YOMEDIA

Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Gia Định

Tải về
 
NONE

Mời quý thầy cô cùng các em học sinh tham khảo tài liệu Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Gia Định. Đề thi bao gồm các câu hỏi tự luận. Hy vọng bộ đề thi này sẽ giúp các em học sinh lớp 12 ôn tập môn Ngữ văn 12 hiệu quả và đạt điểm số cao trong kì thi Học kì 2 sắp tới.

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT GIA ĐỊNH

ĐỀ THI HK2

MÔN: NGỮ VĂN 12

NĂM HỌC: 2023-2024

(Thời gian làm bài: 90 phút)

Đề số 1

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì.[…]

Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời thì không quan hệ gì đến mình cả. Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vùng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa. Hãy trông những bọn thiếu niên con nhà kiều dưỡng (1), cả đời không dám đi đâu xa nhà, không dám làm quen với một người khách lạ; đi thuyền thì sợ sóng, trèo cao thì sợ run chân, cứ áo buông chùng quần đóng gót, tưởng thế là nho nhã, tưởng thế là tư văn (2); mà thực ra không có lực lượng, không có khí phách; hễ ra khỏi tay bảo hộ của cha mẹ hay kẻ có thế lực nào thì không có thể mà tự lập được.

Vậy học trò ngày nay phải tập xông pha, phải biết nhẫn nhục(3); mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì đã kêu chóng mặt,… ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi".

(Nguyễn Bá Học, Mạo hiểm, Dẫn theo SGK Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo Dục, trang 114).

(1) Con nhà kiều dưỡng: con nhà giàu sang, được cha mẹ chiều chuộng.

(2) Tư văn: văn nhã, có văn hóa.

(3) Nhẫn nhục: ở đây ý nói là chịu đựng gian khổ.

Câu 1. Xác định các thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Nguyên nhân của việc không dám mạo hiểm, xông pha vào khó khăn là gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Câu văn sau sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó: “Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì kêu chóng mặt,… ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi”. (1,0 điểm)

Câu 4. Trong những quyết định quan trọng, nếu mạo hiểm bao giờ cũng có những rủi ro nhất định, có thể thành công, có thể thất bại. Anh/chị suy nghĩ gì về điều đó? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Đọc hai đoạn văn mở đầu và kết thúc truyện Rừng xà nu dưới đây:

(4) Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.

Trong rừng ít có loài cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…

Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.

(5)… Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.

Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.

(Trích Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 38 và 48)

Từ hai đoạn văn trên cùng những hiểu biết về truyện ngắn Rừng xà nu, anh/chị hãy phân tích ý nghĩa của hình tượng cây xà nu và nhận xét cách mở đầu, kết thúc truyện của Nguyễn Trung Thành.

----Hết-----

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Thao tác lập luận: so sánh và bình luận.

Câu 2: Nguyên nhân chính của việc không dám mạo hiểm xông pha vào khó khăn là: vì không biết chịu nhẫn nhục chịu đựng khổ sở.  

Câu 3:

- Kể tên được hai biện pháp tu từ: liệt kê và điệp   

- Phân tích tác dụng: diễn tả đầy đủ, sâu sắc và nổi bật những thứ tiện lợi, đủ đầy, có sẵn làm con người ta yếu đuối, mất đi tinh thần mạo hiểm; đồng thời làm cho câu văn hài hòa, cân đối, nhịp nhàng…

Câu 4: Học sinh có thể có những suy nghĩ riêng song cần kiến giải hợp lý. Có thể tham khảo các ý sau:

- Ý thức và chấp nhận cả thành công và thất bại khi dám mạo hiểm quyết định trong cuộc sống vốn tồn tại nhiều khó khăn.

- Biết rút ra bài học từ những thất bại và tin tưởng vào sự thành công.

- Luôn hành động và sáng tạo để đạt được mục đích và sống cuộc sống ý nghĩa.

- Cần chiến thắng bản thân: tự rèn ý chí, sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm…

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

A. Yêu cầu về kỹ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, vận dụng linh hoạt các hình thức lập luận, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

B. Yêu cầu về kiến thức:

Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

1. Giới thiệu chung.

- Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến và có nhiều tác phẩm thành công về mảnh đất, con người nơi này.

- Truyện ngắn Rừng xà nu ra đời năm 1965, khi đế quốc Mỹ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam, là câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man.

- Cây xà nu là hình tượng nổi bật và xuyên suốt tác phẩm, đặc biệt ở hai đoạn mở đầu và kết thúc tác phẩm.

2. Phân tích ý nghĩa hình tượng cây xà nu.

a. Cây xà nu gắn bó với con người Tây Nguyên:

- Cây xà nu trong tác phẩm và các trích đoạn trước hết như một loài cây đặc thù, tiêu biểu của miền đất Tây Nguyên. Qua hình tượng cây xà nu, nhà văn tạo dựng một bối cảnh hùng vĩ và hoang dại đậm màu sắc Tây Nguyên cho câu chuyện.

- Cây xà nu gần gũi với đời sống của người dân làng Xô Man, là chứng nhân của những sự kiện quan trọng xảy ra với họ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ.

b. Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất số phận của con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh.

- Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đạn đại bác của kẻ thù gợi nghĩ đến những mất mát, đau thương mà đồng bào ta đã trải qua trong thời kỳ cách mạng miền Nam bị khủng bố ác liệt.

- Sự tồn tại kì diệu của rừng xà nu qua những hành động hủy diệt, tàn phá thể hiện sự bất khuất kiên cường, sự vươn lên mạnh mẽ của con người Tây Nguyên, của đồng bào miền Nam trong cuộc chiến đấu một mất một còn của dân tộc.

- Đặc tính “ham ánh sáng” của cây xà nu tượng trưng cho niềm khao khát tự do, lòng tin vào lý tưởng cách mạng của người dân Tây Nguyên, của đồng bào miền Nam.

- Khả năng sinh sôi mãnh liệt của cây xà nu cùng sự rộng lớn, bạt ngàn của rừng xà nu gợi nghĩ sự tiếp nối của nhiều thế hệ người dân Tây Nguyên đoàn kết bên nhau kháng chiến.

c. Nghệ thuật miêu tả cây xà nu.

- Kết hợp miêu tả bao quát lẫn cụ thể, khi dựng lên hình ảnh cả rừng xà nu, khi đặc tả cận cảnh một số cây.

- Phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan trong việc miêu tả những cây xà nu với vóc dáng đầy sức lực, tràn trề mùi nhựa thơm, ngời xanh dưới ánh nắng...

- Miêu tả cây xà nu trong sự so sánh đối chiếu thường xuyên với con người. Các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ, khoáng đạt của thiên nhiên, gợi những suy tưởng sâu xa về con người, về đời sống.

- Giọng văn đầy biểu cảm, mang cảm hứng ngợi ca.

3. Nhận xét cách mở đầu và kết thúc truyện ngắn.

- Nguyễn Trung Thành mở đầu và kết thúc truyện đều bằng hình ảnh rừng xà nu - kết cấu kiểu vòng tròn (đầu cuối tương ứng). Đây là kết cấu mở, thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả: con đường kháng chiến gian khổ đau thương nhưng anh hùng bất khuất, sức sống con người trường tồn, các thế hệ tiếp tục trưởng thành...

- Sự lặp lại trong cấu trúc và cách miêu tả khiến xà nu là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng toàn diện cho nỗi đau, phẩm chất, sức mạnh của người dân làng Xô Man, đồng bào Tây Nguyên, nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến gian khổ mà anh dũng của dân tộc.

4. Kết luận

- Nguyễn Trung Thành đã khắc họa thành công hình tượng cây xà nu tiêu biểu cho vẻ đẹp hào hùng, đầy sức sống của thiên nhiên và con người Tây Nguyên.

- Trong nghệ thuật miêu tả, chất thơ và chất sử thi hòa quyện nhuần nhuyễn thể hiện phong cách văn xuôi vừa say mê vừa trầm tư, vừa giỏi tạo hình, vừa giàu sức khái quát của nhà văn.

Đề số 2

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Có một lần tụ tập ăn uống cùng bạn bè, cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước, hốt hoảng kêu lên: “Chết rồi, làm thế nào bây giờ?", cậu bạn ngồi cạnh bật cười: “Nước đổ mất rồi, còn làm thế nào được nữa, lau đi thôi!". Câu chuyện trên chỉ là một tình huống nhỏ, nhưng lại mang đến một triết lý ít người hiểu thấu: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, không nhiều người có thể nắm bắt được triết lý này, khi ly nước bị đổ, nếu không tự oán trách thì họ sẽ chuyển sang tìm nguyên nhân, tự làm loạn suy nghĩ của mình, lãng phí thời gian và sức lực của bản thân, mà quên không làm một động tác đơn giản đó là lau sạch nó.

Chấp nhận hiện thực là một phần rất quan trọng nhưng cũng rất khó thực hiện trong cuộc sống. Dù bạn có thừa nhận hay không, cuộc sống vẫn biến mất không ngừng. Khi còn nhỏ, chúng ta sẽ mất đi răng sữa, lên trung học sẽ mất đi tuổi thơ, lớn thêm chút nữa thì mất đi mối tình đầu, mất đi tuổi thanh xuân, mất người thân, mất đi sức khỏe... Không mất đi thì sẽ không có tương lai. Mỗi lần đối diện với sự mất mát, nếu như chúng ta chỉ khư khư ôm lấy những ký ức từng có trong quá khứ, không muốn đối diện với thực tại, thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng thể tiến về phía trước, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Sự đổi thay này là một môn học bắt buộc trong quá trình trưởng thành của đời người. Chỉ khi chấp nhận sự thay đổi diễn ra trước mắt, chúng ta mới có được cuộc sống mới mẻ hơn.

Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao.

(Trích Sống chậm lại rồi mọi chuyễn sẽ ổn thôi, Alpha book biên soạn, NXB Lao động xã hội, 2014)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp trong câu: Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao.

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về triết lí được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước?

Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với câu nói: Không mất đi thì sẽ không có tương lai. Nêu rõ lí do tại sao.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu.

---------Hết---------

---(Nội dung đầy đủ, chi tiết vui lòng Xem Online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1.

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

* Cách giải:

- Phương thức biểu đạt: nghị luận.

Câu 2.

* Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

- Biệp pháp tu từ cú pháp: lặp cấu trúc : Nếu như mãi…Nếu như bạn…

- Tác dụng: cách lặp cấu trúc câu làm cho cách diễn đạt có tác dụng nhấn mạnh về một lời khuyên chân thành dành cho những người đang nuối tiếc quá khứ mà bỏ quên tương lai tươi đẹp trước mắt.

Câu 3.

* Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

* Cách giải:

Hiểu về triết lí được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước:

- Triết lí đó là: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó

- Cách hiểu: con người cần chấp nhận sự thay đổi, vạn biến của cuộc đời qua từng giờ, từng ngày. Từ những biến chuyển đó mà ta tiếp tục tiến về phía trước với niềm tin và hy vọng để có cuộc sống tốt đẹp hơn

Câu 4.

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Thí sinh có thể đồng tình/không đồng tình hoặc đồng tình một phần với câu nói: Không mất đi thì sẽ không có tương lai.

Cần có lí giải lí do hợp lí, hợp tình, hợp chuẩn mực pháp luật và đạo đức.

- Nếu đồng tình với câu nói: Quy luật cuộc sống là sự vận động không ngừng theo chiều hướng đi lên, tích cực. Những gì cũ kĩ, lạc hậu sẽ mất đi để thay vào đó là cái mới, cái tiến bộ…

- Nếu không đồng tình: Tuy chúng ta chấp nhận sự mất đi của sự vật, hiện tượng để hướng về tương lai nhưng thực tế cuộc sống vẫn có những điều không thể mất đi. Những giá trị tinh thần mang tính vĩnh hằng như niềm tin, đạo lí, chân lí, lòng tốt…luôn tồn tại bền vững trước thời gian nghiệt ngã.

- Nếu đồng tình một phần: kết hợp 2 ý trên.

Đề số 3

PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN ( 5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu bên dưới:

Ngạn ngữ có câu: thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá trị mà thời gian là vô giá.

Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.

Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi một anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm bắt thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.

Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là có lãi, không đúng lúc là thua lỗ.

Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.

Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.

(Phương Liên – Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục)

1. Hãy xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt chính của văn bản (1,0 điểm)

2. Hãy chỉ ra 01cụm từ trong văn bản nêu khái quát giá trị của thời gian ? (1,0 điểm)

3. Theo tác giả, thời gian có những giá trị nào? (1,0 điểm)

4. Anh/chị hiểu như thế nào về câu: Nhưng vàng thì mua được mà thời gian thì không mua được? (1,0 điểm)

5. Qua văn bản, anh/ chị rút ra bài học gì cho bản thân (viết 3-5 câu) (1,0 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (5 điểm)

Anh/chị hãy phân tích chi tiết nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Ngữ văn 12, Tập 2) để làm rõ tấm lòng nhân hậu và niềm tin bất diệt vào sự sống ở nhân vật bà cụ Tứ.

----Hết----

---(Nội dung đầy đủ, chi tiết vui lòng Xem Online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN ( 5,0 điểm)

Câu 1. Yêu cầu trả lời:

Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (0,5 điểm)

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận (0,5 điểm)

Câu 2. Yêu cầu trả lời: Cụm từ trong văn bản khái quát giá trị của thời gian : thời gian là vô giá ( 1,0 điểm)

Câu 3. Yêu cầu trả lời:

Theo tác giả, thời gian có những giá trị: thời gian là sự sống, thời gian là thắng lợi, thời gian là tiền, thời gian là tri thức. (Mỗi ý đúng 0,25 điểm)

Câu 4. Yêu cầu trả lời:

Câu : Nhưng vàng thì mua được mà thời gian thì không mua được được hiểu như sau:

- Vàng thì mua được: vì vàng là vật hữu hình nên dù là kim loại quý, rất có giá trị vẫn có thể mua bán, trao đổi được (0,5 điểm)

- Thời gian thì không mua được vì thời gian là khái niệm chỉ sự vận động chảy trôi của tạo hóa, nó là thứ vô hình và không thể nắm bắt, đã đi không trở lại (0,5 điểm)

Câu 5: Yêu cầu trả lời:

- Cần biết quý trọng thời gian, vì thời gian chính là giá trị của cuộc sống. (0,25 điểm)

- Mỗi người cần biết trân trọng từng giây, từng phút của hiện tại. (0,25 điểm)

- Cần sử dụng thời gian một cách hợp lí để có được hạnh phúc, vinh quang. (0,25 điểm)

-Tiết kiệm thời gian không có nghĩa là sống vội vàng, gấp gáp, chỉ biết tận hưởng mà cần dùng thời gian để học tập, lao động, cống hiến cho xã hội.(0,25 điểm)

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Gia Định. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON