HỌC247 xin giới thiệu đến các em học sinh nội dung Đề cương ôn tập giữa Học kì 1 môn Địa lí 10 Chân trời sáng tạo năm 2022-2023 bao gồm: các kiến thức cơ bản về định hướng nghề nghiệp của môn Địa lí, Thạch quyển, nội lực, ngoại lực, .... Ngoài ra, tài liệu còn có các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến kiến thức sẽ giúp các em có thể rèn luyện kỹ năng làm bài của mình. Chúc các em đạt được kết quả cao trong kỳ thi giữa học kì 1 sắp tới.
1. Kiến thức cơ bản
1.1. Một số phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ
a. Phương pháp kí hiệu
- Phương pháp kí hiệu biểu hiện các đối tượng địa lí phân bố theo những điểm cụ thể như các sân bay, các nhà máy điện, các trung tâm công nghiệp, các mỏ khoáng sản, các loại cây trồng…
- Thể hiện các đối tượng địa lí bằng cách đặt các kí hiệu chính xác vào vị trí phân bố của đối tượng trên bản đồ.
b. Phương pháp đường chuyển động
- Phương pháp đường chuyển động biểu hiện các đối tượng địa lí di chuyển trong không gian như các loại gió, dòng biển, các luồng di dân, sự trao đổi hàng hoá,…
- Phương pháp đường chuyển động thể hiện hướng di chuyển, khối lượng, tốc độ,… của các đối tượng địa lí trên bản đồ bằng các mũi tên có độ dài, ngắn, dày, mảnh khác nhau.
c. Phương pháp chấm điểm
- Phương pháp chấm điểm biểu hiện các đối tượng phân bố không đều trong không gian như: các điểm dân cư, cơ sở chăn nuôi,… bằng các điểm chấm có giá trị nhất định.
- Phương pháp chấm điểm thể hiện được giá trị, số lượng, mức độ phân bố,… của đối tượng địa lí.
d. Phương pháp khoanh vùng
- Phương pháp khoanh vùng biểu hiện đặc điểm không gian phân bố của các đối tượng địa lí.
- Phương pháp khoanh vùng thể hiện qua giới hạn vùng phân bố bằng các đường viền, tô màu, chải nét (kẻ vạch), hay bố trí một cách đều đặn các kí hiệu trong phạm vi vùng phân bố, …
e. Phương pháp bản đồ – biểu đồ
Phương pháp bản đồ – biểu đồ thể hiện giá trị tổng cộng của các đối tượng địa lí trên một đơn vị lãnh thổ, sự phân bố của các đối tượng đó trong không gian bằng cách dùng các dạng biểu đồ khác nhau đặt vào phạm vi của đơn vị lãnh thổ đó.
1.2. Phương pháp sử dụng bản đồ trong học tập địa lí và trong đời sống
a. Sử dụng bản đồ trong học tập địa lí
- Sử dụng bản đồ trong học tập địa lí giúp tìm hiểu kiến thức về tự nhiên, kinh tế – xã hội, rèn luyện các kĩ năng đọc bản đồ, vẽ lược đồ, tính toán, so sánh, nhận xét, phân tích,…
- Sử dụng bản đồ cần hiểu rõ mối quan hệ tương hỗ và nhân quả giữa các đối tượng địa lí, phát triển tư duy không gian.
b. Sử dụng bản đồ trong đời sống
- Bản đồ được sử dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động và lĩnh vực của đời sống xã hội như: trong sinh hoạt hằng ngày: để xác định vị trí; tìm đường đi; tính khoảng cách; xem dự báo thời tiết, ...
- Cách sử dụng bản đồ cho một số hoạt động thường gặp trong đời sống: xác định vị trí, tìm đường đi, tính khoảng cách địa lí, ...
1.3. Một số ứng dụng của GPS và bản đồ số trong đời sống
a. Hệ thống định vị toàn cầu (GPS)
- GPS (Global Positioning System) là hệ thống định vị toàn cầu, xác định vị trí của vật thể dựa vào hệ thống vệ tinh nhân tạo.
- Cấu tạo của hệ thống định vị toàn cầu GPS bao gồm ba bộ phận chính: bộ phận không gian, bộ phận điều khiển mặt đất và bộ phận sử dụng.
- Hệ thống định vị toàn cầu đã được đưa vào sử dụng rộng rãi, phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động thường ngày của con người trên toàn thế giới.
b. Bản đồ số
- Là loại bản đồ được thành lập dưới dạng dữ liệu máy tính trên cơ sở xử lí số liệu nhận được từ các thiết bị quét chuyên dụng, ảnh hàng không, ảnh vệ tinh, viễn thám hoặc số hoá các bản đồ truyền thống. Toàn bộ thông tin về các đối tượng địa lí trong bản đồ số được mã hoá thành dữ liệu số và lưu trữ
- Bản đồ số linh hoạt, thông tin thường xuyên được cập nhật và hiệu chỉnh, đa dạng ứng dụng, có thể in ra các tỉ lệ khác nhau, có thể sửa đổi, cập nhật các kí hiệu, có thể tách lớp và chồng xếp thông tin bản đồ, cho phép phân tích, chế biến thành một dạng bản đồ mới,…
- Chỉ với các thiết bị hiển thị có hỗ trợ hệ thống định vị toàn cầu, kết hợp với các bản đồ số trong thiết bị đó, chúng ta có thể sử dụng cho nhiều mục đích: Tìm đường đi, xác định tuyến đường ngắn nhất, thuận tiện nhất, ....
1.4. Trái đất, thuyết kiến tạo mảng
a. Vỏ Trái Đất và vật liệu cấu tạo vỏ Trái Đất
- Trái Đất có cấu trúc gồm ba lớp: vỏ, man-ti và nhân.
- Vỏ Trái Đất được cấu tạo bằng nhiều nguyên tố hoá học, chủ yếu là silic và nhôm (còn được gọi là quyển si-an), vật liệu cấu tạo nên Trái Đất chủ yếu là khoáng vật và đá.
b. Thuyết kiến tạo mảng
- Nội dung thuyết kiến tạo mảng: vỏ Trái Đất trong quá trình hình thành đã bị gãy vỡ, tách ra thành những mảng cứng gọi là mảng kiến tạo. Toàn bộ bề mặt Trái Đất (gồm vỏ Trái Đất và phần trên của lớp man-ti) chia thành 7 mảng lớn và một số mảng nhỏ.
- Nguyên nhân hình thành các vùng núi trẻ, các vành đai động đất, núi lửa:
Trong khi dịch chuyển, các mảng kiến tạo có thể có 4 cách tiếp xúc với nhau là: tách rời nhau, xô vào nhau, hút chìm, trượt bằng
+ Khi hai mảng kiến tạo tách rời nhau xảy ra hiện tượng phun trào măcma tạo nên các dãy núi ngầm, kèm theo động đất, núi lửa,...
+ Khi hai mảng kiến tạo xô vào nhau, làm uốn nếp các lớp đá lên khỏi mặt đất, tạo ra các dãy núi cao, các vực biển sâu và sinh ra động đất, núi lửa.
+ Khi mảng đại dương chuyển động tiến sát vào mảng lục địa, nó bị hút chìm xuống dưới mảng lục địa, nâng rìa lục địa lên và uốn nếp các lớp đá trầm tích ở đáy đại dương thành các dãy núi lớn, thường kèm theo động đất, núi lửa,...
+ Khi hai mảng gặp nhau rồi dịch chuyển ngang gọi là trượt bằng sẽ tạo nên vết nứt lớn của vỏ Trái Đất dọc theo đường tiếp xúc.
1.5. Hệ quả địa lí các chuyển động của Trái Đất
a. Hệ quả chuyển động tự quay quanh trục của Trái Đất
- Sự luân phiên ngày, đêm: Trái Đất có dạng hình cầu nên trong cùng một thời điểm chỉ được Mặt Trời chiếu sáng một nửa. Nửa được chiếu sáng là ngày, nửa không được chiếu sáng là đêm.
- Giờ trên Trái Đất: Trái Đất có dạng hình cầu và tự quay quanh trục từ tây sang đông, nên cùng một thời điểm, ở các kinh tuyến khác nhau sẽ nhìn thấy Mặt Trời ở độ cao khác nhau..
b. Hệ quả chuyển động quanh Mặt Trời của Trái Đất
- Các mùa trong năm: Nguyên nhân sinh ra các mùa: trục Trái Đất nghiêng so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất và không đổi phương khi chuyển động quanh Mặt Trời. Nên có thời kì bán cầu Bắc ngả về phía Mặt Trời và có thời kì bán cầu Nam ngả về phía Mặt Trời. Điều này làm cho thời gian chiếu sáng và lượng bức xạ mặt trời nhận được ở mỗi bán cầu đều thay đổi quanh năm.
- Ngày, đêm dài ngắn theo vĩ độ: Trục Trái Đất nghiêng và không đổi phương trong khi chuyển động quanh Mặt Trời nên tuỳ vào vị trí của Trái Đất trên quỹ đạo mà độ dài ngày, đêm thay đổi theo mùa và theo vĩ độ.
1.6. Thạch quyển, nội lực
a. Khái niệm
- Thạch quyển là phần cứng ngoài cùng của Trái Đất, bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên của lớp man-ti. Vật chất cấu tạo thạch quyển chủ yếu là các loại đá.
- Theo thuyết kiến tạo mảng, thạch quyển được cấu tạo bởi các mảng kiến tạo có kích thước lớn nhỏ khác nhau, chuyển động trên lớp man-ti quánh dẻo.
b. Nội lực và tác động của nội lực đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất
- Nội lực là lực phát sinh từ bên trong Trái Đất, sinh ra từ sự phân huỷ các nguyên tố phóng xạ, sự dịch chuyển của các dòng vật chất theo trọng lực, năng lượng của các phản ứng hoá học trong lòng đất,...
- Tác động của nội lực đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất:
+ Vận động theo phương thẳng đứng
+ Vận động theo phương nằm ngang
- Hiện tượng uốn nếp
- Hiện tượng đứt gãy
1.7. Ngoại lực
a. Ngoại lực
- Khái niệm: là lực sinh ra trên bề mặt Trái Đất, chủ yếu là nguồn năng lượng của bức xạ mặt trời. Các tác nhân ngoại lực bao gồm nhiệt độ, gió, mưa, nước chảy, nước ngầm, băng hà, sóng biển, sinh vật, con người,...
- Tác động của ngoại lực làm các dạng địa hình bị biến đổi: phá vỡ, san bằng địa hình do nội lực tạo nên và hình thành những dạng địa hình mới.
- Tác động thông qua 3 quá trình: phong hoá, bóc mòn, vận chuyển và bồi tụ.
b. Tác động của ngoại lực đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất
- Quá trình phong hoá
- Quá trình bóc mòn, vận chuyển và bồi tụ
2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Môn Địa lí có những đặc điểm cơ bản nào?
A. Môn Địa lí ở cấp Trung học phổ thông thuộc nhóm môn khoa học xã hội
B. Được thiết kế theo ba mạch
C. Có tính tích hợp
D. Tất cả các đáp án trên đều đúng
Câu 2: Đâu là mạch của thiết kế môn Địa lí?
A. Địa lí đại cương
B. Phần mềm máy tính
C. Ứng dụng tin học
D. Một đáp án khác
Câu 3: Mức độ và hình thức nào thể hiện tính tích hợp của môn Địa lí?
A. Tích hợp giữa các kiến thức địa lí tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế trong từng nội dung bài học, chủ đề địa lí
B. Lồng ghép các nội dung giáo dục môi trường, biển đảo, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; giáo dục dân số, giới tính, di sản, an toàn giao thông... vào nội dung địa lí
C. Cả đáp án A và B đều đúng
D. Tất cả các đáp án đều sai
Câu 4: Trong phương pháp kí hiệu, để phân biệt cùng một loại đối tượng địa lý nhưng khác nhau về chất lượng hoặc động lực phát triển, người ta cùng sử dụng một loại kí hiệu nhưng khác nhau về yếu tố nào?
A. Màu sắc
B. Diện tích (độ to nhỏ)
C. Nét vẽ
D. Cả ba cách trên
Câu 5: Các dạng kí hiệu thường được sử dụng trong phương pháp kí hiệu là gì?
A. Hình học, nền màu, chữ
B. Chữ, hình học, đường thẳng
C. Tượng hình, hình học, chữ
D. Đường thẳng, hình học, nền màu
Câu 6: Tỉ lệ bản đồ và lãnh thổ biểu hiện không có đặc điểm nào sau đây?
A. Tỉ lệ càng nhỏ, lãnh thổ biểu hiện được càng lớn
B. Tỉ lệ càng nhỏ thì độ khái quát hóa càng cao
C. Tỉ lệ bản đồ lớn thì khó xác định các đặc điểm lãnh thổ
D. Tỉ lệ bản đồ nhỏ thường biểu thị lãnh thổ lớn
Câu 7: Phương pháp nào sau đây thể hiện sự khác nhau về khối lượng hoặc tốc độ di chuyển của cùng một loại đối tượng địa lí thông qua mũi tên dài/ngắn, dày/mảnh khác nhau?
A. Phương pháp kí hiệu
B. Phương pháp vùng phân bố
C. Phương pháp đường chuyển động
D. Phương pháp bản đồ- biểu đồ
Câu 8: Để tìm hiểu chế độ nước của một con sông ở vùng nhiệt đới, cần phải sử dụng bản đồ nào?
A. Bản đồ khí hậu
B. Bản đồ địa hình
C. Bản đồ địa chất
D. Bản đồ thổ nhưỡng
Câu 9: Để tìm hiểu chế độ nhiệt/mưa của một địa điểm nhất định, cần phải sử dụng bản đồ nào dưới đây?
A. Bản đồ địa chất
B. Bản đồ thổ nhưỡng
C. Bản đồ khí hậu
D. Bản đồ địa hình
Câu 10: Để tìm hiểu về hiện tượng động đất, núi lửa thì cần phải sử dụng bản đồ nào dưới đây?
A. Bản đồ khí hậu
B. Bản đồ địa hình
C. Bản đồ địa chất
D. Bản đồ nông nghiệp
Câu 11: GPS (Global Positioning System) là hệ thống như thế nào?
A. Hệ thống định vị
B. Hệ thống mã hóa thông tin
C. Hệ thống thông tin
D. Đáp án khác
Câu 12: Cấu tạo của hệ thống định vị toàn cầu GPS gồm bao nhiêu bộ phận chính?
A. 2
B. 3
C. 4
D. 5
Câu 13: Bộ phận nào sau đây thuộc bộ phận không gian của hệ thống GPS?
A. Nhiều vệ tinh
B. Các trạm theo dõi
C. Giám sát hoạt động của GPS
D. Các máy thu tín hiệu GPS
Câu 14: Mảng kiến tạo không có đặc điểm gì?
A. Chìm sâu mà nổi ở phần trên lớp Manti
B. Bộ phận lục địa nổi trên bề mặt Trái Đất
C. Luôn luôn đứng yên không di chuyển
D. Những bộ phận lớn của đáy đại dương
Câu 15: Ở vùng tiếp xúc của các mảng kiến tạo không bao giờ có đặc điểm gì?
A. Có nhiều hoạt động núi lửa, động đất
B. Những vùng ổn định của vỏ Trái Đất
C. Có xảy ra các loại hoạt động kiến tạo
D. Có những sống núi ngầm ở đại dương
Câu 16: Lớp vỏ đại Dương khác với lớp vỏ lục địa ở điểm nào?
A. Tầng granit rất mỏng
B. Không có tầng đá granit
C. Không có tầng đá trầm tích
D. Có một ít tầng trầm tích
Câu 17: Nơi nào sau đây trong một năm có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh?
A. Xích đạo
B. Chí tuyến Nam
C. Ngoại chí tuyến
D. Chí tuyến Bắc
Câu 18: Mặt Trời lên thiên đỉnh ở chí tuyến Nam vào ngày bao nhiêu?
A. 22/6
B. 22/12
C. 23/9
D. 21/3
Câu 19: Cấu tạo của lớp vỏ lục địa và vỏ đại dương có điểm khác nhau cơ bản là gì?
A. Vỏ đại dương cấu tạo chủ yếu bằng trầm tích, vỏ lục địa chủ yếu là badan
B. Lớp vỏ lục địa mỏng hơn lớp vỏ đại dương nhưng có thêm tầng đá granit
C. Lớp vỏ đại dương chiếm diện tích lớn và phân bố rộng hơn lớp vỏ lục địa
D. Vỏ đại dương cấu tạo chủ yếu bằng badan, vỏ lục địa chủ yếu bằng granit
Câu 20: Các cồn cát ven biển là kết quả trực tiếp của quá trình nào?
A. Vận chuyển
B. Bồi tụ
C. Phong hoá
D. Bóc mòn
ĐÁP ÁN
1D |
2A |
3C |
4B |
5C |
6C |
7C |
8A |
9C |
10C |
11A |
12B |
13A |
14C |
15B |
16B |
17A |
18B |
19D |
20B |
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Địa lí 10 CTST năm 2022-2023. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Mời các em tham khảo tài liệu có liên quan:
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Địa lí 10 KNTT năm 2022-2023
- Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Địa lí 10 Cánh diều năm 2022-2023
Ngoài ra, các em có thể thực hiện làm đề thi trắc nghiệm online tại đây:
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.