đứng lên chiến đấu. Cuộc chiến ngoan cường vì độc lập, tự do của nhân dân ta cùng với sự phản đối của dư luận thế giới buộc Trung Quốc phải rút quân khỏi nước ta vào tháng 3-1979.

III. VIỆT NAM TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TỪ NĂM 1986 ĐẾN NĂM 2000

1. Đường lối đổi mới của Đảng

a. Hoàn cảnh lịch sử:

* Tình hình thế giới:

- Khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ngày càng trầm trọng ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa

- Tác động của cách mạng khoa học – kỹ thuật

* Tình hình trong nước:

- Trong hơn một thập niên thực hiện hai kế hoạch 5 năm (1976-1985) tuy đạt được một số thành tựu song tình trạng khủng hoảng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế xã hội ngày càng trầm trọng.

- Sự cần thiết phải đổi mới là để khắc phục khó khăn, vượt qua cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội, trầm trọng nhất là về kinh tế- xã hội từ giữa những năm 80, đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên. Đại hội toàn quốc lần thứ VI (12-1986) của Đảng là mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ đổi mới.

b. Nội dung đường lối đổi mới:

- Đây là quá trình đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, không phải thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắng về chủ nghĩa xã hội với những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.

- Đổi mới kinh tế:

+ Xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường.

+ Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

+ Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.

- Đổi mới chính trị:

+ Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do dân và vì dân.

+ Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

+ Thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

+ Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

2. Việt Nam trong 15 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2000)

Trong 15 năm thực hiện đường lối đổi mới với ba kế hoạch 5 năm 1986-1990; 1991-1995; 1996-2000, nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tực về mọi mặt. Bên cạnh đó chúng ta còn gặp không ít khó khăn và yếu kém trên nhiều mặt.

a. Kế hoạch 5 năm (1986-1990)

- Mục tiêu: thực hiện những mục tiêu của ba chương trình kinh tế: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

- Thành tựu:

+ Lương thực, thực phẩm từ năm 1990 đã đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu góp phần ổn định đời sống nhân dân.

+ Hàng tiêu dùng: dồi dào, đa dạng, các cơ sở sản xuất đã gắn chặt với nhu cầu thị trường

+ Hàng xuất khẩu tăng 3 lần; từ năm 1989, mở rộng thêm hàng xuất khẩu có giá trị lớn như gạo, dầu thô.

b. Kế hoạch 5 năm (1991-1995)

- Mục tiêu:

+ Vượt qua khó khăn, thử thách.

+ Ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng.

- Thành tựu:

+ Khắc phục được tình trạng đình đốn trong sản xuất, rối loại trong lưu thông.

+ Kinh tế tăng trưởng- tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân hàng năm là 8%.

+ Nạn lạm phát từng bước bị đẩy lùi, kinh tế đối ngoại phát triển, vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh.

+ Khoa học và công nghệ gắn bó hơn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội – thích nghi với cơ chế thị trường.

c. Kế hoạch 5 năm (1996-2000)

- Mục tiêu:

+ Tăng trưởng kinh tế - hiểu quả cao và bền vững

+ Giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

+ Cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao tích lũy.

- Thành tựu:

+ Giữ được nhịp độ tăng trưởng về kinh tế.

+ Tổng sản phẩm bình quân trong nước tăng 7%

+ Nông nghiệp phát triển- góp phần vào mức tăng trưởng chung.

+ Kinh tế đối ngoại phát triển – trong 5 năm xuất khẩu tăng bình quân hàng năm 21%, nhập khẩu đạt 61 tỷ USD

+ Vốn đầu tư của nước ngoài đạt 10 tỷ USD gấp 1,5 lần so với 5 năm trước.

+ Khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực, giáo dục đào tạo có một bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng và hình thức đào tạo…

d. Thành tựu đạt được trong 15 năm thực hiện ba kế hoạch nhà nước 5 năm (1986-2000)

- Tăng cường sức mạnh tổng hợp – làm thay đổi bộ mặt đất nước và cuộc sống nhân dân.

- Củng cố độc lập dân tộc và chế độ XHCN

+ Nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế

e. Khó khăn, yếu kém trong 15 năm đổi mới:

- Kinh tế phát triển chưa vững chắc, chưa có hiệu quả và sức cạnh tranh thấp

- Một số vấn đề xã hội còn bức xúc và gay gắt, chậm được giải quyết.

- Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức của một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

B. BÀI TẬP MINH HỌA

Câu 1: Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, cách mạng ở hai miền Bắc- Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?

Hướng dẫn giải

* Ở miền Bắc:

- Thuận lợi: Trải qua hơn 20 năm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Bắc đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện, đã xây dựng được cơ sở vật chất- kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội.

- Khó khăn: Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quyên của Mĩ kéo dài và hết sức ác liệt gây hậu quả lâu dài đối với miền Bắc làm cho quá trình phát triển của đất nước bị chậm lại nhiều năm.

* Ở miền Nam:

- Thuận lợi: Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, chế độ thực dân mới của Mĩ cùng bộ máy chính quyền Sài Gòn ở trung ương bị sụp đổ. Kinh tế miền Nam trong chừng mực nhất định có bước phát triển theo hướng tư bản.

- Khó khăn: Cơ sở của chính quyền Sài Gòn ở địa phương cùng bao di hại của xã hội vẫn tồn tại. Ở miền Nam, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ và phân tán là phổ biến, phát triển mất cân đối, phụ thuộc nặng nề vào viện trợ từ bên ngoài. Nhiều làng mạc, đồng ruộng bị tàn phá. Nửa triệu héc ta ruộng đất bị bỏ hoang. Một triệu héc ta rừng bị chất độc hóa học và bom đạn cày xới. Vô số bom mìn còn vùi lấp trên các cánh đồng, ruộng vườn, nơi cư trú của nhân dân. Đội ngũ thất nghiệp có tới hàng triệu người. Số người mù chữ chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư.

Câu 2: Nhiệm vụ và thành tựu của cách mạng của miền Bắc trong năm đầu sau đại thắng mùa Xuân 1975 là gì?

Hướng dẫn giải

- Nhiệm vụ: Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, đồng thời làm nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước và nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Cam-pu-chia.

- Thành tựu:

+ Trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 6 tháng cuối năm 1975 và 6 tháng đầu năm 1976, diện tích trồng lúa, hóa màu cây công nghiệp tăng hơn năm trước.

+ Nhiều công trình, nhà máy được xây dựng và mở rộng thêm. Sản lượng của phần lớn các sản phẩm quan trọng đều đạt và vượt mức trước chiến tranh.

+ Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật phát triển mạnh.

Câu 3: Đảng và chính quyền cách mạng ở miền Nam đã có những chủ trương và biện pháp gì nhằm thực hiện các nhiệm vụ cấp bách sau chiến tranh trong những năm đầu sau chiến tranh chống Mĩ thắng lợi?

Hướng dẫn giải

* Chủ trương: Việc tiếp quản các vùng mới giải phóng được tiến hành khẩn trương. Ổn định tình hình miền nam khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa.

* Biện pháp:

- Chính quyền cách mạng và đoàn thể quần chúng các cấp ở vùng mới giải phóng nhanh chóng được thành lập.

- Hàng triệu đồng bào trong thời gian chiến tranh bị dồn vào các “Ấp chiến lược” hay bỏ chạy vào các thành phố, không có việc làm được hồi hương, chuyển về nông thôn sản xuất hoặc đi xây dựng vùng kinh tế mới.

- Tịch thu toàn bộ tài sản và ruộng đất của bọn phản động trốn ra nước ngoài, tuyên bố xóa bỏ bóc lột phong kiến, tiến hành điều chỉnh ruộng đất trong nội bộ nông dân, quốc hữu hóa ngân hàng, thay đồng tiền của chính quyền Sài Gòn bằng đồng tiền cách mạng.

- Chú trọng khôi phục sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp trở lại hoạt động.

- Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế…. được tiến hành khẩn trương.

Câu 4: Vì sao Đảng ta chủ trương phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước?Chủ trương đó được thực hiện như thế nào?Ý nghĩa của nó đối với sự phát triển đất nước.

Hướng dẫn giải

* Vì sao:

- Sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã thắng lợi, nước ta đã thống nhất về mặt lãnh thổ, song ở mỗi miền lại tồn tại một hình thức tổ chức Nhà nước khác nhau.

- Nhân dân ta ở hai miền có mong muốn đất nước phải được thống nhất về mặt Nhà nước

* Thực hiện chủ trương:

- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 24 (họp tháng 9-1975) đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

- Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước về mặt Nhà nước họp tại Sài Gòn (từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975) đã hoàn toàn nhất trí với chủ trương thống nhất đất nước về mặt Nhà nước của Đảng.

- Cuộc Tổng tuyền cử bầu cử Quốc hội chung (khóa VI) được tiến hành trong cả nước ngày 25-4-1976.

- Quốc hội khóa VI của nước Việt nam thống nhất họp kỳ đầu tiên tại Hà Nội (từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976) đã bầu các cơ quan, thông qua chính sách đối nội, đối ngoại của nước Việt Nam thống nhất.

* Ý nghĩa:

- Hoàn thành thống nhất Nhà nước về mặt Nhà nước đã đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan về sự phát triển của dân tộc.

- Hoàn thành thống nhất Nhà nước, về mặt Nhà nước để thể chế hóa thống nhất lãnh thổ và tạo cơ sở pháp lý để hoàn thành thống nhất đất nước trên các lĩnh vực khác, tạo điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện đất nước và để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Câu 5: Nêu những mục tiêu và thành tựu của kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976-1980 trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Hướng dẫn giải

* Mục tiêu:

Thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa, vừa xây dựng đất nước vừa cải tạo quan hệ sản xuất, nhằm hai mục tiêu cơ bản: xây dựng một bước cơ sở vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động.

* Thành tựu:

- Các cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải về cơ bản đã khôi phục xong và bước đàu xây dựng mới 1.700 km đường sắt, 3.800 km đường bộ. Tuyến đường sắt thống nhất từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh sau 30 năm bị gián đoạn đã hoạt động trở lại.

- Ở miền nam, cải tạo xã hội chủ nghĩa đã xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, đưa nông dân vào làm ăn tập thể (tập đoàn sản xuất) thủ công nghiệp và thương nghiệp được sắp xếp và tổ chức lại.

- Xóa bỏ những biểu hiện văm hóa phản động đồi trụy, xây dựng nền văn hóa cách mạng. Giáo dục ở các cấp đều phát triển, năm 1976-1980 số người đi học trong cả nước là 15 triệu, tăng hơn năm học 1976- 1977 là 2 triệu.

Câu 6: Những nhiệm vụ và thành tựu của kế hoạch Nhà nước 5 năm 1981-1985 ở Việt Nam?

Hướng dẫn giải

* Nhiệm vụ:

- Sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân.

- Tạo sự ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu của đời sống nhân dân, giảm nhẹ những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế.

* Thành tựu:

- Trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, đã chặn được đà giảm sút của 5 năm trước (1976-1980) và có bước phát triển: Thời kỳ 1981-1985, sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 4,9% so với 1,9% của thời kỳ 1976-1980. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 9,5% so với 0,6% của thời kỳ 1976-1980. Thu nhập quốc dân tăng bình quân hằng năm là 6,4% so với 0,4% của 5 năm trước.

- Trong xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, đã hoàn thành hàng trăm công trình tương đối lớn, hàng nghìn công trình vừa và nhỏ. Dầu mỏ bắt đầu được khai thác, công trình thủy điện. Hòa bình, thủy điện Trị An được khẩn trương xây dựng, chuẩn bị đi vào hoạt động.

- Các hoạt động khoa học – kỹ thuật được triển khai, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Câu 7: Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam và biên giới phia Bắc nước ta (1975-1979) đã diễn ra như thế nào?

Hướng dẫn giải

* Cuộc kháng chiến chống Mĩ thắng lợi, tập đoàn Pôn Pốt đại diện cho “Khơme đỏ” ở Cam-pu-chia đã quay súng bắn vào nhân dân ta, lấn chiếm lãnh thổ nước ta.

- 22-12-1978, chúng huy động 19 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng tiến đánh Tây Ninh.

- Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân ta tổ chức phản công và tiến công tiêu diệt quân xâm lược khi chúng vừa đặt chân vào nước ta. Cuộc chiến tranh biên giới Tây – Nam nhanh chóng chấm dứt. Toàn bộ quân xâm lược Pôn Pốt bị quét ra khỏi nước ta, hòa bình được lập lại trên toàn tuyến biên giới Tây – Nam.

* Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc:

- Trung Quốc là nước láng giềng thân thiết của Việt Nam, nhưng từ năm 1978, quan hệ Việt Nam- Trung Quốc xấu đi. Trung Quốc cho quân khiêu khích dọc theo biên giới Việt – Trung và ngày 17-2-1979, Trung Quốc mở cuộc tiến công nước ta dọc biên giới từ Móng Cái đến Phong Thổ (Lai Châu).

- Đẻ bảo vệ Tổ Quốc, quân ta, trực tiếp là quân dân 6 tỉnh phía Bắc đã đứng lên chiến đấu. Cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân ta, cùng với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và thế giới, buộc Trung Quốc phải rút quân khỏi nước ta (18-3-1979).

Câu 8: Vì sao Đảng ta chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986? Phải đổi mới như thế nào cho phù hợp với đặc điểm nước ta?

Hướng dẫn giải

* Vì sao:

- Sau hơn một thập niên thực hiện hai kế hoạch 5 năm (1976-1985), bên cạnh những thành tựu và tiến bộ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đạt được là rất đáng kể, cách mạng Việt Nam gặp không ít khó khăn, yếu kém.

- Những khó khăn ngày càng lớn đã đưa đất nước ta lâm vào khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Nguyên nhân cơ bản là sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và chủ trương thực hiện.

- Tác động của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật làm thay đổi tình hình thế giới và quan hệ giữa các nước.

- Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác lâm vào khủng hoảng toàn diện và ngày càng trầm trọng. Để khắc phục sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng và đẩy mạnh cách mạng tiến lên, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải tiến hành đổi mới.

* Đổi mới như thế nào?

Đường lối đổi mới của Đảng được đề ra đầu tiên tại Đại hội VI (12-1986) và được điều chỉnh, bổ sung, phát triển tại các Đại hội tiếp sau. Đổi mới phải được hiểu là:

- Đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội không phải là thay đổi mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.

- Đổi mới phải toàn diện và đồng bộ, từ kinh tế, chính trị đến tổ chức, tư tưởng, văn hóa, đổi mới kinh tế gắn liền với đổi mới chính trị, trọng tâm là đổi mới về kinh tế.

C. LUYỆN TẬP

Câu 1: Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu của cả nước ta là gì?

A.Khắc phục hậu quả chiến tranh và ổn định tình hình chính trị, kinh tế

B.Ổn định tình hình chính trị-xã hội ở miền Nam

C.Thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước

D.Mở rộng quan hệ giao lưu với các nước

Câu 2: Từ 1946-1980 đã ba lần quốc hội thông qua Hiến pháp đó là những Hiến pháp nào?

A.Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980

B. Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1960, Hiến pháp 1980

C. Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1975, Hiến pháp 1980

D. Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1976, Hiến pháp 1980

Câu 3: Đến ngày 20-9-1977, nước ta trở thành hội viên thứ mấy của Liên hợp quốc?

A.110

B.150

C.149

D.160

Câu 4: Thuận lợi cơ bản nhất của đất nước ta sau 1975 là gì?

A.Nhân dân phấn khởi với chiến thắng vừa giành được

B.Có miền Bắc XHCN, miền Nam hoàn toàn giải phóng

C.Đất nước đã được độc lập, thống nhất

D.Các nước XHCN tiếp tục ủng hộ ta

Câu 5: Khó khăn cơ bản nhất của nước ta sau 1975 là gì?

A.Số người mù chữ, số người thất nghiệp chiếm tỉ lệ cao

B.Bọn phản động trong nước vẫn còn

C.Nền kinh tế nông nghiệp vẫn còn lạc hậu

D.Hậu quả của chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới Mĩ để lại nặng nề

Câu 6: Sự kiện nào là quan trọng nhất trong quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước sau 1975?

A.Hội nghị hiệp thương của đại biểu 2 miền Bắc Nam tại Sài Gòn (11-1975)

B.Tổng tuyển cử bầu quốc hội chung trong cả nước (25-4-1976)

C.Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất kì họp đầu tiên (24-6 đến 2-7-1976)

D.Đại hội thống nhất mặt trận tổ quốc Việt Nam

Câu 7: Cuộc Tổng tuyển cử bầu quốc hội chung trong cả nước (25-4-1976) có ý nghĩa gì?

A.Lần thứ 2 cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trong cả nước

B.Kết quả thắng lợi của 30 năm chiến tranh giữ nước(1945-1975)

C.Là một bước quan trọng cho sự thống nhất đất nước về mặt Nhà nước

D.Cả 3 ý trên

Câu 8: Quốc hội thống nhất cả nước là quốc hội khóa mấy?

A.Khóa IV

B. Khóa V

C. Khóa VI

D. Khóa VII

Câu 9: Người được bầu làm chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ai?

A.Hồ Chí Minh

B.Tôn Đức Thắng

C.Nguyễn Lương Bằng

D.Trần Đức Lương

Câu 10: Kì họp thứ I Quốc hội khóa IV có những quyết định nào liên quan với việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước?

A.Thống nhất tên nước, xác định Hà Nội là thủ đô của cả nước

B.Bầu các cơ quan lãnh đạo cao nhất của cả nước

C.Đổi tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Tp.Hồ Chí Minh

D.A và B đúng

Câu 11: Từ ngày 15 đến 21-11-1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước tại Sài Gòn đã nhất trí hoàn toàn các vấn đề gì?

A.Lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghãi Việt Nam

B.Chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước

C.Quốc kì là cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca

D.Đổi tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh

Câu 12: Trong giai đoạn 1954 - 1975, kinh tế miền Nam phát triển theo hướng nào ?

A. tư bản chủ nghĩa

B. xã hội chủ nghĩa

C. công - thương nghiệp tư nhân

D. nông nghiệp hàng hóa

Câu 13: Đâu không phải là hạn chế của kinh tế miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 ?

A. vẫn mang tính chất nông nghiệp

B. phát triển không cân đối

C. lệ thuộc nặng nề vào viện trợ bên ngoài

D. công - thương nghiệp quy mô lớn phát triển

Câu 14. Từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, tại Sài Gòn đã diễn ra sự kiện gì?

A. Hội nghị lần thứ 24 Ban chấp hành Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

B. Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước.

C. Hội nghị Hiệp thương chính trị đề ra chủ trương, biện pháp thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

D. Quốc hội khóa VI họp phiên đầu tiên.

Câu 15: Điểm khác biệt cơ bản giữa nền kinh tế nước ta trước và sau thời điểm đổi mới là gì?

A. Chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

B. Chuyển từ nền kinh tế thị trường sang nền kinh tế tập trung bao cấp.

C. Xóa bỏ nền kinh tế tập trung bao cấp hình thành nền kinh tế mới.

D. Xóa bỏ nền kinh tế thị trường hình thành nền kinh tế mới.

---(Nội dung đầy đủ, chi tiết từ câu số 16 đến câu số 70 của tài liệu vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

Câu 70. Nội dung nào không phải là nguyên nhân đưa đến việc Đảng ta phải thực hiện đường lối đổi mới?

A. Do những sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách, chỉ đạo và tổ chức thực hiện

B. Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng

C. Do các thế lực ngoại xâm đang nhòm ngó nước ta

D. Những thay đổi của tình hình thế gới, nhất là trước sự khủng hoảng ngày càng trầm trọng ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa

Câu 71. Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 do:

A. nhân dân không đồng tình

B. sự giúp đỡ của Liên Xô

C. đất nước đang phát triển

D. sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện

Câu 72. Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo vào năm nào?

A. Năm 1991

B. Năm 1988

C. Năm 1990

D. Năm 1989

Câu 73. Nội dung nào sau đây không phải là chủ trương đổi mới về kinh tế của Đảng?

A. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại.

B. Xóa bỏ cơ chế quản lí kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường.

C. Xây dựng nền kinh tế quốc dân với cơ cấu nhiều ngành nghề.

D. Phát triển nền kinh tế XHCN với hai thành phần: nhà nước và tập thể.

Câu 74. Đảng thực hiện đường lối đổi mới nhằm:

A. khắc phục sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.

B. đưa nước ta trở thành "con rồng" kinh tế châu Á.

C. tiến nhanh, tiến mạnh lên con đường XHCN.

D. đưa đất nước hòa nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Câu 75. Tác động lớn nhất của tình hình thế giới đến công cuộc đổi mới của Đảng là:

A. cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng của hệ thống Xã hội chủ nghĩa.

B. chính sách diễn biến hòa bình của Hoa Kì.

C. Chủ nghĩa tư bản trên thế giới đang lớn mạnh.

D. cuộc Chiến tranh lạnh chấm dứt.

Câu 76. Chủ trương chiến lược lâu dài của Đảng trong công cuộc đổi mới là gì?

A. xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước của dân, do dân, vì dân.

B. xây dựng nền kinh té hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN.

C. xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

D. xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạng thời đại.

Câu 77. Nguyên nhân quyết định thắng lợi bước đầu của công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta là:

A. sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo.

B. hoàn cảnh quốc tế vô cùng thuận lợi, sự giúp đỡ to lớn của bạn bè thế giới.

C. tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cảu nhân dân ba nước Đông Dương.

D. tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân Việt Nam.

Câu 78. Những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới (1986 - 1990) của Đảng chứng tỏ điều gì?

A. đường lối đổi mới là đúng nhưng bước đi chưa phù hợp

B. đường lối đổi mới của Đảng chưa phù hợp

C. đường lối đổi mới chưa phù hợp với hoàn cảnh đất nước

D. đường lối đổi mới là đúng, bước đi cơ bản là phù hợp

Câu 79. Quan điểm đổi mới đất nước cùa Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 12-1986) không có nội dung nào dưới đây?

A. Đổi mới toàn diện và đồng bộ.

B. Lấy đổi mới chính trị làm trọng tâm.

C. Đi lên chủ nghĩa xã hội bằng những biện pháp phù hợp.

D. Không thay đổi mục tiêu của chù nghĩa xẵ hội.

Câu 80. Những thành tựu Việt Nam đạt được trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 1986-1990 chứng tỏ điều gì?

A. Đường lối đổi mới là đúng, bước đi của công cuộc đổi mới cơ bản là phù hợp.

B. Đường lối đổi mới về cơ bản là đúng đắn, cần phài có những bước đi phù hợp

C. Việt Nam đã thoát khỏi tĩnh trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội.

D. Việt Nam đã giải quyết được sự mất cân đối của nền kinh tế.

 

Trên đây là một phần trích dẫn nội dung Tổng kết Lịch Sử Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2000 môn Lịch Sử 9 năm 2021. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tư liệu cùng chuyên mục tại đây:

Chúc các em học tốt!

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON