YOMEDIA
NONE

Ôn tập Học kì 1 - Ngữ văn 7 Tập 1 Kết Nối Tri Thức


Trong suốt quá trình một học kì, các em đã được bổ sung kiến thức về các đặc điểm một số thể loại như thơ bốn chữ, năm chữ, tản văn, bút kí,...Đồng thời biết cách sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, mở rộng các thành phần câu, từ địa phương và nhiều kiến thức khác. Bài học Ôn tập Học kì 1 thuộc sách Kết Nối Tri thức dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 7 củng cố và ôn luyện lại những kiến thức về văn bản đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt đã học trong Học kì 1. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại kiến thức về văn bản đọc hiểu

- Bầy chim chìa vôi - Nguyễn Quang ThiềuVăn bản kể về hai cậu bé Mon và Mên giàu lòng nhân hậu đã cứu bầy chim chìa vôi, qua đó rút ra bài học về giá trị của lòng kiên cường vượt qua mọi thử thánh và vẻ đẹp của tình yêu thương trong cuộc sống.

- Đi lấy mật - Đoàn Giỏi: Đoạn trích ca ngợi bức tranh thiên nhiên với cả nhạc và họa như tô điểm thêm vẻ đẹp vốn có của rừng già. Lúc này, An đã có nhiều trải nghiệm mới lạ, độc đáo nơi núi rừng Nam Bộ.

- Ngàn sao làm việc - Võ QuảngTác phẩm miêu tả cảnh ngàn sao cùng làm việc, cùng chung sức đã làm nên vẻ đẹp huyền diệu của trời đêm. Từ đó, thể hiện quan niệm lao động và biết đoàn kết, yêu thương đã làm cho vạn vật trở nên đẹp đẽ, đáng yêu.

- Đồng dao mùa xuân - Nguyễn Khoa ĐiềmBài thơ viết về người lính, dưới góc nhìn chiêm nghiệm của một con người thời bình. Đó là những người lính hồn nhiên, tinh nghịch, chưa một lần yêu, còn mê thả diền nhưng chính họ đã hi sinh tuổi xuân, máu xương của mình cho đất nước.

- Gặp lá cơm nếp - Thanh Thảo: Bài thơ là tình cảm nhớ thương của người con dành cho mẹ và đất nước. Đó là tình cảm thiêng liêng của người con dành cho cội nguồn, cho dân tộc, cho người mẹ kính yêu đã sinh ra và yêu thương mình.

- Trở gió - Nguyễn Ngọc TưVăn bản đã tái hiện cảm giác xao xuyến của nhân vật tôi khi mùa gió chướng về, cùng những hình ảnh vô cùng quen thuộc mỗi mùa gió chướng.

- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc ThuầnTác phẩm cho chúng ta biết một cách cảm nhận vẻ đẹp của thế giới tự nhiên xung quanh ta: cảm nhận bằng mọi giác quan. Đồng thời gửi đến thông điệp về tình người cách cho và nhận quà nó là cả một nghệ thuật. Qua đó cho thấy tình yêu thiên nhiên, tình cha con và tình cảm với những "món quà" của các nhân vật.

- Người thầy đầu tiên - Ai-tơ-ma-tốpTác phẩm kể về tình cảm của nhân vật An-tư-nai dành cho người thầy đầu tiên của mình là Đuy-sen. Qua đó thể hiện nhân cách cao quý đáng trân trọng của người thầy.

- Quê hương - Tế HanhBài thơ đã thể hiện tình yêu quê hương, niềm tự hào sâu sắc, cùng với nỗi nhớ tha thiết của tác giả với miền biển đầy nắng và gió. Qua đó cũng thể hiện được tài năng và tâm hồn tinh tế, óc quan sát nhạy bén và sức sáng tạo của Tế Hanh đã tạo nên bức tranh làng chài vô cùng sinh động và đẹp đẽ.

- Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải: Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp mùa xuân của thiên nhiên, đất trời và suy tư về tuổi trẻ của đời người. Khát vọng muốn cống hiến những gì đẹp nhất cho đời.

- Gò Me - Hoàng Tố Nguyên: Bài thơ khắc họa bức tranh cảnh sắc thiên nhiên tươi đep với đầy đủ âm thanh, màu sắc cùng những điệu hò quen thuộc những cô gái Gò Me duyên dáng, qua đó thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết bằng tất cả tấm chân tình, niềm tự hào của tác giả.

- Bài thơ Đường núi của Nguyễn Đình Thi - Vũ Quần PhươngVăn bản giúp người đọc hiểu hơn về bức tranh thiên nhiên vô cùng giản dị, sinh động về bức tranh buổi chiều trong bài thơ Đường Núi. Qua đó thể hiện sự đồng cảm của Vũ Quần Phương với tâm tư, tình cảm yêu mến của tác giả dành cho quê hương của tác giả Nguyễn Khoa Điềm.

- Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt - Vũ BằngBài thơ là bức tranh miêu tả cảnh sắc của mùa xuân. Người con xa xứ đang hoài niệm về cái tết cổ truyền với những nét đẹp truyền thống của miền Bắc. Qua đó, tác giả bày tỏ nỗi niềm cảm xúc của mình với mùa xuân của thiên nhiên vào tháng Giêng thật đẹp.

- Chuyện cơm hến - Hoàng Phủ Ngọc TườngTác phẩm giới thiệu về món ăn dân dã, nhưng là đặc sản của xứ Huế mà ít có nơi nào có được hương vị đó, qua đó thể hiện tình yêu tha thiết và sự am hiểu tường tận của tác giả với nơi đây.

- Hội lồng tồng - Trần Quốc Vượng - Lê Văn Hảo - Dương Tất Từ: Giới thiệu phong tục truyền thống đầy ý nghĩa và đặc sắc của người dân Việt Bắc qua hình ảnh của lễ hội lồng tồng, từ đó thể hiện tình yêu của tác giả với những nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc.

1.2. Ôn lại kiến thức về tiếng Việt

a. Mở rộng trạng ngữ của câu bằng cụm từ

- Nhận biết: Trạng ngữ của câu có thể là một từ hoặc cụm từ.

- Tác dụng của trạng ngữ:

+ Trạng ngữ giúp giải thích rõ thời gian, địa điểm cụ thể trong một tình huống giao tiếp, giúp người dùng hiểu rõ hơn về nội dung câu chuyện đó.

+ Giúp giải thích nguyên nhân và kết quả trong câu.

+ Là thành phần phụ nòng cốt trong câu, giúp người viết, người đọc có thể truyền đạt đầy đủ nội dung.

b. Từ láy

- Từ láy là cấu tạo đặc biệt của từ phức, được tạo thành bởi hai tiếng trở lên, trong đó phối hợp những tiếng có âm đầu hoặc vần hoặc cả âm đầu và vần. Từ láy có thể chỉ có một từ có nghĩa hoặc không từ nào có nghĩa khi đứng một mình. 

- Dựa vào số lượng từ và phương thức láy, có thể phân loại từ láy như sau:

+ Từ láy toàn bộ

+ Từ láy bộ phận

c. Cách mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ

- Biến chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu từ một từ thành một cụm từ, có thể là cụm danh từ, cụm động từ hoặc cụm tính từ.

- Biến chủ ngữ hoặc vị ngữ của câu từ cụm từ có thông tin đơn giản thành cụm từ có những thông tin cụ thể, chi tiết hơn.

- Có thể mở rộng chủ ngữ hoặc vị ngữ, hoặc mở rộng cả chủ ngữ lẫn vị ngữ của câu.

d. Ôn lại một số biện pháp tu từ

- Nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển để tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề hoặc tránh thô tục, thiếu lịch sự.

- So sánh là đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn.

- Nhân hóa là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động, tính cách, suy nghĩ, tên gọi vốn chỉ dành cho con người để miêu tả đồ vật, sự vật, con vật, cây cối khiến cho chúng trở nên sinh động, gần gũi, có hồn hơn.

- Điệp từ, điệp ngữ là biện pháp tu từ nhắc đi nhắc lại nhiều lần một từ, cụm từ có dụng ý làm tăng cường hiệu quả diễn đạt: nhấm mạnh, tạo ấn tượng, gợi liên tưởng, cảm xúc… và tạo nhịp điệu cho câu, đoạn văn bản.

- Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt, từ hay cụm từ cùng loại để diễn được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm, để làm tăng hiệu quả biểu đạt, diễn đạt.

- Ẩn dụ là một biện pháp tu từ mà ở đó có các sự vật và hiện tượng được nhắn đến quá việc gọi tên sự vật hiện tượng khác mà ở đó có những nét tương đối giống nhau.

e. Nghĩa của từ ngữ

- Nghĩa của từ ngữ là nội dung gồm có tính chất, chức năng, khái niệm, quan hệ…mà từ biểu thị.

- Nghĩa của từ ngữ được hình thành do các yếu tố khác nhau tác động trong đó có có yếu tố ngoài ngôn ngữ: sự vật, hiện tượng, tư duy. Nhân tố trong ngôn ngữ đó là cấu trúc của ngôn ngữ.

- Cách giải thích nghĩa của từ:

+ Đưa ra khái niệm, định nghĩa từ biểu thị.

+ Đưa ra các từ đồng nghĩa, trái nghĩa với những từ cần giải thích cho người khác hiểu.

g. Số từ

Số từ có thể được phân chia thành hai nhóm:

- Nhóm 1: Số từ chỉ số lượng gồm các số từ chỉ số lượng xác định (một, hai, ba,...) và số từ chỉ số lượng ước chừng (vài, dăm, mươi, dăm bảy, ba bốn,...). Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ thường đứng trước danh từ.

- Nhóm 2: Số từ chỉ thứ tự thường kết hợp với các từ thứ, hạng, loại, số, đứng sau danh từ trung tâm, thể hiện thứ tự của sự vật được nêu ở danh từ trung tâm.

h. Phó từ

- Phó từ gồm các từ ngữ thường đi kèm với các trạng từ, động từ, tính từ với mục đích bổ sung nghĩa cho các trạng từ, động từ và tính từ trong câu.

- Phó từ được phân chia thành hai nhóm:

+ Phó từ đi kèm danh từ

+ Phó từ đi kèm động từ, tính từ

i. Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh

- Ngữ cảnh là yếu tố giúp cho câu nói trở nên cụ thể, khiến người nghe, người đọc có thể dễ dàng xác định được nhân vật giao tiếp, nội dung giao tiếp, thời gian và không gian giao tiếp.

- Khi dùng ngôn ngữ để giao tiếp, người ta thường nói ra những câu, những phát ngôn, chứ không phải là những từ rời rạc. Tại đó, các từ kết hợp với nhau theo những quy tắc và chuẩn mực của ngôn ngữ. Cũng trong câu hoặc phát ngôn cụ thể, người ta mới biết được rằng: Tại trường hợp, hoàn cảnh cụ thể này, từ có nghĩa gì (tức là nó bộc lộ nghĩa nào trong số các nghĩa của nó).

- Đối với người nói (viết): Ngữ cảnh là cơ sở của việc dùng từ, đặt câu, kết hợp từ ngữ.

- Đối với người nghe (đọc): Ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội từ ngữ, câu văn, hiểu được nội dung, ý nghĩa, mục đích của lời nói.

k. Dấu câu

- Dấu câu là phương tiện ngữ pháp dùng trong chữ viết.

- Tác dụng của dấu câu trong tiếng Việt là làm rõ trên mặt chữ viết một cấu tạo ngữ pháp, bằng cách chỉ ranh giới giữa các câu, giữa các thành phần của câu đơn, giữa các vế của câu ghép, giữa các yếu tố của ngữ và của liên hợp.

- Nói chung, nó thể hiện ngữ điệu lên trên câu văn, câu thơ. Cho nên, có trường hợp nó không phải chỉ là một phương tiện ngữ pháp, mà còn là phương tiện để biểu thị những sắc thái tế nhị về nghĩa của câu, về tư tưởng, về cả tình cảm, thái độ của người viết.

l. Từ địa phương

- Mỗi vùng miền cả một số từ ngữ riêng biệt, thường gọi là từ ngữ địa phương. Những từ ngữ đó phát sinh từ những nét riêng về điều kiện tự nhiên, đặc điểm tâm lí và phong tục tập quán của cư dân địa phương.

- Từ ngữ địa phương thể hiện tính đa dạng trong ngôn ngữ của một cộng đồng.

- Khác với từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương thường chỉ được dùng ở một vùng, miền nhất định.

- Trong tác phẩm văn học, từ ngữ địa phương có thể được dùng nhằm tạo sắc thái địa phương cho sự việc, nhân vật hoặc được dùng như một phương tiện tu từ.

- Trong các văn bản khoa học, hành chính, không được dùng từ ngữ địa phương (trừ khi có lí do đặc biệt).

- Trong giao tiếp thông thường, chỉ nên dùng từ ngữ địa phương khi trò chuyện thân mật với những người nói cùng phương ngữ với mình.

Bài tập minh họa

Bài tập 1: Nêu cảm nhận của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Kết Nối Tri Thức.

Hướng dẫn giải:

- Đọc lại bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, SGK Ngữ văn 7 Tập 1 Kết Nối Tri Thức

- Dựa vào nội dung bài học để cảm nhận về bài thơ

- Có thể tham khảo một số bài văn mẫu trên sách báo hoặc internet

Lời giải chi tiết:

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải sáng tác năm 1980 khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ là tiếng lòng thiết tha, yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời và thể hiện chân thành một ước nguyện hiến dâng.

Mở đầu bài thơ là bức tranh mùa xuân của thiên nhiên được phác hoạ bằng vài nét chấm phá:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc,
Ơi! con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.

Chỉ bằng vài nét đơn sơ mà đặc sắc, với những hình ảnh nho nhỏ, thân quen, bình dị, nhà thơ đã vẽ lên bức tranh xuân thơ mộng, đậm phong vị xứ Huế. Bức tranh có không gian thoáng đãng,sắc màu tươi tắn, hài hoà và âm thanh rộn rã tươi vui của tiếng chim chiền chiện. Cách lựa chọn hình ảnh “dòng sông xanh”, “bông hoa tím”, cách sử dụng các từ ngữ “ơi”,“chi” đi liền sau động từ “hót” khiến người đọc liên tưởng đến quê hương xứ Huế và cả tâm trạng say đắm hân hoan của tác giả. Dường như thấp thoáng đâu đó trong câu thơ là màu xanh của dòng Hương Giang mềm mại và những tà áo dài tím biếc của những cô gái Huế mộng mơ, cùng với âm thanh rộn rã, tươi vui của tiếng chim chiền chiện, khiến mùa xuân của cố đô trầm mặc, chợt trở nên rực rỡ, rộn ràng. Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân còn được miêu tả ở chi tiết rất tạo hình:

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Giọt âm thanh của tiếng chim thật trong,thật tròn,vang ngân giữa không gian,đọng lại thành từng giọt hữu hình long lanh như hạt ngọc, nhà thơ đưa tay hứng với tất cả sự trân trọng, đắm say. Sự chuyển đổi cảm giác khiến hình ảnh thơ trở nên lung linh, đa nghĩa góp phần diễn tả trọn vẹn hơn niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất vào xuân.

Từ mùa xuân của thiên nhiên, trời đất nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Tác giả hướng tình cảm của mình tới những con người đang làm đẹp mùa xuân:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.

Những câu thơ tạo ra hình ảnh sóng đôi đẹp như hai vế của câu đối mừng xuân nói về những người chiến sỹ bảo vệ và những người lao động dựng xây đất nước.“Lộc” theo bước chân người cầm súng ra trận,theo bàn tay người lao động ra đồng và gieo mùa xuân đến khắp mọi miền đất nước. Có lẽ bởi vậy mà không khí khẩn trương,rộn ràng, náo nức lan toả khắp tứ thơ:

Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.

Điệp từ “tất cả”,từ láy “hối hả”, “xôn xao ” tạo nên nhịp điệu mùa xuân hối hả, hào hùng, mở ra những cảm nhận chan chứa tự hào về đất nước:

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Hình ảnh so sánh đẹp : “đất nước như vì sao” toả sáng, luôn vận động và phát triển không ngừng, có ý nghĩa định hướng,giục giã mọi người hăng say cống hiến xây dựng quê hương.
Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hiến dâng:

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Nếu ở đầu bài thơ tác giả miêu tả những hình ảnh làm đẹp thêm, tô điểm thêm cho mùa xuân là âm thanh náo nức vang trời của tiếng chim chiền chiện và sắc màu tím biếc dịu dàng của cánh lục bình nhỏ trên sông thì ở đây tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Tác giả mong muốn được làm bông hoa toả ngát hương, con chim mang tiếng hót và nốt trầm xao xuyến để hiến dâng nhưng không làm mất đi nét riêng của mỗi người. Đó thực sự là lời tâm niệm chân thành, tha thiết, khiêm nhường và khát khao được cống hiến phần tinh tuý nhất của mình làm đẹp thêm mùa xuân của quê hương, xứ sở mà không bị giới hạn bởi thời gian, tuổi tác:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

“Mùa xuân nho nhỏ” là một sáng tạo bất ngờ,độc đáo mà tự nhiên, hợp lý của nhà thơ, bởi mùa xuân vốn là một khái niệm chỉ thời gian thế mà ở đây “ mùa xuân” lại có khối, có hình, một hình hài nho nhỏ thật xinh xắn. Mùa xuân đã trở thành một ẩn dụ nói về khát vọng, một lẽ sống cao đẹp, một ý thức khiêm nhường góp sức mình làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên, đất nước. Điệp từ “dù là” đặt ở đầu hai câu thơ liên tiếp có ý nghĩa khẳng định cho khát vọng dâng hiến miệt mài, không mệt mỏi của tác giả.

Thể thơ năm chữ có nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, những so sánh và ẩn dụ sáng tạo đã góp phần tạo nên thành công không nhỏ cho bài thơ.

Bài thơ kết thúc khi đã làm lay động trái tim mỗi người bởi chất hoạ gợi cảm, chất nhạc vấn vương và ước nguyện thiết tha chân thành của tác giả. Dường như ước nguyện nhỏ bé khiêm nhường ấy không còn là của riêng Thanh Hải mà đã trở thành tiếng lòng chung của nhiều người. Bởi vậy mà đọc xong bài thơ em muốn tự hỏi mình một điều giản dị:

“Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn?
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!”

(Tố Hữu)

Bài tập 2: Em hãy phân tích biện pháp tu từ trong 2 câu thơ sau:

"Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lông hoa"

(Cảnh khuya, Hồ Chí Minh)

Hướng dẫn giải:

- Vận dụng kiến thức ôn tập một số biện pháp tu từ để phân tích

- Có thể tham khảo thêm tài liệu trên sách báo, internet để đoạn văn được sâu sắc hơn

Lời giải chi tiết:

Trong không khí thanh vắng, trên nền âm thanh là tiếng suối xa xa trong trẻo qua biện pháp tu từ so sánh tiếng suối như tiếng hát nhẹ nhàng của con người:

 ''Tiếng suối trong như tiếng hát xa"

Cảnh vật nơi đây hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh thuỷ mặc với những mảng trắng đen rất rõ:

"Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa "

Điệp từ "lồng" được sử dụng thật đắt, thật hay bởi nó khiến cho bức tranh đêm trăng rừng khuya không chỉ có tầng lớp, đan cài, quấn quýt, mà còn tạo nên vẻ đẹp lung linh, chỗ đậm chỗ nhạt rất ấn tượng. Một cảnh lớn, nét bút đậm như vút lên cao: ánh trăng chiếu sáng cây cổ thụ giữa rừng khuya. Một cảnh nhỏ ở tầng thấp vẽ bằng nét bút mảnh mai nhưng tỉ mỉ hơn: Bóng cây, lá ngả vào hoa thành những mảng đen tương phản với những bông hoa khác, ánh trăng chiếu vào càng sáng lấp lánh. Chỉ có hai màu sáng - tối, trắng - đen mà người đọc có thể hình dung đủ trăm nghìn màu sắc. Qua bài thơ cho ta thấy được các biện pháp tu từ đã làm nổi bật được tình yêu thiên nhiên đất nước của chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Lời kết

- Học xong bài Ôn tập Học kì 1, các em cần nắm:

+ Nắm được nội dung chính về văn bản đã học.

+ Vận dụng được các kiến thức phần Tiếng Việt áp dụng vào viết văn bản.

Soạn bài Ôn tập Học kì 1 Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Bài học Ôn tập Học kì 1 nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa lại những kiến thức đã học. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp bài Ôn tập Học kì 1 Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON