Xin giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh tài liệu Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Hàn Thuyên. Đề thi bao gồm các câu hỏi tự luận. Hy vọng bộ đề thi này sẽ giúp các em học sinh lớp 12 ôn tập môn Ngữ văn 12 hiệu quả và đạt điểm số cao trong kì thi Học kì 2 sắp tới.
TRƯỜNG THPT HÀN THUYÊN |
ĐỀ THI HK2 MÔN: NGỮ VĂN 12 NĂM HỌC: 2023-2024 (Thời gian làm bài: 90 phút) |
Đề số 1
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Có một lần tụ tập ăn uống cùng bạn bè, cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước, hốt hoảng kêu lên: “Chết rồi, làm thế nào bây giờ?", cậu bạn ngồi cạnh bật cười: “Nước đổ mất rồi, còn làm thế nào được nữa, lau đi thôi!". Câu chuyện trên chỉ là một tình huống nhỏ, nhưng lại mang đến một triết lý ít người hiểu thấu: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, không nhiều người có thể nắm bắt được triết lý này, khi ly nước bị đổ, nếu không tự oán trách thì họ sẽ chuyển sang tìm nguyên nhân, tự làm loạn suy nghĩ của mình, lãng phí thời gian và sức lực của bản thân, mà quên không làm một động tác đơn giản đó là lau sạch nó.
Chấp nhận hiện thực là một phần rất quan trọng nhưng cũng rất khó thực hiện trong cuộc sống. Dù bạn có thừa nhận hay không, cuộc sống vẫn biến mất không ngừng. Khi còn nhỏ, chúng ta sẽ mất đi răng sữa, lên trung học sẽ mất đi tuổi thơ, lớn thêm chút nữa thì mất đi mối tình đầu, mất đi tuổi thanh xuân, mất người thân, mất đi sức khỏe... Không mất đi thì sẽ không có tương lai. Mỗi lần đối diện với sự mất mát, nếu như chúng ta chỉ khư khư ôm lấy những ký ức từng có trong quá khứ, không muốn đối diện với thực tại, thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng thể tiến về phía trước, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Sự đổi thay này là một môn học bắt buộc trong quá trình trưởng thành của đời người. Chỉ khi chấp nhận sự thay đổi diễn ra trước mắt, chúng ta mới có được cuộc sống mới mẻ hơn.
Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao.
(Trích Sống chậm lại rồi mọi chuyễn sẽ ổn thôi, Alpha book biên soạn, NXB Lao động xã hội, 2014)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp trong câu: Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao.
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về triết lí được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước?
Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với câu nói: Không mất đi thì sẽ không có tương lai. Nêu rõ lí do tại sao.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu.
---------Hết---------
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1
I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1.
* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
* Cách giải:
- Phương thức biểu đạt: nghị luận.
Câu 2.
* Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
- Biệp pháp tu từ cú pháp: lặp cấu trúc : Nếu như mãi…Nếu như bạn…
- Tác dụng: cách lặp cấu trúc câu làm cho cách diễn đạt có tác dụng nhấn mạnh về một lời khuyên chân thành dành cho những người đang nuối tiếc quá khứ mà bỏ quên tương lai tươi đẹp trước mắt.
Câu 3.
* Phương pháp: phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
Hiểu về triết lí được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước:
- Triết lí đó là: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó
- Cách hiểu: con người cần chấp nhận sự thay đổi, vạn biến của cuộc đời qua từng giờ, từng ngày. Từ những biến chuyển đó mà ta tiếp tục tiến về phía trước với niềm tin và hy vọng để có cuộc sống tốt đẹp hơn
Câu 4.
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Cách giải:
Thí sinh có thể đồng tình/không đồng tình hoặc đồng tình một phần với câu nói: Không mất đi thì sẽ không có tương lai.
Cần có lí giải lí do hợp lí, hợp tình, hợp chuẩn mực pháp luật và đạo đức.
- Nếu đồng tình với câu nói: Quy luật cuộc sống là sự vận động không ngừng theo chiều hướng đi lên, tích cực. Những gì cũ kĩ, lạc hậu sẽ mất đi để thay vào đó là cái mới, cái tiến bộ…
- Nếu không đồng tình: Tuy chúng ta chấp nhận sự mất đi của sự vật, hiện tượng để hướng về tương lai nhưng thực tế cuộc sống vẫn có những điều không thể mất đi. Những giá trị tinh thần mang tính vĩnh hằng như niềm tin, đạo lí, chân lí, lòng tốt…luôn tồn tại bền vững trước thời gian nghiệt ngã.
- Nếu đồng tình một phần: kết hợp 2 ý trên.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác, tác phẩm
- Nguyễn Minh Châu là một trong số “những nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất”. Ông luôn thiết tha truy tìm những hạt ngọc ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn.
- Chiếc thuyền ngoài xa in trong tập Bến quê, tác phẩm đem đến cái nhìn đúng đắn về cuộc sống và con người.
- Tác giả đã tìm thấy một trong những hạt ngọc ẩn giấu ấy trong tâm hồn người đàn bà hàng chài.
2. Phân tích
a. Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ vô danh có số phận bất hạnh.
* Ngoại hình:
- Xấu xí: “Trạc ngoài 40 tuổi, thân hình cao lớn, thô kệch”, “gương mặt với những nốt rỗ chằng chịt”, “cũng vì xấu, trong phố không ai lấy”.
- Không tên tuổi
* Số phận:
- Nghèo túng, đông con, thuyền chật:
+ Khi biển động, không thể đi biển: cả gia đình ăn xương rồng chấm muối. Đó là nỗi khổ vật chất và tinh thần.
+ Lưng áo bạc phếch, mặt mệt mỏi, tái ngắt, dường như đang buồn ngủ. Đó là kết quả của chuỗi ngày dài đối diện với hiểm nguy, đói khát.
+ Trải qua nhiều lần sinh nở, “có một sắp con trên dưới 10 đứa”.
+ Không gian sống lại là con thuyền lưới vó chật hẹp.
- Bị hành hạ vũ phu, thường xuyên: gã chồng lấy việc lấy vợ làm phương thức giải tỏa uất ức “trút cơn giận ... người đàn bà”, “”3 ngày một trận nhẹ, 5 ngày một trận nặng”.
+ Người đàn bà chịu đau đớn về mặt thể xác nhưng chị ta không kêu van, chạy trốn.
+ Chịu nhục nhã về tâm hồn: bị hành hạ bởi người mình yêu thương, làm tổn thương tâm hồn những đứa con nhỏ của bà. Đau đớn khi thằng Phát nhìn thấy cảnh tượng.
=> Nhận xét: người đàn bà là hiện thân cho kiếp người bất hạnh bị cái đói khổ, cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường.
b. Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài trước hết là ở lòng tự trọng:
- Bị chồng hành hạ, đánh đập tàn bạo. Thể xác bị chà đạp, tinh thần bị lăng nhục nhưng chị không khóc. Chỉ sau khi biết được hành động vũ phu của chồng bị thằng Phác và người khách lạ chứng kiến, chị mới thấy “Đau đớn – vừa đau đớn vừa xấu hổ nhục nhã”. Giọt nước mắt đau khổ của người đàn bà trào ra. Đó là nước mắt của người mẹ kiên cường chịu đựng vì con; nước mắt của con người có nhân cách có lòng tự trọng và thấu hiểu lẽ đời có một đức hi sinh cao thượng khiến ta nể phục.
* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài hiện lên qua tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha.
- Chị nhận hết phần thua thiệt về mình, nhận hết trách nhiệm về mình
- Bênh vực cho người chồng vũ phu, xin tha cho hắn.
* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài còn được thể hiện ở sự sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, sự từng trải.
- Với người đàn bà hàng chài, ẩn đằng sau lớp vỏ thất học, lam lũ kia, chị lại là người phụ nữ rất thấu hiểu lẽ đời.
+ Nhận ra sự ngây thơ, đơn giản trong suy nghĩ của nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu: “Các chú không phải người làm ăn... lam lũ”, theo người đàn bà, hai người họ thiếu sự từng trải, quen nhìn đời qua sách vở.
+ Người đàn bà xấu xí thất học ấy giúp người có học thức như Đảu và Phùng hiểu được nguyên nhân mình không bỏ chồng: muốn nuôi con khôn lớn “cần phải có người đàn ông... chục đứa”
+ Lặng lẽ kín đáo: tất cả những vẻ đẹp của chị ta đều không được bộc lộ ra bên ngoài.
=> Người đàn bà không chỉ là hiện thân cho nỗi thống khổ mà là hiện thân cho vẻ đẹp cao cả của người phụ nữ.
* Vẻ đẹp phẩm hạnh của người đàn bà hàng chài được thể hiện sâu sắc ở tình mẫu tử sâu nặng, đức hi sinh cao thượng, kiên cường bất khuất, chịu đựng tất cả vì con.
- Vượt lên trên sự cay đắng và cơ cực ấy, tình mẫu tử của chị tỏa sáng, đó chính là đức hi sinh cao thượng của một người phụ nữ luôn ý thức sâu sắc thiên chức làm mẹ.
+ Người phụ nữ truyền thống ấy luôn quan niệm: lấy chồng thì phải theo chồng rồi nuôi cho con khôn lớn. Chị chấp nhận tất cả vì con: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”.
+ Tình thương con ở người mẹ ấy sâu sắc đáng ngưỡng mộ. Vì thương con mà chị quặn lòng gửi thằng Phác lên rừng ở với ông ngoại nó. Vì thương con và để tránh sự tổn thương cho những tâm hồn con trẻ nên chị đã bảo lão chồng “có đánh thì đưa tôi lên bờ mà đánh”. Tình thương con ấy không chỉ gắn liền với cảm xúc, tình cảm mà còn gắn liền với lý trí và trách nhiệm của một người mẹ. Ths Phan Danh Hiếu.
+ Chị luôn nhìn về các con, lấy các con làm điểm tựa, là chỗ dựa tinh thần để sống. Trong câu chuyện ở toà án huyện, chị luôn nhìn ra ngoài bãi phá – nơi ấy, đứa con gái lớn của chị đang ngồi đợi chị trên chiếc mủng. Khi nhắc đến con, mắt chị sáng lên niềm vui và hạnh phúc. Câu trả lời của chị cũng đầy vẻ tự hào: “Vui nhất là thấy đàn con chúng tôi được ăn no”. Ths Phan Danh Hiếu. Chị đã lấy những niềm vui bé nhỏ góp nhặt trong cuộc đời để khỏa lấp niềm đau, lấy niềm tin để vá vết thương đời cay cực. Chị giống như con gà mẹ xòe đôi cánh che chở cho đàn con trước sự tấn công của loài chim ăn thịt. Tấm lưng chị như cánh buồm căng ra gánh chịu muôn chiều bão tố. Nhưng trước ngực, vòng tay chị lại tạo ra khung trời bình yên để các con chị được ấm êm trong giấc ngủ nồng nàn. Chính tình mẫu tử thiêng liêng cao thượng đã chấp cánh cho chị đưa đàn con bay vút lên trên sự cơ cực đói kém nhọc nhằn và lam lũ.
* Qua hình tượng người đàn bà hàng chài cùng tình huống truyện mang tính nhận thức và khám phá nhà văn muốn gửi người đọc thông điệp:
- Phùng chụp được bức ảnh chiếc thuyền ngoài xa dập dềnh trong sương sớm nhưng nó chỉ thực sự đẹp khi nó ở ngoài xa – một khoảng cách đủ để tạo ra một vẻ đẹp huyền ảo nhưng khi lại gần nó không còn được toàn bích nữa. Từ bức tranh thần tiên ấy bước ra một sự thật nghiệt ngã: cảnh lão đàn ông đánh vợ, đứa con vì thương mẹ mà đánh lại người cha – đi ngược với luân lý của xã hội. Cuộc sống vốn vậy cái thiện luôn song hành bên cạnh cái ác; niềm vui luôn song hành với nuỗi buồn; cái đẹp luôn song hành cùng cái xấu… Đó là những tồn tại nghịch lý. Cuộc đời như khối vuông rubich, mỗi vòng xoay lại mang một sắc màu trộn lẫn. Nếu chỉ nhìn một phía, một chiều chắc chắn sẽ không đánh giá đúng sự vật hiện tượng. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ đánh giá lệch lạc phiến diện. Vậy cần phải có cái nhìn đa diện nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản “Nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức”.
- Thông điệp thứ hai: nghệ thuật phải gắn liền với cuộc đời, là tiếng nói của cuộc đời. Nghệ thuật phải vươn tới chiều sâu của cuộc sống, phải xuất phát từ vấn đề con người và vì con người.
* Nghệ thuật:
- Cốt truyện hấp dẫn.
- Nghệ thuật khắc họa nhân vật.
- Xây dựng tình huống truyện độc đáo.
- Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở.
- Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo.
3. Kết luận
Đề số 2
PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN ( 5 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi nêu bên dưới:
Ngạn ngữ có câu: thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá trị mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi một anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm bắt thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là có lãi, không đúng lúc là thua lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
(Phương Liên – Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục)
1. Hãy xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt chính của văn bản (1,0 điểm)
2. Hãy chỉ ra 01cụm từ trong văn bản nêu khái quát giá trị của thời gian ? (1,0 điểm)
3. Theo tác giả, thời gian có những giá trị nào? (1,0 điểm)
4. Anh/chị hiểu như thế nào về câu: Nhưng vàng thì mua được mà thời gian thì không mua được? (1,0 điểm)
5. Qua văn bản, anh/ chị rút ra bài học gì cho bản thân (viết 3-5 câu) (1,0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN (5 điểm)
Anh/chị hãy phân tích chi tiết nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Ngữ văn 12, Tập 2) để làm rõ tấm lòng nhân hậu và niềm tin bất diệt vào sự sống ở nhân vật bà cụ Tứ.
---------Hết---------
---(Nội dung đầy đủ, chi tiết vui lòng Xem Online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 2
PHẦN I: ĐỌC HIỂU VĂN BẢN ( 5,0 điểm)
Câu 1. Yêu cầu trả lời:
Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (0,5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận (0,5 điểm)
Câu 2. Yêu cầu trả lời: Cụm từ trong văn bản khái quát giá trị của thời gian : thời gian là vô giá ( 1,0 điểm)
Câu 3. Yêu cầu trả lời:
Theo tác giả, thời gian có những giá trị: thời gian là sự sống, thời gian là thắng lợi, thời gian là tiền, thời gian là tri thức. (Mỗi ý đúng 0,25 điểm)
Câu 4. Yêu cầu trả lời:
Câu : Nhưng vàng thì mua được mà thời gian thì không mua được được hiểu như sau:
- Vàng thì mua được: vì vàng là vật hữu hình nên dù là kim loại quý, rất có giá trị vẫn có thể mua bán, trao đổi được (0,5 điểm)
- Thời gian thì không mua được vì thời gian là khái niệm chỉ sự vận động chảy trôi của tạo hóa, nó là thứ vô hình và không thể nắm bắt, đã đi không trở lại (0,5 điểm)
Câu 5: Yêu cầu trả lời:
- Cần biết quý trọng thời gian, vì thời gian chính là giá trị của cuộc sống. (0,25 điểm)
- Mỗi người cần biết trân trọng từng giây, từng phút của hiện tại. (0,25 điểm)
- Cần sử dụng thời gian một cách hợp lí để có được hạnh phúc, vinh quang. (0,25 điểm)
-Tiết kiệm thời gian không có nghĩa là sống vội vàng, gấp gáp, chỉ biết tận hưởng mà cần dùng thời gian để học tập, lao động, cống hiến cho xã hội.(0,25 điểm)
Đề số 3
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Thay đổi là chuyện đương nhiên, vì thế hãy ngưng than vãn để nhìn nhận mọi chuyện theo hướng tích cực. Phần lớn chúng ta đều được nuôi dưỡng để lớn lên là những người biết suy tính cẩn thận. Trước khi nói phải nhớ “uốn lưỡi 7 lần”. Làm việc gì cũng phải “nhìn trước ngó sau”, phải “nghĩ cho chín”. Nhưng điều gì cũng có hai mặt. Chính thói quen suy nghĩ quá nhiều, cẩn thận quá mức đã cướp đi sự tự tin, khiến ta nhìn đâu cũng thấy người xấu, ngồi đâu cũng nghe chuyện xấu. Như vậy, khi hoàn cảnh biến chuyển và khó khăn hiện hữu, ta sẽ chỉ thêm sợ hãi và lo lắng bởi chỉ biết suy nghĩ tiêu cực.
Bên cạnh đó, đặc điểm chung của những người thành công là không ngủ quên trên chiến thắng. Kể cả khi đã có những chiến tích lớn, họ vẫn không ngừng làm mới mình. Tờ báo lừng danh Washington Post có lẽ đã sớm lụn bại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của truyền thông hiện đại nếu ông chủ Jeff Bezos không nhanh chóng cải tổ lại bộ máy “già nua”. Ông cho xây hẳn một tòa soạn mới theo mô hình tân tiến nhất, lắp đặt các thiết bị hiện đại để hỗ trợ phân tích số liệu, nhu cầu đọc của độc giả… và đẩy mạnh sản xuất các tác phẩm báo chí mới mẻ bắt kịp xu hướng. Hay gần gũi hơn với chúng ta là sự thay đổi không ngừng của Facebook. Mặc dù đã có hơn 1 tỷ người dùng toàn cầu, Mark Zuckerberg và các cộng sự vẫn liên tục cập nhật các tính năng mới để tối đa thời gian chúng ta “lang thang” trên mạng xã hội này.
Cuộc sống không ngừng biến chuyển, và chúng ta cần phải biết thích ứng linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Hãy nhớ rằng, bất cứ ai trên đời cũng phải thay đổi nếu không muốn bị tụt hậu. Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình. Nếu phá vỡ được mọi xiềng xích đang kìm hãm tiềm năng bản thân, bạn nhất định sẽ có thể chinh phục chặng đường chông gai trước mắt!”
(Chàng tí hon, miếng pho mát và bài học về sự thay đổi, VÂN ANH SPIDERUM, theo trí thức trẻ 20:55 05/04/2017)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2 (1,0 điểm). Theo tác giả, đặc điểm chung của những người thành công là gì?
Việc trích dẫn các ví dụ về những người đã thành công trong văn bản có tác dụng gì? Câu 3 (0,75 điểm). Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến: “Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình”?
Câu 4 (0,75 điểm). Anh (chị) có đồng tình với quan niệm: “Chính thói quen suy nghĩ quá nhiều, cẩn thận quá mức đã cướp đi sự tự tin, khiến ta nhìn đâu cũng thấy người xấu, ngồi đâu cũng nghe chuyện xấu?” Vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung của phần Đọc - hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ: Làm thế nào để không bị tụt hậu so với xã hội hiện nay?
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về sự thật ở đằng sau bức ảnh đẹp qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
---------Hết---------
---(Nội dung đầy đủ, chi tiết vui lòng Xem Online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3
Phần/câu |
Yêu cầu nội dung |
Điểm |
|
I |
Đọc hiểu |
3,0 |
|
1 |
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận. |
0,5 |
|
2 |
- Theo tác giả đặc điểm chung của những người thành công đó là: là không ngủ quên trên chiến thắng. Kể cả khi đã có những chiến tích lớn, họ vẫn không ngừng làm mới mình. - Tác dụng: Khẳng định những người thành công là không ngủ quên trên chiến thắng. Kể cả khi đã có những chiến tích lớn, họ vẫn không ngừng làm mới mình. |
0,5 0,5 |
|
3 |
Giải thích ý kiến: “Trong quá trình đối mặt với những biến động trong cuộc đời, rào cản lớn nhất của mỗi người suy cho cùng đều là chính mình”? - Muốn vượt qua được những biến động của cuộc đời thì trước hết con người phải vượt qua được bản thân mình trước vì bản thân chính là rào cản lớn nhất. - Bản thân luôn là yếu tố chi phối và quyết định những suy nghĩ và hành động của mỗi người. |
0,75 |
|
4 |
Học sinh có thể bày tỏ quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến, nhưng cần có sự lí giải thuyết phục thì mới cho điểm tối đa. |
0,75 |
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn 12 năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Hàn Thuyên. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !