YOMEDIA

Phương pháp giải Câu hỏi chứng minh sự đa dạng và phân hóa của địa hình nước ta Địa lí 12

Tải về
 
NONE

Với nội dung tài liệu Phương pháp giải Câu hỏi chứng minh sự đa dạng và phân hóa của địa hình nước ta Địa lí 12 do HOC247 tổng hợp để giúp các em ôn tập và củng cố các kiến thức đã học. Mời các em cùng tham khảo!

ATNETWORK

CHỨNG MINH SỰ ĐA DẠNG VÀ PHÂN HÓA ĐA DẠNG CỦA ĐỊA HÌNH VIỆT NAM

A. Lý thuyết

*Cách thức chung:

-Dựa vào kiến thức đã học và khai thác các trang atlat địa hình: trang 6, 13, 14

-Khi chứng minh sự đa dạng của địa hình nước ta hoặc địa hình một vùng, cần chú ý cấu trúc tìm hiểu:

+ Sự đa dạng (nhiều dạng địa hình):

 Miền núi: núi cao, núi thấp, núi trung bình (dẫn chứng).

                Cao nguyên đá vôi, bazan, hỗn hợp

                 Sơn nguyên

                  Đồi trung du, bán bình nguyên

Đồng bằng: đồng bằng châu thổ sông

                     Đồng bằng ven biển..

+Phân hoá đa dạng : Phân thành nhiều khu vực địa hình khác nhau. Nêu đặc điểm từng khu vực địa hình 

-Khi so sánh các dạng địa hình, các khu vực địa hình chú ý tìm đặc điểm giống và khác nhau theo các tiêu chí cụ thể

+so sánh địa hình đồng bằng: . vị trí, nguồn gốc. Diện tích. Độ cao. Hướng nghiêng. Đặc điểm hình thái

+ so sánh địa hình núi: vị trí. Hướng địa hình. Độ cao. Hướng nghiêng chung. Đặc điểm hình thái

B. Bài tập

Câu 1: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Chứng minh rằng địa hình miền núi của nước ta có sự phân hóa thành các vùng khác nhau.

2. Giải thích nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa địa hình.

Hướng dẫn giải

1. Chứng minh

Địa hình núi phân hóa thành 4 vùng là: Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam.

- Vùng núi Đông Bắc nằm ở phía đông thung lũng sông Hồng với 4 cánh cung núi lớn chụm đầu ở Tam Đảo, mở ra về phía bắc và phía đông. Đó là các cánh cung: Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều. Địa hình núi thấp chiếm phần lớn diện tích của vùng. Theo hướng các dãy núi là hướng vòng cung của thung lũng sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam.

Địa hình Đông Bắc thấp dần từ tây bắc xuống đông nam. Những đỉnh cao trên 2000m nằm trên vùng Thượng nguồn sông Chảy. Giáp biên giới Việt – Trung là khối núi đá vôi đồ sộ Hà Giang, Cao Bằng cao trên 1000m. Còn ở trung tâm là vùng đồi núi thấp có độ cao trung bình 500 – 600m.

- Vùng núi Tây Bắc nằm giữa sông Hồng và sông Cả, có địa hình cao nhất nước ta, núi cao và trung bình chiếm ưu thế, với 3 dải địa hình cùng hướng tây bắc – đông nam.

Phía đông là dãy Hoàng Liên Sơn cao và đồ sộ có đỉnh Phanxipăng (3143m); phía tây là địa hình núi trung bình của các dãy dọc biên giới Việt – Lào; ở giữa thấp hơn là các dãy núi, sơn nguyên, cao nguyên đá vôi từ Phong Thổ đến Mộc Châu, tiếp nối là những đồi núi đá vôi Ninh Bình – Thanh Hóa. Xen giữa các dãy núi là các thung lũng sông cùng hướng: sông Đà, sông Mã, sông Chu.

- Vùng núi Trường Sơn Bắc (thuộc Bắc Trung Bộ) giới hạn từ phía nam sông Cả tới dãy Bạch Mã, gồm các dãy núi song song và so le nhau theo hướng tây bắc – đông nam, chủ yếu là núi thấp. Trường Sơn Bắc thấp và hẹp ngang, được nâng cao ở hai đầu (phía bắc là vùng núi tây Nghệ An và phía nam là vùng núi tây Thừa Thiên – Huế) và thấp trũng ở giữa (vùng núi đá vôi Quảng Bình và vùng núi thấp Quảng Trị). Cuối cùng là dãy Bạch Mã đâm ngang ra biển, đây cũng là ranh giới với Trường Sơn Nam và là ranh giới khí hậu giữa hai miền Bắc – Nam.

- Vùng núi Trường Sơn Nam từ nam Bạch Mã xuống phía Nam, gồm các khối núi và cao nguyên. Khối núi Kon Tum và khối núi cực Nam Trung Bộ được nâng cao đồ sộ. Hướng kinh tuyến lệch tây ở khối núi Kon Tum và vòng cung ở khối núi cực Nam trung Bộ. Địa hình núi có độ cao trung bình với những đỉnh cao trên 2000m nghiêng dần về phía đông, sườn dốc chênh vênh bên dải đồng bằng ven biển. Tương phản với địa hình núi phía đông là các bề mặt cao nguyên badan Plây Ku, Đắk Lắk, Mơ Nông, Di Linh tương đối bằng phẳng, có các độ cao 500 – 800 – 1000m và các bán bình nguyên xen đồi ở phía tây tạo nên sự đối xứng rõ rệt giữa hai sườn Đông – Tây của vùng Trường Sơn Nam.

2. Giải thích

Sự phân hóa đa dạng của địa hình nước ta là kết quả tác động qua lại giữa nội lực và ngoại lực trong điều kiện thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Nội lực tác động làm nâng cao địa hình nước ta chủ yếu thông qua các vận động kiến tạo. Trải qua nhiều vận động tạo núi trong giai đoạn Cổ kiến tạo dưới tác động định hướng của các mảng nền cổ thì địa hình miền núi nước ta đã phân hóa thành nhiều khu vực. Khu vực nào phát triển trên khối nền cổ hướng vòng cung thì địa hình có hướng vòng cung (Đông Bắc – khối Vòm sông Chảy, Trường Sơn Nam – khối núi cực Nam Trung Bộ). Khu vực phát triển trên khối nền cổ hướng tây bắc – đông nam thì địa hình có hướng tây bắc – đông nam (Tây Bắc – khối Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn Bắc – khối sống Mã).

Đến Tân kiến tạo do chịu tác động của vận động tạo núi Anpơ – Himalaya địa hình nước ta được nâng lên nhưng có cường độ khác nhau. Khu vực nâng lên mạnh hình thành núi cao (Tây Bắc), khu vực nâng yếu hình thành núi ở độ cao trung bình (Đông Bắc). Đồng thời tại những vùng sụt lún diễn ra quá trình bồi lấp trầm tích lục địa hình thành đồng bằng.

- Ngoại lực tác động làm phá vỡ, san bằng địa hình do nội lực tạo nên, đồng thời tạo nên nhiều dạng địa hình mới. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với một mùa mưa và mùa khô sâu sắc đã thúc đẩy quá trình xâm lược cơ giới miền đồi núi làm địa hình miền núi bị cắt xẻ, bào mòn nhiều nơi trơ sỏi đá. Từ những miền núi mất lớp phủ thực vật, mưa lớn còn gây ra hiện tượng đất trượt đá lở. Vùng núi đá vôi hình thành dạng địa hình caxtơ, các bề mặt phù sa cổ đã bị bạc màu. Dưới tác động của dòng chảy sông ngòi, lớp cát bùn được vận chuyển từ vùng núi về bồi lắp chỗ trũng tạo nên địa hình đồng bằng.

Câu 2. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, trình bày sự khác biệt giữa địa hình vùng núi Đông Bắc với địa hình vùng núi Tây Bắc. Giải thích tại sao có sự khác biệt đó.

Hướng dẫn giải

1. Sự khác biệt giữa địa hình vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc

- Giới thiệu khái quát:

+ Vùng núi Đông Bắc nằm ở phía đông thung lũng sông Hồng.

+ Vùng núi Tây Bắc nằm giữa sông Hồng và sông Cả.

- So sánh khác biệt:

Tiêu chí

Vùng núi Đông Bắc

Vùng núi Tây Bắc

Hướng núi

Vòng cung. Cao ở tây bắc, thấp dần đông nam. Ngoài ra còn có hướng tây bắc – đông nam (dãy Con Voi).

Hướng nghiêng và hướng núi tây bắc – đông nam.

Độ cao

Thấp hơn Tây Bắc, độ cao phổ biến từ 500-1000m, chỉ có một số đỉnh cao trên 2000m phân bố ở thượng nguồn sông Chảy (dẫn chứng).

Cao và đồ sộ nhất Việt Nam, nhiều đỉnh cao trên 2000m (dẫn chứng), núi cao và núi trung bình chiếm ưu thế.

Đặc điểm hình thái

- Mang hình thái của núi già được trẻ hóa: đỉnh tròn, sườn thoải, độ dốc và độ chia cắt yếu.

- Mang đặc điểm hình thái của núi trẻ: sông núi rõ, sắc sảo, sườn dốc, khe sâu, độ chia cắt ngang và chia cắt sâu hơn.

Cấu trúc địa hình

- Địa hình của 4 cánh cung lớn: Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều.

- Địa hình núi cao nằm ở Thượng nguồn sông Chảy...

- Giáp biên giới Việt – Trung là địa hình cao của các khối núi đá vôi Hà Giang, Cao Bằng.

- Trung tâm là vùng đồi núi thấp 500-600m.

- Giữa vùng núi và đồng bằng là vùng đồi trung du thấp dưới 100m.

- Có 3 mạch núi chính:

+ Phía đông là dãy Hoàng Liên Sơn.

+ Phía tây là địa hình núi cao trung bình của các dãy núi chạy dọc biên giới Việt – Lào.

+ Ở giữa thấp hơn là các dãy núi, sơn nguyên, cao nguyên đá vôi...

+ Nối tiếp là vùng đồi núi Ninh Bình, Thanh Hóa.

- Các bồn trũng mở rộng thành các cánh đồng...

- Nằm giữa các dãy núi là các thung lũng sông: Đà, Mã, Chu.

2. Giải thích sự khác biệt

Sự khác biệt về địa hình giữa vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc có liên quan mật thiết với cấu trúc địa chất – kiến tạo của mỗi vùng.

- Vùng núi Đông Bắc: Trong lịch sử hình thành lãnh thổ, vùng này chịu sự quy định hướng của khối nền cổ Vòm sông Chảy nên có hướng vòng cung. Địa hình chủ yếu là núi thấp của vùng có liên quan đến nền Hoa Nam (Trung Quốc). Đây là bộ phận rìa của khối nền Hoa Nam đã vững chắc nên các vận động nâng lên ở đây yếu hơn so với vùng núi Tây Bắc.

- Vùng núi Tây Bắc: Trong vận động địa chất của vỏ Trái Đất, vùng này là một bộ phận của địa máng Việt – Lào nên chịu tác động mạnh của vận động nâng lên, nhất là trong vận động tạo núi An pơ – Himalaya (giai đoạn Tân kiến tạo). Hướng tây bắc – đông nam của vùng là do sự quy định định hướng của khối nền cổ Hoàng Liên Sơn.

Câu 3. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy so sánh địa hình đồng bằng sông Hồng với đồng bằng sông Cửu Long. Giải thích tại sao có sự khác biệt đó.

Hướng dẫn giải

1. So sánh

a) Giống nhau

- Đều được hình thành tại các vùng sụt võng theo các đứt gãy sâu vào cuối kỉ Đệ tam đầu kỉ Đệ tứ (giới Kainôzôi).

- Cả 2 đồng bằng đều được thành tạo và phát triển do phù sa sông bồi tụ dần trên vịnh biển nông, thềm lục địa mở rộng.

- Địa hình bằng phẳng, diện tích đất đai rộng, màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

- Hướng nghiêng chung: tây bắc – đông nam.

- Hiện nay 2 đồng bằng vẫn tiếp tục được mở rộng ra biển hàng chục mét/năm.

b) Khác nhau

- Nguyên nhân hình thành:

+ Đồng bằng sông Hồng do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp.

+ Đồng bằng sông Cửu Long do phù sa sông Tiền, sông Hậu bồi đắp.

- Hình dạng đồng bằng:

+ Đồng bằng sông Hồng có dạng tam giác cân, đỉnh là Việt Trì, đáy là đoạn bờ biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

+ Đồng bằng sông Cửu Long dạng hình thang cân, đáy nhỏ là đoạn Hà Tiên đến Gò Dầu, đáy lớn là đoạn từ Cà Mau đến Gò Công.

- Diện tích: Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích lớn hơn (40.000km2 so với 15.000km2), còn nhiều tiềm năng, nhưng chưa khai thác hết. Đồng bằng sông Hồng hầu như không có khả năng mở rộng diện tích.

- Độ cao: Đồng bằng sông Hồng cao hơn, Đồng bằng sông Cửu Long thấp và bằng phẳng.

- Hình thái: Đồng bằng sông Hồng có độ chia cắt lớn hơn.

- Các dạng địa hình tự nhiên:

+ Đồng bằng sông Hồng có nhiều ô trũng ngập nước, ruộng bậc cao bạc màu, đồi núi sót (Hà Nội, Ninh Bình), cồn cát ven biển, đồi núi sót ít (Hà Tiên).

- Địa hình nhân tạo:

+ Đồng bằng sông Hồng: có hệ thống đê ngăn lũ.

+ Đồng bằng sông Cửu Long: mạng lưới kênh rạch chằng chịt (kênh Vĩnh Tế, Rạch Sỏi, Phụng Hiệp, Kì Hương...).

- Chế độ ngập lũ:

+ Đồng bằng sông Hồng do có đê ven sông ngăn lũ nên vùng đất trong đê không được bồi phù sa thường xuyên, vùng ngoài đê hàng năm được bồi phù sa.

+ Đồng bằng sông Cửu Long: Về mùa lũ nước ngập trên diện rộng, còn về mùa cạn nước triều lấn mạnh làm cho 2/3 diện tích đồng bằng là đất phèn, đất mặn.

2. Giải thích

Sự khác biệt về địa hình giữa đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là do:

- Biên độ sụt võng của 2 đồng bằng khác nhau. Mặc dù cả 2 đồng bằng đều được hình thành tại vùng sụt võng trong đại Tân Sinh, nhưng do cường độ sụt võng của đồng bằng sông Hồng yếu hơn nên địa hình có độ cao cao hơn, trên bề mặt xuất hiện nhiều núi sót hơn.

- Khả năng bồi tụ của các dòng sông khác nhau. Diện tích lưu vực sông Mê Công lớn gấp 5 lần so với diện tích lưu vực sông Hồng nên khả năng bôi đắp phù sa của sông Mê Công lớn hơn.

- Do tác động của con người. Đồng bằng sông Hồng có lịch sử khai thác lâu đời, trong quá trình khai thác nhân dân đã đắp đê ngăn lũ làm đồng bằng bị chia cắt thành nhiều ô trũng.

Câu 4. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, trình bày và giải thích đặc điểm địa hình miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.

Hướng dẫn giải

1. Khái quát vị trí địa lí

Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có ranh giới phía tây và tây nam nằm ở hữu ngạn sông Hồng và rìa phía tây, tây nam đồng bằng Bắc Bộ. Phía bắc giáp Trung Quốc, phía đông và đông nam giáp vịnh Bắc Bộ, phía tây và tây nam giáp miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

2. Đặc điểm chung của địa hình

- Gồm hai bộ phận chính là đồi núi và đồng bằng:

+ Bộ phận đồi núi chiếm 2/3 diện tích, tập trung ở phía bắc.

+ Bộ phận đồng bằng phân bố ở phía nam.

- Hướng nghiêng chung của địa hình là hướng tây bắc – đông nam do vào thời kì Tân kiến tạo phần phía bắc, tây bắc được nâng lên cao, trong khi phần phía nam, đông nam lại là vùng sụt lún và được bồi tụ.

3. Đặc điểm từng dạng địa hình

a) Miền núi

- Đồi núi chiếm khoảng 2/3 diện tích toàn miền, phân bố chủ yếu ở phía bắc.

- Phần lớn là địa hình đồi núi thấp, độ cao trung bình dưới 1000m, một bộ phận nhỏ có độ cao trên 1500m. Nguyên nhân là do vận động nâng lên yếu.

- Có hai hướng chính:

+ Hướng vòng cung là hướng chính của miền, thể hiện rõ nét qua bốn cánh cung là Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều. Hướng của các cánh cung này được giải thích là do trong quá trình hình thành chịu tác động của khối Vòm sông Chảy (hay khối Việt Bắc). Càng về phía đông và đông nam thì cường độ nâng yếu dần nên độ cao của các cánh cung này cũng giảm dần.

+ Hướng tây bắc – đông nam được thể hiện rõ nét qua hướng của dãy núi Con Voi, do chịu tác động định hướng của khối nền cổ Hoàng Liên Sơn.

- Đặc điểm hình thành địa hình: chủ yếu là núi già trẻ lại nên các núi ở đây chủ yếu có đỉnh tròn, sườn thoải. Ngoài ra trong khu vực đồi núi còn có các dạng địa hình caxtơ, lòng chảo, các cánh đồng giữa núi.

b) Miền đồng bằng

- Chiếm 1/3 diện tích toàn miền, phân bố ở phía nam, đông nam, trong đó lớn nhất là đồng bằng Bắc Bộ.

- Độ cao rất thấp, dưới 50m.

- Hình dạng: đồng bằng có dạng tam giác châu điển hình ở nước ta với đỉnh là Việt Trì và cạnh đáy kéo dài từ ven biển Quảng Ninh đến Ninh Bình.

- Nguồn gốc: hình thành do hai hệ thống sông lớn nhất phía bắc là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp (các đồng bằng ven biển Quảng Ninh do các sông nhỏ bồi đắp).

- Đặc điểm hình thái: bằng phẳng bị chia cắt bởi hệ thống đê, vì thế phần đất trong đê không được bồi đắp hằng năm. Trong vùng có một số vùng địa hình trũng bị ngập nước vào mùa lũ. Ở rìa phía bắc và phía nam của đồng bằng còn xuất hiện dạng địa hình đồi núi sót (Hải Dương, Ninh Bình, …).

- Hướng mở rộng phát triển của đồng bằng: hằng năm vẫn tiến ra biển ở phía đông nam với tốc độ khá nhanh (có nơi lên đến 100m) do lượng phù sa của các con sông mang theo lớn.

c) Ngoài ra còn có bộ phận thềm lục địa rộng với đặc điểm: nông, rộng và thoải.

Câu 5: So sánh đặc điểm địa hình của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Giải thích tại sao có sự khác biệt đó.

Hướng dẫn giải

1. Khái quát vị trí giới hạn của 2 miền

- Ranh giới phía tây – tây nam của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ nằm dọc theo hữu ngạn sông Hồng và rìa phía tây, tây nam đồng bằng Bắc Bộ. Giáp Trung Quốc phía bắc, vịnh Bắc Bộ phía đông và đông nam, giáp miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ ở phía tây và phía nam.

- Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có phía bắc tiếp giáp Trung Quốc, phía đông giáp miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ và Biển Đông, phía nam giáp miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, phía tây giáp Thượng Lào.

2. Giống nhau

- Có đủ các dạng địa hình: núi cao, đồi, đồng bằng, thềm lục địa nhưng đồi núi chiếm phần lớn diện tích.

- Địa hình đều là những vùng được trẻ lại do vận động Tân sinh.

- Có dải đồng bằng ven biển mới được hình thành do phù sa sông, biển. Nhìn chung hướng nghiêng của vùng là thấp dần ra biển (hướng tây bắc – đông nam).

- Địa hình có sự phân bậc rõ nét, bị cắt xẻ bởi mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, do các vận động địa chất kết hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Đồng bằng hằng năm vẫn tiếp tục phát triển do những đồng bằng trẻ được hình thành từ kỉ Đệ tứ.

3. Khác nhau

a) Đối với khu vực đồi núi

- Xét về độ cao địa hình thì miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ nhìn chung thấp hơn nhiều so với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, ví dụ như:

+ Nền địa hình chung của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là dưới 500m, còn Tây Bắc và Bắc Trung Bộ chủ yếu trên 500m.

+ Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ chỉ có một số bộ phận nhỏ là núi cao trên 2000m ở gần biên giới Việt – Trung như Pu-tha-ca (2274m), Kiều Liêu Ti (2402m), trong khi đó ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có rất nhiều đỉnh núi cao hơn 2000m ở dải Hoàng Liên Sơn và Trường Sơn Bắc như Phan-xi-păng (3143m); Phu Lông (2985m); Rào Cỏ (2235m).

- Đặc điểm hình thái: độ dốc và độ cắt xẻ của địa hình miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ cao hơn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (dẫn chứng qua lát cắt A-B và lát cắt C-D).

- Hướng núi:

+ Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có hướng núi chủ yếu là các cánh cung mở rộng về phía bắc quay bề lồi ra biển và chụm đầu lại ở khối núi Tam Đảo (như các cánh cung Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều). Trong miền cũng có một dãy núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam là dãy Con Voi (nằm ngay sát tả ngạn sông Hồng).

+ Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ phần lớn các dãy núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam (như Hoàng Liên Sơn, Tam Điệp, Trường Sơn Bắc). Ngoài ra còn một số dãy núi chạy theo hướng tây – đông (Hoành Sơn, Bạch Mã).

- Ngoài địa hình núi, miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ còn có một vùng đồi dạng bát úp chuyển tiếp (vùng trung du rõ rệt nhất ở Việt Nam). Còn miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ dạng địa hình này có xuất hiện, nhưng chuyển tiếp đột ngột.

- Giải thích:

+ Về độ cao và đặc điểm hình thái: miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có địa hình núi cao hơn, độ dốc lớn hơn và độ cắt xẻ cao hơn là do trong quá trình vận động địa chất của vỏ Trái Đất miền này là một bộ phận của địa máng Việt – Lào nên chịu tác động mạnh của vận động nâng lên, còn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ lại nằm ở vùng rìa của khối nền Hoa Nam vững chắc nên vận động nâng lên ở đây yếu hơn.

+ Về hướng núi: hướng vòng cung của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là do trong quá trình hình thành lãnh thổ miền này chịu sự quy định hướng của khối núi Vòm sông Chảy; còn miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ lại chịu sự quy định hướng của khối nền cổ Hoàng Liên Sơn, sông Mã, Pu Hoạt có hướng tây bắc – đông nam.

+ Do tần suất tác động nâng lên ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ lớn nên hình thành các dãy núi cao, trong khi miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ tần suất yếu và giảm dần nên xuất hiện vùng trung du chuyển tiếp.

b) Miền đồng bằng

- Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ có một đồng bằng phù sa châu thổ rộng lớn là đồng bằng Bắc Bộ (hình thành từ một vùng sụt lún do phù sa của 2 hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình). Còn miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ dải đồng bằng nhỏ hẹp và có xu hướng hẹp dần khi vào nam (như các đồng bằng Thanh-Nghệ-Tĩnh, Bình-Trị-Thiên) do các dãy núi ăn sát ra biển, thềm lục địa nhỏ, phù sa sông không nhiều.

- Đồng bằng Bắc Bộ có tốc độ lấn biển lớn hơn so với đồng bằng ven biển miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Đồng bằng Bắc Bộ hằng năm lấn ra biển 80 – 100m (ở Nam Định, Ninh Bình) còn đồng bằng ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có tốc độ tiến ra biển rất chậm do thềm lục địa hẹp, phù sa sông ít.

Tóm lại, nét khác biệt cơ bản về địa hình 2 miền là:

- Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có nền địa hình cao hơn do chịu tác động mạnh hơn của vận động tạo núi. Cũng do vận động tạo núi ảnh hưởng tới 2 miền khác nhau mà Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có độ dốc, độ cắt xẻ lớn hơn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ.

- Các hướng núi chính có sự khác biệt rõ nét: miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là hướng tây bắc – đông nam còn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là hướng vòng cung do sự định hướng của các mảng nền cổ.

- Tính chất chuyển tiếp giữa vùng núi và đồng bằng ở miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ rõ nét, trong khi miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ lại không thể hiện rõ.

- Đồng bằng ở miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ rộng, phát triển nhanh hơn so với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, do sông ngòi nhiều phù sa hơn, thềm lục địa rông hơn.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Phương pháp giải Câu hỏi chứng minh sự đa dạng và phân hóa của địa hình nước ta Địa lí 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON