YOMEDIA

Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Trần Quý Cáp

Tải về
 
NONE

Kì thi THPT Quốc gia sắp tới là một trong những kì thi quan trọng đối với học sinh lớp 12. Với cấu trúc gồm các đề và đáp án chi tiết, tài liệu Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Trần Quý Cáp dưới đây sẽ giúp các em dễ dàng đối chiếu kết quả và ôn tập hiệu quả. Chúc các em học tập vui vẻ!

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT

TRẦN QUÝ CÁP

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA

MÔN NGỮ VĂN

NĂM HỌC 2021-2022

Thời gian làm bài: 120 phút

ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

HÃY LÀ NGƯỜI VÔ LÝ

Một trong những câu nói tôi thích nhất của George Bernard Shaw là: “Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân. Vì vậy, mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý.” Hãy suy nghĩ về ý tưởng này trong chốc lát. Đó là một ý tưởng lớn.

Tất nhiên, bạn cần thực tế và ứng xử khôn khéo khi làm việc trong môi trường của mình. Tôi đồng ý rằng việc áp dụng các quan niệm phổ biến với người khác cũng quan trọng. Những rủi ro ngu ngốc có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng như đã nói, đừng nên sợ hãi trước thất bại hay thất vọng để rồi không dám ước mơ.

Đừng lúc nào cũng tỏ ra có lý và thực dụng, quá nhạy cảm đến nỗi bạn từ chối không chộp lấy cơ hội ngàn vàng khi nó đến. Hãy đẩy xa giới hạn của những gì bạn nghĩ mình có thể thực hiện. Đừng quên rằng những kẻ chỉ trích luôn cười nhạo tầm nhìn của nhiều nhà tư tưởng can trường, nhiều nhà khai phá nổi tiếng. Đừng để ý đến những lời chỉ trích. Luôn ghi nhớ rằng những tiến bộ vượt bậc mà con người đạt tới đều nhờ nỗ lực can trường của một người nào đó từng bị chỉ trích rằng ý tưởng của họ là viển vông, không thể trở thành hiện thực. Thế giới cần nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường. Cần người chống lại sự cám dỗ của tính tự mãn và dám hành động theo cách họ vẫn luôn thực hiện. Bạn có thể là một trong những người ấy. Từ ngày hôm nay.

(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, NXB Trẻ, 2018, Tr. 44 - 45)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. (0,5 điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. (0,5 điểm) Theo đoạn trích, George Bernard Shaw cho rằng “mọi tiến bộ” đều tùy thuộc vào ai?

Câu 3. (1,0 điểm) Dựa vào đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào về quan niệm “Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân” ?

Câu 4. (1,0 điểm) Anh/Chị có đồng tình với ý kiến của tác giả “Thế giới cần nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1. (2,0 điểm)  

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc dám làm những điều lớn lao trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)   

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ  xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...

Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.

Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...

- Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.

Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:

- Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...

 (Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, Tr.28-29) 

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, lí giải vì sao Kim Lân được gọi là nhà văn một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn (Nguyên Hồng).

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là nghị luận

Câu 2.  

Theo đoạn trích, George Bernard Shaw cho rằng mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lí.

Câu 3. 

Có thể hiểu nội dung ý kiến như sau:

- Người có lí thường tuân thủ theo những gì có sẵn, đi theo những con đường quen thuộc, an toàn đã được vạch ra trước đó.

- Người vô lí sẽ dám làm những điều mới mẻ, tạo lập, sáng tạo cái chưa từng có, đi trên những con đường chưa ai đi để mở lối, dẫn đường cho mọi người đi theo.

Câu 4. Học sinh bày tỏ quan điểm bản thân: có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần, miễn là lí giải thuyết phục, hợp lí.

- Đồng tình vì:

+ Ước mơ đưa con người vượt lên thực tế, hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai.

+ Muốn xã hội phát triển, muốn tạo ra những điều mới mẻ, đột phá có ý nghĩa tốt đẹp và lớn lao, rất cần những người biết ước mơ, những “người vô lí”. Đó là những con người có tài năng, có bản lĩnh, không chấp nhận lối mòn, dám suy nghĩ khác biệt, dám ước mơ những điều lớn lao và hành động để biến ước mơ đó thành hiện thực.

- Không đồng tình vì:

+ Ước mơ rất cần nhưng trước hết con người cần sống với thực tế.

+ Những cái mới chưa được thử nghiệm không phải lúc nào cũng đúng, không thể chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp như mong muốn. Nhiều khi những người đi trên con đường khác biệt phải chấp nhận thất bại, thậm chí phải trả giá đắt. Bởi vậy, cần sự thận trọng, sáng suốt khi cổ vũ cho những “người vô lí”.

- Không hoàn toàn đồng tình: có thể kết hợp hai cách lí giải trên.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng nội dung nghị luận: ý nghĩa của việc dám làm những điều lớn lao trong cuộc sống.

c. Triển khai nội dung nghị luận thành các ý cụ thể; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể triển khai theo hướng:

- Những điều lớn lao: những điều có ý nghĩa quan trọng với đời sống cộng đồng, không dễ thực hiện trong cuộc sống.

- Ý nghĩa của việc dám làm những điều lớn lao trong cuộc sống:

+ Là tiền đề để con người có những phát minh, sáng tạo đột phá

+ Thể hiện bản lĩnh và khả năng không giới hạn của con người

+ Khẳng định giá trị của mỗi cá nhân trong cuộc đời rộng lớn

+ Cống hiến tích cực cho cộng đồng, tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong đời sống, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, văn minh, tiến bộ

(Nên có dẫn chứng minh họa)

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. Cảm nhận của anh/chị về bà cụ Tứ trong đoạn trích. Từ đó, lí giải vì sao Kim Lân được gọi là nhà văn một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích; lí giải vì sao Kim Lân được gọi là nhà văn một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau về nội dung:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm “Vợ nhặt” và vị trí của đoạn trích

- Kim Lân là nhà văn của người nông dân và nông thôn Việt Nam.

- Tiền thân của truyện ngắn “Vợ nhặt” là tiểu thuyết  “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám năm1945 nhưng sau đó dang dở và mất bản thảo. Sau hòa bình lập lại, năm 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ viết nên truyện ngắn “Vợ nhặt”. Tác phẩm này được in trong tập “Con chó xấu xí” (1962)

- Bà cụ Tứ là một người mẹ quê mùa nghèo khổ, cuộc đời nhiều cay đắng: chồng chết, người con trai đã lớn tuổi nhưng không thể lấy được vợ vì gia cảnh quá túng bấn. Vậy mà trong lúc đói khát quay quắt, Tràng đã đưa một người đàn bà lạ mặt về nhà. Đoạn trích miêu tả diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong cảnh gặp nàng dâu mới.

* Cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích

- Người mẹ hết lòng thương con

+ Anh Tràng, con trai bà lấy vợ trong khung cảnh tang thương của xóm ngụ cư: Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt.

+  Bà đón nhận tin con trai có vợ với nhiều cảm xúc bộn bề, trái ngược nhau, vừa thương xót, tủi hổ, vừa mừng vui: Bà lão cúi đầu nín lặng, hiểu ra bao cơ sự, rỉ xuống hai dòng nước mắt, khẽ thở dài….

+ Gạt hết nỗi buồn lo, bà bày tỏ niềm vui mừng trước hạnh phúc của con trai:  Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...

- Người mẹ nhân hậu, bao dung

+ Thấu hiểu hoàn cảnh cùng đường của người đàn bà kia: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình…

+ Không chỉ thương con trai mà còn thương luôn cả nàng dâu tội nghiệp: gọi thị là con, không hề căn vặn về gia cảnh, không một chút rẻ rúng, coi thường mà chỉ thấy xót thương cho số phận khốn khổ của thị; giang tay đón nhận thị lúc này là chấp nhận chia sẻ miếng ăn và cũng là chia sẻ cơ hội sống ít ỏi với người đàn bà xa lạ mới nhập vào gia đình mình: Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi…

+ An ủi nàng dâu mới bằng những tình cảm chân thành: bà nhẹ nhàng, từ tốn, hạ giọng, thân mật; bà nói về cái lẽ phải thông thường giúp người con dâu theo không kia vơi bớt nỗi tủi thân, mặc cảm: Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chỉ cái lúc này…

- Người mẹ từng trải, có bản lĩnh sống vững vàng, trở thành chỗ dựa cho đôi vợ chồng trẻ

+ Nghĩ đến nỗi bất hạnh đã trải qua mà không khỏi xót xa cho hai con: Bóng tối trùm lấy hai con mắt; Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt; Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình; bà nhìn thấy tương lai còn nhiều khó khăn phía trước: Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?

+ Giấu đi những âu lo, bà lựa lời động viên các con, hướng chúng về một ngày mai tươi sáng hơn: Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau; chỉ cho các con cách biến tương lai thành hiện thực: Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn; Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi.

* Đánh giá

- Nghệ thuật

+ Đặt nhân vật trong tình huống truyện độc đáo

+ Tổ chức điểm nhìn trần thuật: kết hợp điểm nhìn bên ngoài để quan sát nhân vật với điểm nhìn bên trong, nhập giọng kể vào dòng độc thoại nội tâm nhân vật để miêu tả được chiều sâu tâm lí nhân vật

+ Ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, linh hoạt, ngôn ngữ đối thoại giản dị, mộc mạc, ngôn ngữ độc thoại chân thật, truyền cảm

- Nội dung

+ Phản ánh số phận cùng khổ của nhân dân Việt  Nam trong nạn đói năm 1945.

+ Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp.

+ Khẳng định trong bất kì hoàn cảnh khốn cùng nào, người lao động vẫn giữ được bản chất tốt đẹp: sống có tình người, tin ở tương lai, hướng về sự sống.

* Lí giải vì sao Kim Lân được gọi là một lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn

- Ý kiến khẳng định sự am hiểu, gắn bó, thủy chung của Kim Lân với đồng đất quê hương, với người nông dân và nông thôn Việt Nam.

- Biểu hiện:

+ Thấu hiểu sâu sắc tâm lí người nông dân.

+ Cảm thông với số phận bất hạnh của người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945.

+ Phát hiện, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ nông thôn: Bà cụ Tứ là người mẹ quê mùa, chất phác, cuộc đời nhiều khổ đau, cơ cực nhưng có tấm lòng nhân hậu, bao dung...

+ Sử dụng ngôn ngữ của nông thôn một cách điêu luyện, thuần thục: cách xưng hô (u, con…), cách dùng thành ngữ, tục ngữ  (dựng vợ gả chồng; ăn nên làm nổi; sinh con đẻ cái; ai giàu ba họ, ai khó ba đời…), dùng từ địa phương (tao đoạn, ông giời …)

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:  

Giá trị là gì? Hai cây tre giống nhau, một cây dùng làm sáo, một cây dùng làm giá phơi đồ, Một hôm, cây dùng  làm giá phơi đồ mới hối cây dùng làm sáo: "Tại sao chúng ta sinh ra cùng một nơi, đều là tre trên núi nhưng tôi  mỗi ngày đều phải giãi nắng dầm mưa, còn bạn lại rất đáng tiền?". Sáo trả lời: “Bởi vì bạn chỉ chịu một nhát  dao khi bị chặt ra, còn tôi đã trải qua hàng ngàn nhát dao, được người ta chế tạo cẩn thận". Giá phơi đồ im lặng. 

Đời người cũng như vậy, nếu có thể chịu đựng được cực khổ, cô đơn, cọ xát vào thực tế, dám đảm đương và đứng  lên chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, cuộc sống mới có giá trị. 

Khi nhìn thấy vinh quang của người khác, bạn không cần phải ghen tức, bởi vì người khác trả giá nhiều hơn bạn. Thật ra trên thế giới này có rất nhiều người thông minh nhưng lại có quá ít người có thể kiên trì đến cuối cùng,  thế nên số người chiến thắng chỉ là số ít. Người càng thông minh họ càng hiểu rõ khuyết điểm của mình và luôn  cố gắng đến cùng. 

Trưởng thành không phải là trải qua thất bại một lần mà phải tích lũy nhiều lần, cả về tri thức lẫn kinh nghiệm  sống. 

Đây chính là luật tre.

(Hạt giống tâm hồn, Tập 3, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, Tr.79) 

Câu 1 (TH). Tác giả đã tìm thấy ở cây tre quy luật nào của cuộc sống? 

Câu 2 (TH). Trước thắc mắc của cây tre làm giá phơi đồ về sự “đáng tiền” của mình, cây tre dùng làm sáo trả lời như thế nào? 

Câu 3 (TH). Theo anh (chị), giữa cây tre làm sáo và cây tre dùng làm giá phơi đồ, cây tre nào có giá trị hơn? Vì  sao?

Câu 4 (VD). Anh (chị) có đồng tình với quan điểm: “Trưởng thành không phải là trải qua thất bại một lần mà  phải tích lũy nhiều lần, cả về tri thức lẫn kinh nghiệm sống” không? Vì sao? 

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (VDC). Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình  bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của mỗi người trong cuộc đời. 

Câu 2. (VDC). Cho đoạn trích sau: 

… Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối  ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà  lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:  

- Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá.  Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...  

Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế.  Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai  bát đã hết nhẵn.  

Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:  

- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ. Bà lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói  bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười: 

- Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.  

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng  cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:  

- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy.  Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi  hờn len vào tâm trí mọi người.  

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2014, tr.31 )  

Cảm nhận của anh/chị về cảnh tượng bữa cơm ngày đói trng đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân  đạo của nhà văn Kim Lân?

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

Phương pháp: Đọc, tìm ý. 

Cách giải: 

Theo đoạn trích, từ cây tre tác giả đã tìm ra quy luật về giá trị: “Trưởng thành không phải là trải qua thất bại một  lần mà phải tích lũy nhiều lần, cả về tri thức lẫn kinh nghiệm sống”. 

Câu 2. 

Phương pháp: Đọc kỹ tìm ý. 

Cách giải: 

Cây tre dùng sáo trả lời như sau: “Bởi vì bạn chỉ chịu một nhát dao khi bị chặt ra, còn tôi đã trải qua hàng ngàn  nhát dao, được người ta chế tạo cẩn thận” 

Câu 3.

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Cách giải: 

Học sinh trình bày theo quan điểm cá nhân, có lý giải. 

Gợi ý: 

Câu 4.

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Cách giải: 

Học sinh trình bày theo quan điểm của mình, có lý giải. 

Gợi ý: 

Đồng ý với quan điểm. 

Lý giải:  

II. LÀM VĂN. 

Câu 1.

Phương pháp: 

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). 

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

Cách giải: 

Yêu cầu hình thức: 

Yêu cầu nội dung: 

- Nêu vấn đề: Giá trị của mỗi người trong cuộc đời. 

- Bàn luận:  

+ Mỗi người đều có giá trị của bản thân mình. 

+ Con người cần nhìn nhận bản thân mình để nhận ra được giá trị thực sự và trân trọng nó. + Giá trị của con người phụ thuộc vào quá trình tích lũy, mài dũa, cố gắng của mỗi người trong cuộc sống. -> Con người cần nhận ra giá trị của bản thân trân trọng và trau dồi nó. 

- Phản đề:  

+ Phê phán những người chối bỏ bản thân mình. 

+ Thay vì cố gắng trau dồi bản thân lại đi so sánh, đó kị với những giá trị mà người khác có được. 

Câu 2.

Phương pháp: 

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). 

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

Cách giải: 

Yêu cầu hình thức: 

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không  mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

Yêu cầu nội dung: 

I. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: 

- Giới thiệu vấn đề nghị luận của bài viết: Cảm nhận về đẹp của người lao động nghèo trong đoạn trích. Từ đó,  nhận xét về cách nhìn con người của nhà văn Kim Lân. 

II. Thân bài: 

1) Cảm nhận về bữa cơm ngày đói

a) Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần cuối của tác phẩm trong bữa cơm đầu đón nàng dâu mới.

b) Cảm nhận về đoạn trích: 

Đoạn trích diễn tả cảnh bữa cơm đón nàng dâu mới, trong bữa cơm đó mỗi thành viên lại mang trong mình một  cảm xúc riêng nhưng hơn hết trong họ là tình yêu thương dù hoàn cảnh nạn đói đang diễn ra rất căng thẳng.

* Tâm trạng của bà cụ Tứ

* Tâm trạng nhân vật người vợ nhặt

* Tâm trạng của Tràng

2) Nhận xét về giá trị nhân đạo trong đoạn trích

- Tác phẩm đã thể hiện sự trân trọng của tác giả trước vẻ đẹp của người lao động trong nạn đói: 

- Nghệ thuật: Cảnh ngộ và vẻ đẹp của người lao động trong nạn đói được thể hiện bằng tình huống truyện độc  đáo, éo le; khả năng miêu tả tâm trạng nhân vật tinh tế, khéo léo; cách kể truyện ở ngôi thứ ba khách quan, tự nhiên gây hứng thú; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc;… 

III. Kết bài 

Khẳng định giá trị của tác phẩm và vị trí của tác giả.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

qua mỗi ngày Cha Mẹ nhọc nhằn là

một ngày con được lớn khôn hơn

qua mỗi đêm chong đèn học bài là

một đêm con hiểu biết hơn

về Quê hương Đất nước

ôi Đất nước chưa bao giờ hết nếp nhăn

trên trán người lao khổ

mấy nghìn năm đi qua thiên tai giặc giã

đi qua phận người khó khăn cơ nhỡ

lá lành đùm lá rách

đi qua ân tình, thảo thơm hướng về nguồn cội

đi qua lời ru, tiếng đàn bầu,

mùi bùn và mưa nắng có rơm

đi qua nhân nghĩa để nhận biết dối gian

qua lẽ sống để nhận về sự chết

ơi con đường Máu và Hoa

con đường Vinh quang về Tổ quốc của tôi

cho tôi được đồng hành và được hát với

những đứa con trên đường về

Tổ quốc tôi!

(Trích Tổ quốc tôi, Hổ Triệu Sơn)

Câu 1 (NB). Anh/Chị hãy xác định thể thơ của đoạn trích trên. 

Câu 2 (TH). Trong đoạn trích, cuộc sống tình nghĩa của nhân dân được gợi lên qua những từ ngữ nào?

Câu 3 (TH). Anh/ chị hiểu như thế nào về những dòng thơ: 

qua mỗi ngày Cha Mẹ nhọc nhằn là

một ngày con được lớn khôn hơn

qua mỗi đêm chong đèn học bài là

một đêm con hiểu biết hơn

về Quê hương Đất nước

ôi Đất nước chưa bao giờ hết nếp nhăn

trên trán người lao khổ

mấy nghìn năm đi qua thiên tai giặc giã

Câu 4. (VD). Thông điệp có ý nghĩa sâu sắc nhất đối với anh/chị từ đoạn trích trên là gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (VDC) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ)  trình bày suy nghĩ về sứ mệnh của tối trẻ trong việc thực hiện hóa khát vọng xây dựng đất nước.

Câu 2. (VDC) 

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp: 

- Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đảm đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông  để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông  trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà  ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng  tình cho cái sự lạc hậu. Các chủ đừng bắt tôi bỏ nó! 

Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mẹ chợt ửng sáng lên như một nụ cười - vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng  có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ. 

- Cả đời chỉ có một lúc nào thật vui không? - Đột nhiên tôi hỏi. 

- Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no... 

Viên chánh án huyện rời chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ, giấy má. Đẩu đi đi lại lại trong  phòng, hai tay thọc sâu vào hai bên túi chiếc quần quân phục đã cũ. Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao  Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ. Người đàn bà đã khóc khi nghe tôi nhắc đến thằng Phác. Nhưng tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như  cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu cái lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài. 

(Trích Chiếc thuyền ngoài ra, Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập hai, Nxb Giáo dục 2019)

Anh/chị hãy trình bày cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên; từ đó, nhận xét  nét mới trong cách nhìn con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1.

Phương pháp: Vận dụng kiến thức về thể thơ đã được học. 

Cách giải: 

Thể thơ: Tự do. 

Câu 2.

Phương pháp: Đọc kỹ tìm ý. 

Cách giải: 

Cuộc sống tình nghĩa của nhân dân được gợi lên qua những từ ngữ: ân tình, thảo thơm, hướng về nguồn cội, lá  lành đùm lá rách, lời ru, tiếng đàn bầu.  

Câu 3.

Phương pháp: Phân tích, lý giải. 

Cách giải: 

Học sinh trình bày theo cảm nhận của mình, có lý giải hợp lý. 

Câu 4. 

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Cách giải: 

Học sinh tự đưa ra thông điệp ý nghĩa nhất với bản thân mình, có lý giải. 

Gợi ý: tình yêu quê hương đất nước,…. 

II. LÀM VĂN 

Câu 1. 

Phương pháp: 

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). 

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

Cách giải: 

- Yêu cầu hình thức:  

- Yêu cầu nội dung: 

* Nêu vấn đề: Sứ mệnh của tối trẻ trong việc thực hiện hóa khát vọng xây dựng đất nước.

* Bàn luận:  

- Tuổi trẻ: Là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tuổi trẻ có sứ mệnh bảo vệ giữ gìn và xây dựng Tổ quốc. - Trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc ngày nay là góp phần gìn giữ nền độc lập, tích cực xây dựng nước nhà  ngày càng giàu mạnh.

* Tổng kết: 

Câu 2: 

Phương pháp: Vận dụng kiến thức về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa kết hợp với kĩ năng viết bài văn nghị luận  văn học. 

Cách giải: 

I. Mở bài: 

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:  

* Khái quát vấn đề nghị luận: Cảm nhận của anh/chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét nét mới trong cách nhìn con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu. 

II. Thân bài: 

1) Cảm nhận hình tượng người đàn bà hàng chài

a. Giới thiệu chân dung, lai lịch người đàn bà 

b) Vẻ đẹp người đàn bà hàng chài

- Thấu hiểu mọi lẽ đời, có lòng nhân hậu, bao dung. 

- Giàu đức hi sinh, thương con vô bờ bến.

* Nghệ thuật: 

- Xây dựng đoạn đối thoại tự nhiên, giàu ý nghĩa, ẩn chứa nhiều triết lí nhân sinh sâu sắc.

2) Nhận xét nét mới trong cách nhìn con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu

- Nhân vật cũng góp phần mang đến bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của hiện tượng. 

III. Kết bài 

- Khẳng định lại nội dung nghệ thuật.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 4

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau: 

Con muốn là công chúa!  

- Con đang là công chúa đấy, con yêu!  

- Con muốn là nàng tiên, là cô gái phép thuật như trong phim hoạt hình yêu thích.  

- Hãy trở thành những ai con muốn!  

Bầy thiên thần đẹp đẽ nâng đỡ con  

Họ ở trong con, thiên thần của mẹ 

Đang nuôi tóc dài, con thích thế 

Thật may mắn khi nhiều điều mẹ muốn trùng ý con  

Con hiểu được, hay con sống cho mẹ giấc mơ xanh?  

Con gái ơi, đừng lớn nhanh, đừng vội làm người lớn.  

Mỗi ngày mẹ đều rửa chân tay các con âu yếm  

Lòng tay, chân hồng, từng ngón mềm nhỏ bé  

Bàn tay mẹ lắm chai  

Gót chân ngày càng dày  

Cũng không thành lớp biểu bì áo giáp che chắn con suốt đời, khi thế giới ngày một phức tạp hơn 

Vào thời trái đất biến đổi khí hậu  

Hãy sống can đảm lên con  

Hãy trở thành người thông thái, để sống với ước mơ của cuộc đời mình  

Kể cả khi là một cuộc đời bình thường nhưng yêu thương vẫn luôn đầy ắp.  

(Trở thành, Vi Thùy Linh, tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 4/ 2022) 

Câu 1. (NB) Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?  

Câu 2. (TH) Người mẹ trong bài thơ khuyên con những điều gì?  

Câu 3. (TH) Anh/chị hiểu thế nào về những câu thơ: “Hãy trở thành người thông thái, để sống với ước mơ của  cuộc đời mình/Kể cả khi là một cuộc đời bình thường nhưng yêu thương vẫn luôn đầy ắp”?  

Câu 4. (VD) Bài học sâu sắc nhất anh/chị rút ra được sau khi đọc văn bản trên.  

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (VDC) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của việc can đảm sống với ước mơ của cuộc đời mình.  

Câu 2. (VDC)  

Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung  nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa  xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân dòng  xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông  Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực  bội gì mỗi độ thu về (…)  

Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất  là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương  vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam  nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con  sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại  bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm  bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.  

Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng lờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này  cũng lặng lờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịch không  một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương  đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa. Chao ôi, thấy  thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp – lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Phọ – Yên Bái – Lai  Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng có sương, chăm chăm nhìn tôi lừ đừ trôi trên một mũi đỏ.  Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi mình bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông  khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?” Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông  bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “dải Sông  Đà bọt nước lênh bênh – bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà).  

(Trích Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân, SGK Ngữ Văn 12 tập 1, NXB Giáo dục 2012) 

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về cái tôi của nhà văn  Nguyễn Tuân.

-----------------HẾT----------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 4

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1.

Phương pháp: Vận dụng kiến thức về các thể thơ đã học. 

Cách giải: 

Thể thơ: tự do. 

Câu 2.

Phương pháp: Phân tích, lý giải. 

Cách giải: 

Người mẹ trong bài thơ khuyên con: hãy trở thành những ai con muốn; đừng lớn nhanh, đừng vội làm người lớn;  hãy sống can đảm, hãy trở thành người thông thái, để sống với ước mơ của cuộc đời mình.

Câu 3.

Phương pháp: Phân tích, lý giải. 

Cách giải: 

Những câu sau: Hãy trở thành người thông thái, để sống với ước mơ của cuộc đời mình/ Kể cả khi là một cuộc  đời bình thường nhưng yêu thương vẫn luôn đầy ắp được hiểu là:

Câu 4.

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Cách giải: 

Thí sinh có thể đưa ra những bài học khác nhau nhưng phải hợp lí.  

Gợi ý:  

- Bài học về sự can đảm.  

- Bài học về giá trị của cuộc sống.  

- Bài học về sự lựa chọn lối đi cho cuộc đời của mỗi người… 

II. LÀM VĂN 

Câu 1.

Phương pháp: 

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). 

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận xã hội.

Cách giải: 

Yêu cầu hình thức: 

- Viết đúng một đoạn văn nghị luận xã hội theo cấu trúc. 

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không  mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

Yêu cầu nội dung: 

* Nêu vấn đề: Ý nghĩa của việc can đảm sống với ước mơ của cuộc đời mình. 

* Bàn luận: 

- Khi can đảm sống với ước mơ của đời mình thì sẽ chiến thắng bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi. 

Câu 2.

Phương pháp: Vận dụng kiến thức về tác phẩm Vợ chồng A Phủ kết hợp với kĩ năng viết bài văn nghị luận văn  học. 

Cách giải: 

I. Mở bài: 

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:  

* Khái quát vấn đề nghị luận: Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận  xét về cái tôi của nhà văn Nguyễn Tuân. 

II. Thân bài: 

1) Cảm nhận về sông Đà theo đoạn trích

- Sông Đà được miêu tả ở nhiều góc nhìn với vẻ đẹp phong phú, đa dạng:

- Hình tượng sông Đà được thể hiện bằng ngôn ngữ phong phú, tinh tế, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc; câu văn giàu  nhịp điệu; nghệ thuật nhân hóa, so sánh gợi những liên tưởng độc đáo, bất ngờ, thú vị.

=> Tình yêu và niềm tự hào sâu sắc của nhà văn về thiên nhiên, đất nước. 

2) Cảm nhận hình tượng nhân vật Mị trong đoạn trích

- Cái tôi là cá tính sáng tạo, là phong cách nghệ thuật của nhà văn.  

- Đoạn trích thể hiện cái tôi tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân:  

III. Kết bài 

- Khẳng định lại nội dung nghệ thuật.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

ĐỀ THI SỐ 5

I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Hãy đọc ca từ của bài hát và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người.

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

(Cố nhạc sĩ Văn Cao: "Mùa xuân đầu tiên", tuyệt tác cuối cùng, Dương Minh Đức, Văn nghệ công an online, ngày 20/2/2012) 

Chú thích: 

Mùa xuân đầu tiên là ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào giáp Tết Bính Thìn (1976).

Văn Cao đã tìm cho mình một góc thăng hoa riêng về sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 để viết ra Mùa xuân đầu tiên với mong muốn khép lại một thời chiến tranh mà ông đã mô tả trong Tiến quân ca. Ông nói với con: "Cha viết bài này mừng đất nước thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ".

Câu 1. (0,75 điểm) Chỉ ra hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích sau:

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.

Câu 2. (0,75 điểm) Khi nói về “mùa xuân đầu tiên”, nhạc sĩ Văn Cao đã dùng cụm từ “mùa bình thường”. Tính chất “bình thường” ấy được thể hiện qua những hình ảnh nào trong phần lời bài ca?

Câu 3. (1,0 điểm)

Trong đoạn ca từ sau, điều gì của “mùa xuân đầu tiên” gây xúc động lòng người?

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh

Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Câu 4. (0,5 điểm) Trong “mùa xuân đầu tiên”, nhạc sĩ Văn Cao cảm thấy có “Một trưa nắng cho bao tâm hồn”, “Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”. Anh/chị cảm nhận được điều gì từ hình ảnh “trưa nắng” trong những lời ca ấy?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1. (2,0 điểm) Anh/Chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những điều bình thường/bình dị trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm) Trong tùy bút Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã có một phát hiện về công việc của những người làm nghề lái đò trên sông Đà như sau: “Làm cái nghề vận tải đường nước này thật là vất vả, người cứ dựng đứng lên mà luôn tay luôn chân luôn mắt luôn gân và luôn tim nữa”. Bằng hiểu biết về hình ảnh người lái đò trong tác phẩm, anh/chị hãy làm rõ điều đó. Từ đó, hãy chỉ ra nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.

----------------HẾT---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 5

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1.

- Điệp từ “mùa”, “mùa xuân”, “về”.

- Liệt kê: khói bay, gà gáy, trưa nắng...

- Đảo ngữ: “Rồi dặt dìu - mùa xuân theo én về”

- (...)

Câu 2.

- Tính chất “bình thường” được thể hiện qua những hình ảnh bình dị “khói bay”, “gà gáy”, “nắng trưa”...; qua nhịp sống bình thường và những tình cảm bình thường “người biết quê người”, “người biết yêu người”, “người biết thương người” (bất thường: người li quê, người không biết quê người, người biết căm thù, người đặt tình yêu Tổ quốc lên trên tình cảm cá nhân, thậm chí gạt bỏ tình cảm riêng tư cá nhân để chỉ nghĩ đến tình yêu Tổ quốc...)

Câu 3.

- Trong đoạn ca từ đã cho, điều gây xúc động của mùa xuân đầu tiên là cảnh đoàn tụ: người mẹ nhìn đàn con trở về, giọt nước mắt em rơi trên vai áo anh...

Câu 4.

- Nắng: đem đến ánh sáng, sự ấm áp để làm không gian bừng sáng, sự sống bừng nở và tâm hồn con người cũng được rọi sáng để thấy vui, thấy nhẹ nhõm - nhất là ánh nắng bừng lên sau những ngày u ám.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của những điều bình dị trong cuộc sống.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

- Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của những điều bình dị

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải sống là chính mình. Có thể theo hướng sau:

- Điều bình thường bình dị là những sự việc/ hiện tượng thường nhật, quen thuộc... thường hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, do tính chất quen thuộc, thường nhật mà con người thường không ấn tượng, không chú ý, dễ bỏ qua...

- Ý nghĩa của điều bình thường/bình dị:

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Điều kiện cũng như cách ông thực hiện công việc lái đò trên Sồng Đà

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề

* Triển khai

1. Giải thích ý nghĩa câu văn 

- “Làm nghề vận tải đường nước”: làm nghề chở đò trên sông nước.

- “Vất vả”: cách đánh giá tính chất công việc, gợi hình dung về những khó khăn, thử thách, những mệt mỏi, nhọc nhằn mà công việc tạo ra, mà người lao động phải đối mặt.

2. Làm nghề chở đò trên sông Đà phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm. 

- Con sông Đà của miền đất Tây Bắc là con sông hung bạo: nhiều ghềnh thác, nhiều vực xoáy, biết bày binh bố trận, phối hợp sức mạnh của đá, nước, thác để tạo ra những cản trở với người lái đò.

3. Linh hoạt, khéo léo, đầy chủ động khi vượt thác

+ Hiểu rất rõ con Sông Đà từ cách bày binh bố trận (ba trùng vi thạch trận, phối hợp cửa sinh, cửa tử...) cho đến vị trí của từng hòn đá (tướng - quân, tiền vệ - hậu vệ, trấn giữ cửa sinh - chặn lối vào cửa tử), từng đòn đánh (đòn tỉa, đòn âm, đánh khuýp quật vu hồi...) mà sóng thác có thể tạo ra.

4. Nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân

- Cách nhìn độc đáo:

+ Hướng đến cái phi thường, khác thường, cái có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ, mãnh liệt (Sông Đà - môi trường lao động: hung bạo, độc dữ, nham hiểm...; Ông lái đò - người lao động: vừa là một anh hùng, vừa là một nghệ sĩ trên sóng thác; Cuộc vượt thác - công việc thường ngày của người lao động: là trận chiến giữa con người với thiên nhiên...)

+ Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ: ông lái đò là người lao động bình thường đã trở thành nghệ sĩ trong công việc của mình, công việc lái đò vốn là công việc bình thường lại được nâng lên thành một nghệ thuật.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập vào Học247 để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021-2022 có đáp án trường THPT Trần Quý Cáp. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Các em quan tâm có thể tham khảo tài liệu cùng chuyên mục:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON