Phân tích truyện ngắn Thuốc của nhà văn Lỗ Tấn mà Học247 giới thiệu dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự lạc hậu, mê muội đáng thương của số đông dân chúng, thái độ xa rời thực tế xa rời quần chúng của những người khởi xướng và tham gia cuộc cách mạng Ngũ Tứ lúc bấy giờ, cũng như niềm hi vọng vào tương lai Trung Quốc của tác giả. Đồng thời, dàn bài chi tiết và bài văn mẫu này sẽ giúp các em định hướng được cách phân tích một vấn đề, một khía cạnh trong tác phẩm văn học. Mời các em cùng tham khảo! Ngoài ra, để nắm vững kiến thức về bài học hơn, các em có thể tham khảo bài giảng Thuốc.
A. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
B. Dàn bài chi tiết
1. Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm
- Lỗ Tấn là nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc đầu thế kỉ XX: “Trước Lỗ Tấn, chưa hề có Lỗ Tấn, sau Lỗ Tấn, có vô vàn Lỗ Tấn” (Quách Mạc Nhược ). Ông được tôn vinh là linh hồn dân tộc.
- Truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn được viết năm 1919, đúng vào lúc cuộc vận động Ngũ Tứ (Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ của học sinh, sinh viên Bắc Kinh) bùng nổ.
2. Thân bài
- Ý nghĩa nhan đề Thuốc và hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu người
- Nhan đề thiên truyện là Thuốc (nguyên văn là Dược). Thuốc ở đây chính là chiếc bánh bao tẩm máu người mà lão Hoa đã mua về cho thằng Thuyên ăn để chữa bệnh lao. Nhan đề này có nhiều nghĩa.
- Tầng nghĩa thứ nhất của Thuốc là nghĩa tường minh, chỉ phương thuốc chữa bệnh lao bằng chiếc bánh bao tẩm máu người. Đây là một phương thuốc mê tín lạc hậu tương tự như hai vị thuốc mà ông thầy lang đã bốc cho cho bố Lỗ Tấn để chữa bệnh phù thủng là rễ cây mía đã kinh sương ba năm và một đôi dế đủ con đực con cái dẫn đến cái chết của ông cụ.
- Tầng nghĩa thứ hai của Thuốc là nghĩa hàm ẩn, đó là phương thuốc để chữa bệnh tinh thần: căn bệnh gia trưởng, căn bệnh u mê lạc hậu về mặt khoa học của người dân Trung Quốc. Bố mẹ thằng Thuyên vì lạc hậu và gia trưởng đã áp đặt cho nó một phương thuốc là chiếc bánh bao tẩm máu người dẫn đến cái chết của nó. Rồi tất cả đám người trong quán trà cũng sai lầm như vậy. Chiếc bánh bao tẩm máu vô hại kia đã trở thành một thứ thuốc độc vì người ta quá tin vào nó mà không lo tìm một thứ thuốc khác. Người dân Trung Quốc phải tỉnh giấc, không được “ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”.
- Tầng nghĩa thứ ba của Thuốc, của chiếc bánh bao tẩm máu người là phương thuốc nhằm chữa căn bệnh u mê lạc hậu về mặt chính trị của người dân Trung Quốc và căn bệnh xa rời quần chúng của người cách mạng Trung Quốc thời bấy giờ. Máu để tẩm chiếc bánh bao là dòng máu người chiến sĩ cánh mạng Hạ Du đã đổ xuống để giải phóng cho nhân dân. Thế mà nhân dân lại u mê cho anh là làm giặc, là thằng điên và mua máu anh để tẩm bánh bánh bao. Còn Hạ Du làm cách mạng cứu nước, cứu dân mà lại quá xa rời quần chúng để nhân dân không hiểu anh đã đành mà mẹ anh cũng không hiểu (đỏ mặt xấu hổ khi thăm mộ con gặp bà Hoa) còn chú anh thì tố cáo cháu để lấy tiền thưởng.
- Tóm lại: Nhan đề truyện và hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người đã thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm: Lỗ Tấn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại: nhân dân thì “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt” còn người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”.
- Các nhân vật
- Hình ảnh đám đông quần chúng
- Buổi sáng sớm, ở pháp trường, lão Hoa đi mua bánh bao tẩm máu tử tù về chữa bệnh cho con thì bị một đám đông xô đẩy nhau ào ào, chen bật lão suýt ngã. Đó là những người đi xem hành hình nhà cách mạng Hạ Du. Đám đông này khiến ta liên tưởng đến đám đông đi xem hành hình một người Trung Quốc chống Nhật khiến Lỗ Tấn đi đến quyết định: Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân.
- Khi trời sáng hẳn, ở quán trà đã đông khách của lão Hoa, Cậu Năm Gù, Cả Khang, người râu hoa râm… cùng bàn tán về cái chết của Hạ Du với thái độ miệt thị. Họ cho anh là cái “thằng khốn nạn”, “hắn điên thật rồi”. Và họ cho rằng trong cái chết của Hạ Du có hai người gặp may. May nhất là Cụ Ba nhờ tố cáo cháu mình nên được thưởng một số tiền lớn mà gia đình khỏi bị liên luỵ, còn lão Hoa thì có máu Hạ Du để chấm bánh bao làm thuốc chữa bệnh cho thằng Thuyên.
- Tóm lại, qua hai sự việc trên và bằng ngôn ngữ của người kể chuyện, ta thấy đám đông quần chúng thật là mê muội. Sự hiểu biết và thái độ của họ về những vấn đề của đất nước, về bệnh tật, về cuộc đời còn quá hạn chế. Nói như Lỗ Tấn thì họ đang “ngủ quên trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ. Phải làm thế nào đó để thức tỉnh họ. Ta cũng thấy nhân vật Hạ Du là một người yêu nước nhưng anh cũng thật cô đơn.
- Nhân vật Hạ Du
- Nhân vật Hạ Du không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm mà được giới thiệu thông qua các nhân vật khác và qua thái độ của người kể chuyện.
- Hạ Du là một người yêu nước, một nhà cách mạng tiên phong, dũng cảm xả thân vì nghĩa lớn.
- Nhưng anh rất cô đơn, không ai hiểu anh kể cả mẹ anh. Anh đã đổ máu vì quần chúng thế mà họ lại lấy máu anh để tẩm bánh bao chữa bệnh lao.
- Hạ Du chính là hình ảnh tượng trưng của cuộc cách mạng Tân Hợi, một cuộc cách mạng góp phần đánh đổ chế độ phong kiến Trung Quốc nhưng lại xa rời quần chúng nên thất bại. Qua hình tượng Hạ Du, Lỗ Tấn muốn bày tỏ lòng kính trọng với cuộc cách mạng này.
- Hình ảnh đám đông quần chúng
- Cảnh hai bà mẹ đi thăm mộ con
- Thời gian nghệ thuật của truyện tiến triển từ mùa thu Hạ Du bị hành hình đến mùa xuân trong tiết thanh minh năm sau lúc hai bà mẹ đi thăm mộ con. Cái chết của hai người con cũng như chiếc lá rời cành để tích nhựa cho một mùa xuân hi vọng. Thời gian nghệ thuật đã thể hiện mạch suy tư lạc quan của tác giả.
- Nghĩa địa của làng mộ dày khít như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ, có một con đường mòn ở giữa chia làm hai: Nghĩa địa người chết chém phía bên trái, nghĩa địa người nghèo phía bên phải. Con đường mòn là biểu tượng cho một tập quán xấu đã trở thành thói quen. Hai bà mẹ đã bước qua con đường mòn để đến gặp nhau vì đồng cảm ở tình thương con sâu sắc.
- Cả hai bà mẹ cùng rất kinh ngạc khi thấy trên mộ Hạ Du có một vòng hoa: “hoa trắng hoa hồng nằm khoanh trên nấm mộ khum khum”. Bà mẹ Hạ Du cứ lẩm bẩm câu hỏi “Thế này là thế nào?” Câu hỏi vừa hàm chứa sự sửng sốt, vừa ẩn giấu niềm vui vì có người đã hiểu con mình. Đồng thời đã là câu hỏi thì đòi hỏi có câu trả lời. Việc làm của Hạ Du đã khiến mọi người phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Với vòng hoa, Lỗ Tấn đã bày tỏ sự trân trọng và tiếc thương đối với người chiến sĩ cách mạng tiên phong.
- Đặc sắc nghệ thuật
- Truyện có lối viết cô đọng, súc tích, giàu hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng (chiếc bánh bao tẩm máu, vòng hoa, con đường mòn…).
- Cách xây dựng nhân vật cũng rất đặc biệt: không đặt nhân vật cách mạng vào vị trí chủ yếu mà đặt ở tuyến ngầm phía sau nhân vật đám đông để khắc hoạ chủ đề thức tỉnh quần chúng của truyện.
- Cách kể chuyện theo ngôi thứ ba truyền thống nhưng nhiều đoạn đã chuyển điểm nhìn trần thuật sang nhân vật làm cho truyện sinh động và giàu chất trữ tình hơn.
3. Kết bài
- Truyện ngắn Thuốc tiêu biểu cho bút pháp hiện thực tỉnh táo, khách quan của Lỗ Tấn. Cốt truyện dung dị nhưng độc đáo ở khả năng lựa chọn các tình tiết, ở cách sắp xếp thời gian nghệ thuật và đặc biệt là ở khả năng tạo ra tính đa nghĩa của ngôn từ và hình tượng. Câu chuyện có chung một âm điệu trầm buồn thể hiện sự suy tư, lo lắng, day dứt đầy tinh thần trách nhiệm của Lỗ Tấn trước số phận và tương lai của dân tộc mình.
- Gợi mở vấn đề
C. Bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích truyện ngắn Thuốc của nhà văn Lỗ Tấn
Gợi ý làm bài:
Lỗ Tấn (1881 – 1936) tên thật là Chu Thụ Nhân, quê ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ông là nhà văn cách mạng thế hệ đầu tiên có phương châm và mục đích sáng tác đúng đắn là dùng ngòi bút để phanh phui các “căn bệnh tinh thần của quốc dân” – một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho xã hội Trung Quốc trở nên trì trệ và suy thoái. Sự nghiệp sáng tác của Lỗ Tấn gồm 3 tập truyện ngắn, 16 tập tạp văn với các đề tài chính trị, xã hội, văn chương… ông xứng đáng là ngọn cờ đầu của văn học Trung Quốc hiện đại.
Truyện ngắn Thuốc sáng tác năm 1919 là tác phẩm thể hiện khá rõ những băn khoăn, day dứt của Lỗ Tấn trước những vấn đề quan trọng của xã hội Trung Quốc đương thời. Tác giả phê phán sự lạc hậu, mê muội đáng thương của số đông dân chúng và thái độ xa rời thực tế xa rời quần chúng của những người khởi xướng và tham gia cuộc cách mạng Ngũ Tứ lúc bấy giờ. Đồng thời ông cũng gửi gắm trong truyện niềm hi vọng vào tương lai Trung Quốc sẽ có một cuộc cách mạng triệt để của quần chúng và vì quần chúng. Bối cảnh của truyện là xã hội tăm tối, ngột ngạt dưới ách thống trị của triều đình Mãn Thanh trước khi nổ ra phong trào cách mạng Ngũ Tứ – sự kiện mở đầu cho lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Sự xâm chiếm và can thiệp thô bạo của một số đế quốc như Anh, Pháp, Mĩ, Nhật đã biến Trung Quốc thành một nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Thời vàng son của các triều đại vua chúa đã ở vào dĩ vãng. Thay vào đó là một xã hội đình trệ, suy thoái mà theo nhận định của Lỗ Tấn: So với tiến bộ thì đình trệ cũng gần với con đường diệt vong rồi.
Nội dung truyện xoay quanh chủ đề Thuốc – một thứ “thuốc” kinh khủng, gớm ghiếc hiếm có xưa nay. Đó là bánh bao tẩm máu tươi của những kẻ tử tù bị chém đầu, đem nướng lên cho người bệnh ăn. Thiên hạ đồn rằng thứ thuốc ấy chữa khỏi được cả những bệnh thuộc “tứ chứng nan y” như phong, lao, cổ, lại. Vợ chồng lão Hoa chủ quán trà gom góp số tiền tích cóp đã lâu và lão đích thân đến tận pháp trường để mua “thuốc" cho con trai bị bệnh lao nặng, với hi vọng là nó sẽ khỏi bệnh. Nhưng đau xót thay, máu của tử tù chết chém không chữa được bệnh lao! Thế là tiền mất tật mang, cuối cùng đứa con trai độc đinh của vợ chồng lão Hoa vẫn chết.
Ngòi bút của Lỗ Tấn đã đề cập tới một vấn đề đáng lo ngại là tập quán chữa bệnh phản khoa học – một trong những biểu hiện của tình trạng lạc hậu về mặt khoa học ở Trung Quốc, cũng như trong đời sống tinh thần của dân chúng mà nhân vật Thuyên chỉ là một trong muôn ngàn nạn nhân của tập quán hủ lậu ấy.
Tuy nhiên, Lỗ Tấn còn kín đáo gửi gắm dụng ý của mình trong nghĩa hàm ẩn của truyện. Con bệnh trầm kha không phải là anh chàng Thuyên tội nghiệp mà lò đầu óc mê muội của vợ chồng lão Hoa nói riêng và số đông dân chúng nói chung. Theo nhận xét của tác giả thì cả xã hội Trung Quốc thời ấy giống như một người mắc bệnh nặng, đòi hỏi phải có một thứ “thuốc” đặc trị thì mới có thể chữa khỏi; đồng thời ông cũng chỉ ra rằng con đường đi của dân tộc Trung Hoa lúc này đã lâm vào ngõ cụt, cần phải nhanh chóng phát quang mọi con đường mới.
-----Để tham khảo nội dung đầy đủ của tài liệu, các em vui lòng tải về máy hoặc xem trực tuyến-----
Về sự Kiện thứ hai, mọi người đều tỏ thái độ khinh bỉ, dè bỉu và dùng những lời lẽ xấu xa nhất để gọi Hạ Du: tên phạm, thằng quỷ sứ, thằng nhãi con, thằng khốn nạn… Họ coi anh là giặc, là dám vuốt râu cọp, là điên. Họ cho rằng anh bị chém đầu là đích đáng. Họ hả hê như chính mình vừa trừ khử được một kẻ tội đồ. Khi nghe kể đến đoạn Hạ Du bị lão Nghĩa quản ngục đánh cho hai cái bạt tai vì dám rủ lão “làm giặc” thì họ thú quá, cứ nhao nhao nói nói cười cười. Trong khi đó, họ lại xuýt xoa khen cụ Ba đã sáng suốt đem nộp cháu mình cho nhà chức trách, vừa không bị mất đầu vì chứa chấp một tên phản nghịch, vừa được thưởng hai mươi lạng bạc.
Qua cuộc bàn luận của đám đông ở quán trà, Lỗ Tấn khéo léo phơi bày thực trạng tinh thần u mê tăm tối của phần lớn dân chúng Trung Quốc thời đó. Cách mạng Tân Hợi là một cuộc cách mạng không triệt để. Người dân chưa được tuyên truyền, giác ngộ nên họ coi những người làm cách mạng là làm giặc”. Họ càng không hiểu gì về mục đích cao cả của cách mạng.
Lỗ Tấn nhận thức rất rõ “căn bệnh tinh thần” của người Trung Hoa đã đến mức trầm trọng. Đã đến lúc phải khẩn cấp tìm ra một phương thuốc “đặc hiệu” để chữa trị căn bệnh ấy. Nhưng đó là phương thuốc nào?
Lúc này, cách mạng Trung Quốc đang dò dẫm tìm đường, Lỗ Tấn cũng đang tìm đường, ông chưa thể đưa ra một giải pháp chính xác, nhưng ông đã dự cảm được một điểu gì đó. Dự cảm ấy phần nào được thể hiện qua hình tượng nhân vật Hạ Du.
Hạ Du tuy không dược tác giả miêu tả trực tiếp nhưng nhân vật này đóng vai trò quan trọng là mắt xích tiên kết toàn bộ câu chuyện và chi phối các sự kiện trong tác phẩm. Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng có ý chí kiên cường, dám chấp nhận thử thách, hi sinh. Đến phút chót anh vẫn tuyên truyền cách mạng. Hạ Du bộc lộ nỗi đau xót trước tình trạng mê muội của dân chúng. Nhưng thật đáng buồn là ý chí, mục đích và hành động của anh lại bị mọi người hiểu một cách sai lạc. Cụ Đa là người thân cho rằng anh “làm giặc” nên đã tố giác anh để lấy tiền thưởng. Dân chúng thì chờ anh bị chém đầu để lấy máu anh tẩm vào bánh bao làm thuốc chữa bệnh. Với những tôn đao phủ tàn bạo, tham lam thì máu Hạ Du là một món hàng đem lại lợi nhuận béo bở. Với đám dông dân chúng, Hạ Du là đối tượng để cho họ chế giễu và khinh bỉ. Thậm chí đến cả mẹ anh cũng không hiểu đúng về con trai mình.
Xây dựng nhân vật Hạ Du, tác giả vừa bày tò thái độ trân trọng và kính phục, vừa ngầm phê phán những người làm cuộc cách mạng Ngũ Tứ xa rời và chưa giác ngộ được quần chúng. Thật xót xa và đau đớn trước hình ảnh người chiến sĩ cách mạng không hòa hợp được với quần chúng và còn bị dân chúng nhìn bằng con mắt miệt thị và giễu cợt. Chính vì thế mà sự hi sinh của họ trở nên vô nghĩa.
Trong phần cuối của truyện, khung cảnh nghĩa địa được Lỗ Tấn miêu tả rất kĩ: Miếng đất dọc chân thành phía ngoài cửa Tây vốn là đất công. Ở giữa là con đường mòn nhỏ hẹp, cong queo, do những người hay đi tắt giẫm mãi thành đường. Đó cũng là cái ranh giới tự nhiên giữa nghĩa địa những người chết chém hoặc chết tù, ở về phía tay trái, và nghĩa địa những người nghèo, ở về phía tay phải. Cả hai nơi, mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ. Hình ảnh con đường mòn ở đây không chỉ đơn thuần là một ranh giới tự nhiên mà nó còn là ranh giới vô hình của lòng người, của những định kiến xã hội. Cảnh nghĩa địa trong đoạn văn mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất: Dư luận xã hội không hề có sự phân biệt giữa những người làm cách mạng hi sinh vì đất nước với những kẻ tội đồ. Như vậy thì những chiến sĩ cách mạng cũng bị coi là “giặc”. Thứ hai: số người bị chết chém hoặc chết tù cũng nhiều như số người bị chết vì nghèo đói. Hình ảnh những ngôi mộ ở nghĩa trang nhiều như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ là một hình ảnh so sánh mỉa mai, gợi lên thực trạng xã hội phong kiến Trung Hoa vừa đen tối vừa tàn bạo thời ấy.
Lỗ Tấn còn gửi gắm một hàm ý khác nữa trong hình ảnh con đường mòn chia đôi nghĩa địa: ranh giới giữa người nghèo và người cách mạng rất gần. Những người làm cách mạng là ai nếu không phải là tầng lớp nghèo khổ bị áp bức, bóc lột đến cùng cực, không còn con đường nào khác là phải tự vùng lên để giải phóng cuộc đời mình? Nếu như lúc còn sống họ chưa thật sự hiểu nhau, gắn bó với nhau thì lúc chết, nghĩa địa này là nơi họ được ở gần nhau.
Hai bà mẹ cùng ra thăm mộ con trong tiết Thanh minh. Đó là bà Hoa, mẹ của Thuyên và bà mẹ của Hạ Du – tử tù chết chém. Bà Hoa đặt lễ vật trước mộ con, khấn vái rồi khóc lóc một hồi. Bà kia cũng làm như vậy trước mộ con mình, chỉ khác là mộ của Thuyên ở bên phải đường mòn, còn ngôi mộ kia thì nằm bên trái đường mòn, gần như đối diện nhau. Tình huống này đã tác động rất mạnh tới suy nghĩ và cảm xúc của người đọc. Cả những người đã chết và những người đang sống đều là nạn nhân đau khổ, đáng thương của xã hội phong kiến Trung Quốc hủ bại, bế tắc đương thời.
Câu hỏi đẩy ngạc nhiên và băn khoăn của bà mẹ Hạ Du: Thế này là thế nào? khi nhìn thấy trên nấm mộ con trai mình có những cánh hoa trắng hoa hồng… không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng chỉnh tề lặp lại hai lần gợi nhiều day dứt. Câu hỏi ấy thể hiện thái độ khó hiểu của bà mẹ trước hành động tham gia cách mạng và cái chết bi thảm của con trai mình; đồng thời chất chứa cảm xúc chua xót, đau khổ và tự trách.
Đó không chỉ là câu hỏi dành riêng cho bà mẹ Hạ Du mà còn dành cho tất cả mọi người. Ai đã đến đây? Chắc chắn đó là đồng chí của Hạ Du, hoặc là người có cảm tình với cách mạng. Họ đã bất chấp luật lệ nghiệt ngã của chính quyền, vẫn can đảm bày tỏ tình cảm của mình đối với cách mạng. Họ dám đến viếng mộ anh và còn kính cẩn đặt lên đó một vòng hoa tươi: …hoa trắng hoa hồng xen lẫn nhau, nằm khoanh trên nấm mộ khum khum.
Một trong số những người không sợ liên lụy chính là Lỗ Tấn. Nhà văn đã bày tò thái độ kính trọng đối với các chiến sĩ của phong trào cách mạng Ngũ Tứ. Ông đã đặt vòng hoa tưởng niệm trên mộ Hạ Du. Đó cũng là cách ông nêu ra vấn đề cấp thiết là phải có một phương thuốc đặc trị để cứu chữa “căn bệnh tinh thần” của người Trung Quốc. Phương thuốc đó quyết không phải là cái gì khác ngoài con đường cách mạng, nhưng không nửa vời như cuộc cách mạng Tân Hợi mà là cuộc cách mạng triệt để của quần chúng và vì quần chúng.
Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du còn chứng tỏ nhà văn Lỗ Tấn vẫn ấp ủ hi vọng vào ngày mai tươi sáng, cho đù những người tham gia phong trào cách mạng Ngũ Tứ đang bị chính quyền ráo riết khủng bố và bản thân tác giả cũng đang ở tâm trạng đau đớn, bàng hoàng. Nó làm cho cái chết của Hạ Du bớt phần bi thảm bởi vì dù sao thì cũng có người xúc động và hiểu được phần nào ý nghĩa cái chết của anh. Đó cũng là niềm an ủi cho những dũng sĩ đang bôn ba trong chốn quạnh hiu. (Cách gọi của Lỗ Tấn đối với những người tham gia phong trào cách mạng Ngũ Tứ).
Câu chuyện về Thuốc được miêu tả ở hai thời điểm là mùa thu và mùa xuân. Hạ Du và Thuyên chết vào mùa thu, đồng nghĩa với sự tàn lụi. Hai cái chết của hai người trai trẻ có số phận khác nhau và cách họ chết cũng không giống nhau. Thế nhưng, đến mùa xuân, hai bà mẹ có chung nỗi đau mất con dường như đã đồng cảm với nhau. Đặt câu chuyện vào thời điểm của hai mùa: một mùa có tính chất tàn tạ, một mùa có tính chất hồi sinh, tác giả dường như muốn gửi gắm vào đó niềm hi vọng về sự đổi thay tất yếu. Dù không có những biểu hiện thật rõ ràng, song với cách kết cấu và thời gian nghệ thuật đầy ý nghĩa tượng trưng, tác giả đã gieo vào lòng người đọc một niềm tin, một niềm hi vọng về tương lai tươi sáng của dân tộc mình.
Truyện ngắn Thuốc tiêu biểu cho bút pháp hiện thực tỉnh táo, khách quan của Lỗ Tấn. Cốt truyện dung dị nhưng độc đáo ở khả năng lựa chọn các tình tiết, ở cách sắp xếp thời gian nghệ thuật và đặc biệt là ở khả năng tạo ra tính đa nghĩa của ngôn từ và hình tượng. Câu chuyện có chung một âm điệu trầm buồn thể hiện sự suy tư, lo lắng, day dứt đầy tinh thần trách nhiệm của Lỗ Tấn trước số phận và tương lai của dân tộc mình. Có thể coi tác phẩm này giống như con dao mổ sắc bén trong tay một bác sĩ tài ba, mạnh dạn cắt bỏ những khối u ác tính về tinh thần của xã hội đương thời để cứu lấy dân tộc Trung Hoa. Nhà văn Lỗ Tấn xứng đáng là cây đại thụ của văn học Trung Quốc và Danh nhân văn hóa thế giới.
Trên đây là bài văn mẫu Phân tích truyện ngắn Thuốc của nhà văn Lỗ Tấn. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:
----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----