Mời quý thầy cô và các em học sinh tham khảo Đề cương ôn tập giữa HK1 môn GDKT & PL 10 CTST năm 2022-2023 đã được HOC247 biên soạn dưới đây. Thông qua tài liệu này, các em có thể khái quát hệ thống kiến thức và rèn luyện kĩ năng giải bài tập để làm bài thi thật tốt. Chúc các em học sinh đạt kết quả cao trong kì thi giữa HK1 sắp tới!
1. Lý thuyết
1.1. Nền kinh tế và các hoạt động của nền kinh tế
- Vai trò của các hoạt động kinh tế trong đời sống xã hội:
+ Hoạt động sản xuất là hoạt động con người tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Hoạt động sản xuất là hoạt động cơ bản nhất của con người, quyết định đến các hoạt động phân phối - trao đổi, tiêu dùng.
+ Phân phối là hoạt động phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành, các đơn vị sản xuất và phân chia sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Trao đổi là hoạt động nhà sản xuất đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Hoạt động phân phối - trao đổi thực hiện vai trò trung gian, kết nối sản xuất với tiêu dùng. Hoạt động phân phối đóng vai trò phân chia các yếu tố của quá trình sản xuất. Phân phối phù hợp sẽ góp phần vào sự phát triển của sản xuất và tiêu dùng. Hoạt động trao đổi đóng vai trò kết nối sản xuất với tiêu dùng, giúp người sản xuất bán được sản phẩm, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
+ Hoạt động tiêu dùng là hoạt động con người sử dụng các sản phẩm được sản xuất để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Tiêu dùng là mục đích của sản xuất.
1.2. Các thủ thể của nền kinh tế
- Vai trò của các chủ thể trong nền kinh tế:
+ Chủ thể sản xuất: Là những cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp,... sử dụng các yếu tố đầu vào như nguồn vốn, sức lao động, tài nguyên,... tạo ra hàng hoá (sản phẩm, dịch vụ) cho xã hội, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, chủ thể sản xuất cần phải tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm cung cấp những hàng hoá, không làm tổn hại đối với con người, với môi trường và xã hội.
+ Chủ thể tiêu dùng: Là người tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ để thoả mãn nhu cầu của mình. Chủ thể tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc định hướng, tạo động lực cho sản xuất phát triển, có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững. Chủ thể tiêu dùng cần phải có trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của xã hội; lựa chọn, tiêu dùng hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phê phán hành vi trái pháp luật trong hoạt động kinh tế.
+ Chủ thể trung gian: Gồm những tổ chức cá nhân giữ vai trò kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất trong nền kinh tế. Dưới tác động của phân công lao động xã hội, những chủ thể trung gian xuất hiện trên thị trường thực hiện kết nối các quan hệ mua và bán, sản xuất và tiêu dùng,...giúp nền kinh tế linh hoạt, hiệu quả.
+ Nhà nước: Có vai trò điều tiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế khác nhau hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, Nhà nước cũng tác động để điều chỉnh và khắc phục những vấn để nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
1.3. Thị trường và chức năng của thị trường
- Thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ.
- Phân loại thị trường:
+ Căn cứ theo đối tượng hàng hoá, dịch vụ được trao đổi, mua bán: thị trường hàng hoá (thị trường gạo, thị trường sắt thép,...), thị trường dịch vụ (thị trường chăm sóc sắc đẹp, thị trường chứng khoán,..) gắn với các loại hàng hoá, dịch vụ khác nhau.
+ Căn cứ vào vai trò của các yếu tố được trao đổi, mua bán: thị trường tư liệu tiêu dùng; thị trường tư liệu sản xuất.
+ Căn cứ vào phạm vi hoạt động: thị trường trong nước và thị trường thế giới.
+ Căn cứ vào vào tính chất và cơ chế vận hành: thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo (độc quyền).
- Chức năng của thị trường:
+ Thừa nhận giá trị của hàng hoá.
+ Cung cấp thông tin cho các chủ thể kinh tế.
+ Điều tiết, kích thích hoặc hạn chế sản xuất và tiêu dùng.
1.4. Cơ chế thị trường
Cơ chế thị trường là hệ thống các quan hệ mang tính tự điều chỉnh tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế như quy luật cạnh tranh, cung - cầu, giá cả,... chỉ phối hoạt động của các chủ thể kinh tế.
- Ưu điểm của cơ chế thị trường:
+ Kích thích hoạt động và tạo động lực sáng tạo cho các chủ thể kinh tế;
+ Thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến, phất minh và ứng dụng thành tựu của khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất và quản lí kinh doanh;
+ Thực hiện phân phối các nguồn lực kinh tế một cách tối ưu;
+ Phát huy tối đa tiềm năng của mọi chủ thể, vùng miền, thúc đẩy liên kết kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế.
- Nhược điểm của cơ chế thị trường:
+ Có thể dẫn tới suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
+ Sự vận động của cơ chế thị trường cũng tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng, có thể dẫn đến lạm phát;
+ Sự phân hoá giàu - nghèo giữa những người sản xuất, kinh doanh.
1.5. Giá cả thị trường và chức năng của giá cả thị trường
- Giá cả thị trường là giá bán thực tế của hàng hoá, dịch vụ hình thành do các chủ thể kinh tế chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.
- Chức năng của giá cả thị trường:
+ Cung cấp thông tin;
+ Phân bổ nguồn lực giữa các ngành sản xuất;
+ Công cụ để Nhà nước thực hiện quản lí, điều tiết, kích thích nền kinh tế.
2. Bài tập
1. Em hãy cùng các bạn lên ý tưởng cho kế hoạch kinh doanh 1 mặt hàng phù hợp với đối tượng người mua là học sinh trung học phổ thông.
2. Em hãy tìm hiểu và viết bài giới thiệu một sản phẩm thân thiện với môi trường và chia sẻ cùng các bạn trong lớp.
3. Với tư cách là người tiêu dùng có trách nhiệm, em hãy viết bài viết ngắn chia sẻ những điều cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho bản thân và gia đình.
4. Em hãy tìm hiểu và viết bài nhận xét về một loại thị trường hàng hóa ở địa phương theo gợi ý: giá cả, chất lượng, mẫu mã, địa điểm mua bán,...
5. Viết bài nhận xét về các hành vi không đúng của các chủ thể kinh tế khi tham gia thị trường.
6. Em hãy khảo sát giá cả của một số mặt hàng tại địa phương và nhận xét sự biến động giá cả của những mặt hàng đó ở các thời điểm khác nhau.
ĐÁP ÁN
1. Em hãy cùng các bạn lên ý tưởng cho kế hoạch kinh doanh 1 mặt hàng phù hợp với đối tượng người mua là học sinh trung học phổ thông.
- Một số mặt hàng kinh doanh có thể là: quần áo cũ nhưng còn mới hoặc chất lượng vẫn tốt, đồ trang trí handmade, sách vở, đồ dùng học tập, túi tote, poster, tranh ảnh,...
2. Em hãy tìm hiểu và viết bài giới thiệu một sản phẩm thân thiện với môi trường và chia sẻ cùng các bạn trong lớp.
- Có thể thực hiện theo dàn ý sau:
A. Mở bài: Giới thiệu một số sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải.
B. Thân bài: Mô tả chi tiết về chất liệu, hình dáng, chức năng của sản phẩm và triển vọng phát triển.
- Chất liệu: được sản xuất từ các vật liệu thân thiện với môi trường như giấy, vải,...hoặc đồ tái chế như nhựa, thuỷ tinh,…
- Hình dáng: đa dạng, xinh xắn phù hợp với những mục đích sử dụng khác nhau.
- Công dụng: đựng quà, đựng đồ đạc, sách bút, thức ăn,... Túi vải có thể sử dụng được nhiều lần, vừa tiện dụng, vừa tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
- Triển vọng phát triển:
Giảm thiểu rác thải nhựa đang trở thành một vấn đề cấp bách gây ra ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, việc thay thế hoặc tái chế nhựa bằng những vật liệu thân thiện với môi trường là vô cùng cần thiết và cần được áp dụng trong thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay.
Các loại túi vải, túi giấy có rất nhiều mẫu mã, màu sắc để lựa chọn. Thiết kế của các mẫu này cũng rất hiện đại, bắt mắt, tiện lợi nên có thể mang đi chơi, đi học, đi làm.
C. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng túi vải, túi giấy.
3. Với tư cách là người tiêu dùng có trách nhiệm, em hãy viết bài viết ngắn chia sẻ những điều cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho bản thân và gia đình.
- Muốn trở thành một người tiêu dùng có trách nhiệm, ngoài việc hiểu rõ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cũng cẩn được hướng dẫn bởi các tiêu chuẩn xã hội nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho tất cả mọi người và đảm bảo tiêu dùng với tác động tối thiểu đến môi trường.
Hành động mua có nghĩa là việc thỏa mãn nhu cầu hoặc mong muốn, nhưng nó cũng kích hoạt một loạt các quá trình kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, trước khi ra quyết định mua một thứ gì đó, mỗi người cần xác định khả năng kinh tế thực sự của mình, sau đó lựa chọn sản phẩm phù hợp, không chỉ vì giá cả hay chất lượng của chúng, mà còn vì chúng thân thiện với môi trường.
Ngoài các vấn đề trên, hoạt động tiêu dùng có trách nhiệm còn được thể hiện ở những việc làm đơn giản như tiết kiệm điện, nhiệt, nước hoặc nhiên liệu có thể cải thiện chất lượng cuộc sống trong cộng đồng. Cách chúng ta sử dụng là nguyên nhân và kết quả của nhiều vấn đề môi trường mà hành tinh phải đối mặt ngày nay: phá rừng, quá tải rác thải nhựa, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Vì vậy, quyết định tiêu dùng của chúng ta quan trọng hơn chúng ta nghĩ.
Hoạt động tiêu dùng là động lực của sản xuất, có cầu ắt sẽ có cung và ngược lại. Chính vì thế, việc thay đổi tư duy, thói quen mua sắm để trở thành một người tiêu dùng thông thái là vô cùng quan trọng. Khi chúng ta chuyển sang sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường, khi chúng ta chú ý nhiều hơn tới chất lượng, giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thì các nhà cung cấp cũng sẽ điều chỉnh dây chuyền sản xuất theo hướng đó sao cho phù hợp với thị hiếu người dùng. Do đó, mỗi người tiêu dùng cần tự ý thức được trách nhiệm của bản thân với việc bảo vệ môi trường.
4. Em hãy tìm hiểu và viết bài nhận xét về một loại thị trường hàng hóa ở địa phương theo gợi ý: giá cả, chất lượng, mẫu mã, địa điểm mua bán,...
Bài tham khảo
Trong thời Covid, tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc cung ứng hàng hoá rất căng thẳng, do có tin đồn thành phố sẽ bị phong toả nên người dân đổ xô đến các siêu thị để mua hàng thực phẩm. Do số lượng người vào siêu thị mua rất nhiều hàng thực phẩm, mặc dù có nguồn hàng dự trữ, được bổ sung lên kệ liên tục nhưng đến chiều nhiều siêu thị đã hết các loại rau, củ, trứng, bún, nui. Lợi dụng điểm này, một số hộ dân bán các loại rau, củ, quả, trứng với giá cao hơn siêu thị 30%-50%. Về mặt hàng gạo: Nguồn cung gạo dồi dào đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng trên địa bàn, giá cả một số địa bàn tăng nhẹ 200-500đồng/kg. Mì ăn liền được người dân mua với số lượng lớn, một số nơi còn ít hàng do chưa kịp phân phối, giá cả không thay đổi. Hiện nay riêng mặt hàng mì Hảo Hảo tại một số địa phương có khan hiếm do nhu cầu của người dân lớn, các cơ sở kinh doanh chưa kịp nhập hàng. Nhóm hàng rau xanh nguồn cung dồi dào, giá cả tăng từ 5.000đồng – 10.000đ/kg so với trước khi giãn cách. Nguyên nhân do thương lái phân phối tăng giá.
Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, cung ít, cầu lại nhiều, giá cả các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng đã được điều chỉnh tăng lên đáng kể. Ở một số nơi còn xảy ra tình trạng đầu cơ để ép giá, gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng.
5. Viết bài nhận xét về các hành vi không đúng của các chủ thể kinh tế khi tham gia thị trường.
Bài tham khảo
Quảng cáo nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh là việc doanh nghiệp so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác hay bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng và việc đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng.
- Có thể so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác.
Ví dụ mang tính chất minh họa về việc quảng cáo so sánh nói xấu đối thủ: Vài năm trước, có một chuyện là công ty chuyên sản xuất nệm X - nhà sản xuất nệm cao su tự nhiên lớn tại Việt Nam đã đăng quảng cáo trên các tờ báo lớn với nội dung như sau: “Đối với nệm lò xo, do tính chất không ưu việt của nguyên liệu sản xuất nên chất lượng nệm sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu độ đàn hồi của lò xo cao, lò xo dễ bị gãy, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Đối với nệm nhựa tổng hợp poly-urethane (nệm mút xốp nhẹ) tính dẻo ưu việt nên không có độ đàn hồi, mau bị xẹp. Chính vì những lý do đó mà Công ty X hoàn toàn không sản xuất nệm lò xo cũng như nệm nhựa poly-urethane. Tất cả các sản phẩm của Công ty X đều được làm từ 100% cao su thiên nhiên, có độ bền cao và không xẹp lún theo thời gian...”. Như vậy, nếu việc quảng cáo so sách với các sản phẩm cùng loại mà không có các căn cứ khoa học để chứng minh, gây thiệt hại đến uy tín sản phẩm của người khác, hoặc gây hiểu nhầm thì cũng có thể được xem là đối tượng xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các bạn thường nhìn thấy trên truyền hình mẫu quảng cáo "so với bột giặt thường - bị làm mờ hình ảnh gói bột giặt" thì sản phẩm bột giặt O tiết kiệm hơn, sạch hơn, trắng sáng hơn. Việc so sánh như vậy không bị xem là quảng cáo nói xấu nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Nhưng nếu nó bị so sánh với chính đối thủ thì mọi chuyện sẽ rất khác. Kể cả những quảng cáo sử dụng hình ảnh hoặc lời nói... gây hiểu nhầm với tính năng, công dụng của các dòng sản phẩm cạnh tranh khác.
- Hành động bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng;
Ví dụ về nhãn hiệu gây nhầm lẫn: Công ty cà phê T với thương hiệu G nổi tiếng cũng bị quy vào một trong những doanh nghiệp có hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Công ty T đã sử dụng nhãn hiệu ba chiều hình cốc đỏ của hãng N để so sánh trực tiếp sản phẩm G của họ với sản phẩm N của Công ty N. Đó thực chất là việc so sánh trực tiếp sản phẩm nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
- Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về giá cả, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công...
6. Em hãy khảo sát giá cả của một số mặt hàng tại địa phương và nhận xét sự biến động giá cả của những mặt hàng đó ở các thời điểm khác nhau.
- Em tự thực hiện khảo sát tại địa phương.
* Ví dụ tham khảo:
Trong hai ngày 26 và 27 tháng 4 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, giá gạo tăng đột biến. Giá gạo thường từ 7.000 - 8.000 đồng lên 12.000 đồng/kg. Giá gạo ngon từ 11.000 đồng lên 14.000 đồng/kg. Gạo xuất khẩu 5% từ 16.000 đồng lên 22.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà máy xay xát gạo, tiểu thương miền tây và Thành phố Hồ Chí Minh ghìm hàng không bán để chờ gạo tăng giá, dẫn đến khan hiếm hàng hóa, giá gạo tăng cao. Tuy nhiên khoảng 2 tháng trước, khi vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long vừa thu hoạch xong, lúa đầy sân, đầy kho, lượng gạo tồn kho trong dân và doanh nghiệp nhiều nên giá gạo chỉ ở mức 5.000 đồng/kg.
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề cương ôn tập giữa HK1 môn GDKT & PL 10 CTST năm 2022-2023. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Hóa học 10 KNTT năm 2022-2023
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Công nghệ 10 Cánh diều năm 2022-2023
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong kì thi sắp tới.