YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Phan Văn Trị

Tải về
 
NONE

Để đạt được kết quả thật cao trong kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, mời các em học sinh lớp 9 cùng tham khảo tài liệu Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Phan Văn Trị được HOC247 biên soạn và tổng hợp dưới đây. Với cấu trúc gồm đề và đáp án chi tiết nhằm giúp các em đối chiếu kết quả để có kế hoạch ôn tập tốt hơn.

ATNETWORK

TRƯỜNG THCS

PHAN VĂN TRỊ

ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2022-2023

MÔN NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

 

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.

Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.

Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đó là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt mộtt thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bai giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi diều ơi! Bay đi!” Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nối khát khao của tôi.

(Cánh diều tuổi thơ – Tạ Duy Anh)

Câu 1. Nhận biết

Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Nhận biết

Tác giả đã chọn những chi tiết nào để tả cánh diều?

Câu 3. Thông hiểu

Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ.

Câu 4. Thông hiểu

Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua hình ảnh cánh diều? Trả lời trong khoảng 3 đến 5 dòng.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm) Vận dụng cao

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ về vai trò của khát vọng trong cuộc sống.

Câu 2. (5.0 điểm) Vận dụng cao

Cảm nhận của em về hai đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

(Trích Sang thu – Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2.

Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích

Cách giải:

Những chi tiết tác giả chọn để tả cánh diều:

+ Cánh diều mềm mại như cánh bướm.

+ Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng.

+ Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.

Câu 3.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài So sánh.

Cách giải:

- Biện pháp tu từ được sử dụng: so sánh. Tác giả so sánh bầu trời đêm với một tấm thảm nhung.

- Tác dụng: Gợi vẻ đẹp của bầu trời đêm. Tấm thảm nhung có đặc tính mềm, mịn; bầu trời đêm cũng mịn và không một gợn mây, mở ra không gian cao rộng.

Câu 4.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Qua hình ảnh cánh diều tác giả muốn nói:

+ Cánh diều là những kỉ niệm tuổi thơ của tác giả với những người bạn nơi thôn quê. Đó là kí ức đẹp theo tác giả suốt đời.

+ Cánh diều tuổi thơ là nơi chở những khát vọng, những ước mơ của tác giả bay cao, bay xa.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Nêu vấn đề

2. Giải thích vấn đề

- Khát vọng là những mong muốn lớn lao, tốt đẹp của mỗi con người, nó mang một sức thôi thúc mạnh mẽ mà khiến họ cần phải hành động để đạt được khát vọng của bản thân.

- Mỗi con người sẽ có những khát vọng riêng trong cuộc sống của mình. Khát vọng là động lực để con người phát triển và vươn tới thành công.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề

- Vai trò của khát vọng với con người:

+ Có khát vọng tức là con người có những ước mơ. Một người sống không thể thiếu ước mơ vì những ước mơ, khát vọng giúp con người nỗ lực và phấn đấu không ngừng.

+ Có khát vọng, con người sẽ có sức mạnh để vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc sống.

+ Con người có khát vọng là con người sống có lí tưởng riêng và những người như vậy nhất định sẽ thành công.

- Khát vọng khác với tham vọng. Cần phải tỉnh táo để không biến những khát vọng của mình thành những tham vọng.

- Phê phán những người sống không có khát vọng, sống như những cỗ máy.

- Liên hệ bản thân: Em đã phải là người sống có khát vọng chưa? Hãy chia sẻ về những khát vọng của mình?

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

Dựa vào trí nhớ học sinh chép đúng hai khổ thơ đầu và cuối của bài Mùa xuân nho nhỏ và Sang thu.

1. Giới thiệu chung

- Bài Mùa xuân nho nhỏ:

Tác giả:

+ Là một nhà thơ cách mạng, sự nghiệp thơ văn của ông gắn với hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

+ Thanh Hải để lại một số lượng tác phẩm không nhiều nhưng vẫn tạo được dấu ấn riêng nhờ vẻ đẹp bình dị, trong sáng, ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, cảm xúc chân thành, đằm thắm.

Tác phẩm: Bài thơ được viết vào tháng 11 năm 1980 – thời điểm Thanh Hải ốm nặng và chỉ mấy tuần lễ sau ông qua đời.

- Bài Sang thu:

Tác giả:

- Là nhà thơ chiến sĩ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông từng cầm súng chiến đấu trong chiến trường miền Nam.

- Sáng tác của ông cuốn hút người đọc nhờ cảm xúc tinh tế, ngòi bút giàu chất lãng mạn và lối viết giản dị, giàu sức gợi.

Tác phẩm: Vào năm 1977, được in lại nhiều lần trong các tập thơ mà gần đây nhất là tập“Từ chiến hào đến thành phố” – 1991.

=> Hai bài thơ đã thể hiện những cảm nhận tinh tế của các tác giả về sự chuyển giao giữa các mùa, và qua mỗi bài thơ đều thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm của họ về con người, về cuộc đời.

a. Cảm nhận khổ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ

- Bài thơ được mở ra bằng khung cảnh thiên nhiên tươi sáng và tràn đầy sức sống:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Hót chi mà vang trời”

+ Cấu trúc đảo ngữ ở câu thơ 1,2 gợi sức sống mạnh mẽ đến bất ngờ, khiến bông hoa như có cội rễ, tràn đầy sức xuân, sắc xuân.

+ Các hình ảnh “dòng sông” “bông hoa” “bầu trời” “chim chiền chiện” thật bình dị và gợi cảm, đã tái hiện một không gian cao rộng của mùa xuân với những hình ảnh đặc trưng của xứ Huế.

+ Màu sắc: “sông xanh” “hoa tím biếc” rất hài hòa, tươi sáng. Dòng sông xanh đã trở thành cái nền cho sắc tím của hoa, làm nổi bật vẻ đẹp sống động của mùa xuân.

+ Âm thanh: tiếng chim chiền chiện: là tín hiệu của một buổi sớm mùa xuân trong trẻo, mát lành; gợi không gian cao rộng của bầu trời tươi sáng, ấm áp của thiên nhiên.

- Chỉ bằng vài nét phác, tác giả đã vẽ ra khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp, đủ đầy hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ứ đầy sức sống và đậm đà nét Huế.

b. Cảm nhận về khổ thơ đầu bài Sang thu

- Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:

“Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cô lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian nên thơ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ sum suê hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.

“Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.

+ “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.

=> Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.

- Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:

“Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh tế.

+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.

=> Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.

c. Nhận xét

+ Cảm nhận tinh tế của tác giả về một mùa trong năm.

+ Thể hiện tâm hồn nhạy cảm, khả năng khám phá và phát hiện đời sống của cả hai nhà thơ.

+ Ngôn từ giản dị, giàu cảm xúc.

+ Thể thơ 5 chữ, giàu tính nhạc.

3. Đánh giá chung

- Bằng những cảm nhận tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm hai tác giả đã đem đến cho người đọc những bức tranh đẹp đẽ của mùa thu và mùa xuân.

- Hệ thống ngôn từ giản dị, giàu sức biểu cảm.

ĐỀ THI SỐ 2

Câu 1. (2.0 điểm)

Đọc phần tích bài viết “Hoàng tử xiếc” Việt Nam và cú nhảy sinh tử của tác giả Hải Yến và trả lời các câu hỏi bên dưới:

(1) Chung kết Britain’s Got Talent 2018 vào tối 3/6 là ngày đặc biệt của khán giả Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam có đại diện tại đêm thi cuối cùng của show truyền hình tìm kiếm tài năng nổi tiếng thế giới. Tuy dừng chân ở Top 5 nhưng hai anh em họ Giang đã khiến nhiều người làm trong ngành nghệ thuật phải nể phục, quê nhà tự hào và khán giả toàn thế giới ngưỡng mộ.

(2) Hình ảnh hai chàng trai dũng mãnh, vững chãi hệt như những chiến sĩ băng đèo vượt suối, chinh phục bao núi cao hiểm trở "xẻ dọc Trường Sơn" khoác trên mình màu cờ sắc áo, lòng tự hào dân tộc.

(3) Bước nhảy cuối cùng hai anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp thực hiện trong đêm chung kết có thể coi là sự hội tụ đầy đủ của mọi yếu tố: Bản lĩnh, quyết tâm, kiên cường, lòng dũng cảm, sự say nghề và thành quả kết tinh từ nhiều năm kiên trì tập luyện. […] Và có lẽ, khi đứng trên sân khấu, đứng trên đấu trường quốc tế với quy mô tầm cỡ, hai tiếng Việt Nam đã giúp các anh quên đi sợ hãi, quên đi bản thân mình. Đó không đơn thuần là biểu diễn nghệ thuật, không đơn thuần là lợi ích cá nhân mà nó đại diện cho cả đất nước, lòng tự tôn dân tộc.

(Theo Báo Đời sống và Pháp luật, số 69 ngày 8/6/2018)

a. Nhận biết

Tìm và gọi tên các thành phần biệt lập trong đoạn văn (3)

b. Thông hiểu

Xác định biện pháp tu từ nổi bật ở đoạn văn (2). Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy.

Câu 2. (3.0 điểm) Vận dụng cao

Một trong những yếu tố làm nên sự thành công của anh em, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp là lòng dũng cảm. Em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của bản thân về lòng dũng cảm trong cuộc sống.

Câu 3. (5.0 điểm) Vận dụng cao

Cảm nhận của em về vẻ đẹp bức tranh mùa thu trong đoạn thơ sau:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

(Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, NXBGD)

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

Câu 1.

a. Phương pháp: căn cứ bài Thành phần biệt lập

Cách giải:

Thành phần biệt lập trong đoạn văn (3) là :

+ Thành phần tình thái: "có lẽ".

+ Thành phần phụ chú: sau dấu hai chấm (Bản lĩnh, quyết tâm, kiên cường, lòng dũng cảm, sự say nghề và thành quả kết tinh từ nhiều năm kiên trì tập luyện).

b. Phương pháp: căn cứ các biện pháp tu từ đã học

Cách giải:

- Biện pháp tu từ: so sánh.

- Tác dụng: nhấn mạnh vẻ đẹp vững chãi, uy phong, hùng dũng của hình ảnh hai chàng trai đại diện cho dân tộc trên đấu trường quốc tế, họ chính là thế hệ tiêu biểu tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc.

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

*Nêu vấn đề.

*Giải thích vấn đề.

- Dũng cảm là có dũng khí, dám đương đầu với khó khăn, nguy hiểm.

- Lòng dũng cảm là một phẩm chất quan trọng cần có để mỗi người có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, để bảo vệ mình và những người xung quanh.

*Phân tích, bàn luận vấn đề.

- Ý nghĩa của lòng dũng cảm trong cuộc sống:

+ Lòng dũng cảm khiến con người mạnh dạn đối đầu với khó khăn, thử thách.

+ Lòng dũng cảm khiến con người chiến thắng bản thân mình.

+ Lòng dũng cảm giúp con người sống có trách nhiệm hơn.

+ Những con người dũng cảm luôn vượt lên trên hiểm nguy để hành động theo lẽ phải, họ được cả xã hội ca ngợi, tôn vinh.

+ Lòng dũng cảm sẽ giúp tiêu diệt cái xấu, cái ác.

- Biểu hiện lòng dũng cảm:

- Phê phán những kẻ sống hèn nhát.

- Liên hệ bản thân

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

Tác phẩm:

2. Phân tích

a. Khoảnh khắc giao mùa

* Tín hiệu mùa thu

- Tín hiệu đầu tiên mà tác giả cảm nhận qua khứu giác là hương ổi. Với nhiều nhà thơ khác, mùa thu là mùa của hương cốm dìu dịu, hoa sữa nồng nàn. Còn đối với Hữu Thỉnh đó là hương ổi mộc mạc, bình dị. Hương ổi chủ động “phả vào trong gió se”.

+ Với từ “phả” tác giả đã đặc tả hương thơm đậm như sánh lại, quện lại, lùa vào trong gió, làm cho nó trở nên thơm tho lạ thường. Dường như hương ổi đã truyền cho ta hơi ấm của tình cảm, hơi thở của cuộc sống.

+ Vì thế gợi hình dung cụ thể về mùi ổi chín thơm nồng, ngọt mát, có sức lan tỏa.

- Mùa thu về còn hiện qua cả xúc giác “gió se”. Gió và hương ổi làm thức dậy cả không gian thôn vườn, ngõ xóm.

- Hình ảnh “sương qua ngõ”. Nghệ thuật nhân hóa cùng từ láy “chùng chình” đã làm cho làn sương trở nên sinh động có hồn.

* Cảm xúc của nhà thơ

- Trong giờ phút giao mùa ấy lòng nhà thơ thật đắm say:

+ Đó là cảm giác bất ngờ khi bắt gặp tín hiệu thu về: “Bỗng nhận ra hương ổi”. Từ “bỗng” diễn tả cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một niềm vui chợt đến, một thoáng xúc động, một cái giật mình khẽ đánh thức con người khỏi những bề bộn của cuộc sống để hòa mình với thiên nhiên và cảm nhận những vẻ đẹp giản dị nhất của nó.

+ Rồi đến cảm giác mơ hồ, mong manh, bối rối, tự hỏi lòng mình “hình như thu đã về”.

+ Từ “về” còn gợi ra cảm giác thân thiết, quen thuộc, ấm áp như nhà thơ gặp lại một người bạn cũ.

=> Phải gắn bó lắm với cuộc đời, phải có giác quan vô cùng nhạy cảm thì nhà thơ mới có những cảm nhận tinh tế đến vậy về phút giao mùa.

b. Bức tranh mùa thu và sự chuyển biến rõ nét hơn của đất trời khi sang thu

c. Nghệ thuật

3. Đánh giá chung:  Đất trời sang thu gợi biết bao cảm xúc, gợi bao suy ngẫm về đời người sang thu.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (2.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các yêu cầu bên dưới.

Buổi sớm nắng sáng. Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.

Lại đến một buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng. Biển lặng đỏ đục, đầy như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai ai đem rắc lên trên.

Rồi ngày mưa rào. Mưa giăng giăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống biển óng ánh đủ màu: xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc,…. Có quãng biển thâm xì, nặng trịch. Những cánh buồm ra khỏi cơn mưa, ướt đẫm, thẫm lại, khỏe nhẹ, bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt.

(Trích Biển đẹp, Vũ Tú Nam, Ngữ văn 6, tập 2, NXBGD)

Câu 1: (0.5 điểm) Nhận biết

Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản

Câu 2: (0.5 điểm) Thông hiểu

Biển được miêu tả ở những thời điểm nào? Tác giả miêu tả như vậy với dụng ý gì?

Câu 3: (1.0 điểm) Vận dụng

Trong văn bản có nhiều hình ảnh so sánh, em ấn tượng nhất với hình ảnh nào? Vì sao? Trình bày khoảng 5 -7 dòng.

II. LÀM VĂN (8.0 điểm)

Câu 1. (3.0 điểm) Vận dụng cao

Người Nga có câu: Nếu có hai cái bánh mì, tôi sẽ bán một cái để mua hoa hồng. Cả tâm hồn cũng cần được ăn uống. Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 đến 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.

Câu 2. (5.0 điểm) Vận dụng cao

Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật.

(Dẫn theo Lí luận văn học, Hà Minh Đức chủ biên, NXB Giáo dục)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của mình về một số tác phẩm/ Đoạn trích trong chương trình ngữ văn 9 hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1:

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: miêu tả.

Câu 2:

Phương pháp: căn cứ nội dung đoạn trích

Cách giải:

Biển được miêu tả ở những thời điểm:

+Buổi sớm nắng sáng

+Buổi chiều gió mùa đông bắc vừa dừng

+Một ngày mưa rào.

Tác giả miêu tả như vậy nhằm:  cho thấy vẻ đẹp của biển vào mỗi thời khắc khác nhau. Mỗi thời khác, biển lại hiện lên với một vẻ đẹp riêng, mơ mộng.  

Câu 3:

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Em có thể chọn bất cứ hình ảnh so sánh nào mà mình cảm thấy ấn tượng nhất và lí giải cách chọn lựa của mình cho phù hợp.

Ví dụ: Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.

Vì:

- Làm câu văn  thêm phần sinh động, hấp dẫn.

- Làm nổi bật vẻ đẹp rực rỡ của những cánh buồn, chúng như một sinh thể sống vô cùng sinh động.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

*Nêu vấn đề.

*Giải thích vấn đề:

*Phân tích, bàn luận vấn đề:

- Tại sao con người cần cả những giá trị vật chất và tinh thần?

- Phê phán những con người không biết cần bằng hai giá trị này, chỉ chạy theo giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần.

- Liên hệ bản thân.

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề

2. Giải thích nhận định

3. Chứng minh vấn đề

 Học sinh lựa chọn một vài tác phẩm để phân tích như: Kiều ở lầu Ngưng Bích, Ánh trăng, Chiếc lược ngà, Lặng lẽ Sa Pa, Làng,…

Ví dụ:

a. Ánh trăng – Nguyễn Duy

- Giới thiệu nội dung tác phẩm

- Giá trị nội dung:

- Nghệ thuật:

=> Với khoảnh khắc giật mình, nhà thơ đã gieo vào lòng người đọc niềm tin và sức sống mãnh liệt của lương tri con người. Đây cũng là lời nhắn gửi con người không được lãng quên quá khứ gian khổ mà sâu đậm nghĩa tình. Lời nhắc nhở về nghĩa tình thiêng liêng của nhân dân, đất nước và đạo lí uống nước nhớ nguồn.

b. Làng – Kim Lân

- Nội dung

+ Niềm tự hào, nỗi nhớ về làng cũng mang nét mới: Xa làng đi tản cư, ông Hai nhớ làng, vẫn giữ thói quen khoe làng, tự hào về làng .

+ Ông gắn danh dự của mình với danh dự của làng, cho thấy sự gắn bó sâu sắc với làng, với nước bằng tất cả niềm vui, nỗi buồn.

+ Thái độ thù làng Chợ Dầu theo Tây, làm Việt gian thể hiện tình cảm với làng, với nước rất rạch ròi, quyết liệt: làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Đó là một nhận thức mới mẻ, sáng suốt, cho thấy người nông dân đã biết đặt danh dự, lợi ích của dân tộc lên trên hết.

+ Người nông dân còn biết hi sinh đến tận cùng cho cuộc kháng chiến, dù tài sản bị đốt nhưng ông vẫn vô cùng hạnh phúc bởi danh dự của làng của bản thân đã được khôi phục.

- Nghệ thuật

4. Tổng kết

- Một tác phẩm văn học bao giờ cũng phải bắt nguồn và phục vụ cuộc sống, đem đến cho người đọc những bài học giá trị nhân văn tốt đẹp, hướng con người đến cái đích chân – thiện – mĩ.

- Đồng thời tác phẩm văn chương cũng phải có nội dung hay, hình thức nghệ thuật hấp dẫn.

- Đòi hỏi người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật nghiêm túc, không ngừng sáng tạo.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

 “ Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích cho xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng”

(Trích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, Vũ Khoan, Ngữ văn 9, tập 2)

Câu 1: (0.5 điểm) Thông hiểu

Đoạn trích trên đề cập vấn đề gì?

Câu 2: (0.5 điểm) Nhận biết

Xác định phép liên kết hình thức trong hai câu đầu của đoạn trích.

Câu 3: (1.0 điểm) Thông hiểu

Em hiểu thế nào là thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”?

Câu 4: (2.0 điểm) Vận dụng cao

Từ nội dung được đề cập trong đoạn trích, em thấy cần phải làm gì để phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của bản thân (Trình bày trong 5 – 7 dòng)

II. LÀM VĂN  (6.0 điểm)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đoạn thơ sau:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

 

Cá nhụ cá nhim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

 

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

(Trích Đoàn thuyền đánh ca, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1)

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải: Đoạn trích đề cập đến cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam.

Câu 2.

Phương pháp: căn cứ bài Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Cách giải:

- Phép liên kết hình thức trong hai câu đầu: Phép thế.

“Bản chất trời phú ấy” trong câu 2 thay thế cho “sự thông minh, nhạy bén với cái mới” trong câu 1.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

Câu 4.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Cần nhận biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân mình.

- Với những điểm mạnh, cần học tập và trau dồi thêm kiến thức để duy trì ổn định.

- Với những điểm yếu, mình cần phân tích rõ những cái yếu đó mấu chốt nằm ở đâu, sau đó cần học tập và rèn luyện để hạn chế những lỗ hổng đó.

- Không nên tự mãn với chính mình, tự phự. Biết lắng nghe những ý kiến của những người xung quanh mình để hoàn thiện bản thân.

II. LÀM VĂN

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

Tác phẩm:

2. Cảm nhận

* Hình ảnh đoàn thuyền được tái hiện chân thực, sinh động hơn:

- Không gian vũ trụ bao la được mở ra nhiều chiều:

+ Cao: bầu trời, mặt trăng.

+ Rộng: mặt biển.

+ Sâu: lòng biển.

- Để thấy đoàn thuyền đánh cá hoàn toàn tương xứng với không gian ấy:

+ Khi sóng biển cồn lên, cánh buồm như chạm vào cả mây trời.

+ Khi buông lưới con thuyền như dò thấu tận đáy đại dương.

+ Hệ thống động từ: “lái”, “lướt”… -> tư thế làm chủ của đoàn thuyền…

+ Hệ thống hình ảnh: “lái gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” -> con thuyền như mang sinh lực của đất trời để đánh cá trên biển.

- Gợi hình tượng người lao động trên biển:

+ Tầm vóc lớn lao sánh cùng vũ trụ.

+ Làm chủ cả vũ trụ.

* Sự giàu có, phong phú, đẹp đẽ, bao dung của biển cả:

3. Tổng kết

- Nội dung:

- Nghệ thuật:

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 5

Câu 1: (2.0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:

Lặng rồi cả tiếng con ve

Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.

Nhà em vẫn tiếng ạ ời,

Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.

Lời ru có gió mùa thu

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con

Đêm nay con ngủ giấc tròn,

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”

( Mẹ, Trần Quốc Minh, Theo Thơ chọn với lời bình, NXB GD, 2002, tr 28 – 29)

a. Nhận biết

 Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

b. Nhận biết

Trong bài thơ, những âm thanh nào được tác giả nhắc đến?

c. Thông hiểu

Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau:

Đêm nay con ngủ giấc tròn,

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời

Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng cao

Em hãy viết một bài văn (khoảng 300 chữ) bàn về lòng hiếu thảo.

Câu 3: (5.0 điểm) Vận dụng cao

Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:

“Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc đi:

- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…

…Vừa về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.

Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…Ông lão nắm chặt hai tay mà rít lên:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng cho lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được. Ông kiểm điểm từng người trong óc. Không mà, họ toàn là những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy!

Nhưng sao lại nảy ra cái tin như vậy được? Mà thằng chánh Bệu thì đích là người làng không sai rồi. Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì. Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chưa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước … Lại con bao nhiêu người làng tan tác mỗi người một phương nữa, không biết họ đã rõ cái cơ sự này chưa?”

(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD, 2013)

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5

Câu 1.

a. Phương pháp: căn cứ vào các thể thơ đã học.

Cách giải:

Bài thơ được viết theo thể thơ: lục bát.

b. Phương pháp: căn cứ nội dung bài thơ được trích

Cách giải:

Trong bài thơ những âm thanh được nhắc đến:

+Tiếng ve

+Tiếng ru “ạ ời”

+Tiếng võng kẽo cà

c. Phương pháp: căn cứ biện pháp So sánh

Cách giải:

- Biện pháp tu từ: so sánh. (Tác giả so sánh mẹ với ngọn gió)

Câu 2.

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Nêu vấn đề.

2. Giải thích vấn đề.

- Lòng hiếu thảo là lòng kính yêu, tôn trọng cha mẹ. Đây là một đức tính rất được coi trọng trong văn hóa Đông Á cũng như văn hóa Việt Nam.

- Ai cũng cần phải có lòng hiếu thảo bởi cha mẹ là người sinh ra ta. Nếu với cha mẹ mà không thể hiếu thảo, đó hẳn không phải là người tốt.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề

- Biểu hiện của lòng hiếu thảo:

- Vì sao phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ:

- Trong xã hội hiện đại, lòng hiếu thảo cũng đang bị xuống cấp. Phê phán những đứa con hư, bất hiếu với cha mẹ.

- Liên hệ bản thân.

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

Tác phẩm:

- Được viết thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ 1948.

-> Là một trong những truyện ngắn thành công nhất của Kim Lân.

- Đoạn trích miêu tả tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc.

2. Phân tích

*Giới thiệu nhân vật ông Hai

Tóm tắt nội dung trước khi dẫn đến đoạn được trích.

* Lúc mới nghe tin, ông ngạc nhiên đến bàng hoàng, sững sờ:

- Đúng lúc ông Hai đang phấn khởi trước những tin tức thời sự thì nghe những người tản cư bàn về làng Chợ Dầu. Ông quay phắt lại hỏi: “ta giết được bao nhiêu thằng?” -> Câu hỏi cho thấy niềm tin vững chắc vào tinh thần cách mạng của làng mình.

- Vì thế, tin làng theo giặc khiến ông chết lặng vì đau đớn, tủi thẹn:

Cổ nghẹn đắng.

+ Da mặt tê rân rân.

+ Giọng lạc hẳn đi.

+ Lặng đi như không thở được…

-> Đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình.

* Từ giây phút đó, ông chìm vào tâm trạng hoang mang, đau khổ, sợ hãi:

3. Tổng kết:

- Nội dung: 

- Nghệ thuật:

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2022-2023 có đáp án Trường THCS Phan Văn TrịĐể xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON