Mời quý thầy cô và các em cùng tham khảo Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 có đáp án năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Tài liệu được biên soạn nhằm giới thiệu đến các em và quý thầy cô dạng đề thi thử phong phú và đa dạng. Hi vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình học tập của các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!
TRƯỜNG THPT NGUYỄN DUY TRINH |
ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC: 2021-2022 (Thời gian làm bài: 90 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
Một lần tình cờ tôi đọc được bài viết “Hạnh phúc là gì?” trên blog của một người bạn. Bạn ấy viết rằng: “Hạnh phúc là được nằm trong chăn ấm xem ti vi cùng với gia đình. Hạnh phúc là được trùm chăn kín và được mẹ pha cho cốc sữa nóng. Hạnh phúc là được cùng đứa bạn thân nhong nhong trên khắp phố. Hạnh phúc là ngồi co ro hàng giờ trong quán cà phê, nhấm nháp ly ca – cao nóng và bàn chuyện chiến sự… thế giới cùng anh em chiến hữu…”
Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao? Ừ nhỉ! Dường như lâu nay chúng ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc. (9) Hãy một lần thử nghĩ xem: Khi chúng ta than phiền vì bố mẹ quá quan tâm đến chuyện của mình thì ngoài kia biết bao nhiêu người thèm hơi ấm của mẹ, thèm tiếng cười của bố, thèm được về nhà để được mắng; khi chúng ta cảm thấy thiệt thòi vì không được ngồi xe hơi chỉ vì phải chạy xe máy giữa trời nắng thì ngoài kia biết bao nhiêu bạn của chúng ta mồ hôi nhễ nhại, gò mình đạp xe lên những con dốc vắng, khi chúng ta bất mãn với chuyện học hành quá căng thẳng thì ngoài kia biết bao người đang khao khát một lần được đến trường, một lần được cầm cây bút để viết lên những ước mơ khi chúng ta…
(Bài tập Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2007)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Tại sao tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” (1,0 điểm)
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (9). (1,0 điểm)
Câu 4: Anh/ chị hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích trên. (0,5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ở phần Đọc hiểu: " “Nhà” không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương".
Câu 2 (5 điểm):
Phân tích đoạn văn mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh để cho thấy sự thống nhất chặt chẽ giữa đối tượng, mục đích sáng tác với nội dung, hình thức của tác phẩm:
Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
(Trích Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh Dẫn theo Ngữ văn 12, tập 1)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phong cách ngôn ngữ chính luận.
Câu 2:
- Tác giả lại “Bất chợt giật mình, hạnh phúc đơn giản vậy sao?” vì dường như lâu nay người ta chỉ quen với việc than phiền mình bất hạnh chứ ít khi biết được rằng mình đang hạnh phúc.
Câu 3:
- Biện pháp tu từ: Điệp cấu trúc ("khi chúng ta… thì ngoài kia…")
- Tác dụng: Nhấn mạnh vào việc con người luôn thấy mình bất hạnh trong khi thực tế còn có những người họ bất hạnh hơn mình rất nhiều.
Câu 4:
- Anh/chị tự rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất trong đoạn trích. Đó có thể là thông điệp: Hạnh phúc bắt nguồn từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống. Hạnh phúc luôn bên ta và quanh ta.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
Yêu cầu về nội dung:
* Nêu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- "Nhà": là nơi tập hợp những người có quan hệ cùng huyết thống.
- “Nhà không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương" nghĩa là nhà không chỉ gắn với những người thân yêu của ta mà còn gắn bó với cả mảnh đất ta được sinh ra và nuôi lớn, gắn với xóm làng, ruộng đồng.
* Phân tích, bàn luận vấn đề
- Tại sao “Nhà không chỉ còn có nghĩa là gia đình, mà còn có nghĩa là quê hương"?
+ Mỗi người được sinh ra trong một gia đình nhưng lại lớn lên và tồn tại, gắn bó trong một mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ, cộng đồng đó chính là quê hương.
+ Mọi tục lệ trong nhà đều có sự bắt nguồn từ quê hương. Vì vậy quê hương chính là một phần máu thịt của con người.
+ Tình yêu gia đình là nền tảng của tình yêu quê hương. Mấy ai đi xa nhớ nhà mà lại không nhớ những đặc trưng riêng của vùng miền mình được sinh ra và được nuôi lớn.
- Mỗi người cần làm phải luôn dành tình cảm cho gia đình, quê hương mình, trân trọng nơi mình được sinh ra và được nuôi dạy tử tế nên người.
- Phê phán những người thơ ơ với gia đình, với quê hương.
* Bài học liên hệ bản thân
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
Có bao giờ chúng ta yêu thế gian này như yêu ngôi nhà có bếp lửa ấm áp của mình không? Có bao giờ chúng ta yêu nhân loại như yêu một người máu thịt của mình không? Chúng ta từng nói đến việc làm sao để trở thành những công dân toàn cầu. Danh từ công dân toàn cầu rất dễ làm cho những ai có lầm tưởng về một siêu nhân trong những khía cạnh nào đấy. Nhưng bản chất duy nhất của một công dân toàn cầu là một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian. Có thể sẽ có những công dân kêu lên đầy bất lực: Ta chỉ là một sinh linh bé nhỏ làm sao ta có thể yêu thương và che chở cả thế gian rộng lớn nhường kia! Việc yêu thương và che chở cho cả thế gian có phải là một ước mơ hay một nhân cách hão huyền không? Không. Đó là một hiện thực và đó là một nguyên lý. Khi một con người yêu thương chân thực thì mảnh đất con người đó đang đứng dù chỉ vừa hai bàn chân thì người đó đã yêu cả trái đất này. Khi bạn yêu một cái cây bên cạnh bạn thì bạn yêu mọi cái cây trên thế gian. Khi bạn yêu thương một người bên cạnh thì bạn yêu cả nhân loại. Và khi tất cả những con người dù nhỏ bé đến đâu yêu thương người bên cạnh thì tình yêu thương ấy sẽ ngập tràn thế gian này.
Tình yêu thương nhân loại sẽ ngay lập tức trở nên hão huyền và mang thói đạo đức giả khi chúng ra nói đến tình yêu thương đó mà không bao giờ chúng ta yêu thương nổi một người bên cạnh. Và thói đạo đức giả đang lan rộng trên thế gian chúng ta đang sống.
Hãy cứu thế gian này khỏi những hận thù, những ích kỉ, những vô cảm và giá lạnh bằng những hành động cụ thể của mỗi con người và trách nhiệm của biết bao con người đang sống trên thế gian này.
(Trích Cần một ngày giải hòa để yêu thương, dẫn theo http://www,tuanvietnam.net, ngày 7/9/2010)
Câu 1. Theo tác giả đoạn trích, phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là gì?
Câu 2. Đoạn trích sử dụng thao tác lập luận nào khi bàn về “bản chất duy nhất của công dân toàn cầu”?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 4. Anh/chị thử đưa ra quan niệm của mình về “công dân toàn cầu”.
II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)
Phân tích nét tính cách hung bạo, dữ dội của con Sông Đà trong đoạn trích Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân (Ngữ Văn 12 tập 1).
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Theo tác giả đoạn trích, phẩm chất cốt lõi của một “công dân toàn cầu” là: một người biết yêu thương thế gian này và luôn tìm cách cải biến thế gian.
Câu 2:
- Thao tác lập luận: Thao tác lập luận bác bỏ.
Câu 3:
- Biện pháp tu từ: điệp cấu trúc: "Khi …yêu… thì… yêu"
- Tác dụng: Nhấn mạnh nguồn gốc, nơi xuất phát của tình yêu thương rộng lớn.
Câu 4:
- Anh/chị có thể đưa ra quan niệm riêng của mình về công dân toàn cầu. Gợi ý: Công dân toàn cầu là một con người biết yêu thế giới, một người luôn cống hiến hết mình cho sự tồn tại tốt đẹp của thế giới.
II. PHẦN LÀM VĂN
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, ông là một nghệ sĩ chân chính suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông góp phần không nhỏ “thúc đẩy thể tùy bút, bút kí văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa và độc đáo”.
- Người lái đò sông Đà là bài tùy bút được in trong tập Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân – thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi.
2. Phân tích
2.1. Hình tượng hung bạo của con sông Đà
a) Sự hung bạo thể hiện ở cảnh đá bờ sông dựng vách thành:
- Hình ảnh “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời” đã gợi ra được độ cao và diễn tả được cái lạnh lẽo, âm u của khúc sông.
- Hình ảnh so sánh “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu” đã diễn tả sự nhỏ hẹp của dòng chảy gợi ra lưu tốc rất lớn nhất là vào mùa nước lũ với bao nhiêu nguy hiểm rình rập.
- Bằng liên tưởng độc đáo, Nguyễn Tuân đã tiếp tục khắc sâu ấn tượng về độ cao của những vách đá, sự lạnh lẽo, u tối của đoạn sông và sự nhỏ hẹp của dòng chảy “ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”.
b) Sự hung bạo thể hiện ở ghềnh đá “quãng mặt ghềnh Hát Loóng”
- Nhân hóa con sông như một kẻ chuyên đi đòi nợ thuê: dữ dằn, gắt gao, tàn bạo.
- Điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc (nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió) được hỗ trợ bởi những thanh trắc liên tiếp đã tạo nên âm hưởng dữ dội, nhịp điệu khẩn trương, dồn dập như vừa xô đẩy, vừa hợp sức của sóng, gió và đá khiến cho cả ghềnh sông như sôi lên, cuộn chảy dữ dằn, tạo nên một mối đe dọa thực sự đối với bất kì người lái đò nào “quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”.
c) Sự hung bạo thể hiện ở những “cái hút nước” chết người:
- Sự khủng khiếp, hung dữ:
+ Được tái hiện từ các góc nhìn khác nhau: từ trên nhìn xuống mặt nước sông “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”; từ dưới lòng sông nhìn ngược lên “thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào…”
+ Được cảm nhận từ các vị thế trải nghiệm khác nhau:
- Vị thế của người quay phim "ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền cả mình cả máy quay xuống đáy cái hút sông Đà…"
- Vị thế của người xem phim "thấy mình đang lấy gân ngồi giữ chặt ghế như ghì lấy mép một chiếc lá rừng bị vứt vào một cái cốc pha lê nước khổng lồ vừa rút lên cái gậy đánh phèn…”
+ Được cảm nhận bằng các giác quan khác nhau: thị giác là những hình ảnh liên tưởng độc đáo và mới lạ; thính giác: lúc thì “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, lúc thì“nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”
- Giải pháp: “Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu…”
=> Đó chính là sự minh chứng rõ nhất cho mức độ nguy hiểm tột cùng của những cái hút nước.
- Hậu quả khủng khiếp mà những cái hút nước gây ra:
+ “Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống”
+ “Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và bị đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”
d) Sự hung bạo thể hiện ở chiến trường sông Đà
* Dấu hiệu đầu tiên là âm thanh tiếng nước thác: Âm thanh phong phú: lúc thì "nghe như là oán trách gì", lúc như "van xin", khi thì "khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo", đặc biệt có lúc "rống lên" gầm thét những âm thanh cuồng nộ, ghê sợ để trấn áp con người.
* Các trùng vi thạch trận:
- Trùng vi thạch trận thứ nhất:
+ Đó là “cả một chân trời đá”, “mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”.
+ Đá ở con thác này biết bày binh bố trận như Binh pháp Tôn Tử, gồm năm cửa trận, trong đó “có bốn cửa tử một cửa sinh", "cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông”.
+ Cửa sinh lại chia làm ba tuyến - tiền vệ, trung vệ, hậu vệ - đòi ăn chết con thuyền đơn độc.
+ Khi thạch trận bày xong, đá phối hợp với nước thác dữ dội và nham hiểm.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Học sinh thường quan niệm, đi học thêm sẽ nâng cao, bổ sung được thêm nhiều kiến thức, đồng nghĩa với việc, cơ hội đỗ đạt thi cử càng cao. Nhưng trên thực tế, không phải cứ học thêm là kiến thức của bạn tăng vọt, và cũng không ít người chỉ học trên lớp và tự học mà vẫn đạt kết quả cao trong học tập. Muốn nâng cao kiến thức, ngoài việc chăm chú lắng nghe các bài giảng của thầy cô giáo thì phần quyết định vẫn ở bản thân bạn. Mỗi học sinh cần tự trang bị cho mình tinh thần tự học, ôn luyện đều đặn thì dù không học thêm, kiến thức của bạn cũng chẳng kém ai. Ngược lại, nhiều học sinh mải mê “chạy show” (học chưa xong lớp này đã mài mông đến lớp khác) học thêm, mất quá nhiều thời gian, các buổi học nối tiếp nhau, dồn dập cuối cùng cũng chẳng hiểu, chẳng nhớ được gì!
Một “sở thích” của nhiều học sinh cuối cấp đó là học tủ và đoán đề với mong muốn phần may mắn thuộc về mình, học ít mà điểm lại cao. Nhưng thật sự là người “trúng tủ” thì ít, mà người bị “tủ đè” lại nhiều không kể xiết. Đặc biệt, đối với những môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan việc học tủ lại càng “sai sách” bởi hình thức thi trắc nghiệm phổ tra rộng và bao quát hơn so với tự luận. Bởi thế, hãy chú trọng tất cả những kiến thức được giới hạn trong thi cử. Chỉ cố gắng, chăm chỉ ôn luyện và có phương pháp học đúng đắn, hợp lý bạn mới dễ dàng “chiến thắng” những kỳ thi.
Với tâm lý “học trước sẽ quên sau” nhiều học sinh chọn cách đến khi nào gần thi thì ôn luyện luôn một thể cho nhớ. Vậy nên gần trước ngày thi, các bạn học sinh mới nhanh chóng nhồi nhét tất cả những kiến thức cần học. Điều này chẳng những không giúp bạn nhớ lâu mà còn khiến bạn dễ bị “loạn” và phá vỡ mạch liên kết của khối kiến thức cũ. Nhiều kiến thức học dồn dập một lúc sẽ khiến bạn bị quá tải. Điều này không hề giúp bạn nâng cao điểm số, ngược lại làm tinh thần bạn mệt mỏi. Chinh vì thế, hãy lên kế hoạch học tập cụ thể, để việc ôn tập diễn ra từng bước một, học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đó. Hãy học có chiến lược, ôn tập có kế hoạch, chuẩn bị tới từng thứ một… kì thi phía trước sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
(Học sinh cuối cấp thường mắc phải những sai lầm này – Kenh14.vn, ngày 11/4/2017)
Câu 1. (0,5 điểm) Nêu các thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn văn bản trên.
Câu 2. (0,75 điểm) Người viết đã chỉ ra những sai lầm gì mà học sinh thường mắc phải trong học tập?
Câu 3. (0,75 điểm) Theo tác giả, học sinh cần làm gì để có kết quả tốt trong thi cử?
Câu 4. (1,0 điểm) Theo anh/chị, vì sao cần phải lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho kì thi phía trước?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2, 0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò, ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm của con người trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp hào hoa của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (SGK Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)?
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1:
- Các thao tác lập luận: phân tích, bác bỏ.
Câu 2:
Những sai lầm mà học sinh thường mắc phải trong học tập:
- Quan niệm đi học thêm sẽ nâng cao, bổ sung được thêm nhiều kiến thức.
- Học tủ và đoán đề với mong muốn phần may mắn thuộc về mình, học ít mà điểm lại cao.
- Nhiều học sinh chọn cách đến khi nào gần thi thì ôn luyện luôn một thể cho nhớ và gặp phải tình trạng học nhồi nhét.
Câu 3:
Theo tác giả, để có kết quả tốt trong thi cử học sinh cần:
- Hãy chú trọng tất cả những kiến thức được giới hạn trong thi cử; cố gắng, chăm chỉ ôn luyện và có phương pháp học đúng đắn.
- Hãy lên kế hoạch học tập cụ thể, để việc ôn tập diễn ra từng bước một, học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đó. Hãy học có chiến lược, ôn tập có kế hoạch, chuẩn bị tới từng thứ một.
Câu 4:
- Cần phải lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho kỳ thi phía trước vì:
+ Kế hoạch giúp ta làm việc một cách nhịp nhàng và hiệu quả hơn.
+ Khi có kế hoạch, bản thân ta cũng sẽ bình tĩnh và ổn định về tâm lý hơn.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a) Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vai trò, ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực tự chịu trách nhiệm.
c) Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm. Có thể theo hướng sau:
- Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm giúp con người có nhận thức và hành động đúng đắn trong cuộc sống, biết tự trọng cá nhân và tôn trọng người khác; luôn đòi hỏi chính mình nỗ lực vươn lên để sáng tạo và cống hiến.
- Có ý thức và năng lực tự chịu trách nhiệm về bản thân, con người có “tài sản gốc” quý báu để “sinh lời”, không phải “vay mượn”, không phải sống nhờ vào người khác.
d) Chính tả, dùng từ, đặt câu.
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp, tiếng Việt.
e) Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
* Cảm nhận vẻ đẹp hào hoa của hình tượng người lính Tây Tiến
- Vẻ đẹp hào hoa là vẻ đẹp thuộc về đời sống tâm hồn nhạy cảm, giàu mơ mộng, lãng mạn và đậm chất nghệ sĩ của những người lính Tây Tiến.
- Biểu hiện:
+ Tâm hồn lãng mạn, say đắm với thiên nhiên miền Tây thơ mộng, mỹ lệ (hoa về đêm hơi, Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, hoa đong đưa…); với cuộc sống con người trong tình quân dân ấm áp ("cơm lên khói", "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi", 'Kìa em xiêm áo tự bao giờ…")
+ Tâm hồn trẻ trung, giàu chất lính (súng ngửi trời); trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm)
+ Tâm hồn tràn đầy lý tưởng thấm đẫm chất men say thời đại hào hùng (Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh)
+ Sự hi sinh của người lính cũng hào hoa, lãng mạn (Áo bào thay chiếu anh về đất…)
+ Nghệ thuật: Cảm hứng và bút pháp lãng mạn; nghệ thuật tương phản, đối lập; ngôn ngữ tinh tế, hình ảnh sáng tạo, thơ giàu chất nhạc, hội họa…
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Tỷ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích hành động của mình: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Yu Pang-Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất thế giới Bill Gate từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: “Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?
[…] Có người nói rằng, có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.
(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, Dẫn theo http://tuoitre.vn, ngày 10/5/2015)
Câu 1. Chỉ ra các phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2. Vì sao những người cha tỉ phú như Ya Pang-Lin, Bill Gate… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái?
Câu 3. Anh/chị hiểu “ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình” và “năng lực để tự chịu trách nhiệm” nghĩa là gì?
Câu 4. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: Đã là con người thì phải lao động? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích trong phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc sáng tạo cái mới trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích sau:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.155)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Kết hợp phương thức biểu đạt nghị luận và tự sự.
- Nêu đúng một phương thức cho 0,25 điểm
Câu 2:
- Những người cha tỉ phú như Ya Pang-Lin, Bill Gates… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái vì họ có quan niệm rằng:
- Nếu con cái họ tài giỏi, chúng sẽ tự kiếm được tiền. Nếu chúng kém cỏi thì của cải có sẵn chỉ làm hại thêm (lười biếng, ỷ lại, sa vào các tệ nạn xã hội…).
- Đã là con người thì ai cũng phải kiếm sống để không chỉ phục vụ chính bản thân mình mà còn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
- Mỗi ý đúng cho 0,25 điểm
Câu 3:
- Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình: chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hành động, sự trưởng thành, về trí tuệ và nhân cách của chính mình.
- Năng lực để tự chịu trách nhiệm bao gồm: trí thức (hiểu biết về cuộc sống và thế giới xung quanh, kiến thức chuyên môn,…), khả năng lao động, sáng tạo và đạo đức (lòng trung thực, nghị lực sống, quan niệm sống đúng đắn,…).
Câu 4:
- Nêu rõ quan điểm đồng tình.
- Bởi vì lao động là trách nhiệm của mỗi con người, không chỉ để nuôi sống bản thân và phát triển những tiềm năng của mỗi con người, mà còn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Các cách lý giải của học sinh chân thực, lành mạnh, hướng thiện vẫn được chấp nhận và cho điểm tối đa.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Yêu cầu về nội dung:
* Nêu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Sáng tạo: tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần.
* Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của sự sáng tạo cái mới trong cuộc sống:
+ Tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển của xã hội
+ Cái mới sẽ là nguồn động lực kích thích trí tuệ của những người xung quanh
- Tại sao con người phải sáng tạo ra cái mới:
+ Cuộc sống không ngừng phát triển, con người cần tạo ra những cái mới để kịp với sự phát triển của xã hội
+ Cái mới luôn là sản phẩm của tư duy. Việc tạo ra cái mới cũng là thúc đẩy sự phát triển của tư duy.
- Nếu con người không tạo ra được cái mới thì cuộc sống sẽ trì trệ, xã hội sẽ kém phát triển,..
- Phê phán những người không chịu sáng tạo, luôn bằng lòng và thỏa mãn với mình của ngày hôm nay.
* Bài học liên hệ bản thân
Câu 2:
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Xuân Quỳnh là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, thuộc số những nhà thơ lớp đầu tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ có nhiều trắc ẩn, luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
- Sóng được sáng tác năm 1967 trong một chuyến Xuân Quỳnh đi vùng biển Diêm Điền (tình Thái Bình). Sóng là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
2. Phân tích
2.1. Khổ thứ nhất:
- Hình tượng “sóng” diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu:
Con sóng dưới lòng sâu
....
Dù muôn vời cách trở
- Khổ năm đọng lại một chữ “nhớ”. Nỗi nhớ gắn với không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, với “bờ”; nó bao trùm cả thời gian “ngày đêm không ngủ được”, và xâm chiếm tâm hồn con người, ngay cả trong vô thức “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Một tiếng “nhớ” mà nói được nhiều điều. Em đã hoá thân vào sóng. Sóng đã hoà nhập vào tâm hồn em để trở nên có linh hồn thao thức.
- Nghệ thuật tương phản để gợi ra những phạm vi không gian khác nhau “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, phạm vi thời gian khác nhau: "ngày” – “đêm”, nghệ thuật nhân hóa: “ngày đêm không ngủ được”, diễn tả nỗi nhớ dạt dào, triền miên của sóng với bờ cũng là nỗi nhớ của người phụ nữ khi yêu.
- Người phụ nữ bày tỏ nỗi nhớ một cách trực tiếp, mạnh dạn, chân thành “Lòng em nhớ đến anh”, cách nói thậm xưng “Cả trong mơ còn thức” thể hiện nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức, thường trực trong suy nghĩ.
=> Đây là khổ duy nhất trong bài có đến 6 câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 4 đề thi HK1 môn Ngữ văn 12 năm 2021-2022 Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !