YOMEDIA

Đề cương ôn tập HK2 môn Lịch Sử 7 năm 2021-2022

Tải về
 
NONE

Để giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập, rèn luyện kĩ năng làm đề, kết hợp củng cố kiến thức chuẩn bị bước vào kì thi HK2 sắp tới. HOC247 xin giới thiệu Đề cương ôn tập HK2 môn Lịch Sử 7 năm 2021-2022. Mời các em cùng quý thầy cô tham khảo học tập. Chúc các em có kết quả học tập thật tốt!

ATNETWORK

1. Đại Việt thời Lê sơ (thế kỉ XV - đầu thế kỉ XVI)

1.1. Khởi nghĩa Lam Sơn: Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử

* Nguyên nhân thắng lợi:

- Nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, quyết tâm giành lại độc lập tự do cho đất nước.

- Tất cả các tầng lớp nhân dân không phân biệt già trẻ, nam nữ, các thành phần dân tộc đều đoàn kết đánh giặc, hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa, gia nhập lực lượng vũ trang, tự vũ trang đánh giặc, ủng hộ, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân.

- Nhờ đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của bộ tham mưu, đứng đầu là Lê Lợi, Nguyễn Trãi.

* Ý nghĩa lịch sử:

- Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã kết thúc 20 năm đô hộ tàn bạo của phong kiến nhà Minh.

- Mở ra một thời kì phát triển mới của dân tộc - thời Lê sơ.

1.2. Nước Đại Việt thời Lê sơ (1428 - 1527)

a) Tình hình chính trị, quân sự, pháp luật

* Chính trị:

- Sau khi đánh đuổi quân Minh, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục lại quốc hiệu Đại Việt.

- Tổ chức bộ máy chính quyền: đứng đầu triều đình là vua. Vua trực tiếp nắm mọi quyền hành, kể cả chức tổng chỉ huy quân đội.

- Giúp việc cho vua có các quan đại thần. Ở triều đình có sáu bộ : Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Ngoài ra, còn có một số cơ quan chuyên môn như Hàn lâm viện (soạn thảo công văn), Quốc sử viện (viết sử), Ngự sử đài (can gián vua và các triều thần).

- Thời Lê Thái Tổ, Thái Tông, cả nước chia làm 5 đạo; từ thời Thánh Tông, được chia lại thành 13 đạo thừa tuyên. Đứng đầu mỗi đạo  thừa tuyên là ba ti phụ trách ba mặt hoạt động khác nhau của mỗi đạo. Dưới đạo có phủ, châu, huyện và xã.

* Quân đội:

- Tổ chức theo chế độ “ngụ binh ư nông”.

- Gồm hai bộ phận: quân triều đình và quân địa phương; bao gồm bộ binh, thuỷ binh, tượng binh và kị binh.

- Vũ khí có đao, kiếm, cung tên, hoả đồng, hoả pháo. Quân đội được luyện tập thường xuyên và bố trí canh phòng khắp nơi, nhất là những nơi hiểm yếu.

* Luật pháp:

- Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức).

- Nội dung chính là bảo vệ quyền lợi của vua, quan và giai cấp thống trị, địa chủ phong kiến. Đặc biệt bộ luật có những điều luật bảo vệ chủ quyền quốc gia, khuyến khích phát triển kinh tế, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ một số quyền của phụ nữ.

b) Tình hình kinh tế

* Nông nghiệp:

- Dưới ách thống trị của nhà Minh, nước ta lâm vào tình trạng xóm làng điêu tàn, ruộng đồng bỏ hoang, đời sống nhân dân cực khổ, nhiều người phải phiêu tán.

- Nhà Lê cho 25 vạn lính (trong tổng số 35 vạn) về quê làm ruộng ngay sau chiến tranh. Còn lại 10 vạn lính, chia làm 5 phiên thay nhau về quê sản xuất.

- Kêu gọi dân phiêu tán về quê làm ruộng.

- Đặt một số chức quan chuyên lo sản xuất nông nghiệp: Khuyến nông sứ, Hà đê sứ, Đồn điền sứ... thi hành chính sách quân điền, cấm giết trâu, bò và bắt dân đi phu trong mùa gặt, cấy.

=> Nhờ các biện pháp tích cực, sản xuất nông nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển.

* Thủ công nghiệp, thương nghiệp:

- Nhiều làng thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng ra đời. Thăng Long là nơi tập trung nhiều ngành nghề thủ công nhất.

- Các công xưởng do nhà nước quản lí gọi là Cục bách tác, chuyên sản xuất đồ dùng cho vua, vũ khí, đúc tiền...

- Khuyến khích lập chợ mới và họp chợ.

- Buôn bán với nước ngoài được phát triển, các sản phẩm sành, sứ, vải lụa, lâm sản quý là những mặt hàng được thương nhân nước ngoài ưa chuộng.

c) Tình hình văn hóa, giáo dục

- Giáo dục:

+ Vua Lê Thái Tổ cho dựng lại Quốc tử giám ở kinh thành Thăng Long; ở các đạo, phủ đều có trường công, hằng năm mở khoa thi để tuyển chọn quan lại. Đa số dân đều có thể đi học trừ kẻ phạm tội và làm nghề ca hát.

+ Nội dung học tập, thi cử là các sách của đạo Nho. Đạo Nho chiếm địa vị độc tôn. Phật giáo, Đạo giáo bị hạn chế.

- Văn học, khoa học, nghệ thuật:

+ Văn học chữ Hán chiếm ưu thế, văn học chữ Nôm giữ vị trí quan trọng. Văn thơ có nội dung yêu nước sâu sắc, thể hiện niềm tự hào dân tộc, khí phách anh hùng và tinh thần bất khuất của dân tộc.

+ Khoa học: Sử học có Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí toàn thư; Địa lí có Hồng Đức bản đồ, Dư địa chí; Y học có Bản thảo thực vật toát yếu; Toán học có Đại thành toán pháp,...

+ Nghệ thuật sân khấu ca, múa, nhạc, chèo tuồng,... phục hồi nhanh chóng và phát triển.

+ Điêu khắc có phong cách khối đồ sộ, điêu luyện.

2. Đại Việt ở các thế kỉ XVI - XVIII

2.1. Kinh tế, văn hóa thế kỉ XVI - XVIII

a) Kinh tế

* Nông nghiệp:

- Ở Đàng Ngoài:

+ Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều đã phá hoại nghiêm trọng nền sản xuất nông nghiệp. Chính quyền Lê - Trịnh ít quan tâm đến công tác thuỷ lợi và tổ chức khai hoang.

+ Ruộng đất công làng xã bị cường hào đem cầm bán. Ruộng đất bỏ hoang, mất mùa, đói kém xảy ra dồn dập, nhất là vùng Sơn Nam và Thanh - Nghệ, nông dân phải bỏ làng đi phiêu tán.

- Ở Đàng Trong:

+ Các chúa Nguyễn tổ chức di dân khai hoang, cấp lương ăn, nông cụ, thành lập làng ấp mới ở khắp vùng Thuận - Quảng => hình thành tầng lớp địa chủ lớn. 

+ Nhờ khai hoang và điều kiện tự nhiên nên nông nghiệp phát triển nhanh, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

* Thủ công nghiệp: xuất hiện nhiều làng thủ công, nổi tiếng như: gốm Thổ Hà (Bắc Giang), Bát Tràng (Hà Nội), dệt La Khê (Hà Nội), rèn sắt ở Nho Lâm (Nghệ An)…

* Thương nghiệp:

- Buôn bán phát triển, nhất là ở các vùng đồng bằng và ven biển, các thương nhân châu Á và châu Âu thường đến Phố Hiến và Hội An buôn bán tấp nập. Xuất hiện các chợ làng, chợ huyện. 

- Xuất hiện thêm một số đô thị: Phố Hiến (Hưng Yên), Thanh Hà (Thừa Thiên - Huế), Hội An (Quảng Nam), Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

- Các chúa Trịnh và chúa Nguyễn cho thương nhân nước ngoài vào buôn bán để nhờ họ mua vũ khí. Về sau, các chúa thi hành chính sách hạn chế ngoại thương, do vậy từ nửa sau thế kỉ XVIII, các thành thị suy tàn dần.

b) Văn hóa

* Tôn giáo:

- Nho giáo vẫn được chính quyền phong kiến đề cao trong học tập, thi cử và tuyển lựa quan lại. Phật giáo và Đạo giáo được phục hồi.

- Thiên chúa giáo: từ năm 1533, các giáo sĩ (Bồ Đào Nha) theo thuyền buôn đến nước ta truyền bá. Sang thế kỉ XVII - XVIII, hoạt động của các giáo sĩ ngày càng tăng. Tuy nhiều lần bị cấm, nhưng các giáo sĩ vẫn tìm cách để truyền đạo.

* Sự ra đời của chữ Quốc ngữ:

- Một số giáo sĩ phương Tây dùng chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Việt và sử dụng trong việc truyền đạo.

- Đây là thứ chữ viết tiện lợi, khoa học, dễ phổ biến, lúc đầu chỉ dùng trong việc truyền đạo, sau lan rộng ra trong nhân dân và trở thành chữ Quốc ngữ của nước ta cho đến ngày nay.

c) Văn học và nghệ thuật dân gian

- Các thế kỉ XVI - XVII: Văn học chữ Hán chiếm ưu thế. Văn học chữ Nôm cũng phát triển mạnh, có các nhà thơ Nôm nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ...

- Sang nửa đầu thế kỉ XVIII:

+ Văn học dân gian phát triển mạnh mẽ, bên cạnh truyện Nôm dài như Phan Trần, Nhị Độ Mai... còn có truyện Trạng Quỳnh, truyện Trạng Lợn...

+ Nghệ thuật dân gian như múa trên dây, múa đèn, ảo thuật, điêu khắc... nghệ thuật sân khấu như chèo, tuồng, hát ả đào... được phục hồi và phát triển.

2.2. Phong trào Tây Sơn

a) Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp thống nhất đất nước (cuối thế kỷ XVIII)

- Giữa thế kỷ XVIII chế độ phong khủng hoảng sâu sắc, phong trào nông dân bùng nổ ở nhiều nơi.

- Năm 1771, khởi nghĩa nông dân bùng lên ở Tây Sơn (Bình Định) do Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Từ một cuộc khởi nghĩa nhanh chóng phát triển thành phong trào lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

- Năm 1786 - 1788, nghĩa quân tiến ra Bắc lật đổ tập đoàn Lê - Trịnh, thống nhất đất nước.

b) Các cuộc kháng chiến ở cuối thế kỷ XVIII

* Kháng chiến chống quân Xiêm 1785:

- Sau khi chúa Nguyễn bị lật đổ, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, Vua Xiêm sai tướng đem 5 vạn quân thủy bộ tiến sang nước ta.

- Cuối năm 1784, chiếm gần nửa đất Nam Bộ, ra sức cướp phá chuẩn bị tấn công quân Tây Sơn ở vùng đất còn lại.

- Năm 1785, Nguyễn Huệ đã tổ chức trận đánh phục kích Rạch Gầm - Xoài Mút (trên sông Tiền - Tiền Giang) đánh tan quân Xiêm, Nguyễn Ánh phải chạy sang Xiêm.

=> Đây là một thắng lợi lớn tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm, thể hiện tài tổ chức, cầm quân của Nguyễn Huệ, đập tan mưu đồ xâm lược của quân Xiêm, nêu cao ý thức dân tộc của phong trào Tây Sơn.

* Kháng chiến chống quân Thanh (1789)

- Ở ngoài Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh giúp vua Lê Chiêu Thống phản bội Tây Sơn. Sau khi bị quân Tây Sơn đánh vua Lê Chiêu Thống đã cầu cứu quân Thanh. Vua Thanh đã cho 29 vạn quân sang nước ta.

- Vua Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh kéo sang nước ta. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung chỉ huy quân tiến ra Bắc.

- Trên đường đi đã dừng lại ở Nghệ An, Thanh Hoá để tuyển thêm quân.

- Sau 5 ngày tiến quân thần tốc, mùng 5 Tết 1789 nghĩa quân Tây Sơn chiến thắng vang dội ở Ngọc Hồi - Đống Đa tiến vào Thăng Long đánh bại hoàn toàn quân xâm lược.

=> Phong trào nông dân Tây Sơn đã bước đầu hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và bảo vệ tổ quốc.

c) Vương triều Tây Sơn

- Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, vương triều Tây Sơn thành lập.

- Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế thống trị vùng đất từ Thuận Hóa trở ra Bắc.

- Thành lập chính quyền các cấp, kêu gọi nhân dân khôi phục sản xuất. Lập lại sổ hộ khẩu, tổ chức lại giáo dục, thi cử, tổ chức quân đội (dịch chữ Hán, chữ Nôm để làm tài liệu dạy học).

- Đối ngoại hòa hảo với nhà Thanh, quan hệ với Lào và Chân Lạp rất tốt đẹp.

- Năm 1792, Quang Trung qua đời. Năm 1802, Nguyễn Ánh tấn công, vương triều Tây Sơn sụp đổ.

3. Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX

3.1. Chế độ phong kiến nhà Nguyễn (tình hình chính trị - kinh tế)

* Tình hình chính trị:

- Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập ra triều Nguyễn. => Chế độ quân chủ chuyên chế được lập lại, vua trực tiếp nắm mọi quyền hành.

- Năm 1815, ban hành bộ luật mới: Hoàng triều luật lệ (Luật Gia Long).

- Năm 1831 - 1832, cả nước được chia thành 30 tỉnh và một phủ Thừa Thiên.

- Quân đội: Gồm nhiều binh chủng, được xây dựng với một hệ thống thành lũy vững chắc ở các tỉnh.

- Về đối ngoại: thuần phục nhà Thanh, khước từ mọi quan hệ với các quốc gia phương Tây.

* Tình hình kinh tế:

- Nông nghiệp:

+ Công cuộc khai hoang được đẩy mạnh nhưng ruộng đất hoang hóa vẫn còn nhiều.

+ Đặt ra chính sách “quân điền” nhưng tổng diện tích ruộng đất công còn quá ít, nông dân vẫn thiếu ruộng đất để cày cấy.

+ Đê điều được tu sửa nhưng vỡ đê, lụt lội vẫn thường xuyên xảy ra khiến làng xóm tiêu điều, mùa màng bị tàn phá.

- Công thương nghiệp: phát triển.

+ Nhà Nguyễn lập nhiều xưởng đúc tiền, đúc súng, đóng tàu, khai mỏ... Thủ công nghiệp nhân dân tiếp tục phát triển nhưng thuế nặng.

+ Thương nghiệp: Đất nước thống nhất thuận lợi cho việc trao đổi buôn hán. Các đô thị, thị tứ phồn thịnh. Thuyền buôn nước ngoài thường xuyên đến buôn hán. Tàu buôn phương Tây cũng đến buôn bán ở các hải cảng Việt Nam nhưng nhà Nguyễn không cho họ mở cửa hàng, họ chỉ được ra vào ở một số cảng quy định.

3.2. Sự phát triển của văn hóa dân tộc cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX

a) Văn học - Nghệ thuật

* Văn học:

 - Văn học dân gian vẫn phát triển phong phú. Nhiều nhà thơ tài năng xuất hiện như: Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Bà Huyện Thanh Qụan, Hồ Xuân Hương,... nổi bật nhất là Nguyễn Du.

- Văn học phản ánh phong phú và sâu sắc cuộc sống xã hội đương thời cùng những thay đổi trong tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của con người Việt Nam.

* Nghệ thuật:

- Sự phong phú, đa dạng của văn nghệ dân gian tăng lên với nhiều thể loại: ca dao, tục ngữ, truyện cười, dân ca quan họ, trống quân, hát dặm, ….

- Điểm nổi bật về nghệ thuật dân gian cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX là tranh dân gian (Đông Hồ). Phản ánh cuộc sống đời thường muôn màu muôn vẻ của người dân, thể hiện những nét đặc sắc, độc đáo trong nghệ thuật.

- Về nghệ thuật kiến trúc: Chùa Tây Phương, đình làng Đình Bảng, các lăng tẩm, cung điện của vua Nguyễn ở Huế, Khuê văn các ở Văn Miếu (Hà Nội),...

4. Trắc nghiệm minh họa

Câu 1. Lê Lợi chọn Lam Sơn làm căn cứ cho cuộc khởi nghĩa vì

A. Lam Sơn đã từng là căn cứ cho nhiều cuộc khởi nghĩa.

B. Lam Sơn nằm bên tả ngạn sông Chu, dễ vận chuyển bằng đường thủy.

C. Lam Sơn nối liền giữa đồng bằng với miền núi và có địa thế hiểm trở, đây là nơi giao tiếp của các dân tộc Việt, Mường, Thái.

D. Lam Sơn là nơi tập trung đông dân cư.

Câu 2. Nguyên nhân cơ bản nhất quyết định sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bắt nguồn từ

A. lòng yêu nước của nhân dân ta được phát huy cao độ.

B. nghĩa quân Lam Sơn có tinh thần kỉ luật cao, chiến đấu dũng cảm, được nhân dân ủng hộ.

C. có đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của bộ tham mưu, đứng đầu là các anh hùng dân tộc Lê Lợi, Nguyễn Trãi.

D. tinh thần căm thù giặc, ý chí quyết tâm giành lại độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Câu 3. Vua Lê Thánh Tông đã cho biên soạn và ban hành bộ luật mang tên là

A. Hình thư.

B. Hình luật.                         

C. Quốc triều hình luật.

D. Hoàng triều luật lệ.

Câu 4. Thời Lê sơ, tôn giáo giữ vị trí độc tôn là

A. Nho giáo.           

B. Phật giáo.

C. Đạo giáo.           

D. Thiên Chúa giáo.

Câu 5. Thời Lê sơ, tác phẩm sử học gồm 15 quyển là

A. Đại Việt sử kí.

B. Đại Việt sử kí toàn thư.

C. Lam Sơn thực lục.

D. Hoàng triều quan chế.

Câu 6. Nhà Lê bắt đầu bước vào giai đoạn khủng hoảng, suy yếu từ

A. đầu thế kỉ XVI.         

B. giữa thế kỉ XVI.

C. cuối thế kỉ XVI.        

D. đầu thế kỉ XVII.

Câu 7“Tốt nhất trong khu vực”, “mặt hàng bán rất chạy...” là lời khen của nhiều lái buôn phương Tây dành cho mặt hàng thủ công của nước ta, đó là sản phẩm

A. vải.                    

B. đường.      

C. đồ gốm.              

D. đồ đồng.

Câu 8. Nhà thơ lớn, nhà văn hóa, nhà quân sự có tài ở nước ta thế kỉ XVII là

A. Nguyễn Bỉnh Khiêm.   

B. Đào Duy Từ.

C. Hồ Nguyên Trừng.      

D. Lê Quý Đôn.

Câu 9. Phong trào nông dân ở Đàng Ngoài bùng lên khắp các trấn đồng bằng và vùng Thanh - Nghệ vào khoảng

 A. 30 năm giữa thế kỉ XVIII.

B. những năm 30 của thế kỉ XVIII.

 C. những năm 40 của thế kỉ XVIII.

D. 40 năm giữa thế kỉ XVIII.

Câu 10. Nguyễn Huệ chọn Rạch Gầm - Xoài Mút làm trận địa quyết chiến với quân Xiêm vì

A. đây là nơi có hai bờ sông có địa hình hiểm trở, cây cối rậm rạp, địa hình thuận lợi cho việc đặt phục binh.

B. đây là vị trí chiến lược quan trọng của địch.

C. đây là một con sông lớn.

D. đây là một căn cứ của nghĩa quân.

Câu 11. Quân Tây Sơn đã đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm 1789 bằng các trận đánh theo thứ tự

A. Ngọc Hồi - Hà Hồi - Đống Đa.

B. Đống Đa - Hà Hồi - Ngọc Hồi.

C. Hà Hồi - Ngọc Hồi - Đống Đa.

D. Hà Hồi - Đống Đa - Ngọc Hồi.

Câu 12. Vua Quang Trung ban hành Chiếu khuyến nông nhằm mục đích

A. giải quyết tình trạng ruộng đất bỏ hoang và nạn lưu vong.

B. giải quyết việc làm cho nông dân.

C. giải quyết tình trạng ruộng đất bị bọn địa chủ, cường hào chiếm đoạt.

D. giải quyết tình trạng nông nghiệp lạc hậu.

Câu 13. Để khuyến khích học tập, phát triển văn hóa, giáo dục, vua Quang Trung đã

A. mở trường học.

B. thực hiện chính sách giáo dục bắt buộc.

C. ban bố Chiếu lập học.

D. ban sắc lệnh dùng chữ Hán.

Câu 14. Nguyên nhân chủ yếu làm cho Vương triều Tây Sơn thất bại trước cuộc tấn công của Nguyễn Ánh là

A. quân của Nguyễn Ánh rất mạnh.

B. Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của quân Xiêm.

C. Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của quân Pháp.

D. nội bộ Tây Sơn bị chia rẽ, mâu thuẫn ngày càng gay gắt.

Câu 15. Nguyễn Ánh lập ra triều Nguyễn vào năm nào? Lấy niên hiệu là gì?

A. Năm 1801. Niên hiệu là Gia Long.

B. Năm 1802. Niên hiệu là Gia Long.

C. Năm 1803. Niên hiệu là Minh Mạng.

D. Năm 1804. Niên hiệu là Thiệu Trị.

Câu 16. Trong các năm 1831 - 1832, nhà Nguyễn chia nước ta thành

A. 10 tỉnh và 1 phủ trực thuộc.

B. 30 tỉnh và 1 phủ trực thuộc.

C. 40 tỉnh và 1 phủ trực thuộc.

D. 50 tỉnh và 1 phủ trực thuộc.

Câu 17. Để phát triển kinh tế nông nghiệp, các vua Nguyễn rất chú ý đến việc

A. khai hoang.

B. thực hiện chế độ quân điền.

C. tăng cường chiếm đoạt ruộng đất. 

D. cho phép quan lại lập điền trang.

Câu 18. Khởi nghĩa của Nông Văn Vân bùng nổ ở

A. Nam Định.              

B. Cao Bằng.  

C. Sơn Tây.                 

D. Phiên An.

Câu 19. Nền văn học dân gian ở nước ta ngày càng phát triển rực rỡ trong thời gian

 A. đầu thế kỉ XVIII.    

B. giữa thế kỉ XVIII.

 C. cuối thế kỉ XVIII.    

D. đầu thế kỉ XIX.

Câu 20. Cuối thế kỉ XVIII, văn học viết bằng chữ Nôm phát triển đến đỉnh cao, tiêu biểu là tác phẩm

A. Thạch Sanh.

B. Truyện Kiều.

C. Cung oán ngâm khúc.

D. Chinh phụ ngâm khúc.

Câu 21. “... là một tài năng hiếm có, một nhà thơ Nôm châm biếm nổi tiếng. Thơ của bà đả kích sâu cay vua quan phong kiến, bênh vực quyền sống của phụ nữ”. Đó là

A. Lê Ngọc Hân. 

B. Đoàn Thị Điểm.

C. Bà Huyện Thanh Quan.

D. Hồ Xuân Hương.

Câu 22. “... là một công trình kiến trúc đặc sắc, là kiểu thức trang trí cung đình tương tự các lớp mái của các lầu, cửa của kinh thành tạo ra sự tôn vinh cao quý”. Đó là kiến trúc của

A. chùa Một Cột.     

B. chùa Tây Phương.

C. chùa Bút Tháp.   

D. chùa Thiên Mụ.

Câu 23. Cố đô Huế được xây dựng từ thời vua

A. Gia Long.           

B. Minh Mạng.  

C. Thiệu Trị.           

D. Tự Đức.

Câu 24. Nhà bác học lớn nhất của Việt Nam ở thế kỉ XVIII là

 A. Lê Hữu Trác           

B. Lê Quý Đôn.

 C. Phan Huy Chú.      

D. Trịnh Hoài Đức.

ĐÁP ÁN

1

2

3

4

5

6

7

8

C

D

C

A

B

A

B

B

9

10

11

12

13

14

15

16

A

A

C

A

C

D

B

B

17

18

19

20

21

22

23

24

A

B

C

B

D

B

A

B

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề cương ôn tập HK2 môn Lịch Sử 7 năm 2021-2022. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập. 

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON