Để làm việc hiệu quả, nhanh chóng mỗi cá thể phải hợp lực, góp sức và đoàn kết lại với nhau. Bài soạn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng thuộc sách Chân Trời Sáng Tạo dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức về ý nghĩa của sự hợp tác trong công việc thông qua câu chuyện các bộ phận trên cơ thể. Từ đó, có thái độ sống tích cực và năng động hơn trong môi trường tập thể, cộng đồng. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
Từ câu chuyện của Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, truyện nêu ra bài học: Trong một tập thể, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa vào nhau, gắn bó với nhau để cùng tồn tại; do đó, phải biết hợp tác với nhau và tôn trọng công sức của nhau.
1.2. Nghệ thuật
- Kể chuyện sinh động, tình tiết li kì, hấp dẫn
- Dùng biện pháp nhân hoá, ẩn dụ
- Cách miêu tả đúng, phù hợp với các bộ phận
- Kết cấu vòng tròn
2. Soạn bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Câu 1: Tóm tắt ngắn gọn văn bản Chân, tay, tai, mắt, miệng.
Trả lời:
Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai vì ghen tị với lão Miệng chỉ ăn mà không làm gì cả nên bàn nhau để mặc lão Miệng, không cho lão ăn gì nữa. Mặc lão Miệng tha hồ ngạc nhiên, sửng sốt, sau khi thông báo cho lão Miêng biết, cả bọn kéo nhau ra về. Một ngày, hai ngày, ba ngày… cả bọn đã thấy mệt mỏi rã rời. Không ai làm nổi việc gì nữa. Đến ngày thứ bảy thì không ai còn chịu nổi. Bác Tai là người nhận ra sai lầm đầu tiên, bèn nói rõ phải trái, rủ cả bọn đến xin lỗi lão Miệng và lại cho lão ăn như xưa. Ăn xong ai nấy đều khoẻ trở lại. Chúng hiểu rằng lão Miệng tuy thế nhưng cũng có công việc của lão, một công việc rất quan trọng, liên quan đến tính mạng của cả bọn. Từ đó lão Miệng, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai lại sống hoà thuận, ai làm việc nấy, không ai còn ghen tị với ai nữa.
Câu 2: Liệt kê những dấu hiệu giúp em nhận biết văn bản Chân, tay, tai, mắt, miệng là truyện ngụ ngôn
Các yếu tố cần xem xét |
Dấu hiệu nhận biết yếu tố của truyện ngụ ngôn trong Chân, tay, tai, mắt, miệng |
Đề tài |
|
Sự kiện, tình huống |
|
Cốt truyện |
|
Nhân vật |
|
Không gian, thời gian |
Trả lời:
Các yếu tố cần xem xét |
Dấu hiệu nhận biết yếu tố của truyện ngụ ngôn trong Chân, tay, tai, mắt, miệng |
Đề tài |
Bài học về tình đoàn kết, cộng đồng |
Sự kiện, tình huống |
Cuộc tranh cãi giữa các nhân vật |
Cốt truyện |
Cốt truyện đơn giản, bắt đầu bằng việc trình bày tình huống |
Nhân vật |
Nhân vật hài hước, các bộ phận trên cơ thể người |
Không gian, thời gian |
Tương đối |
Câu 3: Sai lầm trong cách đối xử của các nhân vật chân, tay, tai, mắt đối với lão miệng giúp em rút ra bài học gì?
Trả lời:
Sai lầm trong cách đối xử của các nhân vật Chân, Tay, Tai, Mắt đối với lão Miệng giúp em rút ra bài học rằng trong một tập thể, mỗi thành viên không thể sống tách biệt mà phải nương tựa vào nhau, gắn bó với nhau để cùng tồn tại; do đó, phải biết hợp tác với nhau và tôn trọng công sức của nhau.
Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Viết bài văn nêu ý nghĩa và bài học rút ra từ truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Chân Trời Sáng Tạo.
Trả lời:
Văn học chính là nơi lý tưởng nhất để mỗi nhà văn gửi gắm những tư tưởng, những bài học sâu sắc. Qua truyện ngụ ngôn “Chân, tay, mắt, miệng”, tác giả dân gian cũng trao gửi triết lý sống thật bổ ích mà mỗi chúng ta đều cần khắc sâu ghi nhớ.
Trước hết, để có thể lĩnh hội hết ý nghĩa, ta cần nắm được các chi tiết chính và nội dung của câu chuyện. Chân, tay, tai, mắt, miệng vốn là những bộ phận cơ thể người vô tri vô giác nhưng được tác giả dân gian thổi hồn khiến chúng có suy nghĩ hành động của riêng mình. Câu nói về việc cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai sau thời gian quần quật làm việc mệt nhọc liền nảy sinh ghen tị và bắt đầu có những phàn nàn về lão Miệng. Vì họ nghĩ lão Miệng chẳng phải làm gì chỉ việc ăn đồ ăn thức uống vô cùng nhàn hạ, trái ngược hẳn với họ. Chính vì suy nghĩ như vậy nên họ quyết định sẽ không làm gì nữa để xem lão Miệng sẽ sống ra sao. Thế nhưng một điều xảy ra mà có lẽ họ chẳng ngờ tới khi sống những ngày nhàn rỗi, đó là tuy không phải làm việc nữa nhưng họ không thấy vui tươi, hạnh phúc mà lại thấy mệt mỏi, rã rời. Cậu Chân, cậu Tay chẳng cất nổi mình để chạy nhảy, nô đùa như trước nữa. Cô Mắt thì suốt ngày lờ đờ, hai mí nặng trĩu. Bác Tai mọi ngày nghe gì cũng rõ, nay lúc nào cũng cảm thấy như có cái cối xay lúa quay ù ù ở bên trong. Cứ như thế cho tới ngày thứ bảy thì bốn người họ không thể chịu đựng được nữa, đành họp nhau lại để bàn. Và bác Tai chính là người nhận ra sai lầm đầu tiên. Hóa ra họ đã suy nghĩ quá nông cạn và trách giận nhầm lão Miệng. Tuy lão không phải làm gì nhưng lão cũng có một công việc vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng đến sự tồn tại của tất cả mọi người khác đó chính là nhai thức ăn để chuyển hóa và đi đến các bộ phận khác trong cơ thể. Cuối cùng câu chuyện khép lại với việc mâu thuẫn được giải quyết, mọi người đến xin lỗi lão Miệng và lại chăm chỉ làm việc, sống hòa thuận như xưa.
Câu chuyện trước hết khẳng định thế mạnh và vai trò riêng của mỗi cá nhân trong đời sống. Mỗi con người không ai sinh ra là vô nghĩa mà đều mang trong mình sứ mệnh, trọng trách khác nhau như cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay và bác Tai. Thêm vào đó, câu chuyện đã cho thấy mối lien hệ vô cùng bền chặt giữa các bộ phận, bộ phận nào cũng quan trọng và cần gắn bó khăng khít với nhau mới tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh, cùng nhau phát triển. Qua đó, ông cha ta muốn nhắc nhở mỗi chúng ta về tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng nhau tạo dựng một cộng đồng, một xã hội bền vững và tiến bộ. Mỗi cá nhân đóng một vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện cộng đồng và cần tích cực đoàn kết giúp đỡ mọi người.
Câu chuyện “Chân, tay, mắt, miệng” thực sự là một bài học sâu sắc đáng để mọi người mang theo trong túi hành trang tri thức của bản thân trên quãng đường đời.
4. Hỏi đáp về bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
5. Một số văn mẫu bài Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng Ngữ văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo
Qua văn bản Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng đã giúp người đọc có nhiều bài học quý giá về tinh thần đoàn kết, làm việc tích cực trong môi trường tập thể thông qua câu chuyện của các bộ phận trên cơ thể. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây: