YOMEDIA

Nghị luận về quan điểm Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em học sinh lớp 9 rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội hay và sáng tạo nhất, Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Nghị luận về quan điểm Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học dưới đây. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về quan niệm sống hết lòng.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Kiến thức là vô hạn, mỗi người không thể hiểu biết tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

- Dẫn dắt đến quan điểm: Chính vì vậy, “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”.

b. Thân bài:

* Giải thích:

- “Xấu hổ” là trạng thái tâm lý của con người khi cảm thấy hổ thẹn do mắc phải lỗi lầm hoặc cảm thấy thấp kém hơn người khác.

- “Không biết” được hiểu là chưa có kiến thức ở một lĩnh vực nào đó, còn “không học” là trạng thái con người không còn học hỏi, tiếp thu kiến thức.

=> Như vậy, quan điểm trên đã chỉ rõ sự khác biệt giữa việc “không biết” và “không học”. Có thể con người không thể hiểu biết được hết mọi kiến thức và điều đó không đáng phải xấu hổ. Nhưng nếu chúng ta không chịu học hỏi để bản thân hoàn thiện bản thân thì đó là điều nên cảm thấy tự hổ thẹn.

* Chứng minh:

- Tri thức của nhân loại là vô tận, mà khả năng của con người lại có hạn. Chính vì vậy không ai là có thể biết hết tất cả mọi lĩnh vực.

- Ví dụ: Những nhà khoa học họ cũng chỉ thành công trên một lĩnh vực nhất định.

=> “Không biết” là một chuyện hết sức bình thường.

- Việc học tập có vai trò quan trọng với con người:

  • Cung cấp kiến thức, kĩ năng.
  • Giáo dục nhân cách đạo đức.
  • Bước đến con đường thành công dễ dàng hơn.

=> “Không học” là thể hiện sự lười biếng và sự vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

* Bình luận:

- Trong thời đại khoa học - kĩ thuật bùng nổ, việc học tập trở nên dễ dàng hơn.

- Cũng có nhiều người giấu dốt, không chịu cố gắng học hỏi hoặc tự kiêu khi cho rằng bản thân đã biết nhiều thứ.

* Liên hệ bản thân:

- Đối với một học sinh thì việc học tập là quan trọng nhất.

- Mỗi học sinh cần rèn luyện ý thức tự giác học, không giấu dốt mà cần thẳng thắn nêu ra những điều mình chưa biết để hoàn thiện.

c. Kết bài:

- Như vậy, quan điểm trên hoàn toàn đúng đắn.

- Mỗi người cần cố gắng học hỏi không ngừng để hoàn thiện bản thân.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn bàn luận về quan điểm Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Việc học và có được những hiểu biết luôn là điều mỗi người luôn luôn cố gắng và phấn đấu có được. Nhưng kiến thức của nhân loại luôn rộng lớn biết bao nhiêu, mỗi người chỉ là một giọt nước của đại dương mênh mông đó thôi. Chính vì thế phải luôn luôn cố gắng tích lũy kiến thức để có thể học hỏi thật tốt. Chính vì lượng kiến thức nhân loại lớn như vậy nên có một câu nói rất hay đó là “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”.

Đầu tiên ta như phải hiểu được ý nghĩa của câu đó là gì. Ta như biết được rằng chính từ “xấu hổ” ở đây như muốn nói đó chính là trạng thái tâm lí bình thường của con người khi cảm thấy ngượng ngùng, và có cả sự e thẹn hoặc hổ thẹn khi thấy kém cỏi trước người khác. Khi mình kém cỏi hơn người khác về một lĩnh vực cụ thể nhưng không có nghĩa là mình kém cỏi về nhiều lĩnh vực. Vốn tri thức của nhân loại thật rộng lớn biết bao nhiêu, cho nên mỗi người hãy học tập và tự trau dồi những kiến thức cho chính bản thân của mình.

Nói tóm lại ta như thấy được cả nghĩa cả câu ngạn ngữ trên dường như cũng đã chỉ ra sự khác nhau giữa sự “không biết” và "không học”. Quan trọng hơn câu tục ngữ đường như cũng đã đồng thời khuyên con người phải ham học hỏi và biết “xấu hổ khi không học”.

“Học” ở đây bao hàm rất rộng, ai cũng cần phải học, nếu không học ta chắc chắn sẽ bị thụt lùi so với xã hội. Thử hỏi xem nếu không tự chủ động nuôi dưỡng, ham tìm kiếm điều mới, học hỏi thì trí óc ta thui chột, mài mòn dần. Không ai muốn mình của hôm nay lại giống như hôm qua mà không có gì mới lạ, cuộc sống trở nên ngắn ngủi, phí hoài lặng lẽ trôi, lúc đó ta mới thực sự cảm thấy “xấu hổ” với những người khác, thầm trách, so sánh với người khác rằng: “Sao họ làm được mình làm không được?", “sao họ trưởng thành, chín chắn mà mình chưa?”,…

Đã có bao người nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp nhận sự giáo dục mà đã không ngừng nghỉ đầu tư thời gian, sức lực lao vào học và làm để tìm kiếm kiến thức bao nhiêu năm tháng đằng đẵng, để rồi đón nhận một trong vô số phần thưởng của kiến thức mang lại là tiền, phục vụ cho cuộc sống tương lai phồn thịnh của họ, của xã hội. Có những nhà khoa học, ngày đêm cần mẫn chăm chỉ sáng tạo, phát minh ra những điều mới cống hiến cho xã hội, không phải họ có sẵn tài năng bẩm sinh, nếu như họ không chịu chăm chỉ, yêu thích tìm tòi, nghiên cứu, không biết “xấu hổ” khi dám nêu ra những điều mình còn hạn chế để từ đó khắc phục thì con người đó chẳng bao giờ giỏi được, sẽ không có ngày thành công.

Trong lĩnh vực đào tạo, nhà nước và xã hội ta hiện nay đang càng ngày càng quan tâm đến việc giáo dục thế hệ học sinh, đã có nơi thường xuyên dùng những câu tục ngữ như thế này để khuyên chúng phải dám chấp nhận, vượt qua sự “xấu hổ” vốn tưởng như mặc định mỗi khi chúng có điều gì thắc mắc, dám tự tin nói, trình bày với người lớn, bạn bè để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhìn nhận đúng giá trị, tầm hiểu biết, học thức của con người để đưa ra những biện pháp giáo dục, tìm hiểu, khích lệ chúng hăng say hơn trong việc học, phát triển kiến thức của bản thân một cách chủ động nhất.

Câu nói là một chân lý đúng đắn cho mỗi người, nó tồn tại vĩnh viễn, bất biến dù có trải qua bao nhiêu lâu. Cho ta hiểu rằng, có học ta sẽ có tất cả, ta hoàn toàn có được điều đó nhờ quá trình liên tục không ngừng nghỉ đốc thúc bản thân phải có ý thức vượt qua sự xấu hổ về những điều mình chưa biết, và không ngừng tự bồi dưỡng, trau dồi thêm những kiến thức mới, vì nếu dừng lại ta sẽ tiến gần hơn đến sự chịu đầu hàng những thất bại trong cuộc sống, luôn sống trong hối tiếc, xấu hổ thực sự vì không nâng cao được giá trị bản thân, không đóng góp được cho gia đình, xã hội.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nếu ví kiến thức là một đại dương thì những gì con người học được chỉ là một giọt nước giữa đại dương ấy. Chính vì vậy, quan điểm: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học” là hoàn toàn đúng đắn.

Không phải lẽ dĩ nhiên mà từ “xấu hổ” được nhắc tới hai lần. Tuy trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng nó đều mang một ý nghĩa. “Xấu hổ” là một trạng thái tâm lý của con người. Đó là khi chúng ta cảm thấy hổ thẹn do mắc phải lỗi lầm hoặc cảm thấy bản thân thấp kém hơn người khác. Sự xấu hổ thông thường xuất hiện khi chúng ta so sánh bản thân mình với người khác. Với cụm từ “không biết” được dùng khi chúng ta muốn nói rằng bản thân mình chưa có kiến thức ở một lĩnh vực nào đó. Còn cụm từ “không học” được dùng để nói đến trạng thái không còn tiếp thu kiến thức mà bản thân không biết. Như vậy, câu nói trên đã chỉ rõ sự khác biệt giữa việc “không biết” và “không học”. Quan điểm trên đã cho thấy tầm quan trọng của việc học tập không ngừng.

Kho tàng tri thức của nhân loại được vun đắp qua hàng trăm triệu năm đã trở nên vô tận. Nhưng khả năng cũng như thời gian của mỗi con người lại có hạn. Điều đó khiến cho việc có những điều mà chúng ta không biết hết sức bình thường. Cho dù là một người vĩ đại như các nhà bác học, cũng có một lĩnh vực nào đó mà họ không thể hiểu được hay biết được. Việc chúng ta hiểu biết sâu trong một lĩnh vực cụ thể sẽ dễ dàng hơn là hiểu biết rộng trên mọi lĩnh vực.

Trong thời đại khoa học công nghệ bùng nổ, việc học tập chưa bao giờ trở nên dễ dàng như lúc này. Nhưng vẫn có những người không chịu cố gắng học hành. Phần lớn là ở đối tượng học sinh sinh viên - những người đang giành phần lớn thời gian của mình cho công việc học tập. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chính những học sinh, sinh viên ấy. Vì có lẽ, không có con đường nào đến với thành công nhanh hơn con đường học vấn. Ngoài ra, có những hiện tượng, nhiều người vì tính sĩ diện mà giấu dốt. Họ luôn tỏ ra là mình biết tất cả mọi thứ nhưng trên thực tế lại chẳng hiểu biết được bao nhiêu. Điều đó là không nên, nếu chúng ta dám nhìn nhận thẳng vào sự thiếu hụt của bản thân để hoàn thiện mới có thể ngày càng tốt hơn.

Đối với một học sinh như tôi, chắc chắn học tập là một điều vô cùng quan trọng. Khi đọc được quan điểm trên, bản thân tôi đã thấy vô cùng tâm đắc. Ý thức được điều đó, tôi không ngại thể hiện ra những điều mà bản thân chưa biết để có cơ hội được học hỏi thêm. Trong quá trình học trên lớp, tôi cũng tích cực trao đổi với thầy cô về những vấn đề mình còn thắc mắc. Ngoài ra, tôi cũng chăm chỉ đọc sách vì sách chính là kho tri thức khổng lồ của nhân loại. Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, tôi lại biết thêm được nhiều điều thú vị. Quả thật, nếu không biết, chúng ta còn có thể học hỏi. Nhưng nếu không học hỏi, chúng ta sẽ chẳng biết được gì.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng học hỏi là một điều cần thiết trong cuộc sống. Những điều mà con người không biết vẫn còn rất nhiều, và chỉ khi nào chúng ta không chịu học hỏi mới phải cảm thấy xấu hổ.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF